Mỗi người đều có tính Bụt trong lòng

(Trích từ sách Đạo Phật của tuổi trẻ)

Từ thế kỷ đầu cho đến thế kỷ thứ 14, tức là 1400 năm, chúng ta đã gọi Buddha là Bụt. Các nước Đông Nam Á chung quanh ta cũng gọi Buddha là Bụt. Gọi đúng là Butha, mà gọi tắt là Bụt. Chữ ‘tha’ phía sau không đọc rõ. Gotama đọc là Gotam. Nhật Bản vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Đến thế kỷ thứ 14 khi bị phương Bắc đô hộ, chúng ta đã bắt đầu phát âm theo người Trung Hoa. Người Trung Hoa phát âm là Fó mà ta đọc là ‘Phật’, nhưng trước đó ta đã sử dụng danh từ ‘Bụt’. Như vậy từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 ta mới dùng tới danh từ ‘Phật’, chỉ mới 500 năm thôi. Trước đó trong suốt 1400 năm ta dùng danh từ Bụt và bây giờ thì ta trở về gốc, việc này không có gì mới mẻ hết. Tất cả các nước đều gọi Buddha là Bụt thì ta gọi Buddha là Bụt cũng hợp lý thôi. Chữ Buddha có nghĩa là tỉnh thức, không mê ngủ, không lãng quên. Chữ Buddha cũng có nghĩa là Biết. Vì vậy chữ Buddha không có nghĩa là tên của một người. Đó chỉ là một danh hiệu. Chúng ta biết rằng đức Bổn Sư của chúng ta tên là Shakya Muni, tức là ông thầy tu dòng họ Shakya. Hồi còn trẻ Bụt tên là Siddhatta Gotama. Gotama là tên dòng họ, dòng họ Gotama Shakya. Và vì Bụt là một người tỉnh thức, luôn luôn có chánh niệm, luôn luôn có hiểu biết, luôn luôn có thương yêu cho nên chúng ta gọi Gotama Shakya là Bụt. Đức Thế Tôn có nói rằng trước khi Ngài ra đời đã có những vị Bụt khác, những vị Bụt quá khứ, và sau khi Ngài nhập diệt trên thế gian sẽ có những vị Bụt tương lai như là Bụt Di Lặc. Vì vậy Bụt không phải là tên của một người mà là danh hiệu của một người tỉnh thức, có đầy đủ hiểu biết và thương yêu. Khi chúng ta nói chuyện với người Bắc Mỹ, chúng ta phải nói cho họ biết Bụt không phải là một vị thần linh, Bụt là một con người như chúng ta. Đức Thế Tôn là một con người như chúng ta, đã từng đau khổ lúc còn trẻ. Ngài đã tìm ra được con đường thoát khổ và đã trao truyền lại cho chúng ta. Vì vậy chúng ta phải nhớ là đừng biến Đức Thế Tôn thành một vị thần linh mà phải khám phá ra cho được đức tính con người, đức tính nhân bản của Ngài.

 

 

Đức Thế Tôn đã nói rằng mỗi người đều có tính Bụt trong lòng và nếu thực tập cho giỏi thì cũng có thể tỉnh thức, cũng có thể có hạnh phúc, cũng có thể có thương yêu được. Tính Bụt đó được gọi là Phật tính. Tiếng Anh là Buddhahood hay Buddha nature. Nếu chúng ta biết tu tập, tính Bụt đó sẽ biểu hiện ra và chúng ta sẽ có đầy hạnh phúc, đầy hiểu biết, đầy thương yêu và đầy tỉnh thức. Buddha là người tỉnh thức, người biết an trú trong phút giây hiện tại. Người biết cái gì đang xảy ra cho mình và cho hoàn cảnh xung quanh mình. Nếu ta có thực tập thì ta cũng có thể tỉnh thức được. Thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và ăn cơm trong chánh niệm, ta cũng sẽ có chất tỉnh thức như Bụt. Tuy nhiên lâu lâu ta mới tỉnh thức một lần rồi lại bị sa vào thất niệm, quên lãng; vì vậy ta không phải là Bụt toàn thời gian, mà chỉ là Bụt bán thời gian. Năng lượng giúp cho ta duy trì sự tỉnh thức được gọi là chánh niệm (Mindfulness). Chánh niệm là gì? Ta phải nói cho bạn ta biết chánh niệm là năng lượng giúp cho ta có mặt trong giây phút hiện tại. Ta phải nhớ như vậy. Vì trong đời sống hàng ngày, có thể thân ta ngồi đây nhưng tâm ta lại ở chỗ khác; hoặc chìm đắm trong thương tiếc quá khứ, hoặc băn khoăn, lo sợ về tương lai, hoặc bị cái giận, cái buồn, cái phiền, cái ganh ghét kéo đi. Thân không ở chung với tâm và vì vậy ta không thật sự có mặt cho cuộc đời. Có vẻ dường như ta đang có mặt đó nhưng kỳ thực ta đang rong ruổi nơi nào khác.

 

 

Khi uống nước mà ta biết là ta đang uống nước, ta hoàn toàn để tâm vào chuyện uống nước trong suốt thời gian uống thì lúc đó là uống nước có chánh niệm. Còn khi uống nước mà tâm ý ta để ở chỗ khác thì lúc đó gọi là uống nước không có chánh niệm, hoặc là uống thất niệm, có nghĩa là đánh mất chánh niệm. Khi thở, ta để hết tâm vào chuyện thở thì đó là thở có chánh niệm. Thở có chánh niệm, uống có chánh niệm, đi có chánh niệm thì trong khi làm như vậy ta chế tác được năng lượng chánh niệm. Và nếu đang giận hờn mà ta chế tác được năng lượng chánh niệm thì năng lượng đó sẽ ôm lấy năng lượng của sự giận hờn trong ta. Năng lượng đó là năng lượng của Bụt ở trong ta. Người nào cũng có thể uống nước trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Người có thực tập thì duy trì chánh niệm được lâu hơn, nhưng người chưa thực tập thì mới đi được hai bước là đã quên, mới uống có chánh niệm được một giây là đã lo suy nghĩ: “Trời ơi, hồi nãy mình quên lấy đồ ở ngoài trời vô; bây giờ trời mưa thì làm sao?” Khi tâm ta bị tán loạn đi, chánh niệm không có mặt được lâu dài. Chánh niệm là gì? Đó là khả năng có thể an trú được trong giây phút hiện tại, có thể ở yên trong giây phút hiện tại, có thể biết được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Chánh niệm là năng lượng giúp cho ta có mặt tại đây để biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Đó là định nghĩa đầu của chánh niệm. Người tu là người chế tác ra năng lượng chánh niệm hàng ngày. Khi đi, các thầy và các sư cô tập đi trong chánh niệm; khi thở họ tập thở trong chánh niệm; khi ngồi, khi nấu cơm, khi rửa bát cũng vậy, họ cũng theo dõi hơi thở để chế tác năng lượng chánh niệm chứ không phải họ chỉ ngồi trong thiền đường để tu mà thôi. Ở trong nhà bếp, ở ngoài vườn rau cũng vậy, họ vừa làm, vừa thở, vừa thực tập chánh niệm. Chánh niệm càng nhiều, càng mạnh thì càng dễ có khả năng đối phó với những giận hờn, thất vọng, sợ hãi của ta vì chánh niệm là năng lượng của Bụt ở trong lòng ta.

 

Ra mắt Trung tâm y tế chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh tại Trường y tế công cộng Chan T.H. Đại học Harvard

Vào ngày 26.04.2023, Trường y tế công cộng Chan T.H. của Đại học Harvard đã chính thức khai trương Trung tâm chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh. 

 

Thich Nhat Hahn Center logo

 

Trung tâm được thành lập với 25 triệu đô la từ một nhà tài trợ ẩn danh, một trong những khoản quyên góp lớn nhất cho trường. Sứ mệnh của trung tâm là giúp cho mọi người trên thế giới sống có mục đích, chan hòa và vui tươi qua việc thực tập chánh niệm; theo đuổi các phương pháp dựa trên bằng chứng để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc thông qua chánh niệm, và giáo dục, rèn luyện quảng đại quần chúng trong chánh niệm. Hai lĩnh vực trọng tâm được nhấn mạnh là dinh dưỡng và môi trường.

“Chúng tôi rất vui mừng được thành lập trung tâm mang tính đột phá này tại Trường y tế công cộng Chan của Đại Học Harvard,” Michelle A. Williams, trưởng khoa cho biết “trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, chúng tôi làm việc ở quy mô đại chúng — chúng tôi mong muốn tiếp cận và nâng cao tinh thần cho toàn bộ cộng đồng. Trung tâm chánh niệm vì sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh sẽ hoạt động trên tinh thần đó.”

Trung tâm chánh niệm trong sức khỏe cộng đồng được đặt tên Thích Nhất Hạnh để vinh danh Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022), người là một Thiền Sư, nhà lãnh đạo tinh thần toàn cầu, học giả và nhà hoạt động vì hòa bình được kính trọng trên khắp thế giới vì những lời dạy tiên phong của ông về chánh niệm, đạo đức toàn cầu và hòa bình.

Trong suốt chiến tranh Việt Nam, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã truyền bá một cách không mệt mỏi các nguyên tắc bất bạo động, từ bi và đoàn kết, làm việc cùng với các nhà hoạt động xã hội như Tiến sĩ Martin Luther King, Jr., người đã đề cử Thầy cho giải Nobel khi cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Đồng thời trên chính quê hương Việt Nam, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã thực hiện các nguyên tắc của mình bằng cách thành lập một tổ chức cứu trợ thiện nguyện, được gọi là Trường thanh niên phụng sự xã hội. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã dành cả cuộc đời của mình để phụng sự cho hòa bình và công bằng xã hội, đào tạo thế hệ phật tử dấn thân tiếp nối và xây dựng các cộng đồng lành mạnh sống trong chánh niệm.

Chánh niệm là có mặt trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Đó là một cách tiếp cận cuộc sống cổ xưa của Phật giáo dạy chúng ta hiện diện ở đây và bây giờ – nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, mà không phán xét. Nó có thể được sử dụng để giảm căng thẳng, nâng cao nhận thức về bản thân và chế tác sự chấp nhận và mang lại sự kiện khương.

Tính đến đầu năm 2023 đã có gần 25.000 nghiên cứu về chánh niệm trong các ấn phẩm được bình duyệt bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn khá non trẻ và các nhà nghiên cứu của trung tâm Thích Nhất Hạnh nhận thấy cần có thêm các công cụ khoa học để đánh giá tác động và trị liệu của các phương pháp chánh niệm đối với sức khỏe và thể chất.

Trung tâm đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến nghiên cứu, bao gồm:

• “Chăm sóc tương lai của chính mình”(Minding Our Future): tập trung vào việc phát triển các chương trình liên ngành, dựa trên bằng chứng cụ thể để giúp mọi người sống lành mạnh khi có tuổi. Một hướng nghiên cứu sẽ xem xét cách thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm thiết kế có chánh niệm về không gian ăn uống, thực đơn và chia sẻ trải nghiệm về thực phẩm. Tất cả những điều này có thể góp phần giúp sống lâu, sống khỏe.

• “Ăn uống, đi lại và sống chánh niệm,” một chương trình giảng dạy kết hợp các bài học về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và chánh niệm để giúp người trẻ thiết lập các thói quen lành mạnh và chánh niệm, có lợi cho sức khỏe tự thân và sức khỏe của hành tinh.

• Một chương trình nghiên cứu và giáo dục về ăn uống có chánh niệm tại Harvard và bên ngoài Harvard. “Tôi rất vui vì trung tâm mới này sẽ có các nghiên cứu khoa học về chánh niệm trong bối cảnh sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi rất mong được có một trung tâm nghiên cứu nghiêm túc và hợp tác với các đồng nghiệp trên khắp thế giới để thúc đẩy khoa học về chánh niệm,” Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng kiêm giám đốc trung tâm cho biết.

Lilian Cheung, giám đốc nghiên cứu và thực hành chánh niệm tại khoa dinh dưỡng, đã gặp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1997 tại một khóa tu chánh niệm và sau đó là đồng tác giả của cuốn sách với ông, “Hương vị: Ăn uống chánh niệm, cuộc sống chánh niệm.” (Savour)

Bà Cheung nói “Qua nhiều năm, tôi bắt đầu quan tâm sâu sắc đến việc tìm hiểu cách áp dụng sự thực tập chánh niệm vào lĩnh vực y tế công cộng, nhằm ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe ở quy mô toàn dân. Đó chính xác là những gì Trung tâm này sẽ làm.” Bà cũng cho biết thêm rằng bà hy vọng Trung tâm sẽ truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới trong việc thực tập chánh niệm.

Có trụ sở tại khoa dinh dưỡng. Trung tâm sẽ thực hiện phương pháp hợp tác để thúc đẩy sứ mệnh của mình bằng cách làm việc với các đồng nghiệp trong các khoa khác, trong cả trường Đại học và các cộng đồng chánh niệm toàn cầu. Hiện trung tâm đang tuyển dụng thêm giảng viên.

Ông Harvey Fineberg, đồng chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch của trung tâm, quỹ Gordon và Betty Moore, cho biết: “Trường Harvard Chan có truyền thống xuất sắc trong lĩnh vực khoa học sinh học, định lượng, chính sách và xã hội liên quan đến sức khỏe dân số. “Thật thú vị khi thấy cam kết mở rộng nghiên cứu và giáo dục về sự giao thoa giữa hạnh phúc cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Việc thành lập trung tâm chánh niệm về sức khỏe cộng đồng Thích Nhất Hạnh phản ánh cách tiếp cận toàn diện của trường nhằm nâng cao sức khỏe, và tôi tin rằng nó sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này.”

Trung tâm sẽ tổ chức lễ ra mắt bằng một hội nghị chuyên đề khai mạc vào ngày 26 tháng 4. Sự kiện kéo dài một ngày sẽ quy tụ các học giả hàng đầu, những người thực hành chánh niệm và các vị đệ tử xuất sĩ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để tôn vinh cuộc đời của Thiền Sư và khám phá bằng chứng khoa học ủng hộ giá trị của chánh niệm để cải thiện hạnh phúc.

 



Bốn trong 34 vị xuất sĩ Làng Mai từ các trung tâm khác nhau tham dự ngày khánh thành: Sư cô Chân Không , Thầy Pháp Ấn, Thầy Pháp Lưu và
Sư cô Hiến Nghiêm (Ảnh: đăng lại từ trang https://www.eventcreate.com/e/tnhcenteformindfulnessinpublichealth)

Nguồn thông tin: https://news.harvard.edu/gazette/story/2023/04/harvard-chan-school-opens-thich-nhat-hanh-center-for-mindfulness/

Mùa xuân có gì trong đôi mắt bạn?

Đôi mắt của bạn là những gì rất mầu nhiệm. Chỉ cần mở mắt ra là bạn có thể thấy được bao nhiêu là màu sắc. Bầu trời xanh rất đẹp, cũng như cảnh hoàng hôn đỏ rực, của tia nắng, bông hoa… là tất cả những gì mà Đất Mẹ hiến tặng và mời bạn tiếp xúc. Và những cái mầu nhiệm đó không những ở xung quanh bạn mà có ở ngay trong bạn. Sự kiện bạn có một đôi mắt là một phép lạ. 

Xin mời các bạn hãy cùng ngắm nhìn mùa Xuân ở Làng nhé. 

 

 

 

 

Chương trình hoằng pháp của Sư cô Chân không tại Mỹ 2023

 

 

Sau khoá tu tiếng Pháp ở Làng, ngày 15/04 sư cô Chân Không sẽ bay qua Mỹ. Sư cô sẽ có những chuyến viếng thăm đặc biệt đến Đại học Harvard, Tu viện Blue Cliff ở New York, Tu viện Lộc Uyển ở California và Tu viện Magnolia Grove ở Mississippi từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2023. Tình thương của sư cô giúp xoa dịu khổ đau và những niềm hạnh phúc sư cô chia sẻ tiếp tục chạm đến trái tim của nhiều người. Quý thầy, quý sư cô thương mời các vị cư sĩ, thân hữu tham gia trong những sự kiện đặc biệt này với sự có mặt của sư cô Chân Không.

Sư cô Chân Không sinh năm 1938 tại Bến Tre, miền Nam Việt Nam. Lúc còn là trẻ, Sư cô đã bắt đầu công tác xã hội tại các khu nhà ổ chuột của thành phố. Sau khi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1959, Sư cô đã giúp Thiền sư thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, đào tạo hàng ngàn tác viên trẻ, mang viện trợ đến những ngôi làng xa xôi bị chiến tranh tàn phá.

Năm 1969, Sư cô đã tổ chức cho Phái đoàn Phật giáo Hòa bình có buổi Diễn thuyết Hòa bình tại Paris.

Những năm 1970, Sư cô hỗ trợ Thiền sư trong các chuyến đi vận động kêu gọi hòa bình, đồng thời giúp chỉ đạo các nỗ lực nhân đạo khẩn cấp để giải cứu thuyền nhân Việt Nam, và cũng là lãnh đạo của các chương trình bảo trợ cho hơn 14.000 trẻ mồ côi tại Việt Nam.

Từ những năm 1980, Sư cô Chân Không đã giúp Thiền sư thành lập Tu viện Làng Mai ở miền Tây Nam nước Pháp, và hiện là Ni Trưởng của Tăng thân Làng Mai Quốc tế.

New York –  Compassion in Action

Khởi đầu chuyến hoằng pháp, Sư cô sẽ cho pháp thoại trong Ngày Quán niệm ở Tu viện Bích Nham vào 16.04.2023. Nếu bạn không có cơ hội tham dự trực tiếp có thể nghe bài giảng qua zoom.

Sau đó, Sư cô sẽ giảng pháp thoại công cộng với chủ đề Compassion in action ở Union Theological Seminary, thành phố New York vào 18.04.2023. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – gọi tắt là Union) và quý thầy, quý sư cô Tu viện Bích Nham.

Năm 2017, Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – gọi tắt là UTS) tại New York khai giảng đã đưa Chương trình Thích Nhất Hạnh với Đạo Bụt dấn thân ( Thich Nhat Hanh Program for Engaged Buddhism) vào chương trình Thạc sỹ Thần học về đạo Bụt và Tinh thần Dấn thân Liên tôn giáo (Master of Divinity in Buddhism and Interreligious Engagement).

 Tiếp sau đó, Sư cô sẽ tham dự cùng đại chúng trong khoá tu Tiếp hiện từ 19-23.04.2023 với chủ đề The Art of Compassion ( Nghệ thuật của lòng từ bi).

Tu viện Mộc Lan – Learning True Love

 Từ ngày 03-07/05/2023, tại tu viện Mộc Lan sẽ diễn ra khoá tu với chủ đề Learning true love.

Trong khóa tu này, chúng ta có cơ hội thực tập chánh niệm, nghe pháp thoại, thiền ăn, thiền đi, thiền buông thư, thiền chấp tác, chia sẻ pháp đàm cũng như nhiều điều hơn nữa từ Sư Cô Chân Không và các vị xuất sĩ của tu viện Mộc Lan.

Khoá tu này có chương trình dành cho trẻ em (6-12 tuổi) và chương trình dành cho thanh thiếu niên (13-17 tuổi). Cả hai chương trình đưa sự thực tập đến với giới trẻ, bao gồm một số trò chơi, âm nhạc, thiền hướng dẫn ngắn và thiền ăn phổ biến cho trẻ em.

Lễ Vesak (Phật đản) cũng được cử hành vào ngày cuối cùng của khóa tu (Chủ nhật, ngày 7 tháng 5). Quý thầy, quý sư cô thương mời bạn tham gia cho ngày đặc biệt này. Đó là ngày để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến Bụt, vị thầy tâm linh đã dạy cho chúng ta nghệ thuật sống chánh niệm và an lạc trong giây phút hiện tại.

Tu viện Lộc Uyển

Ngày 14.05.2023, tại tu viện Lộc Uyển sẽ diễn ra ngày quán niệm với sự có mặt của Sư cô Chân Không. Xin xem thông tin chi tiết tại đây: Ngày quán niệm tại tu viện Lộc Uyển 

 

 

Tản mạn mùa xuân

( Sư cô Chân Trăng Mai Thôn )

Buổi sáng. Nhìn qua cửa sổ thấy bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Mùa xuân, bãi cỏ xanh đầy hoa bồ công anh vàng và hoa cúc trắng, trải đầy như một sự hào phóng của đất Mẹ. Tôi khoác thêm áo, bước ra vườn, nhủ thầm nắng đẹp như thế này mà ở trong nhà rồi sau đó phải uống vitamin D thì vô lý quá.

Sáng sớm chưa có bước chân nào khuấy động sự tinh khôi. Sương đầy lối cỏ. Sương trên đầu ngọn cỏ, mong manh và tinh khiết. Chợt có tiếng thì thầm: “Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong”. Sáng nay tôi mới nghe pháp thoại của Thầy. Tình thương thật đẹp, nếu đó là một tình thương không phân biệt và không điều kiện. Như giọt sương trong, như nắng sớm, như mưa rơi. Trên cỏ úa vàng hay trên chồi non óng biếc, đều cũng như nhau. Tôi mơ mình có một tình thương như thế. Để khi cần thì tôi vẫn có thể đưa hai bàn tay cho người ta nghiến nát*. Cỏ mời gọi bước chân, sương tưới hạt mầm chánh niệm. Tôi đi trên hoa trắng hoa vàng, trên cỏ biếc, thấy tịnh độ hiện tiền, thấy ngoài giọt sương trong, mình không cần tìm cầu gì nữa. Buổi mai mùa xuân tĩnh lặng, gió gọi hơi thở tôi mầu nhiệm, hoa tím dại nở trên từng bước chân. Tôi thầm gọi bước chân Thầy.

 

 

Chiếc cầu tre bắc ngang hồ sen hình bán nguyệt mời mọc. Tôi bỏ dép bước lên cầu. Thoáng đâu đây hình ảnh mùa Bụt đản sanh năm nào khi chiếc cầu còn là cầu gỗ. Chuẩn bị cho ngày đản Bụt nó đã được mặc áo mới bằng tre. Chiếc cầu gỗ được đóng lớp tre xanh mướt, đón bước chân Thầy và tăng thân lên tắm Bụt sơ sinh. Năm tháng qua đi, áo tre xanh thành áo tre nâu, rồi bây giờ là một màu xám bạc, đây đó lốm đốm mốc đen. Tôi ngạc nhiên trước sự bền bỉ của chiếc áo tre. Tôi thán phục. Tre cũ nhưng sạch sẽ và chắc chắn. Thật là mầu nhiệm.

Hồ mùa này vẫn còn vương vài lá sen tàn của mùa sen năm ngoái. Nước trong vắt nên có thể thấy rất rõ những đám rêu xanh, những chú cá con tung tăng bơi lội và cả những con nòng nọc đủ các “thế hệ”. Đứa mới có hai chân, đứa đã có đủ bốn chân. Đại chúng chưa vào thời khóa, chưa chấp tác, nên chưa cho nước vào, hồ còn nông lắm. Các cư dân của hồ sen bình thản sinh hoạt thời khóa hàng ngày của chúng. Thiên nhiên thật mầu nhiệm, các loài sinh vật thật là thông minh. Các bậc cha mẹ cá và nhái xanh đã tính toán thời gian rất chính xác. Chúng đã tính sao cho khi mùa xuân vừa đến thì trứng cũng vừa nở ra những con cá con và những con nòng nọc để chúng tung tăng bơi lội trong cái hồ vừa tan đá. Mấy nhóc con này thật là ngây thơ, chúng đâu có biết gì chắc vì chưa có kinh nghiệm. Chúng nó bơi thật sát mặt nước, nhởn nhơ không hề lo sợ. Nhiều đứa lên chỗ nước cạn chỗ có đá để phơi nắng. Đôi lúc tôi đưa bàn tay lên sửa lại cái mũ, bóng tay tôi phản chiếu trên mặt nước làm chúng giật mình, quẫy đuôi một phát làm cả vùng nước xao động. Thì ra chúng nó vẫn “thấy” tôi. Sau đó thì mọi việc trở lại bình thường.

 

 

Ngồi đây, tôi có thể nhìn thấy thiền đường Trăng Rằm, thấy khu nhà Mây Thong Dong mà tầng trên đã được dùng làm nơi triển lãm sách và các pháp khí Thầy dùng trong mấy mươi năm hoằng pháp của Người. Thấy bãi cỏ xanh phía hông thiền đường nối dài đến tháp chuông rồi dẫn thẳng qua đồi mận, thấy rừng bạch dương của hàng xóm. Mùa xuân, cỏ mướt xanh, hoa tím, hoa vàng, hoa trắng, chồi non. Gió reo vui, trời xanh, chim hót. Một thoáng bâng khuâng. Những ngọn cỏ non mơn mởn của mùa xuân này, chắc chúng cũng là những ngọn cỏ của mùa xuân năm cũ. Những ngọn cỏ đã từng đón bước chân thầy trò trong bao lần Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành. Đếm bao nhiêu cho xuể. Những ngọn cỏ không bao giờ bỏ cuộc dù mưa dù nắng. Mùa hè, chúng xơ xác. Mùa đông, có khi chúng khô cằn, héo hắt, hầu như biến mất làm lộ ra mặt đất đông cứng trong cái lạnh mà ẩm ướt của mùa đông miền Tây Nam nước Pháp. Rồi mùa xuân chúng lại xuất đầu lộ diện. Sức mạnh tiềm tàng, sức sống dẻo dai của cỏ. Lại làm xanh mặt đất, lại lả lướt khi gió đùa. Tôi nghiêng mình trước chúng, cũng như tôi đã ao ước được có khả năng đưa hai bàn tay mình ra hết lần này đến lần khác *. Như Thầy tôi.  

Vừa qua trong khóa tu xuất sĩ chúng tôi đã được xem một phim tài liệu có tên là “One life” (“Sống còn nơi hoang dã”). Gây ấn tượng nhất cho tôi là một con mực đỏ khổng lồ. Nó đã chuẩn bị cho đàn hậu thế bằng cách đánh đổi cả tánh mạng của nó. Hình ảnh thật cảm động. Suốt sáu tháng ròng rã, nó hoàn toàn không ăn một chút gì, chỉ tập trung thổi nước lên trứng không ngừng. Màu đỏ của nó dần phai nhạt đi. Đến khi trứng nở thì nó cũng mỏi mòn và chết. Bỗng dưng tôi thấy mình là một con mực non mới nở, đang bơi lội tung tăng theo đàn trong dòng nước mùa xuân ấm áp. Con mực mẹ đầy dũng khí đâu rồi? Con mực mẹ nhạt màu dần, nhưng vẫn đầy dũng khí, vẫn tiếp tục thổi nước và không bao giờ bỏ cuộc. Màu đỏ trên mình những con mực non, những cánh hoa đỏ nở bừng, lan toả.

Mùa xuân. Tôi lại tập nhìn và thưởng thức bằng đôi mắt của Thầy, đi bằng những bước chân Thầy, thở bằng lá phổi của Thầy, như bao nhiêu người thương Thầy, sống những lời dạy của Thầy, đang làm, đã làm và tiếp tục làm. Tôi đưa tay lên dụi mắt. Có phải tôi đang hoa mắt không? Không phải, màu đỏ trên con mực mẹ vẫn còn đang đỏ thắm, lan ra khắp đại dương mênh mông. 

 

 

 

 

 

 

Chùm thơ Ướp nắng đầy

 

Ướp nắng đầy

Một mình một cốc một rừng cây
Hương thơm thanh thoát thoảng đâu đây
Lắng nghe âm hưởng của trời đất
Nghe tiếng càn khôn réo gọi mây
Thong dong mây xuống hôn lòng đất
Nhả khói chan hòa khắp đó đây
Không gian thắm đượm niềm vui sướng
An yên sâu lắng ướp nắng đầy.

Tâm yên

Một mình một cốc một ông trăng
Thả hết nằm yên ngắm chị Hằng
Trời đất an bình thanh tịnh quá
Lòng mình nhờ thế hết lăng xăng
Sự đời lên xuống từ tâm hiện
Biết thế không cần phải nói năng
Quảy túi trở về bên cốc ấy
Tâm yên biển lặng cánh chim bằng.

Tâm tự khai

Một sáng mùa xuân một nhánh mai
Quan Âm an tĩnh ngự trên đài
Mỉm cười chan chứa tình thương lớn
Hiểu hết nhân quần cõi trần ai
Giọt nước thanh lương Ngài rảy xuống
Làm cho mát mẻ khắp muôn loài
Trang nghiêm thân tướng con gìn giữ
Theo gót chân Ngài tâm tự khai.

 

Nêu gương khi lãnh đạo

(Trích sách Nghệ thuật thiết lập truyền thông- Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

 

 

Mấy năm trước đây, khi tôi tới Ấn Độ, tôi có gặp ông K. R. Narayanan khi ông còn là Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ. Chúng tôi bàn việc sử dụng thực tập lắng nghe và ái ngữ tại các cuộc bàn thảo trong Quốc hội. Tôi nói rằng mọi môi trường làm việc, kể cả môi trường chính trị, đều có thể trở thành một môi trường xây dựng trên hiểu biết và thương yêu. Xây dựng được một môi trường lành mạnh và nuôi dưỡng cho một tập thể làm việc là tạo nên một môi trường khuôn mẫu xây dựng cho thế giới.

Sử dụng chánh niệm và ái ngữ trong môi trường làm việc là cống hiến tinh hoa của chúng ta. Phối hợp với tuệ giác và kinh nghiệm, chúng ta có thể đi đến những quyết định sáng suốt nhất. Nếu không có khả năng lắng nghe đồng nghiệp bằng tấm lòng rộng mở mà chỉ chấp nhận và hỗ trợ những ý kiến quen thuộc mà ta đồng ý thì ta sẽ gây hại cho môi trường làm việc. Dù ở vào địa vị nào trong khi làm việc, ta cũng có thể nêu gương bằng cách học hạnh lắng nghe tất cả mọi người bằng chú ý và lưu tâm một cách bình đẳng.

Nhiều môi trường làm việc thường tạo ra lắm bức xúc. Chúng ta phải tổ chức thế nào để có cơ hội thực tập hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là bước khởi đầu của truyền thông trong chánh niệm bởi vì hơi thở chánh niệm giúp cho thân và tâm thư giãn, thoải mái nơi sở làm là chúng ta đã bắt đầu truyền thông có hiệu lực. 

Ông Narayanan và tôi đã thảo luận về phương thức đưa ra thực tập chánh niệm vào trong Quốc hội Ấn để giảm thiểu bức xúc. Nếu Quốc hội Ấn đã làm được như vậy thì ta cũng có thể làm được trong sở làm của ta. Bạn có thể tổ chức để các đồng nghiệp cùng thực tập hơi thở chánh niệm trước các buổi họp để cho sự truyền thông trong khi họp có hiệu quả hơn và ít bức xúc hơn hay không? 

Cho dù bạn không thể tổ chức để đồng nghiệp cùng thực tập nhưng chỉ với hơi thở của chính bạn cũng đủ để cải thiện sự truyền thông khi làm việc. Đôi khi sự truyền thông trong sở làm có thể là rất mực khó khăn, nhưng chỉ một hơi thở chánh niệm cũng đã làm cho tình hình khả quan hơn rồi. 

Vai trò của chánh niệm và sự tương tức trong một môi trường cạnh tranh là gì?

Con kính bạch Sư Ông,

Con đang quan tâm đến Olympics sắp diễn ra vào mùa hè này. Vai trò của chánh niệm và sự tương tức trong môi trường cạnh tranh là gì?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời:

Thầy nghĩ đó là một cơ hội cho mọi người kinh doanh, kiếm tiền và để tiêu thụ. Khi một ai chiến thắng, những người thua cuộc sẽ khổ đau. Đó là sự cạnh tranh, sự so sánh giữa mình và người khác. Tôi làm tốt hơn bạn. Điều đó sẽ tạo ra nhiều sự phân biệt và nhiều sự mặc cảm. Và đó không chỉ là những vận động viên nhưng, cũng cho đám đông, chúng ta tuyển chọn vận động viên mà chúng ta yêu thích và chúng ta đứng về phía họ. Chúng ta đang so sánh: “tôi đây, anh hùng của tôi”. Niềm vui đó, sự cạnh tranh đó là vô ích. Chúng ta coi đó là một hạnh phúc. Và nếu chúng ta không chiến thắng, nếu người hùng của chúng ta không chiến thắng thì chúng ta khổ đau. Bởi vì mọi thứ được dựa trên nền tảng kỳ thị giữa cái ngã và vô ngã. Nếu bạn nhìn sâu, bạn thấy rằng mọi thứ trong sự cạnh tranh đó, ngay cả trong việc giáo dục, giáo viên bị thúc đẩy để có thể dạy học nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, để những học sinh có thể lớn lên thì trở thành nổi tiếng hơn và đứng đầu các cuộc thi. Đó là tại sao cả giáo viên và học sinh đều khổ đau từ sự căng thẳng, họ làm việc quá sức. Thậm chí bạn được đứng đầu, bạn phải tiếp tục để mà giữ vị trí đứng đầu đó. Nhìn sâu, chúng ta thấy rằng, chúng ta đang đi về hướng phá huỷ. Chúng ta phá huỷ thân và tâm của chúng ta bằng cách cố gắng quá sức và bị mất năng lượng. Nó rất rõ ràng rằng, trong sự cạnh tranh này, sẽ không có ai là người thắng cuộc. Những “cuộc đứng đầu” sẽ phải chết, và những người chưa được đứng đầu thì họ cũng khổ đau. Thì điều tương tự cũng đúng trong lĩnh vực chính trị, lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Chúng ta đang đi vào hướng tự huỷ hoại bản thân. Vì vậy chúng ta cần phải thức tỉnh. Chúng ta cần thay đổi quá trình của nền văn minh. Chúng ta đang huỷ hoại bản thân của chính ta. Điều này rất rõ ràng, sự huỷ hoại của chúng ta như một chủng tộc, loài người, như một môi trường. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy, chúng ta hoan nghênh sự tuyệt chủng. Có một điều chúng ta có thể dừng lại nó. Điều đó là năng lượng tỉnh thức tập thể.

Nếu bạn muốn bảo vệ thế giới, thay đổi thế giới, bạn cần một sự tỉnh thức tập thể lớn. Bạn không thể thay đổi xã hội và quá trình lịch sử. Trừ khi, bạn có thể tạo ra một sự tỉnh thức tập thể. Không có sự tỉnh thức tập thể, bạn biết rằng bạn đang tự mình tiến tới sự hủy diệt. Olympic cho chúng ta cơ hội để phản chiếu. Trong cuộc cạnh tranh này, không có người chiến thắng. Mọi người sẽ thua và không phải chúng ta thua loài người, nhưng chúng ta thua như những loài động vật, cây cỏ, khoáng sản. Một khái niệm về bản ngã, bản ngã chống lại vô ngã và nó gây ra rất nhiều khổ đau. Đó là lý do tại sao trí tuệ của giao tiếp bất nhị: “bạn là tôi, và tôi là bạn”, “bạn trong tôi, và tôi trong bạn”. Đó là tuệ giác của tương tức. Khi tôi mới xuất gia là một sư chú sa di, thầy của tôi đã dạy cho tôi cách lạy một vị Bụt. Điều đó đã bị đảo ngược, người lạy và người được lạy, bản chất của cả hai đều trống rỗng. Bạn không nên tự hào mình là Bụt, cũng không nên tự hào khi nói mình là Bụt. Và tôi, tôi cũng không nên xấu hổ rằng tôi không phải là một vị Bụt. Bụt được làm bằng những yếu tố không phải là Bụt, tôi bao gồm bên trong bạn. Và, tôi được làm bằng những yếu tố không phải của tôi, và bạn trong tôi. Khi bạn thấy bản chất của sự tương tức trong bạn và trong Bụt, bạn có thể thấy Bụt trong bạn và bạn trong Bụt. Ngay lúc đó, bạn tiếp xúc bản chất của tương tức. Khi bạn lạy xuống, bạn cảm nhận được sự truyền thông thật sâu sắc. Nếu Bụt chỉ là Bụt và bạn chỉ là bạn thì sự truyền thông không có mặt. Đó là sự thực tập lạy dựa vào bên trong của sự tương tức.

Tôi nghĩ về những điều thần bí của đạo thiên chúa giáo, có những người thực tập, họ có thể thấy giữa họ và chúa Jesus tương tức với nhau. Nếu người thực tập không thể thấy được sự tương tức giữa họ và chúa Jesus. Tôi không nghĩ rằng sự truyền thông sẽ sâu sắc đủ. Bên trong tương tức sẽ giúp bảo vệ chúng ta. Điều đó cần một sự cam kết tập thể. Mỗi chúng ta nên làm việc cùng nhau cho sự tỉnh thức tập thể đó. Nếu bạn là một nhà báo, bạn hãy làm việc như một nhà báo. Bạn là một giáo viên, bạn hãy làm việc như một giáo viên. Chúng ta phải tạo ra sự thức tỉnh đó.

Kỷ niệm êm đềm

(Sư cô Chân Đính Nghiêm)

 

 

Cuối năm, trời lành lạnh. Cái lạnh không đến nỗi rét như vùng New York, Hoa Kỳ nhưng cũng đủ để con mặc vài lớp áo. Ngồi bên ngọn nến, thưởng thức ly trà thơm, lòng con bình yên đến lạ. Giây phút bên ly trà là giây phút thanh thản, ấm lòng nhất đối với con. Dù trong bất cứ không gian và thời gian nào, trong con đều đong đầy cả khung trời hạnh phúc và tình thương. Buổi sớm mai trở nên thiêng liêng hơn, huyền diệu hơn và ngập tràn năng lượng tinh khôi, đầy sức sống cho một ngày mới bắt đầu.

Con ngồi yên, thưởng thức niềm hạnh phúc và một khuôn mặt hiền từ đầy tình thương hiện lên trong trí nhớ con. Đó là “Sư cô Chân Không – người chị cả của giáo đoàn – người học trò nữ xuất gia đầu tiên của Sư Ông”. Người có một gia tài tình thương không phân biệt bất kỳ một ai, dù đó là cư sĩ tại gia hay xuất gia, dù đó là những đệ tử xuất gia của Sư Ông hay là những vị khách tăng đến thực tập cùng đại chúng. Những hành xử của Sư cô luôn làm ấm lòng người đối diện và trở thành nhiều kỷ niệm đẹp trong tâm khảm của con mỗi khi nhớ về.

Nằm nghe tiếng ru

Năm 2007, được tham dự khóa tu cho người trẻ ở tu viện Bát Nhã, con lên sớm một ngày nên chưa có thời khoá. Sau giờ cơm trưa, Sư cô gọi chúng con vào thiền đường và nói: “Mấy con nằm xuống đi, nằm xuống Sư cô ru cho ngủ”. Con là người mới nhất trong nhóm nên ngơ ngác nhìn. Thấy vậy các bạn kéo con nằm xuống và Sư cô hướng dẫn chúng con pháp môn thiền buông thư. Ôi, thật ngạc nhiên và cảm động biết bao. Con tưởng như mình được trở về thời thơ ấu và được bà ru cho mình ngủ. Từng lời thủ thỉ đầy yêu thương và giọng hát thật ngọt ngào của Sư cô đưa con chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không biết. Giấc ngủ thật ngon và thật an lành. Đến khi con thức giấc, Sư cô hỏi chuyện chúng con. Sư cô nói chuyện thật gần gũi xiết bao. Con chỉ ngồi đó lắng nghe vì chưa biết gì về pháp môn và Sư cô, chỉ có một cảm nghĩ là sao Sư cô hiền và dễ thương vậy.

Suốt khoá tu, ngày nào con cũng tận hưởng giờ thiền buông thư của Sư cô và khi về nhà con chỉ nhớ có mỗi pháp môn đó mà thôi. Và từ đó, con có thói quen mới là trưa nào cũng “nằm xuống nghe Sư cô ru”. Nhờ vậy, sức khỏe con tốt hơn, tinh thần tươi vui hơn và chứng bệnh đau dạ dày cũng dần khỏi. Con đã khoe với bạn bè và người thân, cũng như khuyến khích họ thực tập pháp môn đơn giản mà thật hiệu nghiệm này. Bây giờ, mỗi khi có cơ hội hướng dẫn thiền buông thư, con thấy lại hình ảnh thân thương ngày ấy và hết lòng hiến tặng cho mọi người.

Để thương để nhớ

Mùa thu năm 2011, lần đầu tiên con gặp Sư cô ở Lộc Uyển. Sư cô gọi chúng con vào cốc của Sư cô ngồi chơi. Sư cô hỏi tên và nói: “À, con là Đính Nghiêm, người trả lời điện thoại khi sư cô gọi qua Bích Nham”. Con ngạc nhiên và nhớ lại có một lần con nhấc điện thoại và phía bên kia một giọng nói thật hiền: “Sư cô Chân Không đây, con là ai vậy?” Con thưa tên xong thì Sư cô hỏi tiếp con thuộc gia đình xuất gia nào. Rồi Sư cô nói: “Con giỏi lắm, biết thở trước khi nhấc điện thoại. Con còn nhỏ mà đã biết trả lời điện thoại lễ phép, rõ ràng sau này con sẽ làm được nhiều những chuyện khác”. Câu chuyện chỉ có vậy mà Sư cô nhớ và nhắc lại. Con biết Sư cô có trí nhớ rất tốt nhưng với con, đây cũng là một biểu hiện của tình thương Sư cô dành cho sư em nhỏ.

Khóa tu ở Lộc Uyển kết thúc, đại chúng đi lên phía Bắc để hướng dẫn khóa tu tiếp theo ở Google. Sư cô xin ban tổ chức sắp xếp cho chúng con được đi cùng. Sư cô nói: “Chúng con mới đến Mỹ, nếu không được đi đợt này thì đâu biết sẽ có cơ hội nữa hay không!”. Cuối cùng, chúng con cũng được đi, dù chẳng giúp được gì, mà ban tổ chức phải lo thêm chỗ ăn ở và chỗ đi chơi cho chúng con. Khi pháp thoại của Sư Ông kết thúc, chúng con được đi thăm cây cầu Vàng nổi tiếng trong khi Sư cô ở lại cho thiền sinh buông thư.

Trở về Bích Nham, con bị bệnh, ho sòng sọc cả ngày lẫn đêm. Không hiểu sao lúc đó con cứng đầu dễ sợ, nhất định không chịu uống thuốc dù sư cô lớn trong phòng hết lời khuyên nhủ. Rồi Sư cô cũng biết và gửi thuốc cho con, mà con cũng không chịu uống vì đó là thuốc Tây. Mấy ngày sau, Sư cô lại tìm ra thuốc Nam và mang đến dỗ con uống. Con cảm động quá chỉ biết im lặng uống thuốc. Uống xong là ngày mai lành liền. Không biết con lành bệnh do thuốc hay do tình thương của Sư cô nữa.

Sống trong chúng thiệt là hạnh phúc!

Năm 2013, con được làm thị giả Sư cô. Vừa gặp mặt, Sư cô đã tạo cho con một không khí thân tình, ấm áp. “Làm thị giả của sư cô khó lắm đó nghe”, Sư cô nói rồi cười. Nụ cười ấy làm tan hết những lo lắng trong con. Được nuôi dưỡng bởi năng lượng của Sư cô nên con cũng “tự nhiên, gần gũi” với Sư cô ngay lập tức. Con thương Sư cô như bà của mình vậy. Con làm tất cả những gì có thể để chăm sóc Sư cô bằng cả tấm lòng chứ không phải là nghĩa vụ. Và con nghĩ rằng những ai được làm thị giả của Sư cô cũng đều chung suy nghĩ ấy.

Gần Sư cô, con mới biết được khối lượng công việc Sư cô làm cho tăng thân và cho các sư em của mình. Trong khóa tu, Sư cô không bỏ một thời khóa nào. Sáng nào Sư cô cũng dẫn con qua cốc Thạch Lang ngồi uống trà cùng Sư Ông và quý thầy thị giả trước buổi ngồi thiền hoặc pháp thoại. Buổi trưa, Sư cô cho thiền buông thư. Còn buổi chiều, Sư cô làm chủ tọa pháp đàm rồi cho thiền sinh tham vấn. Nếu các sư em gặp khó khăn, Sư cô đều có mặt. Người ở xa thì Sư cô gọi điện khuyên nhủ với tất cả tấm chân tình, còn nếu ở gần, Sư cô dành thời gian ngồi chơi với vị đó. Ngoài ra, Sư cô còn viết sách, trả lời các email của thiền sinh, rồi lo bao nhiêu chuyện khác cho Làng. Hôm nào Sư cô cũng thức rất khuya và dậy thật sớm. Vậy mà lúc nào Sư cô cũng đầy năng lượng tươi vui và đầy nhiệt huyết.

Hồi đó, con là sư út ở Bích Nham, còn ham ăn ham ngủ. Trước khi Sư cô tới Bích Nham, con lo lắm. Bởi con ngại mình khó theo được thời khóa của Sư cô. May sao, nhịp sinh học của con thích nghi được ngay. Hôm nào con cũng thức được tới khi Sư cô đi ngủ và dậy sớm cùng lúc với Sư cô. Con còn trẻ và đâu làm việc nhiều, chỉ có mỗi việc thị giả thôi, nhưng lúc nào Sư cô cũng lo lắng cho con, sợ con mệt hay thiếu ngủ. Sư cô thường hay nói “Cảm ơn con đã chăm sóc sư cô hết lòng”, làm con cảm động lắm. Con thưa Sư cô là chị em con ai cũng muốn có cơ hội chăm sóc Sư cô, ngay cả quý thầy cũng vậy. Sư cô chỉ cười và nói: “Sống trong chúng thiệt là hạnh phúc!”.

Thương mà chiều

Có một tối, mới 9 giờ 30 mà Sư cô đi ngủ rồi. Con ngạc nhiên hỏi thăm thì Sư cô nói: “Sư cô không sao, sư cô chỉ muốn đi nghỉ sớm thôi”. Vậy là con hạnh phúc leo lên giường. Trong giấc ngủ say, con bỗng nghe tiếng lạch cạch, mở mắt ra thì thấy Sư cô đang làm việc trong bóng tối. Con hỏi sao Sư cô không bật đèn lên, Sư cô nói: “Sư cô sợ con thức giấc”. Con nghe mà thấy nghèn nghẹn trong lòng. Con thưa với Sư cô là con ngủ dễ lắm, Sư cô bật đèn to con vẫn ngủ ngon như thường. Sư cô nói: “Thiệt hả? Vậy con bật đèn bàn cho sư cô rồi đi ngủ đi”. Vậy là con đi ngủ tiếp trong niềm hạnh phúc vô biên.

Mỗi lần dùng cơm, Sư cô luôn nhìn vào tô của con xem có món gì, và chia thức ăn cho con. Sư cô có cách chia thức ăn cho thị giả dễ thương lắm, Sư cô nói: “Món này nhiều quá”, hay “Món này sư cô không thích, con ăn giùm sư cô”. Hồi đó con hồn nhiên lắm, cứ nghĩ mình “giúp” Sư cô. Sau này, con mới biết đó toàn là món ruột của Sư cô. Vì sợ con mệt nên Sư cô luôn ép con ăn nhiều cho mau lớn. Có những lúc Sư cô mệt không muốn dùng bữa, nhưng khi nghe thị giả mè nheo: “Sư cô không dùng thì con cũng không ăn”. Sư cô chiều thị giả và cầm đũa, rồi vì thương người nấu cơm nên Sư cô cũng dùng hết luôn.

Có ngày gia đình chú Pritam đến thăm tu viện. Sau khi đưa họ đến thăm Sư Ông, Sư cô tiếp chuyện riêng và chia sẻ một số phương pháp thực tập cho cả nhà, đặc biệt là hai bạn trẻ đi cùng. Ăn trưa xong, Sư cô tặng mọi người một buổi thiền buông thư. Sư cô cũng bảo con “nằm xuống ngủ”. Con chỉ nghe được “in, out” (vào-ra) là con “đi” luôn. Đến khi mở mắt ra, con thấy chỉ còn mỗi mình con trong thiền đường, tất cả đã đi hết rồi. Con ngơ ngác suy nghĩ: Bây giờ tìm Sư cô ở đâu, ni xá, văn phòng hay cốc của Sư Ông? May thay khi vừa ra khỏi thiền đường, con thấy mọi người đang chào nhau trước tăng xá. Khi gia đình chú Pritam đi rồi Sư cô kể: “Con biết không, đi ra tới cửa thiền đường, sư cô quay lại thấy con vẫn đang ngủ nên sư cô để con ngủ luôn!”.

Hôm sau vào khóa tu, Sư cô cho thiền buông thư. Người đông quá, thiền đường thật nóng nên con ngồi phía sau và quạt cho Sư cô. Đến khi kết thúc, Sư cô nói: “Tội con quá, phải quạt cho sư cô mà không được ngủ. Sư cô thích thấy con ngủ ngon”. Vậy là những buổi thiền buông thư sau, dù ở tại tu viện hay ở đâu, con luôn chuẩn bị hết mọi thứ cần thiết rồi yên tâm nằm ngủ. Con cũng tập được việc thức dậy đúng lúc Sư cô kết thúc, và ngồi đếm số vòng Sư cô quay khi Sư cô hướng dẫn năm động tác Suối nguồn tươi trẻ cho thiền sinh.

Nuôi dưỡng niềm thương

Còn nhớ có lần Sư Ông nói: “Từ hôm nay mình gọi Sư cô là Sư bà đi con” thì Sư cô trả lời liền: “Bạch Thầy, con không làm Sư bà đâu”. Khi thấy Sư Ông không thay đổi ý định, Sư cô quay sang con ra điều kiện: “Con mà gọi Sư cô là Sư bà thì Sư cô không chơi với con nữa”. Con chỉ biết cười và thấy kính phục Sư cô vô cùng. Đức khiêm cung của Sư cô thật lớn. Lúc nào Sư cô cũng thấy mình chỉ là sư chị lớn của các sư em thôi.

Tối tối trước khi ngủ, Sư cô lại kể cho con nghe những chuyện ngày xưa Sư cô từng làm, kể từ lúc Sư cô còn đi học cho đến thời điểm hiện tại. Bên Sư cô, con có nhiều cơ hội nghe Sư cô chia sẻ kinh nghiệm rất quý báu trong đời tu. Sư cô thường nhắn nhủ rằng, Sư cô kể để sau này con hiểu bản thân, hiểu các sư em của mình, để thương và thông cảm và để cùng nhau đi qua tất cả. Sư cô bảo con kể chuyện gia đình, chuyện thời thơ ấu cho đến khi con đi tu. Rồi Sư cô nói: “Bây giờ Sư cô biết con được sinh ra là để đi tu thôi. Con đã tu nhiều kiếp rồi nên kiếp này tiếp tục”. Nghe Sư cô kết luận, con thấy hạnh phúc trong mình nhân lên và niềm tin vào con đường càng thêm vững chắc. Đó là cách Sư cô nuôi lửa, truyền lửa cho con và giúp con có thêm động lực để đi tới.

Sư cô thương mọi người một cách chân thành, mộc mạc, không cầu kỳ khách sáo, nên Sư cô cũng đón nhận tình thương một cách chân thành và sâu sắc. Con thật hạnh phúc vì có cơ hội được gần Sư cô, được nuôi dưỡng trực tiếp bởi thân giáo và tình thương của Sư cô, được học hỏi và được truyền thêm lửa cho bồ đề tâm của mình. Nhìn Sư cô, con có thêm niềm tin nơi Sư Ông, vì con biết Sư cô là người học trò lớn của Sư Ông, được nuôi lớn từ thân giáo của Sư Ông cũng như đồng hành cùng Sư Ông trên con đường phụng sự. Giờ đây Sư cô tiếp tục giúp Sư Ông nuôi lớn các sư em của mình. Con nguyện noi gương Sư cô, nuôi dưỡng để lòng mình thênh thang hơn, để có thể trang trải tình thương ngày một rộng lớn hơn, cũng như chế tác năng lượng phụng sự, tấm lòng thủy chung sắt son với tăng thân và với con đường hạnh nguyện mà mình đã chọn.

Con xin thành kính cảm tạ sự hiện diện tuyệt vời của Sư cô trong tăng thân và kính mong Sư cô mãi an yên để làm chỗ nương tựa cho các sư em nhỏ hướng về.