Bài kệ 30

Diệt ác cực ác tế

滅 惡 極 惡 際

Dị như điểu thệ không

易 如 鳥 逝 空

Nhược dĩ giải pháp cú

若 已 解 法 句

Chí tâm thể đạo hành

至 心 體 道 行

Diệt phiền não, thoát ra khỏi thế giới hệ lụy

Dễ như con chim cất cánh bay lên không trung

Nếu hiểu được pháp cú này

Thì hãy đem hết lòng mà đi tới trên con đường đạo.

Diệt ác cực ác tế: Diệt là chuyển hóa, làm cho không còn. Ác là những gì đi ngược lại với giới luật, những hành động, lời nói, tư tưởng tạo ra khổ đau. Tế là biên giới, lĩnh vực. Cực ác tế là đi ra khỏi biên giới của cái ác. Đó không phải là chuyện khó, khi ta có khả năng buông bỏ được đam mê, hận thù và vọng niệm thì ta ra khỏi lĩnh vực của phiền não.

Dị như điểu thệ không: Dễ dàng như con chim tung cánh bay lên không gian.

Nhược dĩ giải pháp cú: Nếu hiểu được pháp cú này. Pháp cú là Dharmapada, câu nói của giáo pháp.

Chí tâm thể đạo hành: Hiểu được ý nghĩa củapháp cú, ta sẽ đem hết tâm để đi trên con đường đạo.

Bài kệ 29

Hành tịnh vô hà uế

行 淨 無 瑕 穢

Tự tri độ thế an

自 知 度 世 安

Đạo vụ tiên viễn dục

道 務 先 遠 欲

Tảo phục Phật giáo giới

早 服 佛 教 戒

Sống phạm hạnh, không một vết nhơ

Tự biết mình, vượt thời gian, đạt an ổn

Trong nếp sống tu tập, trước hết là xa lánh ái dục

Phải tự trang bị mình bằng giới luật của Bụt ngay từ bây giờ.

Hành tịnh vô hà uế: Hành là thực tập, là nếp sống. Hà uế là tì vết, vết nhơ. Tịnh hạnh là nếp sống trong sáng, thanh tịnh, thánh thiện (holy life). Chất thánh thiện, ta có thể nhận diện được; có niệm, có định, có tuệ là có chất thánh. Niệm, định, tuệ cũng là giới, định, tuệ, vì niệm cũng là giới. Chánh niệm là giữ giới, chúng ta gọi năm giới là năm phép thực tập chánh niệm.

Người cư sĩ giữ được năm giới là có chất thánh. Trong kinh Thánh Đệ Tử nói, người xuất gia giữ 250 giới và người tại gia giữ năm giới đều là thánh đệ tử, vì trong người họ có chất liệu của sự thánh thiện. Sự thánh thiện không phải do Đức giáo hoàng hay một người khác ban cho mình, mà do sự thực tập đem lại. Khi có niệm, định, tuệ và giới, tự nhiên ta có chất thánh. Hành tịnh là sống nếp sống tịnh hạnh, nếp sống tịnh hạnh là nếp sống có giới; đối với người tại gia là không tà dâm còn đối với xuất gia là bất dâm.

Tự tri độ thế an: Tự tri là biết mình là ai. Biết mình là ai là một chuyện rất khó, đôi khi ta tưởng ta biết, nhưng kỳ thực ta chưa biết mình là ai.

Ta biết ta là một vị đại sứ, ta đại diện cho cả một dòng họ, một đất nước, một lịch sử. Ta có tổ tiên, đất nước, dòng họ, ta không phải là một cá nhân biệt lập, ta không phải là một cái ta riêng biệt, ta là một vị đại sứ cho cả một dòng họ. Ta phải thấy ta như vậy trước khi người khác thấy được ta như vậy. Họ phải nghiêng mình chào vị đại sứ với tất cả sự kính phục. Tự biết mình là ai phải do sự quán chiếu, do niệm – định – tuệ mới đạt được.

Thế là thời gian, tam thế là quá khứ, hiện tại và vị lai. Độ thế là vượt thoát được thời gian, tiếp xúc được kiếp ngoại và phương ngoại. Làng Mai ở Thái Lan có một thiền đường tên là Trời Phương Ngoại. Trời phương ngoại là không gian nằm ngoài không gian (space outside the space). Không gian ta thấy đây và thời gian làm bằng năm tháng, không đủ rộng rãi cho mình. Ta cần một không gian và một thời gian khác, không gian đó là phương ngoại phương 方 外 方 , một không gian nằm ngoài không gian thường. Thời gian làm bằng giờ phút và năm tháng hơi chật hẹp đối với mình, ta cần vượt thoát thời gian, gọi là thời ngoại thời. Độ thế, có nghĩa là vượt thoát được thời gian.

Tự biết mình là ai, vượt thoát được thời gian, đạt tới sự an ổn.

Đạo vụ tiên viễn dục: Đạo là con đường. Cái cần phải thực tập trước hết để đạt tới thời gian thênh thang của Niết bàn, là phải thoát ra khỏi vòng đam mê, còn đam mê thì còn bị giam hãm trong thời gian và không gian.

Tảo phục Phật giáo giới: Phục là mặc vào, là trang bị. Ta phải sớm trang bị mình bằng những giới luật Bụt đã dạy. Chuyện đầu tiên là phải giữ giới, người cư sĩ phải giữ 5 giới, 14 giới còn người xuất sĩ phải giữ 10 giới, 250 giới, 380 giới, 14 giới. Không có giới là không có niệm – định – tuệ, không có niệm – định – tuệ thì không tiếp xúc được với tự do, với Nê hoàn. Giới là điều kiện căn bản của tự do. Người ta nói thọ giới là mất tự do, nhưng sự thật thì ngược lại, chính nhờ giới mà ta có tự do. Ví dụ như khi uống rượu hay sử dụng ma túy, ta mất tự do. Chính nhờ ta giữ giới không uống rượu và không sử dụng ma túy, nên ta có tự do. Người bị sa vào vòng rượu chè, ma túy thì không còn chút tự do nào. Giới là căn bản của tự do, mỗi giới là một lĩnh vực của giải thoát. Giữ giới không uống rượu, ta có tự do này, giữ giới không sát sanh thì có tự do khác. Biệt biệt giải thoát, có nhiều khía cạnh giải thoát khác nhau và mỗi giới cho mình một không gian của giải thoát.

Muốn thật sự đi trên con đường đạo, phải xa lìa dục và phải sớm trang bị cho mình bằng những giới luật Bụt dạy.

Bài kệ 28

Đô khí như diệt độ

都 棄 如 滅 度

Chúng đạo trung tư thắng

眾 道 中 斯 勝

Phật dĩ hiện đế pháp

佛 以 現 諦 法

Trí dũng năng phụng trì

智 勇 能 奉 持

Buông bỏ hết, đã qua bờ diệt độ

Trong các con đường, đây là con đường đẹp nhất

Bụt đã diễn bày pháp chân đế

Kẻ có trí và có dũng có thể làm theo.

Đô khí như diệt độ: Đô là tất cả (together), khí là buông bỏ (letting go), buông bỏ tất cả để đi tới phía bên kia, chỗ mà mọi phiền não đều bị tiêu diệt.

Chúng đạo trung tu thắng: Chúng đạo trung là trong tất cả con đường. Trong tất cả các con đường, con đường tới Niết bàn là con đường đẹp nhất.

Phật dĩ hiện đế pháp: Đế là sự thật. Bụt đã diễn bày pháp chân đế. Đức Thế Tôn đã vì ta trình bày giáo pháp về “Bốn sự thật”. Ngài đã hiến tặng cho ta một con đường, một giáo pháp về “Bốn sự thật”.

Trí dũng năng phụng trì: Là kẻ trí, là kẻ có dũng cảm thì phải có khả năng phụng trì theo. Phụng trì, là tiếp nhận và hành trì theo.

Bài kệ 27

Tuy thượng hữu thiện xứ

雖 上 有 善 處

Giai mạc như Nê hoàn

皆 莫 如 泥 洹

Tất tri nhất thiết đoạn

悉 知 一 切 斷

Bất phục trước thế gian

不 復 著 世 間

Tuy phía trên kia có những cõi trời

Nhưng cũng không đâu bằng Niết bàn

Đã có nhất thiết trí thì cắt bỏ được tất cả

Ta không còn vướng mắc nữa vào thế gian.

Tuy thượng hữu thiện xứ: Tuy ở trên kia có những cõi trời tốt lành, như cõi sắc giới hay vô sắc giới.

Giai mạc như Nê hoàn: Nhưng không có cõi nào an toàn, hạnh phúc như Niết bàn.

Tất tri nhất thiết đoạn: Tất tri là biết hết; tất tri là tên xưa của nhất thiết trí (sarvajñāna). Khi ta lấy ra được hết những phiền não, những ý niệm về có – không, tới – đi, còn – mất, ta – người, thì ta đạt tới nhất thiết trí. Có nhất thiết trí, tất cả đều được đoạn trừ.

Bất phục trước thế gian: Ta không còn vướng mắc vào trong cõi đời tục lụy. Tuy ở trong cuộc đời tục lụy, nhưng ta không bị cuộc đời tục lụy ràng buộc. Phàm thánh đồng cư, cùng ở chung một cõi, nhưng có người có tự do, có người lại không; người không có tự do là kẻ phàm, người có tự do là bậc thánh.

Bài kệ 26

Chủng tiêu bất phục sinh

種 燋 不 復 生

Ý tận như hỏa diệt

意 盡 如 火 滅

Bào thai vi uế hải

胞 胎 為 穢 海

Hà vi lạc dâm hành

何 為 樂 婬 行

Hạt giống một khi bị đốt cháy rồi thì không sinh lại

Tâm ý đã dừng lại rồi thì cũng như lửa đã tắt

Chốn dâm căn là một biển ô uế

Tại sao lại đi tìm lạc thú ở nơi ấy?

Bài kệ này nói về nếp sống phạm hạnh của người xuất gia.

Chủng tiêu bất phục sinh: Những hạt giống của sầu đau, ái dục, hận thù, một khi đã bị đốt cháy rồi thì không thể nứt mầm và sinh ra trở lại.

Ý tận như hỏa diệt: Ý là vọng tâm tạo tác ra nghiệp.

Vọng tâm đã tiêu diệt như ngọn lửa đã tắt (như hỏa diệt). Hỏa diệt là hình ảnh Bụt thường dùng để nói về Niết bàn.

Chúng ta thường hỏi: Khi chết rồi tôi đi về đâu? Cái gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Ta nghĩ con người mình có phần hình hài và phần linh hồn. Sau khi ta chết, phần xác thân tiêu hoại không còn nữa, chỉ còn lại phần linh hồn, mà linh hồn này ta không thấy được. Linh hồn có thể đi lang thang, vất vưởng, rồi tìm một cái thân khác và chui vô trở lại. Đó là luân hồi hiểu theo kiểu bình dân.

“Người thương tôi chết, tôi phải đi tìm ở đâu?, “Cái gì xảy ra sau khi mình chết?Câu trả lời của Bụt là: Thân và tâm này là hai cái cùng nương vào nhau mà biểu hiện một lần. Cũng như tay trái và tay phải, ta không thể cắt chia làm hai, một nửa còn mà một nửa không còn. Không có cái này thì không có cái kia, không có cái kia thì không có cái này. Thân tâm nương vào nhau mà có; quan niệm chỉ có tâm mà không có thân, chỉ có linh hồn tồn tại mà thân xác thì không, vẫn còn là một quan niệm sai lầm khá phổ biến. Trong giai đoạn biểu hiện này, thân tâm tạo ra nghiệp, nghiệp thân, khẩu và ý. Những nghiệp này có thể chúng ta không thấy, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không có. Những tư tưởng chúng ta chế tác ra là nghiệp, là năng lượng. Tuy chúng vô hình, nhưng chúng có công năng phá hoại, tiêu diệt hoặc có công năng xây dựng, trị liệu. Bất cứ tư tưởng nào mình chế tác ra cũng tác động lên thực tại trong và ngoài, và sẽ còn hoài. Những lời ta nói, những lá thư ta viết, những gì ta phát biểu, có tác động dây chuyền liền lập tức, cho dù có 15 con ngựa đuổi theo cũng không kéo lại được. Ta nói lời hận thù thì sẽ tạo ra những đổ vỡ, ta nói lời thương yêu sẽ tạo ra sự xây dựng. Những lời ta đã nói, tuy ta không nghe nữa, nhưng năng lượng nghiệp của chúng vẫn đang còn đó. Những gì ta đã làm bằng hình hài này, tuy ta không thấy nữa, nhưng chúng cũng đang đi vào thực tại và đang chuyển biến. Đó là nghiệp.

Tâm và thân nương nhau mà có, chúng không phải từ không mà trở thành có, chỉ từ chỗ chưa biểu hiện mà biểu hiện ra. Ví dụ, trong phòng này có hơi nước do mình thở ra, hơi nước có đó trong không gian; nhưng mình không thấy được. Nhưng nếu nhiệt độ trong phòng ấm, thì hơi nước sẽ đọng lại thành những giọt nước nhỏ và mình bắt đầu thấy sương mù. Lúc chưa thấy sương mù, mình cho là không có hơi nước và khi thấy sương mù, mình cho là có hơi nước. Kỳ thực, ta không thể nói là trong pháp đường này không có mây, tại vì mây đang ở trong ta, đang bao quanh ta mà ta không thấy. Thấy được là biểu, chưa thấy được là vô biểu.

Ta đã quen với hình thức hiện nay của ta nên ta hỏi: Khi chết đi ta sẽ thế nào? Kẹt vào hình thức thì ta không bao giờ tìm ra được. Khi ngọn lửa tắt, ta hỏi nó đi về đâu? Đi tìm ngọn lửa đã tắt dưới hình thức của ngọn lửa thì không bao giờ ta tìm ra ngọn lửa. Ngọn lửa không bao giờ mất. Khi đang biểu hiện, ngọn lửa chế tác ánh sáng, sức nóng và khói. Khi ngọn lửa không còn nữa, thì những cái nó chế tác vẫn còn. Vì vậy, đi tìm ngọn lửa trong hình thái biểu hiện cũ của nó là một chuyện rất ngây thơ.

Tâm ý không biểu hiện nữa (ý tận) giống như ngọn lửa không còn biểu hiện, nói nó giống như cái ngày xưa ta thấy là không đúng, mà nói nó không có mặt cũng không đúng. Ba chữ như hỏa diệt rất phổ thông, chính đức Thế Tôn đã dùng ba chữ đó để nói về Niết bàn. Đừng dùng hình ảnh ta đã có sẵn để đi tìm. Ngọn lửa đã tắt rồi, làm sao ta tìm được, vì từ biểu nó đã trở về vô biểu.

Khi tất cả những phiền não như tham dục, sân hận, si mê đã bị đốt cháy, thì luân hồi không còn tiếp tục. Ta không còn tìm được hình ảnh cũ, vì sự luân hồi của những phiền não, khổ đau, hệ lụy đã chấm dứt.

Bào thai vi uế hải: Bào thai là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Uế hải là biển ô uế (the sea of impurity).

Hà vi lạc dâm hành: Là người xuất gia, tại sao ta lại còn đi tìm lạc thú ở những nơi đó? Đây nói về đời sống phạm hạnh của người tu, là sự thực tập quán chiếu bất tịnh.

Bài kệ 25

Đương tự cầu khứ thắng

當 自 求 去 勝

Dĩ thắng vô sở sinh

已 勝 無 所 生

Tất cố bất tạo tân

畢 故 不 造 新

Yếm thai vô dâm hành

厭 胎 無 婬 行

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Đương tự cầu khứ thắng: Chữ khứ 去 trong bài kệ là chép sai, đúng ra là chữ pháp 法 . Cái thắng mà ta đi tìm cầu là cái thắng về chánh pháp. Ta phải phát tâm cầu sự thắng lợi về chánh pháp, mà không phải những thắng lợi về tiền tài, danh vọng và địa vị. Mỗi ngày, phải có tiến bộ trong sự tu học của mình.

Dĩ thắng vô sở sinh: Khi đạt tới thắng pháp, tức tu tập thành công, thắng được phiền não, đam mê, ganh tị và hận thù, thì mình không còn sinh ra trở lại cõi hệ lụy nữa (vô sở sinh).

Tất cố bất tạo tân: Tất là làm cho xong. Đã hoàn toàn không còn sở sinh (tất cố) thì không tạo ra thêm chất liệu mới cho sự luân hồi (bất tạo tân), ta không dệt thêm những dây mơ rễ má của hệ lụy nữa. Hết chất liệu luân hồi (sinh tận) thì không còn tiếp nhận cái kia nữa. Ta tiếp tục luân hồi khổ đau tại vì ta còn cái sinh. Theo trong những bản chú giải của các Tổ thì sinh y gồm có uẩn, dục, phiền não và nghiệp. Nhưng ta nên hiểu sinh ở đây là tàn dư của phiền não còn sót lại chưa chuyển hóa hết. Còn sinh y, nên còn tiếp tục đi vòng trong cõi đau khổ. Khi những chất liệu tàn dư làm nền tảng cho luân hồi không còn, thì sẽ không còn hữu. Sinh y không còn thì bhava không còn, mà bhāva không còn thì cũng không còn bhāva, nghĩa là không còn hữu cũng không còn vô, chứ không có nghĩa là không còn hữu thì đi vào hư vô.

Trong một bài hát của Phạm Duy có tên Ngàn Thu, cũng gọi là Vô Hư, được làm tại Midway City, California, có câu:

Em là cơn gió

Anh là mây dài

Đi về bên nớ

Đi về bên này

Rồi trở về cho hết cái đong đưa.

Nếu hết chất liệu của luân hồi thì không cần đi luân hồi nữa.

Yếm thai vô dâm hành: Yếm là chán, yếm thai là không thích đi vòng vòng trong cõi hệ lụy nữa. Vô dâm hành là không đi về phía phóng đãng. Nếu đã chán đi vòng quanh trong thế giới của khổ đau luân hồi, chúng ta phải bỏ thói dâm đãng, đừng hành dộng theo lối dâm đãng nữa.

Đây nói về đời sống phạm hạnh của những người tu. Phạm hạnh là đời sống trong sáng của người xuất gia. Tu là phải chế tác chất liệu thánh. Chất liệu thánhkhông phải do người khác ban cho ta, không phải tại Giáo hoàng phong cho ta là thánh mà ta trở thành thánh. Ta là thánh khi ta chế tác được chất thánh. Thánh là chất liệu được chế tác bởi giới, niệm, định và tuệ. Nơi nào có giới, niệm, định và tuệ thì nơi đó có sự thánh thiện. Có niệm, định, tuệ thì không đi vào chốn khổ đau, hệ lụy. Có niệm là có giới, có giới thì ta không giết hại, không nói dối, không tà dâm, không làm những chuyện gây ra khổ đau. Ta sống theo giới luật, theo Pratimoksha, tức giới bản của người xuất gia. Ta theo con đường phạm hạnh (holy life), đó là cuộc sống thánh thiện. Cuộc sống thánh thiện có được là nhờ ta biết giữ giới, ta không đi về phía phóng đãng, dâm hành.

Người xuất gia là người sống cuộc đời phạm hạnh, thánh thiện, sự thánh thiện do công phu giữ giới mà có chứ không phải do người khác ban cho ta.

Chỉ nên tự cầu cái thắng lợi về Pháp

Đã có pháp thắng thì không còn sở sinh

Hết sở sinh rồi thì không tạo tác thêm nữa

Muốn không còn luân hồi thì đừng nên có những hành động phóng đãng.

Hết sở sinh: có thể được hiểu là không sinh ra trở lại trong luân hồi, hoặc là những phiền não, hệ lụy, lang thang đã được chuyển hóa không còn phát sinh ra nữa.

Bài kệ 24

Tịnh như thủy vô cấu

淨 如 水 無 垢

Sinh tận vô bỉ thọ

生 盡 無 彼 受

Lợi thắng bất túc thị

利 勝 不 足 恃

Tuy thắng do phục khổ

雖 勝 猶 復 苦

Thanh tịnh như nước trong, không còn chút cấu uế

Hết chất liệu luân hồi (sở sinh) thì không tiếp nhận cái kia nữa

Cái thắng và cái lợi không còn làm tiêu chuẩn để đi theo

Bởi vì dù có thắng có lợi nhưng cái khổ vẫn còn đó.

Tịnh như thủy vô cấu: Thanh tịnh như nước không còn chút cấu uế. Bài kệ 23 dùng hình ảnh của đất và bài kệ 24 dùng hình ảnh của nước. Đức Thế Tôn dạy La Hầu La: Phải tập cái tâm của con như nước. Người ta đổ xuống nước dầu thơm hay sữa, nước cũng không mừng, mà đổ xuống phân, bùn, nước tiểu thì nước cũng không giận, tại vì nước có khả năng tiếp thu và chuyển hóa rất lớn. Nước có thể thanh tịnh hóa được tất cả.

Sinh tận vô bỉ thọ: Chữ sinh được dịch từ chữ upādhi, tức những chất liệu có công năng nuôi dưỡng sự luân hồi. Chữ sinh được viết tắt từ chữ sinh y, tức những dây mơ rễ má làm cho ta vướng vào cõi hệ lụy. Y là nền tảng của khổ đau, là chất liệu hệ lụy, của luân hồi. Sinh là sinh tử, là vào ra, là lên xuống trong cõi hệ lụy. Tại sao ta phải vào ra, lên xuống trong cõi hệ lụy? Tại vì có những chất liệu của phiền não, có những nghiệp nhân do ta tạo ra. Ta tạo ra gốc rễ của sự đam mê, của hận thù, nên ta phải trở lại hoài trong thế giới của hệ lụy.

Nhờ công phu tu tập, ta cắt đứt được tất cả các dây mơ rễ má, ta không đi vào cõi hệ lụy nữa (sinh tận). Sinh y ở đây cũng là upādisesa (dư y), những vướng mắc (upādāna), những lậu hoặc (āsrāva), những tùy miên (anusaya) còn sót lại trong chiều sâu tâm thức chưa được chuyển hóa hết. Sinh y ở đây là dư y (upādisesa), chứ không phải là uẩn (skandha). Niết bàn dư y là Niết bàn còn lại những tàn dư phiền não chưa chuyển hóa hết. Niết bàn vô dư y (anupādisesanirvāna) là Niết bàn tuyệt đối không còn dư y phiền não. Ta không cần buông bỏ năm uẩn mà vẫn có thể đạt tới Niết bàn vô dư y như trong trường hợp của Bụt và của các vị A la hán. Bỉ là cuộc đời hệ lụy. Khi nguồn gốc của hệ lụy không còn, ta sẽ không còn tiếp nhận cái hệ lụy đó nữa (bỉ). Ta có giải thoát, có tự do của một vị Bồ tát rong chơi không bị ràng buộc. Cõi của chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư, tức cõi mà phàm và thánh cùng sống chung với nhau. Trong khi người phàm bị ràng buộc, lên xuống, khổ đau, thì các bậc thánh lại tự do rong chơi ngay trong cõi đó.

Lợi thắng bất túc thị: Người đời cho hạnh phúc là được nhiều lợi, lợi ở đây là tiền bạc chứ không phải lợi ích của sự tu học. Thắng là leo lên chỗ cao, đạp người khác xuống dưới. Cuộc sống của mình không còn đi theo tiêu chuẩn của thắng bại hay lợi hại.

Tuy thắng do phục khổ: Hai tiêu chuẩn thắng bại và lợi hại ấy không đủ để kéo ta vướng vào, tại vì tuy gọi là thắng lợi, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi của cái khổ. Bại thì khổ, mà thắng cũng khổ; lỗ lã thì khổ đã đành, mà lợi danh cũng khổ; tất cả đều nằm trong vòng tương đối. Lợi tức và ưu thắng không đủ để cột chân ta lại trong vòng hệ lụy, tại vì tuy có thắng lợi nhưng cái khổ đó vẫn còn.

Bài kệ 23

Thị vi đệ nhất khoái

是 為 第 一 快

Thử đạo tịch vô thượng

此 道 寂 無 上

Thọ nhục tâm như địa

受 辱 心 如 地

Hành nhẫn như môn quắc

行 忍 如 門 閾

Đó là cái lạc thú đệ nhất

Con đường yên lặng (của ý niệm và ngôn từ) này không có gì cao hơn

Lúc bấy giờ mình có khả năng nhẫn chịu được, tâm mình cũng như đất

Và cái hành nhẫn cũng như một thành quách.

Thị vi đệ nhất khoái: Đó là cái khoái lạc lớn nhất.

Thử đạo tịch vô thượng: Vô thượng là không có gì cao hơn. Không có con đường nào cao hơn con đường đưa tới sự vắng lặng đó. Vắng lặng không có nghĩa là không có âm thanh, mà vắng lặng có nghĩa là những ý niệm về có- không, sinh-diệt đã rơi rụng. Thi sĩ Bùi Giáng có làm câu thơ: Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần

Nhờ sự quán chiếu, những ý niệm nhưcó hay không, sinh hay diệt rơi rụng và thực tại được hiển bày ra. Thực tại (ultimate reality) không thể nào được diễn tả bằng các ý niệm có-không, sinh-diệt. Trong Như Thị Ngữ (Itivṛttaka) nói: Có một cái không sinh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không. Nếu không có cái không sinh, không diệt, không tới, không đi, không này, không kia, không có, không không đó, thì làm sao có nẻo thoát cho cái có sinh, có diệt, có tới, có đi, có này, có kia, có có, có không.

Ta bước qua, là bước qua ngưỡng cửa của sự nhận thức lưỡng nguyên.

Con đường tịch diệt này không có gì cao hơn. Chữ tịch diệt ở đây không phải là không còn gì nữa, mà có nghĩa là sự vắng mặt của những ý tưởng xôn xao như có và không, tôi và anh, trong và ngoài, chủ thể và đối tượng. Những ý tưởng xôn xao không còn, thì gọi là vắng lặng, là im lặng hùng tráng.

Thọ nhục tâm như địa: Khi nếm được hạnh phúc lớn đó, khi đi vào được trong không gian mênh mông của sự vắng mặt tất cả các ý niệm đó, thì tâm mình giống như đại địa có thể chịu đựng được tất cả. Nhẫn là có sức chịu đựng rất lớn.

Khi dạy thầy La Hầu La, Bụt đã nói: Con phải luyện cho tâm con giống như đất. Người ta có đổ xuống đất dầu thơm, những thức ăn rất ngon, hoặc phân hay nước tiểu, thì đất cũng chấp nhận tất cả. Đất có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa rất hay, đất không kỳ thị; cái thơm ngon đất chấp nhận đã đành, mà cái hư thối đất cũng chấp nhận, đất không đau khổ và không kỳ thị.

Nếu nếm được cái lạc thú của Niết bàn, tâm ta rộng mở rồi, thì những gì trước kia ta không chấp nhận được, bây giờ ta có thể chấp nhận một cách dễ dàng. Tâm ta trở thành như đất (tâm như địa).

Hành nhẫn như môn quắc: Sự thực tập nhẫn nhục (kṣānti-pāramitā) trở nên vững chãi như một bức trường thành.

Bài kệ 22

Sở kiến bất phục khủng

所 見 不 復 恐

Vô ngôn ngôn vô nghi

無 言 言 無 疑

Đoạn hữu chi xạ tiễn

斷 有 之 射 箭

Cấu ngu vô sở ỷ

遘 愚 無 所 猗

Cái mình thấy không làm cho mình sợ hãi nữa

Không còn nghi ngờ gì nữa về ngôn từ hay không ngôn từ

Mũi tên bắn rơi được cái ý niệm có không rồi

Thì khi gặp kẻ ngu muội không cần diễn bày gì nữa cả.

Chúng ta hãy nhớ lại câu: Chim chóc ưa trở về mây trời, hươu nai ưa trở về đồng quê, còn các bậc chân nhân thì ưa trở về Niết bàn.

Niết bàn là nơi thảnh thơi, Niết bàn đang có mặt ở đây trong giây phút hiện tại. Tùy ta muốn chọn sự bận rộn, lo lắng, sợ hãi hay muốn chọn Niết bàn. Có hai cách để định nghĩa Niết bàn:

Định nghĩa đầu là sự vắng mặt của các phiền não như đam mê, hận thù, nghi kỵ, tại vì đam mê, hận thù, nghi kỵ là những ngọn lửa đốt cháy mình. Sự vắng mặt của đam mê, hận thù, nghi kỵ là sự mát mẻ. Định nghĩa đầu của Niết bàn là sự mát mẻ, sự tắt lửa. Khi ngọn lửa đam mê, hận thù đang cháy, thì ta không có Niết bàn. Nhưng khi ta thấy không có ngọn lửa đam mê và hận thù đang cháy thì đó là Niết bàn. Nirvāna trước hết có nghĩa là không bốc cháy.

Định nghĩa thứ hai của Niết bàn là sự vắng mặt của sự kỳ thị, của cái nhìn lưỡng nguyên. Dưới cái nhìn lưỡng nguyên, ta thấy có trong có ngoài, có ta có người, có chủ thể có đối tượng. Khi vượt thoát cái nhìn lưỡng nguyên, ta không còn thấy sự tách biệt giữa chủ thể và đối tượng, tâm và vật, ta và người. Không còn thấy sự kỳ thị và phân biệt, ta có rất nhiều tự do, tự do thênh thang, đó là Niết bàn. Thấy có ta và có người, ta so sánh ta thua người đó, hay hơn người đó, hoặc bằng người đó. Đó là ba loại mặc cảm: Mặc cảm thua người, mặc cảm hơn người và mặc cảm bằng người. Ba loại mặc cảm này đều dựa trên sự phân biệt giữa ta và người. Khi thấy rõ ta với người đó tương tức, ta có trong người đó và người đó có trong ta, thì ta không còn mặc cảm, dù là mặc cảm thua người, hơn người hay bằng người. Không còn cái thấy nhị nguyên, ta sẽ có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do. Đó là Niết bàn. Niết bàn có mặt trong giây phút hiện tại, ta không cần phải đi tìm ở một cõi xa xăm nào trong tương lai.

Đợt sóng khổ đau tại vì nó lên xuống, sinh diệt, tự so sánh mình với những đợt sóng khác và nó có mặc cảm. Nhưng khi đợt sóng biết rằng nó là nước thì nó không còn đau khổ vì chuyện lên xuống, ra vào, lớn nhỏ. Đợt sóng không cần phải đi tìm nước ở chỗ khác, tại vì chính nó đã là nước rồi. Nếu ta nghĩ Niết bàn là một thực tại ở ngoài mà ta cần phải đi tìm, thì ta vẫn còn kẹt trong cái thấy nhị nguyên. Đó không phải là Niết bàn, Niết bàn không có trong và ngoài, này và kia. Trong khóa tu ở Nottingham University vừa rồi, tôi nói với báo chí: Nếu Tây phương đặt Thượng đế trở lại vào đúng vị trí của Ngài thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Ta đặt Thượng đế sai chỗ, vì ta cho Thượng đế là một thực tại ở bên ngoài mà ta phải đối phó nên ta mới đưa thế giới tới sự khủng hoảng hiện nay.

Sở kiến bất phục khủng: Cái ta thấy, ta không còn sợ nữa. Sở kiến là cái ta thấy. Bất phục khủng là ta không còn sợ hãi nữa.

Vô ngôn ngôn vô nghi: Không còn nghi ngờ gì về vấn đề ngôn từ hay không ngôn từ nữa. Ngôn là cái có ngôn từ, vô ngôn là cái không có ngôn từ.

Đoạn hữu chi xạ tiễn: Mũi tên bắn rơi đượccái ý niệm có không. Tiễn là mũi tên. Đoạn là làm cho chấm dứt. Hữu là being in existence. Người hành giả giương cây cung, lắp một mũi tên, nhắm cái hữu (being) mà bắn một phát. Hữu rơi xuống, đồng thời vô cũng rơi xuống. Một nhà thần học nói: “Thượng đế là nền tảng của hiện hữu” (Paul Tillich). God is the ground of being. Trong tuệ giác của đạo Bụt, being là một ý niệm đối lại với ý niệm non-being. Nhà thần học này có khuynh hướng muốn liệt Thượng đế vào phía being. Ta có thể đặt câu hỏi: “Nếu Thượng đế là nền tảng của being (hữu thể) thì ai là nền tảng của non-being (vô thể)?” Người hành giả tu thiền lắp mũi tên vào cây cung, nhắm cái being mà bắn một phát. Nếu bắn rớt cái being xuống, thì cái non-being cũng rớt theo, tại vì đây là một cặp đối nghịch. Trong chân lý tuyệt đối, không có ý niệm being hay non-being, cho Thượng đế là being là sai, mà cho Thượng đế là non-being cũng sai. Thượng đế là cái tuyệt đối (ultimate) vượt thoát cả being và non- being, tại vì being và non-being vẫn còn nằm trong vòng lưỡng nguyên. Đặt Thượng đế vào being là đặt không đúng chỗ. Nói không có Thượng đế là sai, mà nói có Thượng đế cũng sai. Thượng đế vượt ra ngoài ý niệm có và không.

Niết bàn, trước hết là sự vắng mặt của những ngọn lửa và sau đó là sự vắng mặt của những cặp ý niệm đối lập nhau. Mục đích của người hành giả không phải là đi tìm cái non-being, mà là tìm sự vượt thoát cả being và non-being. Mục đích của người tu là đạt tới vô sinh (birthlessness). No-birth không có nghĩa là death, không lý ta tu chỉ để tìm cái chết? Khi ta lắp mũi tên vào cây cung và bắn rơi cái sinh, thì cái tử cũng rơi theo, đó gọi là bất tử (deathlessness). Một mũi tên bắn rơi hai lá cờ ảo tưởng.

Năm 1962, tôi xin xuất bản một tập thơ tại Sài Gòn có tên “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”, đó là những bài thơ nói về thao thức muốn chấm dứt chiến tranh, đạt tới hòa bình. Người ta gọi những bài thơ đó là phản chiến, nhưng sự thực thì không phải như thế. Khi đem lên kiểm duyệt, người ta bỏ hết, chỉ để còn lại ba bài. Có một bài nhan đề là “Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng”, bắn một mũi tên làm rơi hai lá cờ nhị nguyên hữu và vô, sinh và diệt. Nhưng những người làm chính trị không hiểu được. Họ cho là mình vừa chống quốc gia, vừa chống cộng sản, đi theo phong trào trung lập, mà phong trào trung lập lúc đó đang bị cấm ở Việt Nam, vì bị cho là thân cộng. Những người trong ban kiểm duyệt của Bộ thông tin không thể nào hiểu được ý của bài thơ này: Với niệm lực và định lực, mình bắn rơi hai ý niệm, mình đang cổ vũ cho đường lối trung lập.

Khi mũi tên bắn rơi cái hữu, thì cái vô cũng rơi theo, lúc đó chúng ta có vô phân biệt trí (nirvikalpa-jñāna). Cái sinh-diệt rơi xuống rồi, thì không gian mở rộng với bao nhiêu là tự do, bao nhiêu là hạnh phúc.

Cấu ngu vô sở y: Vô sở y là không cần nói. Đối với người có thành kiến sâu dày, thì không làm sao nói được, ta không có nhu yếu cãi lộn nữa tại vì người ấy không thể hiểu.

Khi biết được Thượng đế là ai rồi, là gì rồi, thì anh không còn là nhà thần học nữa. Nghe người khác cãi nhau, ta chỉ ngồi cười, tại vì cãi nhau rằng có Thượng đế hay không có Thượng đế, có Niết bàn hay không có Niết bàn, chỉ tốn công vô ích.

Bài kệ 21

Bất một bất phục sinh

不 沒 不 復 生

Thị tế vi nê hoàn

是 際 為 泥 洹

Như thị tượng vô tượng

如 是 像 無 像

Khổ lạc vi dĩ giải

苦 樂 為 以 解

Nơi không có cái mất đi cũng không có cái còn sinh ra

Nơi ấy là Niết bàn.

Như thế thì vấn đề có đối tượng tri giác hay không có đối tượng tri giác

Và vấn đề bản chất của cái khổ và cái vui, mình đã hiểu thấu.

Bất một bất phục sinh: Bất một, là không biến mất, không từ có trở thành không, tại vì có và không cũng chỉ là những ý niệm; chúng ta vượt thoát có và không. Bất phục sinh, là không hẳn mình phải sinh trở lại, tại vì không sinh cũng không diệt.

Thị tế vi Niết bàn: Tế là cõi. Cõi không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, đó là Niết bàn. This domain is Nirvāna. Niết bàn đang có mặt cho ta, tùy ta có muốn hay không muốn thôi; cũng như trời mây lúc nào cũng có đó cho chim muông và đồng quê lúc nào cũng có đó cho huơu nai, tùy chúng muốn chọn hay không mà thôi.

Như thị tượng vô tượng;

Khổ lạc vi dĩ giải

Như thế thì có đối tượng của tri giác hay không có đối tượng của tri giác (Như thị tượng vô tượng), đối tượng của tri giác có thể là mặt trời, mặt trăng hay con người, thì bản chất của cái vui và cái khổ, ta đã hiểu thấu (Khổ lạc vi dĩ giải). Chữ 以 này có thể bị chép sai, đúng ra là chữ 已, có nghĩa là đã.

Khổ và vui thường được căn cứ trên các ý niệm của ta, như ý niệm có và không, sinh và diệt. Khi những ý niệm có đối tượng hay không có đối tượng không còn nữa, thì không gian của Niết bàn hiển hiện. Lúc đó, ta hiểu thấu được bản chất của khổ và vui, ta không còn bị cuốn hút, bị hạn chế, bị trói buộc bởi khổ và vui.

Khóa tu mùa Đông sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục học hết Phẩm Nê Hoàn và học một số các kinh khác, có thể chúng ta sẽ được học bản dịch mới của “Ba mươi bài tụng Duy Biểu”, có thể ta sẽ được học 44 bài kệ về chân lý tuyệt đối trong Du-Già Sư Địa Luận, có thể chúng ta sẽ tiếp tục học những kinh rất hay trong Pháp Cú Kinh chữ Hán.

Chúng ta may mắn được ở chung với nhau ba tháng, được ngồi thiền chung, đi thiền chung, học kinh chung, pháp đàm chung rất hạnh phúc. Xin đại chúng chuẩn bị ngày mai làm lễ Đối thú an cư, xác định nghiêm mật giới trường, đừng ra khỏi giới trường trong ba tháng an cư, ngoại trừ trường hợp tăng thân sai mình đi làm công việc. Đây là cơ hội rất tốt và rất hiếm, ở đời không biết có bao nhiêu người mong ước có được cơ hội tham dự khóa tu ba tháng. Ngay cả nhiều thầy, nhiều sư cô bên Mỹ, hay ở Âu châu cũng ít có cơ hội được an cư. Chúng ta có cơ hội này, chúng ta phải dâng lên niềm cảm tạ của ta đối với đức Thế Tôn và các vị tổ sư. Nếu đức Thế Tôn không chế ra truyền thống An cư thì có thể thầy và nhiều vị giáo thọ cũng phải đi dạy chỗ này chỗ khác. Nhờ có khóa An cư mà thầy trò được ở lại luôn ba tháng với nhau và thầy rất hạnh phúc. Hạnh phúc có đó, Niết bàn có đó. Niết bàn là sự vắng mặt của các ngọn lửa đốt cháy. Chúng ta học cách dập lửa, học từ các sư anh, sư chị của mình. Nếu có tri giác sai lầm nào làm mình đau khổ như nỗi buồn, sự cô đơn, tủi thân, thì ta phải nhờ sư anh, sư chị giúp ta tháo bỏ tri giác sai lầm đó; tháo bỏ được thì tự nhiên ta sẽ có Niết bàn. Niết bàn là công chuyện hàng ngày của mình. Nirvāna is our daily business.