Thiền ca – một pháp môn mình tưởng là mới mẻ của Làng Mai, nhưng thực ra đây là một truyền thống thiền đã được Làng Mai ứng dụng một cách sáng tạo và rộng rãi để quần chúng đương thời, nhất là giới trẻ, có thể tiếp xúc dễ dàng với giáo pháp của Bụt, giúp cho mình ý thức hơn ý nghĩa của đời sống, làm cho đời sống lành hơn, đẹp hơn, giàu có hơn.
Trong đời sống thiền môn, quý thầy, quý sư cô xướng tụng kinh kệ kết hợp thỉnh chuông, mõ, linh, tang… Mình có thể hiểu đó là thiền ca – một hình thức thực tập giúp cho mình thấm nhuần những lời Bụt dạy. Những lời kinh như những giọt nước cam lộ thánh thót rơi xuống đất tâm của mình, làm nảy mầm những hạt giống tốt và tiếp tục tưới tẩm để chúng lớn mạnh, đơm hoa kết trái, làm cho đời sống xinh tươi, tốt đẹp hơn.
Khi con về Làng Mai – Pháp quốc, lần đầu tiên vào mùa hè 1987, con được nghe bài Ý thức em mặt trời tỏ rạng do chị ca sĩ Hà Thanh hát trong máy. Con thực sự rất xúc động, như là mình đang ngủ mê mà được lay thức dậy. Bụt nói mình khổ vì mình không thấy đường. Đường đời muôn vạn nẻo, nếu không may mắn được gặp Bụt đưa đường chỉ lối, mình rất dễ bị lầm lạc.
Cho nên một bài hát thiền như là một bài kinh, một ngón tay của Bụt chỉ cho mình lối đi về bình an. “May thay trong cõi ta bà, đâu cũng có cánh tay đức từ bi cứu độ”. Nếu không tu tập để có được ý thức tỏ rạng như mặt trời thì mình khó mà thấy được ngón tay chỉ đường của Bụt, và có lòng quyết tâm đi theo dấu chân của Ngài để đến được bờ tự do.
Một bài hát gọi là thiền ca, thì lời và nhạc phải nhẹ nhàng, quyện vào nhau hài hòa như tâm ý Bụt. Thiền ca có tác dụng đánh thức mình dậy, không còn ngủ mê nữa, không còn chìm đắm trong sầu khổ nữa. Bài Thở vào, thở ra là bài hát con rất thích. Đây là một bài thiền ca căn bản, được hát bằng nhiều thứ tiếng, nhắc nhở mình tỉnh thức, trở về chăm sóc thân tâm trước khi bắt đầu làm một việc gì, nói một điều gì. Có như vậy mình mới có thể tránh được những lầm lỗi, gây khổ đau cho mình và người khác.
Cùng với bài hát, mình thực tập thở vào thở ra có ý thức, như Sư Ông dạy, làm cho thân tâm lắng dịu lại, tươi mát trở lại như hoa, vững vàng như núi, yên tĩnh như mặt hồ, và thênh thang như không gian, không còn điều gì làm vướng bận. Người hát và người nghe hát phải hết lòng sống với những gì mình đang hát, đang nghe. Có như vậy những hạt giống tốt trong mình mới thực sự được tưới tẩm và lớn mạnh, dâng hoa thơm trái ngọt cho mình, cho người.
Cách hát và cách nghe thiền ca rất quan trọng. Nếu người hát và người nghe hát không có sự tu tập thì khó mà truyền đạt và tiếp nhận được ý nghĩa của bài hát. Do đó có thể làm mất hết tác dụng của bài thiền ca, dù nhạc và lời của bài thiền ca có hay đến mấy. Cũng như Bụt là một bậc giác ngộ tuyệt vời. Pháp của Bụt rất thực tiễn, đem đến nhiều lợi lạc. Nhưng nếu không có một tăng thân tu tập cho đàng hoàng, vững chãi, thì mình cũng khó tiếp xúc được với chánh pháp, với Bụt. Cho nên, mình mới hiểu vì sao vua Ba Tư Nặc thưa với Bụt rằng: khi con nhìn tăng đoàn của Ngài, người nào cũng bình an, vững chãi, niềm tin của con nơi Ngài thêm kiên cố.
Một bài thiền ca theo đúng ý nghĩa, con nghĩ, phải chuyên chở được cả Bụt – Pháp – Tăng. Nếu người hát thiền ca có tu tập vững chãi, có giọng hát và phong thái đầy chất thiền, thì đôi khi chỉ cần hát một bài cũng có thể giúp cho người nghe phát tâm tu học, muốn thực tập bài hát trong đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau, lấy lại được niềm vui sống, và có thêm niềm tin yêu nơi chính mình, nơi cuộc đời.
Sáng nay thức dậy, tôi ngồi yên trước ngọn nến, uống vài ngụm trà olong. Tôi cảm được không gian bình yên của buổi sáng. Bên ngoài, mọi loài còn đang chìm trong giấc ngủ ấm áp của mình. Những ngày làm biếng, tôi có cảm giác thật thân quen với căn phòng Bird nest này. Không gian nơi đây kéo tôi trở về, lắng xuống tận sâu trong tâm hồn. Căn phòng mới sửa, chưa được sử dụng nhiều, đôi chỗ còn dở dang, những cái kho nho nhỏ bên cạnh đang được sửa lại để tận dụng. Dù vậy, đây là nơi ổn định để tôi ngồi yên, học bài hay đọc sách trong những ngày làm biếng. Buổi sáng là không gian yên nhất trong ngày.
Sáng nay, cảm giác nhớ Thầy đi lên trong tôi. Hình ảnh thân quen của Thầy dần hiện rõ. Thầy thường đi đến các xóm trong dịp làm biếng. Qua xóm Mới, Thầy hay ngồi chơi, đi bộ với các con. Có lẽ mấy ngày qua nghe hồi ký của Thầy nên cảm giác nhớ Thầy về nhiều hơn. Trong hai tuần làm biếng sau an cư, có quý thầy từ Thái Lan ghé Làng trước khi qua Đức để nhập chúng nên sư mẹ Thoại Nghiêm sắp xếp cho anh chị em nghe chung hồi ký của Thầy. Tôi không nghĩ sẽ có ngày được nghe lại hồi ký của Thầy.
Thầy là người đã đặt những bước chân đầu tiên ở Làng, đã gầy dựng và phát triển Làng cho đến bây giờ. Điều này quả không dễ dàng. Tôi mong ai cũng có dịp đến Làng. Đến để mà thấy, để chứng nghiệm sự linh thiêng nơi mảnh đất này. Ở xóm Mới, tôi nhớ nhất là con đường Thầy thường dẫn đại chúng thiền hành. Con đường lên đồi Dương Xuân. Những ngày quán niệm tứ chúng tại xóm Mới, Thầy thường hướng dẫn đại chúng thiền hành lên đó. Một đoàn dài, có lúc hơn cả ngàn người. Thầy đã đến nơi, ngồi xuống mà phía sau, tít đằng xa vẫn còn người đang bước. Thầy thường thỉnh ba tiếng chuông cho đại chúng thở, ngồi yên để thưởng thức những mầu nhiệm của trời đất, thưởng thức khung cảnh thênh thang trước mặt. Lạ thay, cả ngàn người mà không ai nói với ai tiếng nào, không khí thật yên, ai cũng thưởng thức từng phút giây hiện tại, thưởng thức nhịp điệu của từng hơi thở, thưởng thức không gian, cảnh vật và tận hưởng năng lượng tập thể đang có mặt. Tất cả như đang thở cùng một nhịp. Đúng như một dòng sông. Thật là nhiệm mầu!
Ở xóm Mới, chị em chúng tôi được luân phiên hướng dẫn thiền hành. Có lần vào ngày quán niệm, tôi dẫn đại chúng theo con đường đó, mới đi được vài bước tôi nhớ đến Thầy, rồi hình ảnh Thầy trong tôi hiện lên rõ nét. Tôi đi với sự thực tập: con đang đi cho Thầy. Tôi để ý đến từng bước chân của mình và giữ ý thức: những bước chân này là bước chân của Thầy, thật vững chãi, thật yên, thật nhẹ nhàng. Thầy cùng tôi đi hết đoạn đường thiền hành trong bình an.
Thỉnh thoảng tôi đi một mình lên đồi Dương Xuân để ngồi yên. Chỉ đến đó thôi là tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, tâm hồn thoải mái như bỏ lại bao nhiêu thứ phía sau. Nhìn lên bầu trời, thấy lòng mình bao la, tôi có cảm giác như mình đang được cuộn tròn, được che chở bởi đất trời nơi đây. Niềm biết ơn trong tôi trào dâng. Tôi nhận ra rằng khi lòng biết ơn trong tôi càng lớn thì tôi hay nghĩ tới và cảm thấy áy náy với những gì Thầy gửi gắm, mong đợi nơi tôi. Sau khi nhận đèn truyền đăng làm giáo thọ vào năm 2012, tôi về Thái Lan tu học. Thái Lan lúc đó đang xây dựng trung tâm mới. Đầu tháng Ba năm 2013, đại chúng chuyển từ nhà bác Pu Lư lên đất mới. Đến cuối tháng Ba, Thầy cùng quý thầy, quý sư cô về Thái để khánh thành trung tâm mới cũng như mở khóa tu cho người Thái và người Việt. Sau khóa tu, tôi được làm thị giả đi khóa tu ở Hàn Quốc với Thầy. Kết thúc khóa tu, tôi và sư cô Linh Nghiêm, sư cô Quy Nghiêm về lại Thái Lan. Thầy và phái đoàn tiếp tục khóa tu ở Hồng Kông. Tôi biết sắp xa Thầy nên trước khi Thầy đi hai ngày, tôi tránh không gặp Thầy vì sợ sẽ khóc nhè. Vậy mà trước khi xe buýt lăn bánh, từ Seoul (Hàn Quốc) để ra phi trường bay đi Hồng Kông, tôi được gọi lên gặp Thầy. Khi ấy, Thầy đã ngồi sẵn trên xe. Thầy dặn tôi: “Con về Thái ôm hết các sư em cho Thầy”. Nghe Thầy dạy, tôi chắp tay “dạ”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là về Thái thì thiền ôm các sư em giúp Thầy. Chỉ là thực tập “thiền ôm”, không làm có lẽ cũng không sao. Thực sự, tôi không thích thực tập pháp môn này lắm. Vậy rồi, tôi quên bẵng chuyện này đi một thời gian.
Sau đó vài năm, lời dặn của Thầy trở lại, đánh thức tôi. Tôi nhận ra rằng nó không đơn giản như tôi nghĩ. Lúc đầu tôi chỉ “dạ” vì Thầy dạy gì thì trước tiên cũng phải “dạ”. Khi nghe tôi “dạ”, Thầy cười và nói: “Con dạ rồi đó, con phải làm cho được”. Thầy Pháp Hữu, lúc đó đang làm thị giả, phá lên cười trước vẻ ngây ngô của tôi. Ui chao, bây giờ mới thấy Thầy đã trao cho tôi một công án và công án của thiền sư không dễ chút nào. Tôi còn nhớ Thầy thường hay viết thư cho các con của Thầy. Cuối thư Thầy viết: “Thầy ôm các con vào lòng”. Nghe thật đơn giản nhưng thấy được lượng bao dung từ Thầy. Thầy thấy và hiểu được những học trò của mình và với tình thương, với lòng bao dung Thầy đã “ôm” được hết tất cả.
Một lần, tôi tham dự buổi họp về vấn đề khó khăn của một sư em. Buổi họp kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Nhìn cho kỹ, ai cũng có những khó khăn, những vụng về, những hạn chế riêng nên mới cần được ôm ấp và chấp nhận từ người khác. Chỉ với một quyết định vội vàng, mình có thể mất sư em. Chỉ có lòng kiên nhẫn, tình thương, cùng với sự bao dung mới có thể thay đổi một con người.
Cái “dạ” ngày đó với Thầy làm tôi áy náy cho đến bây giờ. Càng ngày, tôi càng chạm vào thực tế một cách cụ thể hơn. Và lời nhắn nhủ của Thầy trở về với tôi nhiều hơn. Tôi thấy sự thực tập trong tôi còn giới hạn. Sự phân biệt đúng sai, thương ghét, giận hờn, đòi hỏi, hơn thua… vẫn còn đó. Làm sao có cái nhìn bao dung và tình thương lớn để chấp nhận hết tất cả mọi người. Càng lúc tôi thấy mình phải thực tập nhiều hơn, phải quán chiếu sâu hơn về điều này. Suốt cuộc đời chắc còn chưa đủ. Và có lẽ tôi sẽ vẫn còn những vụng về khi thực tập công án Thầy trao, nhưng tôi biết chỉ cần có sự chờ đợi và lòng kiên nhẫn thì một ngày nào đó tôi có thể thay đổi chính mình, đồng thời ôm ấp và chấp nhận người khác một cách dễ dàng hơn.
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là một sự rối loạn mà thôi”. Giống như vậy, trong một mối quan hệ, chia sẻ bằng lời nói không phải lúc nào cũng là điều hay. Nhiều khi, ngồi tĩnh lặng bên nhau mới quý. Và tôi tin rằng những người có thể ngồi tĩnh lặng bên nhau mới đích thị là tri kỷ của nhau.
Tháng 9 năm 2018, tôi tham gia một khóa tu học tại Làng Mai Thái Lan do Thiền sư Thích Nhất Hạnh lập ra. Trong khóa tu học đó, ngoài những giờ yên lặng ngồi thiền, chúng tôi còn thực tập ăn cơm trong yên lặng, thiền hành trong yên lặng, nghe giảng pháp trong yên lặng. Cứ 15 phút, chuông đồng hồ lại điểm ba tiếng. Khi nghe chuông, ai đang đi thì dừng đi, ai đang nói thì dừng nói, ai đang ăn thì dừng ăn, ai đang rửa bát thì dừng rửa bát. Tiếng chuông nhắc nhở mọi người dừng lại, lặng yên quan sát hơi thở của chính mình. Ngoài ra, từ chín giờ tối đến khoảng bảy giờ sáng ngày hôm sau là thời khóa “Im lặng hùng tráng”. Tất cả mọi người ở Làng giữ yên lặng hoàn toàn, trường hợp thật cần thiết phải nói thành lời thì nói rất khẽ và ngắn để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Ngày thứ năm của khóa tu là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi khi được diện kiến Thiền sư. Hôm đó thời tiết rất đẹp, sức khỏe của Thiền sư cũng tốt lên sau một thời gian dài tĩnh dưỡng trong tịnh thất riêng. Vậy nên, các vị thị giả đưa Thiền sư ra ngoài, đi thiền hành và dùng bữa sáng tại khu nhà ăn cùng với quý thầy, quý sư cô và toàn thể đại chúng. Lần đầu tiên được diện kiến Thiền sư, nhiều người trong đoàn bật khóc vì xúc động. Với ánh mắt sáng, trong và định tĩnh, Thiền sư chăm chú nhìn từng người rồi giơ cánh tay còn khỏe lên xá chào đại chúng rất trang nghiêm. Thiền sư giữ sự trang nghiêm như vậy từ khi Người xuất hiện cho đến khi Người rời đi. Pháp thân tĩnh lặng của Người chính là bài pháp không lời tuyệt diệu dành cho tôi và những ai có mặt ở Làng ngày hôm đó.
Khu nhà ăn của Làng được thiết kế rất thoáng, không có tường ngăn cách với thiên nhiên. Như mọi ngày, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn đi lấy đồ ăn rồi tìm một chỗ ngồi cho mình, chờ khai chuông để bắt đầu thọ nhận bữa sáng. Chỉ khác là sáng nay có sự hiện diện của Thiền sư. Tôi không nghe được bất cứ một tiếng động bát, đũa, thìa hay tiếng nhai thức ăn nào, tất cả đều im phăng phắc. Mọi người đặt toàn tâm toàn ý vào từng cử động của mình, dù rất nhỏ. Tôi nghe thấy tiếng xào xạc của gió đùa trên lá, tôi nghe tâm mình thỉnh thoảng lại trồi lên ý muốn rời mắt ra khỏi bát cơm trước mặt để ngước nhìn về phía Thiền sư. Một sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của không gian giúp tôi có thể nhận diện rất rõ các ý phát khởi trong tâm mình.
Trong sự tĩnh lặng ấy, chú chó vàng của Làng, vốn rất hiền lành và thân thiện, đột nhiên xuất hiện, cất tiếng sủa rú rít, chạy tới chạy lui ngay phía trước mặt Thiền sư. Tôi đã rất bất ngờ và ngỡ sẽ có quý thầy, quý sư cô nào đó nhắc chú chó đừng sủa nữa, hoặc có thể xua chú chó ra khỏi khu nhà ăn để không phá hỏng cái không gian tĩnh lặng tuyệt vời đó. Nhưng không! Không một ai phản ứng lại với tiếng sủa khó chịu đó, tất cả đều yên lặng, tuyệt đối yên lặng. Chỉ có tâm tôi là dậy sóng thôi!
Sau khoảng 30 vòng chạy đi chạy lại liên tục như vậy, chú chó vàng không sủa nữa, chú ngoan ngoãn tiến tới phủ phục trước mặt Thiền sư. Và tôi lại ngỡ ngàng thêm một lần nữa, khi lần đầu tiên nhận ra rằng sự tĩnh lặng ẩn chứa trong đó một sức mạnh vô cùng lớn lao và hùng tráng. Sự quỳ phục của chú chó vàng trước mặt vị Thiền sư tĩnh lặng là minh chứng cho điều đó.
Sau này tôi mới biết, tôi đã may mắn nhường nào khi được diện kiến Thiền sư ngày hôm đó vì đã từ rất lâu, Thiền sư không ra khỏi tịnh thất. Tôi cũng đồng cảm hơn với hành xử của chú chó. Quá phấn khích khi đã lâu lắm rồi mới được diện kiến và đảnh lễ Thiền sư nên đã “vui sướng” đến như vậy.
Ngày cuối cùng ở Làng, chúng tôi – những người đến từ nhiều nơi khác nhau, nói những thứ ngôn ngữ khác nhau, người trẻ người già – đều chia tay nhau trong hân hoan và an lạc. Tất cả đều tươi mát hơn ngày đầu tiên đến Làng. Tôi cũng vậy.
Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những thay đổi ngoạn mục nơi tôi. Tôi nhận ra rằng chính môi trường tĩnh lặng và việc thực tập im lặng là cứu cánh tạo nên những khoảng lặng của tâm, giúp tôi biết dừng lại để quay về với chính mình, yên lặng bên chính mình và hiểu hơn về chính mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vì bạo bệnh nên không thể thuyết pháp bằng lời trong bảy năm cuối đời, nhưng Người đã thuyết pháp bằng chính pháp thân trang nghiêm và nội tâm tĩnh lặng của Người. Những bài pháp không lời ấy đã thu phục mọi người, mọi loài. Đó chính là sự hùng tráng cao tột, đến vô cùng.
Lễ Tâm Tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra trong im lặng. Nhưng lễ tang ấy đã tạo nên tiếng vang hùng tráng chấn động cả năm châu, thức tỉnh mọi người dừng lại để quay về với chính mình và trở thành tri kỷ của chính mình.
Hôm nay là ngày xuất sĩ. Tôi lên Sơn Cốc khá sớm để được dạo quanh. Một vài bóng áo nâu đã có mặt, ai cũng đang thưởng thức không khí tĩnh lặng nơi đây. Thầy đi Mỹ trị bệnh chưa về. Ba hôm nữa là tròn một năm ngày tôi đặt chân đến Làng.
Nắng bắt đầu lên. Tôi đến ngồi bên một thân cây đặt cạnh dòng Phương Khê. Mùa này có mưa nên nước nhiều, ngồi đây tôi có thể nghe tiếng suối róc rách. Tôi nhắm mắt theo dõi hơi thở. Nắng mai ôm trọn lấy tôi. Mấy hôm nay tâm tư tôi tràn ngập sự cô đơn, và tôi có cảm giác như vừa bước chân lên một hoang đảo lạnh để một mình tôi đối diện với chính tôi, để phải tìm cho ra một lời đáp cho cuộc đời mình. Trong tôi, thấp thoáng đâu đây cái mặc cảm rằng tôi có vẻ thờ ơ với tất cả những điều tôi đã có được. Tôi có cần thiết chọn con đường cho riêng mình mà gạt phắt hết những hy vọng và tin tưởng mà bao nhiêu người đã dành cho và muốn tôi thực hiện? Hình ảnh ngôi chùa Kim Sơn, nơi tôi xuất gia tu học suốt 14 năm cứ hiện về như những đợt sóng dồn dập dằn vặt năm uẩn tôi. Có những câu nói mà trước đây tôi đã nghe và nghĩ rằng đó là vấn đề của người khác, không liên quan đến mình. Vậy mà bây giờ, tôi nhận ra bên trong tôi cũng có những câu y hệt như vậy: Tôi có bỏ Thầy Tổ mà đi? Tôi có cô phụ gốc rễ? Tôi có coi thường những mối liên hệ khác trong đời sống hàng ngày trước đây? Tôi có nên trở về nếp cũ? Trong những buổi ngồi thiền gần đây, ý tưởng kia cứ đi lên làm tôi chao đảo, giam hãm tôi trong một căn phòng vô hình. Tôi gọi Thầy và tác ý năng lượng vững chãi, an lành, can đảm của Thầy đang bảo hộ tôi.
Trong giây phút ấy, hình ảnh con cá chép vượt vũ môn trong dáng điệu uy dũng nhưng rất cô đơn bỗng nhiên xuất hiện. Con cá chép dùng hết sức bình sinh để thực hiện một cú nhảy vượt vũ môn mà biến thành rồng thênh thang. Cú nhảy ấy, có thể khiến nó thấy như có gì đó mất mát khi bỏ lại hồ nước, bỏ lại mấy tảng đá, bỏ lại rong rêu, bỏ lại những thứ quen thuộc vốn đã gắn bó với đời sống của một con cá chép. Cái thấy mất mát đó cũng là một ngã rẽ. Nếu nhảy qua được phía bên kia, hóa rồng, con cá chép ngày xưa ấy sẽ thấy mình thực sự không mất mát gì cả. Dù không còn phải cần đến rong rêu, những hốc đá để làm nhà, những thứ thân quen xưa cũ nhưng con cá chép ngày xưa đó không coi thường, vẫn thỉnh thoảng về thăm nơi chốn cũ, và thấy nơi đó còn đẹp hơn với cái nhìn rất mới nơi đôi mắt của loài rồng.
Giây phút ấy đến nhanh như một tia chớp. Tôi bám lấy hơi thở và nuôi hình ảnh ấy thật sâu trong tâm thức. Tôi đã thấy mình mang được cả tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh Kim Sơn lên đường. Câu trả lời đã đến không còn chút nghi ngờ. Tôi không cô phụ, không phản bội, không chạy trốn, tôi chỉ làm cái điều mà tôi cần làm. Tôi làm cho bản thân mình, cho ước muốn vun bồi tình đạo xưa nay với tổ chức Phật giáo, với Thầy Tổ, với người dân quanh vùng, với ngôi chùa nơi mình được sinh ra. Làm cho hay, thì sau này, cuộc trở về của mình mới đẹp. Khi đó mình nhận ra rằng mình đã không bị chôn vùi bởi những lề thói cũ đã từng giam hãm, từng chế ngự mình. Tôi xác lập chủ quyền cho con đường tâm linh của mình, không bị giới hạn bởi những ước lệ đã có. Tôi biết cái gì mình thiếu. Và mình đang lên đường để làm đẹp thêm cái vốn liếng mình đang thực sự thiếu, thực sự đói khát đó.
Tôi mở mắt, thấm những giọt nước trên má. Mặt trời đã lên cao. Tôi mỉm cười, lòng tràn đầy niềm biết ơn. Trong lòng Phương Khê, tôi thấy rõ mình, lòng ngập tràn xúc động. Tôi sung sướng lắm, thấy mình chạm được cái tự do trong lòng, không phải tuân thủ những tiện nghi vật chất lẫn những tiện nghi tình cảm thông thường. Tôi không coi thường chúng, nhưng cũng không phải kỳ kèo mệt mỏi vì chúng, chỉ thấy mình không thích hợp và không quen với cách sống đó nữa, thế thôi. Tôi chắp tay xá xuống, rồi đứng dậy đi tới phía cội tùng già. Gặp sư anh Pháp Ứng, tôi mỉm cười chắp tay xá, trong lòng rất biết ơn năng lượng của tăng thân. Nơi góc căn nhà gỗ cổ kính giữa lòng Phương Khê, tôi đã ngồi thiền trong suốt buổi chiều để nuôi cái thấy kia thêm thâm sâu. Lúc tôi bước ra ngoài trời, đại chúng chơi trò chơi đã xong và đang đến phần trao quà. Nếu không được ngồi thiền, thiền hành, chấp tác, uống trà, hay ăn cơm giữa lòng tăng thân mỗi ngày suốt một năm qua, tôi biết sẽ rất khó để tôi có thể bắt gặp giây phút mầu nhiệm sáng nay.
Ngày về
Thời gian ở Kim Sơn, tôi thích đi dạo ra trước ngôi tháp và đảnh lễ thầy Trí Thuyên, một vị xuất sĩ trẻ đã bị quân Pháp bắn vào năm 1947. Đọc Việt Nam Phật giáo sử luận hay Bây giờ mới thấy, hoặc trong những bài pháp thoại của Thầy, tôi biết Thầy và thầy Trí Thuyên là bạn thân của nhau. Ngày 10 tháng 3 năm 2016, nhằm ngày 2 tháng 2 Âm lịch, tôi may mắn được làm thị giả cho Thầy. Khi nhận tin, tôi khá bất ngờ, lúc đó đang trong thời điểm làm biếng mười ngày sau khóa tu xuất sĩ. Và còn bất ngờ hơn khi tôi khám phá ra, ngày tôi bắt đầu làm thị giả cho Thầy, thì ở Kim Sơn, đại chúng cũng đang tưởng niệm 69 năm ngày thầy Trí Thuyên viên tịch. Tôi có viết trong sổ công phu rằng: “Kính bạch thầy Trí Thuyên, trong thâm sâu tâm linh con biết rằng, Người đã gọi con lên làm thị giả cho Thầy. Con tin rằng thầy của con hiện tại ở Kim Sơn cũng sẽ cảm thấy rất vui lòng vì điều này”.
Được cơ may thân cận Thầy trong thời gian làm thị giả, tôi đã học được những bài học Thầy trao truyền. Trong mỗi bữa ăn, Thầy đưa từng muỗng thức ăn lên miệng bằng tất cả sự chú tâm, thận trọng và thưởng thức. Chánh niệm đã trở thành sự sống của Thầy. Thầy thưởng thức từng ngụm trà một cách trầm lặng. Ngắm nhìn thiên nhiên, Thầy trở thành người vô sự. Một bông hoa ngọc lan nở, với Thầy cũng là một phép mầu. Tôi thương lắm mỗi khi nhìn thấy bàn tay trái của Thầy chăm sóc và đánh thức bàn tay phải. Thầy ngồi vào bàn, với bàn tay trái, Thầy cầm bút, vẽ từng vòng tròn thư pháp và mỉm cười. Một bông hoa nở trên trang giấy, bông hoa nở trong lòng Thầy. Bông hoa ấy cũng nở trong lòng mỗi chúng tôi.
Buổi thị giả thứ 16, ngày 25 tháng 3 năm 2016
Như chư Tổ ngày xưa, bây giờ Thầy cũng ngày đêm truyền trao pháp hành sinh động: Ngươi đỡ chân, ta vì ngươi mà bước; ngươi dâng thuốc, ta vì ngươi mà uống; ngươi đưa cơm, ta vì ngươi mà ăn; ngươi trái lễ, ta vì ngươi mà la dạy; ngươi pha trà, ta vì ngươi mà đưa tay ra tiếp; ngươi muốn học, ta vì ngươi mà dạy bảo; ngươi đưa bô tới, ta vì ngươi mà đi tiểu; ngươi muốn học vô thường, ta vì ngươi mà bệnh, thử hỏi ta có truyền tâm ấn cho ngươi không, ai phụ bạc ai. Tôi cảm được điều này trong thời gian làm thị giả. Thầy cũng đang bệnh cho tăng thân, cho Làng, cho các con của mình có dịp lớn lên thêm. Thầy đang chịu đựng những đau nhức, vậy mà, ngày nào Thầy cũng có thời giờ ngắm nhìn sự sống đang tuôn dậy. Đó không là một phép lạ, không là một bài pháp thoại đầy sinh khí và sống động thì là gì? Ta đòi tiếp nhận gì từ Thầy nữa, nếu không tiếp nhận được những bài học cụ thể đó.
Sức mạnh của Thầy vẫn còn toát ra từ đôi mắt. Tôi nhớ một buổi sáng trong ngày thứ hai của Đại giới đàn Ân Nghĩa, Thầy ở lại cốc Ngồi Yên và dậy uống trà rất sớm. Sau đó Thầy dạy hai anh em thị giả chúng tôi mặc áo dài, đẩy xe lăn cho Thầy đi ngắm trăng. Tôi đẩy xe lên con đường bên hông tháp chuông xóm Thượng. Trăng buổi mai tròn và sáng lắm, Thầy ngồi yên ngắm trăng, thỉnh thoảng đưa tay lên chỉ cho hai đứa học trò được tiếp xúc sâu hơn. Vào thiền đường Nước Tĩnh, Thầy nhìn quanh cách trang trí một chút rồi lại ngắm trăng, lại chỉ cho hai anh em. Sau đó, Thầy đồng ý ra thiền đường Chuyển Hóa thăm. Chư Tôn đức đang dùng sáng và Thầy cũng dùng sáng chung. Thầy dùng rất chánh niệm, đưa từng muỗng thức ăn lên miệng cẩn thận và dứt khoát, ánh mắt sáng như ánh mắt mấy lần tôi bắt gặp ở Thái Lan năm 2013 khi được ở chơi bên Thầy. Chính ánh mắt và phong thái ấy đã khiến Hòa thượng Giác Quang ngồi khóc trong bữa ăn. Dùng sáng xong, Thầy về lại, gần đến cốc Ngồi Yên thì mặt trời vừa ló dạng. Thầy thấy và chỉ cho mọi người, rồi Thầy mời chư Tôn đức xuống cốc ngắm mặt trời lên. Khung cảnh thật huy hoàng.
Buổi thị giả thứ 27, ngày 5 tháng 4 năm 2016
Ngủ giữa lòng Phương Khê, tôi nằm mơ thấy có một bé trai chừng mười tuổi, nghèo đói và ốm yếu. Bé biết rằng mình phải đi trên một chuyến tàu đặc biệt để đến địa điểm đó thì bé sẽ tìm thấy được cuộc đời mình. Bé phải lên đường. Nhưng bé không có tiền. Với một cái bao đựng vài vật dụng, bé lựa thời điểm và trốn lên khoang chở hàng tối tăm, chật chội. Tàu lăn bánh, từ đồng bằng rồi từ từ băng qua những triền đồi cong cong và những cánh rừng hoang dại.
Tàu ngang qua một hầm tối, bỗng bé nghe trong đầu những câu chữ gì đó có hình ảnh của cơn mưa tầm tã. Tự nhiên bé buồn ghê lắm, trong cửa kính chiếu hậu, bé thấy mình thực sự là một kẻ độc hành, cô đơn cùng cực, không có bạn bè, không có người thân, không một lời hỏi han, không một tiếng động viên. Trước thời điểm đó, không biết lý do gì đã xảy ra mà bạn bè tan tác mỗi người một phương. Những người bạn có thể đang ở trên những chuyến tốc hành khác và hẳn là cũng đang cô đơn như thế. Bé buồn, nhưng bé không khóc.
Vẻ uy thiêng của đất trời, của rừng, của cây gọi bé trở về với cái đẹp. Bé không thể ngồi yên hoài giữa khoang tối. Bé thấy trong lòng có một tiếng gọi thâm sâu nào đang lên tiếng khiến bé rất xúc động. Bé đưa mắt nhìn qua cửa khoang tàu. Tiến ra chút nữa, bé đưa cả đầu mình ra ngoài cửa để nhìn không gian khoáng đạt bên ngoài khi tàu đi qua những khu rừng, những sườn đồi và vách núi. Bé quên rằng mình có thể bị phát hiện. Bé hạnh phúc nhìn quanh. Tàu bỗng chạy chậm hẳn, đến độ không còn nghe tiếng gió xẹt qua, nhưng không dừng lại. Cửa kính chỗ người lái tàu mở ra. Bé thấy được rất rõ khuôn mặt hiền lành, đầy ý chí và vui vẻ của người lái tàu. Bé phát hiện ra người lái tàu đang hướng đôi mắt về phía mình qua kính chiếu hậu. Bé thót tim và vô cùng sợ hãi. Bé sẽ bị đuổi xuống tàu. Bé như bị điểm huyệt. Trong giây phút đó, qua kính chiếu hậu, bé thấy người lái tàu đang mỉm cười, một nụ cười quá đỗi quen thuộc vọng về trong tiềm thức. Chỉ vậy thôi mà bé tự biết rằng bé có thể đến được nơi bé cần đến một cách an toàn. Người đàn ông còn nheo mắt với bé và gật đầu rồi sau đó tiếp tục quan sát đường ray. Rồi bỗng nhiên ông ta cất lời, hay đã đọc một câu thơ: “Chúng ta luôn thương những mảnh đời như vậy”.
Tôi thức dậy, nước mắt đầm đìa. Tôi khóc một cách chân thành và trẻ dại, những giọt nước mắt cứ như là những giọt nước mát lạnh ngày nào mà chú bé đã vốc uống từ giếng nước Kim Sơn thơm trong ấy. Hình ảnh Thầy thay thế hình ảnh của người lái tàu. Lòng tôi cứ gọi “Thầy ơi, Thầy ơi…” Giấc mơ khiến cả năm uẩn tôi chấn động mãnh liệt. Tôi cảm nghe mình như là một đứa bé nghèo nàn rách rưới đi tìm một cái gì quý nhất cho cuộc đời mình. Và tôi đã được chấp nhận để tham dự vào chuyến tàu trở về. Người lái tàu đã chấp nhận tôi bằng một nụ cười đầy uy đức. Tôi không còn là một người xa lạ, một người còn mang trên mình nhiều nỗi mặc cảm trong cuộc trở về này nữa. Như tự ngàn xưa đứa bé nghèo đói, ốm yếu kia là tôi, và Thầy chính là người lái chuyến tàu mang tôi về nơi bình yên để tôi gặp được điều tôi đã bao ngày tìm kiếm, để tôi được đích thực là tôi. Một giấc mơ không hẳn chỉ là một giấc mơ. Với tôi, giấc mơ ấy chứa đựng trọn vẹn gia tài và con đường đích thực của mình.
Tiếng gọi vào dòng
Một buổi chiều tôi đi bộ từ Sơn Hạ lên xóm Thượng. Chân trời mang màu hỏa hoàng với những rừng cây chuyển màu và rụng lá. Con đường ngập lá vàng. Tôi nhận ra một bụi cỏ nhỏ và những chiếc lá mới, những thứ mà đã đi trên con đường này bao nhiêu lần nhưng tôi chưa từng để ý. Giây phút đó, tôi chợt hiểu ra tại sao Thầy cứ dạy đi dạy lại về hơi thở và bước chân, cứ nhắc hoài cái đẹp của con đường huyền thoại, cứ ca ngợi trúc tím trời xanh hay chỉ cho học trò sự mầu nhiệm của một chiếc lá. Ngày xưa nghe pháp thoại, đọc sách hay nghe huynh đệ kể những mẩu chuyện về Thầy, tôi hay thắc mắc có gì nơi những thứ đó đâu mà Thầy cứ nhắc hoài không chán? Hôm ấy nhìn thấy một bụi cỏ và những chiếc lá mới trên con đường cũ, tôi mỉm cười và nhận ra trong mắt tôi đã tìm thấy được một lần cái đẹp, sự mầu nhiệm của những điều tưởng như bình thường đó. Và đã thấy được một lần rồi thì tôi có thể hiến tặng cho tôi cái thấy đó thêm một lần nữa. Những phát hiện đơn sơ ấy nuôi lớn niềm vui thực tập trong tôi, nuôi lớn sự biết ơn nơi tuệ giác linh động của Thầy, nuôi lớn niềm tin về khả năng tiếp nhận và trao truyền dòng chảy tâm linh không bao giờ đứt đoạn nơi tăng thân.
Con đường lá Trải ngàn thu Cánh mai nở Thoảng hương trầm Thơm mỗi nét cổ thư.
Sư chú Chân Trời Ruộng Đức, đến từ Malaysia, xuất gia trong gia đình Cây Bạch Quả vào năm 2019. Sư chú hiện đang tu tập và phụng sự với rất nhiều niềm vui tại chùa Sơn Hạ, Làng Mai Pháp.
( Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh )
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là con đang bước vào năm thứ ba của thời sadi. Nhìn lại chặng đường đã qua và bồ đề tâm của mình, con tự hỏi: “Mình ở đây để làm gì? Mỗi ngày trôi qua liệu mình có tỉnh thức hơn một chút nào không?”
Hồi còn là cư sĩ, con tham gia các hoạt động thiện nguyện, tặng thực phẩm, áo quần, thuốc men và các vật phẩm thiết yếu cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Con nghĩ sự giúp đỡ ấy có thể giúp họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc, nhưng thật sự thì không phải như vậy. Điều đó chỉ giúp ích một phần mà thôi. Sau khi nhận những vật phẩm ấy, họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng, và trông mong sự hỗ trợ khác. Chúng con lại tiếp tục tìm cách giúp họ thêm. Lúc ấy con chưa biết đến sự thực tập và con thấy mình chỉ đang tạo thêm gánh nặng cho chính mình. Thấy họ không hạnh phúc, lòng con cũng cảm thấy không vui. Con bắt đầu tự hỏi: “Tại sao lại như vậy?”
Sau một thời gian thực tập tại Làng Mai, niềm vui và hạnh phúc của con ngày một lớn lên. Con học cách lắng nghe tiếng nói từ nội tâm và học hiểu thêm về chính mình. Con nguyện sẽ chăm sóc chu đáo cho khu vườn tâm của con và khám phá thêm về cuộc sống.
Cũng vào dịp này năm ngoái, ba của con qua đời. Mẹ và các anh chị em cần sự có mặt của con nên con đã xin đại chúng được về Malaysia thăm và yểm trợ gia đình. Con rất biết ơn tăng thân đã cho con cơ hội quý giá này. Trong thời gian thăm nhà, con cảm thấy môi trường bên ngoài đầy cám dỗ nhưng cũng đầy áp lực và thử thách. Sau vài tuần xa tu viện, con bỗng thấy nhớ tăng thân. Mỗi ngày con đều ngồi thiền sáng tối và thực tập thiền hành, nhưng con vẫn dễ dàng bị năng lượng xung quanh kéo đi. Con thường xuyên tự nhắc nhở mình phải thực tập quay về với tự thân. Con nhận ra tăng thân là nơi để con nương tựa, thực tập cùng tăng thân dễ hơn thực tập một mình. Nhờ được nuôi dưỡng trong nguồn năng lượng tập thể ấy, thân tâm con được thanh lọc mỗi ngày. Dù khó khăn thử thách vẫn còn nhưng con biết tăng thân vẫn luôn có mặt và yểm trợ cho con.
Khoảng vài tháng trước, con chuyển xuống Sơn Hạ sau một năm sống ở xóm Thượng. Thời gian đầu, thích nghi được với môi trường nơi đây không phải là chuyện dễ dàng đối với con. Nhất là khi con còn chưa biết cách chăm sóc cho mình. Nhưng nhờ sự chỉ dạy và nâng đỡ của hai vị y chỉ sư là thầy Nguyên Tịnh và thầy Pháp Áo mà con dần dần biết cách chăm sóc khổ đau của mình. So với xóm Thượng thì Sơn Hạ khá ẩm ướt và lạnh. Mùa đông về, nhiệt độ bắt đầu giảm, phòng ốc trở nên rất lạnh. Vậy mà y chỉ sư của con chẳng bao giờ dùng đến máy sưởi. Ước gì con cũng thực tập được như vậy.
Biết con sợ lạnh, y chỉ sư đã cho con đổi chăn dày hơn. Bây giờ con có thể ngủ thẳng giấc. Đôi khi con cũng tự nghĩ: giờ này ngoài kia đang có rất nhiều người đói khổ, nhất là trẻ em, không có đủ cơm ăn và áo ấm để mặc. Con rất may mắn khi có đủ những điều kiện để hạnh phúc và để đi tới trên con đường thực tập.
Sống trong tăng thân, con có nhiều cơ hội thực tập: thỉnh chuông đại hồng, hô canh sáng, hướng dẫn thiền hành, ngồi chuông hướng dẫn cho buổi ngồi thiền. Con là người khá rụt rè, nhưng nhờ những cơ hội ấy mà con dần vượt qua được sự nhút nhát của mình. Sự chuyển hóa ấy cho con thêm niềm tin và động lực thực tập.
Mùa an cư này con được chăm sóc vườn rau, đó là một món quà ý nghĩa đối với con. Con muốn chia sẻ niềm hạnh phúc khi được làm việc cùng với y chỉ sư trong vườn. Mới đầu con nghĩ rằng vườn là nơi cung cấp rau cho đại chúng, nhưng thật ra đó không phải là mục đích chính.
Bắt tay vào việc, thầy Pháp Áo dùng máy để quất cỏ, sau đó thầy Nguyên Tịnh và con cùng nhau nhổ lên. Đất trong vườn được xới, làm cho tơi ra, và được đánh luống. Chúng con tưới nước cho đất mềm và ẩm hơn. Đất không canh tác gần cả năm, khá khô và cứng nên phải mất rất lâu để thấm nước. Lúc đó thầy Pháp Áo cười và nói với con: “Sư em chỉ cần tưới nước cho nó mỗi ngày thôi”. Ồ! Giống như thầy muốn nói điều gì đó với con, nhưng đó là điều gì?
Chỉ sau hai ngày làm việc ở vườn xanh, con đã buông bỏ được rất nhiều căng thẳng và đau nhức trong thân tâm. Mấy luống đất sau khi được tưới nước vài ngày rồi bón thêm phân gà thì trở nên mềm và dễ thấm nước hơn.
Thầy y chỉ sư của con gieo hạt và dặn con tưới nước mỗi ngày. Vài ngày sau, hạt bắt đầu nảy mầm. Những mầm non theo nhau lớn rất nhanh. Để đủ không gian cho các bạn, thầy đã bứng một số cây con và trồng sang luống khác.
Một buổi chiều, vào giờ chấp tác, khi đang chăm chú tưới nước cho những luống rau mầm thì bỗng nhiên con thấy các mầm non nhỏ xíu đang mỉm cười với con. Ôi! Thật là tuyệt! Lần đầu tiên con cảm nhận rõ như vậy. Đây là một giây phút rất hạnh phúc, chắc hẳn đây cũng là điều mà thầy muốn nói với con.
Lúc rau mầm lớn lên cũng là lúc cỏ mọc cao hơn. Con chỉ lo chăm chỉ tưới rau mà chẳng để ý gì đến cỏ dại. Vào một buổi sáng, trong lúc uống trà, biết là con quên nhổ cỏ nên thầy mỉm cười và nói: “Sư em chỉ biết tưới rau thôi”. Sau đó, con nhận ra rằng dù chăm sóc rau nhưng mình cũng cần phải nhổ cỏ. Chiều hôm ấy, khi đang nhổ cỏ với thầy Nguyên Tịnh, con phát hiện ra rằng con không thể nhổ cỏ xung quanh các luống rau mầm được vì rễ của rau cũng rất yếu lại dính vào rễ cỏ. Con chỉ có thể cắt tỉa cỏ xung quanh mà thôi. Thầy Nguyên Tịnh cười và nói rằng chắc phải đợi thêm cho đến khi cây rau đủ mạnh thì con mới có thể nhổ cỏ. Con lắng nghe và kiên nhẫn chờ đợi để rau lớn thêm.
Đến cuối thu, nhìn thấy những cây rau Arugula (rau rocket) đang úa từ từ, con nhổ cỏ và nhổ luôn rau Arugula. Rễ cỏ đâm xuyên chằng chịt với rễ rau. Phải khéo léo lắm con mới có thể gỡ riêng ra từng thứ và trồng lại rau Arugula. Chỉ sau vài ngày, những chiếc lá non xanh bắt đầu nhú lên khiến con rất hạnh phúc. Nhìn chúng, con tự hỏi: “Liệu mình có làm được như vậy với khổ đau của chính mình không?”
Một buổi chiều khi đang thu hoạch rau, thầy Pháp Áo nói với con là kể từ hôm nay con cần phải bắt ốc sên trong vườn vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Những chiếc lá rau đầy lỗ là chứng tích cho bữa ăn no nê của các bạn ốc sên. Sau lời dạy của thầy, trong lòng con cảm thấy rất tò mò. Cuộc đời con liệu có liên hệ gì đến những chú ốc sên? Kể từ hôm ấy, sáng tối con đều ra vườn để tìm kiếm câu trả lời. Con bắt được hơn một nghìn con ốc sên mà câu trả lời vẫn chưa thấy xuất hiện. Trong buổi ngồi thiền tối, khi đang quán chiếu về hơi thở, tự nhiên hình ảnh của mấy con ốc sên đi lên trong con. Và con nhận ra đây có thể là thông điệp mà y chỉ sư muốn gửi gắm tới con, nhưng con cũng muốn kiểm tra xem có chắc là như vậy không. Đêm hôm ấy, con ở trong vườn rau, tiếp tục bắt ốc sên. Không lâu sau con đã thấy được điều mà con chưa bao giờ thấy. Niềm vui tràn dâng. Đúng rồi! Nó đây rồi!
Nhờ cơ hội được làm việc trong vườn rau, con nhận ra rằng làm việc không tách rời sự thực tập. Chăm sóc vườn rau, con cũng đang chăm sóc cho mình và mọi người. Chuyện gì xảy ra với vườn rau cũng là xảy ra cho con. Đó là điều mà y chỉ sư muốn con thực tập. Con cần học cách chăm sóc mình, tìm thức ăn nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, tưới tẩm và nuôi lớn những hạt giống thiện lành cũng như chăm sóc những hạt giống bất thiện khi chúng phát khởi.
Con cũng cần thường xuyên trở về lắng nghe tiếng nói từ nội tâm mình để có thể hiểu thêm về những người bạn bé nhỏ trong con, những người bạn đã đồng hành cùng con bấy lâu. Trong quá khứ, vì không biết nên con đã bỏ bê các bạn. Mỗi khi các bạn xuất hiện thường mang theo những cảm giác khó chịu, nên con thường tìm cách chạy trốn mà không muốn đối diện, đón nhận. Nhưng bây giờ con biết con cần phải nhận diện và dành thời gian có mặt cho các bạn mỗi khi các bạn xuất hiện. Đây cũng là cơ hội để con bày tỏ tình thương, sự quan tâm, và để thiết lập mối liên hệ với các bạn. Con dần hiểu thêm về chính mình và ba mẹ, hiểu hơn những khổ đau trong quá khứ. Bởi vì khổ đau hiện tại của con cũng chính là khổ đau của ba mẹ – những khổ đau mà ba mẹ đã chất chứa và mang theo trong nhiều năm tháng. Con sẽ tiếp tục thực tập cho ba mẹ.
Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc. Năng lượng chánh niệm giúp con có thể nhận diện, chăm sóc và chữa lành khổ đau. Khi khổ đau được chăm sóc và chữa trị bằng năng lượng của từ bi và thương yêu thì con vẫn có thể tận hưởng những mầu nhiệm của cuộc sống mà không bị kéo đi bởi những khổ đau ấy. Phương pháp chăm sóc khổ đau cũng chính là phương pháp trị liệu. Một khi sự trị liệu xảy ra thì con đã bắt đầu chuyển hóa. Con nhận ra mình không cần phải làm gì nhiều để chuyển hóa khổ đau, vì khổ đau cũng có tính chất hữu cơ. Chỉ cần để cho năng lượng an lành nuôi dưỡng con mỗi ngày, giúp con trở nên nhẹ nhàng và thư thái hơn. Con có thể thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và thực tập cùng với tăng thân. Nhờ vậy mỗi khi đau khổ xuất hiện, con có khả năng nhận diện và ôm ấp. Thực tập như vậy rất hiệu quả. Giống như y chỉ sư của con đã dạy: “Khi cây rau đủ mạnh thì cũng dễ nhổ cỏ hơn”.
Khổ đau có liên hệ tới những suy nghĩ mà con phát khởi trong ngày. Con có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và khó mở lòng học hỏi những cái thấy khác biệt của những người đồng sự. Nhiều lúc con chỉ muốn người khác làm theo cách của mình. Con nói năng, hành xử thiếu chánh niệm làm những người ấy buồn khi làm việc với con. Con thấy những năng lượng tiêu cực ấy không vận hành riêng biệt mà chúng kết nối với nhau và hoạt động cùng lúc. Khi những cái thấy sai lạc kết hợp với những tâm hành bất thiện sẽ làm phát sinh những cảm thọ khó chịu. Thỉnh thoảng nó ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể và khiến con cảm thấy không dễ chịu. Nếu như con không có ý thức thì chúng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng lẫn nhau, hết lần này đến lần khác, và làm cho con khổ đau đêm ngày. Một khi nhận diện được những tri giác của mình và có khả năng dừng lại, con có cơ hội để tự hỏi: “Có chắc như vậy không?” Thực tập như vậy con trở về được với chính mình. Nhờ thực tập như lý tác ý, năng lượng tiêu cực sẽ được năng lượng chánh niệm, năng lượng thương yêu chăm sóc và chuyển hóa. Khi năng lượng tích cực có mặt, con cảm thấy dễ chịu và cách nhìn nhận của con cũng trở nên tích cực hơn. Hàng ngày, con cần duy trì sự thực tập để khám phá thêm về chính mình. Thực tập là một quá trình liên tục. Con rất biết ơn hai vị y chỉ sư của con, vì hai thầy biết rõ sự thực tập nào cần thiết đối với con trong thời gian này. Con cũng nhận ra tầm quan trọng của sự thực tập nương tựa y chỉ sư.
Con vẫn còn rất non nớt trong sự thực tập nên con hy vọng các vị y chỉ sư và tăng thân tiếp tục hướng dẫn, chỉ dạy cho con. Mỗi buổi sáng, khi có cơ hội được uống trà và nghe chim hót cùng y chỉ sư, con rất hạnh phúc. Đây cũng là dịp để con giải tỏa những thắc mắc trong sự thực tập. Nhờ tình thương, sự hiểu biết của y chỉ sư mà con có thể đón nhận và học hỏi rất nhiều. Đối với con, đó là những giây phút quý giá nhất trong cuộc đời.
Trước đây, con cứ nghĩ hạnh phúc ở đâu đó ngoài kia, nếu muốn có hạnh phúc thì con phải theo đuổi cái đó. Nhưng khi có được thứ ấy rồi, con lại không cảm thấy hạnh phúc, con vẫn tiếp tục tìm kiếm những hạnh phúc khác. Vào một buổi sáng, đang ngồi uống trà yên lặng với y chỉ sư, bỗng nhiên con nhận ra hạnh phúc đang có mặt ngay ở đây và bây giờ. Lòng con cảm thấy biết ơn và an tịnh. Hạnh phúc chính là đây. Mình còn trông đợi gì nữa? May mắn biết dường nào khi được làm một người xuất sĩ và sống trong tăng thân này. Một tăng thân mà Sư Ông, quý thầy, quý sư cô lớn đã dày công thành lập và xây dựng. Con có thể thấy được bao nhiêu điều kiện và nhân duyên đã hội tụ để cho tăng thân biểu hiện như ngày hôm nay. Con sẽ trân quý cuộc sống nơi đây cùng những điều kiện mà Sư Ông và tăng thân đã trao cho con.
Cách đây không lâu, con nhận được hai công án từ y chỉ sư. Một là: “Thằn lằn và rắn có thể ăn một số nhưng không thể ăn hết ốc sên”. Hai là: “Tại sao những con ốc sên chỉ ăn rau mà không ăn cỏ?” Một lần nữa là câu hỏi tại sao vậy? Hai công án này, con vẫn đang quán chiếu, hy vọng con có thể tìm ra câu trả lời và kể cho mọi người nghe tiếp câu chuyện của con.
Sư cô Trăng Hiền Nhân, người Pháp, xuất gia năm 2018 trong gia đình cây Dẻ Gai. Sư cô có nhiều cảm hứng và yêu thích học tiếng Việt từ khi bước vào Tăng thân. Bài viết dưới đây do sư cô viết trực tiếp bằng tiếng Việt.
Con kính bạch Thầy, Con kính thưa quý thầy, quý sư cô và đại chúng,
Năm nay con xin phép được chia sẻ về một chủ đề thú vị lắm. Chủ đề này là “học tiếng Việt”. Thực sự, học tiếng Việt ở đây không phải là học tiếng Việt, cho nên mình được nói “học tiếng Việt”. Có phải đủ thú vị chưa?
Trong đời xuất sĩ của con, học tiếng Việt là một hạnh phúc lớn. Trong cái học đó, con và em bé trong con được sống với nhau những giờ phút đẹp trong đời, với năng lượng trị liệu và thương yêu. Con không học với các cuốn sách. Hoặc là khi con có đọc một cuốn sách để học tiếng Việt, thì cuốn sách đó không ngừng lại ở việc chỉ là một cuốn sách thôi mà đã trở nên một người bạn rồi. Tâm con là như thế với vấn đề học tiếng Việt.
Hai năm về trước, khi mới xuất gia, con trở nên rất quan tâm đến vấn đề học hỏi văn hóa Việt Nam. Nhưng con muốn vừa học vừa chơi. Vì vậy cho nên, con vào thư viện và đã tìm thấy một cuốn sách trong đó có vài bài hát Việt Nam, như “Sài Gòn đẹp lắm” hay “Ly rượu mừng” (nói về ngày Tết) và may mắn cho con, trong sách đó cũng có một cái đĩa CD để nghe được các bài hát. Con học và nghe các bài hát đó thôi.
Rồi một buổi tối, lúc con đang hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” thì con gặp sư cô Thanh Ý (lúc đó sư cô là y chỉ sư của con). Sư cô tỏ ra ngạc nhiên lắm và sư cô chia sẻ một chút với con về bài hát đó cũng như về bối cảnh chính trị lúc đó. Con hiểu ra rằng con nên hát các bài về sự thực tập thay vì các bài khác.
Trong con, có một em bé vẫn còn đang tìm kiếm một gia đình có nhiều tình thương để được nương tựa. Con học tiếng Việt tức là con học nghe em bé trong con, con học hiểu, học ôm ấp và chơi với em bé.
Với em bé trong con, thì quý sư cô, các sư chị người Việt là hình ảnh của một gia đình có sự ôm ấp, có tình thương, có sự tươi mát, có cái đẹp của một trái tim đơn giản và trong trắng. Em bé trong con thấy quý sư cô đẹp như các thiên thần và hiền lành như một cánh đồng hoa.
Con học tiếng Việt, tức là con mở lòng ra và để năng lượng của quý sư cô, các sư chị, sư em đi vào trong con và ôm ấp các vết thương trong con. Học tiếng Việt tức là ngồi chơi, đi bộ, uống trà, chia sẻ, sống gần với quý sư cô. Con thì không cố gắng chăm học gì hết. Con chỉ muốn mở lòng ra để được trị liệu.
Sự thật là con rất nhạy, nhất là với vấn đề liên hệ giữa người với người. Cho nên đó là lý do tại sao học tiếng Việt mà con không thể nói tiếng Việt. Con có thể đọc, viết hoặc nghe tiếng Việt, nhất là đọc thơ và nghe các buổi pháp thoại của Sư Ông trong khi con ngồi một mình ở bàn học của con. Nhưng với vấn đề nói, thì con như bị đóng băng (freeze). Một điều nữa là con không có lỗ tai sành nhạc nên con không có khả năng phát âm tiếng Việt cho đúng cách .
Dù vậy con vẫn rất biết ơn sự có mặt của quý sư cô từ Việt Nam qua. Thật sự con thấy văn hóa Việt Nam có rất nhiều điều đẹp để hiến tặng xã hội Tây phương, để xã hội Tây phương có cơ hội được trị liệu, học lại cách sống vui và đơn giản. Nói như vậy không có nghĩa là con thấy văn hóa Tây phương không có nhiều cái hay. Có, vốn có nhiều lắm, nhưng hiện nay, xã hội đang bị bệnh và đang mất đi những nét đẹp ấy của mình.
Con nhớ năm ngoái, có dịp nọ con đi bộ với một sư cô người Việt. Đang đi, con ngây thơ hỏi sư cô: “Thưa sư cô, ở quê của sư cô, người ta thường đi bộ không?” Sư cô trả lời rằng không thường lắm, tại vì ở quê thì mọi người bận làm việc ở đồng ruộng. Sư cô nói rằng làm ở đồng ruộng thì mọi người làm chung, các trẻ em cũng phụ và có nhiều tình huynh đệ, niềm vui và sự ôm ấp, che chở. Con vừa nghe sư cô vừa nhìn các vườn nho xung quanh mình. Có cái gì đi lên trong con và con cảm thấy vui quá đi! Con nói với sư cô: “Sư cô có biết không? Ngày xưa, ở Pháp cũng vậy. Cả gia đình, cả làng đều làm chung ở ruộng nho và dịp này ai cũng hạnh phúc lắm! Mọi người làm chung, ăn chung, làm xong thì nhảy múa và hát nghêu ngao đến đêm khuya. Dịp này con nhớ nó đặc biệt lắm”.
Vì vậy, tiếp xúc được với quý sư cô người Việt giúp con tìm thấy những nét đẹp trong các nền văn hóa mà con chưa có được nhiều kinh nghiệm trong xã hội hiện tại. Với con, tuệ giác của Sư Ông không phải chỉ là mang đạo Bụt đi vào xã hội Tây phương giúp trị liệu những thương tích khổ đau trong xã hội này. Tuệ giác của Sư Ông cũng là để chia sẻ các gia sản quý giá của văn hóa Việt Nam với thế giới Tây phương.
Con chia sẻ như vậy để nói lên lòng biết ơn của con. Quả thật trong đời sống hàng ngày, con chưa biểu lộ được nhiều niềm biết ơn này. Con vẫn bị ảnh hưởng bởi các vết thương của quá khứ. Cho nên, để con có thể biểu lộ lòng biết ơn, con thường vào thiền đường và thực tập Sám pháp địa xúc hoặc là con viết một cái gì đó trong quyển sổ công phu thôi.
Để kết thúc, con xin chia sẻ một bài thơ “con cóc” mà con đã tập làm trong thời gian học tiếng Việt (cụm từ “bài thơ con cóc” con không thể nào nhớ để viết được nên con đã nhờ các sư cô viết cho con qua tiếng Việt trong khi con nói tiếng Anh).
Học tức là tu chơi Chơi học yêu cuộc đời Yêu đời nở nụ cười Thở cười bước thảnh thơi
Nhưng tâm con thì nhỏ Thảnh thơi rồi bối rối Lo, nghĩ, hết rong chơi Vậy thì nên tu chơi
Chơi, con lại hài lòng Vui rồi tiếp học hỏi Học nhiều xong mệt mỏi Mệt mỏi nên nghỉ ngơi Học tức là ham chơi!
Ai mang đến sắc thu Mà rạng ngời quá đỗi Phong, sồi, đỏ vàng xanh Ngập cả lối thiền hành…
Một cảm giác hân hoan và tròn đầy đưa tôi trở về kiểm chứng lại sự có mặt đích thực của mình trong thời gian qua. Tự nhiên, tôi muốn ngồi xuống thật yên để viết lại khoảnh khắc của cái “đâu là cội nguồn và đâu là đích đến”, để nhìn lại chặng đường tu học gần mười năm qua của mình.
Hạt sồi năm xưa
Tôi đang mãi mân mê hạt sồi trong túi áo thì câu hỏi đi lên trong đầu: Tại sao tôi chọn con đường “đầu tròn áo vuông”, để giờ này tôi có thật nhiều không gian ngắm từng chiếc lá sồi vàng – đỏ – chín? Ngày xưa, ba tôi không tán thành chuyện con gái ba đi tu, mà chỉ thích con gái học hành, đi làm thành đạt bên ngoài vì đó là ước mong và niềm tự hào của ba. Hồi đó, tôi đồng tình quan điểm của ba là sống sao cho thực tế. Ba vô cùng phản đối chuyện em họ tôi đi tu vì cho rằng bỏ nhà đi tu là không biết thương ba mẹ và thương các em còn nhỏ. Em tôi đi tu lúc tôi đang ở Sài Gòn. Tôi có nhiều thắc mắc nhưng vì tôn trọng quyết định của em nên tôi đành im lặng.
Khi âm thầm không yểm trợ chuyện đi tu của em mình, tôi biết, hạt giống muốn tu trong mình chưa được gieo xuống. Đến khi ba mất, kèm thêm vài khổ đau trong hành trình 35 năm sống ngoài đời đã làm thân tâm tôi kiệt sức. Bay về Huế lo hậu sự cho ba, tôi cảm được trong tôi như đang có tiếng gọi rất lạ. Phải chăng đó là tiếng kinh khuya, là tiếng chuông đại hồng, là hồn thiêng sông núi trong tiềm thức thúc giục tôi trở về? Trở về đâu thì tôi không biết rõ. Khi nghe tiếng tụng kinh trong tang lễ, tôi biết được đây đích thực là tiếng gọi của tiềm thức tôi. Càng nghe nước mắt tôi càng chảy dài vì lời kinh hay quá, nó đang chạm vào khối u buồn nặng trĩu trong lòng bấy lâu. Tôi ngồi yên lắng nghe như đang có ai cho mình uống ly nước mát vào buổi trưa hè. Cảm giác lâng lâng khó tả lúc đó khiến tôi ghi nhớ và nuôi nó mỗi khi có dịp đến chùa nghe kinh lạy Bụt.
Cảm giác này tiếp tục đưa tôi trở về thăm viếng lại vùng ký ức xưa. Hồi ba còn sống, ba hay chở anh em tôi đi chùa thăm sư bà Diệu Không, người mà ba tôi gọi bằng cô trong dòng họ Hồ Đắc. Ba thân với sư bà lắm, và tôi cảm được sư bà cũng rất thương và quý ba tôi. Về nhà tôi hay nghe ba kể chuyện về sư bà nhưng tôi không mấy để tâm lắng nghe. Sau này lớn lên và ít có dịp về Huế, những câu chuyện về sư bà cũng ít được nghe ba kể. Thế nhưng đâu đó trong tiềm thức tôi lại đi tìm các chùa ni ở Sài Gòn để gởi gắm hạt mầm muốn đi tu. Trong khi đang loay hoay tìm kiếm, tôi tình cờ liên lạc được với em tôi đang tu học ở Làng Mai. Hồi đó, tôi chưa biết gì về con đường em mình đang đi, đi tu với ai, bên Pháp có gì hay và cuốn hút em quá vậy? Thấy em nhờ vả vài chuyện thì tôi giúp thôi, đến sư cô này, liên lạc thầy kia, xong việc thì về. Nhưng khi đến nơi tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô từ Pháp về, tôi bị cuốn hút bởi phong thái trẻ trung, nhẹ nhàng, tươi mát và dễ gần của họ. Sau nhiều lần tiếp xúc và gieo duyên, hạt mầm muốn đi tu cứ tự nhiên tìm đất để cắm rễ, đâm chồi.
Thế rồi tôi có mặt tại xóm Hạ xin tập sự xuất gia vào tháng tư năm 2012. Có những hôm tôi thật xúc động khi đứng nhìn các sư cô làm việc nhịp nhàng như một đàn ong, hay thấy các sư cô vui đùa bên bàn ăn đạm bạc trong ngày làm biếng. Cái không khí chị em thân quen quá, giống như trong tiềm thức tôi đã có sẵn đâu đó từ thuở nhỏ. Đôi khi ba me nhìn các con ăn cơm mà hạnh phúc dâng tràn lên ánh mắt, dù bữa ăn chỉ là nước mắm với dưa cà. Anh em chúng tôi luôn pha thêm những tiếng cười giòn tan, ấm áp như những bát canh nóng hổi trong ngày đông giá rét. Vui lắm những ký ức tuổi thơ đang ngự trị trong tôi mỗi khi tôi bắt gặp những cái đẹp và những điều thật nuôi dưỡng từ nếp sống tăng thân.
Khi quyết định viết thư cho Thầy để thỉnh nguyện xuất gia, cái chấn động nhiều nhất khiến tôi muốn quay về sống với tăng thân lập tức, đó là giá trị của một nếp sống. Nếp sống người tu cuốn hút tôi rất mạnh, mà cửa ngõ đi vào tâm thức tôi là cách sống bình dị, đơn sơ và mộc mạc nhưng lại sâu sắc vô cùng. Nó có chất tâm linh, mà cũng rất nhiều “chất Huế” qua cung cách tiếp xử “Dạ, thưa” hay cái chắp tay chào hỏi mà ở chùa thường hay gọi là uy nghi, là văn hoá người xuất sĩ. Niềm vui tràn dâng khi tôi được tiếp nhận cái tên Trăng Tịnh Thường trong ngày xuất gia. Thầy gởi gắm nơi tôi lời nhắn nhủ “nếp sống tịnh thường nghe con”. Không hiểu sao tôi có niềm tin sáng tỏ rằng, chính nếp sống bình dị, tri túc và biết đủ này sẽ là con đường đưa tôi tìm về chính tôi, về gặp lại tổ tiên huyết thống. Và tôi sẽ thu nhặt vô vàn châu báu trên đường đồng hành cùng Thầy và tăng thân. Đường về tương lai rạng ngời mở lối kể từ giây phút “tôi được làm con của Thầy và tăng thân”. Hạt sồi năm xưa giờ đây đã tìm được mảnh đất phù hợp, để được cắm rễ, để được đâm chồi. Và cho đến hôm nay, đã gần mười năm, hạt sồi ấy đang lớn lên cùng với rừng cây tăng thân.
Đẹp lạ lùng những điều nhỏ nhoi
Một ngày bình thường, đẹp lạ lùng những điều nhỏ nhoi Đất Mẹ dịu dàng, nhẹ nâng bước ai về thảnh thơi
(Ngày bình thường, Chân Uyển Nghiêm)
Tôi đang lắng nghe âm thanh tinh khiết của buổi sớm mai. Tôi đang lắng nghe nhịp thở của những cành cây trơ trọi lá qua khung cửa, chúng đang từ từ thu hết sức mình xuống gốc để nuôi nhiệt và giữ ấm cho mùa đông. Tôi đang có mặt ngắm nhìn cơ thể đất Mẹ biểu hiện thật mầu nhiệm sáng nay. Tôi đang ngắm nhìn các luống rau xanh từ dưới nông trại Hạnh phúc, một màu xanh tràn đầy sức sống đang chứng thực cho tôi thấy rằng mùa đông sẽ không lấy đi sự sống của bất cứ ai, mà còn tạo ra thêm nhiều cơ hội, nhiều thử thách cho mình dày dặn và cứng cáp hơn. Tôi đang tập sống như những cây cổ thụ ngoài kia, đứng bên nhau thật yên thật vững, biết cách dưỡng sức và giữ hơi ấm, để bếp lửa trong tôi luôn được thắp sáng ấm áp đón tôi trở về. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng mở cửa đóng cửa từ bên ngoài của các chị em phòng kế bên. Tôi biết ai cũng đang trở về cần mẫn chăm sóc, gom góp củi lửa để gầy lấy nắng mà sưởi ấm cho mùa đông. Căn phòng này, khung cửa này, sân chim này và tất cả không gian bao la ngoài kia nữa, đã hân hoan cùng tôi hát lên khúc hát Tịnh lạc nếp ẩn cư.
Tôi mang áo ra ngoài đi dạo khi mặt trời đã lên cao. Tia nắng giữa trời đông thật ấm áp, dịu hiền. Lời bài hát của sư cô Uyển Nghiêm vọng bên tai tôi: “Thương nụ cười Thầy, hiền như nắng mới đùa trước sân”. Vui quá, tôi mời Thầy cùng dạo chơi, lên đồi thăm vườn mận, ghé qua thăm đồi Dương Xuân và ngước mắt nhìn rừng bạch dương đang dần trụi lá. Lâu lắm rồi phải không thưa Thầy, trong cái tình cờ luôn chứa đựng cái bất ngờ. Thầy đã từng dạy, chỉ cần con có mặt hết lòng với giây phút hiện tại, thì chính giây phút đó cho con giá trị của khoảnh khắc thiên thu. Và hôm nay, trong thời khắc này, con đang thật sự chạm vào cái mà con không sao diễn tả được, chỉ biết thốt lên câu “This is it – Nó đây này”. Đó là cái bao la của nội tâm, là cái hân hoan và rung cảm đón chào ngày mới, là cái tháo tung những nút thắt chật hẹp, là cái phá vỡ căn nhà tâm thức tù túng nhỏ nhen, là cái rộng lượng bao dung muốn ôm trọn cả không gian chung quanh, và nhiều cái nữa… Con chỉ biết đứng đó lặng yên thở, trải nghiệm sự diệu kỳ của sự sống, và cứ để cho những giọt nước mắt đoàn tụ cảm thông đi thăm viếng và chữa lành từng vết thương xưa.
Hơi thở nhịp nhàng nâng từng bước chân, tôi tiếp tục khám phá tâm thức và mời nó ra bên ngoài tận hưởng tình thương của đất Mẹ. Nắng đã lên cao làm ấm cả khu đồi. Tôi mỉm cười thật nhẹ và thầm biết ơn Thầy và sư cô Chân Không, biết ơn tổ tiên đất đai, biết ơn cả dòng chảy tăng thân bốn mươi năm qua đã tạo ra môi trường y báo lành mạnh để vô vàn hạt sồi năm xưa có đất đai và điều kiện tốt tìm về gieo hạt. Từ trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được sư bà Diệu Không vẫn đang còn đó, đang hiện hữu trong từng bước chân tôi sáng nay, đang cùng nắm tay sư cô Chân Không bước những bước chân kiện hành trong bản môn, ung dung tự tại và âm thầm dõi theo từng bước tiến tu của con cháu mình.
Mười năm nhìn lại một chặng đường mà thấy như vừa mới xảy ra hôm qua. Mười năm, nếu đánh đổi sự sống ngoài đời, thì thân cũng tàn và sức cũng kiệt. Thật may mắn, tôi đã tìm được chính tôi nhờ nếp sống chân thật trong tình tăng thân, nhờ những giúp đỡ thầm lặng của những tâm hồn cao thượng, nhờ những gieo duyên kỳ diệu của bé Thi ngày nào, nhờ những hiểu thương, những lặng im đầy kiên nhẫn của tình chị em khi va chạm khó khăn, nhờ những buổi tâm tình bên ly trà nóng mà biết bao nhọc nhằn, trắc trở, nội kết được tháo gỡ… Nhiều lắm những viên ngọc quý từ ruộng phước tăng thân. Đến lúc này tôi chợt nhận ra rằng, chừng nào mình thực sự đặt trái tim mình vào nhịp sống của tăng thân, mình sẽ thấy tăng thân chính là sự sống của mình, và mình chính là sự sống của từng tế bào trong tăng thân. Khi đó tự nhiên mình sẽ có tình thương, có sự chấp nhận và lòng bao dung. Tăng thân sẽ rèn thêm cho mình nhiều nội lực và ý chí bền bỉ, đặc biệt là nhiều niềm vui sống, nhiều không gian tự do bên trong, giúp mình đủ sức đi qua những sóng gió trong cuộc đời. Đó là giá trị đích thực của nếp sống tăng thân.
Bao la đệ huynh, cười trên những nhọc nhằn khó khăn Ta còn bạn bè, là có cả một trời gió trăng.
Tình tăng thân
Thật trân quý biết bao khi xóm Mới vẫn có giờ “Họp chúng xuất sĩ” hàng tuần trong mùa an cư này. Đại chúng cùng nhau sách tấn, cùng nhau đưa ra những thực tập để gom năng lượng đi như một dòng sông. Cái ân tình của chị em xóm Mới đã nuôi lớn tâm thương yêu và tâm phụng sự trong tôi rất nhiều. Bây giờ, nếu có ai hỏi “thời gian tới nếu sư em chuyển sang một trung tâm khác, điều gì nơi đây đọng lại trong sư em nhiều nhất?” tôi sẽ không ngần ngại chia sẻ liền, đó là tình chị em. Có những buổi trưa nắng ấm cuối thu, mấy chị em chúng tôi tràn ra sân đập hạt dẻ. Không biết cái năng lượng xúm xít này từ đâu ra mà chỉ sau vài phút là có một “sân chơi tự phát” đầy ắp tiếng cười. Những câu chuyện hài hước từ góc bên này bên kia tự nhiên có mặt. Mỗi người góp một ít niềm vui từ những chuyện trong chúng: cái vụng về, run sợ của các chị em khi lên thuyết trình trong các lớp học; hay nỗi căng thẳng hết sức của một sư em trước khi lên dâng hương, miệng nói to cho mọi người biết “Ui chao, em run quá chị ơi, tối nay em dâng hương đó”. Những trận cười cứ nối tiếp nhau từ những câu chuyện nho nhỏ như thế đang hiện hữu đâu đó trong đại chúng. Nó mang đầy sự khích lệ, gần gũi và thân thương, giúp các chị em thấy rằng đây chính là nhà mình, dù chưa giỏi, nhưng mình chỉ cần làm cho hết lòng, vậy là đủ. Rèn luyện một hồi thì từ từ mình sẽ quen và sẽ làm khá hơn, bớt căng thẳng hơn để lớn lên mỗi ngày.
Còn nhiều châu báu khác nữa trong tình tăng thân như thế! Tôi thấy em bé quá khứ trong tôi đang dần hồi phục và đang tiếp nhận nguồn năng lượng tươi vui, đầm ấm từ bên ngoài. Nó đã tìm được lối đi ra và hòa chung được với năng lượng tu học cùng đại chúng. Tôi thầm nghĩ: “Nhờ ân đức của tăng thân mà đến giờ phút này mình vẫn còn may mắn được làm con của Thầy và của tăng thân”. Nếu không có tình tăng thân bên cạnh dìu dắt nâng đỡ tôi đi qua những chật vật khó khăn trong những năm tháng qua, giúp tôi tìm lại được những giá trị chân thật của chính tôi, thì giờ này chắc tôi vẫn còn ngụp lặn đâu đó trong biển khổ chưa tìm được lối về.
Mỗi phút giây, Tôi học làm người yêu chân thật Mỗi phút giây, Tôi làm phát hiện chân tình
(Chân tình, thơ Thầy)
Một ngày mới nữa bắt đầu, tôi tập nhận diện và thưởng thức sự sống quanh mình. Mùi hương thiên nhiên từ đất Mẹ thật dễ chịu và đang thấm vào từng tế bào cơ thể tôi. Tôi mỉm cười vui như những đóa hoa tinh khôi đón chào ngày mới, những nụ cười của giây phút hội ngộ, những đóa hoa thương yêu của phút giây tương phùng. Cám ơn đất Mẹ, cám ơn mùa an cư, cám ơn những nhân duyên xa gần đã cho tôi nếm trải được những giá trị đích thực của phút giây ân tình.
Ngày tháng đi qua ai còn thương tiếc Khi đã trọn trao hơi thở, nụ cười Bên nớ, bên ni đất trời hẹn ước Chung một lối đi xây đắp tình người Nơi quê nhà thắp trăng làm ánh sáng Đón em về thêm một niệm tin yêu Hương bưởi, hương cau vẫn tỏa hương giữa đời ô trược Em sẽ về, bếp lửa hồng của mẹ sẽ thơm ngát hương chiều Tháng ngày ơi! Cứ vui lên đi nhé Cuộc hội ngộ nào mà chẳng phải chia ly Ta đã sống, đã hiến dâng, đã cháy bừng tuổi trẻ Và cùng chung bao ngày tháng diệu kỳ Thôi! Nói làm gì cái chuyện ở và đi. Có buổi sáng tràn trong tách trà ấm Chút tuyết mùa đông, chút sắc thu đỏ hồng Em mang về thêm chút tình quê mẹ Cẩn trọng nâng trong hai tay chén trà ướp vị tình Tây – Đông Để cuộc sống không còn bao cách trở Bên này bên kia xa cách nghìn trùng Khi buồn thương nhớ quay về hơi thở Ta sẽ gặp nhau trong khúc nhạc tương phùng Vui lên nhé dẫu mùa đông còn lạnh Hãy cười lên cho hơi ấm tỏa lan Em chợt thấy giữa trời đông rực ánh nắng vàng Và đâu đó có tôi cười trong nắng Nụ cười kia thay khúc hát bình an Nụ cười kia sẽ làm lắng dịu lại lòng em.
Có một giai thoại kể rằng, trong một lần quý thầy đang chuẩn bị đắp y cho lễ tụng giới tại chùa Từ Đàm, Hòa thượng Thiện Siêu quay sang hỏi quý thầy rằng:
“Quý thầy có biết vì răng mình gọi là ‘pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm’ không?”
Đợi một lúc, rồi Ngài nói tiếp:
” Vì nó ở ngay trước mặt quý thầy đó.”
Tôi đã nghe giai thoại ấy trong một lần Hòa thượng chùa Bảo Lâm kể tại Ni xá Diệu Trạm. Câu nói ấy cứ ở mãi trong tôi. Tại sao cái cao siêu mầu nhiệm lại có thể ở trước mặt mình được. Sao mình không thấy? Có phải chăng, chung quanh mình có nhiều thứ bình thường quá đỗi nên mình không nhận ra?
Trong mỗi bữa tiệc, chúng ta thường đãi những món rất đặc biệt, nếu chỉ có cơm và rau thì không thể gọi là bữa tiệc. Dù là món đặc biệt nhưng lâu lâu mới ăn một lần chứ không ai có thể ăn mỗi ngày như cơm. Cơm và rau luộc là những thứ rất bình thường. Chúng ta ăn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, ăn quanh năm suốt đời. Nhiều người thiếu cơm và rau một hai ngày là không chịu nổi. Thế thì cơm, rau là đặc biệt chứ, bởi vì ai cũng dùng được và không thể sống thiếu cơm, thiếu rau. Không ai thương mình bằng cơm.
Giáo pháp của Bụt cũng như thế. Có những pháp môn mình thực tập mỗi ngày nên mình cho rằng nó bình thường. Nhưng sự thật nó rất đặc biệt, vì ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào, ai cũng có thể dễ dàng thực tập và có được lợi lạc từ đó.
Những phép thiền quán thâm sâu như vô thường, vô ngã, không, vô tướng, vô tác, tương tức,… sau khi học hỏi và thiền quán cũng cần được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi, thảnh thơi trong đời sống hằng ngày. Và những bước chân, hơi thở có khả năng phản chiếu, nuôi dưỡng những nguồn năng lượng hùng hậu của công phu thiền quán ấy.
Mình cần tập nhìn như thế. Mỗi bước chân đi, mỗi hơi thở, mỗi sự buông thư, không phải là những thực tập bình thường mà đó là những phép thực tập rất đặc biệt. Nó chuyên chở được những nguồn tuệ giác to lớn của thiền tập.
Cơm và rau luộc đã trở thành những thứ bình thường có thể do cách mình ăn. Nó đặc biệt thật đó nhưng mình chưa một lần cảm nhận được “hạt cơm là hạt ngọc của trời”. Nếu có một lần mình nâng bát cơm lên, cho phép mình nhìn vào bát cơm với sự trân quý thì lòng biết ơn và hạnh phúc sẽ có mặt ngay trong giây phút ấy. Hạnh phúc sẽ đến rất mau, chỉ trong một hơi thở. Mình sẽ mỉm cười và thấy mình thật may mắn.
Vạn vật tranh sống Trên trái đất này Nguyện cho tất cả Có bát cơm đầy.
Vậy đó, có những thứ rất quen mà không bao giờ cũ. Mỗi bước chân đi, mỗi hơi thở vào ra, mỗi bát cơm mình ăn mỗi ngày sẽ là những bữa tiệc nếu mình có lòng trân quý.
Một lần nọ, thầy thị giả của Sư Ông phát hiện thấy hôm nay Sư Ông hơi khác lạ. Sau pháp thoại, Sư Ông đi về thất, uống một ly trà và cầm nón lá đi thiền hành ngay. Mọi khi Sư Ông thường nghỉ thêm một chút nữa. Đến nơi, Sư Ông xá đại chúng và dẫn đi thiền hành. Từng bước chân thong thả, Sư Ông dẫn đại chúng đến đồi Bụt, nơi Sư Ông rất thích ngồi nghỉ chân giữa buổi thiền hành. Đại chúng vừa ngồi xuống thì chuông nhà thờ vừa thỉnh. Thầy thị giả nhìn sang thấy Sư Ông cười rất tươi. Thì ra, có một phái đoàn các thầy ngoại quốc đến thăm Làng. Đây là lần đầu họ đến xóm Thượng và tham dự thiền hành nên Sư Ông đã đãi các thầy một giây phút huyền thoại. Sư Ông rất ưng ý khoảnh khắc ấy, mọi thứ đều vừa đúng lúc. Đâu cần phải bày món hay có trà ngon mới gọi là đãi khách.
Một giây phút đẹp có thể giúp mọi người làm lớn lên niềm hạnh phúc trong mình là một bữa tiệc mà mình có thể đãi những người thương của mình nhiều lần trong ngày. Nhưng trước hết mình phải có khả năng cảm nhận, có khả năng đãi cho bản thân mình những bữa tiệc như thế. Làm sao có thể đãi cho người bạn đến thăm một ly trà ngon nếu mình không biết uống trà. Một người quá bận rộn khó có thể đãi người khác một giây phút thảnh thơi.
Hôm nay, bạn có đãi cho mình một giây phút hạnh phúc nào chưa?
Những ngày này ở Làng, nhịp điệu sự sống trở nên chậm rãi với những chiếc lá vàng rơi thanh thản trong không gian, với từng cơn gió nhẹ thổi sự thanh lương vào lòng người. Dường như đất trời cũng đang hết lòng yểm trợ cho chuyến hành trình trở về của những người con Bụt.
Trong tiết trời mát mẻ của mùa thu, sáng ngày 15 tháng 09, đại chúng 3 xóm làng Mai đã vân tập tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng để làm Lễ đối thú, mở đầu 90 ngày hạ thủ công phu cho mùa an cư năm nay. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và bình an với sự có mặt của nhiều quý thầy, quý sư cô lớn làm chỗ nương tựa cho đại chúng. Đặc biệt, năm nay, ngôi nhà tâm linh thêm vững vàng, ấm áp hơn với sự hiện diện của Sư cô Chân Không có mặt an cư cùng đại chúng.
An cư hay “ở yên” là một cơ hội quý giá để mỗi vị trong đại chúng được bước những bước chân thảnh thơi, mỉm cười và tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm xung quanh. Đây cũng là mùa của sự trở về để chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu thân tâm và hiến tặng cho đời thêm hoa trái của hiểu biết, thương yêu.
Sáng hôm ấy, khoảnh khắc ba hồi chuông trống Bát Nhã vang lên cũng là thời điểm mà hạt mầm của hiểu biết, thương yêu tiếp tục được gieo xuống khu vườn tâm của mỗi người trong đại chúng…..