Câu hỏi thứ nhất: Làm sao có thể chữa trị được khổ đau của tổ tiên khi mà con không biết được họ khổ như thế nào?
Câu hỏi thứ hai: Làm sao tiếp xúc được với tổ tiên khi mình mồ côi và lớn lên mà không có sự liên hệ nào với gia đình huyết thống?
Sư Ông Làng Mai trả lời:
Tôi nghĩ hai câu hỏi này có liên quan tới nhau. Mình không hiểu được khổ đau của tổ tiên mình. Làm sao mình có thể giúp được khi mình không biết mặt cha, không biết mặt mẹ của mình? Làm sao mình có thể hiểu và thương được cha mẹ khi mà mình không hề liên lạc với họ?
Có những người có cha mẹ còn sống mà cũng không nói chuyện được với cha mẹ, không truyền thông được với cha mẹ. Nhưng có những người đã mất cha mẹ, không biết cha mẹ mình là ai và không thể nào có cơ hội tiếp xúc được với cha mẹ vì cha mẹ không còn ở trên đời nữa. Vậy thì làm sao mình có thể tiếp xúc được với cha mẹ? Làm sao mình có thể hiểu được khổ đau và hạnh phúc của họ? Làm sao mình có thể tiếp xúc được với tổ tiên, với gốc rễ huyết thống? Một người không có gốc rễ không thể nào là một người có hạnh phúc. Vì vậy hai câu hỏi có liên quan tới nhau. Với sự thực tập thiền quán, nhìn sâu chúng ta có thể tiếp xúc được với cha, với mẹ ngay cả khi họ không còn nữa, hay khi họ không muốn gặp mình.
Trong tăng thân Làng Mai có một sư cô, ba của sư cô vẫn còn sống nhưng ông từ chối không muốn gặp sư cô. Ông giữ một chức vụ cao trong xã hội nhưng ông muốn quên hết và từ bỏ hoàn toàn quá khứ của mình. Sư cô đã viết thư cho ba: “Ba ơi, con là con của ba, con muốn được gặp ba, được nói chuyện với ba”. Nhưng ông đã từ chối.
Trong chúng ta cũng có những người mồ côi, không có cơ hội gặp được cha, không biết cha mình là ai, mẹ mình là ai. Nhưng với sự thực tập, chúng ta có thể tiếp xúc được với cha mẹ. Nhìn sâu vào hình hài, vào cảm thọ, vào khổ đau của mình, chúng ta sẽ thấy được hình hài, khổ đau và hy vọng của cha mẹ. Sự thật chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Cây bắp không thấy được hạt bắp nhưng nó biết nó là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp có mặt trong mỗi tế bào của cây bắp.
Người thực tập chánh niệm và nhìn sâu sẽ có khả năng tiếp xúc sâu sắc được với cha mẹ. Nhiều người tuy còn cha mẹ nhưng không nói chuyện được với cha mẹ của mình. Họ có cảm tưởng rằng họ biết được cha mình là ai, biết được mẹ mình là ai nhưng kỳ thực họ không biết gì hết. Như vậy thì mình không thể tiếp xúc được với cha mẹ trong khi họ vẫn còn sống.
Câu trả lời là nếu thực tập quán chiếu, mình có thể thấy được cha mẹ trong mình. Mình giống cha rất nhiều, giống mẹ rất nhiều. Mình được làm bằng hình hài, bằng cảm thọ, bằng tri giác, và cha đã trao truyền rất nhiều hình hài, cảm thọ và tri giác của cha cho mình. Mình tiếp xúc được với cha liền lập tức. Mình là sự tiếp nối của cha.
Tôi nhớ nhiều năm trước, một lần đi ngang qua một tiệm sách ở thành phố London, tôi thấy một cuốn sách được trưng bày trong tủ có tựa đề: “My mother, my self” (“Mẹ tôi, chính tôi”). Tôi không mua cuốn sách đó vì tôi có cảm tưởng là tôi đã biết trong cuốn sách đó nói gì rồi. Chúng ta là sự tiếp nối của mẹ, chúng ta là mẹ. Sự liên hệ đã có mặt sẵn đó, chúng ta chỉ cần ý thức mà thôi.
Mình có thể bắt đầu nói chuyện với ba trong mình: “Ba ơi, con biết ba đang có mặt. Ba có mặt đầy khắp trong hình hài của con. Ba đã trao truyền những khổ đau, những khó khăn của ba lại cho con. Giờ đây con đã gặp được chánh pháp, ba và con sẽ cùng thực tập với nhau để chuyển hóa những tiêu cực và nuôi lớn lên những tích cực mà ba đã trao truyền cho con. Với sự giúp đỡ của giáo pháp và của tăng thân, chúng ta sẽ cùng thực tập chung với nhau để làm cho những cái tích cực biểu hiện ra. Chúng ta sẽ cùng thở với nhau, cùng đi với nhau, cùng ngồi với nhau để chế tác được sự bình an, sự trị liệu, sự chuyển hóa mà chúng ta cần”. Mình nói chuyện được với ba, với mẹ dù cho hiện giờ mình không thấy được mặt ba mẹ.
Điều này cũng đúng với tổ tiên tâm linh của mình. Mình chưa hề được gặp Chúa Jesus, mình chưa hề được gặp Bụt nhưng đã tiếp nhận được giáo pháp của các Ngài. Mình phải đem ra thực tập. Trong mỗi người chúng ta đều có pháp thân. Vì vậy Chúa Jesus có mặt trong mỗi tế bào cơ thể mình, Bụt trong mỗi tế tào cơ thể mình. Mình có thể nói chuyện với họ: “Chúa Jesus ơi, con biết là Ngài đang có mặt trong con”. Mình không cần phải đi tìm chúa Jesus ở nơi nào khác. Ngài là tổ tiên của mình, mình là sự tiếp nối của Ngài. Mình phải biết đi như Ngài, biết bẻ một miếng bánh mì như Ngài, biết rót rượu như Ngài, nghĩa là làm trong chánh niệm. Trên đường đi tới Emmaus, những người khách hành hương không nhận ra Chúa Jesus, nhưng khi tới quán trọ và thấy người đó gọi bữa ăn trưa, bẻ một miếng bánh mì, rót rượu thì họ biết ngay rằng Chúa Jesus chưa chết, Ngài vẫn còn sống. Nếu biết bẻ một miếng bánh mì trong chánh niệm và biết thưởng thức miếng bánh mì trong tay thì mình tiếp xúc được với hình hài của Chúa Jesus. Đó là tinh ba của Bí Tích Thánh Thể. Chúa Jesus có mặt cho mình 24 giờ đồng hồ trong ngày. Nếu biết cách đi như Ngài, ngồi như Ngài, thở như Ngài, bẻ một miếng bánh mì như Ngài thì lúc nào mình cũng ở với Ngài. Đó là sự tiếp xúc sâu sắc nhất.
Điều này có thể áp dụng cho tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Tôi không bao giờ than thở rằng tôi đã sinh ra hơi trễ, trễ 2500 năm sau Bụt tại vì tôi biết rằng Bụt đang có mặt bây giờ và ở đây. Cha của mình cũng vậy, mà mẹ của mình cũng vậy! Đó là tuệ giác mình có được khi thực tập niệm và định.
Có một điều giúp mình có thêm tình thương, hiểu biết và bao dung. Nếu thiếu vắng điều này, người đó có thể trở nên khô cằn, lạnh lùng và nhạt nhẽo. Đó là cái cảm. Hãy tưởng tượng sống mà không “cảm”. Không có cảm xúc, cảm thông, không cảm hóa được một ai. Không cảm nhận, cảm giác, thậm chí không cảm cúm! Sống chung với nhau mà không cảm kích và cảm mến. Thiếu sự cảm động, cảm thương, và không có cảm nghĩ gì về nhau. Khi không có những cái cảm này thì dễ rơi vào mặc cảm, trầm cảm, và vô cảm. Vì thế, sự đồng cảm rất cần thiết và cũng chính là chất liệu nuôi nguồn cảm hứng trong mình.
Mình có cảm động với những điều đang có và không có? Trong quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai, đã có những giây phút nào cho mình cảm xúc đáng nhớ? Mình muốn cảm hóa ai trong cuộc đời? Điều gì cho mình cảm hứng? Mình đã đi qua trầm cảm chưa và đã ứng xử như thế nào? Ít nhất một lần mình đã có cảm tình với đối tượng đặc biệt, hay gặp tiếng sét ái tình? Nhờ vậy nên mình cảm thông được với những khó khăn, cảm kích những hạnh phúc, để không trở thành người vô cảm.
Ai trong chúng ta cũng nghe nói cuộc đời vô thường, nhưng lạ thay Bụt đã dạy không có gì mất đi. Những tâm ý, lời nói và hành động sẽ theo mình như hành trang, như “chữ ký” đặc biệt của từng cá nhân. Mẹ tôi mất vào năm 2014 vì ung thư đại tràng. Tôi đủ duyên lành có mặt bên cạnh mẹ suốt bốn năm cuối đời. Những ngày chở mẹ đi bác sĩ, vào thuốc hóa trị (chemotherapy), mỗi sáng cầm tay mẹ đi bộ đến công viên rồi dùng yến mạch (oatmeal) giúp tôi trân quý sự có mặt của mẹ. Những khoảnh khắc rón rén nhìn mẹ ngồi yên đọc sách hay thắp hương mỗi đêm trước khi đi ngủ sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi. Bao nhiêu kỷ niệm, hình ảnh tôi có với mẹ cho tôi niềm an ủi, khích lệ đến ngày hôm nay và cả mai sau. Thế thì làm sao mẹ tôi có thể mất được. Mẹ vẫn còn hiện hữu rất rõ trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng khi mình còn nghĩ về một ai thì vị ấy vẫn sống mãi, dù biểu hiện này đã ẩn tàng mất rồi.
Giây phút cho tôi cảm giác thư thái, gần gũi và thân mật với chính mình nhất là khi nằm trên giường, chuẩn bị đi vào giấc ngủ, ngồi yên theo dõi hơi thở và phát lời nguyện cho sự thực tập ngày mai. Thú thật, nhiều khi tôi quên hẳn lời phát nguyện tối qua nhưng ít nhất hạt giống tốt đã được tưới trong mười giây. Vốn dễ ngủ nên đôi khi tôi chỉ có một hoặc hai phút như thế trong đêm. Ước gì mình vào giấc ngủ chậm hơn một chút để có thể tâm tình với chính mình giữa màn đêm tĩnh lặng và không gian riêng tư. Một mình với chiếc mền ấm, thân đang buông thư, ý thức về tâm trí, mỉm cười để dừng những dòng suy nghĩ không lành mạnh và không tích cực. Niềm hạnh phúc của tôi đơn sơ như thế. Suốt 15 năm qua, tôi gửi lòng biết ơn đến mẹ và ba trước khi vào giấc ngủ. Tôi nghĩ đến mẹ và ba đã làm gì để tôi có cơm ăn, áo mặc và tình yêu thương lớn lên mỗi ngày. Dù mình có quyền lực hay thành đạt đến đâu nhưng một việc mình không bao giờ làm được, đó là tự mình thay tã. Nhiều đêm tôi thầm cảm ơn mẹ đã làm việc này và mớm cơm cho tôi. Mẹ nhai thức ăn thật kỹ để con có thể nuốt dễ dàng. Rồi tôi nghĩ đến hình ảnh ba làm những việc nặng ngoài ruộng đồng, đặc biệt khi mẹ mang thai. Ba đã bảo vệ mẹ và con khi con chưa chào đời. Gần đây lòng biết ơn của tôi dâng trào khi nghĩ đến việc mẹ và ba đã không tạo áp lực, bắt tôi phải “học giỏi nhất lớp.” Điều này đã giúp tôi có cuộc sống yên ổn và phát triển tự nhiên theo khả năng của mình. Tôi kết thúc một ngày với niềm biết ơn để nhận tình cảm sâu sắc từ mẹ và ba.
Ai cũng được dạy nói lời “cảm ơn” ngay từ lúc bé. Nhiều vị đã gìn giữ cử chỉ đẹp này khi lớn lên, nhưng có vị quên hẳn hoặc nói mà trong lòng không có cảm xúc. Có những lời dù đẹp cách mấy nhưng khi sử dụng như cái máy thì vẫn trở thành vô nghĩa. Tôi hay tự nhắc nhở vì biết mình dễ rơi vào tình huống này. Thế nên khi nói lời cảm ơn, tôi thật sự muốn có cảm xúc để cảm động với những gì người kia đã tặng. Đây là một cách để các hormone hạnh phúc như dopamine, serotonin, oxytocin và endorphin được tiết ra trong não bộ. Từ đó, tim, gan, thận, hệ tiêu hoá và tất cả các tế bào trong cơ thể cũng được nuôi dưỡng. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế tác lòng biết ơn bằng cách viết xuống hay chia sẻ ra rất hữu hiệu, lợi lạc cho sức khỏe và niềm hạnh phúc thường nhật. Khi biết thông tin này, tôi thấm thía tầm quan trọng việc nuôi lớn lòng biết ơn. Tôi càng có thêm cảm hứng thực tập chánh niệm, thường xuyên trở về với hơi thở để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, kể cả khi khó khăn và khổ đau đang có mặt.
Mình không chỉ cảm ơn những gì quý, lành và đẹp trong đời mà cũng cần dành thời gian cho những đắng cay, phụ bạc và khó khăn đã đến. Trong mùa đại dịch Covid-19, tôi đã sử dụng zoom để kết nối với gia đình, người thân và các bạn thiền sinh với mục đích làm lớn mạnh tình người, chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau. Khi mở zoom lên, khuôn mặt đầu tiên xuất hiện là chính mình. Ban đầu tôi thiếu sự thoải mái vì bất chợt thấy mình không tươi, mặt có mụn và chưa chấp nhận sự “xuất hiện” như thế. Dần dần tôi làm quen và tập mỉm cười với người hiện lên đầu tiên trên zoom. Tại sao không chứ? Ngồi đó nhìn chính mình qua màn hình, trong lòng cảm thấy thoải mái và tự nhiên, đó là bước quan trọng để thực tập thương yêu tự thân. Tôi biết có những người không ưa nhìn nét mặt của mình tí nào. Bao nhiêu nỗi buồn, giận dữ và chán ghét đi lên khi soi gương. Có lẽ vì những tổn thương trong quá khứ, hoặc nhan sắc không như mong muốn, nên mình chỉ để ý những điểm chưa đẹp khi nhìn vào gương hay qua zoom. Cũng có vài vị cho tôi hay họ có cảm giác khó chịu khi nghe lại giọng thâu băng của chính mình. Điều này khá thú vị và khó hiểu đối với tôi. Ai cũng nhận thấy giọng mình qua máy ghi âm rất khác với lúc nói chuyện trực tiếp. Thế nhưng cái khác biệt có nhất thiết dẫn đến phản ứng không muốn nghe hay không muốn nhìn, thậm chí sự chán ghét bản thân?
Đôi khi tôi ngồi nghe lại những bài chia sẻ trước đây để làm quen với giọng nói và hình ảnh tự thân qua màn hình. Tôi để ý tâm tư và cảm thọ với sự thích thú. Đối với tôi, bước đầu thương yêu bản thân là nhận diện, chấp nhận và trân quý những gì mình đang có: giọng nói và nhan sắc. Tôi tự hỏi mình có muốn nhìn khác hơn không? Tự đặt những câu hỏi và tự trả lời để sự kết nối giữa mình với chính mình mỗi ngày được thông suốt hơn. Những lúc cảm thấy buồn, cô đơn hay có những niềm riêng không tiện chia sẻ, ngoài việc an tịnh tâm hành trong buổi ngồi thiền, tôi còn trò chuyện với mình qua zoom. Tôi không ngại bày tỏ tâm sự trong lòng vì biết sẽ không ai nghe và không ai thấy, nên trái tim tự nhiên mở rộng để tình thương có thể ôm ấp những gì đang biểu hiện. Có một đêm tôi ngồi làm việc trước máy tính và bỗng thấy sao thương mình quá. Với những khó khăn tôi đang đi qua lúc bấy giờ, sự chia sẻ với vài vị mình kính quý, tin tưởng và thương yêu vẫn chưa đủ. Tôi quyết định mở zoom lên, nhìn tự thân và nói, “I know you are sad right now – Chị biết em đang buồn.” Cuộc “tâm tình với chính mình” kéo dài hơn một tiếng và lòng tôi nhẹ hơn hẳn. Là người tu, một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất là cảm hóa người khác, nhưng cảm hóa tự thân là điều thiết yếu cho đời mình thêm bình an. Khi gặp những chướng ngại và khó khăn như lạnh lùng, ganh tỵ hay oan ức, tôi thở những hơi thật sâu và chậm để cảm nhận những gì đang dâng trào trong lòng rồi từ từ cảm hóa nó. Đó là công việc tôi cần làm mỗi ngày để tăng trưởng lòng biết ơn với những gì cuộc đời và những người chung quanh đang “ban tặng”.
Khí trời đang vào thu. Lá đổi màu và bắt đầu rụng. Rừng cây trở nên trống trải hơn, khiến cảnh vật dễ được nhìn thấy hơn. Sự nóng bức của mùa hè, cái ẩm của miền nam nước Mỹ tạm thời đi qua. Thật là một cảm giác dễ chịu và thoải mái. Mùa thu đang hát ca thông điệp gì cho mình đây. Có lần tôi hỏi một sư cô: “Sư em có biết mùa nào trong năm làm con người dễ rơi/ngã xuống không? Con người dễ trầm cảm vào mùa nào?” Vị đó trả lời, “Dạ, mùa thu (Fall) phải không sư cô?” Thời tiết se lạnh, ngày ngắn hơn nên làm con người rút mình lại một cách tự nhiên. Với những ai có khuynh hướng trầm cảm, đây là thời điểm khó khăn và khá chật vật. Có những bệnh cần nhiều thời gian để bác sĩ theo dõi, làm xét nghiệm từ tháng này đến tháng khác mới hiểu được nguồn gốc, mức độ… Với những ai mắc bệnh trầm cảm theo mùa, họ có thể chuẩn bị những hành trang và tâm lý khi mùa thu đến, thay vì quá lo lắng và sợ hãi. Chỉ cần biết nguyên nhân của bệnh là bước đầu cho việc điều trị rồi. Sau khi mẹ mất, không hiểu vì sao cứ mỗi thứ năm tôi lại hay rơi nước mắt, có những cảm xúc buồn lạ kỳ và khó hiểu. Sáu tháng sau tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi mất vào tối thứ năm và từ đó lòng tôi bỗng nhiên nhẹ hơn nhiều. Trong một chuyến đi hướng dẫn khoá tu cho các bạn trẻ vào tháng ba, tôi chỉ muốn im lặng, khó chịu với những người chung quanh và lòng trở nên nặng trĩu. Ban đầu tôi khó chấp nhận tâm trạng này của mình vì không hiểu nguyên do. Sau khi trở lại tu viện, tôi tìm ra nguyên nhân. Mẹ tôi mất vào tháng ba.
Quý thầy và quý sư cô tại Mộc Lan cùng thực tập một ngày im lặng mỗi tháng để trân quý sự im lặng và nhận diện những gì thường đi lên trong tâm. Vào “Ngày hơi thở và bước chân”, tất cả đều thực tập không đọc sách, làm việc, dùng thiết bị điện tử. Mỗi người tìm cho mình một nơi lý tưởng để ngồi uống trà, theo dõi hơi thở và lắng nghe nội tâm mà không cần phán xét hay xua đuổi. Cảnh vật tại Mộc Lan rất đẹp trong mắt tôi. Không biết hôm nay mình sẽ chọn không gian tuyệt vời nào đây: tháp chuông, trong rừng, trước nhà khách hay tượng đài Tăng Thân Yêu Quý? Cuối cùng tôi chọn ngồi trong rừng để ngắm lá thu rơi cho kỹ và thưởng thức trọn vẹn. Tôi pha trà, dùng bánh pía, đốt lá xô thơm, thở những hơi thở thật sâu và chậm. Tiếng chim hót không ngừng, lá rơi nhẹ và đẹp kỳ diệu. Bỗng nhiên một suy nghĩ đi lên trong tôi: Mục đích lá rơi là để trưởng dưỡng cây và làm đất giàu có hơn. Cái “rơi rụng” đem đến bao nhiêu sự mầu nhiệm, như bọn trẻ con nhờ ngã mới biết đi, biết chạy. Để có thức ăn thì bao nhiêu trái và hạt phải rơi xuống. Thế thì khi ngã là lúc mình có sự lớn lên trong cuộc sống. Ngã xuống không phải để rơi vào tuyệt vọng, buồn chán mà để chuyển hóa, đứng lên lại từ từ, rồi đi tiếp về hướng chân thiện mỹ. Nhiều người chọn chấm dứt cuộc sống khi ngã xuống. Rất đáng thương vì họ không thấy có lối thoát. Nhưng trên cuộc đời này có gì mà không có lối thoát? Cái gì lại không có mục đích?
Những lá xanh hay đang đổi màu còn nguyên vẹn trên cây rồi cũng sẽ rơi. Chúng không mặc cảm chậm, đi sau hay không có mục đích. Nhìn các bạn và những người thân, ai cũng có công ăn việc làm, địa vị ổn định, còn mình vẫn hai bàn tay trắng. Mình đang fall behind (đi sau) nên nỗi buồn và mặc cảm dâng trào. Thật ra người đi sau cũng rất quan trọng. Đi sau để yểm trợ và nâng đỡ cho người đi trước. Đi sau để học hỏi những kinh nghiệm rồi từ đó cải thiện bản thân tốt hơn. Thời đại này ai cũng muốn được nhất, nhất về xe mình lái, điện thoại mình xài, học vấn cao, quyền lực trong sở làm… Để có được cái nhất, nhiều người đã hy sinh hiện tại. Không có thời gian để chăm sóc chính mình, bỏ quên người thương trong gia đình và thậm chí hại người khác để được nhất. Thôi thế thì đi sau cũng được.
Có lần tôi tự hỏi, “Bội Nghiêm sợ mất gì nhất trong cuộc đời?” Tôi đáp: “Bội Nghiêm sợ mất cảm giác cảm.” Tôi tự ngẫm nghĩ: nếu một ngày nhìn hình ảnh em bé đang chơi đùa nhưng trong lòng không cảm kích, tôi sẽ như thế nào? Thấy một bà cụ 85 tuổi vẫn còn lái xe đi trên đường phố nhưng tôi không cảm phục, thì sẽ ra sao? Về đến nhà, thấy chị đang chải tóc cho mẹ chồng nhưng tôi không cảm động, có bất thường quá không? Cầm trên tay bàn chải đánh răng và chải răng mà lại không cảm thấy hạnh phúc thì có đáng tiếc cho tôi không? Ngồi đây, viết những dòng chữ này nhưng trong lòng không thấy có gì đặc biệt thì tôi quả thật thiệt thòi. Mất cảm giác, cảm xúc, cảm động, không khác gì người chỉ có xác nhưng không có hồn. Thế thì hãy cảm đi!
Năm 2016, từ Làng Mai, con chuyển về Diệu Trạm ở Huế để tu tập. Đồng thời, đó là cơ hội được về thăm gia đình ba mẹ.
Trong lúc thăm gia đình, thì đã thấy ba đau phổi hay sốt khi trời lạnh. Ba phải tiêm kháng sinh, còn mẹ thì hay quên và suy nghĩ tiêu cực khi mẹ vẫn sinh hoạt như mọi người.
Hết phép, con về Diệu Trạm nhập chúng và an cư năm 2016. Trong an cư, con thực tập thở cho ba và lạy sám pháp cầu an cho mẹ. Mãn an cư, con xin phép về nhà hai tuần để đưa mẹ đi khám và tiện ở gần để chăm sóc cho ba. Con thấy mẹ thường ở trong bóng tối tự nói chuyện một mình, thường nghĩ tiêu cực về người khác. Con nghĩ rằng nguyên nhân là mẹ bị sốc từ khi em trai con chết. Bởi vì cái chết của em, mẹ nghĩ là do mẹ. Nỗi ám ảnh kéo dài qua tháng năm, có khi mẹ ngủ hay la hét trong giấc mơ. Con được một bạn tu giới thiệu, con dẫn bác sĩ chuyên khoa về thần kinh khám bệnh cho mẹ, chụp MRI. Nhìn phim, bác sĩ cho biết mẹ bệnh teo não và trầm cảm. Bác sĩ hỏi vài câu, mẹ trả lời sai ý câu hỏi của bác sỹ. Sau khi đọc MRI, bác sĩ nói với con “muộn quá rồi, một khi đã teo não thì không có thuốc chữa trị được”. Mẹ cảm nhận được là mẹ bị bệnh nặng không chữa được. Con thương mẹ mà không cầm được nước mắt.
Tình cảnh của ba mẹ như vậy, con xin phép đại chúng ở chăm sóc cho ba mẹ thêm nữa và đại chúng hoan hỷ. Con chưa bao giờ xa đại chúng lâu dài như thế. Con phải thực tập sao cho thấy tăng thân nơi con. Con đã trải qua nhiều buồn vui lo lắng cô độc, lẻ loi do thiếu bạn đồng tu. Nhưng nhờ hơi thở, nhờ pháp thoại của Sư Ông đã giúp con có sức mạnh hơn khi thực tập ở nhà. Sau vài tháng chăm sóc, con bắt đầu có dấu hiệu đuối sức mà tình trạng của ba mẹ chưa thấy thuyên giảm, nên con gọi sư em con – đứa con gái khác của mẹ đang tu học ở Thái Lan về giúp. Sư em về, không khí gia đình trở nên vui hơn nhiều. Chị em con nương nhau để tu học và chăm sóc ba mẹ. Lúc đó, con thấy rõ, có em cùng đi tu là một món quà quý giá biết bao. Nếu ở đời, chúng con đâu có thể có điều kiện chăm sóc cho ba mẹ được như thế này.
Ba con hằng ngày sống và khuyên dạy các con bằng kinh nghiệm của ba. Chúng con rất kính trọng ba, dù sự yêu thương của ba lúc nào cũng nghiêm khắc, tuy vậy, có lúc lại rất nhẹ nhàng. Anh chị em con sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, không bao giờ dùng đòn roi, không bắt buộc điều gì với chúng con. Ba lại rất thỏa lòng khi có ba chị em con đi tu. Ba rất vui mỗi khi đến tu viện thăm chúng con, thấy con mình hạnh phúc và có nơi tu tập đúng chánh pháp để giúp đời an lạc là ba rất yên tâm. Ba bệnh nặng, những đau đớn nơi thân thể làm cho ba khô gầy nhưng ý chí ba rất kiên cường. Năm tháng cuối đời, đau đớn, mệt nhọc rất nhiều như vậy mà lúc nào thấy trong người hơi khỏe là ba lại đem kinh và mở pháp thoại ra nghe.
Ba rất thích nghiên cứu Duy biểu của Sư Ông. Ba là huynh trưởng trong GĐPT và thường giảng dạy cho đoàn sinh nên ba nghiên cứu giáo lý rất nhiều. Ba có nhiều kinh sách để học, ba cũng rất thích tụng kinh. Mỗi khi con về nhà thì hai cha con cùng tụng kinh, ba thỉnh mõ, con thỉnh chuông, có lúc mẹ cũng lên tụng kinh. Tụng kinh tiếng Việt có nội dung hướng dẫn tu tập nên tụng cũng là tu. Những giây phút đó nuôi dưỡng con rất nhiều. Lúc ba bệnh ung thư vòm họng, tụng kinh không rõ, không đủ sức nữa, vì chữa bằng xạ trị nên cổ họng teo hẹp, ăn uống rất khó khăn. Con tìm cách nấu cho ba thức ăn vừa đủ dinh dưỡng vừa mềm để dễ nhai nuốt. Ba đã giảm lượng cơm, mỗi bữa ba chỉ dùng chưa đầy một chén. Trước đây, ba dùng đều đặn sáu chén mỗi ngày. Ba sợ con buồn nên ba đã nói: “Ba không khoẻ nên không ăn được nhiều. Ít bữa, ba khoẻ, ba sẽ ăn ngon và ăn nhiều hơn”. Khi phải ăn ít hơn, chúng ta ăn có chánh niệm thì vẫn nuôi dưỡng được thân và tâm của mình và của người thân nữa. Ngày nào ba cũng đau, chiều chiều thì bị sốt. Có nhiều đêm nghe tiếng ba rên, con vào thì thấy ba ngồi và run cầm cập. Nhiều đêm liên tục, ba mất ngủ nên sức khoẻ của ba mau suy giảm. Con đem ba đi chữa trị nhiều nơi, bác sỹ đều lắc đầu, bệnh ba không thuyên giảm, khiến con lưu tâm thực tập trong chăm sóc mong ba được thêm thoải mái.
Lần cuối cùng, Ba đau nặng nhất, phải nhập viện, đây là lần có nhiều sư anh, sư chị, sư em con trong tăng thân đến chăm sóc cho Ba tại bệnh viện với chúng con. Một sự chăm sóc đầy đủ và đúng lúc. Các sư chị, sư em con tận tình giúp ba thở nhẹ và bình an cho lắng dịu nỗi đau lớn trong thân. Ba mỉm cười, gửi niềm thương yêu đến chỗ đau rất hết lòng. Nhờ vậy ba bình an nuôi dưỡng mọi người. Nhờ có tăng thân, chúng con chăm sóc cho ba đỡ nhọc nhằn và tinh thần vững hơn. Thời gian này, ngày nào cũng có người đến thăm, khích lệ tinh thần cho ba. Được nhiều người thương như Pháp, chúng con được tưới tẩm dòng nước hiểu biết, thương yêu.
Những giây phút cuối của mình, ba đã cùng các sư anh, sư chị, sư em và mọi người niệm danh hiệu Bồ Tát Lắng Nghe – vị Bồ Tát mà ba rất ngưỡng mộ. Ba cùng niệm theo đã giúp ba ra đi trong mãn nguyện. Ba biết ơn quý thầy, quý sư cô và đạo hữu đoàn sinh đã yểm trợ bằng chánh niệm cho ba lúc bệnh, lúc hấp hối và lúc ra đi. Đó là một sự hộ niệm tối quan trọng. Vì Thầy chúng con đã dạy: Có chánh niệm thì sự cầu nguyện mới có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cầu nguyện mà thiếu năng lượng chánh niệm, nhất là năng lượng tập thể ở đây và khắp chốn thì vẫn rất cần và rất quý, song hiệu quả thế nào là còn tuỳ thuộc rất nhiều nhân duyên. Bên cạnh đó, cầu nguyện lại còn tuỳ thuộc vào đương sự có biết giáo pháp và sự thực tập giáo pháp. Nếu có sự kết hợp cả hai sẽ tạo thành một năng lượng mang lại hiệu quả lớn lao. Mình sống ra sao thì tương lai tương xứng với hiện tại. Tương lai trong sát na vô thường và tương lai qua nhất kỳ vô thường.
Ba mất, mẹ con khóc rất nhiều, trong thời điểm ấy bệnh tình của mẹ chưa nặng lắm. Theo thời gian, từ từ bệnh của mẹ con nặng hơn. Ban đầu thì quên, bất cứ thứ gì mẹ con cũng đều cất hết. Cho nên, mỗi khi cần dùng gì thì không thấy nên phải đi tìm. Như lúc nấu ăn tìm kiếm mãi mới thấy con dao do mẹ đem cất ở trong tủ lạnh. Cho tới chìa khoá xe, giấy tờ xe mẹ đều lấy cất nếu mình để ra cho mẹ thấy. Quý thầy, quý sư cô đến thăm, lúc về tìm dép không ra, bởi mẹ đã bỏ vào trong bao đựng rác. Mẹ bẻ hái cả hoa trong vườn… Có quá nhiều thay đổi trong mẹ. Mẹ sống và làm ngược lại với sinh hoạt bình thường. Có khi mẹ hiểu lầm người khác nói gì đó, rồi giận hờn và buồn tủi. Mẹ hay khóc, đòi về nhà, mặc dù mẹ đang sống trong chính căn nhà của mẹ. Hiện tại, mẹ còn nhớ được tên các con, nhưng theo con tìm hiểu, đến một lúc mẹ sẽ quên hết mọi thứ, rồi nằm một chỗ, sống đời thực vật. Do đó, chị em con đã tranh thủ dẫn mẹ đi chơi, đi suối.. cho mẹ khuây khoả khi mẹ còn ý thức được chút ít. Chị em đã tìm mọi cách chữa trị với hy vọng may ra giúp mẹ giảm bệnh.
Bao nhiêu thay đổi mỗi ngày mỗi tệ của mẹ, chúng con có lúc cũng chợt bực mình, nhưng vẫn nhắc nhau nhớ rằng “Mẹ đang bệnh” để lắng dịu cảm xúc và khởi tâm thương mẹ nhiều hơn. Nếu không có thực tập pháp môn, không biết chúng con sẽ sống ra sao?
Bây giờ, mẹ không còn biết gì nữa. Đến bữa chúng con giúp mẹ ăn thì mẹ ăn, mời đi ngủ thì ngủ, chăm sóc mọi bề cho mẹ. Hai chị em con cũng đuối sức vì ban đêm thay nhau ngủ bên mẹ. Mẹ ban đêm hay lên cơn co giật. Em trai con cũng được chúng Tu viện Vườn Ươm, Làng Mai Thái cho phép về yểm trợ thêm năng lượng cho chị em con. Chị em chúng con rất trân quý tình cảm ruột thịt, tình cảm tăng thân. Ban ngày, mẹ đi không biết tránh những gì trước mặt nên cứ đụng vào tường, sưng đầu, sưng trán. Chúng con dẹp hết bàn ghế để mẹ lui tới ít nguy hiểm hơn. Cửa phòng, cửa nhà và cổng đều được đóng kín để mẹ khỏi ra ngoài, mẹ dễ bị té ngã hay đi lạc. Ai vào thăm cũng thực tập đóng cửa cẩn thận như chúng con.
Lúc nhỏ, mẹ sống với mẹ kế đã gánh chịu biết bao thương đau như chuyện Tấm Cám. Khi lập gia đình, thì ba lại bệnh sớm, mẹ đơn thân nuôi chồng và nuôi sáu đứa con. Mẹ vất vả đêm ngày mới có điều kiện cho chúng con ăn học. Chúng con rất thương kính và biết ơn mẹ.
Chúng con rất may mắn khi được xuất gia. Cuộc đời chồng con gian khổ lắm thay, nhờ pháp môn tu mà chúng con chăm sóc cho ba mẹ có được niềm vui và đi ra khỏi những nỗi buồn suốt một thời gian dài như vậy và vẫn còn đang tiếp tục. Huynh đệ về thăm đều khen chị em con. Chúng con nhờ biết quán chiếu nuôi dưỡng thương yêu và lòng biết ơn và luôn được tăng thân yểm trợ nên chúng con mới đủ sức đi qua đoạn đường đầy bất trắc bất ngờ này.
Sáu năm về nhà sống với ba mẹ, chúng con lớn lên và trải nghiệm thế nào là kiên nhẫn, thế nào là tha thứ, thế nào là bao dung. Đồng thời, có cơ hội làm cho thương yêu biểu hiện, cho Tâm Bồ Đề phát triển để chúng con rất biết ơn Thầy, biết ơn Tăng thân và tăng thân cư sĩ xa gần.
Sinh hoạt vào thứ Năm mỗi tuần từ 18:30-20:45 tại Tầng 2 – Thiền đường Tâm Bửu – Chùa Xá Lợi – 89 Bà Huyện Thanh Quan – Q3
Liên hệ: My Nguyễn ( 0935120468 – Zalo)
Email: giadinhthovacuoi@gmail.com
2/ Tăng thân Chuông Mây
Sinh hoạt vào Chủ nhật hằng tuần từ 19:00-21:00 tại Thiền đường Trở Về (373/1/137 Lý Thường Kiệt, P.9, Q. Tân Bình)
Liên hệ: Bích Châu 0972812254, Phước (0398987858)
3/Tăng thân Búp Sen
Sinh hoạt tối thứ Sáu từ 19:00-21:00, mỗi tháng có một ngày quán niệm vào chủ nhật tuần thứ hai của tháng tại 37-06 chung cư Sunwah Pearl-toà Golden House 90 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q. Bình Thạnh.
Liên hệ: Cô Cúc (0903765132)
4/ Tăng thân CMCN (Có mặt cho nhau)
Sinh hoạt vào Thứ 6 hằng tuần từ 19:30-21:00 tại 762 Kha Vạn Cân, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức.
Liên hệ: Phạm Hồng Lực (0902550578)
5/Tăng thân Trăng Rằm
Sinh hoạt tối thứ 3 hàng tuần từ 19:30-21:00 tại Thiền đường Trăng Rằm P. Tân Hưng, Q.7.
Liên hệ: Châu Thương (0707013369), Lan (0965415901), Minh (0932093816)
6/ Tăng thân MTTD (Mây Trắng Thong Dong)
Sinh hoạt gặp mặt tối thứ năm hàng tuần 19:00-21:00 14b Kỳ Đồng, P.9, Q.3
Sinh hoạt trực tuyến tối thứ hai hàng tuần qua Zoom- ID: 94161418183, Mã : 123456
Liên hệ: Hồng Xuyến (0931995808), Thảo (0963303536), Chiến Thắng (091 5416199)
7/ Gia đình Phương Bối
Sinh hoạt trực tuyến tuần 1 và 3 qua Zoom từ 20:00-21:30
Mã: 883 5735 1409 Mật khẩu: tinhthuc
Liên hệ: Bình (0908449139), Hậu (0364500522)
8/ Tăng thân Đuốc Thiêng
Sinh hoạt một buổi Chủ Nhật trong tháng tại 359/57 Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3.
Sinh hoạt Online ID: 3245844798 và mật khẩu: 111111
Liên hệ Email: ttduocthieng@gmail.com
9/ Tăng thân Sân Mây
Sinh hoạt tối thứ Năm hàng tuần từ 19-21h15 tại nhà hàng chay Sân Mây – 771 Lê Hồng Phong nối dài, Q.10.
Liên hệ: Tiến (0937652227)
10/ Tăng thân Hương Từ
Sinh hoạt vào thứ Tư hằng tuần từ 19:00-21:00 tại lô D, lầu 8, phòng D8.8, chung cư Khánh Hội 2, 360A Bến Vân Đồn, P.1, Q.4
Liên hệ: Cao Thắng (0908448769)
11/ Tăng thân Kỳ Lân – Sài Gòn – Đồng Tháp
Liên hệ: Phan Thanh (0702885201)
12/ Tăng thân Tiếp hiện Pháp Vân
Sinh hoạt vào Chủ Nhật tuần đầu tiên của mỗi tháng, tụng Mười bốn giới Tiếp hiện tại chùa Pháp Vân, 16 Đ Lê Thúc Hoạch, Phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú
Liên hệ: Cô Xuân (0918060161)
13/ Gia đình Hạt Đậu
Sinh hoạt trực tuyến tối thứ 5 hàng tuần từ 18:45 đến 21:00.
Đạo Bụt có phương pháp gọi là tịnh khẩu. Tịnh khẩu tức là không nói, làm cho miệng núi lửa đừng phun. Dù có lửa trong ta nhưng ta không để cho nó phun ra, mà tìm cách cho lửa trở về nguyên quán, đem an ninh đến cho ta và cho những người chung quanh.
Tịnh khẩu là một thực tập thương yêu. Tôi biết nếu nói là tôi sẽ nói những điều làm cho anh đau, chị đau, vì vậy tôi thực tập tịnh khẩu, để tôi không nói. Nhưng tịnh khẩu không có nghĩa là nén xuống. Nếu nén xuống thì tịnh khẩu trở thành một thực tập rất nguy hiểm. Tại vì nén xuống, đến khi nó phun lên, thì nó phun mạnh gấp mười lần, nguy hiểm gấp mười lần! Vì vậy trong khi tịnh khẩu là phải thực tập quán chiếu, tức là nhìn sâu. Nhìn sâu thì mới làm cho lửa tàn đi, làm cho núi dịu xuống.
Ngày hôm qua gặp ông đó, ông nói với mình một câu làm cho mình điên tiết! Mình có cảm tưởng nếu không nói lại được thì chắc mình chết quá! Giận ghê, ông ta nói xong thì bỏ đi, không cho mình cơ hội để trả đũa! Nếu trả đũa lại được, thì mình bớt khổ biết bao nhiêu! Thành ra đi về mà mình đau khổ cả buổi chiều! Vậy mà không biết tại sao, ngủ được một giấc ngon, sáng mai thức dậy, nghĩ lại thì thấy buồn cười quá, tại sao lại phải trả lời một câu? Mình thấy rõ ràng mình không nói thì mình đâu có chết? Bây giờ nhớ lại thì rất buồn cười! Ông đó cũng buồn cười mà mình cũng buồn cười. Ông nói câu đó rất là tội nghiệp, mà mình nổi nóng lên, và mình muốn trả đũa lại để cho ông ta đau, thì cũng tội nghiệp cho mình. Chỉ có một đêm ngủ ngon thôi là đủ cho mình thấy được sự thật. Còn trong lúc đó thì mình là người mê mờ.
Trong cơn mê, trong cơn cuồng si mình làm những điều phá tan hết, cho nên mình phải thiết lập những phương pháp để cho những lúc mình sa vào giây phút cuồng si, mình phải được thiên thần có cánh bảo hộ. Thiên thần đó mình phải nuôi dưỡng, mình phải mang theo. Còn đến lúc đó mới cầu cứu thiên thần thì thiên thần không rảnh để đến với mình đâu. Trong đời sống hàng ngày ta phải biết đi, biết thở, biết cười, biết bảo hộ thân tâm, thì những lúc cần đến, thiên thần mới có mặt cho mình.
Dưới đây là một phương pháp tịnh khẩu mà tôi đã trao cho vài người trong đại chúng. Phương pháp này cũng dễ thôi. Đó là mỗi khi thấy ngứa mắt, ngứa tai, muốn phát ngôn, bực quá không nói không được, thì mình chỉ tập thở và đừng nói. Rồi vào phòng, lật cuốn tập ra, ghi lại câu mình muốn nói. Thay vì nói bằng miệng, mình chỉ tập thở và viết nguyên câu đó vào tập. Ví dụ: Mày là đồ ngu! Mày là một người rất ác độc! Mày là người có ác ý, muốn làm đổ vỡ tất cả! Mày là một người vô ơn v.v…
Mình viết lại và ghi luôn ngày giờ cho rõ ràng. Ghi lại cả câu người kia nói và câu mình muốn trả lời. Ghi được như vậy cũng đỡ khổ rồi. Ba ngày sau đem ra xem lại và tự hỏi: Nếu lúc đó mình nói câu này thì sẽ ra sao, sẽ có những đổ vỡ nào?
Sự thực tập này đâu có khó? Mình nên lạy thầy, lạy chúng và xin cho phép con thực tập tịnh khẩu hai tuần. Trong hai tuần đó mình làm như vậy, làm mà không đè nén. Chỉ không nói thẳng thôi, và viết hết tất cả những câu mình nghe xốn tai, và cả những câu mình muốn trả lời. Mình sẽ thấy rằng những đau khổ của cuộc đời mình, và những đau khổ của người khác, có thể là do mình tạo ra, do cái không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ của mình tạo ra.
Muốn là chánh ngữ, nó phải có chánh kiến, mà muốn có chánh kiến là phải có quán chiếu. Chúng ta biết điều đó.
Ngoài ra, tất cả mọi người trong tăng thân đều được yêu cầu thực tập pháp môn gọi là Bẻ gãy thế tam giác. Đây là một phương pháp thực tập của Làng Mai, và chúng ta phải nắm cho được.
Chúng ta thường ưa liệt người đó vào một phe, phe tà hay phe chánh. Đây là một điều rất nguy hiểm! Quý vị nếu có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ thì biết cái triết lý của bộ tiểu thuyếttrường thiên đó: Trong người gọi là phe chánh, luôn luôn có chất tà, và trong người phe tà luôn luôn có chất chánh. Tiếu Ngạo Giang Hồ là chuyện tình giữa hai người bạn trai. Họ đến với nhau là vì âm nhạc. Khi hai người tới với nhau để chơi nhạc, một người thổi sáo, một người đánh đàn, thì hạnh phúc của họ lớn như là không có hạnh phúc nào lớn hơn nữa. Bài nhạc đó tên là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Họ là hai người bạn, nhưng oái ăm là mộtngười thuộc chánh phái, còn người kia thuộc về phía gọi là tà phái. Theo nguyên tắc thì chánh không được chơi với tà, vì vậy cho nên khi hai người muốn hòa nhạc với nhau, họ phải rủ nhau đi đến một nơi tận cùng hiểm trở, không ai bén mảng tới. Nhìn quanh nhìn quất để biết chắc là không có người nhòm ngó, thì hai người mới hòa nhạc với nhau.
Tại vì theo miệng lưỡi của thế gian thì chánh mà chơi với tà thì cũng là tà rồi. Câu chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung không phải là chuyện trong tiểu thuyết, mà chuyện của sự thật. Cái chánh và cái tà nó không phải là thực chất của mình, tại vì trong chánh nó có tà, trong tà nó có chánh. Cái đó gọi là tương tức.
Vì vậy chúng ta phải tập để đừng suy tư theo chiều hướng của thiện, ác, đúng, sai và chánh, tà. Chúng ta nên làm ngược lại điều đó. Chúng ta tập suy tư trên cơ bản khéo hay không khéo. Có nghệ thuật nhiều hay có nghệ thuật ít. Đây là một bình diện (dimension) mới mà tôi đưa ra để cho quý vị thực tập. Tại vì thật tình ta không muốn cho người kia đau khổ. Ai trong đại chúng này mà lại muốn làm cho sư anh hay sư chị, sư em của mình đau khổ? Không có ai cả! Nhưng vì chúng ta vụng về mà thôi. Vụng khi nói, khi cười, khi hành sử nên làm cho người kia đau khổ.
Vì vậy cho nên tu là một vấn đề nghệ thuật hơn là một vấn đề chính tà, và chánh niệm là chất liệu của nghệ thuật. Tại vì khi có chánh niệm thì mình sẽ khéo hơn. Chắc chắn là khi có chánh niệm thì mình sẽ có ý tứ hơn. Một bà mẹ khi dạy con gái, bà thường dặn: Con ơi, con đi, đứng, nằm ngồi cho có ý tứ. Mà có ý tứ thì con đẹp thêm nhiều lắm. Ý tứ đây là chánh niệm. Khi có ý tứ thì mình không để cho món trứng chiên của mình cháy. Khi có ý tứ thì bát canh của mình sẽ không mặn quá. Tại vì ý tứ cho mình biết cái gì mình đang làm, và mình có làm đúng hay không. Khi mình nói năng có ý tứ thì mình không gây những lầm lỡ, những vụng dại, gây đau khổ cho người, cho mình.
Không ai trong chúng ta lại dám công nhận mình là một nghệ sĩ cao nhất! Chúng ta đều đang học hỏi, chính tôi cũng vậy. Học hỏi thì càng ngày chúng ta càng có chánh niệm hơn lên, và khéo léo hơn lên. Tu là một nghệ thuật, và thầy tu là một nghệ sĩ, đó là đề tài của bài tôi viết năm tôi mới 20 tuổi.
Xin lỗi em, chị không có ý làm khổ em đâu, chỉ vì chị vụng về thôi. Chị xin lỗi em! Đó là câu mà chúng ta phải học thuộc từng chữ, và có thể nói bất cứ lúc nào. Khi thấy người kia khổ là ta có thể nói được. Tôi đã từng xin lỗi học trò của tôi. Tôi đã từng nói: Thầy xin lỗi con!
Chúng ta thực tập để đừng tạo thế tam giác ở trong tăng thân. Tại vì có một thế tam giác rồi, nó sẽ tạo thế tam giác thứ hai, thứ ba, và mọi người sẽ đi vào một mê lộ. Chúng ta đừng để Xóm Thượng của chúng ta đi vào mê lộ đó. Chúng ta đừng để Xóm Mới, Xóm Hạ của chúng ta đi vào cái mê lộ đó. Hạnh phúc của chúng ta là do chính chúng ta làm ra, chúng ta phải khéo léo, chúng ta phải ngồi lại với nhau, phải định đoạt chiến thuật, cái Strategy, để chúng ta sống có hạnh phúc. Tại vì chúng ta là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người ở trên thế giới. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì tội nghiệp cho nhiều người lắm.
Chúng ta bắt buộc phải có hạnh phúc, và chúng ta đã có những phương pháp để thực tập hạnh phúc, trong đó phương pháp nghe và phương pháp nói là hai phương pháp mà chúng ta có thể thực tập toàn thời gian mỗi ngày.
Cách nói quan trọng hơn điều mình nói
Chúng ta thường nói rằng cách nói còn quan trọng hơn là điều mình nói. Tại vì khi không hiểu được người nghe, mình không có chánh kiến và chánh tư duy, thì điều mình nói, nó như là nước đổ lá khoai, không ích lợi gì, không mang lại sự chuyển hóa nào cho người nghe cả.
Ngày xưa trong những buổi pháp thoại của đức Thế Tôn, thỉnh thoảng có những người phát ra sự đại ngộ ngay trong khi nghe giảng, là vì trong buổi nghe giảng đó, những hạt giống của những người đó được đức Thế Tôn tưới tẩm, và chúng nở hoa lập tức. Tại sao đức Thế Tôn lại đạt được kết quả đó? Tại vì ngài nhìn thấu vào trong tim người nghe. Ngài biết rằng người đó cần đám mưa đó, người đó cần phải có cái búa đó. Có nhiều khi ngài đã không ngại dùng những cái búa rất lớn để đập xuống. Cái đó gọi là chánh ngữ.
Chánh ngữ còn có một tác dụng khác nữa là gỡ bom. Trong mỗi chúng ta đều có một trái bom nho nhỏ và nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Dù mình đã xuất gia, trái bom đó cũng vẫn còn. Nếu không cẩn thận, nó nổ một cái là mình tan xác.
Có một phương pháp để gỡ bom. Nhiều người vì đau khổ quá cho nên đã trở thành những trái bom. Nhìn vào, mình thấy người đó giống hệt như trái bom, rất nguy hiểm. Đụng tới người đó thì bom sẽ nổ và mình sẽ tan xác. Cho nên mình sợ, mình tránh xa, làm người đó tưởng là mình tẩy chay, ai dè mình đâu có tẩy chay, mình thương nhưng mình sợ quá!
Chánh ngữ là một phương pháp mầu nhiệm mà chúng ta có thể sử dụng để gỡ trái bom ở trong người đó. Gỡ giùm bom để chúng ta có an ninh, và để người đó cũng có an ninh, cũng có hạnh phúc hơn. Tháo bom là một pháp môn mà tất cả các cô, các chú, các thầy đều phải học. Tại vì nhờ đó mà mình đem lại an ninh và hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
Ngồi thiền để làm gì? Tại sao ông thầy tu phải ngồi thiền một ngày nhiều lần, và ngồi bất động như vậy là có mục đích gì? Ví dụ có một người trẻ đến hỏi các sư cô, sư chú rằng: Tại sao các sư cô, sư chú ngồi gì mà ngồi nhiều lần trong một ngày, và ngồi thiền để làm gì vậy? Thì mình phải trả lời như thế nào cho đúng?
Mục đích của thiền tọa là gì? Cố nhiên muốn trả lời, ta phải nhìn vào trong tâm của người hỏi, thì mới tìm ra câu trả lời, chứ không phải chỉ theo cái thấy của mình mà trả lời được.
Ngày xưa có một ông thầy ngồi thiền quá trời quá đất. hễ rảnh là ông ngồi xuống để thiền tập. Có một ông thầy khác hỏi: Thầy ngồi thiền để làm gì vậy? Thầy trả lời: Ngồi thiền để thành Phật! Như vậy câu trả lời là: Ngồi thiền là để thành Phật. Ông thầy kia nghe vậy nên cúi xuống lượm một viên ngói bể, rồi ông ngồi liên tục mài viên ngói. Ông thầy ngồi thiền mới hỏi: Thầy mài ngói bể để làm gì vậy? Ông thầy kia trả lời: Mài ngói bể để làm một tấm gương soi!
Thầy kỳ quá! Làm sao tấm ngói bể mà có thể mài thành tấm gương soi được? Ông thầy kia mới ngẩng đầu lên mỉm cười: Vậy thì làm sao ngồi thiền mà thành Phật được!
Đó là câu chuyện thiền mà rất nhiều người biết.
Thành ra ngồi thiền mà mong được thành Phật thì cũng giống như mài một tấm ngói để mong làm được một tấm gương soi!
Ngồi thiền với một chủ tâm muốn trở thành một cái gì, thì đó không phải là chính thống. Tại vì trong khi ngồi thiền như vậy là mình có sự mong cầu. Mà có sự mong cầu thì nó đi ngược lại với một trong ba cánh cửa giải thoát là Vô nguyện (Non expectation). Ngồi thiền, tôi không mong cầu gì hết dù là mong cầu thành Phật. Đó là câu trả lời vô nguyện. Vì vậy ở trong thiền phái Tào Động có một câu mà tiếng Nhật Bản là Shikantaza đọc theo tiếng Hán Việt là Chỉ quán đả tọa. Tọa là ngồi. Chỉ quán đả tọa là chỉ cần ngồi thôi, và đừng nên mong cầu gì cả. Đó là nguyên tắc của thiền Tào Động.
Chúng ta có làm được chuyện này hay không? Nếu ngồi là chỉ để mà ngồi, thì ngồi để làm gì? Trong chúng ta thế nào cũng có những người đã nếm được pháp lạc của sự ngồi yên. Ngồi mà không mong cầu, không có mục đích gì hết. Ngồi tức là an trú và an tọa. An trú là ở đó một cách rất an ổn, tiếng Anh là Peaceful dwelling, còn an tọa là Peaceful seating.
Ngồi yên là một nghệ thuật rất cao. Ở Xóm Thượng chúng ta có Cốc Ngồi Yên, dịch từ chữ An tọa. Ngồi như vậy không có mục đích gì cả, như là mục đích thành Phật, mục đích đạt tới giác ngộ, mục đích này, mục đích kia. Tại vì nếu ngồi với một mục đích, với một tìm cầu thì đó là chúng ta đang chạy, không phải đang ngồi! Đây là chuyện chúng ta đã làm trong bao nhiêu triệu kiếp xa xưa, chúng ta đã tất tả, lao đao, lận đận chạy đi tìm một cái gì đó. Bây giờ đến chùa, được thầy trao cho phương pháp Chỉ quán đả tọa, được thầy bày cho rằng con hãy ngừng lại, hãy ngồi yên, đừng đi tìm gì nữa hết!
Ngừng lại như vậy không phải là chuyện dễ, phải có rất nhiều tuệ giác mới ngừng lại được. Trong số chúng ta có nhiều người xuất thân từ nhà nghèo. Chúng ta thấy bố mẹ làm việc rất nặng nhọc, đầu tắt mặt tối, làm quanh năm suốt tháng. Có một chút giờ rảnh là kiếm việc để làm, không cho hai tay nghỉ ngơi, không cho cái đầu nghỉ ngơi. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn thấy mà thương! Dù có một hai ngày nghỉ, một hai tiếng đồng hồ rảnh rỗi, mà cũng không có khả năng nghỉ ngơi, tại vì đã quen làm rồi. Cái tập khí đó đã kéo dài bao nhiêu đời, cho nên chúng ta không còn có khả năng ngồi yên được nữa. Vì vậy mà ngồi yên là một chuyện rất khó.
Chúng ta mong ước làm sao để cải thiện đời sống, cải thiện hoàn cảnh. Chúng ta mong ước làm sao để kiến thức của chúng ta càng ngày càng lớn, càng cao. Vì vậy không làm thì học, không học thì làm, và không từ chối một cơ hội nào để xây dựng tương lai! “Xây dựng tương lai” là một câu nói rất có ma lực quyến rũ. Ta làm vì ta, ta làm vì con cháu của ta. Tại thương cho nên ta đầu tư vào tương lai! Cũng vì vậy cho nên hầu hết mọi người trong chúng ta đều không có khả năng dừng lại và an trú.
Cho nên ngồi xuống để không làm gì hết là một cuộc cách mạng lớn, một sự chống đối lớn, chống đối với khuynh hướng ngàn đời. Chống đối luôn với xã hội, vì xã hội đang chạy, đang quay như chong chóng. Còn riêng ta thì ta muốn dừng lại, trong thời gian cũng như trong không gian.
Nếu trong khi thiền tọa mà quý vị còn tranh đấu, còn lao động thì quý vị chưa thể nếm được pháp lạc của sự ngừng lại. Nếu không ngừng lại thì ta chưa thực sự thực tập được định, và nếu chưa có định thì bông hoa tuệ giác còn chưa nở. Cho nên phải làm thế nào để dừng lại được. Do đó mới có câu Chỉ quán đả tọa.
Có thể chúng ta rất yêu mến đạo Bụt, chúng ta muốn lập một thiền đường để quy tụ các bạn tu đến để cùng ngồi thiền. Ta đứng ra chủ trì một trung tâm thiền tập và ta làm đủ mọi cách, sử dụng tài năng của chúng ta để thành lập thiền đường đó. Chúng ta có thiền đường, chúng ta có bàn thờ, có lư hương, có chuông gia trì. Chúng ta đã mời được một số bạn bè cùng đến ngồi thiền với chúng ta ở trong thiền đường đó. Tất cả đều đầy đủ. Chỉ còn thiếu một cái là ta có thể ngồi ở trong thiền đường đó hay không? Hay là ta vẫn tiếp tục làm sao cho thiền đường này đẹp hơn lên một chút, lớn hơn lên một chút, và có nhiều người hơn một chút?
Đó chỉ là một ví dụ thôi. Quý vị có thể không nghĩ đến thiền đường mà quý vị đang nghĩ đến một chuyện khác, nó cũng tương đương với cái thiền đường. Quý vị còn đang ở trong sự tìm cầu, đang muốn phát triển, đang muốn làm cho hay hơn bây giờ, vì vậy cho nên quý vị không dừng lại được. Mà không dừng lại được thì không bao giờ nếm được cái mầu nhiệm của sự sống, không thấy được và tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Cho nên tất cả bí quyết của sự thực tập là nằm ở chỗ dừng lại. Dừng trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, dừng trong tư thế đi.
Tuy đang đi, nhưng chúng ta đã dừng lại. Còn người đó tuy đang ngồi, nhưng người đó đang chạy trong tư thế ngồi của người đó. Tâm của người đó đang rong ruổi, đang tìm cầu, và người đó là một người đang chạy chứ không phải đang ngồi. Khi ngồi là chúng ta phải dừng lại. Cũng như khi đi, là chúng ta phải dừng lại. Sự vững chãi, thảnh thơi không thể nào xảy ra được nếu sự dừng lại không xảy ra. Cho nên nói rằng thầy chỉ dạy ngừng lại thôi, thầy chỉ dạy thiền chỉ thôi mà thầy không dạy thiền quán, là không được đúng lắm. Tại vì khi mình thực sự ngưng lại được rồi thì lúc đó cái tuệ giác nó bắt đầu nở ra. Nhưng muốn ngừng lại được thì mình phải có một mớ tuệ giác nào đó. Phải thấy được những cái gì đó mình mới ngừng lại được. Vì vậy trong chỉ nó đã có quán, trong định nó đã có tuệ.
Tuệ là gì? Trước hết hãy nhìn lại đời của mình, và thấy rằng trong bao nhiêu kiếp xa xưa, ta đã từng ruổi rong, ta đã từng tất tả, đã từng chạy, từng tìm, ta chưa bao giờ dừng nghỉ. Thấy được điều đó đã là tuệ rồi. Thấy được điều đó nơi cha mẹ, nơi ông bà, nơi tổ tiên, và nơi chính bản thân của ta, tức là ta đã có tuệ. Khi tuệ đó phát sinh thì chúng ta có một sự cảm thương, và do sự cảm thương lớn đó mà chúng ta dừng lại được. Đó gọi là do quán mà có chỉ.
Chúng ta không cần phải thọ giới lớn mới có hạnh phúc. Chúng ta thọ giới sa di hay sa di ni thôi cũng có hạnh phúc rồi. Chúng ta không cần phải đợi đến Tết để xuống tóc thì mới có hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần hội đồng Giáo thọ báo tin rằng anh đã được chấp nhận để ngày mồng một Tết thì xuống tóc, là hạnh phúc đã tràn trề rồi. Và ngày hôm qua khi hội đồng chưa họp, thì chúng ta đừng nghĩ rằng nếu hội đồng họp, và chấp thuận cho ta, thì ta mới có hạnh phúc! Tại sao phải hội đồng họp ta mới có hạnh phúc? Tại sao ở đây ta không an hưởng được giờ phút hiện tại, ta không an hưởng được bước chân, nụ cười, hơi thở của chúng ta? Nếu ta an hưởng được bước chân, nụ cười, hơi thở của ta, thì xuống tóc hay không xuống tóc đâu có quan hệ gì mấy? Nếu ta an trú được trong pháp lạc của cái thở, cái đi, cái ngồi, thì đố mà hội đồng Giáo thọ không nói “Yes” cho ta được. Hội đồng chỉ có quyền nói No với ta, khi chính ta không làm được chuyện đó. Khi ta làm được chuyện đó rồi thì hội đồng không thể nào không nói Yes được!
Vì vậy mà điều quan trọng là không trông chờ, đừng mong cầu bất cứ một điều gì hết. Điều quan trọng là có thể an trú được trong giây phút hiện tại. Muốn an trú ta phải dừng lại.
Vậy thì trong khi ngồi thiền, quý vị đừng nói rằng tôi ngồi như vậy là để làm cái này, cái kia, để thành tựu cái này, cái kia. Không! Ngồi là chỉ để mà ngồi thôi. Nếu quý vị ngồi được thì trong giây phút đó quý vị đã thành Phật rồi. Ngồi và ngưng lại, rồi thấy rằng sự thật là mình đang ngồi trong tư thế hoa sen, trên mặt đất, và biết rằng mình đang có mặt trong giây phút này, đó đã là một thực hiện lớn lao của một vị Bụt rồi. Ngày mai khi gặp tổ tiên, gặp các vị tổ sư của chúng ta, các ngài hỏi:
– Này con, hồi con ngồi trên mặt đất, có khi nào con ngồi yên được chưa? Có khi nào con an trú được chưa?
– Bạch tổ, dạ chưa! Con mỗi ngày ngồi hai ba lần, mỗi lần cả tiếng đồng hồ, mà hình như chưa bao giờ con ngồi yên được hết! Tại vì trong khi ngồi, con tiếp tục rong ruổi, con chờ đợi. Nhiều khi con chỉ chờ đợi tiếng chuông thôi!
Ngày mai nếu gặp các vị tổ tiên như tổ Nhất Định mà chúng ta báo cáo như vậy thì chắc chết! Chắc thầy chúng ta thế nào cũng bị sư tổ cạo!
An toạ và an hành
Ngồi thiền là một cơ hội để dừng lại, để thấy được cái mầu nhiệm của sự sống. Ngồi trong tư thế hoa sen, trên mặt trái đất này, biết rằng mình có mặt, có mặt cho tổ tiên, cho mình, cho con cháu, chỉ ngồi như vậy thôi là đủ rồi. Nếu ngồi như vậy được thì cái thấy càng ngày càng lớn, hạnh phúc càng ngày càng lớn. Trong khi đi thiền, chúng ta cũng đi như vậy. Mỗi bước đi nó làm nên một phép lạ. Sư tổ Lâm Tế có nói: “Bước chân trên mặt đất, là thể hiện thần thông”.
Trong bài làm về hạnh phúc, một sư cô có nói: Con là sư cô, và con rất hạnh phúc được làm sư cô. Con không cần phải làm sư chú, con không cần phải làm thầy, con không cần phải làm sư bà. Nói như vậy là đúng. Khi mình chấp nhận được mình, khi mình thấy được cái mầu nhiệm là sự sống nơi bản thân mình, và chung quanh mình, lúc đó mình không cần phải chạy, phải tìm, phải rong ruổi nữa, và mình an trú được. Nhờ vậy mà khi ngồi thì mình ngồi yên được, khi đi thì mình đi yên được.
Nếu ngồi mà mình gọi là an tọa, thì đi mình gọi là an hành. Khi an hành, chúng ta đi một cách thảnh thơi, an lạc. Chúng ta có cơ hội để thực tập những điều này. Thực tập ở đây có nghĩa là sống. Thực tập không phải để làm một cái gì, để trở thành một cái gì. Thực tập là chỉ để sống được những giây phút hiện thời mà cuộc sống đang dâng hiến cho ta. Vậy thì trong khi ngồi thiền, năng lượng gọi là định giúp chúng ta ngồi yên được và chúng ta cảm nhận được pháp lạc của sự ngồi yên. Chúng ta cảm nhận được tất cả mầu nhiệm của sự sống trong giây phút ngồi yên đó.
Vì vậy trong khi ngồi thiền, quý vị đừng lao động, đừng tranh đấu. Mục đích của ngồi thiền, trước hết là ngồi yên. Mình phải coi sự ngồi thiền là một cơ hội để mình có thể sống 100% sự sống của mình trong giờ phút đó. Trong khi ngồi, không ai có thể sai phái ta làm gì hết, không ai bắt buộc ta phải trả lời một câu hỏi nào hết. Trong khi ngồi thiền, ta hoàn toàn có tự do để có mặt trên gối ngồi thiền của ta. Năng lượng định của chúng ta yểm trợ cho người bên cạnh, và yểm trợ cho cả đại chúng. Phẩm chất của việc ngồi của chúng ta có thể làm ra hạnh phúc cho cả tăng thân. Cố nhiên là cho hạnh phúc của riêng ta nữa.
Ngồi thiền là một pháp hội, tuy không có lời nhưng đại chúng đến giờ quy tụ và ngồi với nhau như vậy là một pháp hội. Ngồi để mình có mặt, để hiến tặng sự có mặt của mình cho tăng thân, cho mình, cho tổ tiên, cho Bụt. Ngồi để đích thực có mặt. Mà muốn đích thực có mặt thì phải dừng lại.
Để dừng lại được chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều cách. Chúng ta có thể sử dụng hơi thở, chúng ta có thể sử dụng quán chiếu. Dừng lại được, không những ta làm cho thân hành của chúng ta an tịnh, mà ta cũng làm cho tâm hành chúng ta an tịnh, khẩu hành an tịnh, và sự an tịnh đó đưa lại sự trị liệu, sự chuyển hóa cho ta. Nhờ đó mà phẩm chất của đời sống chúng ta, của sự an tọa của chúng ta, càng lúc càng tăng tiến.
Trong những buổi pháp đàm, chúng ta nên chia sẻ với nhau những kinh nghiệm ngồi thiền của riêng ta. Ngồi như thế nào để thấy có lạc thọ trong thân, trong hơi thở, và trong tâm. Ngồi một mình hay ngồi với tăng thân, chúng ta phải tạo ra lạc thọ đó. Nếu không thì chúng ta đang làm công việc mà ông thầy kia đã làm, tức là chúng ta đang mài viên ngói. Có mài đến ngàn đời thì viên ngói cũng không trở thành tấm gương được. Chúng ta ngồi và ngồi trong sự nhiệm mầu của bản môn, của tịnh độ, mà đừng ngồi trong hầm tối. Phải ngồi ở trong ánh sáng của bản môn.