Tu là hiếu thảo

Năm 2016, từ Làng Mai, con chuyển về Diệu Trạm ở Huế để tu tập. Đồng thời, đó là cơ hội được về thăm gia đình ba mẹ.

Trong lúc thăm gia đình, thì đã thấy ba đau phổi hay sốt khi trời lạnh. Ba phải tiêm kháng sinh, còn mẹ thì hay quên và suy nghĩ tiêu cực khi mẹ vẫn sinh hoạt như mọi người.

Hết phép, con về Diệu Trạm nhập chúng và an cư năm 2016. Trong an cư, con thực tập thở cho ba và lạy sám pháp cầu an cho mẹ. Mãn an cư, con xin phép về nhà hai tuần để đưa mẹ đi khám và tiện ở gần để chăm sóc cho ba. Con thấy mẹ thường ở trong bóng tối tự nói chuyện một mình, thường nghĩ tiêu cực về người khác. Con nghĩ rằng nguyên nhân là mẹ bị sốc từ khi em trai con chết. Bởi vì cái chết của em, mẹ nghĩ là do mẹ. Nỗi ám ảnh kéo dài qua tháng năm, có khi mẹ ngủ hay la hét trong giấc mơ. Con được một bạn tu giới thiệu, con dẫn bác sĩ chuyên khoa về thần kinh khám bệnh cho mẹ, chụp MRI. Nhìn phim, bác sĩ cho biết mẹ bệnh teo não và trầm cảm. Bác sĩ hỏi vài câu, mẹ trả lời sai ý câu hỏi của bác sỹ. Sau khi đọc MRI, bác sĩ nói với con “muộn quá rồi, một khi đã teo não thì không có thuốc chữa trị được”. Mẹ cảm nhận được là mẹ bị bệnh nặng không chữa được. Con thương mẹ mà không cầm được nước mắt.

Tình cảnh của ba mẹ như vậy, con xin phép đại chúng ở chăm sóc cho ba mẹ thêm nữa và đại chúng hoan hỷ. Con chưa bao giờ xa đại chúng lâu dài như thế. Con phải thực tập sao cho thấy tăng thân nơi con. Con đã trải qua nhiều buồn vui lo lắng cô độc, lẻ loi do thiếu bạn đồng tu. Nhưng nhờ hơi thở, nhờ pháp thoại của Sư Ông đã giúp con có sức mạnh hơn khi thực tập ở nhà. Sau vài tháng chăm sóc, con bắt đầu có dấu hiệu đuối sức mà tình trạng của ba mẹ chưa thấy thuyên giảm, nên con gọi sư em con – đứa con gái khác của mẹ đang tu học ở Thái Lan về giúp. Sư em về, không khí gia đình trở nên vui hơn nhiều. Chị em con nương nhau để tu học và chăm sóc ba mẹ. Lúc đó, con thấy rõ, có em cùng đi tu là một món quà quý giá biết bao. Nếu ở đời, chúng con đâu có thể có điều kiện chăm sóc cho ba mẹ được như thế này.

Ba con hằng ngày sống và khuyên dạy các con bằng kinh nghiệm của ba. Chúng con rất kính trọng ba, dù sự yêu thương của ba lúc nào cũng nghiêm khắc, tuy vậy, có lúc lại rất nhẹ nhàng. Anh chị em con sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, không bao giờ dùng đòn roi, không bắt buộc điều gì với chúng con. Ba lại rất thỏa lòng khi có ba chị em con đi tu. Ba rất vui mỗi khi đến tu viện thăm chúng con, thấy con mình hạnh phúc và có nơi tu tập đúng chánh pháp để giúp đời an lạc là ba rất yên tâm. Ba bệnh nặng, những đau đớn nơi thân thể làm cho ba khô gầy nhưng ý chí ba rất kiên cường. Năm tháng cuối đời, đau đớn, mệt nhọc rất nhiều như vậy mà lúc nào thấy trong người hơi khỏe là ba lại đem kinh và mở pháp thoại ra nghe.

Ba rất thích nghiên cứu Duy biểu của Sư Ông. Ba là huynh trưởng trong GĐPT và thường giảng dạy cho đoàn sinh nên ba nghiên cứu giáo lý rất nhiều. Ba có nhiều kinh sách để học, ba cũng rất thích tụng kinh. Mỗi khi con về nhà thì hai cha con cùng tụng kinh, ba thỉnh mõ, con thỉnh chuông, có lúc mẹ cũng lên tụng kinh. Tụng kinh tiếng Việt có nội dung hướng dẫn tu tập nên tụng cũng là tu. Những giây phút đó nuôi dưỡng con rất nhiều. Lúc ba bệnh ung thư vòm họng, tụng kinh không rõ, không đủ sức nữa, vì chữa bằng xạ trị nên cổ họng teo hẹp, ăn uống rất khó khăn. Con tìm cách nấu cho ba thức ăn vừa đủ dinh dưỡng vừa mềm để dễ nhai nuốt. Ba đã giảm lượng cơm, mỗi bữa ba chỉ dùng chưa đầy một chén. Trước đây, ba dùng đều đặn sáu chén mỗi ngày. Ba sợ con buồn nên ba đã nói: “Ba không khoẻ nên không ăn được nhiều. Ít bữa, ba khoẻ, ba sẽ ăn ngon và ăn nhiều hơn”. Khi phải ăn ít hơn, chúng ta ăn có chánh niệm thì vẫn nuôi dưỡng được thân và tâm của mình và của người thân nữa. Ngày nào ba cũng đau, chiều chiều thì bị sốt. Có nhiều đêm nghe tiếng ba rên, con vào thì thấy ba ngồi và run cầm cập. Nhiều đêm liên tục, ba mất ngủ nên sức khoẻ của ba mau suy giảm. Con đem ba đi chữa trị nhiều nơi, bác sỹ đều lắc đầu, bệnh ba không thuyên giảm, khiến con lưu tâm thực tập trong chăm sóc mong ba được thêm thoải mái.

Lần cuối cùng, Ba đau nặng nhất, phải nhập viện, đây là lần có nhiều sư anh, sư chị, sư em con trong tăng thân đến chăm sóc cho Ba tại bệnh viện với chúng con. Một sự chăm sóc đầy đủ và đúng lúc. Các sư chị, sư em con tận tình giúp ba thở nhẹ và bình an cho lắng dịu nỗi đau lớn trong thân. Ba mỉm cười, gửi niềm thương yêu đến chỗ đau rất hết lòng. Nhờ vậy ba bình an nuôi dưỡng mọi người. Nhờ có tăng thân, chúng con chăm sóc cho ba đỡ nhọc nhằn và tinh thần vững hơn. Thời gian này, ngày nào cũng có người đến thăm, khích lệ tinh thần cho ba. Được nhiều người thương như Pháp, chúng con được tưới tẩm dòng nước hiểu biết, thương yêu.

Những giây phút cuối của mình, ba đã cùng các sư anh, sư chị, sư em và mọi người niệm danh hiệu Bồ Tát Lắng Nghe – vị Bồ Tát mà ba rất ngưỡng mộ. Ba cùng niệm theo đã giúp ba ra đi trong mãn nguyện. Ba biết ơn quý thầy, quý sư cô và đạo hữu đoàn sinh đã yểm trợ bằng chánh niệm cho ba lúc bệnh, lúc hấp hối và lúc ra đi. Đó là một sự hộ niệm tối quan trọng. Vì Thầy chúng con đã dạy: Có chánh niệm thì sự cầu nguyện mới có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cầu nguyện mà thiếu năng lượng chánh niệm, nhất là năng lượng tập thể ở đây và khắp chốn thì vẫn rất cần và rất quý, song hiệu quả thế nào là còn tuỳ thuộc rất nhiều nhân duyên. Bên cạnh đó, cầu nguyện lại còn tuỳ thuộc vào đương sự có biết giáo pháp và sự thực tập giáo pháp. Nếu có sự kết hợp cả hai sẽ tạo thành một năng lượng mang lại hiệu quả lớn lao. Mình sống ra sao thì tương lai tương xứng với hiện tại. Tương lai trong sát na vô thường và tương lai qua nhất kỳ vô thường. 

 

 

Ba mất, mẹ con khóc rất nhiều, trong thời điểm ấy bệnh tình của mẹ chưa nặng lắm. Theo thời gian, từ từ bệnh của mẹ con nặng hơn. Ban đầu thì quên, bất cứ thứ gì mẹ con cũng đều cất hết. Cho nên, mỗi khi cần dùng gì thì không thấy nên phải đi tìm. Như lúc nấu ăn tìm kiếm mãi mới thấy con dao do mẹ đem cất ở trong tủ lạnh. Cho tới chìa khoá xe, giấy tờ xe mẹ đều lấy cất nếu mình để ra cho mẹ thấy. Quý thầy, quý sư cô đến thăm, lúc về tìm dép không ra, bởi mẹ đã bỏ vào trong bao đựng rác. Mẹ bẻ hái cả hoa trong vườn… Có quá nhiều thay đổi trong mẹ. Mẹ sống và làm ngược lại với sinh hoạt bình thường. Có khi mẹ hiểu lầm người khác nói gì đó, rồi giận hờn và buồn tủi. Mẹ hay khóc, đòi về nhà, mặc dù mẹ đang sống trong chính căn nhà của mẹ. Hiện tại, mẹ còn nhớ được tên các con, nhưng theo con tìm hiểu, đến một lúc mẹ sẽ quên hết mọi thứ, rồi nằm một chỗ, sống đời thực vật. Do đó, chị em con đã tranh thủ dẫn mẹ đi chơi, đi suối.. cho mẹ khuây khoả khi mẹ còn ý thức được chút ít. Chị em đã tìm mọi cách chữa trị với hy vọng may ra giúp mẹ giảm bệnh.

Bao nhiêu thay đổi mỗi ngày mỗi tệ của mẹ, chúng con có lúc cũng chợt bực mình, nhưng vẫn nhắc nhau nhớ rằng “Mẹ đang bệnh” để lắng dịu cảm xúc và khởi tâm thương mẹ nhiều hơn. Nếu không có thực tập pháp môn, không biết chúng con sẽ sống ra sao?

Bây giờ, mẹ không còn biết gì nữa. Đến bữa chúng con giúp mẹ ăn thì mẹ ăn, mời đi ngủ thì ngủ, chăm sóc mọi bề cho mẹ. Hai chị em con cũng đuối sức vì ban đêm thay nhau ngủ bên mẹ. Mẹ ban đêm hay lên cơn co giật. Em trai con cũng được chúng Tu viện Vườn Ươm, Làng Mai Thái cho phép về yểm trợ thêm năng lượng cho chị em con. Chị em chúng con rất trân quý tình cảm ruột thịt, tình cảm tăng thân. Ban ngày, mẹ đi không biết tránh những gì trước mặt nên cứ đụng vào tường, sưng đầu, sưng trán. Chúng con dẹp hết bàn ghế để mẹ lui tới ít nguy hiểm hơn. Cửa phòng, cửa nhà và cổng đều được đóng kín để mẹ khỏi ra ngoài, mẹ dễ bị té ngã hay đi lạc. Ai vào thăm cũng thực tập đóng cửa cẩn thận như chúng con.

Lúc nhỏ, mẹ sống với mẹ kế đã gánh chịu biết bao thương đau như chuyện Tấm Cám. Khi lập gia đình, thì ba lại bệnh sớm, mẹ đơn thân nuôi chồng và nuôi sáu đứa con. Mẹ vất vả đêm ngày mới có điều kiện cho chúng con ăn học. Chúng con rất thương kính và biết ơn mẹ.

Chúng con rất may mắn khi được xuất gia. Cuộc đời chồng con gian khổ lắm thay, nhờ pháp môn tu mà chúng con chăm sóc cho ba mẹ có được niềm vui và đi ra khỏi những nỗi buồn suốt một thời gian dài như vậy và vẫn còn đang tiếp tục. Huynh đệ về thăm đều khen chị em con. Chúng con nhờ biết quán chiếu nuôi dưỡng thương yêu và lòng biết ơn và luôn được tăng thân yểm trợ nên chúng con mới đủ sức đi qua đoạn đường đầy bất trắc bất ngờ này.

Sáu năm về nhà sống với ba mẹ, chúng con lớn lên và trải nghiệm thế nào là kiên nhẫn, thế nào là tha thứ, thế nào là bao dung. Đồng thời, có cơ hội làm cho thương yêu biểu hiện, cho Tâm Bồ Đề phát triển để chúng con rất biết ơn Thầy, biết ơn Tăng thân và tăng thân cư sĩ xa gần.

Chúng con xin tạc dạ trời biển thâm ân.

Chân Dung Nghiêm

 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh

1/ Gia đình Thở và Cười

Sinh hoạt vào thứ Năm mỗi tuần từ 18:30-20:45 tại Tầng 2 – Thiền đường Tâm Bửu – Chùa Xá Lợi – 89 Bà Huyện Thanh Quan – Q3

Liên hệ: My Nguyễn ( 0935120468 – Zalo)

Email: giadinhthovacuoi@gmail.com

 

2/ Tăng thân Chuông Mây

Sinh hoạt vào Chủ nhật hằng tuần từ 19:00-21:00 tại Thiền đường Trở Về (373/1/137 Lý Thường Kiệt, P.9, Q. Tân Bình)

Liên hệ: Bích Châu 0972812254, Phước (0398987858)

3/Tăng thân Búp Sen

Sinh hoạt tối thứ Sáu từ 19:00-21:00, mỗi tháng có một ngày quán niệm vào chủ nhật tuần thứ hai của tháng tại 37-06 chung cư Sunwah Pearl-toà Golden House 90 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q. Bình Thạnh.

Liên hệ: Cô Cúc (0903765132)

4/ Tăng thân CMCN (Có mặt cho nhau)

Sinh hoạt vào Thứ 6 hằng tuần từ 19:30-21:00 tại 762 Kha Vạn Cân, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức.

Liên hệ: Phạm Hồng Lực (0902550578)

 

Tăng thân “Có mặt cho nhau”

 

5/Tăng thân Trăng Rằm

Sinh hoạt tối thứ 3 hàng tuần từ 19:30-21:00 tại Thiền đường Trăng Rằm P. Tân Hưng, Q.7.

Liên hệ: Châu Thương (0707013369), Lan (0965415901), Minh (0932093816)

6/ Tăng thân MTTD (Mây Trắng Thong Dong)

  • Sinh hoạt gặp mặt tối thứ năm hàng tuần 19:00-21:00 14b Kỳ Đồng, P.9, Q.3
  • Sinh hoạt trực tuyến tối thứ hai hàng tuần qua Zoom- ID: 94161418183, Mã : 123456

Liên hệ: Hồng Xuyến (0931995808), Thảo (0963303536), Chiến Thắng (091 5416199)

 

Gia đình “Mây trắng thong dong”

 

7/ Gia đình Phương Bối

Sinh hoạt trực tuyến tuần 1 và 3 qua Zoom từ 20:00-21:30

Mã: 883 5735 1409
Mật khẩu: tinhthuc

Liên hệ: Bình (0908449139), Hậu (0364500522)

 

Gia đình “Phương Bối”

 

8/ Tăng thân Đuốc Thiêng

Sinh hoạt một buổi Chủ Nhật trong tháng tại 359/57 Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3.

Sinh hoạt Online ID: 3245844798 và mật khẩu: 111111

Liên hệ Email: ttduocthieng@gmail.com

9/ Tăng thân Sân Mây

Sinh hoạt tối thứ Năm hàng tuần từ 19-21h15 tại nhà hàng chay Sân Mây – 771 Lê Hồng Phong nối dài, Q.10.

Liên hệ: Tiến (0937652227)

10/ Tăng thân Hương Từ

Sinh hoạt vào thứ Tư hằng tuần từ 19:00-21:00 tại lô D, lầu 8, phòng D8.8, chung cư Khánh Hội 2, 360A Bến Vân Đồn, P.1, Q.4

Liên hệ: Cao Thắng (0908448769)

11/ Tăng thân Kỳ Lân – Sài Gòn – Đồng Tháp

Liên hệ: Phan Thanh (0702885201)

12/ Tăng thân Tiếp hiện Pháp Vân

Sinh hoạt vào Chủ Nhật tuần đầu tiên của mỗi tháng, tụng Mười bốn giới Tiếp hiện tại chùa Pháp Vân, 16 Đ Lê Thúc Hoạch, Phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú

Liên hệ: Cô Xuân (0918060161)

13/ Gia đình Hạt Đậu

Sinh hoạt trực tuyến tối thứ 5 hàng tuần từ 18:45 đến 21:00.

Link zoom:

https://us02web.zoom.us/j/4240577865?pwd=ZXNmVEw0ZkNoZUJYYS9BYm9IWG5Vdz09

Mã: 424 057 7865
Mật khẩu: 297954

Liên hệ: Thảo Tâm (0862646513)

 

Gia đình “Hạt Đậu”

Nghệ thuật không nói

Không nói là một thực tập thương yêu

Đạo Bụt có phương pháp gọi là tịnh khẩu. Tịnh khẩu tức là không nói, làm cho miệng núi lửa đừng phun. Dù có lửa trong ta nhưng ta không để cho nó phun ra, mà tìm cách cho lửa trở về nguyên quán, đem an ninh đến cho ta và cho những người chung quanh.

Tịnh khẩu là một thực tập thương yêu. Tôi biết nếu nói là tôi sẽ nói những điều làm cho anh đau, chị đau, vì vậy tôi thực tập tịnh khẩu, để tôi không nói. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là nén xuống. Nếu nén xuống thì tịnh khẩu trở thành một thực tập rất nguy hiểm. Tại vì nén xuống, đến khi nó phun lên, thì nó phun mạnh gấp mười lần, nguy hiểm gấp mười lần! Vì vậy trong khi tịnh khẩu là phải thực tập quán chiếu, tức là nhìn sâu. Nhìn sâu thì mới làm cho lửa tàn đi, làm cho núi dịu xuống.

Ngày hôm qua gặp ông đó, ông nói với mình một câu làm cho mình điên tiết! Mình có cảm tưởng nếu không nói lại được thì chắc mình chết quá! Giận ghê, ông ta nói xong thì bỏ đi, không cho mình cơ hội để trả đũa! Nếu trả đũa lại được, thì mình bớt khổ biết bao nhiêu! Thành ra đi về mà mình đau khổ cả buổi chiều! Vậy mà không biết tại sao, ngủ được một giấc ngon, sáng mai thức dậy, nghĩ lại thì thấy buồn cười quá, tại sao lại phải trả lời một câu? Mình thấy rõ ràng mình không nói thì mình đâu có chết? Bây giờ nhớ lại thì rất buồn cười! Ông đó cũng buồn cười mà mình cũng buồn cười. Ông nói câu đó rất là tội nghiệp, mà mình nổi nóng lên, và mình muốn trả đũa lại để cho ông ta đau, thì cũng tội nghiệp cho mình. Chỉ có một đêm ngủ ngon thôi là đủ cho mình thấy được sự thật. Còn trong lúc đó thì mình là người mê mờ.

Trong cơn mê, trong cơn cuồng si mình làm những điều phá tan hết, cho nên mình phải thiết lập những phương pháp để cho những lúc mình sa vào giây phút cuồng si, mình phải được thiên thần có cánh bảo hộ. Thiên thần đó mình phải nuôi dưỡng, mình phải mang theo. Còn đến lúc đó mới cầu cứu thiên thần thì thiên thần không rảnh để đến với mình đâu. Trong đời sống hàng ngày ta phải biết đi, biết thở, biết cười, biết bảo hộ thân tâm, thì những lúc cần đến, thiên thần mới có mặt cho mình.

 

 

Dưới đây là một phương pháp tịnh khẩu mà tôi đã trao cho vài người trong đại chúng. Phương pháp này cũng dễ thôi. Đó là mỗi khi thấy ngứa mắt, ngứa tai, muốn phát ngôn, bực quá không nói không được, thì mình chỉ tập thở và đừng nói. Rồi vào phòng, lật cuốn tập ra, ghi lại câu mình muốn nói. Thay vì nói bằng miệng, mình chỉ tập thở và viết nguyên câu đó vào tập. Ví dụ: Mày là đồ ngu! Mày là một người rất ác độc! Mày là người có ác ý, muốn làm đổ vỡ tất cả! Mày là một người vô ơn v.v…

Mình viết lại và ghi luôn ngày giờ cho rõ ràng. Ghi lại cả câu người kia nói và câu mình muốn trả lời. Ghi được như vậy cũng đỡ khổ rồi. Ba ngày sau đem ra xem lại và tự hỏi: Nếu lúc đó mình nói câu này thì sẽ ra sao, sẽ có những đổ vỡ nào?

Sự thực tập này đâu có khó? Mình nên lạy thầy, lạy chúng và xin cho phép con thực tập tịnh khẩu hai tuần. Trong hai tuần đó mình làm như vậy, làm mà không đè nén. Chỉ không nói thẳng thôi, và viết hết tất cả những câu mình nghe xốn tai, và cả những câu mình muốn trả lời. Mình sẽ thấy rằng những đau khổ của cuộc đời mình, và những đau khổ của người khác, có thể là do mình tạo ra, do cái không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ của mình tạo ra.

Muốn là chánh ngữ, nó phải có chánh kiến, mà muốn có chánh kiến là phải có quán chiếu. Chúng ta biết điều đó. 

Ngoài ra, tất cả mọi người trong tăng thân đều được yêu cầu thực tập pháp môn gọi là Bẻ gãy thế tam giác. Đây là một phương pháp thực tập của Làng Mai, và chúng ta phải nắm cho được.

Chúng ta thường ưa liệt người đó vào một phe, phe tà hay phe chánh. Đây là một điều rất nguy hiểm! Quý vị nếu có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ thì biết cái triết lý của bộ tiểu thuyếttrường thiên đó: Trong người gọi là phe chánh, luôn luôn có chất tà, và trong người phe tà luôn luôn có chất chánh. Tiếu Ngạo Giang Hồ là chuyện tình giữa hai người bạn trai. Họ đến với nhau là vì âm nhạc. Khi hai người tới với nhau để chơi nhạc, một người thổi sáo, một người đánh đàn, thì hạnh phúc của họ lớn như là không có hạnh phúc nào lớn hơn nữa. Bài nhạc đó tên là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Họ là hai người bạn, nhưng oái ăm là mộtngười thuộc chánh phái, còn người kia thuộc về phía gọi là tà phái. Theo nguyên tắc thì chánh không được chơi với tà, vì vậy cho nên khi hai người muốn hòa nhạc với nhau, họ phải rủ nhau đi đến một nơi tận cùng hiểm trở, không ai bén mảng tới. Nhìn quanh nhìn quất để biết chắc là không có người nhòm ngó, thì hai người mới hòa nhạc với nhau.

Tại vì theo miệng lưỡi của thế gian thì chánh mà chơi với tà thì cũng là tà rồi. Câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung không phải là chuyện trong tiểu thuyết, mà chuyện của sự thật. Cái chánh và cái tà nó không phải là thực chất của mình, tại vì trong chánh nó có tà, trong tà nó có chánh. Cái đó gọi là tương tức.

Vì vậy chúng ta phải tập để đừng suy tư theo chiều hướng của thiện, ác, đúng, sai và chánh, tà. Chúng ta nên làm ngược lại điều đó. Chúng ta tập suy tư trên cơ bản khéo hay không khéo. Có nghệ thuật nhiều hay có nghệ thuật ít. Đây là một bình diện (dimension) mới mà tôi đưa ra để cho quý vị thực tập. Tại vì thật tình ta không muốn cho người kia đau khổ. Ai trong đại chúng này mà lại muốn làm cho sư anh hay sư chị, sư em của mình đau khổ? Không có ai cả! Nhưng vì chúng ta vụng về mà thôi. Vụng khi nói, khi cười, khi hành sử nên làm cho người kia đau khổ.

Vì vậy cho nên tu là một vấn đề nghệ thuật hơn là một vấn đề chính tà, và chánh niệm là chất liệu của nghệ thuật. Tại vì khi có chánh niệm thì mình sẽ khéo hơn. Chắc chắn là khi có chánh niệm thì mình sẽ có ý tứ hơn. Một bà mẹ khi dạy con gái, bà thường dặn: Con ơi, con đi, đứng, nằm ngồi cho có ý tứ. Mà có ý tứ thì con đẹp thêm nhiều lắm. Ý tứ đây là chánh niệm. Khi có ý tứ thì mình không để cho món trứng chiên của mình cháy. Khi có ý tứ thì bát canh của mình sẽ không mặn quá. Tại vì ý tứ cho mình biết cái gì mình đang làm, và mình có làm đúng hay không. Khi mình nói năng có ý tứ thì mình không gây những lầm lỡ, những vụng dại, gây đau khổ cho người, cho mình.

Không ai trong chúng ta lại dám công nhận mình là một nghệ sĩ cao nhất! Chúng ta đều đang học hỏi, chính tôi cũng vậy. Học hỏi thì càng ngày chúng ta càng có chánh niệm hơn lên, và khéo léo hơn lên. Tu là một nghệ thuật, và thầy tu là một nghệ sĩ, đó là đề tài của bài tôi viết năm tôi mới 20 tuổi.

Xin lỗi em, chị không có ý làm khổ em đâu, chỉ vì chị vụng về thôi. Chị xin lỗi em! Đó là câu mà chúng ta phải học thuộc từng chữ, và có thể nói bất cứ lúc nào. Khi thấy người kia khổ là ta có thể nói được. Tôi đã từng xin lỗi học trò của tôi. Tôi đã từng nói: Thầy xin lỗi con!

 

 

Chúng ta thực tập để đừng tạo thế tam giác ở trong tăng thân. Tại vì có một thế tam giác rồi, nó sẽ tạo thế tam giác thứ hai, thứ ba, và mọi người sẽ đi vào một mê lộ. Chúng ta đừng để Xóm Thượng của chúng ta đi vào mê lộ đó. Chúng ta đừng để Xóm Mới, Xóm Hạ của chúng ta đi vào cái mê lộ đó. Hạnh phúc của chúng ta là do chính chúng ta làm ra, chúng ta phải khéo léo, chúng ta phải ngồi lại với nhau, phải định đoạt chiến thuật, cái Strategy, để chúng ta sống có hạnh phúc. Tại vì chúng ta là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người ở trên thế giới. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì tội nghiệp cho nhiều người lắm.

Chúng ta bắt buộc phải có hạnh phúc, và chúng ta đã có những phương pháp để thực tập hạnh phúc, trong đó phương pháp nghe và phương pháp nói là hai phương pháp mà chúng ta có thể thực tập toàn thời gian mỗi ngày.

Cách nói quan trọng hơn điều mình nói

Chúng ta thường nói rằng cách nói còn quan trọng hơn là điều mình nói. Tại vì khi không hiểu được người nghe, mình không có chánh kiến và chánh tư duy, thì điều mình nói, nó như là nước đổ lá khoai, không ích lợi gì, không mang lại sự chuyển hóa nào cho người nghe cả.

Ngày xưa trong những buổi pháp thoại của đức Thế Tôn, thỉnh thoảng có những người phát ra sự đại ngộ ngay trong khi nghe giảng, là vì trong buổi nghe giảng đó, những hạt giống của những người đó được đức Thế Tôn tưới tẩm, và chúng nở hoa lập tức. Tại sao đức Thế Tôn lại đạt được kết quả đó? Tại vì ngài nhìn thấu vào trong tim người nghe. Ngài biết rằng người đó cần đám mưa đó, người đó cần phải có cái búa đó. Có nhiều khi ngài đã không ngại dùng những cái búa rất lớn để đập xuống. Cái đó gọi là chánh ngữ.

Chánh ngữ còn có một tác dụng khác nữa là gỡ bom. Trong mỗi chúng ta đều có một trái bom nho nhỏ và nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Dù mình đã xuất gia, trái bom đó cũng vẫn còn. Nếu không cẩn thận, nó nổ một cái là mình tan xác.

Có một phương pháp để gỡ bom. Nhiều người vì đau khổ quá cho nên đã trở thành những trái bom. Nhìn vào, mình thấy người đó giống hệt như trái bom, rất nguy hiểm. Đụng tới người đó thì bom sẽ nổ và mình sẽ tan xác. Cho nên mình sợ, mình tránh xa, làm người đó tưởng là mình tẩy chay, ai dè mình đâu có tẩy chay, mình thương nhưng mình sợ quá!

Chánh ngữ là một phương pháp mầu nhiệm mà chúng ta có thể sử dụng để gỡ trái bom ở trong người đó. Gỡ giùm bom để chúng ta có an ninh, và để người đó cũng có an ninh, cũng có hạnh phúc hơn. Tháo bom là một pháp môn mà tất cả các cô, các chú, các thầy đều phải học. Tại vì nhờ đó mà mình đem lại an ninh và hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

 

 

 

Nghe hô chuông đại hồng

Tại Xóm Thượng, Làng Mai, Pháp:

 

 

Tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) Làng Mai tại Đức:

 

Ngồi thiền để làm gì?

Dừng lại là bí quyết của sự thực tập

Ngồi thiền để làm gì? Tại sao ông thầy tu phải ngồi thiền một ngày nhiều lần, và ngồi bất động như vậy là có mục đích gì? Ví dụ có một người trẻ đến hỏi các sư cô, sư chú rằng: Tại sao các sư cô, sư chú ngồi gì mà ngồi nhiều lần trong một ngày, và ngồi thiền để làm gì vậy? Thì mình phải trả lời như thế nào cho đúng?

Mục đích của thiền tọa là gì? Cố nhiên muốn trả lời, ta phải nhìn vào trong tâm của người hỏi, thì mới tìm ra câu trả lời, chứ không phải chỉ theo cái thấy của mình mà trả lời được.

Ngày xưa có một ông thầy ngồi thiền quá trời quá đất. hễ rảnh là ông ngồi xuống để thiền tập. Có một ông thầy khác hỏi: Thầy ngồi thiền để làm gì vậy? Thầy trả lời: Ngồi thiền để thành Phật! Như vậy câu trả lời là: Ngồi thiền là để thành Phật. Ông thầy kia nghe vậy nên cúi xuống lượm một viên ngói bể, rồi ông ngồi liên tục mài viên ngói. Ông thầy ngồi thiền mới hỏi: Thầy mài ngói bể để làm gì vậy? Ông thầy kia trả lời: Mài ngói bể để làm một tấm gương soi!

Thầy kỳ quá! Làm sao tấm ngói bể mà có thể mài thành tấm gương soi được? Ông thầy kia mới ngẩng đầu lên mỉm cười: Vậy thì làm sao ngồi thiền mà thành Phật được!

Đó là câu chuyện thiền mà rất nhiều người biết.

Thành ra ngồi thiền mà mong được thành Phật thì cũng giống như mài một tấm ngói để mong làm được một tấm gương soi!

Ngồi thiền với một chủ tâm muốn trở thành một cái gì, thì đó không phải là chính thống. Tại vì trong khi ngồi thiền như vậy là mình có sự mong cầu. Mà có sự mong cầu thì nó đi ngược lại với một trong ba cánh cửa giải thoát là Vô nguyện (Non expectation). Ngồi thiền, tôi không mong cầu gì hết dù là mong cầu thành Phật. Đó là câu trả lời vô nguyện. Vì vậy ở trong thiền phái Tào Động có một câu mà tiếng Nhật Bản là Shikantaza đọc theo tiếng Hán Việt là Chỉ quán đả tọa. Tọa là ngồi. Chỉ quán đả tọa là chỉ cần ngồi thôi, và đừng nên mong cầu gì cả. Đó là nguyên tắc của thiền Tào Động.

Chúng ta có làm được chuyện này hay không? Nếu ngồi là chỉ để mà ngồi, thì ngồi để làm gì? Trong chúng ta thế nào cũng có những người đã nếm được pháp lạc của sự ngồi yên. Ngồi mà không mong cầu, không có mục đích gì hết. Ngồi tức là an trú và an tọa. An trú là ở đó một cách rất an ổn, tiếng Anh là Peaceful dwelling, còn an tọa là Peaceful seating.

Ngồi yên là một nghệ thuật rất cao. Ở Xóm Thượng chúng ta có Cốc Ngồi Yên, dịch từ chữ An tọa. Ngồi như vậy không có mục đích gì cả, như là mục đích thành Phật, mục đích đạt tới giác ngộ, mục đích này, mục đích kia. Tại vì nếu ngồi với một mục đích, với một tìm cầu thì đó là chúng ta đang chạy, không phải đang ngồi! Đây là chuyện chúng ta đã làm trong bao nhiêu triệu kiếp xa xưa, chúng ta đã tất tả, lao đao, lận đận chạy đi tìm một cái gì đó. Bây giờ đến chùa, được thầy trao cho phương pháp Chỉ quán đả tọa, được thầy bày cho rằng con hãy ngừng lại, hãy ngồi yên, đừng đi tìm gì nữa hết!

Ngừng lại như vậy không phải là chuyện dễ, phải có rất nhiều tuệ giác mới ngừng lại được. Trong số chúng ta có nhiều người xuất thân từ nhà nghèo. Chúng ta thấy bố mẹ làm việc rất nặng nhọc, đầu tắt mặt tối, làm quanh năm suốt tháng. Có một chút giờ rảnh là kiếm việc để làm, không cho hai tay nghỉ ngơi, không cho cái đầu nghỉ ngơi. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn thấy mà thương! Dù có một hai ngày nghỉ, một hai tiếng đồng hồ rảnh rỗi, mà cũng không có khả năng nghỉ ngơi, tại vì đã quen làm rồi. Cái tập khí đó đã kéo dài bao nhiêu đời, cho nên chúng ta không còn có khả năng ngồi yên được nữa. Vì vậy mà ngồi yên là một chuyện rất khó.

Chúng ta mong ước làm sao để cải thiện đời sống, cải thiện hoàn cảnh. Chúng ta mong ước làm sao để kiến thức của chúng ta càng ngày càng lớn, càng cao. Vì vậy không làm thì học, không học thì làm, và không từ chối một cơ hội nào để xây dựng tương lai! “Xây dựng tương lai” là một câu nói rất có ma lực quyến rũ. Ta làm vì ta, ta làm vì con cháu của ta. Tại thương cho nên ta đầu tư vào tương lai! Cũng vì vậy cho nên hầu hết mọi người trong chúng ta đều không có khả năng dừng lại và an trú.

Cho nên ngồi xuống để không làm gì hết là một cuộc cách mạng lớn, một sự chống đối lớn, chống đối với khuynh hướng ngàn đời. Chống đối luôn với xã hội, vì xã hội đang chạy, đang quay như chong chóng. Còn riêng ta thì ta muốn dừng lại, trong thời gian cũng như trong không gian.

Nếu trong khi thiền tọa mà quý vị còn tranh đấu, còn lao động thì quý vị chưa thể nếm được pháp lạc của sự ngừng lại. Nếu không ngừng lại thì ta chưa thực sự thực tập được định, và nếu chưa có định thì bông hoa tuệ giác còn chưa nở. Cho nên phải làm thế nào để dừng lại được. Do đó mới có câu Chỉ quán đả tọa.

 

 

Có thể chúng ta rất yêu mến đạo Bụt, chúng ta muốn lập một thiền đường để quy tụ các bạn tu đến để cùng ngồi thiền. Ta đứng ra chủ trì một trung tâm thiền tập và ta làm đủ mọi cách, sử dụng tài năng của chúng ta để thành lập thiền đường đó. Chúng ta có thiền đường, chúng ta có bàn thờ, có lư hương, có chuông gia trì. Chúng ta đã mời được một số bạn bè cùng đến ngồi thiền với chúng ta ở trong thiền đường đó. Tất cả đều đầy đủ. Chỉ còn thiếu một cái là ta có thể ngồi ở trong thiền đường đó hay không? Hay là ta vẫn tiếp tục làm sao cho thiền đường này đẹp hơn lên một chút, lớn hơn lên một chút, và có nhiều người hơn một chút?

Đó chỉ là một ví dụ thôi. Quý vị có thể không nghĩ đến thiền đường mà quý vị đang nghĩ đến một chuyện khác, nó cũng tương đương với cái thiền đường. Quý vị còn đang ở trong sự tìm cầu, đang muốn phát triển, đang muốn làm cho hay hơn bây giờ, vì vậy cho nên quý vị không dừng lại được. Mà không dừng lại được thì không bao giờ nếm được cái mầu nhiệm của sự sống, không thấy được và tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Cho nên tất cả bí quyết của sự thực tập là nằm ở chỗ dừng lại. Dừng trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, dừng trong tư thế đi.

Tuy đang đi, nhưng chúng ta đã dừng lại. Còn người đó tuy đang ngồi, nhưng người đó đang chạy trong tư thế ngồi của người đó. Tâm của người đó đang rong ruổi, đang tìm cầu, và người đó là một người đang chạy chứ không phải đang ngồi. Khi ngồi là chúng ta phải dừng lại. Cũng như khi đi, là chúng ta phải dừng lại. Sự vững chãi, thảnh thơi không thể nào xảy ra được nếu sự dừng lại không xảy ra. Cho nên nói rằng thầy chỉ dạy ngừng lại thôi, thầy chỉ dạy thiền chỉ thôi mà thầy không dạy thiền quán, là không được đúng lắm. Tại vì khi mình thực sự ngưng lại được rồi thì lúc đó cái tuệ giác nó bắt đầu nở ra. Nhưng muốn ngừng lại được thì mình phải có một mớ tuệ giác nào đó. Phải thấy được những cái gì đó mình mới ngừng lại được. Vì vậy trong chỉ nó đã có quán, trong định nó đã có tuệ.

Tuệ là gì? Trước hết hãy nhìn lại đời của mình, và thấy rằng trong bao nhiêu kiếp xa xưa, ta đã từng ruổi rong, ta đã từng tất tả, đã từng chạy, từng tìm, ta chưa bao giờ dừng nghỉ. Thấy được điều đó đã là tuệ rồi. Thấy được điều đó nơi cha mẹ, nơi ông bà, nơi tổ tiên, và nơi chính bản thân của ta, tức là ta đã có tuệ. Khi tuệ đó phát sinh thì chúng ta có một sự cảm thương, và do sự cảm thương lớn đó mà chúng ta dừng lại được. Đó gọi là do quán mà có chỉ.

Chúng ta không cần phải thọ giới lớn mới có hạnh phúc. Chúng ta thọ giới sa di hay sa di ni thôi cũng có hạnh phúc rồi. Chúng ta không cần phải đợi đến Tết để xuống tóc thì mới có hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần hội đồng Giáo thọ báo tin rằng anh đã được chấp nhận để ngày mồng một Tết thì xuống tóc, là hạnh phúc đã tràn trề rồi. Và ngày hôm qua khi hội đồng chưa họp, thì chúng ta đừng nghĩ rằng nếu hội đồng họp, và chấp thuận cho ta, thì ta mới có hạnh phúc! Tại sao phải hội đồng họp ta mới có hạnh phúc? Tại sao ở đây ta không an hưởng được giờ phút hiện tại, ta không an hưởng được bước chân, nụ cười, hơi thở của chúng ta? Nếu ta an hưởng được bước chân, nụ cười, hơi thở của ta, thì xuống tóc hay không xuống tóc đâu có quan hệ gì mấy? Nếu ta an trú được trong pháp lạc của cái thở, cái đi, cái ngồi, thì đố mà hội đồng Giáo thọ không nói “Yes” cho ta được. Hội đồng chỉ có quyền nói No với ta, khi chính ta không làm được chuyện đó. Khi ta làm được chuyện đó rồi thì hội đồng không thể nào không nói Yes được!

Vì vậy mà điều quan trọng là không trông chờ, đừng mong cầu bất cứ một điều gì hết. Điều quan trọng là có thể an trú được trong giây phút hiện tại. Muốn an trú ta phải dừng lại.

Vậy thì trong khi ngồi thiền, quý vị đừng nói rằng tôi ngồi như vậy là để làm cái này, cái kia, để thành tựu cái này, cái kia. Không! Ngồi là chỉ để mà ngồi thôi. Nếu quý vị ngồi được thì trong giây phút đó quý vị đã thành Phật rồi. Ngồi và ngưng lại, rồi thấy rằng sự thật là mình đang ngồi trong tư thế hoa sen, trên mặt đất, và biết rằng mình đang có mặt trong giây phút này, đó đã là một thực hiện lớn lao của một vị Bụt rồi. Ngày mai khi gặp tổ tiên, gặp các vị tổ sư của chúng ta, các ngài hỏi:

–  Này con, hồi con ngồi trên mặt đất, có khi nào con ngồi yên được chưa? Có khi nào con an trú được chưa?

–  Bạch tổ, dạ chưa! Con mỗi ngày ngồi hai ba lần, mỗi lần cả tiếng đồng hồ, mà hình như chưa bao giờ con ngồi yên được hết! Tại vì trong khi ngồi, con tiếp tục rong ruổi, con chờ đợi. Nhiều khi con chỉ chờ đợi tiếng chuông thôi!

Ngày mai nếu gặp các vị tổ tiên như tổ Nhất Định mà chúng ta báo cáo như vậy thì chắc chết! Chắc thầy chúng ta thế nào cũng bị sư tổ cạo!

An toạ và an hành

Ngồi thiền là một cơ hội để dừng lại, để thấy được cái mầu nhiệm của sự sống. Ngồi trong tư thế hoa sen, trên mặt trái đất này, biết rằng mình có mặt, có mặt cho tổ tiên, cho mình, cho con cháu, chỉ ngồi như vậy thôi là đủ rồi. Nếu ngồi như vậy được thì cái thấy càng ngày càng lớn, hạnh phúc càng ngày càng lớn. Trong khi đi thiền, chúng ta cũng đi như vậy. Mỗi bước đi nó làm nên một phép lạ. Sư tổ Lâm Tế có nói: “Bước chân trên mặt đất, là thể hiện thần thông”.

Trong bài làm về hạnh phúc, một sư cô có nói: Con là sư cô, và con rất hạnh phúc được làm sư cô. Con không cần phải làm sư chú, con không cần phải làm thầy, con không cần phải làm sư bà. Nói như vậy là đúng. Khi mình chấp nhận được mình, khi mình thấy được cái mầu nhiệm là sự sống nơi bản thân mình, và chung quanh mình, lúc đó mình không cần phải chạy, phải tìm, phải rong ruổi nữa, và mình an trú được. Nhờ vậy mà khi ngồi thì mình ngồi yên được, khi đi thì mình đi yên được.

Nếu ngồi mà mình gọi là an tọa, thì đi mình gọi là an hành. Khi an hành, chúng ta đi một cách thảnh thơi, an lạc. Chúng ta có cơ hội để thực tập những điều này. Thực tập ở đây có nghĩa là sống. Thực tập không phải để làm một cái gì, để trở thành một cái gì. Thực tập là chỉ để sống được những giây phút hiện thời mà cuộc sống đang dâng hiến cho ta. Vậy thì trong khi ngồi thiền, năng lượng gọi là định giúp chúng ta ngồi yên được và chúng ta cảm nhận được pháp lạc của sự ngồi yên. Chúng ta cảm nhận được tất cả mầu nhiệm của sự sống trong giây phút ngồi yên đó.

Vì vậy trong khi ngồi thiền, quý vị đừng lao động, đừng tranh đấu. Mục đích của ngồi thiền, trước hết là ngồi yên. Mình phải coi sự ngồi thiền là một cơ hội để mình có thể sống 100% sự sống của mình trong giờ phút đó. Trong khi ngồi, không ai có thể sai phái ta làm gì hết, không ai bắt buộc ta phải trả lời một câu hỏi nào hết. Trong khi ngồi thiền, ta hoàn toàn có tự do để có mặt trên gối ngồi thiền của ta. Năng lượng định của chúng ta yểm trợ cho người bên cạnh, và yểm trợ cho cả đại chúng. Phẩm chất của việc ngồi của chúng ta có thể làm ra hạnh phúc cho cả tăng thân. Cố nhiên là cho hạnh phúc của riêng ta nữa.

Ngồi thiền là một pháp hội, tuy không có lời nhưng đại chúng đến giờ quy tụ và ngồi với nhau như vậy là một pháp hội. Ngồi để mình có mặt, để hiến tặng sự có mặt của mình cho tăng thân, cho mình, cho tổ tiên, cho Bụt. Ngồi để đích thực có mặt. Mà muốn đích thực có mặt thì phải dừng lại.

Để dừng lại được chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều cách. Chúng ta có thể sử dụng hơi thở, chúng ta có thể sử dụng quán chiếu. Dừng lại được, không những ta làm cho thân hành của chúng ta an tịnh, mà ta cũng làm cho tâm hành chúng ta an tịnh, khẩu hành an tịnh, và sự an tịnh đó đưa lại sự trị liệu, sự chuyển hóa cho ta. Nhờ đó mà phẩm chất của đời sống chúng ta, của sự an tọa của chúng ta, càng lúc càng tăng tiến.

Trong những buổi pháp đàm, chúng ta nên chia sẻ với nhau những kinh nghiệm ngồi thiền của riêng ta. Ngồi như thế nào để thấy có lạc thọ trong thân, trong hơi thở, và trong tâm. Ngồi một mình hay ngồi với tăng thân, chúng ta phải tạo ra lạc thọ đó. Nếu không thì chúng ta đang làm công việc mà ông thầy kia đã làm, tức là chúng ta đang mài viên ngói. Có mài đến ngàn đời thì viên ngói cũng không trở thành tấm gương được. Chúng ta ngồi và ngồi trong sự nhiệm mầu của bản môn, của tịnh độ, mà đừng ngồi trong hầm tối. Phải ngồi ở trong ánh sáng của bản môn.

Tham dự ngồi thiền có hướng dẫn với tăng thân:

Kệ truyền đăng trong khoá tu “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ” 2022

Làng đã có những nhiều chương trình khác nhau để ăn mừng Làng Mai 40 tuổi. Khoá tu “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ” diễn ra từ ngày 3.06-17.06.2022 là một trong những khoá tu kỉ niệm Làng Mai 40 tuổi. Trong suốt khoá tu, đại chúng đã cùng nhau tham dự thực tập và tận hưởng những sinh hoạt trong không khí ấm cúng gia đình.

24 cây đèn được thắp sáng, tăng thân vừa chính thức chào đón thêm các vị giáo thọ xuất sĩ cũng như cư sĩ mới. Các vị sẽ mang theo ngọn đèn mà chư Tổ, Thầy cùng tăng thân trao cho làm ánh sáng chiếu soi trên con đường tu tập, tiếp tục đi với nhau như một dòng sông, tiếp nối Thầy đem đạo Bụt đi vào cuộc đời.

8 vị giáo thọ xuất sĩ mới:

Thầy Chân Trời Đại Giác

Trời tâm linh sáng bừng nét cọ
Thệ Nhật sơn đại giác nở hoa
Mười năm vườn tuệ siêng chăm sóc
Ân nghĩa bồi vun nếp lục hoà

Thầy Chân Trời Phạm Hạnh

The sacred holy life of both east and west

Illuminates the well trodden ancestral paths

Reveiling their true treasures

As action and non-action go perfectly together

 

Sư cô Chân Tựu Nghiêm

Bước chân, hơi thở là nhà

Thành Tựu chỉ, quán không xa Phật đài

Vạn pháp là một không hai

Nghiêm thân hộ ý ngày mai giúp đời

Sư cô Chân Trăng Lộc Uyển

Đông tây nam bắc một ánh trăng

Lộc Uyển chuyển luân diệu pháp âm

Đất Mẹ thanh lương bừng hơi thở

Ngước mắt cười vang bặt cầu tầm.

Sư cô Chân Trăng Xóm Mới

Trăng tròn sáng giữa một trời sao

Lối cũ Xóm xưa rõ nẻo đường

Cây khô xuân sang mọc lá Mới

Khắp nơi gieo rắc hạt yêu thương

Sư cô Chân Trăng Tam Muội

The samādhi moon shines in the eastern sky

For many years our ancestors have sought it.

Carefully disciplined, we find our way home

Ancestors greet us and descendants rejoice.

Sư cô Chân Trăng Tịnh Thường

Trăng không tròn không khuyết

Khắp chốn là quê hương

Kiện hành trời phương ngoại

Đẹp nếp sống Tịnh Thường

Sư cô Chân Trăng Thường Trú

Trăng treo đỉnh Thứu ngàn năm sáng

Thần khí trượng phu giữa núi sông

Tuỳ duyên thường trú nuôi hơi thở

Mỗi bước chân về rạng tổ phong.

 

16 vị giáo thọ cư sĩ mới:

Chân Đại Hoà – True Great Harmony

The great work of no birth and no death

Can be realised at any moment

The true harmony of heart and mind

Takes us to the shore of peace and joy.

Chân Quang Độ – True Land of Light

Mindfulness is the light that shines near and far

Taking care of the land of the five skandhas.

The sangha is the home where voices are heard

And people can sit together in freedom.

True Manifestation of Reverence
 

Reverence for the Buddha manifests

In our speech, actions and relationships.

Right diligence completes the work begun

And our vow is already realised.

True Happy Peace, Chân Lạc An

True happiness is peace and freedom

Caring for others and for oneself.

The way home is in every moment,

Adorned with flowers of the Dharma.

True Great Harmony, Chân Thái Hoà

The bird flies over the great hot forest

Putting out the flames with drops of water.

Body, speech and mind held in harmony

Invite the bell that settles the tension.

True Deep Meaning, Chân Liễu Nghĩa


The deep still waters of the lake,

Reflect perfectly the true meaning.

Insight gives rise to compassion

Bringing relief to all places.

Chân Hỷ Định (người Pháp)

Phụng Sự trong bản Môn  

Martine thấy lòng nhẹ trơn

Tâm Hỷ bay vui theo gió

Thân định trong từ  bi thôi

 

True Auspicious Arising, Chân Thoại Khởi

The arising of a lotus of compassion

Marks an auspicious moment of change before us.

It brings people together in peace and joy

and heals the wounds for future generations.

True Harmonious Family, Chân Hòa Gia

True harmony lies within oneself

The sangha becomes a family.

Listening deeply reconciles us,

The refreshing Dharma rain brings joy.

True Joyful Peace, Chân Lạc An

The joy of meditation is food

That nourishes right view and right action.

Seeds of peace have already been sown,

Their flowers and fruit adorn the world.

Chân Hỷ Vân, Vrai Joyeux Nuage

Across the sky, slowly the Joyful Cloud 

Refreshes the generous noontime sun of the south

Touching healing with the smile of interbeing

Tasting the gentleness and peace of the ultimate: everything is already perfect!

Vraie Terre de Paix

Dans la Terre de Paix se trouve la source joyeuse de l’instant

Où le souffle tranquille de la compassion guide l’action

Dans l’océan de sagesse, les bruits de l’injustice s’effacent

Le vivant dans toute sa beauté resplendit dans le silence

Chân Thâm Nghĩa- Vraie Loyauté Profonde

La Loyauté Profonde de la terre donne aux arbres l’éclat joyeux de la Vie

Sur les pas des ancêtres spirituels chaque respiration devient libération

La présence lumineuse du cœur se suffit à elle-même

Comme le cyprès au milieu de la cour

Chân Lạc Ân, Vrai Sceau du Bonheur

Dans chaque pas s’inscrit le Sceau du Bonheur

La profondeur du silence intérieur réveille la douceur de la joie

L’esprit du débutant s’amuse avec l’impermanence

Comme la feuille joue avec les saisons

 

Chân Hoà Lâm, True Harmonious Forest

The forest has its ways of harmony

Each tree standing straight in its position.

The sangha body grows like a forest

Where all the roots and branches interare.

True Blue Lake, Chân Bích Trì

The jade waters of the deep lake

Refresh Mother Earth’s heat and pain.

We shall never give up our task

Watering the flowers of peace.

Thắp lên ngọn nến

BBT phỏng vấn thầy Chân Pháp Ấn.

Đường về Làng

BBT: Thưa thầy, cảm nhận của thầy như thế nào khi thầy đến Làng lần đầu tiên?

Tháng 7 năm 1991, Pháp Ấn có viết một lá thư cho Sư Ông xin được xuất gia. Lúc đó, Pháp Ấn đang làm việc trong Viện nghiên cứu của hãng dầu lửa tên là ARCO Oil and Gas Company. Viết xong lá thư, Pháp Ấn mới báo cho những bạn bè thân thiết. Và hết người này đến người kia thay phiên gọi điện thoại để thuyết phục Pháp Ấn đừng đi xuất gia nữa. Họ nói học gần ba mươi năm trong trường ra, chưa phụng sự gì cho xã hội mà đi tu thì mất hết những kiến thức đó, rất uổng. Nếu môi trường làm việc hiện tại không nuôi dưỡng lắm thì về lại trường đại học để giảng dạy. Pháp Ấn thường nghe lời khuyên của bạn bè cho nên cũng suy nghĩ thêm cho thấu đáo và đã quyết định không gửi lá thư đó cho Sư Ông.

Sau đó, Pháp Ấn được giới thiệu qua trường MIT (Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts) để làm phụ tá giảng dạy, đồng thời tiếp tục công việc nghiên cứu. Làm việc ở đó một thời gian, Pháp Ấn vẫn không thấy có nhiều cảm hứng. Đến Tết ta năm 1992, Pháp Ấn thấy là mình phải đi xuất gia thôi. Lúc đó, Pháp Ấn mới gửi lá thư đã viết vào tháng 7 năm 1991 cho Sư Ông. Sau đó, Sư Ông dạy sư cô Chân Không gọi điện thoại cho Pháp Ấn. Sau khi hỏi han về gia đình và ước nguyện xuất gia của Pháp Ấn, sư cô nói: Làng ở một nơi khỉ ho cò gáy và bùn sình lắm. Đời sống rất khổ cực, anh có chịu được không? Bây giờ anh đang có một sự nghiệp, nếu đi xuất gia thì anh phải từ bỏ hết sự nghiệp của mình. Anh có chấp nhận đi không? Pháp Ấn trả lời: con đi xuất gia là đi xuất gia thôi, dù điều kiện như thế nào con cũng sẽ không thay đổi. Sư cô nói: nếu vậy thì anh nên sắp xếp qua Làng. Tối ngày 26 tháng 3 năm đó, Pháp Ấn rời Mỹ để sang Làng.

Anh Hoàng (sau này là thầy Pháp Lữ) ra đón Pháp Ấn bằng chiếc xe van màu xanh. Làng khi ấy xe cộ không nhiều và rất cũ kỹ. Xe van màu xanh đó vẫn được xài đến cả chục năm sau. Chiều ngày 31 tháng 3, Pháp Ấn đặt chân tới xóm Hạ. Sư Ông đã đợi để thầy trò cùng ăn trưa và sau đó đưa Pháp Ấn lên xóm Thượng. Đó là một hình ảnh rất đẹp.

Khi lên xóm Thượng, Sư Ông hỏi quý thầy đã chuẩn bị phòng cho Pháp Ấn chưa? Quý thầy thưa là đã chuẩn bị rồi. Sư Ông dẫn Pháp Ấn vào tận phòng. Nói là chuẩn bị rồi nhưng thật ra chỉ là một cái giường được làm bằng một tấm ván ép kê trên bốn cục gạch, ngoài ra không có gì hết. Hồi đó, ai đến Làng cũng mang theo túi ngủ. Sư cô Chân Không cũng đã dặn Pháp Ấn mang theo túi ngủ của mình. Phòng mà Pháp Ấn ở là một trong hai phòng của dãy nhà Trúc Lâm, bây giờ là quán sách của xóm Thượng. Vách tường là những viên đá chồng lên nhau, ở giữa những viên đá được đắp bằng đất. Vì cũ quá rồi nên nó hở ra, đêm nằm ngủ thì gió thổi luồn qua mặt và có khi tóc của Pháp Ấn đóng băng luôn vì quá lạnh. Hồi đó Làng là như vậy, cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, thiếu thốn.

Tuy hoàn cảnh của những ngày đầu khó khăn là vậy, nhưng Pháp Ấn vẫn giữ gìn tâm nguyện của mình. Pháp Ấn có một lời nguyện là dù hoàn cảnh có khó khăn, phải đi ăn xin, phải sống cù bơ cù bất thì Pháp Ấn vẫn đi và phải hiểu cho bằng được giác ngộ đích thực là gì, giải thoát là gì.

Duyên thầy trò

BBT: Vì sao thầy lại chọn Sư Ông là thầy của mình?

Pháp Ấn biết tới Sư Ông từ hồi còn nhỏ. Năm đó, sinh nhật chị của Pháp Ấn, khoảng 1967 hay 1968, ba của Pháp Ấn đã mua quyển Bông hồng cài áo để tặng chị. Nhưng lúc đó Pháp Ấn còn nhỏ quá, mới sáu, bảy tuổi, Pháp Ấn đọc mà không hiểu gì hết. Những năm đầu khi mới qua Mỹ, Pháp Ấn được tiếp xúc một lần nữa với tác phẩm Bông hồng cài áo. Năm 1983, khi ba Pháp Ấn qua Mỹ, những người bạn của ba gửi cho ba cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Pháp Ấn được đọc tác phẩm này và bắt đầu thực tập theo. Pháp Ấn nhớ là mình đã thực tập đi từ tòa nhà này sang tòa nhà khác của trường đại học theo kiểu Sư Ông dạy trong sách là đếm bước chân. Pháp Ấn ráng làm theo công thức mẫu mực đã ghi trong sách và cố ép hơi thở nên rất mệt, thở không nổi luôn. Sau này, mùa Thu năm 1985, trong thời gian Pháp Ấn học ở Cali, Sư Ông có về Austin để mở khóa tu. Cả gia đình Pháp Ấn đều tham dự khóa tu đó. Ba mẹ của Pháp Ấn rất thương và quý trọng Sư Ông. Năm 1988, Pháp Ấn lại tham dự một khóa tu tại miền Nam Cali. Lúc đó, sư cô Chân Không mới xuất gia tại núi Linh Thứu về.

Từ những năm trung học cho đến khi xuất gia, Pháp Ấn đã đọc khá nhiều sách và và nghe các băng giảng của các vị thầy về thiền. Tại MIT, trước khi xuất gia, nhân đọc cuốn Vấn đề nhận thức trong Duy thức học của Sư Ông, Pháp Ấn có một trực giác: đây chính là vị thầy của mình! Càng tu thì càng thấy rằng được gặp Sư Ông là nhân duyên từ nhiều kiếp. Ngày xưa, mình nghĩ là mình chọn thầy này, thầy kia, mình thích chùa này, chùa kia. Nhưng thật ra, tất cả các pháp đều do duyên sanh. Khi về Làng, rất nhiều đêm, Pháp Ấn thường nằm mơ thấy hình ảnh Sư Ông ngồi thiền, rất thẳng và đẹp. Pháp Ấn cảm nhận giữa mình và Sư Ông có duyên thầy trò rất sâu đậm. Nhiều kỷ niệm giữa thầy trò với nhau rất nuôi dưỡng Pháp Ấn. Nhớ những ngày mới về Làng, Pháp Ấn có nhiều câu hỏi lắm. Lúc đầu, Sư Ông rất vui khi nghe các câu hỏi, nhưng sau khi đã biết cái tật của Pháp Ấn thì Sư Ông không trả lời nữa và để cho Pháp Ấn thực tập. Pháp Ấn thấy điều đó rất hay. Mình đến với quá nhiều câu hỏi mà thật ra những câu hỏi đó không ai có thể trả lời cho mình một cách rốt ráo. Điều mình cần là thực tập, qua năm tháng câu trả lời sẽ tự đến.

Công trình xây dựng tăng thân

BBT: Có mặt từ những ngày đầu của Làng, chứng kiến sự thay đổi và lớn lên của tăng thân, có giây phút nào thầy cảm thấy con đường xây dựng tăng thân thật chông gai và thầy thấy mệt mỏi hay không? Điều gì đã giúp thầy bền bỉ tiếp tục công trình giữ gìn và nuôi lớn tăng thân?

Pháp Ấn nhớ trong một bài pháp thoại vào cuối Thu năm 1993 khi gia đình Con Cá mới được xuất gia, Sư Ông nói người tu như bông xoài trứng cá. Hoa xoài ra rất nhiều nhưng có rất ít hoa đậu thành trái. Trứng cá cũng thế, có trăm ngàn cái trứng mà còn lại có bao nhiêu con cá đâu. Đó là một sự thật, là định hướng nhắc cho Pháp Ấn nhớ rằng đời người tu không dễ. Và khi anh chị em mình đi qua những chông gai, trở ngại, những khúc quanh thì mình chỉ thương thôi, không nên trách. Dù người đó có ở trong chúng, hay rời chúng thì mình vẫn thương họ. Đời người tu rất khó, mình tu được là mình vẫn còn có phước. Cái phước này giống như mình đi làm, có tiền, bỏ vào nhà băng, giữ như tiền tiết kiệm. Nhờ tiền tiết kiệm này mà bây giờ khi không đi làm, mình vẫn có tiền đem ra xài. Phước báu đó giúp cho mình đi xa được trên con đường tu. Phước huệ song tu là vậy.

Những ngày đầu ở Viện Phật học ứng dụng Âu châu, Pháp Ấn đã áp dụng cách vận hành tương tự như hệ thống Honour System – Hệ thống tự tôn trọng bản thân. Hệ thống này là những gì Pháp Ấn đã học và trải nghiệm khi còn đi học tại trường CalTech (CIT) tại thành phố Pasadena của tiểu bang California, Hoa Kỳ. Pháp Ấn hiểu được cách đào tạo này dựa trên chính sự yêu thích và tiến bộ của tự thân, học vì mình thích và muốn hiểu chứ không phải bởi một áp lực nào hết. Thành ra ở trường đó, học sinh rất giỏi và có nhiều thần đồng. Cách Pháp Ấn xây dựng tăng thân là đề cao tinh thần tự giác. Tự giác ở đây không có nghĩa là phóng túng, không theo nề nếp, mà tự giác ở đây là tự giác trong nề nếp, tự giác trong tinh thần của giới luật và theo thời khóa sinh hoạt của chúng. Anh chị em ai muốn làm gì thì Pháp Ấn để cho rất nhiều tự do. Giống như một cái cây muốn lớn lên thì xung quanh cần phải có không gian, để nó hấp thụ chất dinh dưỡng và không khí.

Dù mình đi tu, mình là con người của tập thể nhưng mình vẫn có phần riêng tư của mình và Pháp Ấn tôn trọng phần riêng tư đó. Nhưng cái gì chung thì mình phải cùng xây dựng, đóng góp, hoàn thiện để nó trở thành một không gian chung, thuận lợi cho tất cả mọi người sống và tu học. Không gian chung đó rất quan trọng. Xây dựng chúng là xây dựng không gian chung đó.

Mình không nên đặt ra một ý niệm về tăng thân toàn hảo. Từ thời của Bụt, tăng thân đã là như vậy, luôn có vấn đề này vấn đề kia và mãi mãi về sau sẽ là như vậy. Cái đó là chân như, là viên thành thật tánh. Nhìn vào đó mình thấy được khi nhân duyên đầy đủ thì nó biểu hiện, khi nhân duyên thiếu vắng thì các pháp ẩn tàng. Trong việc xây dựng tăng thân, Pháp Ấn cũng dựa trên nguyên tắc đó. Mình làm hết tất cả những gì mình có thể làm rồi sau đó những gì biểu hiện ra là hoa trái của nhiều thế hệ, nhiều nhân duyên hội tụ lại mà thành.

Thời huy hoàng, tăng thân lớn mạnh, Sư Ông tổ chức khóa tu, đi giảng chỗ này chỗ kia. Đó là bông hoa kết tụ từ nhiều đời nhiều kiếp, nhiều nhân duyên và đến lúc biểu hiện. Bao giờ cũng vậy, một bông hoa sau khi nở sẽ lại trở thành bùn. Tăng thân của mình một ngày kia cũng thành bùn, đó là sự thật của vô thường. Không trước thì sau, sẽ thành bùn một phần nào đó rồi ẩn tàng, rồi nhân duyên tiếp tục biến chuyển trong sự vận hành mầu nhiệm để đưa ra một bông hoa kế tiếp. Khi mình nhìn cuộc sống như vậy, mình mở lòng ra để chấp nhận, làm được cái gì thì làm hết lòng, tăng thân làm được gì tăng thân làm, vui được bao nhiêu thì vui, thành công được bao nhiêu thì thành công. Nhưng điều quan trọng là giáo pháp phải được lưu chuyển. Những giáo lý, những phương pháp hành trì phải được lưu chuyển liên tục vì cái đó là cái thay đổi tăng thân, thay đổi sự sống. Chính bản thân mình cũng phải là một pháp sống, cũng cần phải thay đổi. Đi tu là đối diện với chính mình, đối diện với thói quen không lành, không đẹp nơi mình để chuyển hóa, chứ không phải để nhìn thói quen không lành, không đẹp của người khác. Và thấy rằng mình làm được thì mới mong người khác làm được. Ngày nào mình chưa làm được thì đừng mong thay đổi người khác. Đó là con đường dựng tăng hay nhất, theo Pháp Ấn nghĩ.

Phụng sự và tu học là một

BBT: Thưa thầy, xin thầy chia sẻ với chúng con cái nhìn của thầy về mối liên hệ giữa tu học và phụng sự?

Tu là phải mở được trái tim để có được lòng vị tha, bác ái, có một nhận thức sâu sắc hơn về đời sống. Chính cái đó làm nên chất liệu tâm linh của một người tu. Vậy nên tu khó lắm! Khó hơn ngồi đọc một bộ luận, ngồi viết một luận án tiến sĩ. Bởi vì thay đổi một hành động, một thói quen đòi hỏi một sự quyết tâm rất lớn. Thay đổi con người mình đâu phải là một chuyện dễ dàng.

Phụng sự như thế nào để nuôi dưỡng được tình thương, mở được trái tim ra thì đó mới đích thực là phụng sự. Làm việc chính là lúc tập khí của mình biểu hiện và mình có cơ hội tu với nó. Còn khi mình ngồi trong phòng học, có ai động tới mình, làm cho mình giận, mình buồn đâu để mà tu; có ai đau khổ đâu để cho mình phát sinh tình thương. Những khi sinh hoạt thời khóa, tham gia pháp đàm, lắng nghe, tiếp xúc với khổ đau, mở trái tim ra để chia sẻ với những người xung quanh là những lúc tình thương trong mình được phát khởi và lớn lên. Đó là tu. Như vậy phụng sự cũng là tu.

Năm đầu tiên Pháp Ấn làm thị giả cho Sư Ông, không bao giờ Sư Ông để cho Pháp Ấn ngồi lại hầu cơm. Sư Ông nói: thôi con để cơm đó cho thầy rồi đi ra có mặt, chơi với thiền sinh. Thiền sinh rất cần sự có mặt của mình. Đôi khi Pháp Ấn ra trễ giờ ăn, cũng chỉ còn một vài người nhưng Pháp Ấn cũng ngồi ăn để có mặt với họ. Thời khóa pháp đàm Sư Ông cũng để cho Pháp Ấn đi tham dự. Khi hy sinh, tận tụy cho người khác thì tự nhiên mình hiểu về chính mình và giải thoát được cho chính mình, chứ không phải chăm chăm lo cho mình mà giải thoát được. Như khi nhìn cây đèn cầy tỏa ánh sáng, ánh sáng cây đèn tỏa ra nhưng thật sự nơi nóng nhất là tim đèn. Và cái sức nóng ấy quay lại để làm chảy sáp nơi cây đèn cầy, làm cho cây đèn cầy tiếp tục cháy được. Cũng giống như vậy, chính khi mình phục vụ người khác, khi mình đem tất cả năng lực ánh sáng của mình để rọi đến nơi u tối, thì chính năng lực đó quay lại làm chảy chất sáp trong con người của mình. Mình trở thành một con người giải thoát là nhờ phụng sự. Vì thế tu không phải chỉ lo cho chính mình, tu là vì người, là bác ái. Và khi đó chính mình là người được hưởng nhiều nhất.

Nếu cây đèn cầy không được thắp lên thì sẽ không bao giờ thành một cây đèn cầy mà chỉ là một cục sáp thôi. Một cây đèn cầy phải thắp lên thì cái dụng đó mới làm nên cây đèn cầy. Người tu cũng vậy, mình có cái thể, cái dụng và cái hạnh. Cái thể mình đã có rồi, đó là hình tướng của một người tu, nhưng nếu mình không tỏa chiếu được năng lượng bình an, hạnh phúc, năng lượng giúp cho người khác thay đổi cuộc đời thì mình chỉ có hình tướng của người tu, mới chỉ có chất sáp của cây đèn cầy. Mình phải biến chất sáp đó thành ánh sáng. Chính con đường phụng sự mới làm nên chất liệu của người tu. Từ chất sáp mình biến thành ánh sáng chứ không còn là chất sáp nữa. Vì thế pháp môn của Làng Mai là phải tu trong khi làm việc. Nếu trong khi làm mà không tu thì không còn đúng là người tu. Tu hay không tu điều đó phụ thuộc vào mình!

BBT: Thưa thầy, chúng con cảm ơn thầy đã có mặt và chia sẻ với chúng con những kỷ niệm và những hoa trái thực tập quý báu này.

Thấy Thầy trong tăng thân

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Trở về xóm Hạ

Tôi tới Làng Mai vào ngày mùng 1 tháng 7 năm 1986. Một thiền sinh lái chiếc xe Quatrele cũ màu vàng ra đón tôi tại ga Sainte-Foy-La-Grande. Ba tháng trước, tôi và mấy bạn trong tổ chức Phật tử thân hữu tranh đấu cho hòa bình (Buddhist Peace Fellowship) thỉnh Thầy qua Anh hướng dẫn thực tập. Khi ấy Thầy đã gợi ý rằng tôi nên đến Làng thực tập một tháng.

Về tới xóm Thượng, tôi thấy Thầy đang ngồi trên võng, chiếc võng luôn được mắc giữa hai cái cây đối diện tòa nhà Thạch Lang (Stone building). Thầy mặc một bộ áo vạt hò màu lam, vì hôm đó rất nóng. Tôi chắp tay xá Thầy. Thầy nói: “Đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây”. Tôi đã không hiểu được ý Thầy và nghĩ Thầy muốn nói: “Thời tiết ở đây nóng như ở Ấn Độ vậy”. Sau này, khi nhìn lại, tôi vỡ lẽ ra Thầy ngụ ý: “Con à, đây là ngôi nhà tâm linh của con. Con không cần phải đi Ấn Độ để tìm về ngôi nhà của mình”. Có lần Thầy nói với tôi câu đó được lấy ý từ một bài thơ của thiền sư Việt Nam ở thế kỷ thứ 9, thiền sư Vô Ngôn Thông.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là bầu không khí thư thái của xóm Thượng. Đó là khoảng thời gian hai tuần trước khóa tu mùa Hè hàng năm và công tác chuẩn bị đang được tiến hành nhưng theo cách rất vui tươi và nhẹ nhàng. Một cái giường dành cho tôi được chuẩn bị trong căn phòng có tên Trăng Non. Giường là một tấm ván mỏng đặt trên bốn viên gạch. Những ngày tiếp đó tôi cũng giúp để chuẩn bị những cái giường tương tự cho những vị khách tới sau.

Một ấn tượng khác nữa của tôi: Đây là “khách sạn năm sao”. Bởi vì tu viện mà tôi đã từng thực tập tại Ấn Độ là một tu viện rất nghèo. Ở đó không có nước máy, không có điện, và không có cả giường. Ở đây, tôi có những tiện nghi tối thiểu, có một gia đình tâm linh để cùng thực tập, có một vị thầy nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và có thể hướng dẫn tôi trên con đường thực tập.

Sau một tháng, tôi được phép chuyển về xóm Hạ trong hai tuần cuối của khóa tu mùa Hè. Tôi ở tại cư xá Đồi Mận (Plum Hill), trong phòng có tám cái giường, giống như giường ở xóm Thượng. Về đây, tôi có một cảm giác rất lạ, cảm giác được trở về nhà khi ngồi dưới những cây sồi trăm tuổi và nhìn về phương Bắc. Góc nhìn khi ấy rộng hơn bây giờ vì chưa có rừng bạch dương. Cảm giác này trở lại khi tôi thực tập kinh hành trong thiền đường Nến Hồng và nhìn vào bức tường làm bằng những phiến đá. Thời đó, giữa những phiến đá người ta không trát vữa.

Xung quanh xóm Hạ bấy giờ có nhiều rừng, nhiều hơn bây giờ. Cả 21 héc-ta đất của xóm Hạ đều là những ruộng nho và rất nhiều cây ăn trái. Đó thật sự là một khu vườn bí mật để mình khám phá. Vào một ngày thu tháng Tám, Thầy hái những trái mâm xôi (blackberries) và đưa hết cho tôi, nói tôi làm mứt. Chắc Thầy biết rằng hàng năm mẹ tôi đều làm mứt mâm xôi nên tôi có thể dễ dàng tiếp nối mẹ.

Trong khóa tu mùa Hè, bên cạnh những gốc sồi xóm Hạ có Quán Cây Sồi. Quán bán các loại chè, bánh vào buổi chiều. Tiền bán được đều để dành cho trẻ em đói ở Việt Nam. Với số tiền này, sư cô Chân Không sẽ mua thuốc và chúng tôi đóng thuốc vào những hộp nhỏ để gửi về cho các tác viên xã hội tại Việt Nam. Họ có thể bán thuốc và dùng tiền đó để hỗ trợ cho những người đang thiếu thốn. Chúng tôi không chỉ gửi vật dụng mà thôi; trong mỗi hộp quà còn có những lời khuyến khích thực tập chánh niệm.

Sau khóa tu mùa Hè, thiền sinh rời Làng về nhà, còn tôi chuyển vào cư xá Tùng Bút (Cypress Building). Bây giờ khu nhà này đã trở thành nhà bếp, kho và phòng ăn của xóm Hạ. Hồi đó, dãy nhà Mây Tím còn đầy rơm rạ và phân chuồng vì nơi đây vốn là chỗ nuôi gia súc. Căn phòng tôi ở khá rộng. Sàn nhà làm bằng gạch nung, có lò sưởi củi ốp sứ xanh, có một cái ghế tựa và một bàn viết. Tôi ở đó một mình cho tới khi sư cô Chân Vị tới vào tháng Năm năm 1987.

Nhà Tùng Bút có gác xép. Trên đó đặt rất nhiều xô chậu để hứng nước mưa dột qua mái. Khi trời mưa lớn, chẳng bao giờ có đủ xô chậu ở đúng chỗ dột và nước mưa cứ vậy lọt qua mái, thỉnh thoảng lại rơi xuống giường tôi. Làng Mai thời ấy chưa có tiền để sửa lại mái nhà.

Khi tôi tới xóm Hạ lần đầu, ở đó còn một cái lò làm bánh mì bằng gạch theo lối truyền thống, nằm trong một cái nhà nhỏ bằng đá phía sau cư xá Mây Tím. Nó đã được một vị Tiếp Hiện người Hà Lan là anh Chân Niệm (Robert Naeff) sửa lại vào năm 1985, anh có kinh nghiệm làm những lò bánh mì kiểu này. Vậy là chúng tôi có thể làm bánh mì. Cách làm là bạn đốt củi trong lò và khi củi trở thành than thì bạn lấy ra bỏ vào xô. Khi làm vậy bạn phải hết sức cẩn thận vì nếu than rơi xuống đám cỏ khô ở xung quanh sẽ gây hỏa hoạn. Sau đó, bạn đặt những chiếc bánh mì chưa nướng vào lò nóng. Chúng tôi phải thử vài lần để đừng làm cháy bánh. Cuối cùng thì chúng tôi đã thành công và làm ra bánh mì ăn cũng được.

Ông Mounet (thứ 4 từ bên phải) và ông Robert Naeff (thứ 3 từ bên phải) cùng những người bạn trước lò bánh mỳ cũ

Chúng tôi có một người hàng xóm tuyệt vời là ông Mounet. Ông sống trong ngôi nhà mà bây giờ đã trở thành cư xá Anh Đào (Cherry House). Ông Mounet làm bánh táo và mang ra chợ bán. Ông xây một cái lò chạy bằng gas. Khi bánh táo làm xong thì lò vẫn còn đủ nóng để nướng bánh mì nên ông nói tôi có thể mang bánh mì tới nướng trong lò của ông, như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều.

Với Thầy, âm nhạc và thi ca là một phần quan trọng trong sự thực tập. Khi tôi mới tới, Làng vẫn chưa có bài hát tiếng Anh nào. Thầy khuyến khích tất cả học trò viết những bài thiền ca. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng mình không đời nào có thể viết nổi một bài nhưng bằng cách nào đó Thầy đã tưới tẩm hạt giống thi ca trong chúng tôi. Bài thiền ca đầu tiên tôi viết là trước khi tôi được xuống tóc trở thành một sư cô. Những lời ca tới khi tôi đang rửa bát trong một cái bồn nhỏ và thấp ở trong bếp của cư xá Tùng Bút. Đó là bài “Breathe and you know that you are alive” (tạm dịch: Hãy thở và ý thức là bạn đang sống). Trước đó, Thầy đã từng giảng cho chúng tôi kinh Quán niệm hơi thở (Anapanasati Sutta). Khi nhìn lại bài hát này, tôi thấy Thầy hẳn đã giảng kinh theo một cách thật thi ca và đầy màu sắc. Cũng như tôi đã đọc về Đại sĩ Trúc Lâm, một thiền sư ở thế kỷ thứ 13, với câu nói: mỗi lần cầm đến lại thành mới tinh (nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân). Ý đó đã đi lên trong dòng cuối cùng của bài hát.

Năm 1990, sau lễ xuất gia của các sư chú Nguyện Hải, Pháp Đăng và Vô Ngại, Thầy dạy tôi chuyển qua xóm Thượng để chăm sóc sự thực tập tại đó vì khi ấy trong tăng thân chưa có quý thầy lớn. Thực sự, việc chăm sóc các sư chú là điều quá mới mẻ đối với tôi, mặc dù trong gia đình huyết thống tôi cũng có hai người em trai. Tôi coi nhiệm vụ của mình là làm sao để các sư chú đi ngồi thiền đầy đủ. Hồi đó, ở xóm Thượng còn có vài sư chú khác từ một tu viện bên Mỹ tới thực tập chung. Tôi nhớ có tất cả năm vị. Trong số đó, hai sư chú tuân thủ đúng như những gì tôi mong muốn, ba người còn lại thì cho rằng: thật lạ lùng khi có một sư cô bảo họ phải làm gì. Một người còn nói ở đây giống như trong quân đội, còn tôi thì như một đại tướng vậy! Một ngày nọ, quá thất vọng vì thấy các sư chú không đi ngồi thiền buổi sáng, tôi đã vào tận phòng và kéo chăn của một sư chú đang ngủ. Chắc đó là lý do mà cái danh hiệu “đại tướng” xuất hiện. Trong thời gian ấy, Thầy vừa mới giới thiệu phương pháp thực tập Làm mới, nên chúng tôi “phải” thực tập với nhau. Trong buổi làm mới đó, một sư chú nói sở dĩ sư chú không đi ngồi thiền được là vì hôm ấy sư chú bị đau dạ dày.

Khi mới tới xóm Thượng, tôi không có kinh nghiệm gì về việc xây dựng tăng thân như một gia đình tâm linh. Có lẽ vì tôi đã được đào tạo như một giáo viên ở trường học nên đối với các sư chú, tôi chỉ thấy trách nhiệm của mình là phải nhắc nhở họ thực tập. Cùng thời gian đó, tôi đang dịch cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận của Thầy sang tiếng Anh. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, tôi lại lên lầu trên của tòa nhà Thạch Lang ngồi dịch sách mà không để tâm vào chuyện tạo dựng không khí gia đình. Tôi đã phải học hỏi nhiều để trở thành một sư chị lớn. Đây là một quá trình học hỏi trong suốt cuộc đời xuất gia của tôi. May mắn là thầy Giác Thanh tới Làng vào năm 1991 và tôi có thể từ biệt các nghĩa vụ của mình ở xóm Thượng.

Trong ba mươi ba năm xuất gia tu học, tôi đã đối mặt với khá nhiều thử thách. Điều giúp tôi nhiều nhất là niềm tin sâu sắc vào giáo pháp – những lời dạy giúp ta tiếp xúc được với sự thật đích thực, và Thầy là vị đạo sư có thể trao truyền giáo pháp cho tôi. Nhiều năm tháng trôi qua, niềm tin của tôi vào lòng từ bi, vào trí tuệ của tăng thân lớn lên và nơi nương tựa này đã luôn giúp đỡ tôi trong những giờ phút đầy khó khăn.

Sư cô Chân Không, sư chị của tôi, là người luôn chỉ dẫn cho tôi với rất nhiều tình thương và sự vững chãi. Khi mới tới Làng Mai, thực tập của tôi là nuôi lớn những hạt giống hạnh phúc. Sư cô Chân Không là một người thực tập rất giỏi, một người đã đi qua và chứng kiến quá nhiều khổ đau trong cuộc đời và cũng là người dễ dàng tìm thấy hạnh phúc ngay trong những điều nhỏ bé đang có mặt trong giây phút hiện tại. Sư cô chỉ dạy cho tôi qua cách sống nhiều hơn là qua những lời khuyên. Một sự thực tập rất có ích mà Sư cô thường nhắc tôi là mỉm cười mỗi nửa giờ. Tôi phải để mắt canh giờ, vì tôi thực sự muốn mình có thể thực tập được điều đó. Trong những thời điểm tôi gặp khó khăn, Sư cô đã dạy tôi thực tập nhận diện tất cả những gì mà tôi nên biết ơn, ngay bây giờ, ngay ở đây, và thực tập nhận diện đơn thuần như thế nào để chăm sóc những tâm hành bất thiện.

Giờ đây khi Thầy không còn ở Làng Mai – Pháp, niềm tin của tôi vào tăng thân càng sâu sắc hơn. Qua năm tháng, tôi nhận thấy tăng thân rất đỗi từ bi. Khi có một người trong tăng thân gặp khó khăn, thay vì trừng phạt, trách móc thì tăng thân cố gắng ôm ấp và nâng đỡ vị đó. Tình thương của tăng thân lớn mạnh được là nhờ sự dạy bảo và hướng dẫn của Thầy. Dĩ nhiên có những lúc tăng thân phải đưa ra những nguyên tắc cứng rắn, nhưng điều đó phát xuất từ tình thương. Tôi cũng nhận ra mọi người trong tăng thân có khả năng lắng nghe nhau sâu sắc như thế nào, điều mà ba mươi năm trước đây mình chưa làm được đến như vậy.

Chúng ta chắc chắn cũng có những lên xuống nhưng chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau, làm mới, và tiến tới hiểu nhau được sâu sắc hơn. Chính những khó khăn thường giúp tôi lấy đi sự tự hào và tự tin nơi bản thân, đem lại cho tôi một niềm tin tràn đầy về sự vô ngã. Nhờ đó, tôi hiểu được thế nào là phiền não tức bồ đề.

Có những khoảnh khắc khi đang ngồi trong vòng tròn với đại chúng, đột nhiên tôi nhận ra rằng tôi không có một cái ta riêng biệt và tôi chỉ có thể biểu hiện trong mối tương quan với những người khác mà thôi. Khi tham dự một sinh hoạt của đại chúng, tôi thường tới sớm và ngắm nhìn các sư cô đang đi vào. Khi mọi người đã ngồi yên, tôi thích nhìn xung quanh và cảm nhận sự thương mến của tôi đối với từng sư cô đang ngồi đó. Tôi theo dõi hơi thở khi tôi làm như vậy. Tôi biết rằng chúng ta có những xuất thân rất khác nhau, vẻ bề ngoài và cách cư xử cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, có một cái gì đó thật sâu sắc đang kết nối chúng ta lại với nhau. Giống như cây trong rừng, rễ của cây này luôn luôn liên kết với rễ của những cây khác. Sự thật đơn giản là chúng ta sống với nhau hai mươi tư giờ mỗi ngày, và tất cả chúng ta đều lập nguyện sống cuộc đời xuất sĩ. Đó là điều đã gắn kết chúng ta theo một cách đặc biệt như vậy.

Từ khi tới Làng Mai tôi đã được chuyển hóa nhưng tôi cũng nhận ra rằng tôi còn có rất nhiều yếu kém. Không ai muốn làm điều bất thiện cả. Nhưng tôi vẫn có thể vô tình nói những lời gây đổ vỡ. Tôi cần tha thứ cho bản thân, vì tôi đã không ý thức hết điều mà tôi gây nên. Tuy nhiên, cùng lúc đó tôi phải quyết tâm thật mạnh mẽ để làm tốt hơn trong tương lai. Khi mới tới Làng, tôi thấy thật khó khăn để lắng nghe ai đó chỉ ra những lỗi lầm của mình. Tôi nghĩ bây giờ tôi đã khá hơn. Ban đầu thì tôi tin tưởng nơi Thầy hơn là tin tưởng vào tăng thân. Giờ thì tôi có nhiều niềm tin hơn nơi tăng thân và tôi có thể nhìn thấy trên thực tế Thầy là tăng thân. Bởi vì tăng thân chính là kiệt tác của Thầy.

Nỗi sợ chết trong tôi đã giảm bớt nhờ những lời dạy của Thầy về sự không sinh diệt của đám mây. Tôi nhớ khi tôi sống ở tu viện Thanh Sơn (Green Mountain Dharma Center), ở đó có rất nhiều tuyết vào mùa đông. Một trong những điều mà chúng tôi rất thích là nằm dài trên tuyết, dang rộng đôi cánh tay, và rồi khoát tay lên xuống. Sau đó mình sẽ đứng dậy và nhìn lại “tấm hình” in trên tuyết – nó thật giống hình một thiên thần. Khi tôi nằm trên tuyết, tôi thấy nước trong cơ thể tôi và nước ở bên ngoài trong hình thái tuyết không phải là hai thứ riêng biệt. Thực tập quán chiếu về sáu yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể giúp tôi thấy được rằng tôi không thể chết theo cách trở thành hư vô, không còn tồn tại. Trên thực tế, không có một cái “Tôi” nào để chết đi. Ở Làng, ít khi có tuyết nên tôi thường thấy mình trong những đám mây và thấy những đám mây trong mình.

Tính đến thời điểm này, tôi đã về lại xóm Hạ được khoảng mười hai tháng. Tôi rời xóm Hạ vào năm 1996 để đến xóm Mới và sau đó là đi tu viện Rừng Phong (Maple Forest). Vậy là tôi đã vắng mặt ở xóm Hạ suốt hai mươi bốn năm. Có những nơi không thay đổi gì nhiều, giống như con đường nhỏ dẫn xuống nơi từng là thất của tôi, rồi con đường ở đằng sau thiền đường Hội Ngàn Sao, thiền đường Nến Hồng và những cây sồi vĩ đại. Căn phòng của Thầy ở xóm Hạ, nơi Thầy có thể ngả lưng trên võng sau buổi pháp thoại và mời các con uống trà với Thầy, là nơi chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của Thầy thật rõ ràng. Mỗi khi tôi thực tập thiền hành ở xóm Hạ, tôi lại cảm nhận được một cách thật rõ ràng hương vị của Làng Mai hơn ba mươi năm về trước. Tôi còn nhớ một lần ở xóm Hạ, khi còn là cư sĩ, chúng tôi chuẩn bị lên xe đi thăm Thiền đường Hoa Quỳnh (Fleurs de Cactus) ở Paris. Tôi có một ước mong sâu sắc là đi được như Thầy đi, nên tôi thực tập một mình trong lúc chờ những người khác tới. Nhưng có lẽ hồi đó sự thực tập của tôi còn nhiều hình thức hơn nội dung. Qua năm tháng, cảm giác bình an và hạnh phúc có được từ những bước thiền hành như vậy đã trở nên rất thật trong tôi. Những bước chân của Thầy ở Làng Mai là những gì khiến cho bầu không khí nơi Làng trở nên linh thiêng, và tất nhiên tất cả chúng ta đều muốn giữ gìn không khí linh thiêng này còn mãi bằng những bước chân chánh niệm của mình.

Thấy Thầy Trong Tăng Thân

Kính bạch Thầy,
Thầy còn đó tại chùa Tổ và con rất hạnh phúc.

Bạch Thầy, sáng nay khoảng bốn giờ, con nằm mơ thấy tăng thân Làng Mai khắp nơi đang tập họp tại một nhà ga để lên đường chung. Sư chị Từ Nghiêm và con chưa có vé. Con cảm là hai chị em phải mua vé gấp nếu muốn đi chung với đại chúng. Ông bán vé thật dễ thương, cho hai chị em đi chung một vé rẻ. Ban đầu con sợ con không có tiền, nhưng rồi con tìm được tiền trong một túi nhỏ. Con đếm và thấy đủ để mua vé cho hai chị em. Sau đó, hai chị em chúng con đi ra ngoài và thấy một tăng thân lớn màu nâu. Con xúc động lắm, vì tăng thân quá đẹp. Đẹp hơn cả bầy chim bay về miền Nam vào mùa thu.

Thức dậy, con thấy đời sống là một giấc mơ. Và được gặp tăng thân cũng là giấc mơ, nhưng là giấc mơ đẹp nhất.

Con nhớ ngày xưa khi con đi theo Thầy về Hàn Quốc hay Trung Quốc, có khi Thầy trò có cơ hội thăm các bản kinh nơi các chùa cổ và hai lần Thầy đã chỉ cho con một bài kệ trong kinh Kim Cương được khắc trên bản gỗ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai

(Tìm ta qua hình sắc
Cầu ta qua âm thanh
Là kẻ hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai)

Bạch Thầy, trước khi Thầy thị hiện bệnh và sau khi Thầy thị hiện bệnh, con đã không thực sự thấy Thầy, nhưng khi con thấy tăng thân đẹp như vậy thì con đã bắt đầu thấy Thầy.

Có khi với tư cách một sư chị, con cũng làm vai trò một vị thầy. Nếu con không có khả năng thấy các sư em một cách vô tướng, con cũng không thấy Thầy.

Con xin kính lạy Thầy để tỏ lòng biết ơn vô hạn của con.
Con của Thầy,
Chân Đức