Trồng một nụ cười

Phương Khê nội viện, ngày 26 tháng 04 năm 2010
Thân gởi các con của Thầy gần và xa,

 

Thiền hành ở Rome

Buổi thiền hành tổ chức ở thủ đô Rome ngày 18.03.2010 vừa qua rất đẹp. Có trên 1500 người tham dự. Mười đứa trẻ nắm tay Thầy đi hàng đầu, trong đó có một em bé gái da màu. Phía trước, cách hàng Thầy đi khoảng hai mươi thước, có tám nhân viên cảnh sát công lộ, cũng đi thành một hàng. Điều đặc biệt nhất là tám vị này cũng đi rất thảnh thơi. Cách thức chận xe và hướng dẫn người đi đường của các vị ấy rất là dễ thương. Các vị ấy hành xử như những người bạn đối với xe cộ và với người đi đường chứ không có vẻ gì là người đang sử dụng quyền hành của mình để ra lệnh. Ta có cảm tưởng tám vị ấy cũng thuộc về Tăng thân, vì các vị cũng đang đi thiền hành. Quân và dân là một. Thầy nghĩ đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Buổi thiền hành đầu tổ chức tại Rome không được như thế. Đây là buổi thiền hành thứ năm. Thầy nhớ trong buổi thiền hành đầu, vị chỉ huy trưởng đã dùng điện thoại di động mà báo với các vị đồng liêu ở Tòa Thị chính là đoàn thiền hành đi chậm quá, chắc phải hơn một giờ nữa mới đi tới nơi. Và các vị cảnh sát hồi ấy tuy làm hết trách vụ của mình một cách hết lòng, nhưng không có vẻ thích thú và “đồng sự” với đoàn thiền hành như kỳ này. Chưa bao giờ trên đường phố thủ đô lại có sự thảnh thơi lớn lao như thế. Mỗi phân vuông của đường phố đều in dấu ấn thảnh thơi đó. Hoàn toàn không có sự gấp gáp nữa. Tai nạn không thể nào xảy ra trong một hoàn cảnh thảnh thơi như thế. Thành phố như dừng hẳn lại để vui chơi. Phía trước tám vị cảnh sát là một chiếc xe cảnh sát cũng đi với tốc độ thiền hành. Hàng chục ngàn người bên các hè phố và trên các tòa nhà hai bên đường phố đã chứng kiến sự thảnh thơi đó. Cuộc thiền hành tuy đông người tham dự nhưng không giống chút gì của một cuộc biểu tình, không cờ, không trống, không biểu ngữ, không khẩu hiệu, không ai đòi hỏi gì, không ai phản đối gì, không ai thỉnh nguyện gì. Tất cả đều im lặng tuyệt đối. Tất cả đều mỉm cười. Tất cả đều theo dõi hơi thở và thưởng thức những bước chân trên đường phố. Hòa bình an lạc và tình huynh đệ đang thật sự có mặt, ai cũng thấy rõ như thế.

Sáng 18.03.10, đại chúng đã tập họp tại công trường Piazza San Marco và tập hát những bài thiền ca mà lời ca có thể được áp dụng trong khi đi thiền hành như bài “đã về đã tới”. Các thầy và các sư chú gốc Ý đã hướng dẫn thiền sinh hát những bài thiền ca này bằng tiếng Ý. Khi Thầy đến thì chỉ mới có độ ba trăm thiền sinh quy tụ. Thầy ngồi chơi ở một ghế đá nơi công viên để nghe đại chúng tập hát. Thị giả của Thầy cho biết là một sĩ quan mặc thường phục muốn đến chào Thầy. Thầy đã chắp tay chào vị ấy và vị ấy cũng chắp tay búp sen chào lại. Vị ấy cho biết ông ta là người chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng bảo vệ an ninh cho Thầy và đoàn thiền hành. Sau đó vị thị giả đã chụp ảnh cho hai người.

Chừng mười phút sau, đám đông đã tăng lên khoảng 500 người. Thầy đến gần, bước lên bục, ngồi yên vài ba phút và bắt đầu chỉ dẫn về phương pháp thực tập thiền hành. Sư chú Pháp Biểu người Ý phiên dịch cho Thầy. Khi đoàn thiền hành khởi sự thì chưa được một ngàn người nhưng mười lăm phút sau thì số người tăng lên một ngàn rưỡi.

Đoàn thiền hành từ công trường Piazza San Marco đi qua đại lộ Delle Botteghe Oscure, tới đường via Celsea, ra đại lộ Del Plebiscito rồi sau đó qua đại lộ Corso Vittorio Emanuele cuối cùng tới tòa thị sảnh và ngồi xuống thực tập thiền tọa ở công trường Piazza Navona. Khi phái đoàn mới tới thì còn nghe tiếng nhạc kèn saxophone. Nhưng sau khi mọi người ngồi xuống và thực tập thở theo hướng dẫn của Thầy thì tiếng kèn im bặt. Công trường trở nên một thiền đường lộ thiên rất thanh tịnh. May mắn là trời có nắng và không có gió. Trên một ngàn năm trăm người thực tập quán chiếu về thiên nhiên, về tổ tiên, về mẹ cha, về sự sống, về vô ngã ngay giữa trung tâm thủ đô, thanh tịnh và hào sảng vô cùng. Cuối buổi thiền tọa, các vị xuất gia đã trì tụng bài Nguyện Ngày An Lành Đêm An Lành bằng Anh ngữ.

Trên bờ hồ Hoàn Kiếm

Như Thầy đã hứa với các con trong lá thơ ngày 16.03.10 là phái đoàn đi Ý sẽ hết lòng thực tập để cho mỗi bước chân có thể đạt được định lực thật cao cường. Mỗi người trong phái đoàn đã nuôi ý thức sáng tỏ về điều này trong suốt buổi thiền hành, cho nên phẩm chất chánh niệm đạt được rất cao. Mọi người tham dự đều được thừa hưởng năng lượng tập thể ấy cho nên hạnh phúc chế tác được trong buổi thiền hành cũng rất lớn. Buổi thiền hành không còn là một sự thực tập hình thức nữa, tuy về phương diện hình thức mà nói thì nó cũng rất đẹp. Nhiều vị trong số các con đã có mặt với Thầy trong các buổi thiền hành trên bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội trong những chuyến về hoằng pháp của Thầy tại quê hương. Thầy nhớ buổi thiền hành trong chuyến đi 2008 ấy tại bờ hồ Hoàn Kiếm cũng có khoảng 1000 người tham dự. Chúng ta đã tập họp và ngồi thiền trước tượng vua Lý Thái Tổ và thiền hành xong chúng ta cũng trở lại đấy ngồi thiền trước khi về lại trú xứ của khóa tu là khách sạn Kim Liên. Hôm ấy không có cảnh sát giao thông đi bảo hộ nhưng buổi thiền hành đã được diễn ra rất êm ái. Năng lượng bình an và hạnh phúc của buổi thiền hành đã là một hiến tặng của chúng ta cho thủ đô Hà Nội. Hàng ngàn người đã thấy được đoàn thiền hành và được tiếp xúc lần đầu với loại năng lượng ấy. Tất cả các thiền sinh trước đó đều đã được học hỏi và thực tập phép thiền đi trong khóa tu ở Kim Liên cho nên mọi người đều hành trì rất giỏi. Trong buổi đi thiền hành này, ai cũng có khả năng hiến tặng bước chân, hơi thở và nụ cười.

Lời Nguyện

Thầy nhớ trong chuyến về nước năm 2007 để tổ chức các Đại trai đàn chẩn tế, nhiều người trong chúng ta đã thực tập thiền hành rất hết lòng. Mỗi bước chân ta đi cho hàng triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến. Mỗi bước chân ta đi cho hơn tám mươi triệu đồng bào đang có mặt. Các Trai đàn chẩn tế thường mang nhiều chất liệu của Mật Tông, nhưng trong các Trai đàn chẩn tế tổ chức năm ấy tại quê hương, Thầy trò chúng ta đã đưa sự thực tập thiền tọa và thiền hành vào, và vì vậy năng lượng của các Trai đàn chẩn tế này rất hùng hậu và có công năng chuyển hóa rất lớn. Biết bao nhiêu người đã đến với chúng ta để kể lại những câu chuyện chuyển hóa như thế. Và ai cũng rất ngạc nhiên là trong mùa nắng bức ấy mà các Trai đàn chẩn tế luôn luôn đem lại những cơn mưa. Có nhiều vị đã được thân nhân báo mộng để về dự trai đàn, nhất là ở Sóc Sơn. Những oan ức và khổ đau của hàng triệu người Việt trong và sau thời gian chiến tranh đã dồn chứa lại, và năng lượng tiêu cực ấy đã đè nặng trên đời sống của dân tộc trong bao nhiêu thập niên. Tại các Trai đàn chẩn tế, chúng ta đã hết lòng chế tác năng lượng của từ bi, của tha thứ, của bình an để mong chuyển hóa được thứ năng lượng tiêu cực kia. Ta đã mời những người đã chết đi bằng hai chân của chúng ta. Ta đã mời các vị ấy nhìn bằng hai mắt của chúng ta để thấy rằng non sông cẩm tú vẫn còn đó, và chúng ta nguyện nỗ lực giữ gìn để đừng đánh mất non sông ấy. Chúng ta đã long trọng hứa với những vị ấy là chúng ta sẽ không bao giờ khởi xướng trở lại một cuộc chiến tranh ý thức hệ, không bao giờ còn dại dột đi sử dụng những lý thuyết và vũ khí của người ngoài để tàn hại nhau. Sông núi linh thiêng đã chứng minh cho lời nguyện ấy, ở miền Nam, ra miền Trung cho tới miền Bắc.

Pháp thiếp

Ngày 19.03.10, các vị nào trong phái đoàn đi hoằng pháp tại Ý mà mới đến La Mã lần đầu đã được các Phật tử Ý hướng dẫn đi tham quan thủ đô. Thầy đã dặn dò là suốt một ngày đi tham quan ấy nên giữ gìn cho bước chân được vững chãi. Mỗi vị đã được trao truyền một pháp thiếp có in chữ 100% và dấu ấn của Đạo tràng Mai Thôn. Đây là một thách thức lớn. Đi tham quan thành Rome thế nào cũng tiếp xúc được với những kỳ quan thật đẹp và hùng tráng, thế nào cũng có nhu yếu chia sẻ với người đồng hành những nhận xét và những cảm xúc của mình. Trong khi đó phép đi thiền là khi đi thì không nói. Muốn nói hoặc muốn nghe thì phải dừng lại. Nói cho thật hết lòng, nghe cho thật hết lòng, rồi mới bước đi trở lại. Để làm được như thế, Thầy đã gửi theo một vị giáo thọ để quán sát và nhắc nhở. Thầy nghĩ rằng buổi tham quan hôm ấy thế nào cũng khó quên đối với các thành viên, kể cả những vị cư sĩ người Ý tổ chức tham quan cho mình.

 

Sư Anh Mã Thắng

Ngày xưa thầy Xá Lợi Phất vì trông thấy thầy Mã Thắng ôm bát đi thiền hành ở trên một con đường trong thành Vương Xá cho nên mới phát tâm đi xuất gia với Bụt. Thầy Mã Thắng (Asvajit) là một trong năm người đã từng tu khổ hạnh với Siddharta trước khi Siddharta thành Bụt, và đã trở thành thành viên của Tăng thân nguyên thủy gồm có sáu người trong đó có Bụt. Trước khi gặp thầy Mã Thắng, thầy Xá Lợi Phất đang theo học với một vị đạo sư tên là Sanjaya. thầy Mã Thắng đi rất đẹp, phong thái rất thảnh thơi, bước chân làm tỏa ra nhiều năng lượng an lạc và giải thoát. Một người còn khổ đau hệ lụy thì không thể nào bước được những bước chân như thế. Gặp thầy Mã Thắng, thấy thầy Mã Thắng đi, thầy Xá Lợi Phất có cảm tưởng là mình đã thấy được con đường mà mình đang tìm kiếm. Thầy đã tới chận đường thầy Mã Thắng để hỏi xem thầy tu theo pháp môn nào, và dưới sự chỉ dẫn của vị đạo sư nào. Sau khi biết thầy Mã Thắng là đệ tử của một vị thầy tên là Sakya Gotama, thầy Xá Lợi Phất đã biết ngay rằng đó là vị thầy mà mình đang thực sự tìm kiếm lâu nay. Hồi ấy, thầy Xá Lợi Phất cũng còn nôn nóng lắm. Thầy muốn biết ngay là Bụt dạy thứ giáo pháp nào. Và thầy hỏi thầy Mã Thắng. Thầy Mã Thắng đã trả lời là cứ lên vườn tre Trúc Lâm mà hỏi Bụt, nhưng thầy Xá Lợi Phất không thể chờ được. Thầy năn nỉ thầy Mã Thắng nói cho một câu thôi. Cuối cùng thầy Mã Thắng đã chiều ý và đã đọc: “Các pháp từ duyên sinh, các pháp từ duyên diệt.” Từng ấy cũng đã đủ cho tâm tư của thầy Xá Lợi Phất bừng sáng. Và thầy tức tốc trở về nơi cư trú của thầy và rủ người bạn thân thiết của mình là Mục Kiền Liên đi tìm Bụt ngay tức khắc. Chúng ta ai cũng biết thầy Xá Lợi Phất là một sư anh lớn của giáo đoàn, nhưng có nhiều người trong chúng ta cứ hay quên rằng chính thầy Mã Thắng, một sư anh của thầy Xá Lợi Phất, là người đã đưa thầy Xá Lợi Phất vào giáo đoàn của Bụt.

Đi bằng chân của Bụt

Hiện giờ Tăng thân chúng ta đang có mặt khắp nơi trên thế giới, và ai cũng là sư em của thầy Mã Thắng, ai cũng muốn tiếp nối sự nghiệp của thầy Mã Thắng. Các con của Thầy trên đất nước Việt Nam cũng đang đi những bước chân của thầy Mã Thắng. Nhìn cách đi của các con, mọi người biết các con là em của thầy Mã Thắng. Các con có thể đi ở Cam Ranh, ở Hội An, ở bờ hồ Hoàn Kiếm, ở dốc Nam Giao, ở đại học Cần Thơ, ở chợ Bến Nghé… Mới tuần trước đây, bốn thầy ở Làng Mai đi khám sức khỏe để làm giấy gia hạn chiếu khán lưu trú, cũng được đón lại, hỏi các thầy có phải là từ Làng Mai tới hay không. Mỗi khi bước đi ở các phi trường Thầy cũng thường bị nhận diện, không phải vì khuôn mặt của mình mà vì bước chân của mình. Thầy nghĩ chúng ta có thể tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn bằng cách đi những bước chân thảnh thơi của Ngài, và điều này nhiều người trong chúng ta đã làm được.

Các con của Thầy ở Việt Nam đâu có cần Thầy về mới được đi thiền hành ở dốc Nam Giao, ở bờ hồ Hoàn Kiếm hay ở chợ Bến Nghé? Ai cấm được chúng ta đi thảnh thơi ngay trên quê hương của chúng ta? Chúng ta đã tổ chức thiền hành ở nhiều thành phố lớn trên thế giới: Tokyo, Seoul, New Delhi, Frankfort, Rome, Paris, Sydney, Nairobi, Hạ Môn, London, New York, Chicago, Los Angeles, Tel Aviv, Moscow, v.v… Ngày xưa, Bụt đã đi thảnh thơi trên hai mươi quốc gia, nhất là những nước trong lưu vực sông Hằng. Bụt và các thầy như Mã Thắng, Xá Lợi Phất, Ca Diếp đã in dấu chân bình an của các vị trên các vùng đất ấy. Nối tiếp sự nghiệp của Bụt, chúng ta đã mang bước chân ấy đi khắp năm châu. Ta đi bằng hai chân của ta nhưng cũng là bằng hai chân của Bụt. Bằng bước chân, ta làm cho Bụt thường trú trên thế gian. Muốn được như thế, mỗi bước chân phải chế tác được niệm và định. Bước chân nào cũng chứng tỏ được là chúng ta đã về, đã tới; bước chân nào cũng chế tác được thảnh thơi, vững chãi và an lạc.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người đi như bị ma đuổi, không có thảnh thơi, không có an lạc. Người ta bảo là tại vì người ta không có thì giờ, công việc nhiều, đâu có ăn không ngồi rồi mà đi thảnh thơi như mình. Chúng ta biết điều đó không đúng. Thầy biết các con của Thầy làm việc rất giỏi, công việc có hiệu năng rất lớn và thành tựu rất nhiều. Đó là nhờ phép thực tập an trú trong giây phút hiện tại, đó là nhờ chúng ta đi được những bước chân thảnh thơi và an lạc. Chỉ có những người đi như thế mới làm được như thế. Thầy nghĩ tới sự nghiệp của Bụt. Bụt đã có khả năng đi như thế, ngay trước thời gian thành đạo. Lần đầu tiên đi vào thành Vương Xá để khất thực, Bụt đã được vua Bimbisara trông thấy. Bước chân thảnh thơi của Bụt đã gây ấn tượng lớn nơi vị quốc vương này. Và sau đó họ trở thành một đôi bạn thân thiết, một cặp thầy trò gương mẫu.

Tôi trồng một nụ cười

Làng Mai tại Pháp, đứng về phương diện kiến trúc, không có gì đặc biệt. Những người tới viếng thăm và tu học tại Làng Mai chỉ ghi nhớ có ba thứ: tiếng chuông, nụ cười và bước chân. Khi mọi người dừng lại để nghe tiếng chuông, dù đó là tiếng chuông đại hồng của xóm Thượng, tiếng chuông gia trì của xóm Hạ, hay tiếng chuông báo chúng của xóm Mới thì vị thân hữu kia cũng dừng lại, và nhờ năng lượng tập thể của Tăng thân, tiếp xúc được với chính mình và với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Phẩm chất của tiếng chuông rất cao, không phải là nhờ ở hợp chất của kim thuộc, mà nhờ ở năng lượng chánh niệm có công năng làm cho tâm ý dừng lại, đừng đi rong ruổi nữa. Còn nụ cười? Nụ cười có được là do sự thảnh thơi và niềm vui đem tới. Phần lớn các vị xuất sĩ sống ở Mai Thôn là những người trẻ. Họ có khả năng sống một đời sống vật chất đầy đủ hoặc dư dả ở ngoài đời, nhưng họ đã buông bỏ tất cả để sống đời sống tu tập và để giúp đời, ngày nào cũng có cơ hội cho người thêm niềm vui, làm cho người bớt khổ, vì người tìm tới để tu tập không hiếm. Và chúng ta có rất nhiều cái để hiến tặng cho họ, trong đó nụ cười là một tặng phẩm mà họ không bao giờ quên được. Ai cũng lạ lùng thấy Làng Mai có nhiều người trẻ như thế và có nhiều nụ cười đến thế. Có lần, một vị ký giả tham dự khóa tu ở Bát Nhã đã nói trong bài tường thuật của ông về nụ cười này và ông đã dùng khóm từ biển cười. Biển cười là một từ mới có thể đưa vào Từ Điển Làng Mai. Trong kinh Hoa Nghiêm ta có những danh từ biển âm thanh, biển công đức v.v.. nhưng chúng ta chưa có danh từ biển cười. Khóa tu năm ngàn người mà người nào cũng tươi cười. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ tới khóa tu năm 2007 ấy. Nụ cười này nở rất tự nhiên, như một đóa hoa, không phải như những nụ cười ngoại giao hay đón khách. Nụ cười ấy không phải tự nhiên mà có được. Phải gieo trồng, phải tưới tẩm nó rồi mới có cái vui, gặt hái nó để hiến tặng cho mọi người. Phép thực tập thở ý thức và bước chân thiền hành đã đem lại nụ cười ấy. Ấn bản tiếng Đức của sách Từng Bước Chân An Lạc mang tựa đề là Tôi trồng một nụ cười (Ich pflanze ein Lacheln). Đúng như thế. Nụ cười tới từ hạt giống hỷ lạc có sẵn trong chiều sâu tâm thức ta. Sự thực tập hơi thở và bước chân giúp cho hạt giống ấy nẩy mầm và hiến tặng nụ cười.

Châu báu

Thêm vào tiếng chuông và nụ cười, ta còn có tặng phẩm quý giá thứ ba: bước chân chánh niệm. Đó cũng là một tặng phẩm mà các thân hữu đã viếng thăm chúng ta đã tiếp nhận và không thể nào quên được. Có rất nhiều vị quyết tâm đem bước chân ấy về nơi cư trú của họ. Bệnh tật có thể bị lây, nỗi buồn có thể bị lây, thì niềm vui của bước chân an lạc cũng có thể bị lây! Hiện giờ có hàng triệu người trên thế giới đang có khả năng đi những bước chân thiền hành như thế, trong đó có những người rất bận rộn, một nhà doanh thương hay một dân biểu quốc hội. Mang được hơi thở nụ cười và bước chân về nhà thì sự sống của họ thay đổi. Vì vậy chúng ta phải cho các vị ấy một cơ hội. Khi đến với đạo tràng, các vị ấy được tiếp nhận tiếng chuông có phẩm chất, nụ cười có phẩm chất và bước chân có phẩm chất. Phẩm chất ấy cao hay thấp là tùy thuộc nơi sự thực tập niệm và định của chúng ta khi thỉnh chuông, nghe chuông, thở, mỉm cười và bước chân đi. Cũng vì vậy mà trước khi đi hoằng pháp ở Ý năm nay, Thầy đã viết thư cho các con về sự thực tập thiền hành. Chúng ta có thể đầu tư cả thân và tâm trong mỗi bước chân một trăm phần trăm, nhờ thế mỗi bước chân có thể đem lại thành quả “đã về đã tới” cũng một trăm phần trăm. Có quyết tâm là các con làm được. Tặng phẩm ấy, ta là người được thừa hưởng trước. Đó là an lạc, thảnh thơi và thương yêu. Và những người thân hữu đến với chúng ta chắc chắn là sẽ nhận được tặng phẩm ấy. Tặng phẩm này là châu bảo thứ thật, bởi vì nó đã được chúng ta gieo trồng, tưới tẩm và chăm sóc bằng công phu thực tâp hàng ngày. Đó là phẩm vật quý giá nhất của chúng ta để cúng dường lên Tổ tiên tâm linh và huyết thống, đó là tặng phẩm của chúng ta cho cuộc đời.

Năm 1996, Thầy đã gửi Thông bạch Tiếng Chuông và Bước Chân về cho các chùa thuộc Tổ đình và môn phái Từ Hiếu. Thầy nghĩ rằng tiếng chuông, nụ cười và bước chân chánh niệm có khả năng làm trang nghiêm (nghĩa là làm đẹp) cho mọi đạo tràng. Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ khi nào có nhiều rồng phượng, tôn tượng và bảo tháp nguy nga thì chùa mới đẹp. Có ba tặng phẩm tiếng chuông, nụ cười và bước chân thì chùa đã đẹp lắm rồi.

Mê Ngộ Cảnh

Các đạo tràng của chúng ta, Mai Thôn, Lộc Uyển, Bích Nham, Sen Búp, Mộc Lan, Cây Phong, Bát Nhã, vv… đều có khả năng hiến tặng những phẩm vật ấy cho đời. Có bao nhiêu quyền lực hoặc có bao nhiêu tiền cũng không mua được những phẩm vật ấy. Các siêu thị không cung cấp những phẩm vật ấy. Chỉ có thực tập như một Tăng thân mới gieo trồng, tưới tẩm và gặt hái được những phẩm vật ấy. Đó là những tặng phẩm chứ không bao giờ có thể là hóa phẩm.

Thầy mong các con của Thầy ai cũng đã nhận pháp thiếp 100% để thực tập. Đó là chiếc Mê Ngộ Cảnh mà vị đạo sĩ trao cho chàng dũng sĩ ngày chàng xuống núi, trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài.  Không sử dụng Mê Ngộ Cảnh, chàng dũng sĩ đã tự đánh mất lý tưởng và sự liêm khiết của mình. Mỗi lần thấy con bước đi thong dong, an lạc, Thầy thấy Bụt trong con, Thầy thấy thầy Mã Thắng trong con. Và Thầy cũng thấy Thầy trong con. Thầy rất hạnh phúc. Những bài thi kệ trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn như các bài Quay Về Nương Tựa, Đây Là Tịnh Độ, Đã Về Đã Tới, v.v.. đều có thể được sử dụng để đi thiền hành. Thầy cũng đã nhiều lần sử dụng bài Nương Tựa A Di Đà. Đi thiền hành, ta có thể đi cho cha, cho mẹ, cho anh, cho chị, cho Bụt, cho Thầy… Ta đi bằng chân của ta, nhưng ta cũng có thể đi bằng chân của cha, của mẹ… Lòng ta tràn ngập yêu thương khi ta đi như thế. Cha, Mẹ, Thầy, Bạn… trong ta cũng đang được thảnh thơi trong những bước chân của ta. Ta có thể đi nhịp 2/3, 3/5, 4/6, 5/8, v.v… Nhịp 2/3 là thở vào bước hai bước, thở ra bước ba bước. Ta có thể đếm bước chân. Hoặc ta sử dụng thiền ngữ như đã về/con đã về, đã tới/con đã tới. Đã về là hai bước, con đã về là ba bước. Trong nhịp 3/5 ta có thể thực tập đi cho mẹ/con đang đi cho mẹ. Đi cho mẹ là ba bước, con đang đi cho mẹ là năm bước. Bụt Pháp Tăng/con quay về nương tựa cũng là nhịp 3/5. Con hạnh phúc/ba ơi con hạnh phúc cũng là 3/5. Các con có thể chế tác nhiều thiền ngữ rất hay để đưa phẩm chất của bước chân lên cao.

Trời phương ngoại, trăng đầu non

Thầy viết thư này cũng để báo tin cho các con biết là bắt đầu từ Cây Sen Xanh, các vị xuất sĩ sẽ không mang tên Pháp Nghiêm nữa mà sẽ bắt đầu mang tên TrờiTrăng. Trời là mặt trời, trăng là mặt trăng. Trời cũng có thể là bầu trời hay khung trời. Con trai là mặt trời, con gái là mặt trăng. Thay vì sử dụng thuần túy chữ Hán Việt, ta sẽ tìm cách sử dụng chữ Việt càng nhiều càng tốt. Đây là một bước tiến nữa của chúng ta về hướng dân tộc hóa đạo Bụt, Việt Nam hóa đạo Bụt.

Các em TrờiTrăng cũng mang tên Chân ở phía trước để sau này mình vẫn biết rằng mình là huynh đệ của nhau. Ví dụ pháp tự Trời Phương Ngoại thì viết cho đủ là Chân Trời Phương Ngoại,Trăng Đầu Non thì viết cho đủ là Chân Trăng Đầu Non.  Các em sau này sẽ có những cái tên rất đẹp, và mình hãy mừng cho các em. Chúng ta sẽ có những sư chú như sư chú Chân Trời Phương Bối, Chân Trời Thân Hữu, Chân Trời Mây Bạc, Chân Trời Sáng Tỏ, Chân Trời Bình Minh, Chân Trời Thảnh Thơi, Chân Trời Tương Lai, Chân Trời Hiểu Biết, Chân Trời Thương Yêu, Chân Trời Viễn Mộng, Chân Trời Trong, Chân Trời Đầy Sao, v.v… Chúng ta sẽ có những sư cô như sư cô Chân Trăng Mười Sáu, Chân Trăng Rằm, Chân Trăng Thu, Chân Trăng Lá Lúa, Chân Trăng Đầu Núi, Chân Trăng Soi, Chân Trăng Chiếu, Chân Trăng Vằng Vặc, Chân Trăng Quê Hương, Chân Trăng Sáng Tỏ, v.v… Các con đừng ngại tên dài quá, vì ngày xưa hồi thời Bụt các thầy các sư cô cũng có nhiều vị có tên dài lắm như Ma Ha Ca Chiên Diên, Châu Lợi Bàn Đà Già hay Uppalavanna (Liên Hoa Sắc). Từ hai mươi năm nay Thầy đã đặt pháp danh bằng chữ Nôm như thế cho các đệ tử cư sĩ của Thầy như Tâm Ban Đầu, Tâm Thảnh Thơi, Tâm Thanh Thản. Năm nay mình sẽ áp dụng cho các vị xuất sĩ. Ban đầu thì nghe hơi lạ tai, nhưng dần dần càng nghe càng hay và có thể sẽ hay hơn cả những tên Hán Việt. Các con biết đó, có nhiều người đã nghĩ là thơ chữ Nôm không thể nào hay được như thơ chữ Hán. Cho đến khi Truyện Kiều của Tố Như ra đời, mình mới biết được khả năng và cái đẹp của tiếng Việt.

Suối Thương Yêu

Theo dòng kệ của pháp phái Liễu Quán, thì pháp danh của các con bắt đầu bằng chữ Tâm và đệ tử của các con mang pháp danh bắt đầu bằng chữ Nguyên. (Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong…) Nguyên là dòng suối. Vậy các con cũng có thể đặt pháp danh cho đệ tử của mình hoặc bằng chữ Nguyên hoặc bằng chữ Suối hay chữ Nguồn. Suối Cảm Hứng, Nguồn Cảm Hứng, Suối Thương Yêu, Nguồn Thương Yêu, Suối Thương, Nguồn Hiểu. Nhiều vị đệ tử của Thầy không phải là những người gốc Việt đã đặt pháp danh cho đệ tử của các vị ấy những pháp danh bắt đầu bằng chữ Source, cũng có nghĩa là Suối là Nguồn. Source of Inspiration là Nguồn Cảm Hứng. Các anh chị lớn của các con cũng đã đặt hàng ngàn pháp danh bắt đầu từ chữ Source cho các đệ tử của mình, bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, v.v… rồi. Con cháu của tổ Liễu Quán ở Tây Phương hiện giờ đông lắm, hàng triệu người. Các vị giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ trên thế giới cũng đã được phép truyền ba quy và năm giới từ hai mươi năm nay. Có nhiều tên rất hay. Và chắc là Sư tổ Liễu Quán đã mỉm cười rất hoan hỷ khi nghe những cái tên như Nguồn An Lạc Cho Thân Tâm (Source of Peace and Joy for Body and Mind). Và đó cũng là cảm hứng cho người có tâm thực tập!

Thầy đi Ý Đại Lợi về thì sau đó đã có khóa tu cho người Pháp tại Làng Mai từ ngày 9.04.2010 cho đến ngày 15.04.2010. Tất cả các buổi pháp thoại cho khóa tu này đều đã được nói ở thiền đường Hội Ngàn Sao của Xóm Hạ. Thiền sinh Pháp tham dự khóa tu này càng năm càng đông. Trời mùa xuân rất đẹp. Thầy đã giảng Tâm Kinh Bát Nhã cho khóa tu. Thiền sinh hạnh phúc lắm. Nhân dịp này, nhà xuất bản Sully cũng đã  ấn hành cuốn Cérémonies du Coeur, tức là Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn bằng tiếng Pháp. Như vậy là Tăng thân Pháp năm ngoái đã có Thiền Môn Nhật Tụng bằng tiếng Pháp năm nay lại có Nghi Thức Đại Toàn bằng tiếng Pháp nữa.

Chân cứng đá mềm

Khi Thầy viết những dòng này thì tại xóm Mới chùa Từ Nghiêm khóa tu Sức Khỏe cũng đang ở vào ngày cuối. Khóa tu này thiền sinh ăn rất ít nhưng vận động rất nhiều. Mỗi ngày đi bộ ba giờ đồng hồ, lại có chấp tác, tập khí công và thiền lạy. Khóa tu cũng được hướng dẫn bằng tiếng Pháp. Ăn ít như thế mà ai cũng hạnh phúc rất nhiều mới thật là lạ!

Năm nay Tăng thân phải đương đầu với nhiều thách thức mới nhưng tất cả các anh chị em không ai ngại ngùng, tất cả đều nhìn về phía trước và đi tới với một niềm vui. Viện Phật học Ứng dụng châu Âu sẽ tổ chức hai khóa tu lớn ngay tại cơ sở của Viện, một khóa cho người nói tiếng Đức và một khóa cho người nói tiếng Hòa Lan. Các thầy và các sư cô bên ấy yêu cầu Làng Mai gửi qua thêm ít nhất là 70 vị xuất sĩ để có đủ nhân sự tổ chức khóa tu. Thiền sinh Bắc Âu rất phấn khởi bởi vì Waldbroel thành phố nơi Viện Phật học châu Âu tọa lạc rất gần với các nước như Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, v.v.. trong khi Làng Mai thì ở tận miền Nam nước Pháp. Tại Hoa Kỳ mùa thu này, sẽ có hai khóa tu lớn được chính thức hóa thành khóa tu hàng năm, dù có mặt Thầy hay không có mặt Thầy, đó là khóa ở Estes Park tiểu bang Colorado và khóa Bích Nham tiểu bang New York.  Các thầy và các sư cô ở Lộc Uyển và Bích Nham thế nào cũng cầu viện đến các vị xuất sĩ ở Làng Mai, bởi vì các khóa tu ấy là những khóa tu khá lớn. Trong khi đó thì Tăng thân ở Đông Nam Á đang tổ chức những khóa tu mùa Thu cho Thầy tại các nước như Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai Á, Tân Gia Ba và Indonesia. Nhật Bản, Đại Hàn và Đài Loan thì phải chờ đến sang năm. Thầy về tới Đông Nam Á giảng dạy mà không ghé Việt Nam hướng dẫn cho đồng bào tu tập và thăm viếng các con của Thầy thì cũng thấy thiêu thiếu làm sao ấy, nhưng tình thế là như vậy, biết làm sao hơn. Thầy trò chúng ta phải biết chờ đợi. Đó là sự thực tập nhẫn Ba la mật. Thầy cầu nguyện cho tất cả các con ai cũng được chân cứng đá mềm.

Thầy của các con

Nhất Hạnh

Gởi những nạn nhân động đất tại Nhật

 

Làng Mai 13/03/2011

Thưa các bạn ở Nhật Bản,

Càng nhìn con số người thiệt mạng trong thảm trạng này, chúng tôi càng thấy rõ ràng và mãnh liệt hơn là chúng tôi cũng đang cùng chết với các bạn .

Niềm đau của một phần nhân loại cũng là niềm đau của toàn thể nhân loại. Nhân loại và quả địa cầu này cũng cùng là một hình hài. Những gì xảy ra cho một phần của hình hài này là đang xảy ra cho tất cả hình hài.

Biến cố vừa xảy ra cho các bạn đã nhắc nhở cho chúng tôi bản chất vô thường về sự sống  của chúng ta. Nó nhắc ta nhớ rằng điều quan trọng nhất là ta phải thương nhau, có mặt cho nhau và trân quý từng phút giây mà ta đang còn sống. Đó là cách hay nhất mà ta có thể làm cho những người đã chết: chúng ta có thể sống như thế nào mà họ có thể cảm nhận rằng họ được tiếp tục sống và sống đẹp hơn, ý thức hơn, sâu sắc hơn, trong mỗi chúng ta, nếm từng phút từng giây mà ta còn đang sống, sống cho họ.

Tại đây,  tại các trung tâm của chúng tôi ở Pháp và nhiều nước trên thế giới, tất cả các anh chị em chúng tôi sẽ tiếp tục tụng kinh cho quý vị, gửi đến quý vị năng lượng bình an, năng lượng trị liệu và năng lượng che chở. Chúng tôi đang cầu nguyện cho quý vị bằng trái tim, bằng hơi thở và bằng những hành động hằng ngày với nhiều từ bi và hiểu biết và đối xử tử tế với nhau hơn. Cám ơn quý vị đã nhắc nhở chúng tôi bài học này.

Thiền sư Thich Nhất Hạnh

Các bạn là ngọn lửa trên đầu cây nến

Tưởng niệm và quán chiếu
Các bạn là ngọn lửa trên đầu cây nến

Đã ba tháng trôi qua từ ngày tai họa hải chấn xảy ra tại miền Duyên Hải Đông Bắc Nhật Bản. Chúng ta hãy trở về với hơi thở, thở cho có chánh niệm để có thể có mặt với những ai đã và đang là nạn nhân trực tiếp của tai họa lớn lao ấy.

Chúng ta hãy nói với những vị ấy, những người anh em ấy, những người còn sống sót sau trận hải chấn ấy rằng chúng ta đang cùng khổ đau với họ và chúng ta rất cần đến đức kiên nhẫn và khả năng chịu đựng của họ để chúng ta có thể nuôi dưỡng được niềm hy vọng của chúng ta về tương lai. Nhớ lại trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tôi thấy tôi đã từng đi qua những giây phút gần như tuyệt vọng. Làng Trà Lộc, một làng ở sát vùng phi quân sự phân chia đất nước ra thành hai phần Nam Bắc, đã được các tác viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tái thiết sau khi bị bom đạn Hoa Kỳ tàn phá, vì lý do làng ấy đã bị phía bên kháng chiến tạm chiếm. Các tác viên xã hội trẻ của chúng tôi, xuất sĩ cũng như cư sĩ, đã làm công việc tái thiết ấy để rồi làng Trà Lộc lại bị dội bom tan nát một lần thứ hai. Các vị đánh điện và hỏi tôi: Có nên tái thiết làng Trà Lộc nữa không? Tôi trả lời: chúng ta phải tái thiết chứ. Và cứ như thế sự việc đã xảy ra: làng Trà Lộc bị dội bom tan nát năm lần, và năm lần chúng tôi đã kiên nhẫn tái thiết. Chúng tôi bắt buộc phải làm như thế, bởi vì nếu chúng tôi chịu thua thì niềm tuyệt vọng sẽ trào lên và tràn ngập tất cả. Những người trẻ thường tìm tới với tôi và hỏi: “ Thầy ơi, Thầy có nghĩ là chiến tranh này sẽ có ngày chấm dứt hay không?” Hồi đó chúng tôi không hề thấy có một dấu hiệu nào chứng tỏ được rằng cuộc chiến sẽ có cơ chấm dứt. Nhưng vì không muốn cho niềm tuyệt vọng dâng trào nên tôi đã nói: “Này các em, Bụt dạy rằng tất cả đều vô thường. Chiến tranh cũng vô thường. Vì vậy chiến tranh không thể kéo dài mãi được. Có lúc nó sẽ phải chấm dứt. Chúng ta phải tin lời Bụt dạy.”

Các bạn ơi, anh chị em của chúng tôi bên ấy ơi, xin đừng đánh mất niềm hy vọng. Chúng tôi biết rằng các bạn đang cố gắng hết sức của các bạn, không phải chỉ vì bản thân của các bạn, mà còn vì con cháu của các bạn, dân tộc của các bạn và cả chúng tôi nữa. Chúng tôi cũng cần có niềm hy vọng để tiếp tục. Sự can trường và tình yêu thương của các bạn sẽ giúp chúng tôi giữ gìn tính nguời nơi chúng tôi và niềm hy vọng nơi chúng tôi. Tình trạng của các bạn đúng là rất khó khăn. Nhưng cả thế giới đều đang có mặt cho các bạn. Chúng tôi đang có mặt cho các bạn. Bởi vì tất cả chúng ta đều là nạn nhân của trận hải chấn, không chừa sót một ai.

Các bạn là ngọn lửa ở đầu nến. Nóng lắm, chúng tôi biết. Nhưng cái nóng ấy giúp cho tất cả chúng ta nhớ rằng hành tinh chúng ta, đất Mẹ, đang cần chúng ta cứu giúp. Ngọn lửa của các bạn đang soi sáng cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cần ánh sáng ấy để đừng đi vào bóng tối của sự quên lãng. Các bạn đều là con của Bụt, con của Chúa. Xin các bạn hãy để cho năng lượng của từ bi và của  đại hùng, đại lực hướng dẫn cho các bạn. Chúng tôi rất cần các bạn. Và chúng tôi đang tìm mọi cách để có thể có mặt cho các bạn.

Xin tất cả huynh đệ khắp nơi trở về với hơi thở ý thức để biết được những gì đang thực sự xảy ra và để cố gắng làm sao cho tính người (humaneness) trong ta không bị tiêu diệt, để cho chúng ta mãi mãi còn được làm người.

Thích Nhất Hạnh

PS: Trước khi viết nên những lời quán chiếu này, Thầy đã được nghe báo cáo là có những nạn nhân của cuộc hải chấn đã tuyệt vọng đến mức muốn tự tử. Khi thấy mình không đủ sức đương đầu với những khó khăn của sự sống, khi cảm thấy bất lực, không lo nổi cho vợ con và những người thân thuộc thì máu Samurai trong huyết quản họ sôi lên, xúi họ tự tử. Họ nghĩ thà chết đi chứ không thể chịu được cái nhục làm đấng nam nhi mà không lo nổi cho vợ con.

 

 

100th day after the Tsunami
You are the Flame at the Tip of the Candle: Meditation for the victims  in Japan

It was exactly 3 months ago that the tsunami hit the Northeastern coast of Japan. Let us breathe mindfully, come back to ourselves and be with the direct victims of that gigantic catastrophe.

Let us tell our friends there, those who survived the catastrophe, that we are with them, we suffer with them, and we need their courage and their perseverance to maintain our hope. During the war in Vietnam, I myself underwent many moments close to despair. The village of Tra Loc, near the demilitarized zone separating North and South Vietnam, was rebuilt by our Buddhist social workers after it had been destroyed by the American bombing, just because it had been temporarily occupied by the other side of the war. Our young monastic and lay workers rebuilt it, only to see it destroyed a second time. “Shall we rebuild it again?” our workers there asked. “Yes, we have to rebuild it,” I answered. The village of Tra Loc was destroyed five times, and we rebuilt it five times. We had to, because otherwise we could have allowed despair to overtake us. The young people came to me and asked, “Thay, do you think that the war will end someday?” We did not see any sign telling us that the war was ending. We could not yet see the end of the tunnel. But in order to protect us from despair, I said, “Dear ones, the Buddha said everything is impermanent. The war is also impermanent. It cannot last forever. It will end someday. So let us trust in the Buddha.”

Dear brothers and sisters, please do not lose hope. We are aware that you are doing your best. Not only for you, but for your children, for your people, and also for us. We also need hope. Your courage and your compassion will help us retain our humanity and our hope. The situation is really difficult. But the world is with you. We are with you. The tsunami hit us all.

You are the flame at the tip of the candle. It is hot. That heat reminds us all that mother Earth is calling for help.  And you shine the light for all of us. We need the light in order not to be drawn into the realm of darkness and forgetfulness. You are children of the Buddha, children of God. Please allow your compassion and courage to be your guide. We need you. And we try to be present for you in every way we can.

Dear brothers and sisters everywhere, please come back to your breath. Let us breathe mindfully to be aware of what is going on, and try our best to preserve our humanness.

Thich Nhat Hanh

 

 

 

東日本大震災から100日を経て

日本の東北地方が津波に襲われてからちょうど3ヶ月経ちました。呼吸に精神を集中して、自分に立ち返り、あの大震災の直接の被害を受けた方々と心をひとつにしましょう。

震災を生き延びた被災者の方々に対し、「私たちは皆さんを応援しています。苦しみを共にしています。私たち自身が希望を失わないためにも、皆さんの勇気と忍耐が必要なのです。」と伝えましょう。ベトナム戦争の時、私も絶望ぎりぎりの状況を何度もくぐらざるを得ませんでした。南北ベトナムを分けていた非武装地帯(DMZ)に程近いチャー・ロック村は、戦争の相手方に一時占領されていたというだけの理由で、米軍の爆撃を受け破壊されましたが、我々の仲間である若い出家と在家の仏教ソーシャルワーカーたちにより再建されました。ところが、再建されたそばから、村は二度目の爆撃を受け、再び破壊されてしまいました。「また村を建て直すべきなのでしょうか?」と、若者たちは私に尋ねました。「その通り。また建て直さなければ。」と私は答えました。チャー・ロック村は結局五回破壊されそのつど我々は建て直しました。絶望に打ちのめされてしまわないためには、そうすることが必要でした。若者たちは私にこう尋ねました。「タイ(先生)、戦争はいつか終わると思いますか?」 戦争が終わるきざしは、全くありませんでした。トンネルの先に明かりは見えませんでした。でも我々自身を絶望から守るため、私はこう答えました。「皆さん、永遠に変わらないものは何もない(無常)、とお釈迦様はおっしゃいました。戦争も同様(無常)です。永遠に続くことはあり得ません。いつの日か終わります。お釈迦様を信じましょう。」

被災者の皆さん、希望を失わないで下さい。皆さんが精一杯生きていることを私たちは知っています。自分自身のためだけでなく、皆さんの子供たちのため、国民のため、そして私たちのためにも。希望を必要としているのは、私たちも同様です。皆さんの勇気と思いやりが、人間性と希望を我々が保ち続ける助けになるのです。皆さんは、とてもつらい状況におられると思います。しかし世界中が皆さんのそばにいます。私たちも皆さんのそばにいます。津波は我々みなを襲いました。

皆さんは、ろうそくの炎です。熱い炎。そしてその熱は、母なる地球が我々に助けを求めていることを気づかせてくれます。その光は、我々すべてのために、皆さんが輝かせてくれているのです。我々は、暗闇と迷いの境地に引きずり込まれないため、その光を必要としています。皆さんは仏の子です。神の子です。皆さんの慈悲と勇気で皆さん自身を導いてください。我々は皆さんを必要としています。そして我々もあらゆるやり方で皆さんのために在るよう努力します。

世界中のみなさん、自分の呼吸に立ち返りましょう。呼吸に精神を集中して、今何が起きているのかに気づきましょう。そして人間らしく生きていくことに最善を尽くしましょう。

ティック•ニャットハン(釈一行)

Nhà khoa học nắm tay nhà phật học


Trong đạo Bụt có hai loại sự thật, đó là thế tục đế (samvrti-satya) và thắng nghĩa đế (paramàrtha satya). Trong khuôn khổ của
thế tục đế, người Phật tử nói tới cái có và cái không, cái sinh và cái tử, cái tới và cái đi, cái chủ thể và cái đối tượng, cái một và cái nhiều,… và giáo lý cũng như những phương pháp hành trì đưa ra có khả năng làm lắng dịu khổ đau và tăng trưởng hạnh phúc. Nhưng trong khuôn khổ của thắng nghĩa đế, thì giáo lý vượt thoát mọi ý niệm như có và không , sinh và tử, tới và đi, năng và sở, một và nhiều…và sự thực tập dựa trên tuệ giác trung đạo ấy giúp hành giả vượt thoát mọi kỳ thị, sợ hãi, cố chấp và tiếp xúc với Niết Bàn tức là thực tại chân thực và mầu nhiệm của vạn hữu. Trong đạo Bụt, hai sự thật này đi đôi với nhau không hề có kình chống và người Phật tử có thể sử dụng cả hai loại sự thực một cách thoải mái mà không hề bị kẹt vào sự cố chấp.

Khoa học cổ điển đại diện bởi những phát kiến của Newton được dựng trong khuôn khổ phản chiếu kinh nghiệm thường nhật, trong đó các vật thể tồn tại riêng biệt, ngoài nhau trong không gian và thời gian. Cơ học lượng tử bây giờ đã dựng lên một khuôn khổ mới để tìm hiểu thiên nhiên trong lĩnh vực cực tiểu và những cái thấy của nền khoa học này khác xa với cái thấy của khoa học cổ điển. Bởi vì trong khuôn khổ của vật lý lượng tử, hư không (empty space) không còn là một thực tại riêng biệt nữa, và vị trí cùng tốc độ của một cực vi không thể nào còn có thể được xác quyết cùng một lần. Các lượng tử, các cực vi cứ có rồi không, không rồi có, không thật sự hiện hữu, mà chỉ có “ khuynh hướng hiện hữu”.

Khoa học cổ điển có vẻ như đại diện cho thế tục đế, và khoa học lượng tử đại diện cho thắng nghĩa đế, và đang nỗ lực buông bỏ từ từ những khái niệm như có và không, trong và ngoài, trước và sau, năng và sở, một và tất cả,… và các nhà khoa học đang tìm cách phát hiện liên hệ giữa hai loại sự thực mà hai loại khoa học đang diện, bởi vì những phát kiến của cả hai loại khoa học đều có thể được kiểm chứng và ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Những gì các nhà khoa học tìm ra cần phải được đem ra thử nghiệm nhiều lần và nhiều cách trước khi được cộng đồng các nhà Khoa học chấp nhận. Đức Thế Tôn trong kinh Kalama cũng đã căn dặn các chàng thanh niên trong bộ tộc Kalama rằng bất cứ một giáo nghĩa hay một chủ trương do bất cứ một vị đạo sư nào đưa ra cũng cần phải đem ra thử nghiệm áp dụng bằng kinh nghiệm sống của mình trước khi mình công nhận đó là sự thật. Tuệ giác hay nói khác hơn là chánh kiến, luôn luôn có khả năng giải phóng và đem lại an bình, hạnh phúc. Những khám phá đích thực của khoa học cũng là tuệ giác, cũng là chánh kiến; không những chúng có thể áp dụng trong công nghệ mà cũng có thể được áp dụng trong đời sống hằng ngày để nâng cao phẩm chất và hạnh phúc của cuộc đời, và của chính các nhà khoa học. Nhà khoa học cũng như nhà Phật học có thể chia sẻ với nhau cách học hỏi, làm việc và khám phá để cả hai bên có thể thừa hưởng đươc kinh nghiệm của nhau.

Thực tập chánh niệm và chánh định luôn luôn đem tới tuệ giác, những cái thấy sâu sắc về thực tại. Công phu chế tác năng lượng niệm và tuệ giúp cho cả hai bên Khoa học và Phật học. Những tuệ giác mà các bậc Như Lai và BồTát đã phát kiến có thể trở thành một nguồn cảm hứng và yểm trợ cho cả nhà Phật học lẫn nhà Khoa học. Và những thử nghiệm của Khoa học có thể giúp cho nhà Phật học hiểu được và chấp nhận được mau chóng và dễ dàng hơn những gì mà các bậc Tổ sư đắc đạo đã trao truyền. Chúng tôi tin tưởng rằng trong thế kỷ 21 này Khoa học và Phật học có thể nắm tay nhau cùng đi để đem lại cho nhân loại nhiều cởi mở hơn, nhiều thảnh thơi hơn, nhiều hòa điệu hơn và giúp cho xã hội vượt thắng hận thù, kỳ thị, sợ hãi và tuyệt vọng một cách dễ dàng hơn.

Trong khung cảnh tuyệt vời của các xóm Làng Mai với Thiền Sư Nhất Hạnh và tứ chúng Làng Mai, từ ngày 1 đến ngày 21 tháng 6 năm 2012, các nhà Khoa học và Phật học, và các bạn của họ sẽ vân tập về để cùng thực tập thiền hành, thiền tọa và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Sự thực tập chánh niệm và chánh định sẽ nâng cao phẩm chất nghiên cứu và khám phá của các nhà Khoa học cũng như của các nhà Phật học.

Đạo Bụt có thể được xem như là một nguồn cảm hứng, có thể đưa ra những đề nghị về phương hướng tìm tòi và khám phá. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức làm thế nào để những khám phá khoa học không những chỉ có thể được áp dụng trong công nghiệp, đem thêm tiện nghi vật chất cho đời sống hằng ngày mà còn có khả năng giúp con người chuyển hóa khổ đau trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Khóa tu 21 ngày này sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui của tình huynh đệ trong cả hai truyền thống Phật học và Khoa học, bởi vì chúng ta biết rằng một nhà khoa học chân chính cũng như một nhà Phật học chân chính có thể cống hiến rất nhiều cho an bình và hạnh phúc nhân loại bằng sự có mặt và bằng công phu khảo sát và tu tập của mình.

—Thầy Làng Mai

 

Tâm sự với một nhà khoa học trẻ tuổi Nhà khoa học nắm tay nhà đạo học >>

Hộ niệm Sư thầy Đàm Nguyện

Hộ niệm cho Sư Thầy Đàm Nguyện

Tu viện Bích Nham 5-10-2011
Thương gởi Tứ chúng của môn phái Từ Hiếu và Mai Thôn đạo tràng trong nước và ngoài nước,

Sư Thầy Đàm Nguyện pháp hiệu Chân Hương Lâm, tọa chủ đạo tràng Đình Quán ở Hà Nội là một trong những vị đệ tử giỏi nhất của Thầy. Sư Thầy là một bậc cao đức xuất thân từ môn phái Từ Hiếu, có niềm tin kim cương bất hoại nơi pháp môn tu tập của đạo tràng Mai Thôn, trong mấy mươi năm qua đã thực tập rất vững chãi, tạo an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho biết bao nhiêu người khác, và đã đánh bại được mọi thứ giặc phiền não và cả những bệnh nan y. Sư Thầy đúng là một khu rừng thơm của tứ chúng và của thế gian. Đời của Sư Thầy là chứng tích của một sự thành công của nếp sống xuất gia. Sư Thầy thật xứng đáng là một bậc xuất trần thượng sĩ đáng làm mẫu mực cho những ai muốn đem tất cả cuộc đời của mình để phụng sự chánh pháp và phục vụ con người.

Tôi được báo tin là Sư Thầy mới được chở vào bệnh viện điều trị. Xin đại chúng nhất tâm hộ niệm cho Sư Thầy để Sư Thầy có thể có mặt lâu dài làm nơi nương nương tựa cho tứ chúng đệ tử chủa Sư Thầy và tất cả chúng ta.

Xin cảm tạ đại chúng.

Nhất Hạnh
giữa khóa tu Bước Tới Thảnh Thơi
tại tu viện Bích Nham, Nữu Ước, Hoa Kỳ

 


Đứng vững trên hai chân

Tuổi ba mươi đứng vững trên hai chân _Ngày ba mươi tuổi_Standing on our two feet

Ngày 9 -12 -2011, Thất Ngồi Yên, Xóm Thượng,  Làng Mai.
Thân gửi các con của Thầy gần xa, khắp nơi,

Khu rừng xa xa phía trước mặt thất Ngồi Yên, lá mới chỉ rụng chưa tới 50% nên còn đẹp lắm, và cảnh tượng mùa thu vẫn còn. Sắp đến Giáng Sinh rồi mà trời chưa thấy lạnh. Năm 2011 cũng gần hết, Thầy có ý muốn viết thư cho các con của Thầy.

Mấy hôm nay các xóm ở Làng Mai rộn rịp chuẩn bị để ăn mừng Làng Mai 30 tuổi. Mười năm về trước khi ăn mừng Làng Mai 20 tuổi, Thầy trò mình đã dùng câu “ngày em hai mươi tuổi” (le jour de mes vingt ans), nhưng bây giờ thì mình đâu có thể viết “ngày em ba mươi tuổi” được, tại vì ba mươi tuổi thì lớn rồi, đâu còn nhõng nhẽo xưng “em” được nữa. Xưng anh hay xưng chị cũng không ổn, vì mình đâu dám xưng anh hay xưng chị với ai. Đức Khổng Tử ngày xưa nói:”ba mươi tuổi là tôi lập thân” được rồi, là tôi đứng vững trên hai chân của tôi rồi (tam thập nhi lập). Vậy mình có thể bắt chước Ngài để nói “Ngày đứng vững trên hai chân” được không?. Sư anh Pháp Dung đề nghị “solid on our two feet”. Sư anh lại còn đề nghị “The foundation is laid” nghĩa là đã đặt nền tảng xong rồi. Cũng có nghĩa là mình đã có thể bắt đầu xây dựng. Nhưng xây dựng cái gì? Ngày xưa Thầy đã viết: Công trình xây dựng ngàn đời, nhưng công trình, em ơi, đã được ngàn đời hoàn tất. Như vậy là khỏi xây dựng gì hết, phải không các con. Có thể là chỉ cần xây dựng tình huynh đệ. Nhưng tình huynh đệ mình đã có rồi. Nếu không tại sao mình đi qua được những khúc đường khó khăn như khúc đường Bát Nhã. Nhưng tình huynh đệ cũng cùng một chất liệu với bốn vô lượng tâm, xây dựng thế nào cho đủ. Chính Bụt và các vị bồ tát đại nhân mà cũng đang còn tiếp tục nuôi dưỡng và nuôi lớn tình huynh đệ mà. Vậy thì có lẽ để ăn mừng Làng Mai 30 tuổi, tất cả chúng ta đều cần phát nguyện xây dựng, và bồi đắp tình huynh đệ. Thứ tình này càng lớn thì hạnh phúc càng tăng. Có hạnh phúc nhiều thì ta hiến tặng được nhiều. Trồng rau, quét dọn, nấu cơm, rửa bát, xây cư xá, tổ chức khoá tu, dọn dẹp thiền đường, chùi cầu tiêu, chơi thể thao… tất cả là để nuôi dưỡng và làm lớn tình huynh đệ. Làm không phải để làm cho xong mà là để nuôi dưỡng tình huynh đệ. Ngồi thiền hay đi thiền cũng là để nuôi dưỡng tình huynh đệ. Chiều hôm thứ năm vừa rồi (8-12-2011), tại xóm Hạ các huynh đệ đã tập hợp thành nhiều nhóm để tổ chức ăn mừng Ba Mươi Tuổi Làng Mai. Nhóm thì chuyên cập nhật hóa từ điển Làng Mai, nhóm thì chuyên tổ chức nhạc hội, nhóm thì tổ chức biên tập lá thư Làng Mai đặc biệt,… có thể hàng chục nhóm như thế. Các con của Thầy khắp nơi chắc đã được mời tham dự vào các nhóm ấy. Khoá tu 21 ngày năm 2012 vào tháng sáu dương lịch cũng là một hình thức ăn mừng Ba Mươi Tuổi. Như các con đã biết đấy, khóa tu này có chủ đề là nhà Khoa học nắm tay nhà Phật học, (The sciences of the Buddha). Có những nhà vừa là nhà khoa học vừa là thiền sinh sẽ có mặt tại khóa tu, chắc là vui lắm.

Cùng với thư này, Thầy cũng gửi cho các con một bài Thầy mới viết có tựa đề là Lời cầu nguyện hướng về đất Mẹ. Đất Mẹ là một vị Bồ Tát lớn, đã từng sinh ra nhiều vị Bụt và Bồ Tát, cho nên ta phải về tâm sự với Người. Đất Mẹ có tên là Bồ Tát Thanh Lương Địa hoặc Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa, một vị Bồ Tát tươi mát, và xinh đẹp vào bậc nhất. Và tất cả chúng ta, kể cả Bụt Thích Ca Văn, đều là con của Mẹ.

Đọc Lời cầu nguyện hướng về đất Mẹ các con sẽ thấy rõ hơn sứ mạng của Tăng Thân mình. Sứ mạng của Tăng thân mình là hiến tặng cho đời một đạo Bụt dấn thân, nhập thế, hữu hiệu. Trong ấy giáo pháp cũng như sự hành trì được dựa lên kinh nghiệm, lên sự kiểm chứng và có thể đem tới kết quả ngay trong kiếp này, ngay trong hiện tại, một đạo Bụt không cần dựa vào một đức tin, một đạo Bụt không có giáo điều, một đạo Bụt trong đó ta chỉ học hỏi và thực tập những gì có thể kiểm chứng. Một đạo Bụt loại bỏ được tất cả mọi hoang đường. Ví dụ nói tới Tịnh Độ, thì ta tiếp xúc được với Tịnh Độ và những mầu nhiệm của nó ngay bây giờ và ở đây, chứ không trông tưởng vào một cõi nước xa xăm nào đó trong tương lai. Ví dụ nói tới linh chú, thì ta chỉ thực tập những câu linh chú có hiệu nghiệm lập tức mà bản thân ta và những người khác đều có thể thấy được. Tình thương, tuệ giác, tỉnh ngộ, tình huynh đệ, lòng bao dung, tự tính vô ngã, niết bàn,… đều là những gì có thật và ta có thể tiếp xúc ngay trong giờ phút hiện tại với thân ta và tâm ta. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói, mỗi tư duy đúng theo chánh pháp, mỗi thời thiền toạ, mỗi thời thiền hành đều có công năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa có thể nhận diện được. Đạo Bụt này là một đạo Bụt có thể đi đôi với khoa học và hướng dẫn được cho cả khoa học bằng tuệ giác vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành. Các con nhớ theo dõi những bài pháp thoại của khóa tu mùa Đông này cho tinh chuyên, và tìm cách học hỏi thêm về các chủ đề đã đề ra trong khóa tu, để tháng sáu năm 2012 mình sẵn sàng đi vào khoá tu 21 ngày.

Đức Phật A Di Đà của chúng ta ngày nay là Mặt Trời, là Thái Dương, là đức Đại Nhật Như Lai, có hào quang vô lượng và thọ mạng vô lượng, có mặt đó cho chúng ta trong từng giây phút, trong hệ Thái dương, trên địa cầu xinh đẹp và trong tất cả chúng ta. Đó là một thực tại đang có mặt trong giây phút hiện tại, chúng ta có thể tiếp xúc bằng chánh niệm và chánh kiến ngay bây giờ và ở đây. Đó là đức Từ Phụ, cho ta sự sống và ánh sáng mỗi ngày, chúng ta không cần đi tìm Ngài ở Phương Tây, dù trên hình thức ngày nào vầng thái dương rực rỡ cũng đi về hướng Tây.

Đại Nhật Như Lai, cũng như Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa, đều là những thực tại nhiệm mầu đang có thật. Cũng như Bụt Thích Ca, cũng như cha mẹ và Thầy của chúng ta, hai vị Bồ Tát Ma Ha Tát ấy đang được nhận diện trên bình diện tích môn, có trên có dưới, có trước có sau, có có có không, có sinh có diệt. Nhưng các vị ấy, và cả chúng ta nữa, đều có tính bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô của bản môn, và tất cả đều có khả-năng-tính trở về bản môn bất cứ lúc nào nếu muốn, để rong chơi, và vượt thoát những ý niệm có không và còn mất.

Xây dựng đuợc tình huynh đệ, làm lớn bốn vô lượng tâm, ta làm cho Tăng thân ta trở thành một Tăng thân có thực chất, một chân Tăng. Ở đâu mà có chân Tăng là ở đấy có chân Phật. Được làm một tế bào trong cơ  thể của Tăng thân là đồng thời được làm một tế bào trong cơ thể của Phật thân.

Chúng ta còn trẻ trung, chúng ta mới Ba Mươi Tuổi, nhưng chúng ta đã trưởng thành, đã có thể đứng vững được trên hai chân mình. Thầy có đức tin là chúng ta sẽ đi được thật xa. Năm 2012 đang tới với nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Thầy ôm tất cả các con vào lòng.

Thầy,
Nhất Hạnh

 

Giữ bếp lửa hồng ở quê hương

Làng Mai ngày 18.07.2012
Thương gửi các con của Thầy ở Từ Hiếu và Diệu Trạm

Thầy được tin là năng lượng tu tập ở Chùa Tổ trong mùa an cư này rất hùng hậu, thầy rất mừng. Chùa Tổ giống như một bếp lửa hồng sưởi ấm cho cả trong nước và ngoài nước. Không phải chỉ những người Phật tử tại gia tới tham dự ngày Quán niệm ở Tổ Đình được hưởng năng lượng ấy mà các giới Phật tử xuất gia và tại gia trong nước và ngoài nước cũng đang được thừa hưởng và nuôi dưỡng bởi năng lượng ấy. Chư tổ rất hoan hỷ thấy chúng ta đang xây dựng được tăng thân, làm lớn được tình huynh đệ và hiến tặng được niềm tin cho đời.

Bên Mai Thôn khóa tu mùa Hạ đã đi qua tuần thứ hai và sắp bước qua tuần thứ ba. Năng lượng tu tập cũng rất hùng hậu. Năm nay thiền sinh và thiếu nhi Pháp đông lắm. Tuần thứ ba và tuần thứ tư sẽ đông thiền sinh nhất và suốt trong bốn tuần của khóa tu đều có những sinh hoạt Mừng Làng Mai 30 tuổi. Ngày thứ tư tại Chùa Sơn Hạ thường có hòa nhạc tây phương, múa lân, triển lãm thư pháp và ăn cơm pique nique (ngoài trời). Thiên hạ hạnh phúc quá chừng.

Những buổi thiền hành quả là thực là những buổi công phu “đi vào Tịnh độ”. Đồi nương và rừng suối xanh rờn, tươi mát, đại chúng đi thiền hành như đang rong chơi  trong Tịnh độ. Trẻ em có khả năng ngồi thiền im lặng tám phút trước giờ hát thiền ca và pháp thoại. Trẻ em có khả năng đi im lặng trong suốt các buổi thiền hành. Không ai bảo ai mà mọi người đều thấy được Tịnh độ hoặc Thiên quốc hiện tiền.

Thiền sinh đến từ cả trên năm mươi quốc gia; mọi người rât thích ngồi thiền, đi thiền và ăn cơm chánh niệm. Họ cũng phụ giúp việc dọn dẹp, chùi rửa những cái nồi to, xắt gọt và nấu nướng, tuy nhiều người trong số họ không quen làm việc ấy khi ở nhà. Giờ chấp tác được gọi là “household delight” nghĩa là niềm hoan lạc được chấp tác để đem niềm vui cho đại chúng. Cả những ông lớn và bà lớn trong xã hội đều sẵn sàng xăn tay áo để chấp tác. Được đi công khóa là một niềm vui. Thầy cũng thực tập trong tinh thần ấy, ngồi thiền, đi thiền và hướng dẫn tu học không phải là bổn phận hoặc công việc phải làm mà là một niềm vui. Mỗi giây phút ngồi thiền và đi thiền đều có khả năng chế tác niềm vui và hạnh phúc. Năng lượng tập thể của chánh niệm, của niềm vui và của tình huynh đệ có khả năng nưôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng cả đại chúng.

Các con dù pháp hiệu Pháp hay Nghiêm hay Trời hay Trăng, Từ hay Mãn hoặc Trà Thơm, dù đệ tử của thầy hay đệ tử của Sư Thúc hoặc của các vị tôn túc khác, một khi đã đến với nhau để tu tập và phục vụ, đều trở thành anh chị em trong một nhà. Tất cả đều là con của thầy. Tu tập và độ đời có hạnh phúc, các con nuôi dưỡng thầy rất nhiều. Mỗi khi có niềm vui lớn hay có khó khăn gì thì xin nhớ viết thư cho thầy. Thầy luôn có thì giờ đọc thư từng đứa con của thầy và lắng nghe các con. Trong quá trình xây dựng tăng thân và tổ chức tu học, chúng ta học hỏi được rất nhiều và càng ngày chúng ta càng có thể thực tập hay hơn và hướng dẫn tu tập hay hơn.

Làm mới đạo Bụt trong nước và hiến dâng sự thực tập này cho thế giới, công phu mang lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc. Thầy thấy rất ấm lòng mỗi khi nhớ tới chùa gốc, biết là các con đang giữ bếp lửa hồng ở quê hương để nuôi dưỡng tăng thân khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy thực tập nắm tay nhau đi như một dòng sông và cùng hướng về và xây dựng một tương lai chung. Đừng bao giờ xé lẻ,. Chúng ta nên nói lời nguyện ước của chúng ta với nhau như thế.

Thầy của các con,

Nhất Hạnh

Thư Thầy

Tay thầy trong tay conTrong kinh Lăng Nghiêm, ở chương Đại Thế Chí Niệm Phật, ta được học rằng trong khi mẹ nhớ con và đi tìm con, nếu con cũng nhớ mẹ và đi tìm mẹ thì thế nào mẹ và con cũng tìm được nhau và hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau. Điều này cũng đúng với liên hệ thầy và đệ tử: nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau. Thầy tìm được con thì thầy nắm tay con để đi trên con đường thực tập, con trở thành thầy và thầy có trong con. Và như thế trong tay con đã có tay thầy.

Bài kệ xưng tán Pháp Hoa như sau:

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Tiếng xao động tinh hà
Địa cầu vừa tỉnh giấc
Lòng đất bỗng đơm hoa

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo tháp hiện chói lòa
Khắp trời Bồ tát hiện
Tay Bụt trong tay ta

Tay Bụt trong tay ta có nghĩa là ta được nắm tay Bụt mà đi. Cũng có nghĩa là trong tay ta đã có tay Bụt. Bụt và ta không còn là hai thực tại riêng biệt. Ta và Bụt bất nhị. Lúc ấy thì hạnh phúc ta rất lớn.

Những lá thư thầy viết cho con là để trao truyền cho con. Trao truyền cái gì? Không phải một mớ kiến thức, một mớ giáo lý. Thầy trao truyền cho con chính bản thân của thầy. Và nếu con biết cách tiếp nhận thì thầy trở thành con và con trở thành thầy. Đó là nguyên lý Tam Luân Không Tịch: người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận không phải là ba cái riêng biệt, mà chỉ là một cái.

Đọc những lá thư thầy viết, ta thấy được ta, và ta thấy ta trong thầy và thầy trong ta. Liên hệ thầy trò trở nên bất diệt nhờ ta có được cái thấy Tam Luân Không Tịch. Nhờ thầy mà ta tiếp cận được với Bụt và Tổ, nhờ ta mà thầy có thể đem Bụt và Tổ đi về tương lai.

Tình thầy trò là như thế. Tuyển tập những lá thư thầy viết cho con sẽ còn được tiếp nối dài dài…

Thầy,
Thất Ngồi Yên,Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11 năm 2010.

Lời giới thiệu

Chúng ta đang cầm trên tay món quà quý – Tuyển tập những lá thư thầy viết cho đệ tử. Mỗi lá thư là một chứng tích của tình Thầy, chứa đựng trọn vẹn những gì Thầy muốn trao truyền. Những lá thư ấy không bị giới hạn bởi thời gian, do vậy không xếp theo trình tự thời gian để ta có thể đón nhận mỗi lá thư trong một hình thức mới, nội dung trao truyền được sống dậy trong thời khắc mà ta đang đọc.

Trong sách chúng ta cũng góp được những thông bạch mà Thầy gởi trong những năm qua, mỗi thông bạch như những khuôn thước nền tảng thực tập. Và phần cuối là “câu chuyện người con trai khờ dại” được Thầy viết tại Phương Bối- Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 1961. Đọc câu chuyện để ta cảm thêm sự rộng lớn của tình Thầy qua những lá thư. Chúng ta thấy người con trai trong câu chuyện là một người rất thật và cho đến nay chưa một lần từ chối làm người “khờ dại” cho tình thương.

Đây là mối tình Thầy gởi cho người học trò mà cũng cho quê hương, cho nhân loại. Tình thương ấy đã được trao truyền, được tiếp nối và làm nền tảng cho công trình xây dựng con người.

Chúng ta đón nhận mối tình rất đẹp này
và giữ riêng cho mình những gì rất gần,
để cùng hiểu, cùng thương và cùng hiến tặng.

 

Thư trình gởi chư Tôn Đức về tình trạng sức khoẻ của Sư Ông Làng Mai

THƯ TRÌNH

Về tình trạng sức khoẻ của Sư Ông Làng Mai

Làng Mai, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

Nam mô đức Bổn sư Bụt Shakyamuni.

Kính bạch Chư tôn Trưởng lão Hoà thượng,  
chư vị Hoà thượng, chư vị Thượng toạ,
quý Ni trưởng, quý Ni sư cùng Chư tôn Thiền đức.

 

Chúng con ý thức rằng chư liệt vị đều đang rất quan tâm và đang hết lòng cầu nguyện cho sức khỏe của Sư Ông chúng con được mau chóng phục hồi. Hiện tại Sư Ông chúng con đang được các bác sĩ chuyên ngành về não bộ theo dõi và điều trị. Sư Ông chúng con cũng đang được các y tá và các vị thị giả chăm sóc đặc biệt.

Kính thưa chư tôn đức. Sự chữa trị có hiệu quả thường được kết hợp giữa thuốc men và sự chăm sóc, thương yêu của người thân trong đó sự hỏi han, quan tâm của người thương đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên trong giai đoạn này các bác sĩ đã yêu cầu chúng con tuân thủ nguyên tắc không thăm viếng. Do đó, ngoài đội ngũ bác sĩ, y tá và các vị thị giả đang có trách nhiệm, bệnh viện không cho phép bất cứ sự thăm viếng nào khác.

Chúng con kính trình lên chư vị tôn đức tình trạng của Sư Ông chúng con để chư vị tôn đức liễu tri. Chúng con cầu mong chư tôn đức tiếp tục gửi năng lượng an bình và vững chãi của quý ngài để yểm trợ cho chúng con, để chúng con có thể nương vào đạo lực và tình thương của quý ngài mà chăm sóc cho Sư Ông chúng con một cách tốt nhất.

Chúng con sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của Sư Ông chúng con đến quý ngài qua trang nhà Làng Mai (langmai.org)

Chúng con thành kính tri ân và đảnh lễ.

 

Thay mặt Hội đồng giáo thọ Đạo Tràng Mai Thôn.

Kính thư.

Tỳ kheo Thích Chân Pháp Đăng
Tỳ kheo Ni Thích Nữ Chân Không Nghiêm

Thăm viếng Sư Ông và Làng Mai trong giai đoạn Sư Ông đang chữa trị

THÔNG BẠCH

Về việc thăm viếng Sư Ông và Làng Mai trong giai đoạn Sư Ông đang chữa trị

Làng Mai, ngày 14 tháng 11 năm 2014.

Kính gửi các trung tâm tu học thuộc Đạo Tràng Mai Thôn trên thế giới.
Kính gửi các tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai trên thế giới.
Kính gửi toàn thể nam nữ cư sĩ phật tử và thân hữu của Đạo Tràng Mai Thôn trên thế giới.

 

Kính thưa quý vị.

Như chúng ta đã biết, Sư Ông đang ở trong giai đoạn chữa trị sau cơn xuất huyết não. Hiện tại Sư Ông đang được các bác sĩ chuyên ngành về não bộ theo dõi và điều trị. Sư Ông cũng đang được các y tá và các vị thị giả chăm sóc đặc biệt.

Trong giai đoạn này các bác sĩ đã yêu cầu tuân thủ nguyên tắc không thăm viếng để cho Sư Ông có điều kiện khôi phục tốt hơn. Do đó, ngoài đội ngũ bác sĩ, y tá và các vị thị giả đang có trách nhiệm, bệnh viện không cho phép bất cứ sự thăm viếng nào khác.

Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu hướng dẫn về việc thăm viếng Làng để bày tỏ tình thương yêu và hỗ trợ cho Sư Ông. Nay xin thông bạch:

 

  1. Làng Mai luôn mở cửa đón tiếp thiền sinh về tu học để cùng tạo năng lượng an lành. Nếu quý vị đến Làng trong giai đoạn này, xin theo các thủ tục đến Làng thường được áp dụng như ghi danh trực tuyến, đến vào ngày thứ sáu, đóng quỹ rau đậu,v.v.. Nếu có thể, xin dùng điện thư thay vì điện thoại.
  2. Làng Mai thực hiện nghiêm túc lời khuyên không thăm viếng của bác sĩ. Cho nên, sẽ không có những buổi thăm viếng Sư Ông tại bệnh viện. Sự hỗ trợ lớn nhất mà chúng ta có thể làm là chế tác năng lượng thương yêu và an lành qua sự thực tập ở ngay trú xứ của mình.

 

    Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về tình trạng sức khỏe của Sư Ông đến quý vị trên trang nhà Làng Mai tiếng Việt (langmai.org), trang nhà Làng Mai tiếng Anh (plumvillage.org) và trang nhà Làng Mai tiếng Pháp (villagedespruniers.org).

     

    Thay mặt Hội đồng Giáo thọ Đạo Tràng Mai Thôn.

    Thích Chân Pháp Đăng.
    Thích Nữ Chân Không Nghiêm.