Một lời nói chửa kịp thưa

(trích bói Kiều trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 tại Làng Mai)

Con kính bạch Sư ông! Con tới từ Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris. Cách đây 15 năm, nhờ ba mẹ dẫn con tới đây, con mới có ngày hôm nay. Nhờ pháp môn của Sư Ông con đã vượt qua rất nhiều đau khổ cho nên con muốn chia sẻ với những người trẻ và giúp đỡ họ. Con mong có sức khoẻ, bình an và xin cụ Nguyễn Du chỉ dẫn cho con để con tiếp tục đi trên con đường tâm linh này.

Cụ Nguyễn Du cho chị quẻ 38:

“Một lời nói chửa kịp thưa

Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm”

 

Sư Ông giải Kiều:

“Một lời nói chửa kịp thưa”

Trong văn mạch của truyện Kiều, hôm đó ba chị em đi chơi xuân và gặp một nấm mộ không có ai thắp hương, Kiều mới hỏi: “Tại sao hôm nay là tiết Thanh minh mà chỗ này không có ai tới thắp hương, để lạnh lẽo như thế?”. Vương Quan nói: “Đây là nấm mộ của một người ca sĩ rất nổi danh, ngày xưa biết bao nhiêu người tìm tới; nhưng khi chết rồi thì không có ai để ý tới nữa.” Kiều rất cảm động và nghĩ rằng: “Hồi còn sống thì ai cũng muốn tới, nhưng bây giờ chết rồi thì hoàn toàn cô đơn”.  Tương tự như số phận của những ngôi sao điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng trên thế giới được hâm mộ trong đời sống, nhưng khi chết thì rất cô đơn.

Khi Kiều nghe như vậy thì Kiều khóc, bởi vì Kiều rất nhạy cảm và Kiều nghĩ sau này mình sẽ thành như vậy. Mấy em Vương Quan và Thúy Vân mới nói: Chị thật là tức cười, khi không mà khóc cho những người đã chết từ bao nhiêu năm rồi. Kiều mới nói rằng: “Những người tài hoa, khi mà họ chết thì họ chết thân xác thôi, còn tài hoa của họ thì vẫn còn. Bây giờ chị mới làm một bài thơ để tặng cho Đạm Tiên và nếu mình ngồi chờ một chút thì sẽ thấy có sự đáp ứng.” Vừa nói xong thì có một cơn gió chợt tới.

“Một lời nói chửa kịp thưa”,  nghĩa là vừa mới nói ra thì người kia đã đáp ứng liền lập tức, không có chờ đợi gì hết. Ở trong văn mạch này, câu hỏi vừa đặt ra thì câu trả lời tới liền lập tức. Câu trả lời tới liền lập tức thì không tốt lắm. Bởi vì như vậy là câu trả lời của mình giống như một phản ứng tức thời. Mình có những kiến thức, những kiến thức có sẵn và khi mình nghe câu hỏi thì mình trả lời liền, mình chưa để cho câu hỏi đi vào trong lòng để có cái thấy sâu sắc về câu hỏi đó mà đã vội vã trả lời, giống như chuyên viên thì không tốt. Cho nên Cụ nói rằng: Nếu sau này có các em hay có người cần mình giúp, hỏi câu gì thì mình phải lắng nghe, khoan trả lời, đừng vội vã trả lời liền lập tức, thì không tốt. Đó là nghệ thuật của những nhà tâm lý. Phải học theo cụ Nguyễn Du, “một lời nói” đừng trả lời liền, hãy đón nhận câu hỏi để cho nó thấm vào lòng, cho người kia có cảm tưởng là đang được lắng nghe, đó là điều rất quan trọng. Mình làm nghề này thì mình phải tu mới làm được, nếu mình không lắng nghe được chính mình thì mình không lắng nghe được những người kia. Những người trẻ có những nỗi khổ niềm đau của họ, họ tới cầu mình mà nếu mình không lắng nghe, không hiểu được mình thì mình không thể lắng nghe được họ. Câu này rất quan trọng, phải thực tập lắng nghe, đừng vội vã trả lời bằng kiến thức của mình. Đó là lời khuyên rất cụ thể của thi sĩ.

 

 

Ngày xưa Thầy có xuất bản thơ vào năm 1949. Trong tập thơ đó có một hoạ sĩ vẽ bức tranh “Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm” rất là đẹp. Có một cái rèm và có một bình hương dâng khói lên, cái khói đó làm cho bức rèm kia rất là hay. Cảnh tượng đó là một cảnh tượng rất nhẹ nhàng, rất đẹp. Mình có sự thanh thản, mình có sự tươi mát, mình có nếp sống tâm linh. Tại vì hình ảnh khói hương xông lên diễn tả một cái gì rất là tinh khiết, rất là nhẹ nhàng, rất là thoải mái. Khói trầm xông lên và có bức rèm che gió, che sương, nó có sự ấm áp, có sự nhẹ nhàng, có sự thanh thoát. Trước tiên mình phải có được cái đó. Tức là mình phải tu sao để buông bỏ những căng thẳng, sầu khổ trong lòng mình. Mình phải có trạng thái nhẹ nhàng đó thì mình mới giúp được người khác. Khi người khác tới ngồi với mình, mình chưa nói gì hết, chưa dạy gì hết mà họ đã thấy khoẻ rồi. Cái đó phải từ mình đi ra, đó gọi là vô hành. Mình chỉ cần ngồi đó thôi, rất là tinh, rất là nhẹ, đây là từ bi. Khi người ta tới ngồi gần mình thì năng lượng của mình đã bắt đầu làm cho người ta khoẻ, nhẹ rồi. Chưa giúp gì hết mà người kia đã được giúp rồi. Đó là phẩm chất của nhà tâm lý trị liệu.

Ở trên đời có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu, họ học nhiều năm về những kiến thức tâm lý, về kỹ thuật, nhưng họ không có được cái đó, lòng họ đầy những khổ đau, bức xúc không xử lý được. Người ta tới tuần này, tuần khác và tuần khác nữa để họ tư vấn, người ta trả tiền cho họ rất nhiều nhưng họ không giúp được nhiều, không hiệu quả, vì trong họ không có sự bình an.

Cho nên nếu mình muốn giúp cho những người tới với mình thì mình phải có sự bình an. Sự bình an có được do thực tập chánh niệm hằng ngày. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở làm sao để có bình an, có hạnh phúc thì lúc đó mình mới thiệt, còn không là mình giả. Mình là tâm lý trị liệu giả hiệu, chỉ để ăn tiền người ta thôi. Thầy đã tổ chức những khoá tu cho các nhà tâm lý trị liệu, hàng ngàn người tới nhưng phần đông đều đau khổ rất nhiều. Không tự giúp được mình thì làm sao giúp được người khác. Cho nên cụ Nguyễn Du dạy trước hết, mình phải có được sự thoải mái, nhẹ nhàng, tự do trong hình hài mình, trong tâm hồn mình. Cái đó mình phải tu mới có được, phải thực tập, phải ở Làng Mai mấy tháng mới đủ, rồi về nhà mình tiếp tục tu. Ví dụ mình đi bộ từ bãi đậu xe tới phòng làm việc, mình đi sao cho có an, có lạc, có hạnh phúc; đó là một thách thức mình phải làm cho được. Mình làm cho được thì khi mình ngồi là mình đã khoẻ rồi, người kia vô thấy mình, người đó cũng khoẻ, đó là bí quyết của sự thực tập.