Đến đi thong dong

Chiều hôm nay, ngày 30.1, sau lễ Đại tường, đại chúng đã cùng nhau vân tập tại công viên Vĩnh Hằng để làm lễ tưởng niệm, dâng hương lên Thầy. Bầu trời trong xanh. Những làn mây nhẹ như khói sương thi thoảng ẩn hiện trên nền trời.

Chúng con, bốn chúng đệ tử của Thầy, có mặt nơi đây, có mặt ở quê hương Việt nam như hiện thân của tấm lòng thơm thảo của Thầy dâng lên Tổ tiên nước Việt. Hóa thân Thầy đã hòa vào hồn Việt, đã làm cho ước nguyện một lòng thương yêu đất nước giống nòi của Thầy được luân hồi một cách đẹp lành nhất. Mỗi người trong chúng con đều đang mang chí nguyện của Thầy đi về tương lai bằng cách riêng của mình, trong dòng chảy chung của tăng thân. Chí nguyện tu tập và phụng sự trọn đời của chúng xuất sĩ, những phát nguyện gìn giữ nếp nhà và nuôi dưỡng thân tâm cùng gia đình, xã hội theo hướng của Năm giới quý báu của chúng cư sĩ đã biểu hiện từ giây phút trà tỳ nhục thân Thầy hai năm trước đang dần trở thành thực tại, và sẽ còn đẹp thêm, rộng lớn thêm ở tương lai. Chúng con nguyện chấp nhận nhau, tha thứ và thương yêu nhau và một lòng đem Thầy đi về tương lai đẹp đẽ, an lành, hùng hậu.

Bước chân chúng con ngày hôm nay, trên mảnh đất này, thật thong dong. Giờ khắc này, những giọt nước mắt ngày trà tỳ trong lễ Tâm tang, nỗi bồi hồi xúc động lúc thăm lại nơi đây vào dịp Tiểu tường đã theo khói hương bay về trời.

Thân tâm thanh thản, chúng con lắng nghe lời chia sẻ của thầy Pháp Ấn về những cống hiến cho đời và đạo của Thầy và của Đại lão hòa thượng Thích Trí Quang.

Những gì Thầy và các bậc tiền nhân đi trước đã thành tựu còn lưu dấu mãi với núi sông. Sự nghiệp của Thầy dù lớn lao, đọng lại trong chúng con vẫn là hình ảnh một vị thầy mộc mạc với chiếc áo tràng nâu, nón lá, môi nở nụ cười bình dị cùng ánh nhìn chứa đầy tha thứ, bao dung. Nhân cách và đức độ của Thầy cùng các bậc tiền nhân là điều mà thế hệ hậu lai chúng con thành kính quy ngưỡng. Chúng con nhớ đến Trúc Lâm đại sĩ với đôi chân trần du hóa khắp nơi, bồi đắp nền đạo đức và văn hóa dân tộc, nhớ đến Tổ khai sơn với chiếc thảo am đơn sơ, ngày ngày cuốc đất trồng rau phụng dưỡng mẹ già,….

Giây phút niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, chúng con như tiếp xúc được với tình thương của Thầy. Thầy đã trao truyền hết cho chúng con những gì Thầy có, không hề giữ lại mảy may. Con đường của nếp sống an lạc, tỉnh thức Thầy đã mở lối, chúng con chỉ cần tiếp bước chân Thầy.

Chúng con đã thiền hành một vòng quanh khu tưởng niệm. Từ học trò tại gia cho đến xuất gia, ai cũng thực tập “đi để mà đi”. Chúng con biết điều duy nhất cần làm giờ phút này là nương tựa vào bước chân hơi thở, có mặt cho Thầy. Năng lượng chánh niệm tập thể của tăng thân chế tác ra cùng với niềm thương kính trong lòng người sẽ ghi dấu lại nơi này để mỗi khi có ai đến thăm, người ta vẫn cảm được giữa không gian mênh mông sự ấm áp của tình thầy trò.

Từng cụm mây đang vân du giữa bầu trời xanh rộng lớn như hóa thân Thầy. Hóa thân ấy nhắc chúng con sống một đời sao cho thảnh thơi, in được trên đại địa những bước chân thong dong. Chúng con sẽ học theo Thầy, đến đi thong dong ở bất cứ nơi nào mà chúng con có mặt…

Thầy thương kính, chúng con có trong Thầy. Thầy có trong chúng con. Đó chính là ước hẹn mà Thầy đã trao truyền cho chúng con và chúng con đang mỗi ngày tiếp nối sự thực tập cùng Thầy:

“Sự thực tập của Thầy cũng không khác. ‘Ta vẫn còn đến đi thong dong’. Chừng nào Thầy còn đến đi thong dong (coming, going, moving around with freedom) thì Thầy vẫn còn là nơi nương tựa cho con, cho các con. Và chừng nào các con vẫn còn trở về với những bước chân thanh thản thì các con vẫn còn là chỗ nương tựa và tiếp nối của Thầy. Và tuy nhìn bề ngoài ta có thể thấy tướng đầy tướng vơi xuất hiện nhưng trong bản chất nội dung thì vầng trăng vẫn là vầng trăng, không bị ý niệm khuyết tròn che lấp. ‘Không tròn không khuyết một vầng trăng”(Thư Thầy viết ngày 22 .04 2001)

 

 

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn

“Cầm nhành dương liễu, rưới lên nước cam lộ
Trừ nóng bức làm mát mẻ nhân gian
Lắng tai nghe mà tìm tới với chúng sanh
Đem pháp nhiệm trừ khổ đau cho muôn loại
Tâm từ bi kiên cố
Tướng tự tại đoan nghiêm
Có cầu là có ứng
Không nguyện nào không thành”

Sáng nay, những giọt nước cam lộ được rưới lên khắp thất Lắng Nghe. Trời trong, khí tĩnh, thanh tịnh là khung cảnh mà thanh tịnh cũng trong lòng người. Chúng con đã cùng nhau vây quanh thất, hướng về Thầy trong Lễ Sái tịnh. Người đứng, người quỳ nhưng đều chung một lòng thành kính. Nhắm mắt lại, chúng con cảm nhận năng lượng an lành của Thầy còn lưu lại trong không gian. Lời kinh trì tụng của chư Tôn đức vang khắp núi đồi. Trong biển âm thanh huyền diệu đó, thất Lắng Nghe tựa hồ như đóa sen đang nở ra trang nghiêm đẹp đẽ giữa không khí thanh tịnh của Tổ đình.

Giữa lòng đóa sen đó đã an vị một phần sắc thân Thầy. Chúng con thấy như tăng thân đã đồng lòng đặt vào trong thất một trái tim. Giờ đây, những lúc nhớ Thầy, chúng con có một nơi để hướng về. Ngôi thất nhỏ đã trở thành một biểu tượng tâm linh chói sáng, hiện lên trong tâm trí chúng con với tất cả niềm thương kính.

Một phần của Thầy ở lại cùng chúng con nơi thế giới hiện tượng, những phần khác đã hòa chung dòng chảy với liệt vị tổ sư. Giây phút linh vị, di ảnh và y bát Thầy được rước nhập Tổ đường, chúng con thấy vòng tròn đã viên mãn. Giọt nước sau một vòng tuần hoàn nay lại trở về với cội nguồn bản thể. Thầy đã sống một cuộc đời thật đẹp, nay không còn vướng bận gì nữa.

“Giọt nước thành dòng sông thanh thản người về chơi biển lớn

Bước chân nên cõi tịnh thảnh thơi ta lên dạo đồi cao”

Thầy thanh thản ẩn tàng như lẽ tự nhiên của nhịp điệu sự sống, như mây bay, hoa nở, như sương sớm tan đi khi ánh mặt trời chiếu rọi. Đơn giản vì Thầy biết rằng không cần phải lo lắng cho chúng con nữa. Thầy là một vị thầy đầy lòng từ bi và cũng đầy tuệ giác. Những năm tháng còn bên cạnh, Thầy luôn nhắc nhở, chỉ dẫn chúng con trở về nương tựa nơi hải đảo tự thân, nơi vị thầy của chính mình. Để giờ đây, khi nghĩ về Thầy, chúng con có thương, có nhớ nhưng không có bơ vơ, lạc lõng. Dù thực tập còn yếu kém, chúng con đã bước đi được trên đôi chân của chính mình.

Bài kinh Hải đảo tự thân được nghe sáng hôm nay lại một lần nữa khiến con xúc động và biết ơn lòng từ bi của Thầy.

“…Quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi chánh pháp chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác…”

Trong khi chúng con đang nhiếp tâm nương tựa vào hơi thở, phía xa xa kia, trong màn đêm sâu thẳm, thất Lắng Nghe cũng đang đóng vai trò của một hải đảo tâm linh, tiếp tục mang thông điệp của Bụt, của Thầy truyền đạt đến thế hệ hậu lai…

 

Tiếp nhận gia tài

Ngày sinh hoạt thứ hai của Bốn chúng khép lại trong không khí ấm áp tình người, tình đệ huynh một nhà. Đại chúng đã cùng hát vang khúc ca “Giờ đây bên nhau”. Bài hát như là lời nguyện chung của cả tăng thân. Dù cho bao gian khó, ta vẫn đứng bên nhau, sánh vai và đồng lòng trong công trình giúp đời. Chỉ có chung lòng, ta mới tiếp nhận và trao truyền được gia tài Thầy để lại cho thế hệ tương lai.

Những viên ngọc quý trong gia tài của Thầy như thiền ngồi, thiền hành, thiền lạy, thiền ca,… vẫn tiếp tục được thực tập và lan tỏa không chỉ bởi những người học trò xuất gia của Thầy. Những vị đệ tử tại gia với niềm thương kính, lòng biết ơn sâu sắc cũng đặt Thầy vào lòng, mang Thầy đi về tương lai và trở thành những sự tiếp nối đẹp của Thầy.

BBT xin gửi đến tăng thân khắp chốn những dòng tâm tình của bạn Huyền Trang, một vị đệ tử tại gia của Thầy viết lại những cảm nhận của mình khi tham dự hai ngày sinh hoạt bốn chúng. Bên cạnh đó cũng xin đính kèm vài khoảnh khắc sinh hoạt của ngày hôm nay để mời tăng thân gần xa cùng hòa vào dòng chảy của Tổ đình trong những giờ phút huyền thoại.

“Sư Ông kính thương,

Thời tiết Huế mấy ngày hôm nay có mưa phùn và trở lạnh nhưng cũng không ngăn được tấm lòng chúng con hướng về chùa Tổ, cư sĩ từ khắp đất nước Việt Nam và thế giới trở về tham dự lễ Đại Tường của Sư Ông. Năng lượng ấy thật yên vui mà cũng thật hùng tráng. Vì con cảm nhận được rằng, ai ai trong chúng con cũng trân quý giờ phút được bước những bước chân thảnh thơi trên núi đồi Dương Xuân, hạnh phúc khi được gặp lại những người bạn đồng tu thân thương hay được lắng nghe những câu chuyện về Sư Ông từ Quý Thầy, Quý Sư Cô.

Con đã được thăm phòng trưng bày pháp khí và phòng thở của Sư Ông. Từng lời dạy của Sư Ông, chiếc áo khoác đã sờn cũ, bàn làm việc của Sư Ông đã được Thầy Cô tái hiện thật thân thương, gần gũi để chúng con có thể thấy được nếp sống hàng ngày của Sư Ông. Con đã ngồi thật yên trong phòng thở của Sư Ông và nước mắt cứ thế lăn dài. Những giọt nước mắt kính ngưỡng, thương yêu dành cho một vị Thiền sư có tầm ảnh hưởng quốc tế nhưng lại có đời sống rất giản dị. Sư Ông sống dung dị nhưng lại luôn bền bỉ và kiên trì gửi đi thông điệp hoà bình ngay cả trong những thời kỳ đen tối nhất. Con nhìn đâu cũng thấy trong đó là tình thương, là lòng từ bi của Sư Ông. Lòng con lắng yên và thấy được sâu sắc hình ảnh Sư Ông trong Quý Thầy Quý Sư Cô đang chấp tác dưới đồi. Con thấy Sư Ông vẫn đang có mặt đó cho chúng con, chỉ dẫn cho chúng con “về nâng sự sống trên tay”, chế tác năng lượng yêu thương để lòng ngày càng bao dung và bình an hơn.

Con đã đứng thật lâu trước bức thư pháp “Thở đi con, thật sâu, thật chậm, không sao đâu mà”. Con như nghe tiếng Sư Ông bên cạnh, được ủi an, được che chở khi trở về từ những va tổn của cuộc đời. Những người trẻ – như con – luôn mang trên mình rất nhiều kỳ vọng của gia đình, xã hội và cả của chính bản thân mình. Điều đó đôi lần khiến chúng con mỏi mệt, bế tắc, khiến chúng con mãi loay hoay mà quên đi rằng mình có quyền dừng lại. Dừng lại để tắt chiếc đài Non – stop như lời Sư Ông đã từng dạy: “Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn, vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.”

Con thấy lòng mình tràn ngập niềm biết ơn, biết ơn Sư Ông đã bao dung ôm lấy cả bùn lẫn sen, đã dành cả cuộc đời để gửi đi thông điệp “tâm an thế giới an”. Từ đó, chúng con được tắm mát trong tình thương đích thực. Con biết ơn quý thầy, quý sư cô đã tiếp nối trọn vẹn con đường đẹp của Sư Ông, hiến tặng hết lòng để chúng con có nơi chốn trở về. Con biết ơn vì mình đã được biết đến pháp môn Làng Mai, vì được dẫn lối bình an qua những hướng dẫn thực tập của Sư Ông, vì biết khi mình thở thật chậm, thật sâu, “ngồi thật vững chãi, chuyện gì cũng qua”.

Con ý thức rằng Sư Ông vẫn ở bên chúng con trong tiếng thông reo, trong làn sương sớm, trong nụ cười và trong hơi thở chánh niệm. Chỉ cần có mặt trọn vẹn thì chúng con sẽ được gặp Sư Ông trong đời sống màu nhiệm quanh mình. Như lời Thầy Pháp Ấn truyền trao trong bài pháp thoại sáng nay, khóa tu Tiếp Nhận Gia Tài là lần cuối cùng chúng con được “tay con trong tay Thầy”, sau khi Lễ Đại Tường kết thúc, chúng con sẽ là lớp kế cận nắm tay Thầy đi tiếp về tương lai – “Tay thầy trong tay con”. Sự thực tập của chúng con là món quà quý giá nhất mà chúng con có thể dâng lên Sư Ông.

Con xin dâng lên Sư Ông lòng tri ân sâu sắc vì Sư Ông đã dìu dắt chúng con với tình thương vô bờ và những bài học vô giá. Là một cư sĩ, con ý thức được rằng mình có thể tiếp nối Sư Ông bằng cách thực hành chánh niệm tinh cần hơn trong oai nghi, tác phong và suy nghĩ hàng ngày để đời sống của mình và của những người xung quanh ngày một hạnh phúc hơn.

Với lòng kính thương và biết ơn sâu sắc.

Con, Huyền Trang”

 

Hai chiếc lá đầu cành

(Thầy Chân Pháp Linh)

Trải nghiệm tương tức, niềm vui và sự không sợ hãi tại Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu lần thứ 26 (COP-26).
Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh

Bạn có nhớ khoảnh khắc bạn đi từ sự nhận thức rằng thiên nhiên đang bị tàn phá và hủy hoại đến quyết định rằng bạn sẽ hành động để chấm dứt sự hủy diệt đó không?

Khi còn bé, một trong những chốn vô cùng linh thiêng đối với tôi là khu rừng trên những triền đồi gần nhà ở miền Bắc nước Anh. Vào mùa thu, cả gia đình chúng tôi thường tới đó hái nấm. Đó là những kỷ niệm trong số những ký ức hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu của tôi. Khu rừng hoang sơ và đẹp đẽ trải xuống một thung lũng sâu uốn lượn, chạm khắc bởi một dòng nước lớn ào ạt chảy. Những chỗ tốt nhất để tìm nấm nằm hai bên bờ rêu phong dốc đứng mà bạn phải dùng tay bám chặt vào cỏ nếu không muốn ngã nhào xuống khe suối. Chúng tôi chưa từng gặp ai trong khu rừng đó. Có cảm giác như đây là chốn dành riêng cho chúng tôi vậy. Chúng tôi thường về nhà với những giỏ đầy những thứ nấm ngon lành: nấm mào gà, nấm sừng, nấm nhím và tất nhiên có cả nấm cèpes tuyệt vời! Trong trí nhớ của tôi vẫn còn sống động niềm vui đơn giản và tinh khiết khi khám phá ra những mảnh thân nấm lấp ló dưới những đám lá rụng, nép mình thật sâu trong lớp rêu dày.

Một năm nọ, chúng tôi trở lại đó và một nửa khu rừng đã không còn. Ở một phía của thung lũng, từng cái cây đã bị đốn ngã và kéo đi. Những gì còn lại trông giống như một bãi chiến trường. Ngay cả phía bên thung lũng chưa bị cắt cũng có cảm giác tổn thất, dường như những cái cây bên này đang để tang vậy. Nơi khu rừng ngã xuống, mặt đất đầy những vết sẹo rách nát do những máy móc lớn gây nên. Cả khu rừng như co rúm lại, đổ vỡ và thương tổn. Tôi cảm thấy đầy giận dữ và hoang mang. Làm sao có người lại làm điều này được? Tại sao người ta có thể tàn phá thánh đường xanh kỳ diệu này và để lại đằng sau một bãi đất hoang như vậy?

 

 

Nhìn lại, tôi thấy rằng đó là những giây phút then chốt để tôi bước từ sự nhận thức rằng thiên nhiên đang bị tàn phá và hủy hoại, tới quyết tâm hành động để dừng lại sự hủy diệt môi sinh. Tôi nhất định tìm ra con đường để chúng ta có thể sống mà không phải cắt bỏ ngay cành cây mà chúng ta đang ngồi lên. Lần đầu tiên tôi nghe nhắc đến cụm từ “hâm nóng địa cầu” là năm tôi khoảng 12 tuổi

Kể từ đó, cuộc sống của tôi luôn đi cùng ý thức về sự gia tăng nhanh chóng quá trình hủy hoại đất Mẹ của chúng ta. Đối diện với mối đe dọa khổng lồ như vậy, trong suốt nhiều năm tôi đã gắng sức tìm cách tạo ra một sự thay đổi, và tôi đã bị thuyết phục rằng nền văn minh của chúng ta đang thực sự diệt vong. Chỉ tới khi tôi gặp Thầy và tăng thân, tôi mới bắt đầu nhìn ra hướng đi.

Chúng ta biết rằng khí hậu trên trái đất đang thay đổi nhanh chóng. Có lẽ chúng ta đã làm mất đi sự cân bằng mong manh của những điều kiện cho phép chúng ta phát triển như một giống loài trong suốt 12.000 năm qua. Một sự mất cân bằng không cứu vãn nổi. Chúng ta đã và đang nhìn thấy những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây căng thẳng lên mọi mặt của thế giới, làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhất là cho những ai trên bờ vực đói nghèo. Điều đó đang xảy ra ngay bây giờ.

Đây là một phần lớn trong quyết định trở thành tu sĩ của tôi. Tôi nhận ra rằng đối với loài người, những năm tháng mà chúng ta còn có thể lấy từ đất Mẹ sắp đến hồi kết. Câu hỏi duy nhất đối với tôi là chúng ta cần hành động như thế nào ngay bây giờ, khi biết rõ những gì sẽ tới?

Trải qua một thời gian thực tập cùng quý thầy, quý sư cô tại Làng Mai và nghe pháp thoại của Thầy, tôi bắt đầu hình dung thế giới sẽ ra sao nếu càng ngày càng có nhiều người được chỉ dạy và thực hành nghệ thuật sống bình an. Không cần phải lựa chọn đứng về phe nào trong những cuộc tranh chấp, họ sẽ chia sẻ đến mảnh lương thực cuối cùng, sẽ mang tình thương và tha thứ đến xoa dịu giận dữ và sợ hãi, sẽ biết giúp người khác chữa lành những vết sẹo từ nhiều loại thương tích. Và trên tất cả, tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh của một nhóm người thực hành nghệ thuật sống như một tăng thân.

Thầy luôn chỉ ra một cách rõ ràng rằng đưa tuệ giác tương tức ứng dụng vào đời sống có thể giúp nền văn minh của chúng ta chuyển hướng khỏi tình trạng bị phá hủy hiện nay. Đó là tuệ giác về Không, tuệ giác có thể giúp chúng ta chặt đứt những ràng buộc đối với khổ đau của chính mình – những phiền não đang che mờ mắt chúng ta, đưa chúng ta vào một lối sống bị dẫn dắt bởi cạnh tranh và ích kỷ. Nhưng nhiều khi cái thấy này có vẻ xa vời, trừu tượng hoặc không thực tế. Tôi đã từng nghĩ về nó như một điều mình chỉ có thể thực hiện được sau rất nhiều thập kỷ thực tập, thậm chí như cái gì đó mà tôi không thể nào đạt được trong kiếp sống này.

 

TED Countdown Summit. ©Ryan Lash

 

Giờ đây, nhất là sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, tôi nhận ra rằng chúng ta hiện đang sống trong tuệ giác này rồi. Tuệ giác ấy được xây dựng trong chính cuộc sống của tăng thân. Chính tuệ giác mang tính ứng dụng này là cái mà chúng ta có thể hiến tặng cho thế giới.

Vào tháng 10 năm 2021, thầy Pháp Hữu, sư cô Lăng Nghiêm, sư cô Hiến Nghiêm và tôi đã tham dự sự kiện TED Countdown Summit (Diễn đàn sáng kiến toàn cầu hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp cho biến đổi khí hậu) tại Edinburgh. Đó là một sự kiện được thiết kế để gây cảm hứng và chuẩn bị cho Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) sẽ diễn ra vài tuần sau đó tại Glasgow. Khi quay về Làng Mai, tất cả chúng tôi đều tập trung tham dự trở lại khóa An cư hàng năm. Nhưng vì rất nhiều người được đánh động bởi sự có mặt của các xuất sĩ tại Edinburgh, nhất là bởi bài thuyết trình của sư cô Hiến Nghiêm, nên người ta cũng muốn mời chúng tôi tới cả Glasgow nữa. Chúng tôi đánh giá nhanh tình hình và đồng ý cử hai người đại diện cho tăng thân tham dự sự kiện lịch sử này.

Khi quyết định được đưa ra, bỗng nhiên tôi thấy mình phải đối diện với chuyện tham dự COP-26, và thật ra điều này làm tôi hơi lo ngại. Chúng tôi sẽ nói gì đây? Chúng tôi có thể thực sự hiến tặng điều gì, giúp được gì? Tôi không có ý gì hết. Chúng tôi thậm chí không biết rõ rằng chúng tôi sẽ làm gì tại đó. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy ngọn lửa của nguyện ước từ khi còn là một cậu bé vẫn ở trong trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi đã tìm kiếm con đường có thể giúp chuyển hướng những khủng hoảng của hiện tại và tương lai mà chúng ta đang phải đối mặt. Và giờ đây chúng tôi có một cơ hội để cống hiến.

Chỉ vài ngày ngắn ngủi sau đó tôi thấy mình đã ở Glasgow, hội ngộ với thầy Pháp Dung – người y chỉ sư, người thầy, sư anh và người bạn thực sự trên con đường thực tập của tôi. Thật vui khi được kết nối lại và chia sẻ với nhau niềm hứng khởi trong khi cùng bàn bạc những nội dung, những Pháp vị nào chúng tôi muốn hiến tặng.

Tại Edinburgh, tôi nhận ra điều đánh động mọi người nhất là được thấy cách chúng tôi – các xuất sĩ Làng Mai – vận hành như một thể thống nhất, như một cơ thể. Càng trao đổi với nhau, thầy Pháp Dung và tôi càng thấy rõ điều mà chúng tôi có thể tự tin để chia sẻ là sự thực tập tương tức trong tăng thân và tình huynh đệ. Thế giới đang bị hủy hoại bởi chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh và tham lam. Thuốc chữa cho căn bệnh đó là tuệ giác sống động về tương tức. Bởi vậy, chúng tôi đã nguyện làm hết sức mình để sống với tuệ giác ấy.

Ý thức rằng chúng tôi không chỉ là hình tướng mà mọi người nhìn thấy, chúng tôi đã nguyện có mặt tại Hội nghị như hai chiếc lá non trên cây đại thụ mà không phải là những cá thể riêng lẻ. Chúng tôi không chỉ là hai người anh em, chúng tôi là cả cái cây, là những cái rễ, là cả một mạng lưới đang liên kết toàn bộ khu rừng. Bất cứ khi nào không biết phải nói gì hay làm gì, tôi lại hết lòng thắp sáng ý thức ấy, kết nối mình với tăng thân, với các huynh đệ, với Thầy, với tổ tiên tâm linh, và với đất Mẹ. Sau đó mọi việc đều trở nên dễ dàng.

Trong khi chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị, chúng tôi rất hạnh phúc khám phá ra rằng tuệ giác tương tức và tương nhập cũng đang dần lớn lên mạnh mẽ trên thế giới. Thực tế, trong phong trào chống biến đổi khí hậu, hầu như mỗi người đều biết đó là con đường cần đi tới. Nhưng tôi nhận ra rằng, đối với nhiều người, tuệ giác này mới chỉ dừng lại ở mức độ trí năng mà chưa được truyền tải vào cách sống của họ. Họ hiểu nguyên tắc tương tức, nhưng họ vẫn đang sống như một cá nhân riêng lẻ, như một cá thể phải kiếm sống, phải gây dựng danh tiếng cho bản thân qua một sự nghiệp và tên tuổi. Nhưng may mắn là khi được thấy tuệ giác này có thể áp dụng như thế nào thông qua một ví dụ thực tiễn thì họ hiểu ngay lập tức. Bạn chỉ cần nhẹ nhàng khơi mở là họ đã sẵn sàng tiếp nhận rồi. Thật là một tin tốt lành!

 

Gặp gỡ với Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore

 

Niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày ở Glasgow là hiểu ra rằng Thầy đã cho chúng ta mọi thứ cần thiết để giúp những người ở đây bước một bước đi tới. Trong tăng thân, chúng ta được chỉ dạy cách sống cùng nhau và nương tựa vào nhau. Tính tương tức được thể hiện rất sống động trong mọi cấp độ của đời sống tăng thân, trong cách giảng dạy cũng như trong sự thực tập. Tất cả những gì chúng ta cần làm để trao truyền tuệ giác tương tức là tiếp tục những gì chúng ta đang làm.

Mọi người trong Hội nghị không thể nào chỉ ra giữa tôi và thầy Pháp Dung ai là “sếp”. Họ biết thầy Pháp Dung là sư anh lớn, cho nên lúc đầu họ nghĩ tôi ở đó để làm việc hậu cần xung quanh và thầy sẽ cho tất cả các bài pháp thoại. Nhưng chúng tôi không vận hành như vậy. Mỗi buổi tối chúng tôi sẽ cùng nhau “nấu Pháp”, thảo luận về những gì mà chúng tôi cảm nhận là có hiệu quả, quán chiếu những gì cần điều chỉnh lại, và tìm cách chia sẻ cái thấy của chúng tôi một cách thích hợp. Ngày hôm sau, dù tuệ giác đó do ai chia sẻ đi nữa thì người còn lại cũng không hề có cảm giác rằng “Ồ, tại sao anh lại nói cái ý của tôi, đó là cái thấy của tôi mà!”

Thực sự chúng tôi giống như một cơ thể với hai cái miệng vậy. Chúng tôi tuy hai mà là một, và mọi người đều có thể cảm nhận được điều đó. Trong hội nghị, chúng tôi không làm bất cứ điều gì đặc biệt, chỉ làm những gì chúng tôi được học, được thực tập bình thường tại Làng Mai. Nhưng điều đó đã làm nên một sự tương phản với phần lớn những gì thế giới đang vận hành. Điều này thực sự đã đánh thức mọi người. Họ bắt đầu xem xét tương tức không chỉ như một khái niệm mà là một điều chúng ta có thể sống với.

Một buổi sáng khi thức dậy, tôi cứ mỉm cười hoài. Lòng tôi tràn ngập niềm biết ơn Thầy. Tôi biết ơn vì tăng thân có một cái gì đó để hiến tặng cho Hội nghị lịch sử này và cái mà mình hiến tặng thực sự mang lại hiệu quả! Thầy đã chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo. Thầy trao truyền cho chúng ta những cách thức giảng dạy và thực hành có thể giúp đem lại hiệu quả ngay lập tức. Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất. Tôi chia sẻ cái thấy giản dị này với thầy Pháp Dung và niềm vui cứ lớn thêm lên, phản chiếu qua lại giữa chúng tôi trong khi chia sẻ.

Niềm vui đơn sơ đó cũng là một phần mà chúng tôi đã hiến tặng tại Hội nghị. Có biết bao nhiêu người đang chìm ngập trong tuyệt vọng và lo buồn, đặc biệt trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Họ là những người biết rõ hơn chúng ta rằng môi trường đang trong tình trạng thực sự tệ hại đến mức nào. Càng biết nhiều thì họ càng thấy tình trạng có vẻ tồi tệ hơn. Tại COP-26, cảm giác “chúng ta sắp hết thời gian” và “có lẽ đã quá trễ rồi” là một tâm thức cộng hưởng rất mạnh. Rất nhiều lần, mỗi khi chúng tôi tiếp xúc với ai đó, chỉ trong vòng vài giây họ có thể vỡ òa trong nước mắt. Không phải bởi vì họ sầu khổ, mà bởi vì họ có thể nhận ra và cảm được niềm vui của chúng tôi, sự có mặt của chúng tôi và niềm vui của tăng thân được hiển lộ qua chúng tôi.

Họ có thể thấy được tận mắt rằng chúng tôi đang thực sự sống cái giải pháp mà họ đang kiếm tìm, và ngay lập tức điều đó mang lại cho họ niềm hy vọng. Niềm vui của chúng tôi trở thành niềm vui của họ và họ có thể tiếp tục những công việc của họ bằng một con đường mới. Họ đã khóc những giọt nước mắt nhẹ nhõm, vì giờ đây họ hiểu rằng sống với tuệ giác tương tức là điều có thể làm được, mà không phải chỉ là một giấc mơ cho tương lai.

Họ còn cảm động vì chúng tôi hầu như không sợ hãi trước những khổ đau của họ. Khi có người chia sẻ nỗi niềm của họ, chúng tôi đã có thể lắng nghe mà không cảm thấy bị ngập chìm trong đó. Và ít hay nhiều, chúng tôi cũng biết cách giúp họ ôm ấp được cảm thọ và tâm hành của mình. Mà điều đó có được chỉ bởi vì chúng tôi đã từng có kinh nghiệm đối mặt, chăm sóc cho khổ đau của chính mình.

 

Chia sẻ về thiền tập do The New York Times Climate Hub tổ chức. ©Craig Gibson

 

Mỗi một bước nhỏ chúng ta làm được trên con đường chuyển hóa đều trực tiếp liên hệ tới những gì mà chúng ta có thể hiến tặng cho người khác. Chúng ta có thể ôm ấp được nỗi buồn hay sự hoang mang của chính mình. Chúng ta có thể thở được một hay hai hơi thở làm êm dịu cảm giác tổn thương, thay vì phản ứng lại. Chúng ta có thể thở trong khi đi qua cảm giác lo âu hay cảm giác mình là nạn nhân và giải thoát chính mình khỏi những cảm giác lo âu hay sợ hãi đó… Dù mỗi lần chúng ta chỉ làm được chút xíu thôi thì sự tự tin và không sợ hãi đều biểu hiện khi chúng ta có mặt cho những ai đang đau khổ. Chúng ta biết mình có thể chuyển hóa nỗi đau của mình nên người khác cũng có thể làm như vậy. Người kia có thể cảm nhận được điều đó và khi họ nhận được sự không sợ hãi của chúng ta là họ đã thấy nhẹ nhõm rồi.

Sự chuyển hóa của tự thân là một sự hiến tặng. Và khi cùng đi với nhau như một tăng thân, chúng ta có thể hiến tặng rất nhiều. Tất cả chúng ta đều đã và đang chuyển hóa ít nhiều, dù đôi khi ta cảm giác là chưa đủ, dù cho chúng ta vẫn còn khổ đau lúc này lúc khác. Cùng với nhau như một cộng đồng, chúng ta trao truyền những kinh nghiệm thực chứng về chuyển hóa khổ đau, và điều đó có giá trị hơn bất cứ điều gì khác mà thế giới đang cần ngay lúc này.

Tại Glasgow, cả thầy Pháp Dung và tôi đều cảm thấy rất may mắn khi được làm công việc này ngay trong kiếp sống này: làm nên sự khác biệt, chỉ bằng cách sống như một tế bào trong tăng thân. Ý thức về khổ đau trên thế giới và ý thức rằng khổ đau có thể tăng bội phần trong những năm tới đây, thật là một điều vô cùng may mắn khi nhận ra rằng chúng ta có thể làm một điều gì đó, và cùng với tăng thân, chúng ta có thể làm được rất nhiều.

Tiếng chuông chánh niệm

(Thầy Chân Pháp Dung)

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Có một đêm, tôi đã mơ thấy Thầy thỉnh chuông mời gọi tất cả chúng ta quay về với giây phút hiện tại. Khi thức giấc, tôi hình dung ra bức tranh như các bạn đang thấy. Khi Thầy thỉnh chuông, ta có thể thấy không chỉ có một bàn tay mà có nhiều bàn tay cùng chuyển động, hòa quyện vào nhau, mỗi bàn tay nâng một nhạc cụ khác nhau.

 

Tác phẩm của thầy Pháp Dung

 

Tôi đã vẽ bức tranh trong những ngày bạo động đang xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol). Một lần nữa, người dân Mỹ phải chứng kiến mặt trái của xã hội mà họ đang sống. Tôi cảm thấy buồn cho những người đang phải đảm đương trọng trách lãnh đạo và đoàn kết toàn dân trong một đất nước đang bị chia rẽ trầm trọng. Do vậy, thực hiện tác phẩm này đã trở thành niềm an ủi và trị liệu cho tâm hồn, giúp tôi xoa dịu niềm đau khi nghĩ về đại gia đình nhân loại. Nhìn sâu về cuộc đời Thầy và những khổ đau, chia rẽ mà Thầy đã đi qua, trong tôi trào dâng một ước muốn mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đó là giúp Thầy thực hiện giấc mơ xây dựng những cộng đồng sống chánh niệm trong đó mọi người thuộc tất cả các tầng lớp xã hội có thể sống hài hòa với nhau, cho dù có những khác biệt về quan điểm và giá trị sống.

Cả ngày hôm ấy, trong tôi luôn đi lên hình ảnh bàn tay Thầy và tiếng chuông vang vọng. Tôi cầu nguyện cho những người con của đất nước này, từ thành thị sầm uất tới miền nông thôn hẻo lánh, đến tận những vùng núi hiểm trở xa xôi. Tôi hướng năng lượng an lành của tiếng chuông đến mọi người. Mong cho những ai đang cảm thấy lạc lõng tìm được bình an. Mong cho trái tim họ được lắng dịu và tâm hồn họ được thảnh thơi. Mong cho hận thù, trách móc, chia rẽ (vì tri giác sai lầm) trong lòng người được vơi nhẹ.

Nhiều năm trước, trong một bài pháp thoại Thầy có kể về một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Thầy là sinh viên của một trường âm nhạc danh tiếng. Hôm ấy, Thầy và các sinh viên phải chơi một loại nhạc cụ tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp. Thầy hơi bối rối, không biết phải vượt qua kỳ thi này như thế nào vì chưa bao giờ Thầy chơi nhạc cụ. Tới lượt mình, Thầy vừa hồi hộp nhìn mọi người vừa đưa tay vào túi áo, và bất ngờ Thầy chạm phải một vật bằng kim loại. Đó chính là cái chuông nhỏ mà Thầy vẫn thường mang theo.

Thầy đã được dạy cách thỉnh chuông và trong chùa ngày nào Thầy cũng dùng đến nó. Ngay lúc đó, Thầy chợt nhận ra cái chuông cũng là một nhạc cụ. Rồi Thầy lấy chuông ra, nâng chuông trước thính chúng và thỉnh lên một tiếng như Thầy đã làm trong suốt cuộc đời mình. Âm thanh của tiếng chuông ngân vang khắp khán phòng, đem lại nguồn năng lượng an lành, thanh thoát cho người nghe.

 

 

Rồi Thầy quay người về phía cánh cửa khán phòng, háo hức chờ vị thầy của mình xuất hiện. Khi vị thầy sắp sửa đi vào thì Thầy lại tỉnh giấc. Cho dù Thầy chưa kịp nhìn thấy bóng dáng vị thầy của mình nhưng, chắc hẳn trong lòng, Thầy vẫn biết người đó là ai. Thầy đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này vài lần rồi và lần nào Thầy cũng bỏ ngỏ câu trả lời. Ai là người thầy trong giấc mơ đó? Thầy để chúng ta chủ động tham gia vào câu chuyện và tự tìm ra lời giải cho bản thân. Có lẽ vì thế mà câu chuyện đã ăn sâu vào tâm trí rồi biểu hiện trở lại trong giấc mơ của tôi.

Tôi hoàn tất bức vẽ vào cuối ngày làm biếng, thứ Hai- 18 tháng Giêng, đúng ngày tưởng niệm Mục sư Martin Luther King. Vì vậy, tôi đã thành tâm dâng tặng bức vẽ này để tưởng nhớ mối thâm tình giữa Thầy và Mục sư King. Cả hai vị đều có chung hoài bão xây dựng “cộng đồng yêu quý” trên khắp địa cầu, nơi mà mọi người đều xem nhau như anh em một nhà. Phía dưới bức tranh, tôi viết:

Nguyện tiếng chuông này làm vơi nhẹ niềm đau trên thế gian. Nguyện người nghe tỉnh giấc, vượt thoát ảo tưởng về một cái ngã riêng biệt.

May the sound of this bell bring relief to the world. May the hearers awake from their delusion of a separate self.

Trong khi viết những dòng chữ này, tôi nghĩ đến sự nghiệp làm mới đạo Bụt mà Thầy trao truyền cho chúng ta. Thầy đã hết lòng làm lan tỏa trên thế giới thông điệp về ý nghĩa của tiếng chuông, cũng như sự thực tập thỉnh chuông và lắng nghe chuông. Có biết bao nhiêu bài pháp thoại Thầy đã giảng về đề tài này. Thầy đã phát triển một cách cụ thể pháp môn thực tập dừng lại mọi hành động của thân, miệng, ý và hướng sự chú tâm hoàn toàn đến hơi thở trong khi nghe chuông. Trước đó ở các chùa, chuông chủ yếu được dùng trong tán tụng, lễ lược. Ý nghĩa và tầm quan trọng của tiếng chuông chưa được nhấn mạnh. Con người của đời sống hiện đại có xu hướng chạy theo và nắm bắt một đối tượng ở tương lai. Chúng ta không còn khả năng an trú trong giây phút hiện tại, lúc nào đầu óc cũng bị chi phối bởi quá nhiều suy tư. Vì vậy, sự thực tập dừng lại và lắng nghe chuông mà Thầy hướng dẫn có ý nghĩa như một liều thuốc để đối trị với căn bệnh phóng thể của thời đại.

Thầy còn dạy ta áp dụng sự thực tập nghe chuông đối với tiếng chuông đồng hồ. Ở hầu hết các trung tâm của Làng Mai, đều có đồng hồ treo tường. Mỗi mười lăm phút, khi chuông đồng hồ vang lên, mọi người đều dừng lại mọi hành động, lặng yên theo dõi hơi thở vào ra và thầm niệm: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Trong giây phút ấy, ta an trú trong hiện tại và nhận ra mình đang sống là một điều mầu nhiệm.

 

 

Để tiếp nối gia tài mà Thầy đã trao truyền, trong giây phút này, tôi xin mời các bạn hết lòng thực tập nghe chuông, dù bạn đang ở nhà, ở nơi làm việc hay ở bất cứ nơi nào. Các bạn có thể đặt trong phòng khách hay nhà bếp một chiếc đồng hồ treo tường có chuông báo. Các bạn còn có thể cài đặt tiếng chuông vào máy tính hoặc điện thoại thông minh để có thể giúp bạn dừng lại trong cuộc sống thường nhật đầy bận rộn.

Trong lúc dừng lại, các bạn có thể nhắm mắt và thầm đọc bài kệ nghe chuông để trở về với ngôi nhà đích thực trong mình và hình dung tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới cũng đang thở cùng bạn. Nguồn năng lượng bình an, yêu thương mà mỗi người chế tác đang kết nối chúng ta lại với nhau. Đây không phải là một điều gì huyền bí, cũng không phải là một sự tưởng tượng. Hiệu quả mà sự thực tập này mang lại là có thật. Bạn thực tập thì bình yên liền có mặt, những người gần bạn hay chỉ là những người đi ngang qua, thậm chí những người bạn không hề biết đến, họ cũng thừa hưởng được năng lượng an lành từ bạn.

Năng lượng mà chúng ta tạo ra trong không gian vẫn luôn có đó mà không hề mất đi. Những tư tưởng mang lòng yêu thương và sự chấp nhận trong lòng chúng ta cũng vậy. Một gợn sóng nhỏ trên mặt hồ cũng tạo ảnh hưởng đến xung quanh.

Vì vậy, tôi xin mời các bạn hãy cùng chúng tôi duy trì nguồn năng lượng tập thể tích cực này để chúng ta thay đổi những năng lượng tiêu cực đang hiện hữu ngoài kia. Hãy giữ cho con tim ta đủ sức mạnh để ôm lấy những giận dữ đang có mặt trong cuộc đời. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng được một cộng đồng đầy yêu thương, mang đến sự đổi thay và góp phần vào sự thức tỉnh chung của toàn nhân loại.

Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong

(Sư cô Chân Chuẩn Nghiêm)

Vừa về đến phòng tôi đã nhìn thấy gói bánh crêpe để trên bàn. Nhìn nét chữ quen thuộc không thể lẫn vào đâu, tôi biết ngay ai là người gửi. Cầm gói bánh lên mời sư chị cùng phòng, tôi không quên nói thêm: Tại Nghiêm gửi quà cho em chị ạ. Nét chữ của Tại Nghiêm đây mà.

Tôi qua Học viện EIAB đã hơn hai năm. Học viện và Làng không cách xa nhau lắm nên thỉnh thoảng vẫn có quý thầy, quý sư cô đi qua đi lại để làm giấy tờ cũng như những công việc khác. Mỗi khi có xe qua về thì việc diễn ra đầu tiên là… gửi quà và nhận quà. Tôi xưa nay ít gửi quà cho ai nhưng lại được nhận rất nhiều quà từ các sư em, sư chị đến quý sư mẹ Bảo Nghiêm, sư mẹ Từ Nghiêm, sư cô Tuệ Nghiêm… Tôi càng thêm thấm thía câu: tình thương không cần điều kiện. Tôi rất trân quý tình thương này và thầm nhắc: mình cũng cứ thương các sư em như quý sư mẹ, quý sư cô lớn đã thương mình, dù cho sư em đó có những tính cách nhiều khi làm mình chưa được hài lòng lắm.

Nhớ về Làng, về xóm Mới, từng khung trời tươi đẹp như hiện về trong tôi.

Sân Chim

 

 

Thời gian tôi ở Làng chỉ vẻn vẹn sáu năm, kém hai ngày. Ngày đầu tiên đặt chân đến xóm Mới đúng kỳ làm biếng của đại chúng sau khóa tu mùa Hè nên chị em từ Việt Nam mới qua được tha hồ ngủ. Vì chưa quen giờ nên mấy ngày đầu tôi thường đi ngủ sớm. Nhớ một hôm, khi tôi cùng các chị em vừa buông mùng nhưng chưa ngủ thì nghe tiếng sư mẹ Bảo Nghiêm và sư mẹ Thoại Nghiêm. Hai sư mẹ ghé thăm chị em chúng tôi nhưng thấy đã tắt đèn, buông mùng nên hai sư mẹ đi về. Tôi nghe hai sư mẹ nói với nhau: “Các sư em mới qua nên chưa quen giờ. Thôi mình về cho các sư em ngủ”. Nghe quý sư mẹ nói vậy tôi đã dễ ngủ thì ngủ lại càng thêm ngon.

Nghe kể là vì cái sân có nhiều chim nên quý sư cô tự nhiên đặt tên cho nó là Sân Chim. Tôi thấy đây là nơi vui nhất ở xóm Mới, làm cho tôi nhớ đến câu thành ngữ: đất lành chim đậu.

Sân Chim là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt thật vui và nuôi dưỡng tình huynh đệ. Tôi nhớ mãi những buổi trưa của ngày quán niệm tại xóm Mới. Lâu lâu, nhân dịp nào đó thì đại chúng lại được cùng nhau ngồi quây quần quanh đống lửa đã được chuẩn bị sẵn ở giữa sân thưởng thức tô bún nóng, hơi cay trong tiết trời se lạnh. Lại còn có bánh tráng quết nước tương nướng trên than hồng, ăn giòn tan và thơm phức. Rồi những bữa cơm picnic, chị em cùng nhau quây quần quanh một chiếc bàn tròn cùng ăn và kể chuyện đông tây cho nhau nghe.

Sân Chim cũng có một cái xích đu đặt dưới gốc cây đoàn đã nhiều tuổi, đứng khiêm tốn ở góc sân nhưng cho nhiều bóng mát. Tôi thích nhất là những buổi trưa trong khóa tu mùa Hè. Sau khi đi quán niệm từ xóm khác về, tôi chưa về phòng liền mà vào tủ đá của đại chúng lấy một cây kem (tôi thích loại kem đá, nhiều màu sắc) rồi ngồi xích đu, nhâm nhi cây kem mát lạnh. Ăn mà ăn rất từ từ vì sợ cây kem đó hết. Viết đến đây tôi thấy thèm kem quá chừng. Bây giờ tôi đang ở xứ lạnh, ăn kem không được vì ăn vào là bị ho. Tôi đành cất những kỷ niệm tuổi thơ vào trong ký ức.

Tôi nhớ có một lần đang đi thì bất ngờ gặp Sư Ông ở phòng Telephone khi Sư Ông qua xóm Mới. Tôi vừa vui vừa bất ngờ nên chỉ biết chắp tay chào. Sư Ông nhìn tôi cười và hỏi: “Con đang đi đâu đấy? Thôi, bây giờ con dẫn Thầy đi. Thầy muốn đi ra Sân Chim. Thầy không biết đường. Đây là nhà con mà.”

Tôi chỉ biết nhìn Sư Ông, mỉm cười rồi chắp tay xá và đi trước để mở cửa cho Sư Ông. Từ chỗ đó ra tới Sân Chim thì phải qua hai lần cửa. Thế là tôi có cơ hội mở cửa cho Sư Ông được tới… hai lần! Sư Ông đi dạo quanh xóm Mới và tôi lẽo đẽo đi theo cho tới khi Sư Ông vào lại phòng. Trước khi vào phòng, Sư Ông đã quay lại nhìn tôi mỉm cười và nói: “Cảm ơn con, người dẫn đường.” Tôi cúi đầu, chắp tay xá Sư Ông mà không suy nghĩ gì cả vì tôi lẽo đẽo đi theo Sư Ông mà! Nhưng bây giờ nhớ lại tôi mới thấy rõ, hình như trong câu nói đó, Sư Ông muốn gửi gắm cho mình một điều gì đấy. Tôi nhận ra rằng hễ có cơ hội là Sư Ông lại trao truyền và gửi gắm cho đệ tử những tâm nguyện thật thâm sâu.

Đến khi không còn khỏe, Sư Ông vẫn qua xóm Mới. Tôi nhớ lần ấy, giờ cơm trưa, cũng tại Sân Chim, thầy trò ngồi quây quần bên nhau dưới bóng mát của cây linden. Sư Ông ngồi nhìn các con, và các con có mặt cho Sư Ông. Sư Ông không nói gì cả nhưng qua ánh mắt của Sư Ông thì tôi biết là Sư Ông đã nói thật nhiều. Thầy thị giả rất dễ thương, đã mời Sư Ông ngồi xích đu. Lúc đó, tôi thấy ánh mắt Sư Ông đang cười.

Sau bữa cơm trưa, các sư con đi theo sau Sư Ông cả một hàng dài, tiễn Sư Ông ra xe về lại Sơn Cốc. Quý sư cô và chị em chúng tôi chẳng ai nói với ai câu nào nhưng tôi biết là chúng tôi đều mang chung một tâm niệm: mong Sư Ông có thêm nhiều sức khỏe.

Hồ sen

 

 

Một điều đặc biệt ở Làng là xóm nào cũng có hồ sen, và tôi thấy hồ sen nào cũng có hình trái tim. Xóm Thượng đặc biệt hơn vì có hai hồ sen. Cứ hè về là xóm nào cũng có sen thơm dâng Bụt. Thiền sinh về Làng vô cùng hạnh phúc vì được ngắm hoa sen ngay từ tuần đầu tiên của khóa tu mùa Hè. Sen nở nhiều, vậy là có trà ướp sen. Ở tận EIAB nhưng tôi cũng nhận được trà sen từ Làng. Thưởng thức từng ly trà thơm ngát, tôi biết ơn huynh đệ thật nhiều.

Gia đình xuất gia của tôi được Sư Ông đặt tên là Sen Trắng. Khi còn ở Bát Nhã tôi đã được nghe kể xóm Thượng có một hồ sen trắng, hoa rất to. Đúng thật. Khi qua Làng, vào mùa sen, những ngày quán niệm tại xóm Thượng tôi không quên đi ngắm hoa sen.

Hồ sen Hồng tại xóm Mới nhỏ nhất so với hồ sen các xóm. Có một chiếc cầu tre nho nhỏ bắc ngang qua. Khi những bông sen đầu tiên đã nở, chị em chúng tôi thường ra ngồi ngắm sen, uống trà và kể chuyện cho nhau nghe. Đẹp làm sao khi ánh nắng mặt trời chiếu vào những đóa sen còn đọng những giọt sương. Những câu chuyện thường ngày nhưng nuôi dưỡng đời tu. Tôi thấy thật rõ rằng chị em nuôi nhau là đây.

Trẻ em cũng rất thích và biết chơi với lá sen. Những năm chưa có đại dịch covid, mùa hè là mùa các em nhỏ rất hạnh phúc được ba mẹ đưa về Làng. Tôi thấy các em xin hái vài lá sen gần bờ, đổ nước vào và chơi với nhau. Lá sen cũng giống như lá khoai môn, không bị thấm nước ra ngoài. Thế là các em chơi với nhau suốt cả buổi trò lá sen đựng nước. Niềm vui của các em chỉ giản đơn vậy thôi nhưng lại là cả bầu trời tuổi thơ tươi đẹp.

Nhắc đến hồ sen làm tôi nhớ đến Sư Ông. Sư Ông có thể trở về với tuổi thơ bất cứ lúc nào. Mùa đông ở Làng, khi hồ sen bị gđóng băng trên mặt Sư Ông rất thích. Đang đi, Sư Ông dừng lại và ngồi xuống cạnh hồ sen để cầm miếng băng lên. Sư Ông thường hay dạy mây, tuyết và nước đều là một và thiên nhiên đã cho tôi thấy thật rõ điều này. Bây giờ tôi đang ở EIAB, tuyết rất nhiều. Đôi khi tôi cũng bắt chước Sư Ông, nghịch một chút để chơi với tuyết và với huynh đệ.

Món quà Noel đặc biệt

Không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại nhớ về món quà Noel này. Có lẽ tại vì tôi cứ thèm ăn kem mà đâu dám ăn. Đó là Noel đầu tiên của tôi ở Làng, tôi nhận được rất nhiều quà. Trong số quà đó có một phần quà mà tôi phải đi theo chỉ dẫn được viết trong tấm thiệp thì mới nhận được. Khi đọc lời chỉ dẫn, tôi thấy mình như đang đi tìm kho báu: nào là từ phòng em, qua phòng Telephone, ra Sân Chim rồi đi vào kho, đi vào góc trong cùng, rồi mở tủ đá… sẽ có một phần quà có tên em trong đó. Quả thực lúc ấy tôi rất hạnh phúc vì đã tìm ra được quà. Đó là cả một hộp kem với rất nhiều cây kem nhiều màu sắc. Có lẽ tôi thích kem từ dạo ấy. Tôi rất biết ơn sư chị đã tặng quà cho tôi theo kiểu đặc biệt như thế. Tôi rất ấn tượng. Thế nhưng tôi lại chưa tặng quà theo cách đó cho ai bao giờ.

Vài năm sau, cũng một mùa Noel tôi đã nhận được tới chín đôi tất. Tôi hiểu ra vì sao tôi lại nhận được nhiều như thế. Đó là vì tôi đã mang đôi tất có vá ở gót một tí. Thực ra là vì tất còn tốt mà bị rách một ít, nếu bỏ đi thì hơi tiếc nên tôi mới lấy kim chỉ vá nó lại. Rồi tôi mang đi ngày quán niệm ba xóm một cách rất bình thường. Ai dè, con mắt của tăng thân thật sáng. Tôi vô cùng biết ơn huynh đệ đã dành thật nhiều tình thương cho tôi.

Khi tôi đang ngồi lạch cạch những dòng chữ này thì cũng sắp tới Noel. Tôi sẽ dành tình thương cho huynh đệ – tình thương như tôi đã được nhận. Tôi thấy thương tất cả các anh chị em, vì có huynh đệ cho nên mới có tôi. Chúng ta là con một nhà, cùng mang một màu áo, cùng đi chung một con đường, cùng chung một lý tưởng. Thương lắm áo nâu ơi!

Con là người có phước

Nhìn lại chặng đường 13 năm xuất gia, tôi thấy mình may mắn lắm. Tôi vẫn tin là nhờ vào phước đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà tôi có phước duyên được gặp tăng thân, được làm học trò của Sư Ông. Làm một người tu là tôi thấy hạnh phúc nhất.

Sáng nay, ngày xuất sĩ, tôi được cùng đại chúng nghe pháp thoại DVD vào ngày 18 tháng 2 năm 2002 của Sư Ông. Tôi thấy thấm thía quá và mong mình có thể thực tập thành công. Tôi xin phép được trích ra đây một vài lời mà Sư Ông dạy, cũng là để cho tôi mở ra đọc khi thấy cần quay trở về với sự thực tập.

“Khi mình có một sư em dễ thương, có tâm chí tu học thì mình là một người sư chị có phước! Phải như vậy không? Bây giờ Thầy muốn hỏi, ở đây có bao nhiêu sư chị có phước? Có người nào không có phước không? Mình là sư anh, mình là sư chị, thế nào ít nhất mình cũng có một vài sư em có hạnh phúc và dễ thương, biết tu học.

“Tất cả chúng ta đều là sư anh, sư chị, chỉ trừ có một người thôi, đó là sư út Chân Pháp Hữu. Nhưng mà trong vòng bốn tháng nữa thì mất chức sư út. Thầy muốn hỏi một câu hỏi rất tầm thường, là ở đây có người nào vô phước không? Không có ai vô phước cả. Tất cả chúng ta đều là những người có phước. Người nào cũng có sư em dễ thương. Thầy cũng là một người có phước vì Thầy có những người đệ tử rất dễ thương, có tâm tu học. Vậy nên Thầy không bao giờ nói: tôi là người vô phước, vì điều đó không đúng với sự thật, không đúng với nhận thức của Thầy.

“Và khi nghĩ rằng mình là người có phước thì tự nhiên hạnh phúc sẽ tới. Có những người không có được một sư em hạnh phúc, không có được một sư em dễ thương. Và mình phải thương những người như vậy. Bây giờ Thầy hỏi con thêm một câu hỏi nữa: Có người nào không có được một sư anh, sư chị dễ thương? Có người nào vô phước không? Trong chúng ta, người nào cũng có ít nhất một vài sư anh hay một vài sư chị dễ thương. Và như vậy thì cả anh, cả chị cũng có phước và cả em cũng có phước.

“Khi chúng ta nói: Tôi là một người vô phước thì điều đó không đúng trong trường hợp của tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta ở đây, dù là sư anh, sư chị hay sư em thì chúng ta đều là người có phước. Nếu mình chịu khó, nếu mình tập suy tư theo kiểu này thì mỗi giây phút mình đều có hạnh phúc. Hạnh phúc của Thầy được xây dựng trên những điều như vậy.

“Mình không cần phải có một ngôi chùa rất lớn, một tượng Phật sơn son thiếp vàng bóng loáng, hay một sự khen ngợi, sự giàu sang, sự cung phụng của người ta. Chỉ cần suy nghĩ: mình có sư anh dễ thương, mình có sư chị dễ thương, mình có đệ tử dễ thương là mình đã có hạnh phúc rồi. Và hạnh phúc đó là hạnh phúc thiệt, chứ không phải tự kỷ ám thị. Làm thầy, làm trò, làm anh, làm chị, làm em, chúng ta đều phải có hạnh phúc. Chúng ta quy định với nhau điều đó. Sự thực tập hàng ngày làm cho ta có hạnh phúc thêm nữa, vì ta có khả năng giúp cho anh em ta dễ thương hơn. Anh em ta dễ thương 50%, bây giờ ta làm cho người đó dễ thương 60%. Đó là kết quả của sự thực tập. Và chúng ta có vốn liếng của hạnh phúc. Vốn liếng đó mỗi ngày đều lớn lên. Hạnh phúc đó đến một lúc mình chịu không được nữa vì nó nhiều quá, và mình phải tìm cách chia sẻ, phân phát cho người khác. Đó là việc của chúng ta. ‘Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người.’ Chúng ta hãy nhìn bằng con mắt như vậy, con mắt hiểu và thương. Đừng đòi hỏi. Mình đâu có nghèo đói gì đâu về phương diện hạnh phúc. Mình là người có phước, mình là người có hạnh phúc. Và với vốn liếng của hạnh phúc đó ta có thể đi tới mỗi ngày, nhất là khi ta đã có những pháp môn tu tập rất cụ thể.”Sư Ông

Tôi viết đã dài nhưng liệu tôi thực tập được bao nhiêu? Tôi hy vọng rằng lời Sư Ông dạy sẽ giúp tôi, làm đuốc soi đường cho tôi. Hạt giống nóng tính của tôi chưa được chuyển hóa bao nhiêu, nhưng tôi hy vọng rằng với sức mạnh và sự soi sáng của tăng thân thì tôi cũng sẽ phần nào chuyển hóa, như lời thiền sư Quy Sơn đã dạy:

“Người ta nói rằng, cha mẹ tuy sinh ra ta nhưng chính bạn hữu lại là kẻ tác thành cho ta. Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm.”

Tôi thầm cảm ơn Sư Ông, cảm ơn tăng thân, cảm ơn bố mẹ cùng anh chị em trong gia đình huyết thống đã yểm trợ và nâng đỡ tôi rất nhiều trên con đường tu học. Tôi thương yêu tất cả.

 

Một dòng xanh biếc

(Sư cô Chân Thoại Nghiêm)

Làng Mai bốn mươi năm, Lá Thư Làng Mai (LTLM) cũng đã được 45 số. Từ vài trang giấy gấp đôi được gởi chung với lá hồng điều có chữ viết của Thầy cho các vị thân hữu của Làng nhân dịp năm mới đến một tập san dày đầy màu sắc, cả về nội dung lẫn hình thức, là một chặng đường dài. Những lời tâm tình về đời sống của Làng trong những lá thư đầu chuyển mình thành những bài viết, những chia sẻ từ khắp năm châu. Vẫn mang tên LTLM nhưng hình thức về sau không còn là một lá thư nữa. Ban biên tập muốn tôi viết ít hàng về những ngày đầu của Lá thư khi tôi được làm báo chung với Thầy. Tôi đồng ý ngay, trong đầu hiện lên rõ nét những năm tháng đã qua, nhưng không biết phải khởi đầu như thế nào.

 

Lá thư nội bộ

LTLM bắt đầu từ năm 1983. Mười năm sau đó tôi xuất gia, bắt đầu được giúp Thầy và sư cô Chân Không trong việc làm báo. Khi làm việc, tôi chỉ biết công việc mình đang làm trực tiếp với Thầy. Nhưng còn những vị khác nữa thì tôi không biết vì Thầy chia công việc ra nhiều phần và mỗi người giúp Thầy một việc. Hồi đó, hầu như phần lớn công việc đều do Thầy đảm trách. Thầy làm chủ bút, sư cô Chân Không phụ tá, tôi đánh máy, dàn trang và duyệt lại lỗi chính tả.

Từ năm đầu tiên, lúc Làng còn chưa đổi tên thành Làng Mai, vẫn còn gọi là Làng Hồng, thì Lá thư đúng nghĩa là một lá thư của “dân Làng” với nhau: kể chuyện xảy ra ở Làng trong một năm và luôn có phần tái bút: “Thư này là thư riêng, xin đừng phổ biến trên báo chí”. Lá thư đầu tiên, chỉ có hai trang, do sư cô Chân Không, lúc đó còn là chị Tiếp hiện Chân Không viết vì sư cô là người mua đất, mở Làng. Thư sau là một lá thư báo cáo do anh Tiếp hiện Chơn Lễ – Lê Nguyên Thiều viết vì anh sống thường trú ở Làng. Lá thứ ba, năm 1984, cũng còn phần tái bút: “Lá Thư Làng Hồng thứ ba này cũng là tài liệu phổ biến trong nội bộ Làng Hồng. Xin đừng đem đăng báo. Rất cảm ơn.” Vì lá thư mang tính nội bộ nên hình thức và nội dung rất thân tình. Người đọc là thân hữu của Làng.

Lá thư là món ăn tinh thần, được gửi đi mỗi năm kèm theo câu đối trên giấy hồng điều như một lời chúc Tết và gửi gắm sự thực tập. Vào năm tôi bắt đầu giúp Thầy làm Lá thư thì nội dung đã phong phú hơn nhiều. Những bài chủ lực thường là một bài pháp thoại hoặc một bài viết của Thầy. Sau đó là bài tường thuật của sư cô Chân Không, ghi lại chuyện trong Làng năm vừa qua và các chuyến đi dạy của Thầy. Sư cô cũng viết báo cáo về tình hình cứu trợ nạn lụt và hoạt động giúp con nít đói tại Việt Nam (sau này phát triển thành chương trình Hiểu và Thương). Tiếp đó là phần giới thiệu sách của Thầy mới được nhà xuất bản Lá Bối phát hành hay các băng cassette pháp thoại trong năm được phát hành ở quán sách của chị Tịnh Thủy. Phần còn lại là những bài đóng góp của các vị thân hữu. Hoặc Thầy chọn đăng một lá thư Thầy nhận được từ các vị thiền sinh mà Thầy thấy có lợi lạc cho người đọc. Như thư của một tù nhân người Mỹ, nhờ đọc sách Thầy mà biết tu tập trong tù, hay thư của học trò viết về sự tu học. Tôi nhớ, vào mỗi cuối thu đầu đông, Thầy sẽ bắt đầu kêu gọi mọi người viết bài. Có một năm, chắc bài ít quá nên Thầy cho đề tài, phát giấy bút để đệ tử làm bài tại chỗ, còn Thầy đi vòng vòng như giám thị canh thi. Lúc đó, đệ tử xuất sĩ của Thầy khoảng mười mấy người thôi, ngồi vừa chật cái “phòng thi”. Viết về sự tu học của mình, ai dám không viết, nhưng viết thì biết sẽ có thể “bị đăng báo” nên tôi nhớ mình ngồi cả buổi mà không viết được bao nhiêu.

Đóng báo

Ở Sơn Cốc có một cái máy in và một phòng ấn loát dùng để in sách vào những năm đầu của Lá Bối. Ai mới xuất gia đều được lên Sơn Cốc và được Thầy giới thiệu phòng in đó. Tôi nhớ hình ảnh Thầy kê bốn chiếc ghế dài thành một hình chữ nhật rồi đặt kế nhau, theo thứ tự, từng xấp mỗi trang báo mới in. Sau đó, Thầy đi thiền hành vòng quanh dãy ghế và thu gom mỗi trang từ mỗi xấp, xốc cho thẳng, rồi dùng ghim bấm lại. Xem Thầy “biểu diễn” xong là chúng tôi tập làm y như vậy. Tôi nhớ là năm nào ngày ra báo cũng trúng vào ngày gói bánh chưng. Thế là bên này gói bánh chưng, bên kia “đóng báo” rất tưng bừng, náo nức. Người đi gom trang, người xốc lại tập giấy, người bấm, rồi qua người khác gấp tập giấy làm đôi, kẹp vào đó hai lá hồng điều (sau này không chỉ còn màu đỏ mà đủ màu luôn), lại bấm, và sau đó là dán địa chỉ. Thân hữu ở khắp thế giới nên cần thêm một người để riêng thư theo từng châu lục vì giá tem khác nhau. Dán tem xong mới bỏ vào thùng để hôm sau sư cô Chân Không đem đi gửi cho kịp Tết.

 

Từ trái sang phải: HT. Thích Minh Nghĩa, HT. Thích Minh Cảnh và Thầy

 

Sau này, LTLM dày hơn nên không gấp làm đôi được nữa mà chúng tôi bỏ vào bì thư lớn. Mãi đến năm 2002, LTLM mới bắt đầu có bìa. Lý do là in bìa phải in màu, đắt quá nên thủ quỹ của Làng chùng tay. Nhưng năm 2002 là năm kỷ niệm “Ngày Em 20 tuổi” mà, không biết Thầy thuyết phục ra sao, rốt cuộc LTLM biểu hiện thành một tập san và từ đó trở đi có bốn trang bìa in màu. Dĩ nhiên, có bìa rồi thì cái thú vui xếp báo cũng biến mất vì nhà in làm hết. Chúng tôi phải dàn trang đôi, nhà in dựa theo đó mà in khổ giấy to để đóng lại cho tiện. Những năm ấy chưa có công nghệ kỹ thuật cao như bây giờ nên còn làm thủ công nhiều lắm.

Tài liệu lịch sử

Khi giao cho tôi việc chọn bài để đăng, Thầy nói với tôi LTLM là một tài liệu lịch sử ghi lại hành trình phát triển của Làng Mai. Vì vậy, dù bận bao nhiêu việc sư cô Chân Không cũng viết về sinh hoạt của Làng, về các chuyến hoằng pháp của Thầy và chương trình cứu trợ ở Việt Nam. Năm nào Thầy cũng chọn ra một hay hai bài pháp thoại tiêu biểu để giúp “dân Làng” thực tập. Những thành tựu hay những quyển sách mới của năm đó cũng được ghi lại. Các bài viết với chủ đề “Sư tử núi” của tôi cũng vậy, như là một sự thực tập cá nhân lớn lên theo với Làng. Làng Mai bây giờ không chỉ giới hạn ở Pháp mà ở tất cả những nơi có trung tâm thực tập theo truyền thống Làng Mai.

Có lần, một sư em nhăn mặt nói với tôi: “Đọc LTLM sao giống đọc tài liệu, khô khan quá.” Một người khác than phiền: “Chỉ có một giọng văn, một nội dung, chưa đọc đã biết kết cuộc”. Tôi cười. Đây đâu phải một tạp chí văn nghệ cho “trăm hoa đua nở”. Đây đâu phải “sân chơi” cho những cây bút tập tễnh sáng tác. Những bài được chọn phải dựa trên sự thực tập và những chuyển hóa có thật để mang lại lợi lạc cho người đọc. Có một sư em viết rất hay, nhưng Thầy không cho đăng vì sư em không thực tập những gì sư em viết ra, và Thầy không muốn làm hư con đường tu tập của sư em. Có những bài được viết với bút hiệu, Thầy dạy tôi thuyết phục sư em đó để pháp tự của mình thì mới được đăng. Tôi nghĩ Thầy muốn dạy chúng tôi phải có trách nhiệm với những gì mình viết. Người tu, cái gì cũng cần rõ ràng, minh bạch, nhất là khi “ghi lại lịch sử” của chính mình. Có bài rất cảm động, nhưng quá riêng tư về tình thầy trò cũng không được đăng, vì dễ tạo hiểu lầm Thầy không công bằng và thiên vị trong khi là một thiền sư. Thực ra, đối với mỗi học trò Thầy có một cách dạy khác nhau và ai Thầy cũng thương, cũng quý.

Gieo rắc niềm tin

Còn nhớ lần đầu tiên đọc LTLM, tới bài báo cáo chuyến đi Mỹ của Thầy, tôi “choáng”. Những con số mấy trăm, mấy ngàn người tham dự khóa tu thật hoành tráng, nhưng cũng làm tôi thấy không thoải mái. Tôi còn thủ cựu, chủ trương “hữu xạ tự nhiên hương”, nên đọc tới đâu phục Thầy tới đó, nhưng nhìn mấy con số, nghĩ bụng đâu cần phải kể ra hết như vậy. Nhưng tôi không dám nói. Hai năm sau khi xuất gia, đến khi được đi theo Thầy hoằng pháp ở Bắc Mỹ, tôi mới hiểu. Lần đó, trước khi vào khóa tu chúng tôi được theo Thầy đi chơi. Đi chơi nghĩa là không vào chỗ tổ chức khóa tu mà là vào tiệm sách. Tới đâu Thầy cũng đi thăm tiệm sách và vườn trồng cây. Đó là một tiệm sách lớn, trên kệ có bán sách của Thầy. Trên đường đi ra cửa, tôi thấy có tờ bướm quảng cáo các khóa tu của Thầy bằng tiếng Anh, do ban tổ chức thực hiện. Có cơ hội gần Thầy, tôi bạo dạn hỏi Thầy vì sao phải giới thiệu các khóa tu trong tiệm sách như vậy. May quá, Thầy từ bi nên khi tôi hỏi một câu ngốc nghếch và có vẻ “chất vấn” thì Thầy chỉ nhìn tôi rồi đáp: “Người ta khổ nhiều lắm con. Đôi khi, chỉ một cơ hội được gặp mình, được đi dự khóa tu mà cứu được đời họ. Nên khi mình có mặt thì mình báo cho họ biết, chứ họ đọc sách rồi không biết tìm mình ở đâu.” Tôi dạ. Trong khóa tu, khi nghe thiền sinh khóc, chia sẻ nỗi khổ của họ và hạnh phúc có được sau khi tham dự khóa tu thì tôi hiểu ra và thương Thầy quá chừng. Tôi thấy Thầy từ bi và rất vô ngã, còn mình thì cứ bị kẹt vào lề lối suy nghĩ so đo nên phán xét theo cái ngã to đùng. Rồi nghe Thầy giảng, tôi cũng dần dần hiểu ra: những tin vui như có bao nhiêu người hạnh phúc, bao nhiêu người chuyển hóa khi đi dự khóa tu thì không ai nói đến mà tin buồn, tin bạo động, tin hận thù thì tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Công việc của Thầy trò là gieo rắc niềm tin để quân bình lại những năng lượng tiêu cực đó. LTLM phản ánh sự thật là vẫn còn nhiều người có được duyên may để biết sống vui, sống bình an và hạnh phúc dù khổ đau vẫn còn có mặt. Những con số không còn là một sự khoa trương, mà là niềm tin của cái tâm hướng thiện, sống lành vẫn đang hiện hữu, dù còn nhỏ nhoi khiêm tốn so với nỗi khổ mà nhân loại đang đối mặt.

 

Thầy và HT. Thích Thái Thuận

Uống trà đi con

Nói tới LTLM là nói tới những ngày miệt mài làm cho kịp Tết vì khi nào bắt đầu cũng trễ. Bao giờ cũng vậy, tới giai đoạn gần cuối là tôi lên “văn phòng làm việc” của Thầy để cùng làm và dàn trang theo ý của Thầy. Cái vốn kỹ thuật của tôi chỉ có “cắt dán”, và chút ít kinh nghiệm làm báo trong Gia đình Phật tử. Những năm đầu, nó cũng tạm đủ xài. Thật ra lúc đó, có khi còn cắt dán thủ công nữa cơ. Sau này, có thêm nhiều sư chú xuất gia giỏi về kỹ thuật hơn, máy móc Làng tân tiến hơn thì tôi không làm công việc dàn trang nữa.

Ai làm báo rồi cũng biết, dù làm kỹ đến đâu đọc lại cũng thấy còn lỗi, và Thầy gọi đó là “những con sâu”. Một xấp giấy tôi phải lật qua lật lại “bắt sâu” muốn mờ mắt. Và lúc nào cũng vậy, sau một thời gian làm việc, Thầy luôn luôn ngừng lại, rủ học trò đi thiền hành hoặc pha một ly trà nóng đẩy đến trước mặt tôi: “Uống trà đi con”. Rồi thầy trò nói chút chuyện gì đó không liên quan đến cái tờ báo trước mặt cần hoàn thành cho đúng hạn. Tôi hồi đó khờ lắm, được uống trà với Thầy nhưng niềm hạnh phúc với sự có mặt của Thầy rất ít, chỉ thảnh thơi được khoảng mươi phút là cái tâm lại duyên tới tờ báo, câu chuyện với Thầy lại kéo về phía ấy. Thầy bật cười, xoa đầu tôi rồi đi ra, để cho tôi tiếp tục chúi mũi vào công việc. Có lẽ câu thần chú Thầy dùng với tôi nhiều nhất là “uống trà đi con” vì tôi vốn ít uống nước và lại ít uống trà. Được đi thiền hành với Thầy thì tôi “làm ăn” khá hơn. Tôi yêu cảnh Sơn Cốc và, bao giờ cũng vậy, lâu lâu Thầy lại ngừng để kể cho tôi nghe một chút chuyện gì đó. Ai được thiền hành với Thầy đều biết, năng lượng bình an và thảnh thơi tỏa ra từ Thầy khiến cho mỗi bước chân đúng là “đi không cần tới”. Đi một vòng về là đầy năng lượng để làm việc tiếp.

Tôi thường cố gắng hoàn thành báo trước Tết mấy ngày để sư cô Chân Không kịp đem ra nhà in cho đúng cái hẹn với họ. Mọi sinh hoạt chuẩn bị cho Tết tôi đều bỏ qua một bên, tham dự thời khóa xong là ôm cái máy đến khuya. Vậy mà, năm nào cũng làm tới giờ chót và vẫn mong có thêm chút giờ để đọc lại thêm lần nữa. Vì lần nào báo ra tôi cũng chộp được một vài “con sâu” mà không hiểu sao lại bị sót. Có một năm, tôi nhớ là sáng hôm sau báo phải đưa in mà tối đó vẫn còn tìm ra vài lỗi kỹ thuật, vài “con sâu” to đùng. Tôi làm riết đến khi đóng máy lại là ba giờ sáng, lấy xe đi với một sư cô làm đệ nhị thân qua Sơn Cốc. Trời mùa đông rất lạnh. Hai chị em đậu xe ngoài cổng để không đánh thức Thầy rồi rón rén đi vào, nín thở kéo cửa kiếng và để xấp báo vào nhà kiếng trồng hoa, đóng lại nhẹ nhàng rồi thở phào đi ra cổng. Cứ như đi ăn trộm !

Hình thức trình bày

Thầy làm báo chuyên nghiệp nên rất kén chọn mẫu chữ. Thầy thường chỉ dùng một mẫu chữ xuyên suốt từ đầu đến cuối để khỏi loạn mắt người đọc. Có năm, một sư em giúp làm kỹ thuật dùng đủ mẫu chữ, tôi nói mà sư em không chịu nghe. Thế là tôi phải ngồi làm lại hết tất cả các bài, và dĩ nhiên toàn bộ sự phân bố đoạn, trang cũng bị ảnh hưởng nên tờ báo mất thêm cả tuần mới xong. Thầy cũng không làm đầu đề hoa mỹ. Thường thường tôi xin Thầy một dòng thư pháp là đủ cho một cái đề. Cảm giác rất sung sướng khi Thầy sẵn sàng giúp đỡ, mỗi đầu đề Thầy viết cho mấy kiểu để chọn lựa. Sau này kỹ thuật tiên tiến, các sư em cũng màu mè hơn. Và, vì làm trên máy, không in ra (ngày xưa sợ in nhiều tốn mực) nên trang hoàng bắt mắt hơn, nhưng phần nào đánh mất sự bình dị thuở ban đầu. Có một sư em rất thích làm nền cho nổi nên làm chữ trắng trên nền đen đọc rất nhức mắt. Tôi cũng hiểu các sư em thích thiết kế, thích sáng tạo, nhưng vô tình làm cho người đọc không còn tập trung vào nội dung nữa.

Thậm chí có sư em vì để bài viết được in trọn trong cái khung mình thiết kế, nên cắt bớt câu, chữ. Và khi tôi khám phá ra thì đã quá trễ. Tôi năn nỉ sư em sửa lại nhưng khi báo ra thì vẫn y nguyên. Bị tác giả trách, tôi chỉ biết xin lỗi. Làm báo hay bị trách móc, hờn giận, nhưng không buông tay được. Với lại, không có những sư em biết kỹ thuật, tờ báo chắc không hoàn thành sớm được. Bởi vậy, mỗi người góp một tay, tinh thần huynh đệ là quan trọng nhất.

Tiếp nối

Tôi được làm báo với Thầy cho đến năm 2000 thì đi Lộc Uyển. Đi xa nên khỏi làm báo, thỏa chí trèo lên sân khấu làm văn nghệ và đón Tết. Tôi nhớ cảm giác lần đầu tiên cầm tờ báo trong tay đọc rất sướng, thấy bài nào cũng hay, cũng lạ. Khi mình trong ban biên tập, phải đọc đi đọc lại bài để biên tập hay sửa lỗi chính tả thì mất đi cái thú được thưởng thức tờ báo mới. Nhưng khi xa Làng, đọc những hàng chữ nói về Làng thì cảm giác thân thuộc tràn về. Tôi biết ơn các sư em đã giúp Thầy để tờ báo có mặt.

Làm việc với Thầy, tôi học được rất nhiều vì Thầy kỹ lắm, cẩn thận từng dấu phẩy, dấu chấm. Mỗi khi đọc bản thảo và phần Thầy sửa lại tôi đều học được cách làm cho câu văn gọn hơn, rõ hơn, dùng từ đơn giản mà súc tích, đúng văn phạm hơn. Sau một năm ở Lộc Uyển, tôi về lại Làng và lại tiếp tục làm LTLM với Thầy. Thầy đưa xuống rất nhiều tài liệu, bắt tôi tự tìm bài và sửa. Tôi phải làm quyết định nhiều hơn chứ không còn chỉ giúp sửa lỗi chính tả và kỹ thuật nữa. Khoảng tháng Mười, Thầy kêu gọi nộp bài, lần này Thầy tuyên bố trước chúng là “nộp bài” cho tôi khiến tôi ngẩn ngơ và rất khó xử. Rồi đến năm 2005, tôi rời Làng để về giúp xây dựng tu viện Bát Nhã. LTLM vẫn ra đời đều đặn, ngày càng phong phú về cả nội dung lẫn hình thức. Các sư em sau này giỏi kỹ thuật, tiếng Việt cũng chuẩn mực nên Thầy có nhiều phụ tá hơn. Năm 2010 trở về Làng, nghĩ là đã “thoát”, tôi xin Thầy (cho chắc ăn) cho tôi ra khỏi ban biên tập. Thầy im lặng. Rồi Thầy lại công bố tôi lo cho LTLM (Thầy làm con đau tim quá chừng!) Không dám trả giá với Thầy, tôi mời thêm các sư em vào làm việc. Năm sau, tôi có một danh sách đề nghị để xin Thầy đồng ý và công bố ra cho chúng biết. Thầy gật đầu. Ngày công bố danh sách tôi đang hí hửng thì nghe tên mình cũng lại bị nêu lên như người chịu trách nhiệm. Biết là Thầy đang đào tạo học trò nhưng tôi cũng thấy bị áp lực. Bao nhiêu năm rồi tôi ăn Tết với những lo toan của việc làm báo, có năm nào rảnh rỗi ngồi gói bánh tét, bánh chưng với đại chúng được đâu.

Rồi Thầy bệnh, tôi mời các sư em có khả năng vào ban biên tập và công bố cho đại chúng biết. Dần dần các sư em đứng vào vai trò chủ chốt, tự điều hành việc làm LTLM hàng năm, tôi chỉ còn nhiệm vụ phải nộp bài (mà luôn luôn nộp trễ). Áp lực của việc làm báo rơi vào đại chúng. Ban biên tập ngày càng hùng hậu. Bài vở quá nhiều để chọn lựa, lại làm thêm bản tiếng Anh cho các sư em người Tây phương. Nhưng LTLM vẫn luôn mang tinh thần nội bộ, tinh thần Làng Mai. Nên đừng ai “phàn nàn” sao chỉ một giọng văn, chỉ một nội dung, chỉ một dòng chảy…

 

BBT Lá thư Làng Mai năm 2021

 

Thầy cũng sẽ mỉm cười vì sự tiếp nối luôn có mặt và ngày một hay hơn.

Thầy là tình thương

(Sư cô Chân Giác Nghiêm)

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Pháp

Nghĩ về Làng Mai những ngày đầu giống như mở ra một cuốn sách linh thiêng và mầu nhiệm, nơi hạnh phúc và bình an cùng nhau bước, tay trong tay.

Hãy tưởng tượng ra một con đường làng rợp bóng sồi chào đón mỗi bước chân ta. Những gốc cây nâu sẫm, dày dặn khiến ta liên tưởng tới những bàn chân voi. Bởi thế, Thầy đã gọi hàng sồi ấy là đàn voi phục. Phía bên trái, con đường nhỏ dẫn tới khoảng không gian bao la nơi tọa lạc một trang trại lớn. Một cây đoàn xanh non đứng ngay ở lối vào các khu nhà của Làng. Thật mầu nhiệm, nhà kho rộng lớn ngày ấy, sau này đã biến thành thiền đường.

Tòa nhà tiếp theo là nơi Thầy ở. Mà không chỉ có Thầy, các em thiếu nhi cũng chia sẻ không gian này cùng Thầy. Lối vào, với chiếc lò sưởi, có lẽ chính là phòng khách, được bài trí giản dị. Cũng ngay nơi này, Thầy đã tiếp chuyện Giác Nghiêm lần đầu tiên. Đối diện cầu thang dẫn lên tầng trên là một căn phòng nhỏ có che rèm. Bên trong là những chiếc giường, vô cùng đơn giản, được làm bằng một tấm ván, kê lên bốn viên gạch. Thêm vào đó là một tấm thảm yoga, một cái gối nhỏ và một tấm chăn mỏng. Đây là nơi Giác Nghiêm sẽ nghỉ ngơi. Giác Nghiêm không thể nói hết niềm vui trong lòng mình trước cảnh tượng đơn sơ, mộc mạc này. Ở hai bên lối vào nhà có hai phòng dành cho các gia đình người Việt đông người. Tiếng cười rộn rã của trẻ nhỏ làm trái tim mọi người cũng hân hoan theo.

Ngay đối diện tòa nhà này là một khu nhà đá, nơi che chở cho mọi hoạt động cốt yếu nhất của tăng thân: phòng sinh hoạt chung- đồng thời là phòng ăn, bếp, phòng họp. Đây cũng là nơi Thầy hay pha trà cho chúng tôi bằng tất cả sự giản dị và dịu dàng của Người. Thầy rất chân thật. Thầy là Tình thương.

Cuối căn phòng này là cánh cửa dẫn tới một thiền đường nhỏ, trong đó chiếc bệ lò sưởi được dùng làm bàn thờ. Tăng thân thường tọa thiền tại đây. Nơi này, tất cả đều là hạnh phúc. Một cánh cửa khác mở ra trước một cánh đồng rộng lớn như được dệt nên bằng rất nhiều những bông cà rốt dại và hoa diếp xoăn màu xanh da trời. Mây trắng bồng bềnh phủ lên cả cánh đồng hoa khiến người ta liên tưởng tới một dải ngân hà nơi địa giới. Giác Nghiêm thầm nghĩ: Đức Chúa đã chạm ngón tay của Ngài lên mảnh đất quý giá này. Con đã về, con đã tới.

 

Thầy đang ở đây. Sự có mặt sâu sắc của Thầy dường như làm khu vườn tỏa hương. Cứ tới cuối ngày, Thầy nhặt ra những cánh hoa đã tàn và cẩn trọng tưới nước cho cả khu vườn. Khi mới tới, Giác Nghiêm gặp Thầy trong vườn, rồi chị Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không sau này) cũng tới gặp Giác Nghiêm. Đó là vào năm 1985. Chị Phượng có mái tóc dài và đôi mắt thật đẹp luôn ánh lên cái nhìn sâu thẳm, đầy từ bi. Giác Nghiêm đã từ từ lớn lên bên cạnh hai cội cây quý báu, mầu nhiệm này.

Vài tháng trước đó, Giác Nghiêm đã có niềm hạnh phúc được gặp Thầy lần đầu tiên ở Lyon, tại nhà bác sĩ châm cứu Đỗ Trọng Lễ. Người bạn này mời Giác Nghiêm tới nhà nghe một vị thầy cho pháp thoại bằng tiếng Pháp. Lúc ấy, Giác Nghiêm đang hết sức tìm kiếm một người thầy có thể giúp mình trên con đường tâm linh. Cuộc tương phùng thực sự đã diễn ra trong khi Giác Nghiêm nghe pháp thoại, khi Thầy giơ lên một tờ giấy trắng và nói: “Tất cả vũ trụ đều nằm trong tờ giấy này”. Niềm vui trào dâng. Giác Nghiêm đã tìm thấy người thầy mình tìm kiếm bấy lâu, một người thầy hiểu mình. Cánh cửa giáo pháp rộng mở trước mắt Giác Nghiêm.

Mỗi lần đọc Đường xưa mây trắng, đến đoạn cô bé Sujata, vào một buổi sáng sớm đi tìm Bụt và cả hai đã gặp được nhau, Giác Nghiêm luôn rất xúc động. Đời sống tâm linh của Giác Nghiêm đã tiếp tục hành trình trong an bình.

Tại khóa tu đầu tiên ở Làng, một hôm Giác Nghiêm không đi thiền hành mà ngồi viết dưới bóng cây đoàn xanh mát. Hết buổi thiền hành, Thầy nhẹ nhàng đến bên Giác Nghiêm và cất tiếng hỏi đầy thân thiện:

– Elisabeth, cô đang làm gì vậy?

– Thưa Thầy, từ khi gặp Thầy, con đã áp dụng thực tập với các bệnh nhân, tại bệnh viện nơi con làm việc. Con bận quá nên không có đủ thời gian để viết về những sự thực tập này. Con đã chọn dành thời gian để viết mà không đi thiền hành, xin Thầy thứ lỗi cho con.

– Cô cứ tiếp tục đi. Nhớ chia sẻ với Thầy những gì cô làm nhé.

Từ ngày hôm ấy, mọi thực tập chánh niệm áp dụng trong công việc của mình ở bệnh viện đều được Giác Nghiêm ghi chép lại và gửi cho Thầy cũng như cho ông Trưởng khoa – người đã nhận ra những kết quả tích cực trên các bệnh nhân và đã “bật đèn xanh” cho Giác Nghiêm được phép áp dụng sự thực tập trong lúc làm việc tại khoa. Đó là vào năm 1985. Hạnh phúc biết bao!

Trong khóa tu đầu tiên ở Làng ấy, mỗi ngày đều có chấp tác. Những bài giảng của Thầy được in thành sách. Thầy đặt lên bàn từng xấp những trang khác nhau của cuốn sách. Một cách chánh niệm, theo dõi hơi thở và bước chân, mọi người đi quanh bàn gom lại từng trang sách thành một tập. Cứ thế, lần lượt cho ra đời từng cuốn sách, trong nụ cười.

Một bước chân, thở vào, con cầm lên một trang sách,
Một bước chân, thở ra, con mỉm cười.
Một bước chân, thở vào, một cuốn sách sẽ thành hình,
Một bước chân, thở ra, con mỉm cười.

Kinh nghiệm “lạ lùng” này đã tới với Giác Nghiêm ngày mới thực tập. Giác Nghiêm rất thích chấp tác trong chánh niệm. Ai cũng tham gia làm việc, kể cả Thầy. Một buổi sáng, một phụ nữ trẻ tiến về phía Giác Nghiêm và đề nghị Giác Nghiêm giúp cắt bánh mì “trong chánh niệm”. Cô ấy đã nói thêm ba từ ấy một cách nghiêm túc. Thở vào, đây là ổ bánh mì. Thở ra,…

Trời ơi, thế nào là cắt bánh mì trong chánh niệm đây? Một mối hoài nghi lớn đi lên trong Giác Nghiêm. Câu hỏi cứ trở đi trở lại. Cắt bánh mì trong chánh niệm là như thế nào? Một lát sau, người phụ nữ quay lại, chẳng có gì xảy ra cả. Cô ấy đã nhẹ nhàng giúp Giác Nghiêm thoát ra được giây phút “đứng hình” này. Khi để trí năng chế ngự, nghi ngờ sẽ bắt đầu nảy sinh trong lòng chúng ta…

Những kỷ niệm đẹp ở Làng Mai nhiều biết bao nhiêu!

Nghe Pháp

Ngồi trong bình an
Bên chân Thầy
Bóng mát những cội sồi tôn kính chở che
Giữa lòng xóm Hạ
Bao mái đầu vàng, nâu khắp các nẻo
Ánh sáng của Người hướng tất cả về theo
Cam lộ một dòng biếc
Thấm nhuận trần gian

 

Sc. Giác Nghiêm, Sc. Trăng Khương Âm và Sc. Đào Nghiêm
 

Thầy đi hái thuốc phương xa

(Sư cô Chân Tạng Nghiêm)

Thầy kính thương,

Con nhớ hồi ở Làng, con hay viết thư gởi Thầy. Mỗi lần gặp con, Thầy thường chỉ tay vào túi áo làm dấu hiệu cho con như muốn nói: “Túi áo Thầy đây”, để con đặt lá thư be bé của mình vào chiếc áo Tiếp hiện thật to và dày của Thầy. Nhận được thư rồi, Thầy sẽ im lặng, cười hiền và vỗ nhẹ tay vào túi áo. Con cũng nhớ mãi ngày con sắp rời Làng, phải xa Thầy để về nhập chúng ở Thái Lan, Thầy dặn dò: “Này con, về đó nhớ viết thư cho Thầy. Con đừng hỏi Thầy có khỏe không hay dặn Thầy nhớ giữ gìn sức khỏe, mà con hãy nói cho Thầy nghe con đang làm gì, ở đâu, và cảm thấy như thế nào.” Chắp tay con y giáo phụng hành. Hôm nay đọc bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộcủa thi sĩ Giả Đảo làm con nhớ về Thầy và đặt bút viết thư gởi Thầy.

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.

Thầy đã dịch bài thơ và viết thư pháp thật đẹp:

Dưới cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được.

Bài thơ gợi ý cho con liên tưởng đến hình ảnh Thầy đang hái thuốc trên núi. Mây mù che phủ và dù có tìm mãi cũng không thấy Thầy đâu!

“Tùng hạ vấn đồng tử”, khi đọc câu đầu tiên, con nhớ tới câu “Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi”(cây tùng vượt lên giá rét của mùa đông, vươn ra ngàn cánh ngọc). Cây tùng, loài cây có sức sống thật dẻo dai, chịu đựng giá rét, khô hạn. Cây tùng cũng được dùng để ca ngợi những ai có khí chất của người quân tử với sức sống mãnh liệt, ý chí phi thường, cao thượng kiên trung.

Bài thơ tả cảnh thật thi vị. Sư phụ ở trên núi, nơi có những cây tùng cao. Một ngày, có vị khách phương xa tới tham thiền, chú tiểu thưa rằng thầy mình đã đi hái thuốc (Ngôn sư thái dược khứ).

Làng mình cũng đẹp như bức tranh phác họa trong bài thơ này, có khi còn đẹp hơn thế, phải không thưa Thầy? Con nhớ ở Làng, xóm nào cũng có những cây tùng, to lớn và vững chãi. Mỗi ngày chúng con được nhìn thấy Thầy đi thiền hành, lúc thì đi với thị giả, lúc thì đi một mình. Đôi khi Thầy thiền hành lặng lẽ ẩn giữa rừng tùng, chúng con không thấy Thầy đâu cả. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, Thầy chế tác định và tuệ, an trú nơi hiện pháp nhiệm mầu.

 

Đi hái thuốc là trở về

Cũng với chừng đó dược liệu, chừng đó công thức, tức là những phương pháp thực tập Bụt, Tổ trao truyền, Thầy đã không ngừng điều chế ra bao nhiêu dược phẩm để giúp chúng con trị bệnh; đưa ra một hướng đi hữu hiệu nhất để tự thân mỗi người trẻ chúng con tự lực hái thuốc; tự mình điều chế dược phẩm cho riêng mình và cho mọi người. Mỗi lần nhớ đến lời Thầy dặn: “Không có bùn thì làm sao có sen, không có bệnh thì làm sao có thuốc trị bệnh”, tự nhiên con thấy mình thật may mắn. Câu nói đó giúp con biết ơn khổ đau, thấy được giá trị của khổ đau để thắp sáng lòng kiên nhẫn và vị tha. Con tập dừng lại và khám phá sự tĩnh lặng của tâm thức, rồi khi một làn gió thoảng qua, con cảm nhận sâu sắc sự mát mẻ dễ chịu; từ đó mở nhẹ cánh cửa trái tim mình để chấp nhận, ôm ấp và bao dung.

Đi hái thuốc có nghĩa là trở về. Trở về để lắng nghe mình đang bệnh gì, trong lòng có rối ren chăng, có đang mệt mỏi, bực dọc và trách móc chăng? Hỏi, nhưng con vẫn sẽ để chúng ở đó, và tiếp tục hái thuốc. Hái thuốc bằng cách trở về ý thức và buông thư, làm lắng dịu toàn thân trong mỗi nụ cười.

Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ

Mây mù dày quá, không biết thầy mình đang ở nơi nào. Thầy thường nói mây mù cũng là hình ảnh để nói đến phiền não và vô minh. Chúng con vì từng bị mây mù của phiền não và vô minh che khuất nên chưa thấy được Bụt, chưa thấy được Thầy, quanh quẩn trong khổ đau quá khứ, than trách con người và cuộc đời. Nhưng nếu không có mây mù, thì làm sao chúng con thấy được sự nhiệm mầu và những tuyệt tác của vũ trụ; của ánh mặt trời đang dần hé và tỏa chiếu lấp lánh, hay vầng trăng đêm qua vén mây ngời ngời chiếu sáng đêm thâu.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Chỉ tại thử sơn trung – chỉ ở giữa núi này thôi. Câu này khi thực tập như lý tác ý, có thể thấy mọi thứ đều ở tại tâm mình. Chính nơi này có mây mù, cũng chính nơi này có cả thuốc, chứ không phải ở chỗ khác, một địa điểm nào đó trong không gian. Chính ở đây, trong tự tâm. Khổ đau, hạnh phúc, giác ngộ, vô minh, tha thứ, bao dung, dược phẩm, linh đơn,… tất cả đều có trong tâm hết.

Kính bạch Thầy! Thầy đã cho chúng con một gia tài rất lớn. Là đệ tử của Thầy, chúng con thường nghe Thầy giảng về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam Pháp ấn, Duyên khởi,… cũng như cách áp dụng những giáo lý này vào đời sống hằng ngày để trị liệu những bế tắc, hiểu lầm. Nhờ đó, chúng con tháo gỡ được rất nhiều khúc mắc và hiểu thêm ý nghĩa của các pháp môn, cũng như giáo pháp Bụt trao truyền.

 

 

Nếu không phải là người xuất gia, là một học trò của Thầy, chắc con sẽ khó vượt qua những biến cố tai ương giữa cuộc sống này, khó có thể nhìn mọi chuyện mình trải qua bằng con mắt biết ơn, hạnh phúc và cảm thông. Con thấy mình quá may mắn vì được làm con của Bụt, của Thầy. Mỗi ngày con được thực tập chánh niệm, được có thời gian và không gian nhìn lại tự thân, trau dồi kiến thức, được có trái tim ướp đầy nhiệt huyết giúp người, con mắt biết cười khi nhìn thấy bông hoa ven đường. Thấy mình có trong tất cả và tất cả có trong mình…

Thời gian đi nhanh hơn hay con đi nhanh hơn?

Hôm ấy là một ngày mùa đông năm 2010. Con được làm thị giả, được mang túi xách và bước từng bước chân vui với nụ cười tươi đi sau Thầy. Bất chợt, Thầy quay lại hỏi con: “Này Tạng Nghiêm, thời gian đi nhanh hơn hay con đi nhanh hơn?” Con vui quá, không suy nghĩ gì hết, liền theo phản xạ trả lời: “Dạ bạch Thầy, thời gian đi nhanh hơn”. Thầy lặng lẽ nhìn con vài giây rồi nói: “Are you sure? (Con có chắc không?)” Thế là con biết mình đã đáp sai rồi! Câu hỏi đó tự khi nào đã trở thành một công án trong con.

Giờ đây, mỗi lần nhớ Thầy, nhớ lại công án ngày xưa Thầy trao, bỗng nhiên con nhận ra rằng: nếu biết nhìn bằng con mắt tương tức và vô tướng, đúng là con có thể đi nhanh hơn tàu siêu tốc, máy bay, trực thăng… đi nhanh hơn thời gian. Con vẫn đang gần Thầy dù khoảng cách địa lý giữa hai thầy trò mình xa hàng vạn cây số. Con thấy mình cũng đang ngồi thiền bên Thầy, đi thiền hành sau lưng Thầy, làm bất cứ điều gì con cũng thấy Thầy đang làm với con. Từ từ con mới hiểu, công án Thầy trao là thần dược không phải chữa bệnh liền tức thì, mà cần sự có mặt của thời gian và trải nghiệm. Sau khi hiểu được, thì chính công án đó đã giúp con tự tin, vững chãi đi tới trong sự thực tập, với trái tim chấp nhận vẹn tròn quy luật tự nhiên.

Thuốc Vườn ƯơmTên gọi của Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan thơm ngát trời đông

Ở Thái Lan, mùa này là mùa đẹp nhất trong năm, thưa Thầy! Mùa vàng rực của lá tre, lá bàng. Đã cuối đông, thời tiết chuyển, trời dần ấm hơn như để đón mùa xuân về. Chúng con mở các khóa tu trực tuyến cho thiền sinh có nơi trở về; cùng nhau học kinh Quán niệm hơi thở, Công phu nở đóa sen ngàn cánh, Duy biểu học,… Chúng con trồng thêm rau sạch để cung cấp cho đại chúng trong mùa đại dịch covid. Quan trọng nhất là chúng con nhắc nhau thực tập giữ hòa khí để con thuyền tăng thân vận hành trôi chảy. Đó là những phương thuốc mà nơi đây chúng con đang chế tác. Mỗi chúng con đều ý thức được rằng muốn hiến tặng hạnh phúc cho mọi người trên thế giới thì bản thân chúng con phải có hạnh phúc trước.

Thơ cũng là một phương thuốc đưa con trở về nếm trải hương vị nhiệm mầu của phút giây hiện tại. Thơ giúp con biết quẳng gánh lo đi mà nở nụ cười cùng hoa, lá, mây trời. Mỗi khi chạm mặt với cái đẹp thực tại, con xúc động lắm. Con cảm thấy ẩn tàng phía sau mỗi sự việc hay mỗi con người là những đáp án và những sự thật rất đỗi bất ngờ, nếu con biết hiểu và thương. Lòng từ bi là liều thuốc mở cửa trái tim để con người bình thường trở nên vĩ đại… Dài dòng thêm đôi chữ, con kính dâng Thầy cũng như quý y chỉ sư và tăng thân một bài thơ, được con góp nhặt từ những chiếc lá tre vàng ở Vườn Ươm:

Duyên

Chim hót
Ve gọi hè
Giọt nắng rơi
Hiên An Ban mùa hợp tấu
Về!

Sư em cười
tâm thênh thang
núi mây một màu
lãng vãng
múa ca vui đùa

Chặng đường
người chiến sĩ
đầu tròn áo vuông
Buông kiếm
phiền não tan
tức gặp
nguyên hình…

Chân không
chạm mặt đất
Tâm không
cười sự đời
Ồ! Muôn màu
Đi qua.

Cuộc đời Thầy rất đẹp

(Sư cô Chân Học Nghiêm)

Trích từ sổ công phu

Thầy kính thương,

Thời gian này, mỗi khi mở quyển sổ nhật ký ra, con chỉ muốn viết thư cho Thầy. Điều này cũng không lạ. Vì người mà con thường nghĩ tới, hướng về chính là Thầy.

Sống xa Thầy, con không biết cụ thể về tình hình sức khỏe của Thầy. Qua huynh đệ, con nghe rằng Thầy yếu đi nhiều. Nhưng điều mầu nhiệm là Thầy vẫn tỉnh táo đủ để nghe đệ tử kể chuyện và biết điều gì đang xảy ra. Mỗi giây phút đi qua, dù cơ thể đã mệt và đau nhức nhiều nhưng Thầy vẫn trân quý đời sống. Con biết rằng Thầy yêu thích hơi thở chánh niệm, nhưng bây giờ phổi của Thầy đang không khỏe, Thầy thở khó hơn. Nhớ tới điều này, con mời Thầy thở với buồng phổi của con. Con thở cho Thầy và cùng lúc con được nuôi dưỡng. Thầy rất hạnh phúc mỗi khi đi thiền hành trên những con đường đất hiền lành, có bờ cỏ xanh, có hàng cây, khóm trúc, có tiếng gió, tiếng chim… Con đi cho Thầy và con cũng được nuôi dưỡng.

Thầy ơi! Ở đây chúng con có đầy đủ những điều Thầy yêu thích. Những gì Thầy yêu thích chính bản thân con cũng yêu thích không kém. Vì vậy, con thưởng thức cho Thầy và đồng thời cho con. Ngày nào con cũng được tiếp xúc với pháp thân mầu nhiệm: bầu trời xanh, đám mây trắng, cảnh bình minh, cảnh hoàng hôn, ánh nắng, làn gió nhẹ, những chiếc lá mùa thu… Mỗi khi con tham dự vào thời khóa sinh hoạt của đại chúng, con cũng ý thức rằng đó là điều Thầy yêu thích được làm. Và con đang thực hiện cho Thầy. Thầy đã gửi Thầy cho con và con đang chăm sóc Thầy một cách tốt lành nhất. Thầy đang sống trong con và con rất hạnh phúc với sự kiện này.

Thầy vẫn còn hiện hữu bên chúng con, đó quả là một điều mầu nhiệm. Dĩ nhiên, chúng con cần tiếp xúc với Thầy trong nhiều hình tướng khác nữa. Nhưng còn cơ hội thấy hình bóng thân quen đó, chúng con được an ủi và vui mừng nhiều. Tuy sống xa Thầy, con vẫn cảm thấy rất gần và có sự kết nối sâu sắc với Thầy.

 

 

Con đang hình dung cuộc đời của Thầy. Thầy đã sống và trải nghiệm những gì xảy ra giữa thế gian trong khoảng thời gian khá dài, gần một thế kỷ. Những gì con biết về cuộc đời của Thầy là do Thầy kể lại. Thầy kể trực tiếp cho chúng con nghe trong lúc thầy trò ngồi chơi. Thầy kể trong những bài pháp thoại. Thầy kể qua tập hồi ký, những quyển sách, những tờ báo, v.v. Bên cạnh đó, con được trực tiếp chứng kiến cuộc sống của Thầy trong hơn hai mươi năm qua. Để diễn tả ngắn gọn về cuộc đời của Thầy, con muốn nói rằng: Rất đẹp! Cuộc đời của Thầy đẹp không phải vì chỉ có niềm vui và hạnh phúc. Nó đẹp vì Thầy đã tiếp xúc, trải nghiệm và đi qua tất cả: sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ; những trăn trở, ước mơ của tuổi mới lớn; những hoài bão, thao thức của một người xuất gia trẻ; những khổ đau trong thời chiến tranh; những khó khăn, thử thách khi bị lưu đày; và những niềm vui, hạnh phúc, thương yêu của tình huynh đệ, nghĩa thầy trò. Hơn thế nữa, tuy bị tai biến khá nặng, nhiều bác sĩ nghĩ rằng thầy không qua khỏi, nhưng thầy đã gây sự ngạc nhiên lớn cho mọi người. Thầy vẫn sống, tiếp tục thưởng thức hơi thở chánh niệm, thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống, và đặc biệt là thưởng thức sự có mặt của những người đệ tử.

Thầy không ngừng công trình hóa độ và xây dựng tăng thân. Thầy để hết năng lượng và thì giờ vào việc xây dựng tăng thân tứ chúng. Thầy thương đệ tử hết mực. Và những người đệ tử, xuất gia cũng như cư sĩ, đều rất thương kính Thầy. Thầy chỉ bày cho chúng con tổ chức đời sống sinh hoạt hàng ngày như thế nào để đạt phẩm chất cao, có niềm vui và tình huynh đệ. Thầy trao truyền cho hàng đệ tử nguồn tuệ giác quý báu mà đức Thế Tôn đã tìm ra gần hai ngàn sáu trăm năm về trước. Thầy tạo rất nhiều cơ hội và thường xuyên khuyến khích chúng con tu học thực sự, có an lạc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Thầy rất muốn chúng con kinh nghiệm được hạnh phúc, làm cho hạnh phúc thấm vào thân tâm một cách tròn đầy. Thầy tạo đầy đủ mọi điều kiện để chúng con có thể tu tập thật an lành. Nhờ ơn đức của Thầy, chúng con được giới cư sĩ thương yêu, tin tưởng và hết lòng yểm trợ. Không chỉ để lại gia tài giáo pháp vi diệu cho chúng con tu tập, Thầy còn tạo ra những trung tâm, tu viện thật đẹp để huynh đệ chúng con sống chung và tiếp nối sự nghiệp của Thầy.

Những đóng góp của Thầy cho cuộc đời thật lớn lao và mầu nhiệm. Ngôn từ của con quá ư giới hạn, không thể diễn bày hết những công hạnh cao cả ấy của Người. Cám ơn Thầy đã và đang làm vị thầy tâm linh tuyệt hảo. Chúng con phải có phước đức lớn lắm mới được làm đệ tử của Thầy.

 

 

Con thương Thầy nhiều!
Con của Thầy