(Thầy Chân Pháp Khả)
Đức Bụt của thế kỷ chúng ta
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 13.02.2005 tại Chùa Hoằng Pháp, Việt Nam)
Kính thưa Ðại chúng! Hôm nay là ngày 13 tháng 2 năm 2005. Chúng ta đang vào ngày thứ ba của khóa tu dành cho người cư sĩ, được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp, hôm nay chúng ta nghe bài pháp thoại cuối của khóa tu. Đề tài của bài pháp thoại là Đức Phật của thế kỷ chúng ta, Đức Phật của thương yêu. Theo cái thấy của tôi thì Đức Từ Thị, Đức Di Lặc đã giáng sanh rồi, Ngài đã hạ sanh và Ngài hiện bây giờ chắc khoảng năm hay sáu tuổi. Khi quý vị nghe như vậy thì quý vị muốn hỏi rất nhiều câu hỏi.
Ngài Giáng Sanh rồi hả? Thiệt không thầy? Con trai hay con gái và sinh ra ở nước nào? Con có thể gửi phẩm vật tới cúng dường được hay không? Con có thể tới thăm Ngài hay không? Cố nhiên là quý vị sẽ có những câu hỏi như vậy và tôi sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi của quý vị.
Trước hết tôi muốn nói rằng, kỳ này Đức Như Lai giáng sanh có thể không phải là trong hình thức của một cá nhân mà hình thức của một tập thể, một tập đoàn, một cộng đồng, một tăng thân. Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân, individualism và chủ nghĩa cá nhân đã lộng hành tạo ra biết bao nhiêu chia rẽ, bao nhiêu hận thù, một thế kỷ đẫm máu. Và chúng ta biết rằng nếu thế kỷ thứ 21 vẫn tiếp tục theo chủ nghĩa cá nhân thì chúng ta sẽ có sự tiêu diệt. Vì vậy cho nên thế kỷ thứ 21 phải là thế kỷ tâm linh, thế kỷ của tình thương, nếu không thì sẽ có sự hoại diệt của trái đất này. Sự Giáng Sinh của Bụt Di Lặc, Bụt Từ Thị trong thế kỷ này là một điều rất thiết yếu, nếu Ngài không giáng sinh trong thế kỷ này thì chắc chắn trái đất này sẽ tan tành vì chiến tranh, vì hận thù, vì chủ nghĩa cá nhân. Ngài đã giáng sinh không phải dưới hình thức của một cá nhân mà Ngài sẽ giáng sinh dưới hình thức của một cộng đồng tu tập. Một tứ chúng trong đó có người xuất gia nam, người xuất gia nữ, người tại gia nam và người tại gia nữ. Nếu chúng ta biết chuẩn bị thì chúng ta sẽ trở thành một thành phần của tứ chúng đó. Mỗi chúng ta sẽ là một tế bào trong cơ thể của Đức Bụt tương lai. Bụt Từ Thị tên là Maitreya, Maitreya ta dịch là Di Lặc hay là Từ Thị, mà “Từ” tức là thương yêu, cho nên Đức Bụt của thế giới chúng ta là Đức Bụt của thương yêu.
Hôm nay bài giảng này nói về bản chất của thương yêu để cho chúng ta có thể chuẩn bị thực tập. Thực tập thương yêu tức là chuẩn bị để đón tiếp Đức Bụt của thế kỷ chúng ta, Bụt Từ Thị. Bụt Di Lặc là một sự nối tiếp của Bụt Thích Ca tại vì Ngài cũng đã là đệ tử của Đức Thích Ca.
Ngày xưa có một chàng trai tên là Maitreya. Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế có một chàng trai tên là Maitreya cùng tới thăm Đức Thế Tôn với một số các nhà triết học và đạo học khác. Sau khi những nhà triết học và đạo học khác đặt những câu hỏi cho Đức Thế Tôn thì chàng trai Maitreya cũng đặt những câu hỏi. Chàng trai Maitreya đã đặt những câu hỏi rất thông minh. Sau này Bụt của chúng ta, thầy của chúng ta, tức là Bụt Thích Ca đã tiên đoán rằng Maitreya sẽ là Đức Bụt kế tiếp. Vì vậy Maitreya cũng là đệ tử của Đức Thích Ca và cũng là sự tiếp nối của Đức Thích Ca.
Maitreya dịch là con người của thương yêu, Đức Bụt của tình thương. Chữ Maitreya phát sinh ra từ gốc chữ Maitri. Maitri có nghĩa là Từ, Từ tức là khả năng ban phát hiến tặng hạnh phúc. Đức Thích Ca đã giảng dạy về phương pháp thương yêu và Ngài đã nói tới Từ, Bi, Hỷ và Xả, đó là bốn chất liệu, bốn khía cạnh của tình thương đích thực. Maitreya, Từ Thị từ chữ Maitri mà ra, mà chữ Maitri có nghĩa là Từ, và chữ Maitri cũng có gốc từ chữ Mitra. Mitra tức là bạn, tức là tình huynh đệ. Đức Bụt mới của chúng ta là Đức Bụt của tình huynh đệ. Tại vì chữ Maitri cũng nghĩa là tình huynh đệ. Chúng ta không có thể nhân danh một tôn giáo hay một chủ nghĩa nào để giẫm nát tình huynh đệ. Tình huynh đệ là cái cao quý nhất. Vì vậy chúng ta đừng nhân danh một công trình nào, một sự nghiệp nào, một tôn giáo nào hay một chủ thuyết nào để làm tan nát tình huynh đệ. Tại vì tình huynh đệ là cao nhất, đó là tự thân của Bụt Thích Ca.
Trong bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương, ca ngợi Hòa Thượng Thích Quảng Ðức, có hai câu mà tôi rất là thích, hai câu đó như thế này:
“Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Ta nhìn nhau tình huynh đệ bao la.”
Những khối sân si ở trên thế gian nó gây chiến tranh, gây đau khổ, gây kỳ thị, gây chia rẽ. Và khi Đức Bụt Di Lặc xuất hiện thì tất cả những khối sân si đó đều mở mắt và đều có khả năng thấy được tình huynh đệ. Ngọn lửa của thầy Quảng Ðức là ánh sáng giúp cho những khối sân si hay muôn vạn khối sân si mở mắt ra để thấy được tình huynh đệ bao la. Thấy được tình huynh đệ bao la tức là thấy được Bụt Di Lặc.
Hôm trước tôi có viết thư cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tôi có đề nghị thành phố nên xây một cái tháp chín tầng để kỷ niệm Hòa Thượng Thích Quảng Ðức. Ngày xưa tôi rất thân quen với Hòa Thượng Quảng Ðức từ Nha Trang cho tới chùa Long Vĩnh ở Sài Gòn. Khi tôi đi ngang qua ngã tư Phan Đình Phùng thì thấy có một cái tháp rất là nhỏ, không xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Hòa Thượng Quảng Ðức. Cho nên tôi đã viết thư cho ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghĩ tới chuyện nên xây một toà tháp chín tầng để kỷ niệm một vĩ nhân của đất nước Việt Nam. Hòa Thượng Thích Quảng Ðức không phải chỉ là người của đạo Phật, Hòa Thượng là người của dân tộc Việt Nam và ánh sáng của Hòa Thượng đã làm lay chuyển, đã mở mắt cho không biết bao nhiêu khối sân si trên thế giới. Câu chót của bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương là câu:
“Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện tháp chín tầng xây”
Tình thương hiện thành một bảo tháp có chín tầng, vì vậy tôi đã đề nghị với ông Chủ tịch là phải xây một cái tháp chín tầng cho Hòa Thượng Quảng Ðức. Ở tầng trệt chúng ta sẽ có một tấm bia khắc bài thơ đó của Vũ Hoàng Chương.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có làm một bài thơ để ca tụng Hòa Thượng Quảng Ðức. Bài này là một bài Âu Ca, chỉ sáu hay bảy dòng thôi và đó là bài kết thúc của trường ca “Mẹ Việt Nam”. Phạm Duy viết như thế này:
“Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới,
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho người.
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đang về muôn nơi.”
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.
Câu lửa thiên soi toàn thế giới tức là nói về ngọn lửa của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức.
Ta tranh đấu cho thế giới, không phải bằng võ khí nguyên tử, võ khí hạt nhân mà ta tranh đấu bằng khí giới của tình yêu. Đó là sứ mạng của Bụt Di Lặc. Chúng ta phải có bổn phận yểm trợ Đức Di Lặc và giúp cho Ngài thành lập, tạo dựng một Tăng thân gồm có Tứ Chúng, biểu lộ được tình thương trong tinh thần Từ, Bi, Hỷ và Xả.
Trước hết tôi xin nói về “Từ”. Từ tức là ước muốn và khả năng hiến tặng hạnh phúc. Thương yêu nghĩa là hiến tặng hạnh phúc, nếu không hiến tặng được hạnh phúc thì tình thương đó không phải là tình thương đích thực. Theo tinh thần Phật giáo, ta phải hiến tặng hạnh phúc cho cha và cho mẹ trong đời sống hàng ngày. Đôi khi ta có ý chí muốn làm cho cha mẹ hạnh phúc nhưng trên thực tế ta không có khả năng làm cho cha mẹ ta có hạnh phúc. Ý chí đó, ước muốn đó chưa phải là tình thương. Cho nên phải học các phương pháp làm thế nào để cha mẹ có hạnh phúc. Nếu ta yêu con trai hay con gái thì ta phải làm sao cho ngày hôm nay con ta có hạnh phúc. Ta nói thương con thôi thì chưa đủ, ta tin rằng ta thương con, ta tin rằng trong trái tim ta có rất nhiều tình thương dành cho con. Nhưng nếu ta không biết cách thì con ta vẫn đau khổ như thường. Khả năng có thể dâng tặng hạnh phúc mới gọi là Từ, mới gọi là thương yêu. Chúng ta phải thực tập làm thế nào để cho mỗi ngày ta có thể hiến tặng được hạnh phúc cho người ta thương.
Chúng ta muốn hiến tặng hạnh phúc cho người ta thương trước hết ta phải có sự tươi mát. Nếu ta không có tươi mát thì sự có mặt của ta không làm cho người kia hạnh phúc được. Trước hết ta phải thực tập như thế nào để ta có sự tươi mát. Ở Làng Mai có một bài thực tập là hoa tươi mát. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự tươi mát, dễ chịu, dễ thương trong mỗi người. Nhưng nếu chúng ta không sống theo phương pháp Bụt dạy thì sự tươi mát của chúng ta càng ngày càng ít đi và chúng ta trở thành khô cằn, héo hon, bực bội và chúng ta không có gì để hiến tặng cho người chúng ta thương yêu. Phải thực tập thở, thực tập mỉm cười, thực tập thư giãn, thực tập như thế nào để phục hồi sự tươi mát cho cơ thể và tâm hồn ta.
Chúng ta biết rằng con người khi sinh ra đẹp như một bông hoa. Con người là một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Nhưng có những người trong chúng ta mất đi sự tươi mát đẹp đẽ, tại vì chúng ta không biết cách nuôi dưỡng bông hoa tươi mát ở trong chúng ta. Ta vốn có tính tươi mát của bông hoa. Ta vốn có tính đẹp đẽ của một bông hoa. Nhưng tại vì ta giận hờn, ta trách móc, ta sầu thương, ta lo lắng nhiều quá cho nên tính hoa của chúng ta càng ngày càng khô cằn và ta không có được sự tươi mát, sự đẹp đẽ đó để hiến tặng cho người ta thương. Trong bài thơ gửi cho chị Trúc, thi sĩ Nguyễn Bính có hứa với chị rằng sang năm mới em sẽ không than nữa, không rầu nữa, không khóc nữa. Và em hy vọng nếu em làm được như vậy thì hai mắt của em sẽ trong và sẽ tươi ra.
“Em không khóc nữa, không than nữa.
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại,
Không khóc tha hồ đôi mắt trong.”
Cho nên ta phải thực tập như thế nào để phục hồi tính tươi mát, tính trong sáng của thân thể và của tâm hồn ta. Đó là món quà quý giá nhất mà ta có thể tặng cho người thương của ta. Và là món quà quý nhất mà chúng ta có thể tặng cho cha, cho mẹ, cho con của ta.
Tôi đã từng nói chuyện với những người trẻ. Một trong những hạnh phúc lớn của đời tôi là chưa bao giờ bị xa cách với người trẻ, người trẻ rất tin tôi và tôi rất tin người trẻ. Cho nên không có cái hố ngăn cách về tuổi tác cũng như về văn hóa giữa tôi với người trẻ tuổi, dù là người trẻ tuổi xuất gia hay là người trẻ tuổi tại gia. Tôi đã viết rất là nhiều sách cho người trẻ tuổi, như là nói với tuổi 20, tuổi trẻ tình yêu và lý tưởng… nếu quý vị muốn đọc thì quý vị lên mạng của Làng Mai và quý vị sẽ đọc được những lời thương yêu đó, những lời tâm tình đó với tuổi trẻ. Đối với người xuất gia tôi đã viết quyển nói với người xuất gia trẻ với giọng điệu rất là thương yêu, rất là tâm tình. Tôi đã nói chuyện với những người trẻ và họ đồng ý với tôi một điểm rằng món quà quý nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu là sự hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ thương nhau, cha mẹ hiến tặng cho con cháu niềm vui hạnh phúc. Những người trẻ không cần cha mẹ để lại cho họ tiền bạc, nhà cửa, xe hơi. Họ chỉ muốn cha mẹ sống với nhau hạnh phúc. Đó là gia tài quý nhất của cha mẹ có thể tặng cho con cái. “Từ” tức là maitri, còn “Bi” là karuna. “Bi” có nghĩa là ước muốn và khả năng lấy đi nỗi khổ niềm đau trong người ta thương. Người ta thương có những nỗi đau, những nỗi khổ, những khó khăn. Nếu ta là một người thương đích thực, có khả năng thì ta có thể giúp chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, những bế tắc, những mắc kẹt của người ta thương, đây mới thiệt là thương. Người nào mà không có những khó khăn, người nào mà không có những bức xúc trong lòng, người nào mà không có những khổ đau, người nào mà không có ước vọng. Chúng ta là người thương đích thực thì phải nhìn sâu vào người đó để thấy những nỗi khổ đau của người đó. Đôi khi những khổ đau đó chồng chất từ hồi ta còn ấu thơ mà chưa có ai lắng nghe cả, ta giúp cho người kia nói ra được tất cả những khổ đau mà người kia chưa có dịp nói với ai hết, thì đó gọi là Bi. “Bi” tức là làm cho nhẹ những nỗi khổ niềm đau của người ta thương. Cho nên trong khi thực tập Từ cũng như thực tập Bi, chúng ta phải nhìn sâu vào đối tượng thương yêu của ta. Đối tượng đó có thể là con trai hay con gái của ta. Ta phải thực sự có mặt một cách tươi mát để lắng nghe, để hiểu và đó là Từ và Bi. Người nào cũng có thể thực tập được Từ và Bi mỗi ngày. Người xuất gia cũng vậy, người tại gia cũng vậy. Quý vị đừng nói là quý vị không thực tập Từ và Bi được, tại vì mỗi vị ngồi ở đây đều có hạt giống của Từ và Bi. Hạt giống đó có thể còn nhỏ nhưng nó luôn có mặt đó. Nếu mỗi ngày ta thực tập Từ và thực tập Bi thì hạt giống đó sẽ lớn lên. Khi hạt giống Từ và Bi trở thành quan trọng, lớn mạnh thì hạnh phúc của ta sẽ nhiều lắm. Người hạnh phúc là nhờ có nhiều Từ và Bi. Sở dĩ tôi có hạnh phúc nhiều là tại vì tôi có rất nhiều Từ, tôi có rất là nhiều Bi. Tôi có thì giờ để hiến tặng sự có mặt của tôi cho những người thương của tôi, những người đang gặp khó khăn, những người đang có những cái bức xúc trong lòng, có những khổ đau, có những ước vọng chưa thành tựu.
Khóa tu Việt Wake Up 2024 “Dám sống chân thực”
Xin chào các bạn trẻ,
Phong trào Wake Up do Sư Ông Làng Mai (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh) thành lập vào năm 2008 và đã được quý thầy và quý cô Làng Mai hướng dẫn khắp nơi trên thế giới trong mấy năm qua. Chủ đề của khóa tu lần này là “Dám sống chân thực”.
“Dám sống chân thực” là một lựa chọn có ý thức để thoát khỏi chuỗi đồng nhất nhân tạo. Sống chân thực có nghĩa là luôn trung thực với các giá trị của mình, nuôi dưỡng những kết nối chân thực trong thời đại kỹ thuật số và lèo lái mê cung các triết lý xung đột một cách chính trực. Tính xác thực trở thành nguyên tắc chỉ đạo, một lời nhắc nhở rằng ngay cả khi công nghệ tiến bộ, cốt lõi của con người chúng ta – khả năng phản ánh, cảm nhận, sáng tạo và kết nối vẫn cực kỳ quan trọng. Tính xác thực là nguồn sức mạnh và khả năng phục hồi sâu sắc.
Các khoá tu trong chuyến hoằng pháp Viet Wake Up sẽ do quý thầy và quý sư cô Làng Mai hướng dẫn trực tiếp bằng tiếng Anh. Xin mời các bạn thanh thiếu niên, đặc biệt là các bạn có gốc Việt và các nước châu Á khác. Trong các khóa tu này, các bạn sẽ học những giáo lý thiết yếu của đạo Phật và những phương pháp thực hành chánh niệm giúp các bạn trở nên chân thực và phát triển tuệ giác đích thực trên con đường khám phá bản thân và thể hiện bản thân đầy ý nghĩa.
- Miami, FL: từ ngày 17-20/05
- Dallas, TX: từ ngày 30/05 – 02/06
- Seattle, WA: từ ngày 06/06 – 09/06
Mọi chi tiết xin liên lạc qua email và số điện thoại đính kèm trên poster.
Khóa tu Sức khỏe thân tâm (26.04 – 03.05.2024)
“Khi thực tập chánh niệm, chúng ta tiếp xúc sâu sắc và biết cách phối hợp giữa thân và tâm một cách nhẹ nhàng. Sự phối hợp này giúp ta chăm sóc bản thân chu đáo, thấy được sự thật tương tức và có nhiều an lạc. Chúng ta trở nên ý thức hơn về những cảm nhận của thân thể, hiểu được chính mình và những cảm thọ của mình, có khả năng đáp lại những thông điệp quan trọng mà thân thể nói cho ta nghe về tình trạng sức khỏe nơi thân cũng như nơi tâm. Với những bài tập thể dục nhẹ nhàng toàn thân, chúng ta gửi đến thân thể sự lân mẫn và niềm biết ơn, cải thiện sức khoẻ, thể lực, sự bền bỉ, dẻo dai và đem lại sự bình an, định tĩnh cho tâm hồn. Học cách buông thư giúp chúng ta hồi phục sức khoẻ, trị liệu cho cả thân lẫn tâm, giảm thiểu những vấn đề về tâm thần như căng thẳng, giận dữ, trầm cảm và lo lắng.” – Sư Ông Làng Mai
Khóa tu Sức khỏe thân tâm vừa được diễn ra tại chùa Từ Nghiêm, xóm Mới trong một tuần lễ vừa qua, từ ngày 26/04 đến 03/05/2024. Trong xã hội con người có quá nhiều vấn đề về tâm lý, điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp lên thân thể của chúng ta với những mệt mỏi, chán chường. Khóa tu là cơ hội cho các bạn thiền sinh trở về chăm sóc thân thể và tâm hồn qua những bài pháp thoại của quý Sư cô. Hay các buổi ngồi thiền có hướng dẫn là thời gian lắng yên trở về có mặt, ôm ấp em bé 5 tuổi trong mỗi chúng ta và được lắng nghe những buổi thảo luận về cách đối trị với cảm xúc mạnh. Đặc biệt hơn là lớp học viết thư pháp, từng nét bút mềm mại là khi thân tâm mình có mặt, buông thư, nhẹ nhàng, thư giãn. Qua một tuần thực tập, từng bước chân của các bạn thiền sinh chậm rãi hơn, những bông hoa trong lòng được chăm sóc và tỏa ngát hương thơm. Điều đó được biểu hiện qua từng gương mặt rạng rỡ, tràn đầy sức sống tươi mới. Khi trong lòng có đủ không gian và bình yên cũng giúp cho thân được thư thái.
Cuối tiết trời tháng tư nhưng vẫn không ngăn được những cơn mưa kéo dài cả ngày. Tuy phải cắm lều và bị ướt dột nhưng các bạn thiền sinh vẫn được nuôi dưỡng hạnh phúc từ sự thực tập. Đó cũng là lúc trở về tắm mát trong dòng suối tâm linh, tiếp xúc sâu sắc với vẻ đẹp của thiên nhiên mà đất trời đã ban tặng cho chúng ta.
Xin mời đại chúng thưởng thức vài khoảng khắc được lưu lại trong khóa tu vừa qua.
Còn tu là còn thấy nhau
Có ai thắm đượm tình xuân
Để cho lá lộc tần ngần xuyến xao
Pháp âm tiếp nối truyền trao
Giờ nay vắng bóng lối vào chông chênh
Gió đưa hương thoảng nhẹ tênh
Nỗi lòng tựa núi, mông mênh biển trời
Nguyện cầu mây trắng thảnh thơi
Nguồn tâm tuôn chảy mỉm cười mát trong
Nắng vàng chiếu rọi cõi lòng
Thở sâu, bước vững nối vòng hiểu thương
Xa xôi cách trở trăm đường
Còn tu còn thấy tỏ tường trong nhau
Bây giờ cho đến ngàn sau
Cùng chung nhịp bước qua cầu bình an.
Vui buồn rồi cũng sẽ đi qua
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 13.04.2000 tại xóm Mới, Làng Mai)
Hôm nay Thầy muốn nói tới một khía cạnh khác của sự thực tập. Thầy đề nghị phương pháp thực tập là khi có một tâm hành buồn chán, lo âu, không có hạnh phúc, thì mình hãy ôm lấy tâm hành buồn chán, tâm hành lo âu đó. Đừng vội tìm cách xua đuổi mà hãy ôm lấy nó. Mình hỏi: “Tâm hành của ta ơi, ngươi có phải là sự đau khổ không?” Chúng ta đừng có vội vàng tìm cách đày ải nó, trái lại chúng ta ôm ấp, mời nó ở lại. “Này tâm hành buồn chán của ta ơi, ta biết ngươi có đó. Ngươi ở lại chơi với ta một thời gian đi. Ngươi có phải là sự đau khổ thật sự không?”. Chúng ta nên có một cái nhìn khác.
Tâm tư ta buồn chán hay lo âu là chuyện rất thường. Cũng như bầu trời. Bầu trời có khi xanh trong, nhưng có khi cũng có mây. Tại sao ta phải lo lắng quá sức về chuyện thời tiết. Nếu ở trong trời đất có thời tiết thì trong tâm hồn ta cũng có thời tiết. Nhiều người than phiền rằng con người hay thay đổi, nhưng ông trời cũng vậy thôi. Nhà thơ Nguyễn Bính nói rằng mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo cả đến ông trời cũng đổi thay. Nếu ông trời có lúc trong, có lúc đục, thì tại sao ta không cho phép ta có lúc trong, có lúc đục? Vì vậy có một tâm hành buồn buồn, chán chán, lo lo, đó là chuyện rất dĩ nhiên. Ta phải chấp nhận sống với cái đó và ta mỉm cười với nó.
“Tâm hành buồn chán của ta ơi ta biết người có đó.” Và ta phải sống hạnh phúc với tâm hồn đó, trong lúc tâm trạng đó đang có thật. Tâm trạng buồn chán lo lo có thật, đúng phải không? Nhưng ta còn có thêm cái khác nữa, đó là sự thực tập; tâm trạng của ta, thái độ mới của chúng ta đối với tâm hành này. Ta ôm lấy nó, làm bạn với nó, thân thiết với nó thì tự nhiên nó trở thành rất dễ chịu. Một niềm đau nho nhỏ, một nỗi buồn nho nhỏ, hay là sự lo âu nho nhỏ, đều trở thành rất dễ chịu. Điều này là một điều rất quan trọng. Chúng ta đừng tưởng hạnh phúc thực sự là sự vắng mặt của tất cả những đau khổ. Nếu chúng ta hiểu như vậy thì chúng ta chưa hiểu hạnh phúc là gì?
Chúng ta không cần phải đày ải tất cả đau khổ ra khỏi ta thì ta mới có hạnh phúc. Chúng ta vẫn có thể có hạnh phúc như thường nếu những đau khổ vẫn còn ở trong ta. Cũng như khi làm vườn, nếu là một người làm vườn giỏi, làm theo kiểu biologic (hữu cơ), thì mình biết rằng khu vườn của mình thế nào cũng có hoa và có rác. Tại vì có hoa thì thế nào cũng phải có rác, người làm vườn giỏi không bao giờ đem rác mà đốt, hoặc thả đi chỗ khác. Người làm vườn giỏi luôn luôn giữ rác đó lại để ủ thành phân và phân đó sẽ làm hoa trái ở trong vườn tốt thêm.
Chúng ta cũng vậy, là người tu, chúng ta cũng là một người làm vườn. Những tâm hành gọi là buồn chán, lo âu, bực bội đó phát hiện ra là chuyện rất dĩ nhiên. Chúng ta muốn có rau, có trái mà chúng ta không có muốn có rác thì đâu có được. Chúng ta hái những trái mướp, những trái cà, những trái đậu hay những lá xà lách thì thế nào cũng còn giữ lại những gốc rễ, những lá úa để biến chúng thành phân xanh nuôi dưỡng những hoa trái của tương lai. Là người thực tập cũng giống như một người làm vườn. Chúng ta biết rằng khu vườn là cái tâm của chúng ta. Tâm ta bao gồm những tâm hành tích cực, dễ chịu và cả những tâm hành tiêu cực, không dễ chịu. Là một người làm vườn giỏi ta phải có trái tim lớn, có hiểu biết lớn. Ta chấp nhận được cả phần hoa và phần rác ở trong khu vườn của ta. Mỗi khi thấy rác ta không giận, không buồn tại ta biết rằng rác thế nào cũng thành hoa. Do đó cho nên thao thức vội vã muốn chuyển hóa tâm hành đó, muốn đày ải tâm hành đó, muốn thay chốt liền chưa chắc đã là tốt.
Một khi tâm hồn mình có sự u ám như là bầu trời không trong sáng thì mình nên đem lòng ưu ái trở về với tâm hành đó và làm quen với nó. Tâm hành của ta ơi, ngươi có phải là sự đau khổ không? Ta biết ngươi là bạn của ta. “Ngươi đã là bạn của ta trong quá khứ, ngươi là bạn của ta trong hiện tại và ngươi cũng sẽ là bạn của ta trong tương lai. Chúng ta phải biết sống chung với nhau, với an lạc, với hòa bình và nhất là với thái độ bất nhị.” Tại vì muốn có hoa mà không có rác, đó là chuyện không tưởng. Muốn có hạnh phúc mà không có khổ đau, đó cũng là một chuyện không tưởng. Chính vì nhờ những giây phút khổ đau, cho nên mình mới biết được giá trị của những giây phút hạnh phúc. Có những ngày trời mưa âm u kéo dài thì khi nắng lên bầu trời trong, mình mới thấy được tất cả những cái đẹp, mầu nhiệm của bầu trời trong. Vì vậy cho nên chấp nhận những ngày mưa là rất quan trọng.
Khi trời mưa, chúng ta không buồn phiền, không đau khổ. Chúng ta có những phương pháp của chúng ta, đối xử với trời mưa. Trời mưa thì ta không đi ra ngoài ăn cơm. Trái lại, ta đóng cửa cho kĩ để mưa gió đừng có lọt vào và ta đốt lò sưởi lên, cho có sự ấm cúng ở bên trong. Trời nắng thì ta mở cửa ra và ta đi ra ngoài bãi cỏ, ta ngồi xuống, uống trà, ăn cơm. Tâm hành của ta cũng vậy. Khi bầu trời của tâm tư ta nó trong, ta làm chuyện khác mà khi bầu trời tâm tư của ta nó đục, có mây thì ta làm chuyện khác. Ta không lo sợ. Trong thì trong, đục thì đục, ta không chống đối và đó là thái độ của người tu.
Sau khi ngồi với tâm hành u ám của chúng ta với tất cả thái độ ưu ái và thương tưởng thì chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được nó. Chúng ta sẽ nói tâm hành u ám của ta ơi, ngươi rất cần thiết cho ta. Chính nhờ ngươi, ta mới có khả năng thấy được những tâm hành tốt đẹp của ta. Ta không muốn đày ải ngươi đâu, ta biết rằng ngươi rất cần thiết cho sự biểu hiện và lớn lên của những tâm hành tích cực. Khi mình biết nắm tay cùng đi thiền hành chung với tâm hành u ám của mình, không có ý muốn xua đuổi nó, chỉ muốn cầm tay nó, nhìn kĩ vào nó và tỏ lòng thân thiện với nó thì tự nhiên tình cảnh trở nên dễ chịu vô cùng. Khi đó mình có thể chấp nhận một ngày mưa, một ngày gió rất dễ dàng, mình có thể có hạnh phúc ngay trong ngày mưa và ngày gió đó. Đó là sự thực tập của Thầy. Sự thực tập này được căn cứ trên nhận thức gọi là nhận thức bất nhị.
Có một hôm Thầy hỏi một sư em rất nhỏ, rất trẻ, hỏi rằng có khi nào tâm hồn của con u ám như là bầu trời ngày hôm nay không? Thì sư em trả lời, dạ có. Sư em còn trẻ lắm nhưng mà cũng có thể có những ngày tâm hồn u ám. Thầy hỏi trong những trường hợp đó, con làm sao, nói cho Thầy nghe. Trong câu chuyện chứng tỏ rằng sư em không lo sợ, tại vì tuy sư em còn nhỏ nhưng đã có kinh nghiệm trong quá khứ, là những giờ phút tâm hồn u ám bao giờ cũng đi qua để nhường chỗ cho những tâm hành trong sáng và nhẹ nhàng. Cái đó không làm gì nó cũng qua, không cần thực tập nó cũng qua. Sư em nghĩ như vậy và thấy như vậy cho nên sư em không lo lắng về những tâm hành u ám. Tuy nhiên niềm vui đi tới tại vì trong sư em có những hạt giống của niềm vui. Các sư chị, các sư anh cũng có những hạt giống của niềm vui. Do đó khi tiếp xúc thì tự nhiên những hạt giống của niềm vui được tưới tẩm, được tiếp xúc và biểu hiện ra và tâm hành u ám kia, buồn phiền kia biến mất.
Nhưng mà hôm đó, Thầy chưa có dịp dạy sư em về phương pháp nắm tay tâm trạng u ám, buồn chán đó để đi thiền hành để tỏ lòng ưu ái của mình và biết ơn của mình đối với nó. Chúng ta biết ơn hoa nhưng mà chúng ta cũng biết ơn rác. Tại vì nhờ có rác cho nên mới có hoa; tại vì có hoa thế nào cũng phải có rác. Và ta chấp nhận đó như là một sự thật.
Một vị Ni sư nổi tiếng ở đời Lý là Ni sư Diệu Nhân đã làm một bài kệ rất hay. Ni sư nói rằng: “Sinh lão bệnh tử là cái thường nhiên, tại sao phải đi cầu tìm cái chuyện giải thoát. Nóng nảy đi tìm chuyện giải thoát khỏi sinh lão bệnh tử thì tự nhiên bị sinh lão bệnh tử nó cột mình.” (Sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên, dục cầu xuất ly, giải phược thiêm triền.) Đó là một vị Ni sư ở đời Lý. Nếu mình nắm tay sinh lão bệnh tử, mình cười với nó, chơi với nó, không sao hết. Nếu mình cố ý muốn chạy, muốn đày ải, muốn tiêu diệt sinh lão bệnh tử thì mình sẽ bị bỏ cuộc. Tại vì trong thái độ tranh đấu, trốn chạy đó có cái nhìn lưỡng nguyên, cho nên mình bị cột.
Do đó phương pháp mình đề cập tới sáng hôm nay là đừng mang theo thái độ lưỡng nguyên đó ở trong sự thực tập của mình. Mình phải tìm cách nhìn những tâm hành tiêu cực của mình với cặp mắt bất nhị, với sự thương tưởng và mình làm bạn với nó. Thành ra nếu chúng ta, nếu các bạn chúng ta hiện bây giờ đang có những nỗi khổ niềm đau thì đừng quá thao thức, đừng quá hành hạ, chống phá, tranh đấu, đày ải và chạy trốn những niềm đau nỗi khổ đó. Trái lại mình phải biết mời niềm đau nỗi khổ đó ngồi xuống với mình và hỏi niềm đau của ta ơi, nỗi khổ của ta ơi, bản chất của ngươi là gì? Hỏi câu hỏi đó và mình sẽ nắm tay niềm đau, nắm tay nỗi khổ của mình đi thiền hành và cùng ngồi thiền với mình. Mình biết rằng chính niềm đau nỗi khổ đó sẽ giúp cho mình thấy được, kinh nghiệm được an lạc, giải thoát, hạnh phúc. Mình phải tỏ lòng cám ơn niềm đau nỗi khổ đó, vì nếu không có những niềm đau nỗi khổ thì không cách nào chúng ta lớn lên được mà có thể chúng ta chỉ có khả năng tiếp nhận được niềm vui của giải thoát, của an lạc mà thôi. Cho nên thái độ trốn chạy, đập phá, đày ải, nỗi khổ niềm đau của chúng ta không phải là một thái độ khôn ngoan.
Có một lần trong khi đi thiền hành, Thầy thực tập ôm lấy tâm trạng đó và Thầy hỏi: “Tâm trạng đó ơi, ngươi có phải là sự đau khổ thật hay không?”. Và Thầy thấy nó không phải thật sự lao khổ, nó chỉ là một chuyện rất thường, cũng như hễ có trời nắng thì thế nào cũng có trời mưa. Nắng thì làm ra mưa, mưa thì sẽ làm ra nắng. Thầy thấy rất rõ điều đó nên không cần phải đày ải nó. Thì tự nhiên đó không còn là một mối đe dọa, là một nỗi khổ đau cho mình nữa và mình sống với nó rất tự nhiên, rất mầu nhiệm. Xin mời đại chúng thực tập và đại chúng sẽ thấy phương pháp này rất hay.
Mình là miếng đậu hũ?
(Sư cô Trăng Hiền Tâm)
Sư cô Trăng Hiền Tâm, người Hàn Quốc, xuất gia trong gia đình cây Dẻ Gai năm 2018. Hiện nay, sư cô đang tu tập và phụng sự ở xóm Mới, Làng Mai Pháp. Bài chia sẻ dưới đây của sư cô được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Tôi tỉnh dậy và thấy mình là một miếng đậu hũ trên băng chuyền trong một nhà máy chế biến thực phẩm ở làng quê hẻo lánh. Trắng muốt, vuông vắn, mềm mượt, từng miếng đậu hũ xếp ngay ngắn trên băng chuyền nối nhau thành hàng dài vô tận. Tôi nép mình giữa những miếng đậu khác, nhưng cũng lao vút đi trên băng chuyền như đang chơi trò trượt nước nóng trong một khu vui chơi. Bất kể nhìn trước, nhìn sau, ngước lên hay cúi xuống, chẳng có chỗ nào là không có đậu hũ. Không kịp có cơ hội tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, theo bản năng, tôi bất giác co mình lại để trở thành một miếng đậu hũ. Tôi tự dặn lòng: “Mình là miếng đậu hũ”. Nếu người quản lý nhà máy phát hiện ra tôi là con người thì hẳn ông sẽ rất tức giận, thôi đành giả vờ là một miếng đậu hũ vuông vắn và nóng hổi vậy. Cuối cùng cũng đã đến chặng cuối của băng chuyền, tôi thừa dịp nhảy xuống rồi chạy thoát ra ngoài bằng cửa sau. Tôi cứ thế chạy mãi về phía cánh đồng cho đến khi dừng lại ngay rìa của một vách đá. Phía sau, ông quản lý hét lớn: “Cô không phải là đậu hũ, cô là con người mà”. Quá sợ hãi và hoảng hốt tôi khăng khăng: “Không, không, tôi là đậu hũ” rồi ngoan ngoãn trở lại vị trí cũ trên băng chuyền trong nhà máy.
Giải mã giấc mơ
Từ tấm bé, tôi đã nuôi mộng trở thành một học sinh giỏi và một đứa con ngoan. Theo lời khuyên của bố mẹ, từ nhỏ đến khi niên thiếu, đạt được nhiều giải thưởng và thành tích học tập xuất sắc là đỉnh điểm thành công đối với tôi. Hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng và người công dân chuẩn mực mà xã hội định hình đã khiến tôi bị áp lực và trở nên căng thẳng.
Đến khi trưởng thành, tôi dặn lòng: “Từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ làm những gì mình muốn”, về chuyện học hành, nghề nghiệp, hay phong cách ăn mặc. Trong thời gian bảy năm làm việc tại đài truyền hình KBS và SBS ở Hàn Quốc, tôi đã sống theo cách mình muốn mà không quan tâm đến bất kỳ hình ảnh lý tưởng nào như hình ảnh miếng đậu hũ mà gia đình và xã hội muốn nhào nặn. Thời gian này, tôi vừa qua tuổi 20, những giấc mơ lặp đi lặp lại từ thời thơ ấu không còn xuất hiện nữa.
Mãi cho đến năm 2018: năm mà tôi trở thành một sư cô tại Làng Mai, chúng mới xuất hiện trở lại.
Lại một lần nữa giả làm miếng đậu hũ
Mặc dù là người tự nguyện đi theo con đường xuất gia, nhưng những năm đầu thời sadi của tôi là những năm tháng đầy thử thách. Thay đổi hoàn toàn một lối sống tôi đã quen thuộc trong hơn 30 năm đã làm cho cơ thể cũng như tâm hồn tôi bị sốc. Những ký ức khổ đau ngủ quên bấy lâu nay bắt đầu thức dậy. Gần như ngày nào tôi cũng chìm trong nước mắt. Thậm chí nhiều khi tôi chọn đi đường khác để tránh phải gặp mặt và xá chào quý sư cô lớn. Tôi công khai thể hiện sự bất mãn và khó chịu của mình, phàn nàn về sự phân biệt đối xử khi quý sư cô tỳ kheo mỗi người nhận được ba quả bơ, còn sadini như chúng tôi chỉ nhận được hai quả. Đọc hàng trăm uy nghi và giới luật, tôi càu nhàu: “Hình như là quá tiểu tiết, giống như trong quân đội vậy”. Những lời dạy dỗ ấy dường như muốn ép tôi trở thành miếng đậu hũ, màu sắc và hình dáng phải giống y như những người khác.
Mỗi tối trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi tự hỏi: “Liệu đây có phải là con đường dành cho mình?”. Rồi tôi nhận được câu thì thầm từ nội tâm: “Hãy cho mình cơ hội được trải nghiệm trong vòng năm năm, nếu không có kết quả gì thì mình luôn có thể quay lại với cuộc sống trước kia”. Nhưng hình như khối nghi ngờ trong tôi vẫn chưa được thuyết phục với quyết định năm năm ấy. Tôi tiếp tục phàn nàn về cuộc sống xuất gia, sự chống đối cứ tiếp diễn: “Quá khắt khe. Chẳng hợp lý gì cả. Mình có nên chuyển trung tâm không?”. Cứ thế tôi tiếp tục nuôi những suy nghĩ ấy, và cảm thấy khó chịu, bó buộc với những giới luật và uy nghi.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy cách thức hoạt động của bản ngã trong mình. Lúc nào tôi cũng cho rằng mình đúng và người khác sai. Chẳng hạn như trước đây, mỗi lần muốn tìm câu trả lời, tôi đều nhờ Google, nhưng đành từ bỏ thói quen đó vì mỗi lần vào Internet để tìm hiểu về những chủ đề mà tôi quan tâm là một lần khó. Để được sử dụng Internet trong những ngày làm biếng, tôi phải xin phép để được cấp một mẩu giấy như sau: “Con được phép sử dụng Internet vì lý do …” Thật buồn cười! Tôi chống đối việc này bằng cách gần như không sử dụng Internet trong vòng hai năm.
Xin phép để làm những thứ khác cũng phức tạp như vậy. Đi ra ngoài tu viện, tôi phải xin phép Y chỉ sư, Giám niệm, Tri xa, và còn phải kiếm thêm một người khác làm đệ nhị thân đi cùng. Nếu trong mùa An cư thì còn phức tạp hơn, tôi phải làm thêm một bước nữa là đứng trước toàn thể đại chúng và trình bày lý do, địa điểm, đệ nhị thân, thời gian đi và về của tôi.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải là than phiền về quy trình phức tạp, mà là để thấy cách thức bản ngã của tôi vận hành. Trong mỗi giai đoạn vận hành, tôi nghe thấy tiếng gào thét của bản ngã: “Chính tôi mới là người quyết định nên làm gì và không nên làm gì, tôi phải được ưu tiên trên hết”.
Bởi chẳng thích thú gì với những điều bó buộc, tôi ý thức là mình có thể từ bỏ chương trình năm năm và trở về với cuộc sống trước kia. Đó hẳn là sự lựa chọn dễ dàng. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, tôi đã chọn cách thật sự đương đầu với những thử thách. Đó là tháo gỡ hết những trở ngại thật sự làm cho tôi mất tự do. Những trở ngại ấy không đến từ công việc trong tu viện hay vì không có lương hàng tháng, mà vì những suy nghĩ trong đầu và phản ứng của cơ thể khiến cho tôi cảm thấy ngột ngạt. Vậy nên tôi tập trung ý thức, quan sát những gì đang xảy ra cho thân và tâm, phòng hộ sáu căn khi bản ngã của tôi gào lên: “Tôi đang ở đây, đừng có mà đánh trống lảng”. Nhờ đó mà sự phản ứng nóng vội trong tôi cũng nguội bớt đi một cách đáng kinh ngạc.
Lâu dần, thay vì kiểm tra tin nhắn ngay sau khi thức dậy vào mỗi sáng thì tôi đọc bài kệ “Thức dậy”. Bước xuống giường, tôi ý thức cái lạnh của sàn nhà dưới lòng bàn chân. Nhẹ nhàng và chánh niệm, tôi đi tới và mở cửa trong ý thức để không làm phiền những người cùng phòng.
Nếp sống thanh đạm của người xuất gia đã giúp cuộc sống của tôi trở nên đơn giản: ăn chỉ ý thức là mình đang ăn, cắt rau củ thì biết là mình đang cắt rau củ, nghe pháp thoại thì ý thức là mình đang nghe pháp thoại. Ngay cả những lúc bản thân không muốn ngồi thiền có hướng dẫn nhưng tôi cũng thả lỏng và để cho mình đi theo dòng chảy của tăng thân. Nhiều khi đánh mất mình trong những suy nghĩ miên man, tiếng chuông ngân lên ở tu viện chính là neo đậu giúp tôi dừng lại và trở về với mình.
Theo thời gian, hình ảnh của tôi trong quá khứ – ngồi trong tàu điện ngầm, lướt qua các trang tin tức trong khi vẫn theo dõi kênh truyền hình của Netflix bắt đầu mờ nhạt dần trong tâm trí. Giống như tên người thầy kính yêu của tôi – Thầy Nhất Hạnh (“Nhất Hạnh” nghĩa là “một hành động”), tôi tự cam kết với chính mình là trong khoảng thời gian năm năm này tôi sẽ rèn cho mình thói quen là chỉ tập trung làm một việc mà không làm nhiều việc cùng một lúc. Giống như sau ba mươi năm sống một lối sống hoàn toàn khác thì bây giờ chính là một kỳ nghỉ ngơi năm năm. Bắt đầu từ năm thứ tư, những va chạm trong đời sống cũng bớt đi phần nào, bởi thay vì than phiền và đổ lỗi cho hoàn cảnh và những người xung quanh, tôi tập trung quán sát và nhận diện chính mình. Tôi rất biết ơn những người bạn đã đồng hành và yểm trợ tôi trong khoảng thời gian ấy.
Tôi tập trung vào ba sự thực tập căn bản và cốt lõi: sống hòa hợp trong tăng thân; chế tác năng lượng chánh niệm hằng ngày bằng sự thực tập ý thức về hơi thở và ý thức về hình hài; và nhìn sâu vào tự tính tương tức của vạn vật. Thỉnh thoảng trong tôi vẫn còn sự nghi ngờ về phương pháp thực tập của Làng Mai, vì hơi khác so với truyền thống Phật giáo ở Hàn Quốc. Những vị thiền sinh mà tôi gặp ở Pháp quan tâm nhiều đến các pháp thực hành hơn là tìm hiểu sâu về những lý thuyết và giáo lý về kinh điển Phật giáo. Trong khi đó, ở châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan, thường thì các sadi và sadini tập trung chủ yếu vào lý thuyết và kinh điển trong bốn năm đầu chương trình Đại học Phật giáo. Tôi cũng lo khi trở về Hàn Quốc, người Hàn sẽ nghĩ rằng tôi không đủ kiến thức về Phật Pháp. Cũng là một nhân duyên, khi tôi có cơ hội được kiểm tra hoa trái thực tập và cái hiểu của mình về đạo Bụt trong chuyến trở về Hàn Quốc để chăm sóc ba mẹ.
Trở về Hàn Quốc
Khi nghe tin ba được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, tôi đã khóc như mưa. Tôi biết đây là lúc tôi cần trở về có mặt với ba mẹ. Với tình thương và sự yểm trợ của đại chúng, tôi được sắp xếp để về lại Hàn Quốc nhanh chóng. So với bốn năm trước, Hàn Quốc thay đổi nhiều, tốc độ phát triển của xã hội gấp gáp, và người người trở nên vô cảm lạnh lùng. Họ đi qua nhau như đeo trên mình một chiếc mặt nạ vô hồn, hiếm lắm mới bắt gặt một nụ cười. Cái nhìn của họ thờ ơ cứ như những ngón tay trần đông cứng giữa cái giá lạnh của mùa đông.
Được gặp lại ba mẹ là một niềm vui khó tả, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu đó chỉ là một chuyến thăm nhà như bình thường. Mà không sao, điều quan trọng nhất là tôi đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ba khác quá, tóc ba bạc nhiều, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời. Điều tích cực là tinh thần ba luôn lạc quan, yêu đời mà không bi thảm vì bệnh tật. Tôi cảm phục tinh thần lạc quan và niềm vui sống của ba, cố gắng làm hết những gì mình có thể mà không để kết quả làm mình thêm lo lắng.
Càng gần đến ngày phẫu thuật, không khí căng thẳng bao trùm. Ở Làng Mai tôi học được cách nhận diện và chăm sóc sự căng thẳng mà không để nó làm tê liệt thân tâm, vì căng thẳng sẽ chỉ làm mọi chuyện trở nên rối hơn. Tôi và ba đã cùng nhau học Phật Pháp trong thời gian ba bị bệnh.
Khi ba đang nằm trong phòng mổ của bệnh viện ở Seoul, tôi không để âu lo làm mình rối trí. Tôi nắm tay mẹ và hai mẹ con cùng nhau thở những hơi thở ý thức. Cạnh bên phòng mổ là phòng hồi sức cấp cứu – nơi những bệnh nhân đang đối diện với thập tử nhất sinh. Nhìn thấy khuôn mặt buồn bã của những gia đình có người thân đang cận kề cái chết đã khiến mẹ thêm lo. Để giúp mẹ, tôi mở nhạc kinh của Làng Mai cho mẹ nghe. Âm nhạc có thể vỗ về và an ủi những người không thể tự mình an ủi. Tôi nghĩ nó cũng đã giúp được mẹ phần nào.
Thật may mắn, ca phẫu thuật của ba thành công. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên ông nhắc đến là “mười hai nhân duyên”! Trong thời gian bệnh, khi học bài cùng nhau, ba đã nói tôi cần học thuộc lòng thuật ngữ Phật giáo này bằng tiếng Hàn. Những ngày chăm sóc ba trong bệnh viện trôi qua rất nhanh.
Mất vài tháng thì sức khoẻ của ba mới hồi phục. Ba cũng bắt đầu thể hiện tình cảm với tôi một cách tự nhiên và kể rằng ông đã nhớ tôi rất nhiều trong mấy năm tôi xa quê tu tập. Tôi cảm thấy mình như đang an cư ở nhà với ba trong khoảng thời gian ba hồi phục. Một trong những lý do là sau khi nghỉ hưu, ba tôi đã xây dựng một căn nhà trên núi cho cả gia đình, thành ra chúng tôi cứ như đang ở trong một ngôi chùa nép mình trên núi, vắng vẻ, bình an và tinh khiết.
Ngồi thiền buổi sáng, ăn cơm trong chánh niệm, thiền hành, tập thể dục, chăm sóc vườn, và nghe pháp thoại là những thời khóa hằng ngày của cả nhà. Ba muốn dạy cho tôi những thuật ngữ Phật giáo tiếng Hàn, các giáo lý căn bản của đạo Phật và tâm lý học ứng dụng, kể cả những những kinh sách thời xưa. Tuy thời khóa dày đặc như vậy, nhưng cả ba và mẹ đều hạnh phúc. Những lúc bắt gặp kinh điển và thuật ngữ Phật giáo mới lạ, tôi nhận ra rằng tôi đã học được những điều này tại Làng Mai. Hình thức tuy có thể khác nhau, nhưng nội dung thì giống nhau. Như những ngón tay khác nhau nhưng chúng đều cùng chỉ về hướng mặt trăng.
Pháp môn yêu thích của ba mẹ là thiền ôm. Đàn ông Hàn Quốc thường ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài với con cái, ôm con là điều hiếm xảy ra. Nhưng mỗi ngày ba đều ôm tôi, và đôi khi thì hơi nhiều. Sau giờ ngồi thiền, sau giờ ăn sáng, sau giờ thiền hành, và sau giờ nghe pháp thoại… ông luôn muốn thể hiện tình thương bằng việc ôm con của mình. Có lúc tôi nói đùa với ba là ba chỉ được ôm con tối đa năm lần mỗi ngày. Tôi nhận ra chuyến trở về bất ngờ của mình không chỉ là để có mặt chăm sóc ba mà còn là để chữa lành cho chính mình.
Một lần nữa, liệu tôi có thật là đậu hũ?
Tôi muốn chia sẻ về một giấc mơ khác của mình. Giấc mơ ấy là một bí mật, nhưng vì trong tăng thân thì chẳng có gì bí mật cả, nên tôi sẽ kể bạn nghe. Đó là vào đêm trước khi tôi được thọ Giới lớn hồi đầu năm ngoái. Cá nhân tôi không cố gắng giải mã những giấc mơ như những hiện tượng bí ẩn, mà tôi nghĩ rằng giấc mơ phản ánh những gì xảy ra trong nội tâm. Trong giấc mơ, tôi và hai người bạn cùng ngồi trên một chiếc trực thăng và nhìn xuống một dòng sông lớn bị đóng băng, được bao quanh bởi núi non trùng điệp và những cánh rừng nhiệt đới.
Trong giấc mơ, tôi là một người đàn ông da màu. Đột nhiên, hai người bạn đưa ra ý tưởng: “Mình hãy cùng nhau nhảy xuống dưới dòng sông băng kia”. Sau khi quan sát kỹ, chúng tôi thấy ở giữa dòng sông có một lỗ đen, và màu nước cho thấy độ sâu của nó. Như vậy thì chẳng khác gì bảo tôi chết đi. Nhưng thật lạ, tôi cảm thấy có thể nhảy xuống cùng với hai người bạn vô cùng tin tưởng của mình. Không một chút do dự, chúng tôi nắm tay nhau và nhảy xuống hố nước đá lạnh căm đó. “Ùm!” Hết sức bất ngờ, nước không hề lạnh như tôi nghĩ, ngược lại còn ấm và trong veo như suối nước nóng. Khi mở mắt ra, tôi thấy một bạn trông giống Đức Bụt, còn người kia thì giống Thầy. Ở dưới nước nên chúng tôi không thể nói chuyện được nên chỉ nhìn nhau mỉm cười rồi cùng bơi lội thật thoải mái.
Một năm tập sự xuất gia và năm năm là người xuất sĩ của tôi trôi qua trong nháy mắt. Giờ đây tôi vẫn đang bơi trong suối nước nóng ấm áp của tăng thân. Giống như tôi chỉ mới được tắm gội thật kỹ và lâu, giũ sạch tất cả những bụi bẩn trong tâm, làm toàn thân tôi mát mẻ và nhẹ nhàng. Sau khi hoàn tất chương trình năm năm, tôi vẫn thấy mình có mặt đây trong tăng thân, cười đùa, sẻ chia và tu tập, y như trong một giấc mơ khác của tôi mà tôi sẽ kể với bạn khi có dịp…
Đến hôm nay, tôi vẫn còn hấp tấp, thỉnh thoảng hơi làm biếng, càu nhàu khó chịu làm quý sư cô có chút phiền lòng. Nhưng tôi vẫn thích cùng đi với tăng thân như một dòng sông với niềm tin vào Tam bảo càng ngày càng lớn mạnh. Sống chung và thực tập với nhiều người đa dạng về tính cách giúp tôi có cơ hội nhìn sâu vào bản ngã của mình. Suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người trong tăng thân là những tấm gương phản chiếu giúp tôi thấy được chính mình từ nhiều góc độ khác nhau. Sống trong tăng thân không phải là điều dễ dàng, nhưng mỗi ngày tôi đều nhận ra rằng con đường này giúp cho bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn.
Vậy nên tôi lại tự hỏi mình: “Có thật sự mình là miếng đậu hũ công nghiệp kia, hay mình đã nhảy ra khỏi băng chuyền để thỏa thích vui đùa với những miếng đậu hũ khác bằng tất cả tâm hồn trẻ thơ?”.
Nỗi sợ ban sơ
(Trích từ sách Sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Nhiều người thường bị ám ảnh về những việc có thể khơi dậy sợ hãi và buồn khổ. Tất cả chúng ta đều đã có những trải nghiệm buồn khổ trong quá khứ mà ta không thể quên được. Chúng ta luôn nhớ và sống lại những khổ đau của quá khứ. Nhưng nếu nhớ lại quá khứ mà không có chánh niệm, tỉnh thức thì việc nhớ lại chỉ khiến chúng ta thêm buồn khổ.
Lấy ví dụ, khi còn nhỏ, bạn bị ngược đãi. Bạn đã khổ đau cùng cực. Bạn rất yếu ớt, mong manh, lúc nào cũng có cảm giác bất an. Bạn không biết cách để tự bảo vệ mình. Trong tâm trí, bạn như tiếp tục bị ngược đãi không thôi. Mặc dầu bây giờ đã trưởng thành, không còn là một em bé yếu ớt, mong manh nhưng bạn vẫn tiếp tục buồn khổ vì bạn cứ nhớ lại kỷ niệm đau buồn ngày xưa.
Trong tiềm thức của bạn hình như có chôn giấu một cuốn phim, một hình ảnh. Mỗi khi bạn nhớ về quá khứ thì như là bạn xem lại thước phim hay ngắm lại bức tranh đó và bạn lại buồn khổ. Chánh niệm nhắc ta rằng ta có thể sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm cho ta biết rằng hiện tại luôn có đó và ta không cần trở về sống lại quá khứ xa xưa.
Giả sử có một người tát vào mặt bạn. Cái tát đã in dấu trong tiềm thức bạn. Tiềm thức bạn chứa nhiều thước phim, nhiều hình ảnh vẫn tiếp tục linh hoạt trong bạn. Và bạn có xu hướng trở về xem lại những thước phim ấy, ngắm lại những hình ảnh ấy và bạn tiếp tục buồn khổ. Mỗi lần nhớ lại như thế là bạn như bị tát vào mặt lần nữa.
Nhưng đó chỉ là quá khứ. Bạn không còn sống trong quá khứ, bạn đang sống trong hiện tại. Chuyện cũ đã xảy ra thật, nhưng xảy ra trong quá khứ. Bây giờ chỉ còn lại ký ức của những hình ảnh ngày nào. Nhưng nếu bây giờ bạn an trú trong hiện tại thì bạn có thể nhìn về quá khứ với một cái nhìn khác hơn và bạn có thể chuyển hóa nỗi khổ đó. Có thể rằng hồi bạn còn nhỏ, có người đã lấy mất đi một món đồ chơi của bạn và bạn đã biết cách la khóc để tìm cách lấy lại món đồ chơi, hay cười nịnh chị vú để chị ấy trả lại món đồ chơi của bạn. Mặc dầu còn nhỏ, bạn đã biết cười xã giao. Đó là một cách ứng phó để sống còn. Bạn đã học được một bài học mà bạn không hay.
Cảm giác bạn nhỏ bé, mong manh, không đủ sức tự bảo vệ, luôn luôn cần có người hỗ trợ bên mình vẫn còn đó mãi. Nỗi sợ hãi ban sơ và ước muốn ban sơ luôn luôn còn đó. Em bé, với nỗi sợ hãi và ước muốn ban sơ vẫn sống động trong ta.
Nhiều người bị trầm cảm và mãi khổ đau mặc dầu hoàn cảnh hiện tại của họ khá bình an, vững chãi. Đó là vì họ có xu hướng chôn mình trong quá khứ. Họ cảm thấy được thoải mái hơn khi quay về trú ẩn nơi quá khứ, mặc dù quá khứ chứa nhiều khổ đau. Nơi trú ẩn đó là hố sâu thẳm của tiềm thức với những thước phim đau buồn. Rồi mỗi đêm bạn về lại nơi trú ẩn đó, xem lại những thước phim ấy và tiếp tục buồn khổ. Và những lo âu của bạn cho tương lai chẳng qua chỉ là những sợ hãi và ước muốn của quá khứ mà thôi.
Đừng sợ quá khứ
Kẹt vào quá khứ rất dễ, cho nên phải có một cách để nhắc nhở chúng ta trở về với hiện tại. Tại Làng Mai, chúng tôi sử dụng tiếng chuông. Mỗi khi nghe tiếng chuông, chúng tôi thở hơi thở vào ra trong chánh niệm và tự nhủ: “Lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương”. Quê hương đó chính là ngôi nhà thật sự của tôi.
Bạn có thể nói với em bé trong bạn rằng, quá khứ không phải là nhà của ta. Nhà của ta là tại đây, là bây giờ, nơi chúng ta đang thực sự sống. Nơi đây, ta có thể có được những gì nuôi dưỡng và chữa trị. Bao nhiêu sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng vẫn còn đó vì em bé trong ta chưa được giải thoát. Em sợ phải đối diện với hiện tại. Chánh niệm và hơi thở của ta sẽ giúp em ý thức rằng em đang được an toàn và tự do.
Khi xem phim, theo dõi những tình huống bi đát trên màn ảnh, bạn có thể rơi lệ. Bạn tưởng rằng những tình huống đó là thật. Nước mắt của bạn là nước mắt thật, cảm xúc của bạn là cảm xúc thật. Nhưng nếu đến gần màn ảnh thì bạn chỉ thấy những vệt sáng lập lòe. Bạn không thể tiếp xúc với những nhân vật trên màn ảnh, không thể nói chuyện, uống trà hay hỏi han, tâm sự. Ấy vậy mà những nhân vật ấy đã làm cho bạn đau khổ thực sự, đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Cũng vậy, ký ức của bạn có thể tạo ra đau khổ thật sự cho dù những ký ức ấy chỉ là những hình bóng xa xưa.
Khi bạn nhận ra rằng thói quen sống lại những chuyện ngày xưa hay phản ứng theo ký ức là do tập khí thì bạn hãy nhớ rằng bạn có thể có một lựa chọn khác. Bạn có thể đối diện giây phút hiện tại với tâm vô tư, không phán xét. Hãy dành quá khứ cho một lúc khác, một lúc tĩnh lặng nào đó, để an ủi em bé thương tích trong bạn, để nói với em rằng em không còn đau khổ nữa. Bạn có thể nắm tay em, đưa em về hiện tại với bao nhiêu mầu nhiệm hiện tiền: “Này em, hãy tới đây với ta, chúng ta đã lớn rồi và không còn sợ hãi nữa. Chúng ta đã vững mạnh. Chúng ta không phải sợ gì nữa.” Bạn phải hướng dẫn em bé trong bạn, phải đưa em về với sự sống hiện tại. Lẽ tất nhiên là ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ quá khứ, nhưng đồng thời ta phải an trú trong hiện tại. Nếu an trú vững chãi trong hiện tại, chúng ta có thể suy nghiệm quá khứ một cách tinh tường, học hỏi từ quá khứ mà không bị quá khứ ám ảnh.
Nghĩ tới tương lai mà không sợ hãi
Cũng vậy chúng ta có thể chuẩn bị tương lai mà không bị chìm ngập bởi những dự án cho tương lai. Rất nhiều khi ta chẳng phải đang lên một dự án gì cả mà ta chỉ đang chạy theo những ám ảnh về những kế hoạch trong đầu của ta, chỉ bởi ta lo sợ về một tương lai bất định. Ta phải an trú trong hiện tại khi hành động, chỉ có như vậy, ta mới hoạch định tương lai một cách tốt đẹp nhất. Sống trong hiện tại không có nghĩa là không chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên đánh mất mình trong lo lắng cho tương lai không giúp ích được gì. Khi an trú trong hiện tại, ta có thể đem tương lai về với hiện tại để có thể nhìn sâu mà không đánh mất mình vì lo lắng, hoang mang. Thực sự có mặt trong hiện tại và chăm sóc hiện tại tốt đẹp chính là ta đang chăm sóc tương lai tốt đẹp.
Quá khứ cũng vậy. Chánh niệm không cấm ta nhìn sâu về quá khứ. Tuy nhiên, nếu ta chìm đắm trong tiếc nuối, buồn khổ của quá khứ thì đó không phải là chánh niệm. Nếu thật sự an trú trong hiện tại thì ta có thể đem quá khứ về hiện tại để quán chiếu sâu sắc. Chúng ta có thể quán chiếu quá khứ và tương lai khi an trú trong hiện tại. Quả vậy, ta có thể xử lý quá khứ và tương lai một cách tốt đẹp nhất nếu ta an trú trong hiện tại.
Nếu bạn có một người bạn đang đau khổ, bạn có thể nói với anh ta rằng: “Này bạn ơi, bạn đang ổn lắm. Hiện tại mọi việc đều đang rất tốt. Tại sao bạn cứ mãi đau khổ? Đừng trở về với quá khứ. Quá khứ chỉ là một bóng ma, không có thật.” Mỗi khi chúng ta nhận ra rằng quá khứ chỉ là một cuốn phim hay một tấm ảnh, chúng ta sẽ được tự do. Đây là phép thực tập chánh niệm.
Cuộc tương phùng hứa hẹn mùa xuân
(Thầy Chân Trời Giác Sơn)
Kính bạch Sư Ông!
Chúng con được ngồi đây
Trong phút giây hiện tại
Bao bọc bởi tăng thân
Thấy mình thật may mắn:
Sinh ra được làm người
Con sớm gặp chánh pháp
Hạt Bồ Đề tưới tẩm
Lại có duyên được sống
Hòa hợp trong tăng thân.
(Bài tụng Hạnh phúc – Nhật tụng Thiền môn 2015)
Lời dạy của Sư Ông về nếp sống vui trong đoàn thể Tăng thân chưa bao giờ chúng con không cầm chắc trong tay. Nhiều lúc chúng con có rất nhiều hạnh phúc trong sự thực tập, lòng biết ơn sống động, giúp chúng con bước được những bước nhẹ nhàng vững chãi và thở yên, thở vui. Cũng có những lúc chúng con chìm đắm trong tủi hờn cho những vết đau dằn vặt cấu xé. Chúng con nghe lời Sư Ông và thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở.
Có những lúc chúng con quanh quẩn mãi mê đến rũ rượi tơi bời không tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, chúng con hiểu rõ rằng Sư Ông có niềm tin nơi chúng con. Ai cũng có những vết thương trên hình hài và tâm tưởng, có thể đã đi theo từ thời thơ ấu hay nằm ngủ im trong tiềm thức khiến chúng con khắc khoải. Ở phía đáy đó của sự sống, chúng con vỡ ra rằng chỉ cần chúng con vững lòng thực tập, chúng con có thể hiểu thấm thía lời Sư Ông, “Có bùn mới có sen”. Khổ đau là chất liệu của hạnh phúc. Hành trang của Sư Ông hiến tặng cho cuộc đời là con đường hạnh phúc. Khổ đau có mặt và sẽ luôn luôn biểu hiện khi này khi khác, nơi kia nơi đó. Nhờ đặc tính vô thường, vô ngã và bất nhị, hạnh phúc sẽ có mặt và luôn luôn đủ đầy để ôm ấp khổ đau. Đã về đã tới là một sự thực tập hơn là một đích đến. Chúng con thực tập cho hạnh phúc có mặt để trị liệu và chuyển hoá khổ đau đang có mặt.
Từ lễ Đại tường của Sư Ông cho đến nay, chúng con vẫn tiếp tục thực tập trang nghiêm thân tâm và an trú nơi bước chân, hơi thở, nơi nụ cười và ánh mắt. Dòng nước tình thương của Sư Ông vẫn lưu nhuận, nhu nhuyến trong từng con suối, con sông, làm cho cây cỏ mát tươi mỗi ngày mỗi đượm sắc. Một sự ra đi hứa hẹn phút giây gặp lại ngay trong một nụ cười.
Kính bạch Sư Ông! Không đợi đến xuân sau, cuộc tương phùng đang diễn ra vô cùng sống động! Đàn cháu con mỉm cười ý thức rõ rằng trong vạn nẻo đường, trong từng tế bào, chúng con và Sư Ông là nhau, ở đây, bây giờ.
Khóa tu Tiếp Hiện dành cho người nói tiếng Việt tại Viện Phật Học EIAB – Đức 2024
Từ khi Ni trưởng Chân Không và Sư cô Định Nghiêm trở về Làng Mai Pháp sau 100 ngày Sư Ông viên tịch. Ni trưởng và Sư cô Định Nghiêm rất quan tâm đến việc xây dựng tăng thân xuất sĩ cũng như chúng chủ trì của tăng thân Tiếp Hiện, để tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp độ sanh và xây dựng tăng thân mà Sư Ông đã bỏ hết công sức để gầy dựng trong suốt cuộc đời của Người.
Trong vòng một năm rưỡi qua, Ni trưởng và Sư cô Định Nghiêm đã chú ý đặc biết đến các khoá tu Tiếp Hiện để hết lòng yểm trợ các chúng Tiếp Hiện người Mỹ ở tu viện Bích Nham – New York, cho chúng Tiếp Hiện người Mỹ gốc Việt ở tu viện Lộc Uyển – California, cho chúng Tiếp Hiện nói tiếng Pháp ở xóm Mới Làng Mai. Ni trưởng và Sư cô Định Nghiêm sẽ sắp xếp để có mặt cho khoá tu Tiếp Hiện dành cho người Việt ở châu Âu tại Viện Phật Học EIAB từ ngày 26.06 – 30.06.2024.
Đáng lý ra, Làng Mai Pháp có thể đứng ra tổ chức khoá tu này để Ni trưởng không phải đi xa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng vì Viện Phật Học EIAB nằm ở trung tâm châu Âu, nên tạo để cơ hội dễ dàng cho các anh chị từ các nước đến dự khoá tu, Ni trưởng đã không ngần ngại đường xa để cho khoá tu được tổ chức tại Viện Phật Học. Đây là một cơ hội đoàn tụ gia đình tâm linh hiếm có cho tất cả chúng ta với sự có mặt của người chị cả dòng tu Tiếp Hiện – Ni trưởng Chân Không. Hy vọng tất cả các anh chị Tiếp Hiện nói tiếng Việt ý thức đến sự kiện hy hữu này mà dành thì giờ để đến với nhau, tu học với nhau và xây dựng tình huynh đệ dưới mái ấm gia đình tâm linh.
Để đăng ký tham dự khóa tu, xin vui lòng truy cập vào đường link dưới đây:
Khóa tu Tiếp Hiện dành cho người nói tiếng Việt tại Viện Phật Học EIAB – Đức 2024