Phổ nhập

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nhạc và giọng hát: Camille Huyền

 

 

Mặt trời đã đi vào trong tôi

Mặt trời đã đi vào với đám mây và dòng suối.

Tôi đã đi vào dòng suối

Tôi cũng đã rủ mặt trời cùng đi

Chúng ta không lúc nào không tương nhập.

Trước khi mặt trời đi vào trong tôi

Tôi đã có mặt trời

Tôi đã có đám mây và dòng suối.

Trước khi tôi đi vào dòng suối

Dòng suối đã có sẵn tôi

Chúng ta không lúc nào không tương tức.

Bởi vậy chừng nào em còn thở

Thì em đừng bảo là tôi không có trong em.

Con cá dung thông

Thơ và nhạc: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Sư cô Chân Không

 

 

Em là ngư dân trên biển sâu kéo lưới

Nước da em thơm mùi biển mặn

Những bắp thịt em cuộn tròn dưới nắng

Tôi là con cá thu vẩy vi lấp lánh

Giãy giụa tuyệt vọng cùng với hàng ngàn con cá khác

Trong lòng lưới em căng

Tôi nằm hấp hối trên khoang thuyền

Em phải bắt tôi vì sự sống của em.

 

Em cũng là một người thiếu phụ

Ở ngoài chợ xách giỏ đứng nhìn

Tôi đã chết rồi nhưng mắt tôi chưa nhắm

Thịt tôi còn thơm lắm

Mang tôi vẫn còn đỏ hồng.

Em mua tôi về chặt tôi ra làm nhiều mảnh

Bỏ vô nồi

Bữa cơm chiều ấm áp mùa đông.

Có tôi, em và các con em có mâm cơm nóng

Dưới mái tranh mọi người ấm bụng

Còn ai nhận được ra tôi nữa

Khi sắc-không ẩn hiện xoay vòng.

 

Một  trăm ngàn kiếp làm thân con cá biển cá sông

Tôi đã vào ra bơi lội thong dong

Nhà cửa không gian có khi đẹp hơn là bích ngọc

Thế giới của tôi có đủ màu xanh, màu đỏ, màu hồng.

 

Và tôi đã học thuộc lòng

Bài học bỉ-thử dung thông

Để mỗi khi sa vào lưới 

Được chết thong dong

Không hận thù, không tuyệt vọng

Bởi vì tôi biết sự sống làm bằng sự chết

Cái có làm bằng cái không 

Mọi loài tương tức

Tôi và em dung thông.

 

 

 

 

Uyên Nguyên

Thơ và nhạc: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Sư cô Chân Không

 

 

Himalaya là dãy núi nào?
Trong tôi có một ngọn hùng phong đỉnh vươn cao trời mây khói
Hãy đến cùng tôi dưới chân hùng phong không tên gọi
Ngồi trên những tảng đá xanh không tuổi
Lặng nhìn thời gian xe từng sợi tơ óng ánh
dệt thành bức lụa không gian

Sông Cửu Long chảy nơi đâu?
Trong tôi có một trường giang cuồn cuộn,
không biết đã bắt nguồn tự chốn thâm sơn nào
Ngày đêm nước bạc phăng phăng cuốn về nơi vô định
Hãy cùng tôi tới thả thuyền trên dòng hung mãnh
Để cùng tìm về chung đích của vũ trụ bao la.

Andromeda là tên của đám mây sao nào?
Trong tôi có một tinh hà chuyển vận âm thầm
muôn triệu tinh cầu sáng chói
Hãy cùng tôi bay, rách lưới không gian, đường mây mở lối,
Tiếng đập cánh của anh sẽ gây chấn động tới mỗi vì sao xa.

Homo sapiens là tên giống sinh vật nào?
Trong tôi có một chú bé tay trái vén màn đêm,
tay phải cầm một bông hoa mặt trời làm đuốc
Hai mắt bé là hai vì sao, tóc bé bay cuồn cuộn
như mây trên khu rừng già giông bão
Hãy cùng tôi tới hỏi bé tìm chi và đang đi đâu?
Đâu là uyên nguyên? đâu là quy xứ?
đường về có những ngã nào?
Ô hay, bé chỉ mỉm cười
Bông hoa trên tay bé
Bỗng trở thành một mặt trời đỏ chói
Rồi bé một mình lững thững đi tới giữa những vì sao.

Quê hương tuổi nhỏ

Thơ và nhạc: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Thầy Pháp Niệm

 

 

Nghe

Hoa cau

Quyến rũ

Nắng chiều muộn

Thoi thóp kêu thành tiếng

Không gian đọng

Cánh chim trắng

Vọng

Bến bờ xưa.

Cô thôn chiều nổi gió

Áo lụa bay

Cầu ô thước

Sông nước

Cồn cỏ

Con nghé nhỏ

Đuổi chạy mặt trời

Tiếng tù và giục giã

 

Khói sương

Cơm chiều lửa đỏ

Mái rạ thấp

Tôi ra gọi em về

Nhưng chỉ thấy

Bốn bề

Hư vô giăng mắc.

Hộ trì sáu căn

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nhạc: Sư cô Hoa Nghiêm

Giọng hát: Lô Thuỷ

 

Bông hoa vàng trong cỏ

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Sư cô Định Nghiêm

 

Buổi sáng em đang đi thiền hành
chợt một  bông hoa vàng trong cỏ trông thấy em
Bông hoa nghiêng nghiêng mĩm cười
rồi bông hoa hỏi
‘‘Em có biết là Bụt thương em không‘‘ ?
 
-Em biết Bụt thương em!
mà Bụt cũng thương mọi người và mọi loài khác nữa
Bụt thương con sóc, con nai
con muỗi, con trùng, con chim, con cá
Bụt lại thương những loài cỏ cây
và thương luôn những loài đất đá.
 
Hoa ơi, hãy cùng em sung sướng
chấp nhận tình thương
để từ hôm nay phân chia hạnh phúc
trên mọi nẽo đường.
 
Hoa ơi, em hãy chấp tay thành bông sen búp
Xin nguyện đi trên con đường tuyệt vời của Bụt
Con đường hiểu biết, con đường thương yêu.
 
Em xin học thở học cười
để chuyển hoá những nỗi buồn cơn giận
để trái tim em làm ra tình thương rất ngọt
thành nụ cười rạng rỡ trên mắt và trên môi.
 
Hoa ơi, hoa hãy giúp em
Nai ơi, sóc ơi, chim ơi, cá ơi, cỏ cây ơi, đất đá ơi
chúng ta hãy cùng nâng đỡ nhau
trên con đường thực tập.
 
“Sư Ông Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) viết bài thơ này cho các em thiếu nhi vào năm 1992, và ngay sau đó, Sư Ông lại phổ nhạc để cho các em hát.
Em có biết là Bụt thương em không? Em có biết là Sư Ông cũng thương em không?

Khi còn là một thầy tu trẻ ở độ tuổi hơn hai mươi, Sư Ông đã thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ các thiếu nhi và thành lập các đoàn thiếu nhi Phật Tử. Sau này sống ở phương Tây, Sư Ông là vị thầy đầu tiên mở các khóa tu dành cho thiếu nhi. Trung tâm tu học Làng Mai mà Sư Ông thành lập ở Pháp cũng là nơi đầu tiên đón nhận đông đảo thiếu nhi về tu học chung với các phụ huynh. Các em đã được Sư Ông giảng cho những bài pháp riêng, được Sư Ông nắm tay đi thiền hành, được ngồi chơi với Sư Ông. Các em hạnh phúc đã đành mà các bậc phụ huynh còn hạnh phúc nhiều hơn nữa khi thấy con em mình được tắm trong tình thương của Sư Ông. Khi biết cách thương thì càng thương càng hạnh phúc và càng có khả năng làm cho nhiều người hạnh phúc. 

 

Ý thức em mặt trời tỏ rạng

Thơ và Nhạc: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Trịnh Hồng Minh

 

 

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh

Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm

Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi

Cho em bầu trời bao la

Mặt trời lên cao

Rừng cây ý thức

Mặt trời lên cao

Rừng cây vươn nắng chan hòa.

 

Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương

Hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về phương Đông chói sáng

Ý thức em mặt trời tỏ rạng

Bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm.

 

Biển động, tai em nghe tiếng triều dâng

Xôn xao mây bốn phương trời lồng lộng

Quê hương thân yêu ngát hồ sen thơm

Quê hương hàng dừa ven sông

Ruộng đồng vươn vai cười theo bông lúa

Ruộng đồng vươn vai

Cười mưa vui nắng trăm mùa.

 

Đất mẹ cho em hương quế tần ô

Tía tô rau húng rau ngò mầu nhiệm

Mai đây xanh tươi núi đồi quê hương

Mai đây lộc đời lên nhanh

Ngọt lời ca dao, trần gian vui hát

Ngọt lời ca dao, mầu xanh đưa bước chân người.

Tươi son bền sắt

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng ngâm: Thầy Từ Hải

 

 

Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm

bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao

lòng quê dù vẫn khát khao

hoa mai cứ nở đồi cao gọi mời

tháng tư lá lục hoa cười

cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân

vườn xanh cây mướp trổ bông

trẻ thơ đùa dỡn trước sân nắng đào

chợ Văn bán sách lầu cao

muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

 

xót quê lòng có ngậm ngùi

tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng

chùa xưa vắng tiếng chuông ngân

trẻ kia cha mẹ gửi thân tù đày

văn nhân nghệ sĩ bó tay

con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng

sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan

bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

 

tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu

nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần ?

trước sau xin chớ ngại ngùng

những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

giữ cho bền sắt tươi son

giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

 

còn đây nắng gọi đồi cao

còn đây những gốc anh đào trước sân

còn đây trăng đẹp đêm rằm

còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa.

Chân dung

Thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trình bày: Thầy Pháp Niệm

 

 

Gió sớm mai hồng lật những trang ngà

Tập thơ thời gian vô cùng dệt bằng tơ lụa không gian,

đóng bìa xanh rừng thẳm

Những trang thơ mênh mang lòng đại dương bát ngát

Tôi tìm bài thơ chân dung Em, nét chữ lung linh sắc hoa mầu lá

Trời cao đã cho đại dương sâu ngôi sao đẹp nhất của mình

Muôn đời mắt em ngời sáng

Trùng điệp sóng dồn về cát trắng

Trinh nguyên vừng trán phương Đông.

Gió mai thoảng về hơi thở

Cành lá thì thầm để rơi những giọt sương trời lác đác

Tây phương da trời là suối, những sợi tơ trời vén gọn,

để cho trăng nở tuyệt vời

Mưa, ôi những sáng tuôn mưa – trời đất chuyển mình,

dồn dập thét gào, những đọt cau xa oằn oại,

những con chim trong màn mưa bạc,

Tôi quỳ xuống rưng rưng. Tiếng gọi của em từ bản thể

vọng về, tôi gục đầu lắng hết tâm tư, mắt đầm lệ nhớ

Trưa, ôi những buổi trưa lắng vào tuyệt đối – trời cao xanh ngắt,

bâng khuâng nghe  tiếng gọi tôi về

Tiềm thức dâng tràn u hoài của thăng trầm mấy kiếp

Lá đón nắng hồng mai đến : chiếc áo tháng tư nhẹ sắc,

thoáng hương kỳ ảo mùa Xuân

Em khắp nơi

Và đôi bàn tay em, đôi bàn tay, hoa nở tuyệt vời trên sự sống

Phép mầu hiển hiện khi những ngón tay ngà hé mở :

Chim bồ câu xòe cánh trắng

Cao vút trời xanh hòa bình tỏa rạng – tiếng ngợi ca

vẳng lại tự những tinh cầu xa…

Đêm bình yên. Trời cao. Biển dâng từng đợt sóng

Và đợt sóng cao, to

Hào hùng hơn cả

Đang vươn mình tìm tới tận chân trời.

Nét chữ trăng sao trên tờ thơ mầu nhiệm

Em về : hoa hồng hé cánh

Tia nắng đầu reo vui trên mầu hoa đại còn đẫm ướt sương khuya

Nụ cười tới trên cánh hồng sen úp mi, hé nở :

Bờ xanh xanh, hương xa gọi về muôn huyễn tượng

Long lanh mặt trời chói rạng trong ngàn sương đọng giọt.

Mắt mờ hoen lệ

Trước nhiệm mầu biểu hiện

Tôi mỉm cười nhìn mây nước :

Bài thơ em hé vườn sáng chân như.

 

Ảo hoá

Thơ và Nhạc: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giọng hát: Sư cô Thi Nghiêm

 

 

Mí mắt chân trời mỏi

đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa

đêm về thơm giấc cỏ hoa

ảo hoá

bàn tay gió dậy

ngân hà nến ngọc lung linh

khung cửa lưng đồi bỏ ngỏ

sao băng vụt cháy lời kinh

vạn kiếp xoay quanh vòng mộng mị

đêm nay chợt thấy chân hình.