Đôi mắt trẻ thơ

— Lillian Alnev —

Chỉ cần nói “tôi đã từng trải qua tổn thương sâu sắc” cũng có thể khiến cho tôi co rút lại vì mặc cảm.

Tôi có viết ra một danh sách thật dài trên giấy, và danh sách ấy cũng kiến cho tôi xấu hổ. Nó quá dài và kinh khủng đến nỗi khó có thể coi là sự thật. Tuy nhìn lại cũng chẳng có gì đáng kể nhưng lúc đó tôi rất khổ đau. Người ta nói với tôi rằng đó là mặc cảm tội lỗi của những người sống sót. Buông bỏ sự so sánh và phán xét chính mình có thể là điều mà tôi phải thực tập suốt đời.

Trong từng nghĩ rằng những người khiến tôi tổn thương có thể bị đưa ra tòa xét xử nếu họ bị phát giác. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự phẫn nộ tương tự đối với người khác. Sự kiện đau lòng nhất trong thời thơ ấu của tôi thực ra chẳng lớn lao, nhưng nó đã ảnh hưởng đến tinh thần tôi rất nhiều. Đó là một ví dụ điển hình cho quá trình chữa lành.

Tôi lớn lên trong một xóm nghèo với các món đồ hoen gỉ cũ nát. Nhưng ở lưu vực Great Lakes thì quanh năm bốn mùa đều xinh đẹp. Sự cực đoan của thời tiết đã làm cho các khoảng sân trở thành những chiếc hộp dụng cụ nghệ thuật từ thiên nhiên với đủ thứ gỗ, đá, bột màu và đồ trang trí cho những đứa trẻ thích sáng tạo.

Tôi đã dành hết thời gian rảnh rỗi của mình để xây dựng một tiểu vương quốc. Nơi đó không có trường học, không có quán rượu, không có nhà thờ hay nhà tù nào cả. Tôi xây dựng một thế giới tưởng tượng rất hoàn hảo như trong một giấc mơ, ở đó những kẻ hay ức hiếp người khác không được bước chân vào. Tôi làm những căn nhà bằng cây lợp mái cỏ tranh và những căn nhà đá ốp bằng đá cuội. Tôi làm những con đường trên băng đá, ngăn nước mưa thành hồ và kênh rạch. Nhà cửa, cao ốc và thị trấn từ từ mọc lên. Có cả một nông trại gieo trồng củ cải và cà rốt khổng lồ, những hạt giống này được lấy từ khu vườn của gia đình tôi.

Những chú khủng long và những con vật ở nông trại là những món đồ chơi tôi yêu thích, tôi mang chúng đến để chúng trở thành những thần dân của tôi. Vì tôi đã làm việc quanh năm, suốt bốn mùa, để xây dựng nhà cửa cho những công dân tí hon ấy, nên tôi đã phát triển những sự ngộ nhận về các giác quan của mình, tôi nhìn toàn bộ thế giới từ độ cao khoảng chừng 2,5 tấc. “Đôi mắt trẻ thơ” của tôi ánh lên niềm hân hoan, và tôi cảm thấy mình có thể tự bảo vệ được cho chính mình.

Vào một buổi sáng Chủ Nhật mùa đông, tôi thức dậy sớm và mặc đồ đi ra ngoài, tôi hân hoan nhìn ngắm thành phố của mình được bao phủ bởi một lớp tuyết mới. Khi tôi đi vòng quanh cây bách, chỗ chắn gió cho chiếc cửa sau, tôi thấy một loạt những dấu chân nhỏ màu đen in trên tuyết từ cổng trước hướng về vương quốc của tôi.

Một đôi giày đế cứng nào đó đã để lại những dấu chân này, hoàn toàn không phải loại giày cao su mà chúng ta thường mang vào mùa đông. Ý nghĩ đầu tiên trong tôi khi ấy là người đó hẳn sẽ gặp rắc rối khi mang giày đi học vào trong tuyết. Rồi những dấu chân ấy đã dẫn tôi đến một sự thật tàn nhẫn. Tôi còn nhớ rằng chỉ có dấu chân đi vào mà không thấy đi ra. Cả kẻ viếng thăm, lẫn cái tiểu vương quốc cùng những thần dân của tôi đã không cánh mà bay đi mất. Tôi chạy vào nhà, gào thét và buộc tội cha tôi đã phá hủy cái thế giới nhỏ bé đó của tôi như một hình thức trừng phạt tàn nhẫn.

Tôi vẫn không thể nào biết được chuyện gì đã thực sự xảy ra. Tôi đã trải qua nhiều đòn roi và cay nghiệt, nhưng tôi chưa hề trải qua nỗi mất mát. Ai đó đã mang đi những con thú, công trình của tôi, mang theo cả “đôi mắt trẻ thơ” của tôi. Tôi bắt đầu ngờ vực mảnh đất này. Từ đó, những tác phẩm nghệ thuật của tôi trở nên vụng về và không thường xuyên nữa.

May mắn rằng tôi vẫn sống và đã giác ngộ. Tôi biết ơn rằng mình đã có một đường hướng tâm linh. Tôi có thể thiền tập với mọi người là nhờ câu nói “gặp Phật giết Phật” đã an ủi tôi, nhắc nhở tôi rằng: không kẹt vào những hình tướng bên ngoài là tinh yếu của cuộc sống.

Khi các huynh đệ trong Tăng thân tổ chức khóa tu cho những người khổ đau vì những vết thương sâu dày trong quá khứ hay những người có tuổi thơ đã từng bị lạm dụng, và gọi tên khóa tu là “chữa lành em bé trong mình”, thì đứa bé hay chỉ trích trong tôi nổi điên lên. Nền công nghiệp “Tự chữa lành tâm thức”, nào là “Con người yếu đuối trong bạn”, “Thiên tài trong bạn”, “Nhà lãnh đạo trong bạn”,… đã khơi dậy con người nổi loạn và tổn thương trong tôi. Kỳ thực tôi rất sợ hãi. Tuy nhiên, tôi vẫn đăng ký khóa tu và tham dự các buổi rèn luyện. Tôi quyết định viết một lá thư cho em bé trong tôi. Tôi bắt đầu: “Này cậu bé. Ta biết cậu không thích cái tên của mình. Vậy ta nên gọi cậu là gì nhỉ?”. Tôi viết rất lâu nhưng không thể chạm được đến đứa bé ấy, cho đến khi giọng văn của tôi bắt đầu thay đổi. Chính đứa bé ấy đang viết cho tôi. Thoạt đầu tôi chỉ biết khóc. Sau đó tôi lắng nghe. Cuối cùng tôi bước ra ngoài và làm những gì mà đứa bé yêu cầu.

Tôi đến bên bờ suối, nhặt những viên đá cuội nhẵn nhụi và mát rượi. Tôi để chúng nằm yên lành trong tay tôi. Rồi tôi xếp chúng lên cát. Một lúc sau, tiếng chuông báo giờ ăn tối đã cắt ngang mạch tập trung của tôi. Tôi phủi cát trên tay và ngắm nhìn tác phẩm của mình. Một chiếc bàn đá, trên đó bày ra hai cái dĩa đá, chứa đầy hạt lấy từ cái cây cạnh bờ suối. Hai cái ghế đá đặt hai bên chiếc bàn. Chỗ ngồi hướng ra dòng nước có tầm nhìn rất đẹp.

Sáng sớm hôm sau tôi trở lại dòng suối. Chiếc bàn ăn nhỏ bé tối qua vẫn còn đó, và trên nền cát còn ẩm ướt tôi thấy dấu chân của những con hươu, chim và vài con thú nhỏ khác, chúng đã bước đi rất thận trọng quanh chiếc bàn. Nhưng đống hạt thì đã biến mất. Đến chiều, tôi trở lại một lần nữa. Dòng nước mát lạnh đã chuyển dòng và toàn bộ bờ suối xám xịt đã trở nên tươi mới, êm ả và trống vắng. Giờ đây, tôi biết, không ai có thể lấy đi của tôi bất cứ thứ gì nữa. Khi tôi bước tới thiền đường, tôi thấy đứa bé khoảng chừng vài ba tấc trong tôi nhìn mọi vật rất rõ ràng và sống động. Cuối cùng tôi cũng đã nhìn thấu nỗi khổ đau của mình. Đôi mắt trẻ thơ của tôi đã trở lại.

Dựng tượng tuổi thơ

Đứng nhìn bên khung cửa sổ sáng nay của cuộc đời

Tôi thấy em ngã xuống, rồi em đứng dậy mỉm miệng cười

Cầu nguyện cho em đừng để thân em lấm bụi thẹn thùng,

Đừng để tâm em mang sẹo cô đơn vụng về yếu đuối

Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy

Để trưởng thành

Để cuộc đời nhường một bước đi lên.

Những mũi tên bắn vào thân thể em

Hãy để cho chúng rơi như lá thu đẹp lìa cành

Ngoạn mục trò chơi tuổi thơ con trẻ

Em có thấy khi chiều gió qua

Nước hồ trong thoáng gợn

Nhưng rồi nước hồ sau đó vẫn bình yên

Lặng chiếu bóng núi bóng trăng?

Em đã trưởng thành rồi

Cho tôi xin thêm của cuộc đời một ít tháng năm

Vừa đủ dựngTượng tuổi thơ can đảm.

Tám: Trở thành một vị Bồ tát

Nhiều người trong chúng ta ngồi thiền là để trốn chạy khổ đau của mình, bởi vì ngồi thiền đem lại cho ta một ít thư giãn, tĩnh lặng, giúp ta từ bỏ thế giới khổ đau tranh chấp để trải nghiệm một ít an vui và hạnh phúc. Chúng ta ngồi thiền để bớt đau khổ. Chúng ta hành xử như những con thỏ chui vào cái hang của nó để có cảm giác được an toàn và được bảo hộ, để không bị quấy rầy. Chúng ta muốn bỏ lại thế giới sau lưng. Chúng ta hành xử như vậy là bởi vì ta khổ đau quá nhiều, nên muốn chạy trốn để được nghỉ ngơi. Nhưng đó không phải là mục đích đích thực của thiền tập. Khi ta ngồi như một con thỏ chui vào hang, ta chỉ trốn tránh khổ đau, trốn tránh thực tại. Chúng ta phải sử dụng trí thông minh và định lực của ta để đạt được tuệ giác, chuyển hóa khổ đau trong lòng và trở thành một vị Bụt, trở thành một người giải thoát giác ngộ.

Trong đạo Bụt, có ý niệm về tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chúng ta có khả năng rời bỏ cõi dục, buông bỏ những tham muốn thèm khát, để lại sau lưng thế giới của dục lạc để nếm được niềm an vui và hạnh phúc. Đó là bước đầu tiên của sự thực tập. Cho dù chúng ta có rời bỏ cõi dục giới đi chăng nữa thì những cuộc độc thoại trong tâm chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động. Đó là lý do tại sao ta phải thực tập tĩnh lặng. Những cuộc độc thoại được làm bằng hai yếu tố: tầm (vitarka) và từ (có khi gọi là tứ, vicāra). Tầm là suy nghĩ đơn thuần ban đầu và từ là suy nghĩ sâu xa hơn, nghĩ lui nghĩ tới, liên tục không ngừng.

Chúng ta không thể dừng suy nghĩ được. Trong đầu ta luôn có một cái máy thu thanh chạy liên tục, đó là tiếng ồn gây ra bởi những cuộc độc thoại luôn diễn ra trong tâm thức ta. Để dừng lại những suy nghĩ, dừng lại những cuộc độc thoại đó, chúng ta phải nhận diện và an trú nơi hơi thở vào ra. An trú nơi hơi thở vào ra là ta có khả năng dừng lại những cuộc độc thoại ấy. Đó là tĩnh lặng. Chúng ta có thể ngồi theo dõi hơi thở và “chơi” với hơi thở vào ra, thưởng thức sự tĩnh lặng, thưởng thức sự vắng mặt những cuộc độc thoại trong tâm thức, và thưởng thức niềm an vui hạnh phúc của mình.

Tuy nhiên chừng đó cũng chưa đủ. Nếu chỉ thực tập chừng đó thôi thì ba năm sau, chúng ta có thể rời bỏ tăng thân. Khi chúng ta từ bỏ tăng thân để trở về với thế giới bên ngoài, một lần nữa ta lại thấy được khổ đau trên thế giới nhiều đến mức nào. Sau ba tháng, hoặc một năm sống với thế giới bên ngoài, ta lại muốn quay trở lại với tăng thân. Và điều đó cứ tiếp tục tái diễn. Chúng ta có thể thực tập như trước, an vui và hạnh phúc được phát sinh từ sự tĩnh lặng, nhờ bỏ lại mọi thứ sau lưng.

Đây là một tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở chúng ta phải đi sâu hơn. Khi thực tập không có hạnh phúc, chúng ta thường đổ lỗi cho những thứ làm cho ta không hạnh phúc. Chúng ta nói rằng sở dĩ ta không hoàn toàn hạnh phúc vì những điều kiện bên ngoài và chung quanh ta, mà không phải là do ta gây ra. Đây là vấn đề của tất cả các trung tâm tu học. Nếu biết rõ vấn đề, chúng ta sẽ có khả năng xây dựng một tăng thân như thế nào để mọi người có thể nhận ra được điều này. Sở dĩ ta không có hạnh phúc là vì ta không biết cách gìn giữ và duy trì niềm hạnh phúc của ta. Ta không biết cách thực tập sâu hơn để chuyển hóa những lo lắng, muộn phiền, bất an, chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ thâm sâu vẫn còn nằm trong chiều sâu tâm thức ta.

Nỗi khổ đau đó có thể là nỗi khổ đau ta chịu đựng trong khoảng thời gian thơ ấu. Có thể do khi còn nhỏ ta đã bị lạm dụng. Hoặc là nỗi khổ đau của cha mẹ trao truyền lại, do lúc còn nhỏ cha mẹ ta bị đối xử tệ bạc và bây giờ nỗi khổ đau đó trở thành nỗi khổ đau của ta. Cho dù chúng ta còn rất mơ hồ về nỗi khổ của ta, chúng ta cũng phải thực tập để tiếp xúc với nó. Sử dụng tuệ giác để nhận diện. Nếu cần khổ đau, chúng ta cứ khổ đau và chúng ta có thể nói: “Tôi sẽ khổ đau, bởi vì tôi biết rằng khổ đau như thế, tôi sẽ học hỏi được từ khổ đau và tôi sẽ khá hơn”. Điều này cũng giống như ta ăn mướp đắng. Chúng ta không sợ hãi vì ta biết rằng mướp đắng giúp ích cho ta.

Vì vậy, khi nỗi khổ đau xuất hiện, chúng ta có mặt với nó, chào đón nó, cho dù đó là cơn giận, nỗi tuyệt vọng, hay sự bất mãn về điều gì đó mà ta không đạt được. Cho dù khối khổ đau đó không có tên gọi, và ta chưa gọi được tên nó thì nó vẫn là nỗi khổ đau. Vì vậy ta phải sẵn sàng chào đón nó, ôm ấp nó nhẹ nhàng và sống với nó.

Khi chúng ta chấp nhận được nỗi khổ đau và sẵn sàng đau khổ, thì nỗi khổ đau không quấy rầy ta nữa. Chúng ta thấy rằng chúng ta có khả năng sống với nỗi khổ đau đó. Bởi vì nỗi khổ đau sẽ giúp ích cho ta, giống như mướp đắng vậy, nó sẽ trị liệu ta. Vì vậy ta hãy cho phép nỗi khổ đau có mặt. Chấp nhận nó, sẵn sàng khổ đau một ít để được học hỏi. Nếu không chấp nhận nó, không ôm ấp nó nhẹ nhàng, ta sẽ không biết nó là gì. Ta sẽ không hiểu được rằng khổ đau có thể dẫn dắt ta, mang đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Không có khổ đau, không hiểu được nỗi khổ đau thì sẽ không có hạnh phúc chân thật.

Chấm dứt hiểu lầm

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, hàng triệu người tin rằng tôi là cộng sản, còn những người khác thì tin rằng tôi là thành viên của CIA. Nếu quý vị ở trong hoàn cảnh đó quý vị sẽ khổ đau rất nhiều. Quý vị có thể nghĩ mình là nạn nhân của sự hiểu lầm và bất công. Quý vị có thể nghĩ rằng khổ đau chỉ chấm dứt khi người ta không còn nghĩ mình là cộng sản hay là thành viên của CIA nữa. Tuy nhiên chúng ta có thể làm khác đi, chúng ta có thể chấp nhận tình huống đó. Có cả hàng triệu người tin rằng quý vị là cộng sản, và cũng có hàng triệu người khác tin rằng quý vị là người yểm trợ cho CIA. Đó là cách nghĩ duy nhất của họ, một là thuộc về bên này, hai là thuộc về bên kia. Tôi không phải là cộng sản, cũng không phải là người của CIA, vì vậy không có lý do gì để tôi đau khổ cả. Chỉ bằng cách sống, cách hành động và cách nói năng, tôi có thể chứng minh được tôi có thiện chí tốt, có mục đích lành mạnh, đó là mục đích đạt được bình an và hòa giải. Nếu chúng ta có khả năng làm được điều đó thì khổ đau không còn quấy rầy ta nữa.

Khổ đau là do sự hiểu lầm, giận dữ, hận thù và vô minh gây ra. Nếu chúng ta trông chờ vào người khác để xua tan đi những hiểu lầm này, có thể ta phải chờ đợi rất lâu. Chúng ta phải đi sâu hơn, dùng định lực và tuệ giác của ta để hiểu, rằng những người chung quanh ta khổ đau là do cách họ suy nghĩ, cách họ hành động và cách họ nói năng. Nếu ta khổ đau như họ, ta sẽ không giúp được họ. Vì vậy chúng ta phải thấy được vấn đề để chuyển hóa khổ đau, phải phát khởi tuệ giác và từ bi để giúp đỡ họ. Với thái độ và sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ không khổ đau nữa, bởi vì bây giờ ta có tuệ giác và từ bi. Tuệ giác và từ bi này ta chỉ có thể đạt được bằng sự thực tập mà thôi.

Trong suốt thời đại của Bụt, Bụt cũng từng gặp những khó khăn và bất công. Một lần nọ, có người giết một cô vũ công rồi chôn thi thể cô ấy trong khuôn viên tu viện và sau đó báo cho quan quân. Quân lính đến, khám phá ra thi thể đó và bắt đầu loan tin là Bụt và quý thầy đã tà dâm với cô vũ công này, rồi giết cô ta và chôn giấu thi hài cô. Vào buổi sáng khi quý thầy mang áo, cầm bát đi vào thành để khất thực, người ta nhìn quý thầy với một cái nhìn nghi kị, khinh miệt và khó chịu.

Điều này xảy ra trong nhiều ngày. Quý thầy chịu không nổi nữa nên đến thưa với Bụt: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con không thể chịu đựng nổi nữa. Mỗi khi chúng con đi vào thành, người ta nhìn chúng con với con mắt khinh miệt như thế, chúng con rất đau khổ”. Đức Bụt nói: “Điều quan trọng là quý thầy không làm điều đó, quý thầy không làm những điều mà người ta lên án cho rằng quý thầy làm. Quý thầy biết rõ là quý thầy giữ gìn uy nghi và giới luật nghiêm túc. Một ngày nào đó, bằng cách sống và thực tập của chính mình, sự hiểu lầm sẽ tan biến đi. Những chuyện như thế này thường xảy ra khắp nơi trên thế giới. Nếu quý thầy hiểu được điều này và quý thầy có lòng từ bi, quý thầy sẽ không khổ đau. Có những người hay những nhóm người vì sự ganh tị và đố kị mà đã tạo ra những tình huống để bôi nhọ thanh danh của chúng ta. Những người như thế họ khổ đau rất nhiều. Vì vậy, ta phải đối xử với họ bằng lòng từ bi. Nhờ thực tập mà chúng ta có khả năng giúp họ thức tỉnh và giúp họ hiểu được rằng những gì họ đã làm không xứng đáng với những người đi trên con đường tâm linh”. Nghe Bụt nói, quý thầy không còn khổ đau nữa.

Vài tuần sau, cư sĩ Cấp Cô Độc, học trò của Bụt và cũng là người người yểm trợ Bụt hết lòng, thuê những thám tử tư để dò xét, và họ đã tìm ra tội phạm. Tuy nhiên tăng đoàn của Bụt đã phải chịu khổ đau gần cả tháng vì sự việc này.

Sở dĩ ta khổ đau ít hay nhiều, hay không khổ đau tí nào cả, là do ta có tuệ giác và từ bi hay không. Hoàn toàn là tùy thuộc vào ta. Vì vậy, nếu cần một ít khổ đau thì hãy cho phép ta khổ đau. Ôm ấp nỗi khổ đau một cách nhẹ nhàng bằng tất cả trái tim mình, sử dụng nguồn định lực và tuệ giác, quán chiếu cho thật sâu sắc, để phát khởi tâm từ bi và sự cảm thông. Nhờ thế ta sẽ không ghét người đã gây cho ta khổ đau. Ta nguyện tập sống như thế nào để có thể giúp được người ấy.

Nếu nỗi khổ đau của ta được cha mẹ trao truyền lại thì cũng đừng đổ lỗi cho cha mẹ. Ví như cha mẹ không có cơ hội gặp được Phật Pháp, không có cơ hội thực tập cho nên nỗi khổ đau đó cứ tiếp tục biểu hiện trong cha mẹ và cha mẹ đã trao truyền nó lại cho ta. Nếu chúng ta biết cách thực tập, chúng ta sẽ giúp được cho cha trong mình, giúp được cho mẹ trong mình. Chúng ta sẵn sàng khổ cho cha, sẵn sàng khổ cho mẹ. Khổ đau như thế không phải là một điều tiêu cực. Chúng ta khổ đau để biết cách tìm đường đi ra. Ta hãy cho phép mình khổ đau một ít. Đừng cố chạy trốn khổ đau. Đây là một sự thực tập rất mầu nhiệm. Có nhiều đứa trẻ ban đầu rất ghét khổ qua (mướp đắng), nhưng khi lớn lên chúng rất thích ăn canh khổ qua.

Trường hợp khó nhất là khi ta biết khổ đau có mặt đó nhưng không biết được bản chất của nỗi khổ đau ấy vì nó rất mơ hồ. Ta không thể gọi tên được. Nó thật sự có mặt trong ta, tuy nhiên rất khó để soi chiếu ánh sáng ý thức vào đó để nhận diện. Đó là do ta có những bế tắc trong lòng, do ta có những kháng cự, có khuynh hướng chạy trốn, và không chịu quay trở về với chính mình để nhận diện nó. Như chúng ta đã biết, đây là khuynh hướng của thức mạt na. Mỗi khi chuẩn bị tiếp xúc với nỗi khổ đau, ta không muốn đụng tới nó, ta muốn chạy trốn. Ta đã hành xử như thế lâu lắm rồi, vì vậy ta không có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và nhận diện nỗi khổ đau. Ta phải nói với chính mình rằng ta sẽ không hành xử như vậy nữa. Bất cứ khi nào nỗi khổ đau đến gần ta, ta sẽ dừng lại để đón tiếp, ta sẽ không chạy trốn nữa. Bằng cách quan sát và ý thức chánh niệm, ta sẽ có khả năng nhận diện nỗi khổ đau trong ta. Bởi vì bất kỳ khối khổ đau nào cũng luôn tìm cách biểu hiện. Chúng ta không cần phải tìm cách trở về quá khứ để tiếp xúc và nhận diện khổ đau. Chúng ta chỉ cần có mặt trong giây phút hiện tại, với sự cẩn trọng và chánh niệm, chúng ta sẽ thấy nó biểu hiện bằng cách này hay cách khác. Khi nhận ra những dấu hiệu biểu hiện, chúng ta sẽ có khả năng nhận diện được bản chất của nỗi khổ đau đó.

Thiền tập trong đạo Bụt chú trọng đến phút giây hiện tại. Chúng ta không cần phải trở về quá khứ, trở về với tuổi thơ để tiếp xúc với nỗi khổ đau và tìm hiểu nguyên nhân của nỗi khổ đau đó. Chúng ta chỉ cần có mặt ngay nơi phút giây hiện tại và quan sát. Chúng ta sẽ thấy rằng nỗi khổ đau có gốc rễ từ quá khứ sẽ biểu hiện, có thể nỗi khổ đau này đã có từ trong nhiều kiếp trước. Thực tế nó biểu hiện trong mọi lúc và chúng ta có thể nhận diện được.

Con người tỉnh thức

Đức Bụt là một trong những mẫu người mẫu mực, đẹp nhất của loài người mà ta gọi là loài người tỉnh thức. Chúng ta đã có loài người đứng thẳng, loài người khéo léo, và loài người ý thức. Bây giờ ta có cụm từ loài người tỉnh thức. Người tỉnh thức là người có ý thức, chánh niệm. Đây là một cụm từ đã được mọi người dùng trước đây mà không phải do tôi sáng tạo ra.

Khi con người ý thức rằng “mình sẽ bệnh, mình sẽ già, mình sẽ chết…” thì cái ý thức đó có thể mang tới cho ta nhiều lo lắng, sợ hãi, thống khổ, và điều này có thể làm cho ta bệnh hoạn. Người ta tự hỏi là liệu có một loài khác ít ý thức hơn và không khổ đau vì những lo lắng cho tương lai của mình hay không? Vì loài người có những nỗi thống khổ đó nên ta đặt ra những câu hỏi triết học như: Tôi là ai? Điều gì sẽ xảy ra cho tôi? Trong quá khứ tôi có tồn tại không? Nếu có, thì trong quá khứ tôi thuộc loài nào? Trong tương lai tôi có tồn tại không? Nếu có, tôi sẽ thuộc loài nào? Tất cả những câu hỏi đó đến từ nỗi khổ đau trầm kha của chúng ta và đem đến cho ta nhiều bất an, bệnh tật. Và những câu hỏi như: Cha mẹ tôi có muốn tôi có mặt trên cõi đời này không? Có phải tôi ra đời là vì mong muốn của cha mẹ không hay vì tai nạn? Có ai thương tôi không? Tất cả những câu hỏi đó cũng đến từ nỗi thống khổ này và những suy nghĩ dựa trên những nỗi thống khổ đó.

Tuy nhiên, khả năng ý thức, khả năng làm người có chánh niệm sẽ cứu chúng ta. Ý thức đó sẽ giúp chúng ta biết rằng môi trường hành tinh xanh này là của tất cả mọi loài, và ta nhận ra rằng loài người đang hủy hoại môi trường sống này. Khi người ta ý thức những nỗi khổ đau do áp lực chính trị, bất công xã hội gây ra, họ sẽ có khả năng dừng lại những gì họ đang làm và giúp những người khác dừng lại để đi về một hướng khác, đó là hướng bảo hộ hành tinh xanh. Ý thức của chúng ta đưa đến những lo lắng, bất an, sầu khổ. Nhưng nếu ta biết cách sử dụng ý thức đó, biết cách sử dụng chánh niệm đó, ta sẽ có khả năng thấy được tình trạng của chúng ta. Chúng ta sẽ biết những gì chúng ta nên hay không nên làm để chuyển hóa tình trạng, mang lại bình an, hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp cho tương lai.

Ngồi thiền không phải để đạt được giải thoát giác ngộ trong tương lai. Khi ngồi ta có cơ hội có mặt hoàn toàn cho chính mình. Chúng ta thở như thế nào để chúng ta thực sự sống trọn vẹn, hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại, trong cái bây giờ và ở đây. Có thời gian để ngồi, có thời gian để đi, có thời gian để đánh răng, để tận hưởng dòng nước mát đang chảy trên đôi tay, đang tẩy sạch xà phòng khi mình rửa tay, đó là văn minh.

Khi ăn cơm, chúng ta ăn như thế nào để sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, khinh an và hạnh phúc có mặt, bởi vì ăn cơm chung với nhau là một sự thực tập sâu sắc. Cũng giống như thở, ngồi, đi và làm việc, ta ăn như thế nào để tổ tiên của ta cùng ăn với ta. Cha ta cùng ăn với ta, mẹ ta cùng ăn với ta, ông bà nội ngoại cùng ăn với ta. Ngồi thoải mái thảnh thơi như một người tự do, không có chuyện gì ràng buộc, không lo lắng buồn khổ. Đức Bụt dạy ta khi ăn đừng để đánh mất mình trong những suy nghĩ và những cuộc chuyện trò vô nghĩa. Chúng ta nên an trú trong phút giây hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với thức ăn và với mọi người chung quanh. Ăn như thế nào mà hạnh phúc, nhẹ nhàng, bình an có mặt để cho tổ tiên và con cháu ta được thừa hưởng lợi lạc.

Khi tôi còn là một cậu bé bốn, năm tuổi, mỗi khi đi chợ về mẹ tôi thường mua cho tôi một cái bánh đậu xanh. Khi mẹ đi vắng, tôi thường ra vườn chơi với những viên sỏi và những chú ốc sên. Khi mẹ tôi về, tôi rất hạnh phúc, chạy vào cầm chiếc bánh mẹ cho rồi chạy ra vườn ăn. Tôi biết là tôi không nên ăn nhanh, tôi phải ăn thật chậm rãi, càng chậm càng tốt. Tôi chỉ cắn từng miếng thật nhỏ quanh phần rìa chiếc bánh, nhai thật chậm cho chất ngọt thấm vào miệng và ngước nhìn lên bầu trời. Rồi nhìn xuống con chó, con mèo. Tôi ăn bánh như vậy đó, phải mất nửa tiếng mới ăn hết chiếc bánh. Tôi không lo lắng gì cả. Tôi không nghĩ về danh vọng, địa vị hay lợi nhuận. Vì vậy chiếc bánh tuổi thơ là một ký ức tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên được. Tất cả chúng ta đều sống qua những giây phút đẹp đẽ như thế khi chúng ta không tham đắm, hối tiếc bất cứ điều gì. Ta sẽ không đặt ra những câu hỏi triết học như ‘tôi là ai’ nữa. Bây giờ ta có khả năng ăn một chiếc bánh, uống một tách trà như thế không? Ta có khả sống với chính mình một cách hạnh phúc trong môi trường chúng ta đang sống không?

Chúng ta có thể học đi trở lại, chậm rãi như một người tự do, không một bóng ma nào có thể đuổi theo sau lưng ta. Chúng ta phải học cách ngồi, ngồi cho khỏe nhẹ, thoải mái như thể ta đang ngồi trên hoa sen mà không phải ngồi trên một đống than hồng. Ngồi trên than hồng ta sẽ đánh mất bình an. Chúng ta sẽ học cách thở, cách mỉm cười, cách nấu ăn. Mẹ ta đã dạy cho ta cách ăn, cách uống, cách đứng, cách đi, cách nói năng, mẹ ta dạy cho ta mọi thứ. Bây giờ ta phải học lại tất cả những thứ ấy bằng chánh niệm. Như thế chúng ta sẽ được tái sinh trở lại trong ánh sáng ý thức chánh niệm.

Bồ đề tâm

Bồ đề tâm là tâm giác ngộ, là sơ tâm. Khi chúng ta có cảm hứng muốn thực tập để chuyển hóa nỗi khổ đau trong ta và giúp những người quanh ta đang đau khổ cũng được chuyển hóa, cái tâm của giây phút đó rất đẹp. Đó là tâm của một vị Bồ tát, đã đạt tới giải thoát giác ngộ, muốn giúp đỡ cho tất cả chúng sanh. Có khi ta gọi đó là tâm thương yêu. Vì tình thương yêu mà ta thực tập. Chúng ta không muốn chỉ có trốn chạy khổ đau thôi, ta muốn nhiều hơn thế. Chúng ta muốn chuyển hóa nỗi khổ đau và đạt được giải thoát để giúp đỡ nhiều người chuyển hóa nỗi khổ đau của họ. Là quý thầy, quý sư cô hay cư sĩ, chúng ta phải giữ cho tâm ấy lớn mạnh, bởi vì đó là một nguồn năng lượng rất hùng hậu. Chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi nguồn năng lượng ấy. Nhờ nguồn năng lượng này mà chúng ta thực tập giới luật tinh chuyên. Chúng ta sẽ đủ năng lượng để đối diện và đi ra khỏi những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy nuôi dưỡng tâm thương yêu, gìn giữ sơ tâm, làm lớn mạnh bồ đề tâm là một sự thực tập rất quan trọng. Đừng để cho nó chết đi sau vài ba năm thực tập.

Tôi rất hạnh phúc giữ cho sơ tâm của mình lớn mạnh và bền bỉ, điều đó không có nghĩa là trên con đường thực tập tôi không gặp những chướng ngại. Thực tế tôi gặp rất nhiều chướng ngại, nhiều khó khăn trắc trở. Nhưng tôi không bỏ cuộc, bởi vì bồ đề tâm, sơ tâm trong tôi luôn luôn lớn mạnh. Vì vậy ta nên biết rằng mỗi khi tâm bồ đề còn hùng mạnh thì ta không cần phải lo lắng gì nữa cả. Cho dù gặp nhiều khó khăn trên đường đi, ta cũng có khả năng vượt qua. Khi nào thấy bồ đề tâm trong ta suy yếu thì khi đó ta biết ta sẽ gặp hiểm nguy lớn, bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu tâm bồ đề trong ta suy yếu. Cho nên ta hãy nuôi dưỡng bồ đề tâm, gìn giữ vị Bồ tát trong mình suốt đời, đừng để cho nó suy yếu đi. Chúng ta sẽ là những người hạnh phúc. Và ta có khả năng chế tác hạnh phúc cho nhiều người.

Bảy: Hòa giải

Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác như thể họ với ta không hề dính líu gì với nhau cả. Ta phải nhìn sâu và đặt câu hỏi là: Chúng ta có cùng lớn lên mỗi ngày không? Chúng ta có hạnh phúc mỗi ngày không? Chúng ta có hòa hợp với chính mình và những người khác quanh mình không, những người dễ thương và những người không dễ thương?

Những gì người khác nói và làm không nhất thiết phải ảnh hưởng đến ta. Ta vẫn có thể chăm sóc chính mình. Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thực sự giúp đỡ người khác thay vì phán xét, la mắng hay tạo ra chiến tranh quanh mình.

Khi tay trái bị thương ta không hề nói là: “Đồ ngu. Tại sao mày có thể làm như vậy?”. Chúng ta chăm sóc tay trái một cách tự nhiên để cho nó được chữa lành. Đây là cách mà ta đối xử với những người khác trong gia đình hoặc trong tăng thân ta, những người không mấy dễ thương, có nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương. Chúng ta không nói: “Anh đối xử không dễ thương với tôi, anh phải thay đổi”. Chúng ta phải học cách chăm sóc những người ấy như cách ta chăm sóc cho bàn tay trái đang bị thương.

Sở dĩ ta giận một ai đó là do ta không có khả năng thấy được nhiều yếu tố trong người đó không phải là người đó. Chúng ta không thấy được người đó hành xử vì tập khí mà người đó được trao truyền lại. Khi hiểu được một cách sâu sắc hơn, ta có thể chấp nhận người đó dễ dàng hơn. Điều này cũng đúng với tự thân chúng ta. Khi chúng ta thấy được trong ta tất cả những yếu tố đến từ nhiều nguồn khác nhau, như cha mẹ, ông bà tổ tiên và môi trường thì chúng ta sẽ thấy được đa phần những tính nết khắt khe của chúng ta đến từ những gốc rễ, yếu tố khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng: “A, đây là ông nội, ông đang phán xét bạn mình”. Nếu để tâm đến những hành động tương tác qua lại của ta mà không phán xét, ta sẽ làm phát khởi ý thức chánh niệm, giúp ta hiểu được những suy nghĩ, lời nói, hành động của ta không phải do một mình ta tạo ra. Tổ tiên của ta tiếp tục biểu hiện trong ta mỗi ngày. Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn giữa ta với người khác để tạo nên sự an lạc.

Tri giác sai lầm

Vì thường bị kẹt trong nhiều hình ảnh khổ đau của quá khứ nên chúng ta dễ xây dựng lên những tri giác sai lầm, dễ phản ứng lại với người khác và tạo ra nhiều khổ đau hơn. Giả sử như ta đang giận một ai đó, đó là do ta tin rằng người đó có chủ tâm, cố tình làm cho ta đau khổ, làm cho cuộc đời ta khốn đốn. Tri giác đó đưa đến sự giận dữ và phản ứng. Chính sự giận dữ và phản ứng này mang lại nhiều khổ đau hơn cho bản thân và cho tất cả những người có liên quan.

Thay vì đả kích nhau, chúng ta có thể sử dụng hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để chế tác sự tỉnh thức và tuệ giác. Chúng ta có thể thở vào thở ra để thấy được trong ta có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Trong người kia cũng có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Có thể chúng ta đã đạt được một sự thức tỉnh nào đó nhưng người kia có thể không có vì họ không biết cách nhận diện và xử lý nỗi khổ niềm đau để vượt thoát tình trạng khó khăn. Người ấy đau khổ, và người ấy làm cho bản thân cũng như những người chung quanh đau khổ.

Ngay khi nhận ra được điều này, ta nhìn người ấy bằng một cách khác. Ta thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy và ta hiểu được rằng người ấy không biết cách xử lý khổ đau của họ. Khi chúng ta có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy, thấy được tình trạng của người ấy, lòng từ bi trong ta sẽ phát khởi. Khi từ bi phát khởi thì cơn giận được chuyển hóa. Chúng ta không hành động để trừng phạt bởi vì ta không còn giận dữ nữa.

Đây là sự can thiệp của tuệ giác. Nhờ tuệ giác mà ta được an toàn bởi vì tuệ giác giúp ta điều chỉnh lại tri giác sai lầm. Khi tri giác sai lầm không còn thì sự giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng cũng không còn. Ta sẽ phát khởi tâm từ bi và thiện chí muốn giúp đỡ.

Tư niệm thực (ước muốn của ta) là nền tảng căn bản của mọi hành động. Khi có tri giác sai lầm thì cái ước muốn của ta thúc đẩy, khiến ta phản ứng tạo thêm nhiều khổ đau hơn. Tuy nhiên nếu có tuệ giác, ước muốn của ta sẽ trở thành ước muốn tốt, trở thành nguồn tư niệm thực tốt. Chúng ta có cảm hứng muốn giúp đỡ mà không phải trừng phạt. Khi động cơ thúc đẩy của ta đi về hướng tích cực, ta sẽ thấy khỏe hơn nhiều cho dù ta chưa làm gì cả. Ta hưởng được lợi lạc từ sự thực tập này ngay lập tức. Người kia, người mà ta nghĩ đã gây khổ đau cho ta cũng sẽ hưởng được lợi lạc theo sau đó.

Trị liệu các mối quan hệ trong gia đình

Có thể cha ta xem ta như một thứ tài sản quý báu của cha, như nhà cửa, tiền bạc, xe hơi. Cha nghĩ rằng ta là con của cha, cha đã làm tất cả mọi thứ cho ta, và cha chỉ muốn ta đi theo con đường mà cha đã vạch ra. Cha không nghĩ rằng ta cũng là một con người như bao người khác có quyền được suy nghĩ, được hành động, được đi theo những gì mà ta tin là chân thiện mỹ. Tại sao lại có những người cha như thế? Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người cha rất khác, rất tâm lý, có khả năng đối xử với con mình một cách rất kính trọng, cho con quyền được tự do lựa chọn.

Nếu cha đối xử không tốt với ta, có thể là do cha ta thiếu may mắn. Nền giáo dục và môi trường của cha không dạy cho cha cách cảm nhận cũng như cách bày tỏ tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu ta đổ lỗi cho cha, nếu ta muốn trừng phạt cha thì cha ta chỉ khổ đau hơn mà thôi. Ngoài ra không có lợi lạc gì cả. Chúng ta không thể giúp đỡ cha bằng cách ấy. Nếu ta hiểu được rằng do cha mình thiếu may mắn thì cái giận của ta đối với cha sẽ tan biến. Ta sẽ thấy cha ta là người cần tình thương của ta mà không phải sự trừng phạt.

Tất nhiên, ta cũng cần giữ cho mình được an toàn. Nếu cha ta làm tổn hại ta vì cảm xúc hoặc hành động thì ta không nên đến gần cha. Tuy nhiên bỏ trốn cha cũng làm tăng thêm nỗi khổ đau cho cả hai bên. Nếu không thực tập chánh niệm với cha mẹ, chúng ta sẽ tạo ra địa ngục cho nhau.

Hễ khi nào cha mẹ và con cái xung đột, cãi cọ, la mắng nhau thì bao giờ con cái cũng thiệt thòi hơn, bởi vì con cái không được nói lại những lời mà cha mẹ đã nói với chúng. Cha mẹ có thể đánh con cái nhưng con cái không thể đánh lại cha mẹ. Cha mẹ có thể mắng nhiếc con cái nhưng con cái không thể mắng nhiếc cha mẹ. Vì chúng không thể bạo động lại như những gì chúng nhận được nên chúng trở nên bệnh hoạn. Những bạo động mà chúng nhận được vẫn còn đó trong chúng, và nó muốn tìm đường để thoát ra, muốn bạo động trở lại. Là một người trẻ, sở dĩ ta không đối xử tốt với bản thân, làm cho bản thân bị tổn thương là do ta không biết cách để cho những bạo động trong ta thoát ra ngoài. Chúng ta là nạn nhân của những bạo động mà ta nhận được từ cha mẹ và xã hội.

Đôi khi cha mẹ chúng ta cũng không đủ khéo léo và sáng suốt để không bạo động với con cái cho dù họ rất muốn thương yêu con cái, muốn làm cho con cái hạnh phúc. Tôi biết có một em thanh niên trẻ đang học ngành y khoa. Cha em là một bác sĩ. Em muốn mình là một người thuộc thế hệ trẻ, hành xử phóng khoáng hơn, và em hứa với lòng mình là lớn lên em sẽ không hành xử như cha em. Nhưng khi làm cha, em lại hành xử y hệt như cha mình. Em la mắng và phê bình con cái mỗi ngày.

Khi làm con, ta nguyện làm ngược lại những gì mà cha mẹ ta đã làm. Tuy nhiên khi có con, chúng ta thường lặp lại tập khí của cha mẹ. Đó là một vòng luẩn quẩn, nối tiếp những nỗi khổ đau trong cuộc sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta phải thực tập để chấm dứt vòng luân hồi này, dừng lại những tập khí của mình và không để cho chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ của ta với con cái.

Cả hai thế hệ phải nhận diện được những bạo động đang hủy hoại chúng ta, hủy hoại những người ta thương yêu. Cả hai bên đều phải tìm cách nhìn sâu bởi vì cả hai đều là những nạn nhân. Con cái nghĩ rằng mình là nạn nhân của cha mẹ, và cha mẹ nghĩ rằng cha mẹ là nạn nhân của con cái. Chúng ta tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Chúng ta không chấp nhận sự thật là bạo động có mặt trong cả hai bên. Vì vậy thay vì xung đột, cãi cọ, la mắng nhau, cả hai bên cha mẹ và con cái nên đến với nhau để tìm cách hòa giải. Không phải vì chúng ta khổ đau thì chúng ta tiếp tục làm cho người kia khổ đau. Bên nào cũng đều khổ đau nhiều vì cùng những nguyên nhân như nhau. Vì vậy, chúng ta cần những đồng minh chứ không phải là kẻ thù. Những nỗi khổ niềm đau trong ta cũng đủ giúp ta biết cách làm thế nào để không lặp lại những lỗi lầm đó nữa. Đức Bụt nói rằng: “Tất cả những gì xảy ra, ta phải quán chiếu sâu sắc vào bản chất của nó”. Một khi hiểu được bản chất của sự vật là ta đang đi trên con đường tự do giải thoát rồi.

Vì vậy hai bên phải đến với nhau, bạn đến với bạn, mẹ đến với con. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cả hai bên đều đang khổ đau. Cả hai bên đều có những bạo động, hận thù và phiền não trong lòng. Thay vì chống đối hay đổ lỗi, chúng ta nên giúp đỡ và thực tập chung với nhau, nếu cần ta cũng có thể nhờ thầy hoặc tăng thân giúp đỡ.

Mở rộng trái tim

Tôi biết có một thanh niên trẻ rất giận cha và đã nói: “Con không có liên quan gì với cha cả”. Điều này cũng dễ hiểu. Anh ta nghĩ rằng tất cả những nỗi khổ đau của mình là do cha gây nên và anh ta không muốn dính líu gì đến cha cả. Anh ta muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu anh ta sẽ thấy rằng cho dù anh ta có giận cha mình đến tận xương tủy đi nữa thì người kia vẫn là cha mình, anh là sự tiếp nối của cha. Ghét cha tức là ghét mình. Không có cách nào khác hơn là chấp nhận cha. Nếu trái tim ta nhỏ bé thì ta không thể ôm ấp được người kia, vì vậy ta phải có trái tim rộng lớn hơn. Ta có thể làm mọi cách cho trái tim ta rộng lớn để có đủ không gian ôm ấp cha ta.

Nhìn sâu là sự thực tập duy nhất giúp cho trái tim rộng mở đến vô lượng, vô biên, không thể nào đo lường được. Một trái tim mà còn có thể đo lường được thì không phải là một trái tim lớn. Có bốn yếu tố để làm nên tình thương chân thật, gọi là tứ vô lượng tâm. Đó là từ (maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekṣā). Chúng ta thực tập bốn yếu tố này để biến trái tim ta thành vô lượng. Khi trái tim ta bắt đầu lớn rộng, chúng ta sẽ có khả năng dung chứa, chấp nhận bất kỳ loại khổ đau nào. Khi có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau trong lòng, ta sẽ không còn khổ đau nữa.

Đức Bụt ví trái tim rộng lớn giống như một dòng sông. Nếu có một chút bùn nhơ rơi vào ly nước thì ta không thể uống nước đó được mà ta phải đổ nó đi. Nhưng nếu ta thả chút bùn nhơ đó vào trong một dòng sông rộng lớn thì ta vẫn có thể sử dụng nước trong dòng sông ấy. Vì dòng sông lớn có khả năng chấp nhận chút bùn nhơ đó mà không ảnh hưởng đến dòng nước.

Khi trái tim ta bé nhỏ, ta không thể chịu đựng được nỗi khổ niềm đau do người khác và xã hội giáng xuống cho ta. Nhưng nếu trái tim ta rộng lớn thì ta có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau ấy và ta sẽ không khổ đau. Thực tập tứ vô lượng tâm là giúp cho trái tim ta rộng lớn như dòng sông.

Quán từ bi (Từ quán)

Maitrī nghĩa là từ. Gốc của nó là mitra, nghĩa là bạn. Từ quán giúp ta trở thành người bạn cho chính mình và cho người khác. Chúng ta có thể bắt đầu thực tập bằng lời nguyện: “Nguyện cho con…”. Sau đó ta vượt thoát lời nguyện, nhìn sâu vào những đặc tính tích cực và tiêu cực của đối tượng thiền quán, trong trường hợp này là chính mình. Thiện chí thương yêu chưa phải là tình thương yêu. Chúng ta phải nhìn sâu với tất cả con người của mình để hiểu. Chúng ta không phải chỉ lặp lại ngôn từ. Đây không phải là tự kỷ ám thị. Chúng ta cần nhìn sâu vào thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của mình, chỉ trong vòng vài tuần thì nguyện ước thương yêu của ta sẽ trở thành một ước muốn sâu sắc. Tình thương sẽ đi vào suy nghĩ, lời nói, hành động của ta, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta sẽ trở nên an vui, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn, trong thân cũng như trong tâm.

Phép từ quán này được dựa vào Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghoṣa) là một bộ luận hệ thống hóa những lời dạy của Bụt, được thực hiện vào thế kỷ thứ 15. Chúng ta bắt đầu thực tập từ quán với chính mình “Nguyện cho con…”. Không có khả năng thương yêu và chăm sóc chính mình, ta không thể giúp được cho người khác. Sau khi thực tập với chính mình, ta thực tập cho người khác: “Nguyện cho người ấy… hoặc Nguyện cho họ…”, trước hết là những người ta thích, kế đến là những người bình thường, sau đó đến những người ta thương yêu và cuối cùng là những người gây khổ đau cho ta.

Nguyện cho thân tâm con được nhẹ nhàng, an lạc và thảnh thơi.
Nguyện cho con được an toàn và không vướng vào tai nạn.
Nguyện cho con thoát khỏi sự giận hờn, ưu sầu, sợ hãi và lo lắng.
Nguyện cho con học nhìn vào chính con bằng đôi mắt hiểu biết và thương yêu.
Nguyện cho con có khả năng nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống an vui, hạnh phúc trong con.
Nguyện cho con nhận diện và thấy được nguồn gốc của sự giận hờn, tham đắm, si mê trong con.
Nguyện cho con biết cách nuôi dưỡng những hạt giống an vui, hạnh phúc mỗi ngày trong con.
Nguyện cho con có khả năng sống tươi mát, vững chãi và thảnh thơi.
Nguyện cho con không rơi vào thái độ dửng dưng, không kẹt vào hai mặt tham đắm và ghét bỏ.

Tình thương yêu không chỉ là ước muốn thương yêu, mà là khả năng làm vơi bớt nỗi khổ đau và hiến tặng niềm an vui, hạnh phúc. Thực tập thương yêu là làm lớn mạnh tính kiên nhẫn và khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau. Nếu trái tim ta rộng lớn, ta có thể ôm được niềm đau mà không khổ. Kiên nhẫn không có nghĩa là đè nén niềm đau.

Hiệp ước sống chung an lạc

Nếu ta và người kia, hay ta và gia đình ta không muốn khổ đau, không muốn kẹt vào trong những cuộc xung đột, đổ lỗi cho nhau, chúng ta có thể ký một hiệp ước. Chúng ta nói rằng: “Em ơi, tôi biết trong em có hạt giống giận dữ. Tôi biết mỗi khi tôi tưới tấm hạt giống giận dữ đó thì em khổ và em cũng làm tôi khổ. Vì vậy, tôi nguyện không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong em. Tôi hứa như vậy. Tất nhiên tôi cũng hứa là sẽ không tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi. Xin em hãy quán chiếu xem thử chúng ta có thể cam kết với nhau hay không. Trong đời sống hằng ngày, xin em đừng đọc, đừng xem, đừng tiêu thụ bất cứ thứ gì tưới tẩm hạt giống giận dữ, bạo động trong em. Em biết là trong tôi có hạt giống giận dữ rất lớn. Mỗi khi em tưới tẩm hạt giống giận dữ trong tôi bằng lời nói hay hành động thì tôi khổ đau và tôi làm cho em khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải ý thức và nỗ lực để đừng tưới tẩm những hạt giống bạo động và giận dữ cho nhau”.

Đó là một phần của hiệp ước sống chung an lạc mà chúng ta cam kết với người thương của chúng ta, như vợ, chồng, con cái. Nếu có ai đó trong gia đình hay trong tăng thân làm chứng cho việc ký kết hiệp ước của ta thì rất tuyệt vời. Theo hiệp ước sống chung an lạc thì mỗi khi cơn giận phát khởi, ta không nói gì và làm gì cả. Chúng ta chỉ trở về ngôi nhà của chính mình để chăm sóc cơn giận, chúng ta thực tập nhìn sâu để tiếp xúc và nhận diện nguồn gốc của nỗi khổ đau trong ta.

Tuệ giác đầu tiên mà ta đạt được đó là thấy được nguồn gốc chính của nỗi khổ đau là do hạt giống giận dữ trong ta, còn người kia chỉ là nguyên nhân thứ hai. Chúng ta có thể nhìn vào người kia và hiểu được là họ không biết cách thực tập, không biết cách làm chủ và chăm sóc những bạo động trong họ. Người ấy đã khổ đau nhiều lần và đã trở thành nạn nhân của chính nỗi khổ đau của họ. Vì vậy người ấy tiếp tục khổ đau và làm cho những người chung quanh đau khổ. Điều này cũng rất tự nhiên. Người ấy cần sự giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đó là tuệ giác thứ hai mà ta đạt được.

Chúng ta cũng có thể đi xa hơn nữa bằng cách đặt câu hỏi: “Nếu người kia cần sự giúp đỡ thì ai sẽ là người giúp họ?”. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là người hiểu người ấy hơn ai hết, và ta có nhiệm vụ trở về để giúp đỡ người ấy. Khi cái ước muốn trở về giúp đỡ người ấy phát sinh trong ta, ta biết rằng cơn giận của ta đã chuyển hóa thành tình thương yêu. Tình thương và lòng từ bi thúc đẩy ta trở về giúp đỡ. Tôi biết có nhiều người trẻ thực tập ở Làng Mai đã trở về nhà giúp đỡ cha mẹ họ. Họ không còn giận cha mẹ nữa.

Viết thư

Có một chàng thanh niên rất giận dữ với mẹ. Tôi yêu cầu mọi người đang tham dự khóa tu viết xuống những phẩm chất tốt đẹp của cha mẹ mình. Chàng thanh niên đó tự nói với chính mình rằng: “Ồ, viết những đức tính tốt của cha thì dễ, nhưng viết những đức tính tốt của mẹ thì chẳng có gì nhiều để viết cả”. Nhưng rồi anh ta cũng ngồi xuống viết; và khi bắt đầu đặt bút xuống, anh ta rất ngạc nhiên là mình tìm thấy hết điểm này đến điểm khác, cứ thế mà anh ta viết xuống rất nhiều những đức tính tốt của mẹ. Một trang không đủ. Anh ta phải lật sang trang khác và tiếp tục viết.

Trong suốt thời gian này, anh ta thực tập nhìn sâu và nhận ra rằng mẹ mình có rất nhiều đức tính tốt. Anh ta giận mẹ chỉ vì một điểm, thế mà cơn giận che hết tất cả mọi thứ khác. Làm xong bài tập này anh ta khám phá ra mẹ mình là một người quá tuyệt vời. Và bài tập tiếp theo là anh ta viết bức thư đầy tình cảm cho mẹ.

Trong lá thư anh ta nói: “Mẹ ơi, con rất hạnh phúc và tự hào là đã có người mẹ như mẹ”. Và anh ta đề cập đến tất cả những đức tính tốt mà anh ta được tiếp nhận từ mẹ. Một tuần sau, vợ anh từ Mỹ gọi điện thoại và báo cho anh biết rằng: “Mẹ anh rất hạnh phúc khi đọc bức thư của anh. Mẹ nói là mẹ đã khám phá ra rằng mẹ có một người con rất tuyệt vời. Và mẹ nói là nếu bà ngoại còn sống mẹ sẽ viết cho bà ngoại một lá thư như thế”.

Sau khi nói chuyện với vợ, người thanh niên này viết cho mẹ anh một lá thư khác: “Mẹ ơi, nếu mẹ nhìn sâu, mẹ sẽ thấy rằng bà ngoại vẫn còn sống trong mẹ, trong mỗi tế bào cơ thể mẹ. Và con tin chắc rằng nếu mẹ ngồi xuống viết thư cho bà ngoại thì bà ngoại sẽ đọc được lá thư ấy. Không quá trễ đâu mẹ”. Tình mẹ con được tái lập một cách đẹp đẽ mà không cần nhiều thời gian.

Theo Hiệp ước sống chung an lạc, nếu ta không có khả năng chuyển hóa cơn giận sau khi thực tập ôm ấp và nhìn sâu vào nó, chúng ta phải cho người kia biết trước 24 giờ, chúng ta phải nói với người ấy tình trạng của ta. Thật không lành mạnh nếu ta giữ nó trong lòng. Ta hãy tới với người kia và nói là ta đang giận, ta đang khổ đau. Nếu ta cảm thấy ta chưa bình tĩnh, ta có thể viết xuống giấy. Theo Hiệp ước sống chung an lạc, chúng ta phải gởi mẩu giấy nhắn tin này trước khi hết hạn. (Xem Mẩu giấy nhắn tin ở sau)

Ba câu linh chú để hòa giải

Ở Làng Mai có ba câu linh chú để thực tập khi ta khổ đau vì một ai đó. Chúng ta có thể viết xuống, cất vào ví của mình để nhắc nhở ta thực tập. Câu thứ nhất là: “Em yêu, tôi đang giận. Tôi đang khổ đau và tôi muốn em biết điều này”. Bằng lời nói ái ngữ, ta cho người kia biết sự thật là ta đang khổ đau, ta đang giận người ấy. Có thể ta tự cao tự đại, tự cho mình là đúng. Và khi một người khác tới hỏi ta có ổn không, ta có giận không, có thể ta nói: “Tôi à, tôi mà giận à? Tôi không giận gì cả, không khổ đau gì hết”. Điều này là đi ngược lại với sự thực tập. Thay vì nói như vậy, ta nói rằng: “Em yêu, tôi giận lắm, thật sự rất giận. Tôi khổ đau và muốn em biết điều này”. Nếu muốn ta có thể nói tiếp: “Tôi không hiểu tại sao em lại nói những điều như thế, em lại làm những điều như thế đối với tôi. Tôi rất đau khổ”. Đó là nội dung của câu thần chú thứ nhất.

Câu thần chú thứ hai: “Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Điều này có nghĩa là tôi đang thực tập. Tôi biết là mỗi khi tôi giận, tôi không nên nói và làm gì cả mà chỉ trở về với hơi thở, thực tập ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm, và nhìn sâu vào nó để thấy rõ gốc rễ sâu xa của nó. Tôi đang cố gắng hết sức. Ta chỉ cho người kia thấy được ta là một hành giả, ta biết cách xử lý cơn giận của ta. Điều này tạo thêm niềm tin và sự kính trọng trong lòng người ấy. Đây cũng là một lời mời gián tiếp, mời người kia cùng thực tập và tự hỏi: “Mình đã làm gì, nói gì khiến người kia đau khổ như vậy?”. Chừng đó là đã bắt đầu thực tập rồi. Câu thần chú thứ hai là mời người kia nhìn sâu để xem thử là người kia đã nói và làm như vậy có chính đáng hay không.

Câu thần chú thứ ba là: “Xin em hãy giúp đỡ tôi”. Bởi vì một mình tôi, tôi không thể chuyển hóa nổi nỗi khổ đau và cơn giận này. Nếu có khả năng viết ra câu thần chú thứ ba này thì ta đã bớt khổ đi rồi. Khi đã trở thành bạn đồng hành với nhau trên con đường thực tập, ta phải chia sẻ với nhau cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau. “Bây giờ tôi khổ đau và tôi muốn chia sẻ nỗi khổ đau này với anh và tôi muốn anh giúp tôi.” Nếu ta có khả năng viết xuống câu này nghĩa là ta đã vượt qua được sự tự ái của ta.

Thông thường khi bị tổn thương quá nặng, ta muốn trở về phòng, khóc một mình và từ chối sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta tự ái. Chúng ta muốn trừng phạt người kia, bằng cách cho người ấy biết không có người ấy ta vẫn có thể sống bình thường. Vì vậy ba câu này là những hướng dẫn giúp ta thực tập. Thay vì từ chối sự giúp đỡ, ta nói: “Em yêu, anh rất giận em. Anh đang khổ đau. Anh muốn em biết điều này. Anh đang làm hay nhất có thể để xử lý nỗi khổ đau của mình. Xin em giúp đỡ anh”. Ta có thể viết những câu này xuống trên những tấm giấy nhỏ cỡ tấm ‘name card’ và cất vào ví. Khi năng lượng giận dữ xuất hiện, ta biết ta nên làm gì. Ta có thể lấy nó ra đọc. Trong giây phút này Bụt sẽ có mặt với ta. Ta biết rõ những gì nên làm và những gì không nên làm. Nhiều người đã thực tập điều này và chuyển hóa được mối quan hệ của mình, giữa cha và con trai, mẹ và con gái hay giữa những cặp vợ chồng với nhau. Thực tập hơi thở chánh niệm và đi thiền hành giúp ta làm lắng dịu thân tâm rất lớn. Chúng ta cố gắng hết sức mình để giải quyết tình trạng. Đừng phản ứng, đừng để cho cơn giận và bạo động gây thêm khổ đau nữa.

Lá thư hòa giải

Ba câu linh chú này là nền tảng căn bản của một lá thư hòa giải. Viết thư là một sự thực tập rất quan trọng. Cho dù ta có thiện chí lớn bao nhiêu đi nữa nhưng nếu sự thực tập của ta không đủ vững chãi, chúng ta cũng có thể bực bội cáu gắt khi nói chuyện và rồi ta sẽ phản ứng thiếu khéo léo. Điều đó sẽ đánh mất cơ hội hòa giải. Vì vậy đôi khi để an toàn và dễ dàng hơn ta nên viết thư. Trong thư ta cũng có thể nói thật hoàn toàn. Chúng ta có thể cho người kia biết những điều mà người kia đã làm khiến cho ta khổ đau và tổn thương. Chúng ta có thể viết tất cả những điều ta cảm nhận trong lòng.

Trong khi viết thư, sự thực tập của chúng ta là làm lắng dịu những cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, thương yêu. Chúng ta cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại. Chúng ta có thể viết: “Anh ơi, có thể em là nạn nhân của tri giác sai lầm, và những gì em viết ra đây có thể không phản ánh đúng sự thật. Tuy nhiên, đây là cái thấy của em, là điều em thật sự cảm nhận trong trái tim mình. Nếu tri giác em sai lầm thì xin anh hãy giúp em lấy đi cái tri giác sai lầm này ra khỏi em. Nếu những gì em viết không đúng sự thật thì xin anh hãy cùng em nhìn lại để làm rõ vấn đề này hơn và phá tan những hiểu lầm trong nhau”. Khi viết thư chúng ta phải sử dụng ái ngữ. Nếu có một câu nào đó chưa đủ khéo léo, ta có thể làm mới lại và viết lại câu khác dễ thương hơn.

Trong lá thư, chúng ta phải chứng minh là ta có khả năng hiểu được nỗi khổ đau của người kia. “Anh thương mến, em biết là anh đang đau khổ. Và em biết là anh không hoàn toàn chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau của anh”. Khi thực tâp nhìn sâu, ta có thể khám phá ra gốc rễ và nguyên nhân nỗi khổ đau của người kia. Chúng ta có thể nói cho người kia nghe tất cả những gì ta thấy. Chúng ta cũng có thể nói cho người kia biết nỗi khổ của ta, và cho người kia biết là ta hiểu được vì sao người kia lại hành xử, nói năng như vậy.

Chúng ta có thể để dành một, hai, ba tuần để hoàn tất lá thư bởi vì đây là một lá thư rất quan trọng.

Lá thư này rất thiết thực cho hạnh phúc của chúng ta. Khoảng thời gian ta dành để viết lá thư này thậm chí còn quan trọng hơn là khoảng thời gian một, hai năm ta dùng để viết luận án tiến sĩ. Luận án của ta không quan trọng bằng lá thư. Viết thư như thế là cách hay nhất ta có thể làm để phá tan những chướng ngại trong ta và tái lập được truyền thông. Chúng ta là bác sĩ, là nhà tâm lý trị liệu giỏi nhất cho người thương của ta, bởi vì ta hiểu người đó nhất.

Chúng ta không làm điều này một mình. Chúng ta có những người anh, người chị đã từng thực tập có thể soi sáng và giúp ta viết lá thư này. Người mà ta cần, có mặt ngay tại đây trong tăng thân của chúng ta. Khi viết một cuốn sách, ta thường gởi bản thảo cho bạn bè hoặc cho những nhà chuyên môn nhờ họ đọc và góp ý giúp. Những người bạn đồng hành trong sự thực tập của ta là những chuyên gia, bởi vì họ biết thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi, biết quán chiếu vấn đề sâu sắc và biết nói năng bằng lời ái ngữ. Vì vậy ta đưa thư nhờ sư chị sư anh đọc giúp, và xin sư chị sư anh nói cho ta biết là ngôn ngữ ta sử dụng có đủ hòa ái, bình an, trầm tĩnh chưa, tuệ giác của ta đã đủ sâu chưa. Sau đó ta đưa lá thư này cho một người sư anh sư chị khác. Chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi ta thấy lá thư có khả năng mang đến sự chuyển hóa trong người kia và giúp người kia trị liệu.

Chúng ta phải đầu tư thời gian, năng lượng và tình thương yêu vào những lá thư như thế. Không ai lại từ chối giúp đỡ ta trong nỗ lực quan trọng này. Tái lập truyền thông với người ta thương yêu và quan tâm chăm sóc là điều rất quan trọng. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, con gái, con trai ta hay là người bạn hôn phối của ta. Người đó cũng có thể là người ngồi cạnh ta. Chúng ta có thể bắt đầu liền ngay bây giờ. Chúng ta có thể bắt đầu viết thư hôm nay. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chỉ cần một cây viết và một tờ giấy thôi là chúng ta có thể làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta.

Trong khi ngồi thiền, đi thiền, làm vườn, dọn dẹp hay nấu ăn ta không nghĩ về lá thư. Tuy nhiên tất cả những gì ta làm đều liên quan đến lá thư. Thời gian ta ngồi xuống viết thư chỉ là thời gian ta trải lòng mình ra lên tờ giấy. Chúng ta viết thư khi ta tưới rau, đi thiền hành, nấu cơm cho đại chúng. Tất cả những thực tập này giúp cho ta vững chãi hơn, bình an hơn. Chánh niệm và chánh định mà ta chế tác qua những công việc hằng ngày giúp cho hạt giống của sự hiểu biết, thương yêu trong ta lớn lên. Nếu lá thư của ta được viết ra từ nguồn năng lượng chánh niệm mà ta chế tác trong ngày thì đó là một lá thư quá tuyệt vời. Cho dù những lúc ta không nghĩ về lá thư thì lá thư cũng đang được viết từ trong chiều sâu tâm thức của ta.

Chúng ta không thể chỉ ngồi viết thư thôi. Chúng ta cũng cần phải làm những thứ khác nữa. Chúng ta uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Thời gian ta làm những công việc này vô cùng quan trọng. Chúng ta phải làm cho đàng hoàng. Chúng ta phải để một trăm phần trăm con người mình vào việc nấu ăn, tưới cây hay rửa chén. Chúng ta thưởng thức tất cả những gì ta đang làm và làm một cách sâu sắc. Điều này rất quan trọng cho lá thư của ta và cho bất cứ điều gì ta muốn thực hiện.

Giải thoát, giác ngộ không tách rời việc rửa chén hay trồng rau. Học cách sống sâu sắc trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày bằng năng lượng chánh niệm và chánh định là sự thực tập của chúng ta. Những ý niệm và những sáng tạo cho tác phẩm nghệ thuật của ta diễn ra ngay nơi mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Lúc ta bắt đầu viết nhạc hay làm thơ chỉ là thời gian ta sinh nó ra. Giống như là thời gian ta sinh con vậy. Đứa bé đã có trong ta rồi trước khi ta sinh ra. Nếu trong ta không có ý niệm gì thì cho dù ta có ngồi vào bàn từ giờ này sang giờ khác, ta cũng không viết được gì, không có gì để cho ra cả. Tuệ giác, lòng từ bi và khả năng viết thư khiến cho trái tim người kia xúc động là hoa trái của sự thực tập. Chúng ta phải tận dụng từng phút giây của đời sống hằng ngày để cho tuệ giác và từ bi đơm hoa.

Chính năng lượng chánh niệm trong ta cho phép ta viết một lá thư rất thực, đầy tình thương yêu và có khả năng hòa giải với người kia. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu được làm bằng tuệ giác, hiểu biết và từ bi. Nếu không thì đó không phải là một lá thư đầy tình thương yêu. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu phải có khả năng mang lại sự chuyển hóa trong người kia và trên thế giới. Nhưng trước khi mang lại sự chuyển hóa cho người kia chúng ta phải chuyển hóa trong tự thân mình. Có những lá thư mà ta có thể để ra cả đời để viết.

Thiếu sự khéo léo

Chúng ta không nên nản lòng khi nhận ra rằng trong quá khứ chúng ta đã từng khổ đau và đã từng làm cho người kia đau khổ. Nếu biết cách xử lý khổ đau, ta sẽ có khả năng thừa hưởng được những lợi lạc do khổ đau đem đến. Cố nhiên ta đã gây ra những lỗi lầm, ta đã không khéo léo. Ta đã làm cho bản thân ta khổ đau và làm cho những người chung quanh ta khổ đau. Nhưng điều đó không ngăn cản ta làm mới trở lại và làm hay hơn cho năm tới, thậm chí là ta có thể làm hay hơn cho giây phút tới. Chúng ta nên nhìn vào nỗi khổ đau của mình như thế nào đó để nỗi khổ đau có thể trở thành điều tích cực. Tất cả chúng ta ai cũng mắc phải những lỗi lầm và thiếu sự khéo léo. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản ta cải thiện, làm mới lại và chuyển hóa.

Khi có điều gì bất ổn xảy ra, ta muốn sửa chữa ngay. Chúng ta muốn làm cho những nỗi khổ đau, những sai lầm của ta biến đi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên khi có khó khăn xảy ra, bước đầu tiên ta cần làm là nhận diện khó khăn mà không phải là chỉnh sửa. Sau khi có mặt với chính mình một thời gian, ta sẽ dễ dàng đến gần với người mà ta đang tranh cãi. Chúng ta có thể nói: “Em yêu, tôi biết là trong những năm tháng trước em đã khổ đau rất nhiều. Và tôi đã đóng góp vào làm cho nỗi khổ đau trong em lớn hơn. Tôi đã không chánh niệm đủ. Tôi đã không hiểu đủ nỗi khổ đau và khó khăn của em. Có thể tôi đã làm, đã nói những điều làm cho tình trạng tệ hại hơn. Tôi rất xin lỗi. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Tôi muốn em hạnh phúc, an toàn, tự do và có nhiều niềm vui sống. Nhưng vì tôi không hiểu đủ em, không hiểu đủ nỗi khổ đau của em nên nhiều khi tôi đã không khéo léo. Có lẽ em có cảm tưởng là tôi muốn làm cho em đau khổ. Nhưng điều đó không đúng. Vì thế xin em hãy nói cho tôi biết nỗi khổ đau của em để tôi không lặp lại những lỗi lầm tương tự như trong quá khứ tôi đã gây ra. Hạnh phúc của em rất quan trọng cho hạnh phúc của tôi. Hãy nói cho tôi nghe những nỗi sợ hãi, những mối quan tâm, những khó khăn của em để tôi có thể giúp em dễ dàng hơn”. Đó là ngôn ngữ phát sinh từ ý thức.

Nhiều người trong chúng ta đã không chánh niệm đủ để hiểu được những khó khăn, khổ đau, giận hờn và phiền muộn của con em mình. Cha mẹ phải có khả năng nói chuyện được với con cái bằng ngôn ngữ của trái tim. Như thế ta mới có khả năng tái lập lại truyền thông và tạo nên sự an lạc cho cả hai bên. Nhờ đó quá trình trị liệu sẽ bắt đầu xảy ra.

Tất cả chúng ta đều biết rằng bình an phải đến từ chính tự thân mình. Nhưng không phải ai cũng biết cách chế tác bình an. Khi chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm thì nỗi khổ đau của chúng ta sẽ chuyển hóa thành nguồn hiểu biết thương yêu, và sự hòa giải sẽ xảy ra dễ dàng hơn nhiều. Trước đó ta không thể hòa giải được. Sự tự ái, giận dữ, sợ hãi, khổ đau trấn ngự tâm ý ta, ngăn cản con đường của ta. Nhờ chánh niệm mà sự hiểu biết thấm nhuần vào mảnh đất tâm của ta và có khả năng làm ứa ra những giọt nước cam lộ thanh lương.

Hòa giải với chính mình

Ở Làng Mai, có một cặp vợ chồng sắp cưới nhau đến hỏi tôi: “Thưa thầy, còn 24 giờ đồng hồ nữa là chúng con làm lễ kết hôn. Chúng con có thể chuẩn bị những gì cho buổi lễ của chúng con được thành công tốt đẹp?”. Tôi trả lời: “Điều quan trọng nhất là hai con phải nhìn sâu vào chính tự thân mình để xem trong lòng hai con còn có chướng ngại nào không. Ngay giây phút này có ai mà hai con chưa hòa giải được hay không? Trong lòng hai con có điều gì chưa hòa giải hay không?”. Hòa giải không phải lúc nào cũng là hòa giải với người khác, có khi ta phải hòa giải với chính tự thân mình. Trong ta có rất nhiều xung đột vì vậy ta phải ngồi xuống hòa giải những xung đột đó. Chúng ta phải đi thiền hành, phải ngồi thiền để nhận diện những gì đang xảy ra trong ta, để thấy rõ tình trạng của ta và những gì ta cần làm.

Chúng ta đi thiền hành, ngồi thiền, nấu ăn, rửa bát,… làm tất cả những công việc ấy là để nhìn sâu và thấy rõ những gì cần làm để làm mới lại. Cuối cùng, đôi bạn trẻ ấy nhận ra là họ có quá nhiều thứ để làm trước buổi lễ tân hôn, mà họ chỉ có 24 giờ đồng hồ. Họ có một người bạn cần phải hòa giải liền. Làm sao họ có thể gởi lá thư cho người ấy trong vòng 24 tiếng đồng hồ? Nếu ta hòa giải được với người ấy trong tự thân, như thế cũng đủ. Bởi vì sau đó hiệu quả của việc hòa giải sẽ ảnh hưởng khắp mọi nơi.

Cho dù người mà ta muốn hòa giải ở rất xa ta, cho dù người đó không chịu trả lời điện thoại, không chịu mở thư ra đọc, hay cho dù người đó đã qua đời rồi thì sự hòa giải vẫn có thể xảy ra. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, anh chị em của ta, con trai ta hay con gái ta. Dù người đó vẫn còn sống hay đã qua đời rồi thì ta vẫn có thể hòa giải được. Bởi vì hòa giải nghĩa là hòa giải trong tự thân ta để cho hòa bình an lạc được tái lập. Chúng ta biết là ta có khả năng làm mới, có khả năng làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. Mẹ ta có thể đã qua đời rồi. Nhưng nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng mẹ vẫn còn sống trong ta. Chúng ta không thể tồn tại mà không có mẹ. Cho dù ta ghét mẹ, cho dù ta giận mẹ, cho dù ta không muốn nghĩ về mẹ thì mẹ vẫn ở trong chúng ta. Hơn thế nữa, mẹ là ta. Và ta là mẹ. Ta là con của mẹ. Ta là sự tiếp nối của mẹ. Dù ta có thích hay không thì ta cũng là mẹ. Hòa giải được thực hiện trong tự thân của ta. Hòa giải với cha, mẹ, con cái hay vợ chồng nghĩa là hòa giải với chính mình.

Đôi khi chúng ta hối tiếc, ân hận là đã không nói những điều lẽ ra ta nên nói với những người thương trong gia đình ta trước khi họ qua đời. Chúng ta hối hận là chúng ta đã không dễ thương với người ấy trong suốt cuộc đời của họ. Bây giờ chúng ta nghĩ là đã quá trễ rồi. Tuy nhiên chúng ta không cần phải hối hận như thế. Người kia vẫn còn trong chúng ta và ta có thể bắt đầu làm mới lại. Chúng ta mỉm cười với người ấy và nói với người ấy những điều mà lẽ ra ta nên nói với người ấy nhưng ta đã không có cơ hội để nói. Chúng ta nói điều ấy ngay bây giờ và người kia có thể nghe được. Đôi khi ta cũng không cần phải nói gì cả. Chúng ta chỉ cần sống với tinh thần làm mới thì người kia sẽ cảm nhận được.

Tôi đã nói chuyện với một cựu chiến binh Hoa Kỳ, người đã giết chết năm đứa trẻ em ở Việt Nam, rằng: “Ông không cần phải tiếp tục khổ đau vì ông đã giết năm đứa trẻ. Nếu ông biết cách sống quãng đời còn lại của mình, biết cách cứu các trẻ em trong hiện tại và trong tương lai thì năm đứa trẻ này sẽ hiểu được tấm lòng của ông, sẽ mỉm cười với ông, sẽ yểm trở ông trên con đường thực tập này”. Không có lý do gì ta phải kẹt vào những mặc cảm tội lỗi. Mọi thứ đều có thể xảy ra, đều có thể làm mới lại được. Quá khứ không mất đi đâu cả. Quá khứ vẫn còn đó trong hiện tại. Nếu ta biết cách tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại thì ta sẽ tiếp xúc được với quá khứ và ta có thể thay đổi được quá khứ. Đây là lời Bụt dạy. Nếu ta đã nói những điều không dễ thương với bà ngoại mà bây giờ bà đã qua đời rồi, ta vẫn có thể làm mới được.

Chúng ta ngồi xuống, thực tập những hơi thở vào ra trong chánh niệm và mời bà có mặt với ta. Chúng ta mỉm cười với bà và nói: “Bà ơi, cháu xin lỗi bà. Cháu sẽ không nói những điều như thế nữa”. Ta sẽ thấy bà mỉm cười. Sự thực tập này mang lại cho ta sự bình an, tươi mới, đồng thời đem lại cho những người chung quanh ta và cho các thế hệ tương lai nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Thực tập như thế nào khi ta làm người khác tổn thương?

Chúng ta phải làm gì khi làm người khác bị tổn thương và họ xem ta như kẻ thù của họ? Người này có thể là những người trong gia đình ta, trong tăng thân ta, hay trong một đất nước khác. Tôi biết là chúng ta đã có câu trả lời. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Đầu tiên là ta phải làm thế nào để nói cho được: “Tôi xin lỗi. Vì vô minh, vì thiếu chánh niệm, vì thiếu khéo léo mà tôi đã làm cho anh bị tổn thương. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hiểu và thông cảm hơn. Tôi sẽ không nói với anh những điều như thế nữa. Tôi không muốn làm anh tổn thương”. Đôi khi chúng ta không có chủ tâm làm cho người kia bị tổn thương nhưng vì ta không đủ chánh niệm và khéo léo nên đã làm người khác đau khổ. Vì vậy thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng, nhờ đó chúng ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để không làm tổn thương người khác.

Điều thứ hai mà ta có thể làm là cố gắng biểu hiện những điều tốt đẹp nhất về bản thân mình, những đức tính tốt, những bông hoa tươi đẹp để chuyển hóa bản thân. Đây là cách duy nhất mà ta có thể dùng để chứng minh những gì ta vừa mới nói. Khi chúng ta trở nên tươi mát và dễ chịu, người kia sẽ sớm nhận ra được. Sau đó, khi có cơ hội đến gần người kia, ta đến như một bông hoa tươi mát và người kia sẽ nhận ra ngay. Có thể chúng ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần nhìn cách ta thay đổi thì người kia sẽ chấp nhận và tha thứ cho ta. Ta làm theo những gì ta nói chứ không phải là những lời nói suông.

Khi ta thấy được “kẻ thù” ta đang khổ đau là ta bắt đầu có tuệ giác. Thấy được trong tự thân có ước muốn giúp người kia hết khổ, đó là dấu hiệu của tình thương yêu. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận. Đôi khi ta nghĩ rằng ta mạnh hơn khả năng ta có. Để thử sức mạnh của mình, ta thử đến với người kia và nói chuyện với người ấy. Chúng ta sẽ khám phá ra ngay lập tức là tình thương và lòng từ bi của ta có thực sự vững mạnh hay không. Chúng ta cần một người khác có mặt đó cho ta thử nghiệm sức mạnh của ta. Nếu thiền tập chỉ dựa trên những nguyên tắc trừu tượng về hiểu biết và thương yêu thì có thể đó chỉ là sự tưởng tượng mà không phải là sự hiểu biết và tình thương yêu đích thực.

Hòa giải là bỏ lại sau lưng những cái nhìn lưỡng nguyên và khuynh hướng muốn trừng phạt. Hòa giải không đứng về một bên. Trong một cuộc xung đột xảy ra, hầu hết chúng ta đều muốn đứng về một bên nào đó. Chúng ta phân biệt giữa cái đúng và cái sai, một phần dựa trên những bằng chứng, hoặc những tin đồn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần sự căm phẫn để hành động. Nhưng cho dù sự căm phẫn ấy có đúng lý và chính đáng đi chăng nữa cũng không đủ. Thế giới này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Điều chúng ta cần là những người có khả năng thương yêu và không đứng về một bên để họ có thể ôm được cả hai bên, ôm được thực tại một cách trọn vẹn.

Chúng ta phải tiếp tục thực tập chánh niệm và hòa giải cho đến khi nào ta có khả năng thấy được hình hài của những trẻ em đói khổ là hình hài của chính ta, nỗi khổ đau của mọi người mọi loài là nỗi khổ đau của chính ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra được tình thương chân thật vô phân biệt. Chúng ta có thể nhìn tất cả mọi người mọi loài bằng con mắt từ bi và chúng ta có thể làm công việc giúp người thực sự, đó là làm vơi đi nỗi khổ đau trong lòng người.

Điều gì ngăn cản ta hạnh phúc?

Chúng ta thực tập là bởi vì chúng ta muốn học lại một lần nữa cách đi, cách thở và cách ngồi. Đi như thế nào mà hạnh phúc an lạc có mặt trong suốt buổi đi, thở như thế nào để bình an, từ bi và niềm vui sống có mặt trong ta. Khi ăn sáng, chúng ta ăn như thế nào để tự do và niềm vui có mặt. Đó là điều mà ta có thể học hỏi và rèn luyện nhờ vào sự nâng đỡ yểm trợ của tăng thân, của các sư anh sư chị trong sự thực tập. Có những người trong chúng ta có khả năng thở trong chánh niệm, biết thưởng thức và nếm được hương vị của giây phút hiện tại. Một hơi thở vào có thể mang lại cho ta niềm vui. “Thở vào, tôi còn sống”. Đây là giây phút ta ăn mừng sự sống đang có mặt. Chúng ta biết là ta đang còn sống, và chúng ta có thể sống đời sống của ta một cách đích thực, ta có thể ăn mừng sự sống của ta trong mỗi phút mỗi giây. Thở vào, tôi biết tôi còn sống. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Bất kỳ ai cũng có thể làm được điều này. Bất kỳ ai cũng có thể thở vào và ăn mừng sự sống với hơi thở vào đó. Khi ta đi, mỗi bước chân của ta có thể giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta biết mùa xuân đang có mặt đó, mặt trời đang có mặt đó, sự sống đang có mặt đó, những đóa hoa đang có mặt đó và đang mỉm cười với chúng ta. Theo nguyên tắc thì ta có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy để được nuôi dưỡng, để được trị liệu. Tuy nhiên có vài thứ xen vào trong tâm ý ta, ngăn cản ta không cho ta sống hạnh phúc, nhẹ nhàng và khinh an, làm cho ta đánh mất nụ cười.

Tuy vậy, chúng ta có thể lấy lại nụ cười ấy. Mỗi bước chân ta đi, mỗi cái nhìn tiếp xúc với sự sống với những mầu nhiệm của nó có thể trở thành một bữa tiệc ăn mừng sự sống. Đi như thế là ta đi với sự tự do, vượt thoát khỏi những nỗi khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Tự do đó là nền tảng của hạnh phúc. Khi đi, ta đi như một con người tự do. Khi có tự do, ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, có công năng trị liệu và nuôi dưỡng ta.

Điều gì đã xen vào tâm tư ta khi ta đi thiền hành, khi ta ăn mừng sự sống trong mỗi bước chân? Chướng ngại của ta là gì? Chúng ta phải nhận diện và gọi tên nó. Điều gì ngăn cản ta đi và thở như thế, điều gì ngăn cản ta ăn sáng trong niềm hân hoan và hạnh phúc? Chúng ta biết rõ rằng giây phút hiện tại là giây phút duy nhất mà ta có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Quá khứ đã qua rồi, quá khứ không còn chứa đựng sự sống nữa. Và tương lai thì chưa tới. Quá khứ là một cái gì không thật, tương lai cũng không thật. Chỉ có giây phút hiện tại là có thật. Vì vậy sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với giây phút hiện tại, sẵn sàng có mặt cho phút giây hiện tại và thiết lập thân tâm trong phút giây hiện tại để chúng ta có thể tiếp xúc với sự sống và thực sự sống đời sống của chúng ta một cách trọn vẹn. Điều này được thực hiện trong mỗi bước chân đi, trong mỗi hơi thở, trong mỗi tách trà, trong mỗi bữa ăn sáng, hay trong mỗi một tiếng chuông. Tất cả những điều đó đưa ta về với giây phút hiện tại để ta có thể thực sự sống đời sống của ta. Chúng ta luyện tập để đi như thế nào mà mỗi bước chân, mỗi hơi thở vào ra của ta mang lại cho ta sự sống và niềm hạnh phúc.

Chuyển hóa quá khứ trong giây phút hiện tại

Khi đến một trung tâm tu học hoặc tham dự một khóa tu, có thể ta không có vấn đề gì, nhưng khi nghĩ đến chuyện về nhà thì vấn đề lại xuất hiện. Vấn đề đó có thể là từ người kia. Chúng ta có nhiều khó khăn trong quá khứ, và ta nghĩ rằng người kia là vấn đề của ta, nên ta không thể thở được, không thể ngắm nhìn hoa thủy tiên được, bởi vì chúng ta luôn nghĩ đến cái giây phút mà ta phải trở về nhà đối diện với người ấy. Cho nên ta không có tự do. Chúng ta không thể thưởng thức được hơi thở vào ra của mình, chúng ta cứ nghĩ về điều đó, cứ chạy về quá khứ. Tuy nhiên, ta có thể thực sự thiết lập thân tâm trong cái bây giờ ở đây, và chỉ có cái bây giờ ở đây mới chứa đựng sự sống.

Nỗi sợ hãi phải đối diện với người kia không thể quấy rầy ta. Nhìn cho sâu sắc chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có khả năng làm chủ tình huống bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm, bằng cách thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Chúng ta có khả năng xử lý tất cả mọi trường hợp. Cũng giống như ta biết cách sử dụng gas để nấu ăn hay dùng điện để thắp sáng và sưởi ấm nhà cửa vậy. Nếu không có những hiểu biết đúng đắn về chúng, ta có thể bị chết vì gas và điện. Tuy nhiên thực tế là chúng ta biết đủ. Cho dù chúng ta không biết nhiều về điện, dù chúng ta không phải là những thợ điện chuyên nghiệp, chúng ta cũng có thể hiểu biết đủ để xử lý. Cho nên ta không sợ bị điện giật. Chúng ta không sợ điện, không sợ gas bởi vì chúng ta biết cách xử lý và biết cách sử dụng. Chúng ta có thể chết vì hậu quả của gas và điện, nhưng không phải gas và điện muốn giết chết chúng ta. Chắc chắn là không. Thực tế là gas có thể giúp ta nấu ăn, điện có thể giúp ta nhiều thứ trong nhà.

Điều này cũng giống như người kia. Người đó không muốn làm ta khổ. Chính vì không có khả năng thấy được sự tương tức giữa mình với người kia nên ta mới khổ. Chúng ta phải hiểu người đó. Nếu chúng ta hiểu được tính tình của người đó, cách người đó hành xử thì cũng giống như ta hiểu được gas và điện. Sẽ không còn nguy hiểm nữa, và ta không còn khổ đau nữa. Người đó không có ý làm ta khổ hay làm hại ta. Người đó có thể có những khó khăn hay khổ đau mà không biết cách xử lý và chăm sóc. Vì vậy mà người đó khổ và làm ta khổ. Nhưng nếu ta hiểu được tất cả những điều này và ta hiểu đủ về người đó, ta sẽ thấy rằng không đáng để ta khổ đau quá nhiều như vậy.

Nếu người kia nói điều gì đó khó chịu làm ta khổ đau thì cũng giống như ta mở gas lên. Chúng ta biết bản chất của gas, chúng ta phải cẩn thận, vậy thôi. Người kia có khổ đau trong lòng và chưa học cách xử lý. Vì vậy mà người kia tiếp tục khổ đau và làm người khác khổ đau. Nếu mọi người biết rõ về người đó, biết cách xử lý tình huống thì sẽ không khổ đau vì người đó. Và chúng ta có thể giúp người đó vơi bớt khổ đau rất hiệu quả.

Khi người đó nói những điều thô lỗ với ta, nếu ta có sự cảm thông và lòng từ bi thì ta được bảo hộ.

Chúng ta biết rõ rằng người đó đang khổ đau và không biết cách xử lý nỗi khổ đau của mình. Người đó cần tình thương và cần sự giúp đỡ. Nếu ta có sự cảm thông và có tuệ giác ta sẽ không khổ đau vì những gì người đó nói hoặc làm. Có thể ta không phản ứng, trái lại còn có động cơ muốn làm điều gì đó để giúp đỡ người kia vơi bớt khổ đau. Hiểu biết và từ bi bảo hộ cho chúng ta. Cũng giống như biết được bản chất của gas và điện để chúng ta không còn sợ hãi về nó nữa. Người kia cũng giống như vậy, cũng cùng một bản chất. Người kia không muốn làm ta tổn thương, không muốn làm ta khổ đau. Người ấy khổ đau và ta phải giúp đỡ người ấy.

Quán chiếu cho sâu sắc, chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa, chúng ta có thể nói với mình rằng: “Khi tôi trở về với người ấy, tôi sẽ áp dụng quy tắc này, tôi sẽ không khổ đau nữa. Tôi sẽ tìm cách giúp người ấy bớt khổ”. Được trang bị bằng lòng từ bi và sự hiểu biết, chúng ta sẽ được giải thoát. Cho nên hạnh phúc là điều mà ta có thể đạt được trong giây phút hiện tại. Đóa hoa đang giữ nụ cười cho chúng ta, chúng ta có thể lấy lại nụ cười ngay lập tức và sung sướng mỉm cười trở lại. Ngay giây phút này ta hãy nhìn vào hình hài, cảm thọ và tri giác của ta xem ta có vấn đề gì không? Nếu thấy mình không có vấn đề gì trong giây phút hiện tại thì đừng để cho những con ma quá khứ thống trị ta. Chúng ta không nên để cho những dự án của quá khứ hoặc tương lai hạ gục ta. Chúng chỉ là những bóng ma. Vì vậy ta phải luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại. Đó là sự thực tập của chúng ta. Là con đường của chúng ta. Là cách thức đưa đến sự hòa giải.

Sáu: Trị liệu em bé bên trong

Khi còn nhỏ, chúng ta rất mong manh, rất dễ bị tổn thương. Một cái nhìn nghiêm khắc của cha cũng có thể làm ta đau khổ. Một lời nói gắt gỏng của mẹ cũng có thể tạo nên vết thương trong tim ta. Là một đứa trẻ, ta có nhiều cảm thọ nhưng khó để bày tỏ. Ta cố gắng không biết bao nhiêu lần. Đôi khi ta tìm được lời lẽ thì người lớn chung quanh ta không lắng nghe ta hoặc không cho phép ta nói.

Chúng ta có thể trở về ngôi nhà của chính mình để nói chuyện với em bé, lắng nghe em và trả lời trực tiếp với em. Chính tôi cũng đã từng làm như vậy, ngay cả khi tôi nhận được tình thương và sự quan tâm từ cha mẹ. Sự thực tập này giúp tôi rất nhiều. Em bé vẫn còn đó và có thể bị tổn thương sâu nặng. Chúng ta đã bỏ bê em bé đó lâu lắm rồi. Bây giờ ta phải trở về an ủi, vỗ về, thương yêu và chăm sóc.

Thiền tập về em bé năm tuổi

Chúng ta có thể thiền tập về đề tài này trong khi ngồi thiền hay đi thiền. Điều quan trọng là ta phải tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái và có thể buông thư mà không bị gián đoạn ít nhất là trong vòng năm phút. Khi thở vào thở ra, ta có thể nói với chính mình:

Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi trong tôi bằng tình thương yêu.

Ban đầu chúng ta có thể nói nguyên câu, sau đó chúng ta chỉ dùng những từ khóa, như:

Tôi là em bé năm tuổi.
Mỉm cười bằng tình thương yêu.

Em bé năm tuổi bên trong ta cần nhiều tình thương và sự quan tâm, chăm sóc. Do vậy nếu mỗi ngày ta có năm phút để ngồi xuống và thiền tập về đề tài này thì rất hay. Rất được nuôi dưỡng và được an ủi. Bởi vì em bé năm tuổi trong ta vẫn còn sống và cần được chăm sóc. Bằng cách để ý và truyền thông, ta có thể thấy được em bé trả lời lại với chúng ta và nó sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu hơn. Nếu em bé thấy dễ chịu, ta cũng thấy dễ chịu và ta bắt đầu có tự do lớn.

Em bé bên trong ta không phải chỉ là bản thân ta thôi. Khi còn là một đứa trẻ, cha mẹ ta cũng đã từng khổ đau. Cho dù khi đã lớn lên, cha mẹ ta cũng không biết cách xử lý nỗi khổ đau đó, vì vậy cha mẹ đã làm cho con cái khổ đau. Họ là nạn nhân của nỗi khổ đau của họ, và con cái của họ cũng trở thành nạn nhân của những nỗi khổ đau ấy. Nếu chúng ta không có khả năng chuyển hóa nỗi khổ đau trong chúng ta thì ta sẽ trao truyền lại cho con cái ta. Mỗi bậc cha mẹ đều đã từng là em bé năm tuổi, rất mong manh và dễ bị tổn thương.

Cha tôi và tôi không phải là hai thực thể riêng biệt. Tôi là sự tiếp nối của cha tôi, vì vậy cha tôi có trong tôi. Giúp đỡ cho cậu bé năm tuổi là cha tôi trong tôi là cách trị liệu cho cả hai người cùng một lúc. Giúp đỡ em bé năm tuổi là mẹ tôi trong tôi là cách giúp mẹ tôi chuyển hóa và giải thoát. Tôi là sự tiếp nối của mẹ. Em bé năm tuổi bị tổn thương và khổ đau đó vẫn còn sống trong tôi. Nếu tôi có khả năng chuyển hóa và trị liệu cho cha mẹ tôi trong tôi, tôi cũng có thể giúp đỡ cha mẹ tôi ngoài tôi. Thiền tập về em bé năm tuổi sẽ giúp ta chế tác hiểu biết và thương yêu trực tiếp cho chính bản thân ta cũng như cho cha mẹ ta.

Chúng ta nói rất nhiều về cái hiểu. Nhưng liệu có cái hiểu nào cao hơn cái hiểu này không? Khi ta có thể mỉm cười được thì ta biết rằng ta đang mỉm cười với cha mẹ và giải thoát cho cha mẹ. Nếu thực tập được như vậy thì tất cả những vấn đề làm cho con người khổ đau như: Tôi là ai? Mẹ tôi có thương tôi không? Cha tôi có muốn tôi ra đời không? Cuộc sống tôi có ý nghĩa gì?… đều trở nên vô nghĩa.

Chúng ta không cần tìm về quê hương, không cần tìm về Ái Nhĩ Lan hay Trung Quốc để tìm lại gốc rễ của chính mình. Chúng ta chỉ cần tiếp xúc với mỗi tế bào trong cơ thể ta. Cha ta, mẹ ta, ông bà tổ tiên ta đều đang có mặt rất thực trong mỗi tế bào cơ thể ta, có mặt ngay cả trong những con vi khuẩn. Sự hiểu biết tỉnh thức được trao truyền cho ta qua tất cả các thế hệ, qua tất cả các loài có tri giác hoặc không có tri giác. Chúng ta cũng vừa là cha mà cũng vừa là con. Có khi ta biểu hiện dưới hình thức một người cha, một người mẹ, có khi ta biểu hiện dưới hình thức một người con. Ngay khi trái ổi được kết trái thì đã có hạt ổi trong đó rồi, vì vậy nó đã là một người mẹ, người cha rồi. Chúng ta có thể thực tập như sau:

Thở vào, tôi thấy cha tôi là cậu bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với cậu bé năm tuổi là cha tôi.
Cha, năm tuổi.
Mỉm cười với tình thương yêu.

Cha ta là một cậu bé năm tuổi trước khi làm cha. Là một cậu bé năm tuổi, cha rất dễ bị tổn thương. Vết thương đó có thể do ông nội, bà nội hoặc những người chung quanh gây nên. Vì vậy cha gắt gỏng khó chịu, có thể là do khi còn là cậu bé năm tuổi cha bị đối xử như thế. Và có lẽ lúc còn nhỏ, cha đã bị tổn thương. Nếu hiểu được điều đó, ta sẽ không giận cha nữa. Ta sẽ có từ bi đối với cha. Nếu có bức ảnh của cha lúc cha năm tuổi, ta có thể nhìn vào bức ảnh đó để thiền tập. Nhìn vào cha khi cha là cậu bé năm tuổi, thở vào thở ra thật sâu ta sẽ thấy cậu bé năm tuổi ấy vẫn còn sống trong cha và trong ta.

Khi mẹ còn là một cô bé năm tuổi, mẹ cũng mong manh dễ bị tổn thương. Mẹ dễ bị tổn thương nhưng mẹ lại không có thầy, không có bạn để giúp mẹ trị liệu. Vì vậy mà vết thương và nỗi khổ đau vẫn tiếp tục nằm trong mẹ. Cho nên nhiều khi mẹ đã hành xử không dễ thương với mình. Nếu ta có thể thấy được mẹ là em bé năm tuổi thì ta có thể tha thứ cho mẹ một cách dễ dàng bằng tình thương yêu. Em bé năm tuổi vẫn luôn còn sống trong mẹ và trong ta.

Thở vào, tôi thấy mẹ tôi là em bé năm tuổi.
Thở ra, tôi mỉm cười với em bé năm tuổi bị tổn thương là mẹ tôi.
Mẹ, năm tuổi.
Mỉm cười với tình thương yêu.

Là một người trẻ, điều quan trọng là ta phải thực tập để trị liệu em bé năm tuổi trong ta. Nếu không, khi có con ta sẽ trao truyền đứa bé bị tổn thương đó cho con cái ta. Tuy nhiên, nếu ta đã trao truyền em bé năm tuổi bị tổn thương đó cho con cái ta rồi thì điều đó cũng chưa quá muộn. Bây giờ chúng ta phải thực tập để trị liệu em bé trong ta và giúp con mình trị liệu em bé bị tổn thương mà ta đã trao truyền.

Tất cả chúng ta, cha mẹ và con cái, cùng thực tập chung với nhau để trị liệu em bé bị tổn thương trong ta và trong con cháu ta. Đây là một sự thực tập rất khẩn thiết. Nếu ta thực tập thành công thì sự truyền thông giữa chúng ta và gia đình sẽ được tái lập, mọi người sẽ hiểu nhau và cảm thông cho nhau.

Chúng ta có mặt trong con cháu ta. Chúng ta trao truyền toàn bộ con người mình cho chúng. Con trai ta, con gái ta là sự tiếp nối của ta. Chúng có mặt trong ta. Và chúng sẽ mang ta đi về tương lai. Nếu chúng ta chăm sóc thương yêu con cái bằng sự cảm thông và lòng bi mẫn thì chúng sẽ thừa hưởng được. Như thế, chúng ta sẽ làm cho tương lai con cháu chúng ta và của các thế hệ tương lai xán lạn hơn.

Lắng nghe em bé trong mình

Để chăm sóc tốt cho chính mình, ta phải trở về chăm sóc em bé bị tổn thương trong ta. Chúng ta phải thực tập trở về với em bé bị tổn thương đó mỗi ngày. Chúng ta phải ôm ấp em bé một cách nhẹ nhàng như một người anh, người chị ôm ấp em mình.

Chúng ta phải lắng nghe em. Em bé bị tổn thương trong ta đang ở đây trong giây phút hiện tại. Và ta có thể trị liệu cho em bé ngay bây giờ. “Em bé bị tổn thương ơi, chị (anh) có mặt đây cho em, chị (anh) sẽ lắng nghe em nói, em nói cho chị (anh) nghe tất cả những nỗi khổ niềm đau của em đi. Chị (anh) đang có mặt đây để thật sự lắng nghe em.” Chúng ta phải thật sự ôm ấp em bé đó. Nếu cần, chúng ta cũng có thể khóc với em bé đó, có thể là trong lúc ngồi thiền. Chúng ta có thể vào rừng để thực tập điều này. Nếu ta biết cách trở về với em bé và lắng nghe em khoảng năm, mười phút mỗi ngày thì sự trị liệu sẽ xảy ra.

Trong số chúng ta đã có nhiều người thực tập như thế. Sau một thời gian là có sự chuyển hóa, và nỗi khổ đau được thuyên giảm rất nhiều. Sau khi thực tập như vậy, chúng ta thấy sự truyền thông giữa mình và người khác trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Trong ta cũng có nhiều an lạc và tình thương hơn.

Nói chuyện với em bé trong mình

Em bé trong ta và ta thực sự không phải là hai, mà cũng không phải là một. Chúng ta ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm và mời em bé trong ta cùng thực tập với ta. Em bé trong ta cũng có thực như con người trưởng thành này. Giống như hạt bắp vẫn còn nằm trong cây bắp vậy. Nó đang ở đó, không phải chỉ là vấn đề của quá khứ. Nếu cây bắp biết rằng nó là một với hạt bắp thì nó có thể trò chuyện được với hạt bắp. Nếu ta có khuynh hướng trở về quá khứ để sống lại với những ký ức đau thương thì chúng ta phải ý thức rằng bản thân chúng ta và em bé trong ta cũng đang trở về quá khứ sống lại những kinh nghiệm đau thương, sợ hãi và tham vọng đó. Điều này đã trở thành tập khí của ta mặc dù ta không muốn, và nó chẳng có lợi ích gì cả.

Thay vì sống lại những kinh nghiệm đau thương, ta có thể nói chuyện với em bé trong ta. Ta mời em lên, mời em đi ra để làm quen với cuộc sống mới trong giây phút hiện tại. An trú trong giây phút hiện tại là một sự thực tập, một sự rèn luyện. Ngay khi chúng ta thiết lập được thân tâm trong phút giây hiện tại, ta sẽ không khổ đau với những tổn thương (trauma) của quá khứ nữa. Trong giây phút hiện tại, ta có thể nhận ra nhiều điều mầu nhiệm và nhiều điều kiện tích cực khác. Vì vậy nắm tay em bé đi chơi và tiếp xúc sâu sắc hơn với những mầu nhiệm của sự sống là một sự thực tập đích thực. Đôi khi chúng ta cũng cần nâng đỡ yểm trợ, cần một người ta tin tưởng để giúp ta làm điều đó một cách dễ dàng, bởi vì ta có khuynh hướng trôi dạt về quá khứ.

Tất cả những mong muốn của ta đều phát xuất từ cái ước muốn nguyên thủy là muốn được an toàn. Trong giây phút hiện tại, mọi thứ đã yên ổn, không có một vấn đề nào, không có một sự đe dọa nào. Nhưng em bé trong ta vẫn tiếp tục lo lắng và sợ hãi. Nếu trong hiện tại ta không có vấn đề nghĩa là ta không có vấn đề. Tại sao ta lại tiếp tục lo lắng và sợ hãi? Chúng ta phải trao truyền tuệ giác này cho em bé trong ta. Chúng ta phải cho em biết rằng em không cần phải lo lắng, sợ hãi nữa.

Chúng ta có thể lên đồi ngồi một mình. Đi giữa những hàng cây mận, cây nho và nói chuyện với em bé. Ta có thể nói: “Em ơi, chị (anh) biết em đang đau khổ”. Em là em bé trong chị (anh). Chị cũng là em. Chúng ta đã trưởng thành rồi nên em đừng sợ hãi nữa. Chúng ta an toàn rồi. Chúng ta có cách để bảo vệ chính mình. Đến đây với chị và mình có mặt cho giây phút hiện tại. Đừng để quá khứ giam hãm mình. Hãy nắm tay chị và chúng ta cùng đi. Chúng ta hãy thưởng thức từng những bước chân của mình”.

Chúng ta phải thực sự nói chuyện với em bé bên trong mình thành tiếng, chúng ta không phải chỉ suy nghĩ mà hãy thực hiện nó. Chúng ta có thể nói chuyện với em bé mỗi ngày. Như vậy em bé sẽ được trị liệu. Và em bé sẽ tham dự vào cuộc đời của ta. Chúng ta nói chuyện với em bé, nắm tay em, dẫn em về với giây phút hiện tại để thưởng thức sự sống ngay bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta có 15 phút nói chuyện như thế với em bé bị tổn thương trong ta, thì nỗi sợ hãi có thể được phơi bày ra.

Chúng ta hãy tưởng tượng chúng ta đang nấu một nồi nước sôi có nắp đậy. Hơi nóng sẽ đẩy cái nắp lên. Nếu chúng ta giở cái nắp ra cho hơi nước bốc lên thì hơi nước không còn gây áp lực nữa. Nó được giải thoát. Tương tự như vậy, nếu ta nói chuyện với em bé bên trong ta như thế và đem nỗi sợ hãi nguyên thủy từ thời thơ ấu phơi bày ra trong ánh sáng chánh niệm thì chúng ta có thể mang lại sự trị liệu. Chúng ta cũng phải cho em biết rằng mặc dù nỗi sợ hãi là có thật nhưng bây giờ nó không còn cơ sở, căn cứ nữa. Chúng ta đã trưởng thành rồi. Chúng ta có thể tự bảo hộ và phòng thủ cho chính mình.

Cuộc đối thoại với em bé bên trong mình.

Chúng ta phải nói chuyện với em bé trong ta, và điều quan trọng không kém là ta cũng phải để cho em bé nói chuyện, hãy để cho em tự bộc lộ chính mình. Nếu lúc nhỏ ta không có cơ hội để nói ra thì đây là cơ hội cho em.

Chúng ta thử lấy hai cái gối ngồi, xếp đối diện nhau. Chúng ta ngồi lên một cái và nhìn vào cái kia. Hãy quán tưởng mình là một em bé năm tuổi, bốn tuổi hay ba tuổi đang ngồi đó, và ta nói chuyện với em: “Em bé trong tôi ơi, tôi biết em đang ở đây, em đang bị tổn thương. Em đã trải qua rất nhiều đau khổ. Tôi biết đó là sự thật, bởi vì tôi cũng là em. Tuy nhiên bây giờ tôi nói chuyện với em với tính cách em là một người trưởng thành. Và tôi muốn nói cho em biết là cuộc sống rất mầu nhiệm với nhiều yếu tố tươi mát và trị liệu. Chúng ta đừng chạy về quá khứ để sống và gặm nhấm lại những nỗi khổ đau của quá khứ nữa. Nếu em có gì để nói thì xin em hãy nói cho tôi nghe”. Rồi ta đổi vị trí, ngồi vào cái gối ngồi kia. Nếu muốn ta cũng có thể nằm xuống như một em bé ba tuổi và nói chuyện bằng ngôn ngữ của trẻ em. Ta có thể phàn nàn, rằng ta rất mong manh, dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy bất lực, ta không có khả năng làm được gì cả và ta rất sợ hãi. Ta rất muốn có người lớn ở đây bên cạnh ta. Ta muốn bày tỏ điều này và ta đóng vai em bé trong ta. Nếu có cảm thọ hay nỗi sợ hãi đi lên, điều đó cũng không sao. Ta thấy sợ hãi thật. Ta thực sự muốn có một ai đó ở gần để bảo vệ ta.

Sau đó ta đổi lại ngồi cái gối ngồi bên kia và nói: “Ồ, tôi đã nghe em nói, em bé của tôi ơi. Tôi hiểu hết những nỗi khổ đau của em. Nhưng em biết không, chúng ta đã trưởng thành rồi, đã trở thành người lớn rồi, bây giờ chúng ta có khả năng bảo vệ cho chính mình. Thậm chí nếu cần ta cũng có thể gọi điện cho cảnh sát. Chúng ta có thể ngăn chặn người khác không cho họ làm những điều mà ta không muốn. Chúng ta có thể tự làm bất cứ điều gì. Chúng ta không cần người lớn, không cần bất kỳ ai nữa. Chúng ta có khả năng hoàn toàn là mình rồi. Chúng ta thật sự không cần một người khác để trở thành chính mình”. Khuynh hướng của chúng ta là tin rằng phải có một người khác đóng vai mẹ hay cha để bảo hộ cho ta, nhưng đó chỉ là một cảm thọ, mà không phải là thực tại. Tôi có kinh nghiệm là ta có thể thấy đầy đủ trong chính tự thân mình, ta thấy thỏa mãn là chính ta, ta không cần có một người khác để cho ta cảm thấy thư giãn, nhẹ nhàng và dễ chịu. Nếu ta nói chuyện và lắng nghe như thế năm phút mỗi ngày, ta sẽ được trị liệu.

Viết thư cho em bé năm tuổi

Ta có thể viết một lá thư một, hai hay ba trang cho em bé trong ta để nói rằng ta công nhận sự có mặt của em và sẽ làm mọi cách có thể để trị liệu vết thương cho em. Sau khi viết vài bức thư cho em bé trong ta, ta có thể thấy rằng em bé cũng muốn viết gì đó cho ta.

Chia sẻ niềm vui với em bé trong mình

Một cách khác mà ta có thể đảm bảo cho em bé trong ta cảm thấy an toàn là mời em bé lên chơi với ta trong giây phút hiện tại. Khi ta leo lên một ngọn núi hùng vĩ, ta mời em bé trong ta cùng leo núi với ta. Khi ngắm ánh hoàng hôn rực rỡ huy hoàng, ta cũng mời em bé trong ta cùng ngắm với ta. Nếu ta thực tập như thế vài tuần hoặc vài tháng thì em bé bị tổn thương trong ta sẽ được trị liệu.

Ngồi với bạn bè trong tăng thân

Nếu khi còn là một em bé mà ta bị tổn thương sâu nặng, thì khó để ta tin tưởng và thương yêu, khó để cho tình thương thấm nhuận vào lòng mình. Tuy nhiên trong sự thực tập này, dù khó khăn đến đâu, ta cũng phải trở về ngôi nhà của chính mình để chăm sóc em bé bị tổn thương trong ta. Chúng ta cần những hướng dẫn thực tập cụ thể để chúng ta không bị khổ đau tràn ngập. Chúng ta thực tập nuôi lớn năng lượng chánh niệm cho đủ vững mạnh. Và năng lượng chánh niệm của bạn bè cũng có khả năng nâng đỡ ta. Có thể ban đầu lúc mới trở về, ta cần một hay hai người bạn, đặc biệt là những người đã thành công trong sự thực tập, ngồi cạnh ta, cho ta mượn năng lượng chánh niệm và sự yểm trợ từ họ. Khi người bạn ngồi cạnh ta, nắm tay ta, chúng ta kết hợp năng lượng của ngườí ấy với năng lượng của chính mình, trở về ôm ấp em bé bị tổn thương. Nếu chúng ta có một tăng thân dễ thương thì sự thực tập của ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thực tập một mình, không có anh chị em bạn bè cùng thực tập chung thì rất khó, đặc biệt là đối với những ai mới bắt đầu thực tập. Nương tựa tăng thân và có các anh chị em giúp đỡ, khuyên bảo và yểm trợ trong những lúc khó khăn là điều rất rất quan trọng.

Năm: Chuyển hóa khổ đau

Chúng ta có thể làm gì để chuyển hóa hạt giống khổ đau có gốc rễ sâu xa trong tâm thức ta?

Có ba cách:

Cách thứ nhất là tập trung vào việc gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc. Chúng ta không làm việc trực tiếp với hạt giống khổ đau, mà để cho hạt giống hạnh phúc chuyển hóa chúng. Đó là cách chuyển hóa gián tiếp.

Cách thứ hai là thực tập chánh niệm liên tục để khi hạt giống khổ đau phát khởi, chúng ta có khả năng nhận diện chúng. Mỗi khi chúng biểu hiện, chúng ta tắm gội chúng trong ánh sáng chánh niệm. Hạt giống là một vùng năng lượng, và chánh niệm cũng là một vùng năng lượng. Khi những hạt giống này được tiếp xúc với chánh niệm thì chúng sẽ yếu đi và chánh niệm sẽ chuyển hóa chúng.

Cách thứ ba là xử lý những phiền não đã có trong ta từ thời thơ ấu bằng cách thận trọng mời nó lên trên bề mặt ý thức. Chúng ta mời lên những nỗi buồn rầu, khổ đau, tuyệt vọng, hối tiếc, nhớ nhung mà chúng ta khó đối diện trong quá khứ, rồi ngồi xuống nói chuyện với chúng như một người bạn cũ. Nhưng trước khi mời chúng lên, ta phải đảm bảo là ngọn đèn chánh niệm trong ta đang được thắp sáng và ngọn lửa đó phải cháy đều và cháy mạnh.

Ý thức về khổ đau

Giả sử chúng ta đang đi thiền hành để tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống thì tâm ta hướng về những hình ảnh từ hồi còn ấu thơ, và cảm giác khổ đau tuyệt vọng xuất hiện. Mặc dù bây giờ ta đang đi thiền hành, ta cũng không thấy thích thú vì ta không đi trong thiên đường mà đi trong địa ngục. Khổ đau đang có mặt đó. Cho nên bước đầu tiên là ta ý thức về nó: “Khổ đau đang có trong tôi”.

Thở vào, tôi biết khổ đau, tuyệt vọng, sợ hãi đang có trong tôi.
Thở ra, tôi ôm ấp nỗi khổ đau trong tôi.

Với chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể trở về với hình ảnh đó và biết được nguyên nhân nào đã làm cho nó phát khởi: “Tôi có nỗi khổ đau này là bởi vì tôi tiếp xúc với cái kia. Nhờ chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể đáp trả lại hình ảnh này bằng tuệ giác, rằng là chúng ta không còn là một đứa trẻ vô tích sự nữa. Chúng ta đã lớn rồi, đã trưởng thành rồi, chúng ta có khả năng tự bảo vệ chính mình.

Một số người trong chúng ta là dân di cư. Và nhiều người trong số đó là những thuyền nhân từ Đông Nam Á vượt biên đến tị nạn ở các nước Tây phương. Trong suốt những chuyến đi đó chúng ta rất sợ hãi. Chúng ta có thể rớt chìm sâu xuống đại dương và chết bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể bị giết chết hoặc bị hãm hại bởi cá mập và hải tặc. Những ai đã từng đi trong những chuyến đi ấy, thì tất cả những cảnh tượng hiểm nguy vẫn còn đó trong tâm thức chúng ta.

Bây giờ chúng ta đã đến bờ bên kia rồi, đã được chấp nhận như những người tị nạn rồi, đã ở trên đất liền rồi, vậy mà có khi ta cũng quên. Mỗi khi tiếp xúc với những hình ảnh quá khứ, ta lại khổ đau mặc dầu hiện tại ta đang được an toàn. Điều này là có thật, cho dù nỗi khổ đau có thể đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi.

Nhiều người trong số chúng ta vẫn còn bị kẹt trong thế giới của hình ảnh. Sự thật chúng chỉ là những hình ảnh thôi. Chúng không còn là thực tại nữa. Trong khi thở vào thở ra chánh niệm, chúng ta có thể có được tuệ giác này. Giả sử ta vẫn còn cất giữ những bức ảnh về đại dương, một cảnh tượng mà ta có thể chết chìm trong đó. Và khi xem những bức ảnh đó ta thấy khổ đau và sợ hãi. Nhưng chánh niệm và chánh định có thể mang đến cho ta tuệ giác rằng đây chỉ là hình ảnh thôi mà không phải là đại dương thật. Ta có thể chết chìm trong đại dương nhưng không thể chết chìm trong bức ảnh này.

Vì vậy khi ôm ấp một tâm hành tuyệt vọng và khổ đau, ta có thể thấy rằng nỗi khổ đau và tuyệt vọng này có thể được sinh ra từ đó, khổ đau và tuyệt vọng được sinh ra vì chúng ta tiếp xúc với hình ảnh của quá khứ. Thực tế là chúng ta đang an toàn và chúng ta có khả năng thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống ngay trong giây phút hiện tại. Khi chúng ta nhận ra được nỗi khổ đau này chỉ dựa trên những hình ảnh của quá khứ mà không phải là thực tại đang hiển hiện thì sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là điều mà chúng ta có thể làm được ngay tức thì. Đó là sức mạnh của chánh niệm và chánh định.

Giới thiệu thức mạt na

Một trong những lý do ta trốn tránh em bé bên trong mình là do ta sợ khổ đau. Giữa tàng thức và ý thức có một thức gọi là mạt na thức. Mạt na thức này khiến chúng ta đi tìm kiếm dục lạc và trốn tránh khổ đau. Mạt na là nền tảng của niềm tin hão huyền rằng chúng ta có một cái ngã riêng biệt. Chúng ta khổ đau bởi vì sự phân biệt và ảo tưởng trong thức mạt na.

Khi con cá thấy một miếng mồi hấp dẫn, nó có khuynh hướng muốn đớp miếng mồi đó. Nó không biết rằng trong miếng mồi ấy có một cái móc câu được giấu trong đó và nếu nó đớp miếng mồi ấy nó sẽ bị cắn câu và bị kéo ra khỏi mặt nước. Với chánh niệm, chúng ta có thể ý thức về sự nguy hại của việc đi tìm kiếm dục lạc. Chúng ta có thể khám phá ra hạt giống tuệ giác ở trong tàng thức để giúp mạt na chuyển hóa. Đây là công việc của ý thức.

Sáu đặc tính của mạt na

Mạt na có nhiều khuynh hướng.

Thứ nhất là nó luôn thích thú đi tìm kiếm dục lạc. Thứ hai là cố trốn tránh khổ đau. Thứ ba là mạt na không biết sự nguy hiểm của việc tìm kiếm dục lạc. Chạy theo dục lạc có thể hủy hoại thân tâm mình.

Nếu nhìn sâu vào đối tượng tham đắm, chúng ta có thể thấy được mối nguy hiểm này.

Đặc tính thứ tư của mạt na là không thấy được mặt tốt của khổ đau. Mỗi người trong chúng ta đều cần một liều lượng khổ đau nào đó để lớn lên, để chế tác hiểu biết thương yêu và vun trồng niềm an vui hạnh phúc. Hỷ và lạc của chúng ta chỉ có thể đạt được dựa trên nền tảng khổ đau.

Nếu không có khổ đau từ chiến tranh, chúng ta sẽ không có khả năng trân quý hòa bình. Nếu chúng ta chưa từng khổ vì đói, chúng ta sẽ không trân quý một cách trọn vẹn miếng bánh mì ta đang cầm trên tay. Có cái gì đó để ăn là một điều rất mầu nhiệm. Niềm hạnh phúc này chỉ có được khi ta biết đói là gì.

Trong cuộc đời của ta, ta đã từng trải qua những giây phút rất nguy hiểm. Khi nghĩ về những giây phút nguy hiểm ấy ta trân quý hơn sự an toàn ngay trong giây phút này. Nhờ có khổ đau mà ta học được bài học hiểu biết và thương yêu. Nhờ tiếp xúc với nỗi khổ đau, hiểu được nỗi khổ đau mà tình thương trong ta phát khởi.

Tôi không muốn gởi bạn bè, con cháu và đệ tử của tôi tới một nơi không có khổ đau, bởi vì những nơi như thế, ta không có cơ hội để học cách chế tác hiểu biết và thương yêu. Bụt nói rằng nếu không có khổ đau thì không có cách nào để học hỏi cả. Sở dĩ Bụt giác ngộ toàn vẹn là vì Ngài khổ đau nhiều. Mình phải đến với Bụt bằng tất cả những nỗi khổ đau của mình. Khổ đau là con đường. Chính vì trải qua những khổ đau mà ta có thể thấy được con đường giải thoát, thương yêu và từ bi. Chính vì nhìn sâu vào bản chất của nỗi buồn phiền, khổ đau, mà ta khám phá ra được con đường để đi ra. Nếu không biết khổ đau là gì thì ta không có cách nào để đến với Bụt, không có cơ hội nếm được an lạc và tình thương yêu. Chính vì nhờ ta có khổ đau mà bây giờ ta nhận ra được con đường đưa đến giải thoát, hiểu biết và thương yêu.

Trong mỗi chúng ta ai cũng có khuynh hướng chạy trốn khổ đau. Chúng ta nghĩ rằng đi tìm kiếm khoái lạc sẽ giúp chúng ta tránh được khổ đau. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Nó sẽ làm ta cằn cỗi không lớn lên được, và hạnh phúc của ta cũng héo mòn theo. Hạnh phúc không thể có được nếu không có sự hiểu biết, lòng từ bi và tình thương yêu. Tình thương cũng không thể có được nếu ta không hiểu được nỗi khổ đau của ta và của người khác. Tiếp xúc với nỗi khổ đau giúp ta vun trồng hiểu biết và tình thương. Không có hiểu biết và thương yêu chúng ta không thể hạnh phúc được và chúng ta cũng không thể làm cho người khác hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có hạt giống từ bi, tha thứ, bao dung, an vui và không sợ hãi. Nếu chúng ta liên tục trốn tránh khổ đau thì không có cách nào cho những hạt giống ấy lớn lên được.

Ở xóm Thượng, Làng Mai có một hồ sen. Chúng ta biết rằng sen không thể lớn lên được nếu không có bùn. Chúng ta cần bùn để có sen. Chúng ta không thể trồng sen trên cẩm thạch. Bùn đóng một vai trò quan trọng trong việc cho ra những bông sen. Khổ đau cũng vậy, cũng đóng một vai trò quan trọng để phát khởi hiểu biết và từ bi.

Ôm ấp khổ đau và nhìn sâu vào nó, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều. Khi hạt giống sợ hãi từ trong chiều sâu tàng thức biểu hiện lên mặt ý thức thì sự thực tập của ta là mời chánh niệm cùng đi lên. Chánh niệm giúp ta có mặt thật sự để nhận diện và ôm ấp nỗi khổ đau mà không chạy trốn nó. Ban đầu có thể chánh niệm của ta không đủ mạnh để ôm ấp nỗi buồn khổ, đau đớn trong ta. Nhưng khi thực tập, đặc biệt là khi có tăng thân nâng đỡ, chánh niệm của ta sẽ lớn lên đủ mạnh, và ta sẽ ôm ấp được nỗi buồn khổ, đớn đau và sợ hãi.

Mỗi chúng ta đều cần một liều lượng khổ đau nào đó để vun trồng hiểu biết và thương yêu. Nhưng chúng ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa. Chúng ta đã có quá nhiều khổ đau trong ta và chung quanh ta rồi. Ý thức có khả năng học hỏi bằng cách quan sát nỗi khổ đau và chuyển tải sự hiểu biết này đến tàng thức.

Đặc tính thứ năm của mạt na là không biết chừng mực. Ý thức phải nhắc mạt na về tuệ giác chừng mực này. Với hơi thở chánh niệm, ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu, nhận diện mạt na với tất cả sự vô minh của nó và nhận ra rằng trong tàng thức có hạt giống tuệ giác. Khi ý thức thực tập định thì đối tượng của định là tương tức, tương duyên và vô phân biệt. Nếu ý thức tập trung vào những đối tượng này thì tuệ giác sẽ phát khởi một cách nhanh chóng, đáng ngạc nhiên.

Đặc tính thứ sáu của mạt na là luôn luôn tìm cách nắm giữ, chiếm hữu những gì nó muốn. Tham đắm là sự thôi thúc mạnh nhất. Vì nó mà trong ta đầy dẫy sự ganh tị, ta cố chiếm hữu những người ta thương, những vật ta muốn. Nhưng với tuệ giác tương tức, ta sẽ thấy không có gì để sở hữu cả.

Chuyển hóa mạt na

Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể chuyển hóa được mạt na. Với hơi thở chánh niệm, ta có thể giúp cho ý thức nhìn sâu và nhận diện mạt na với tất cả sự vô minh của nó, đồng thời nhận ra rằng trong tàng thức có hạt giống tuệ giác. Khi mạt na được chuyển hóa thì nó sẽ trở thành vô phân biệt trí (trí tuệ không phân biệt, nirvikalpa-jñāna).

Có một câu chuyện diễn tả về vô phân biệt trí rất hay. Đó là câu chuyện của một hạt muối muốn biết độ mặn của nước biển như thế nào. Hạt muối nói: “Tôi là hạt muối, tôi rất mặn. Tôi tự hỏi liệu nước biển có mặn như tôi không?”. Một vị thầy đến bên hạt muối và trả lời: “Này hạt muối, cách duy nhất mà con muốn biết nước biển thật sự mặn như thế nào là con phải nhảy xuống biển”. Hạt muối nhảy xuống, hòa vào nước biển và trở thành một với nước biển. Nó hoàn toàn hiểu được nước biển mặn như thế nào.

Chỉ khi nào mình là một với người đó, vật đó, mình mới hiểu được người đó, vật đó một cách trọn vẹn. Trong tiếng Pháp, từ comprendre nghĩa là hiểu. Nghĩa đen của nó là cầm một vật gì lên và trở thành một với nó. Nếu còn tách biệt thì chúng ta đừng mong là hiểu được nó.

Thiền tập là khi nhìn vào thực tại ta không thấy có ranh giới giữa chủ thể và đối tượng. Chúng ta phải lấy đi cái ranh giới đó, ranh giới giữa người quán chiếu và đối tượng được quán chiếu. Nếu muốn hiểu một người nào, ta phải đặt mình là chính con người đó. Để cho bạn bè và những người thương trong gia đình hiểu được nhau thì họ phải là nhau. Cách duy nhất để hiểu trọn vẹn là ta phải trở thành một với đối tượng cần được hiểu. Để hiểu đúng, chúng ta phải phá vỡ rào cản giữa đối tượng hiểu và chủ thể hiểu.

Giả sử ta cho ai đó một vật gì thì với tuệ giác vô phân biệt ta sẽ thấy rằng không có người cho và không có người nhận. Nếu ta vẫn còn nghĩ ta là người cho và người kia là người nhận thì đó chưa thật sự là cho. Ta cho là bởi vì người kia đang cần thứ mà ta đang cho và ta cho một cách rất tự nhiên. Nếu thực sự thực hành hạnh bố thí, ta sẽ không nói: ‘nó không có biết ơn gì cả’. Ta không có những ý niệm như vậy.

Thực tập chánh niệm, ta sẽ nhận ra được sự có mặt của thức mạt na trong ta. Nếu ý thức được khuynh hướng của mạt na thì ta có thể sử dụng niệm, định, tuệ để chuyển hóa những khuynh hướng ấy và nuôi dưỡng tuệ giác vô phân biệt. Ta không chạy trốn khổ đau, trái lại ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào nó, như thế khổ đau bắt đầu chuyển hóa, và giải thoát giác ngộ sẽ hiển lộ.

Trong đời sống của mình, chúng ta phải có khả năng biết được những gì ta cần cho hạnh phúc của ta. Chúng ta cũng cần biết được những nhu yếu của mọi người trong gia đình, trong cộng đồng và xã hội. Khi biết được những nhu yếu đó, ta biết là ta nên làm gì. Ta có mục đích và bây giờ ta hành động, ta có thể cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, quyền dân chủ, tự do cho con người. Khi có mục đích, ta xác định rõ hành động của mình, công việc mà ta làm là giúp xã hội đi về hướng tích cực. Để xác định hành động của mình tốt hay xấu, thiện hay ác, chúng ta phải xem thử là hành động đó có hướng tới tầm nhìn tối hậu hay không.

Vô phân biệt trí

Trong tàng thức có một hạt giống có thể chuyển hóa được thức mạt na, đó là vô phân biệt trí. Phân biệt cái này với cái kia, hay cái này chống lại cái kia, là nền tảng của không biết bao nhiêu nỗi khổ đau. Điều quan trọng của ý thức là nhận diện hạt giống của tuệ giác vô phân biệt đang nằm sâu trong tàng thức và giúp nó biểu hiện. Với sự thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ giúp cho tuệ giác vô phân biệt biểu hiện.

Trong mỗi chúng ta ai cũng có tuệ giác vô phân biệt. Ví dụ như khi tay phải thỉnh chuông hay làm thơ thì với tuệ giác vô phân biệt tay phải không bao giờ nói với tay trái: “Này tay trái, mày không làm được tích sự gì cả, chính tao làm tất cả những bài thơ này, chính tao là người viết nên những bức thư pháp này”. Không, tay phải không bao giờ thấy mình giỏi hơn tay trái. Chính vì vậy mà hai tay truyền thông và hợp tác với nhau rất hoàn hảo. Không có mặc cảm hơn người, thua người, hay thậm chí là bằng người. Khi so sánh, ta thấy có sự hơn, thua hay bằng. Từ sự so sánh này mà có sự phân biệt kỳ thị, và vì phân biệt kỳ thị nên mới có khổ đau.

Các tế bào trong cơ thể ta hợp tác với nhau một cách chặt chẽ, không hề có sự phân biệt. Một ngày nọ tôi muốn treo bức ảnh lên tường, tay trái tôi cầm chiếc đinh và tay phải cầm cái búa. Nhưng tôi đã không chánh niệm lắm, thay vì đóng vào đinh tôi đã đóng vào ngón tay trái. Ngay lập tức, tay phải đặt cái búa xuống và chăm sóc tay trái giống như là nó đang chăm sóc cho chính nó vậy. Tay trái cũng không hề giận dữ tay phải, vì tay trái có tuệ giác vô phân biệt. Tay phải không hề nói: “Này tay trái, ta đang chăm sóc cho mày nè, mày phải nhớ nhé”. Tay trái cũng không nói với tay phải là: “Này tay phải, mày không công bằng với tao gì cả, tao muốn được công bằng, đưa cái búa đây cho tao”. Không có tao, không có mày, không có sự phân biệt kỳ thị, hai tay là một. Giống như Chúa ba ngôi vậy. Đức Chúa Cha có trong đức Chúa Con. Đức Chúa Thánh Thần cũng có trong đức Chúa Cha và đức Chúa Con. Đó là tương tức. Trong một đức Chúa ta có thể thấy được hai đức Chúa kia. Khi tay trái bị đau thì cả hai cùng chia sẻ nỗi đau này, không hơn không kém, vì trong mối quan hệ thân thương không có sự phân biệt kỳ thị. Đó là xả (Upekṣā). Khi tuệ giác vô phân biệt có mặt thì hạnh phúc và khổ đau không còn là vấn đề cá nhân nữa.

Hạnh phúc và khổ đau

Với tuệ giác vô phân biệt, chúng ta có thể nhận ra rằng khổ đau và hạnh phúc có mặt trong nhau. Thông thường chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã có quá đủ khổ đau rồi và ta muốn một cái gì khác, như hạnh phúc chẳng hạn. Chúng ta muốn chạy trốn khổ đau và đi tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng sự thực là hạnh phúc đã có đó rồi, trong khổ đau ta có thể tìm thấy an lạc. Nếu chạy trốn khổ đau ta sẽ ít có cơ hội hơn để tìm thấy hạnh phúc.

Tất cả những niềm hạnh phúc của chúng ta đều có hương vị khổ đau. Giống như bông hoa vậy. Khi nhìn sâu vào bông hoa ta sẽ thấy rác, thấy đất, thấy phân trong đó. Ta biết rằng nếu không có phân thì hoa sẽ không có được. Vì vậy khi tiếp xúc sâu sắc với bông hoa ta có thể tiếp xúc với phân.

Thức ăn

Một trong những cách chạy trốn khổ đau là ăn uống và giải trí. Chúng ta cảm thấy quá cô đơn, buồn tủi, trống trải, tuyệt vọng và sợ hãi đến nỗi ta cố lấp đầy những khoảng trống trong ta bằng phim ảnh hoặc thức ăn, như một miếng bánh mì sandwich chẳng hạn. Đó là cách chúng ta xử lý những phiền muộn nằm sâu kín trong tâm thức ta. Ta muốn đè nén nỗi khổ đau, tuyệt vọng, giận hờn và trầm cảm trong ta bằng cách tiêu thụ như nghe nhạc, mở tủ lạnh ra tìm cái gì đó để ăn, hay cầm tờ báo lên đọc. Cho dù chương trình tivi không hấp dẫn gì mấy ta vẫn cứ xem. Chúng ta nghĩ rằng làm bất kỳ điều gì cũng tốt hơn là chịu đựng nỗi khổ đau, phiền muộn ấy.

Tuy nhiên, càng tiêu thụ ta càng đưa vào cơ thể những độc tố của bạo động, thèm khát, hận thù, tuyệt vọng và kỳ thị, và ta càng làm cho tình trạng tệ hại hơn. Với năng lượng chánh niệm, chánh định, ta có thể nhìn sâu vào bản chất của khổ đau và nhận diện xem nguồn thức ăn nào đem lại nỗi khổ đau đó trong ta.

Không có gì có thể sống sót được mà không có thức ăn, ngay cả nỗi khổ đau cũng vậy. Không có một con vật hay một cây cối nào có thể sống được mà không cần đến thức ăn. Để cho tình thương của ta được sống mãi, ta cũng phải cho nó ăn. Nếu không cho nó ăn hay cho nó ăn nhầm thức ăn thì tình thương sẽ chết. Và chẳng bao lâu nữa tình thương sẽ biến thành thù hận. Khổ đau và trầm cảm của ta cũng cần thức ăn mới sống được. Sở dĩ cơn trầm cảm của ta cứ ở hoài với ta mà không chịu ra đi là bởi vì ta cho nó ăn hằng ngày. Chúng ta phải nhìn sâu vào nguồn thức ăn mà ta đang nuôi dưỡng nỗi khổ đau của ta.

Thỉnh thoảng nỗi khổ đau của chúng ta biểu hiện qua những cảm xúc mạnh khiến chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động bằng cách này hay cách khác. Nếu ta nhận ra được loại thức ăn nào ta đang nuôi dưỡng nỗi khổ đau của ta thì ta sẽ cắt bỏ nguồn thức ăn ấy đi, và như vậy nỗi khổ đau sẽ héo úa. Nếu tiêu thụ khổ đau, bạo động, ta sẽ làm cho bản thân và những người chung quanh ta đau khổ hơn. Chấm dứt việc tiêu thụ những hình ảnh bạo động và những truyền thông độc hại là cho ta cơ hội chuyển hóa bạo động, khổ đau trong ta. Hiểu biết, từ bi sẽ phát khởi để giúp ta trị liệu bản thân và trị liệu những người chung quanh.

Chấp nhận cuộc sống như chính nó đang là

Chúng ta biết rằng cuộc sống bao gồm cả sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta không muốn già, không muốn bệnh và không muốn chết, nhưng quy luật cuộc sống là như vậy. Nếu kháng cự, chống đối, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Nếu ta chấp nhận cuộc sống và chấp nhận những gì thuộc về nó như hạnh phúc, an lạc, vui tươi, kể cả bệnh tật, già yếu, chết chóc,… chúng ta sẽ không khổ đau nữa. Dù có khổ đau cũng không sao. Không những ta thấy khổ đau không có vấn đề gì mà trái lại nhờ khổ đau ta mới có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc.

Để vượt thắng sự sợ hãi, trước hết ta phải ý thức về nỗi sợ hãi trong ta. Sau đó, bước thứ hai là ta tác ý không chạy trốn sự sợ hãi. Ta có khuynh hướng chạy trốn sự sợ hãi bởi vì nỗi sợ hãi không dễ chịu. Ta không muốn sống trong sự sợ hãi. Nhưng nỗi sợ hãi cứ trở về với ta. Ta sợ rằng điều gì đó sẽ xảy ra chiều nay hoặc ngày mai. Ta sợ vô thường. Vì vậy bước thứ hai trong sự chuyển hóa là cam kết có mặt cho chính mình dù bất cứ ở đâu, sau đó ta nhìn sâu vào nỗi sợ hãi ấy và chấp nhận nó.

Nếu nhìn sâu vào nỗi sợ hãi và chiệm nghiệm về nó, chúng ta sẽ thấy được những phản ứng của ta về nỗi sợ hãi đó. Chúng ta có thể phản ứng bằng sự bối rối, bất an, hay phủ nhận, từ chối. Hoặc chúng ta có thể đáp lại bằng sự ân cần, chấp nhận và thương yêu. Đây là cách phản ứng mang lại sự trị liệu. Đó là bước thứ ba, đáp lại sự sợ hãi bằng tuệ giác.

Bởi vì ta biết cách trị liệu, cho nên ta không bị những nỗi khổ đau bất ngờ ập tới. Nhờ thực tập, nhờ chánh niệm hùng hậu và vững chãi, ta không đợi cho hạt giống khổ đau xuất hiện đột ngột. Ta biết rằng chúng đang nằm sâu trong tàng thức ta. Ta có thể mời chúng lên trên bề mặt ý thức và chiếu ánh sáng chánh niệm vào.

Xử lý khổ đau cũng giống như bắt một con rắn độc. Chúng ta phải học hỏi cách bắt rắn, và chính chúng ta cũng phải đủ mạnh mẽ và vững chãi để bắt rắn mà không để nó làm hại chính mình. Cuối cùng là chúng ta phải giáp mặt, đối diện với con rắn. Nếu chúng ta không bao giờ đối diện với nó thì một ngày nào đó nó sẽ xuất hiện bất ngờ và cắn chết ta. Nỗi đau khổ mà ta mang trong chiều sâu tâm thức cũng tương tự như vậy. Khi nỗi đau khổ lớn lên và xuất hiện trong ta, ta sẽ không làm được gì nếu không thực tập chánh niệm hùng hậu vững chãi. Tuy nhiên chúng ta chỉ mời nỗi khổ đau đi lên khi ta đã sẵn sàng. Và khi nó đi lên chúng ta có khả năng xử lý một cách an toàn. Để chuyển hóa khổ đau, chúng ta không nên đấu tranh với nó cũng không chạy trốn nó. Đơn thuần chúng ta tắm gội nó dưới ánh sáng chánh niệm.

Bốn: Thở, đi thiền hành và buông bỏ

Hơi thở là một phương tiện tuyệt vời đưa chúng ta trở về với thân tâm và cảm thọ của mình. Nếu biết cách sử dụng hơi thở chánh niệm chúng ta không cần phải mất nhiều thời gian. Lúc nào ta cũng thở nhưng hầu hết ta không thở chánh niệm nên không có khả năng trở về với thân tâm và cảm thọ của mình.

Sự thực tập của chúng ta là luôn luôn trở về với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Chỉ có giây phút hiện tại chúng ta mới có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Học cách sống sâu sắc trong mỗi phút giây của cuộc sống hằng ngày là sự thực tập đích thực của chúng ta. Hơi thở chánh niệm có khả năng đưa ta trở về với giây phút hiện tại. Nếu đánh mất hơi thở chánh niệm, chúng ta sẽ đánh mất giây phút hiện tại.

Khi đi, đứng, rửa bát, ăn cơm, chúng ta đều có thể thực tập hơi thở chánh niệm. Có rất nhiều cách trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Nhưng tất cả đều phải áp dụng hơi thở chánh niệm. Nếu biết nắm lấy hơi thở chánh niệm, chúng ta có thể thực tập bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất sự sống vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.

Hơi thở chánh niệm là pháp môn thực tập căn bản. Thực tập hơi thở chánh niệm, ta đưa tâm trở về với thân và thiết lập thân tâm trong phút giây hiện tại. Năng lượng chánh niệm mang trong nó yếu tố của tình bằng hữu và tình thương yêu. Nếu không thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, chúng ta không thể là người bạn cho chính mình, cũng không thể là người bạn cho bất cứ ai cả. Chỉ khi nào nuôi lớn được tình thương, ta mới có khả năng làm một người bạn đích thực.

Thực tập hơi thở chánh niệm, chúng ta trở thành một người bạn đích thực cho thân tâm, cảm thọ và tri giác của ta. Chỉ khi nào ta phát triển được tình bạn đích thực với chính mình, ta mới chuyển hóa được những tâm hành khác trong ta, và ta mới giúp được những người khác chuyển hóa. Muốn hòa giải với những người trong gia đình, với những người bạn đã làm ta tổn thương, ta phải chăm sóc bản thân trước. Nếu không có khả năng lắng nghe chính mình, làm sao ta có thể lắng nghe người khác? Nếu không biết cách nhận diện những nỗi khổ đau của mình, làm sao ta có thể hiểu được nỗi khổ đau của người khác, làm sao ta có khả năng mang đến sự an lạc và hòa hợp trong mối quan hệ của chúng ta?

Nhận diện và làm lắng dịu những cảm thọ đau nhức

Mỗi người trong chúng ta đều có một số đau nhức, bệnh tật nào đó trong thân và trong tâm. Cách hay nhất để bắt đầu trị liệu là dừng lại mọi thứ để hoàn toàn có mặt với giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại thôi là đã làm cho thân tâm tự trị liệu rồi. Khi ta chú ý tới hơi thở, thì hơi thở sẽ trở nên nhẹ nhàng thư thái. Khi đi, chúng ta chỉ chú ý vào việc đi, không suy nghĩ, không để cho bất cứ một thứ gì lôi kéo, như vậy là ta đã bắt đầu có sự trị liệu.

Khi bị những nỗi khổ niềm đau lôi kéo, ta phải trở về với hơi thở ý thức. Hơi thở ý thức giúp cho nỗi khổ niềm đau lắng dịu và thư giãn. Khi nỗi khổ đau trở lại, thay vì để nó lôi kéo và làm ta bực bội, chúng ta phải nhận diện nó mà đừng đấu tranh với nó, vì ta biết rằng nỗi khổ đau ấy cũng chính là ta, là một phần của ta. Ta không muốn đấu tranh với chính mình. Niềm đau, cơn giận và sự đố kỵ cũng chính là ta. Khi chúng phát khởi, ta có thể làm cho chúng lắng dịu bằng cách trở về với hơi thở vào ra, hơi thở bình an sẽ làm lắng dịu những cảm xúc mạnh đó.

Khi cảm xúc lắng dịu, ta sẽ thấy được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong ta và hiểu được rằng những người làm cho ta đau khổ cũng đang có nhiều khổ đau. Thông thường khi khổ đau, ta nghĩ rằng duy chỉ có ta là khổ đau còn người kia thì hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, người làm ta khổ cũng đang có nhiều nỗi khổ niềm đau và họ không biết cách để làm chủ những cảm xúc mạnh của họ. Trở về với hơi thở ý thức giúp ta chế tác năng lượng chánh niệm, nhờ chánh niệm ta có tuệ giác. Nhờ có tuệ giác, ta biết cách chuyển hóa nỗi khổ đau của chính mình; và với tình thương yêu, ta có thể giúp người khác chuyển hóa nỗi khổ đau của họ.

Khi bị tổn thương, thường chúng ta có hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là giận dữ hơn và muốn trả thù. Khuynh hướng thứ hai là làm lắng dịu vết thương bằng tình thương và sự hiểu biết, trở về ôm ấp niềm đau cho tâm mình được bình an.

Cách này giúp chúng ta thấy được người kia cũng đang đau khổ, và cơn giận của ta sẽ tiêu tan.

Buông thư

Nếu thân thể chúng ta bất an, nếu chúng ta có quá nhiều cảm xúc mạnh thì hơi thở của ta cũng hổn hển, bất an. Thực tập quán niệm hơi thở, chúng ta sẽ thấy rằng hơi thở chúng ta trở nên lắng dịu hơn, sâu hơn, hài hòa hơn, và những căng thẳng trong cơ thể ta cũng được buông thư hơn. Hơi thở chánh niệm đưa tâm trở về với hơi thở, và nếu tiếp tục thực tập ta sẽ đưa tâm trở về với toàn thân. Chúng ta trở về với thân thể và hòa giải với nó. Chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra trên thân thể ta, chúng ta đã làm gì không đúng, chúng ta đã không dễ thương với thân thể ta như thế nào, và chúng ta biết là chúng ta nên làm gì và không nên làm gì để hòa giải với thân thể ta. Với hơi thở chánh niệm, chúng ta trở về nhận diện toàn thân:

Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân tôi.

Chúng ta phải dễ thương với chính mình, phải nhận diện và mỉm cười với thân thể mình. Nếu rảnh mười, mười lăm phút chúng ta nên thực tập thiền buông thư. Chúng ta chọn một tư thế thật thoải mái.

Lý tưởng nhất là tư thế nằm, để trở về với hơi thở của mình.

Thở vào, tôi ý thức về hơi thở vào của tôi.
Thở ra, tôi ý thức về hơi thở ra của tôi.

Chúng ta có thể nằm xuống, chỉ theo dõi hơi thở vào ra và trân quý sự có mặt của thân thể. Ta cho thân thể có cơ hội được nghỉ ngơi hoàn toàn. Đó là buông thư, là thực tập từ bi đối với thân thể.

Chúng ta bắt đầu chú ý đến toàn thân, sau đó chúng ta chú ý từng bộ phận trên thân thể:

Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.
Thở ra, tôi buông thư tất cả những căng thẳng trên thân thể tôi.

Chúng ta có thể bắt đầu từ đầu xuống đến các ngón chân, hoặc bắt đầu từ các ngón chân trở lên. Sử dụng ý thức để nhận diện từng bộ phận trên cơ thể đang còn đó cho ta. Chúng ta nhận diện và ôm ấp bằng năng lượng chánh niệm, cho phép từng bộ phận trên thân thể được buông thư.

Chúng ta bắt đầu thực tập chánh niệm với từng bộ phận ấy:

Thở vào, tôi ý thức về bộ não của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với bộ não của tôi.

Mỗi bộ phận, ta có thể thở một hay mười hơi thở vào ra. Chúng ta đi qua tất cả các bộ phận trên thân thể. Scan thân thể bằng tia chánh niệm.

Thở vào, tôi ý thức về đôi mắt của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với đôi mắt của tôi.

Hãy buông thư tất cả những căng thẳng trên đôi mắt bởi vì những căng thẳng thường tích tụ trên ấy. Nụ cười rất mầu nhiệm. Nụ cười giúp cho khuôn mặt được buông thư. Ta có thể gởi nụ cười đến những bộ phận khác trên thân thể.

Trên khuôn mặt ta có hàng trăm cơ bắp. Khi ta giận dữ hoặc sợ hãi thì những căng thẳng tích lũy trên những cơ bắp này. Nhưng nếu ý thức, theo dõi hơi thở, mỉm cười với chúng thì chúng ta sẽ buông thư những căng thẳng đó. Khuôn mặt của ta sẽ hoàn toàn khác hẳn sau một hơi thở vào ra. Nụ cười có thể mang đến cho ta một phép lạ. Hãy cho phép đôi mắt được buông thư và gởi đến đôi mắt một nụ cười. Chỉ để ý đến đôi mắt và mỉm cười thương yêu với chúng. Đôi mắt thật mầu nhiệm.

Rồi ta đi xuống tai:

Thở vào, tôi ý thức về hai tai của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai tai của tôi.

Sau đó chúng ta đi xuống hai vai:

Thở vào, tôi ý thức về hai vai của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai vai của tôi.

Chúng ta giúp cho đôi vai của mình buông thư, không để bị căng cứng. Rồi chúng ta đi đến phổi:

Thở vào, tôi ý thức về hai lá phổi của tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai lá phổi của tôi.

Hai lá phổi của tôi làm việc quá cực nhọc mà tôi không cho chúng đủ không khí trong lành để hít thở.

Tiếp theo:

Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.

Trái tim tôi làm việc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Bây giờ tôi phải ngưng hút thuốc và uống rượu, tôi muốn thật sự quan tâm đến trái tim tôi.

Chúng ta đi qua hết toàn bộ thân thể. Thong thả scan từng bộ phận bằng ánh sáng chánh niệm. Nhận diện, ôm ấp và mỉm cười với chúng trong vòng mười, mười lăm hay hai mươi phút. Và buông thư những căng thẳng trên đó.

Khi đi ngang qua bộ phận nào đang đau nhức, chúng ta có thể ngừng lại đó lâu hơn, nhận diện và ôm ấp bằng năng lượng chánh niệm, mỉm cười với nó và buông thư những căng thẳng trên ấy. Khi có một nỗi đau nhức về thân, chánh niệm sẽ cho ta biết rằng đây chỉ là nỗi đau về thân. Với ý thức đó chúng ta sẽ dễ dàng buông thư hơn và cơn đau sẽ được trị liệu nhanh hơn.

Phương tiện và cứu cánh

Khi đi trong chánh niệm, bước chân của ta không còn là phương tiện để đến đích nữa. Khi vào bếp lấy thức ăn chúng ta không cần nghĩ: “Tôi phải vào bếp lấy thức ăn”. Với chánh niệm chúng ta có thể nói: “Tôi đang đi thảnh thơi vào nhà bếp và đang tận hưởng từng bước chân của mình”, và mỗi bước chân là đích đến. Không có sự phân biệt giữa phương tiện và cứu cánh. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Không có con đường nào dẫn đến giải thoát, giải thoát chính là con đường.

Mỗi khi chúng ta bước một bước chân chánh niệm là chúng ta đang thực hiện một hành động giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ trên mỗi bước chân của mình. Mỗi bước chân đều mang trong nó một vẻ đẹp. Rửa bát cũng có thể là một hành động giải thoát giác ngộ. Rửa bát như vậy rất thích thú, an vui và hạnh phúc.

Chăm sóc khổ thọ

Khi biết cách chăm sóc thân thể bằng năng lượng chánh niệm rồi, chúng ta có thể bắt đầu đi vào lãnh vực cảm thọ. Quán chiếu về cảm thọ nghĩa là khi có một cảm thọ đang đi lên chúng ta ý thức là có một cảm thọ đang đi lên, cho dù đó là lạc thọ, khổ thọ, trung tín hay hợp thọ. Trước khi chăm sóc những khổ thọ, ta phải học cách chăm sóc những cảm thọ trung tín (không khổ mà cũng không lạc).

Đức Bụt khuyên chúng ta nên chế tác lạc thọ và hỷ thọ để nuôi dưỡng mình trước khi có thể xử lý khổ thọ. Một bác sĩ phẩu thuật khi thấy bệnh nhân quá yếu, không thể chịu đựng được ca phẩu thuật, thì ông ta sẽ cho bệnh nhân nghỉ ngơi, bồi dưỡng để có đủ sức phẩu thuật. Chúng ta cũng cần nuôi lớn niềm vui và hạnh phúc (hỷ và lạc) trước khi chú tâm vào việc chuyển hóa khổ đau. Có thể chúng ta bắt đầu bằng niềm vui. Niềm vui và hạnh phúc luôn có trong tâm thức ta dưới hình thức hạt giống.

Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui.
Thở ra, tôi mỉm cười với cảm thọ mừng vui đang có trong tôi.
Thở vào, tôi cảm thấy an lạc.
Thở ra, tôi mỉm cười với niềm an lạc đang có trong tôi.

Để lại mọi thứ sau lưng

Làm thế nào để nuôi lớn hỷ lạc (niềm vui và hạnh phúc) để những yếu tố này có thể giúp ta chuyển hóa khổ đau? Yếu tố đầu tiên là ly, buông bỏ. Ly sinh hỷ lạc.

Giả sử chúng ta đang sống trong một thành phố lớn như New York hoặc Paris, và chúng ta rất khổ đau bởi những tiếng ồn, khói xe và bụi bặm. Chúng ta muốn bỏ thành phổ để về quê nghỉ ngơi một thời gian. Chúng ta rất hạnh phúc dù có thể mất cả tiếng đồng hồ để lái xe. Khi đến miền quê, thấy không khí trong lành, thấy những ngọn đồi thoai thoải, thấy cây cối xanh tươi, thấy trời xanh mây trắng, chúng ta cảm thấy khỏe nhẹ và hạnh phúc. Chúng ta thấy mình có khả năng để lại thành phố sau lưng để ngắm nhìn và tận hưởng những khung cảnh đẹp đẽ của miền quê.

Tuy nhiên chúng ta không có khả năng giữ được niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Được vài hôm chúng ta lại muốn trở về lại thành phố New York hay Paris. Có lẽ chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này. Những ngày đầu ở miền quê, chúng ta rất hạnh phúc nhưng chúng ta không có khả năng nuôi dưỡng và giữ cho niềm vui hạnh phúc ấy lâu dài. Hạnh phúc được vài ba hôm, chúng ta lại khổ đau và muốn về. Chúng ta nghĩ rằng ngôi nhà ấm cúng thương yêu của chúng ta, quê hương của chúng ta là ở kia. Khi mới về lại New York hay Paris chúng ta cũng hạnh phúc bởi vì chúng ta được về lại ngôi nhà của mình, nhưng cũng được một thời gian sau đó ta lại khổ đau trở lại. Cho nên ta cứ đi tới đi lui như vậy hoài. Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người có hai ngôi nhà, ngôi nhà thứ hai là để khi cần họ có thể về nghỉ ngơi, bỏ qua một bên những bộn bề của cuộc sống.

Niềm vui và hạnh phúc cũng vô thường. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng để chúng có thể ở lại với chúng ta lâu hơn. Nếu không biết nghệ thuật nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc thì niềm vui, hạnh phúc sẽ chết đi. Và chúng ta sẽ đánh mất khả năng tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc mà chúng ta đang có. Niềm vui, hạnh phúc có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Tuy nhiên chúng không đủ sâu để chuyển hóa những khổ đau cùng cực nằm sâu kín trong tâm thức ta. Vì vậy ta phải học cách để chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ trong ta.

Dưới bề mặt đại dương

Nhìn trên bề mặt đại dương chúng ta thấy rất yên tĩnh, nhưng bên dưới của nó có những dòng nước ngầm. Trong sự thực tập của chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng chuyển hóa những khối khổ đau mà cha mẹ tổ tiên trao truyền lại thì chúng ta cũng chỉ hưởng được sự yên tĩnh trên bề mặt trong một khoảng thời gian nào đó. Thỉnh thoảng những khối khổ đau bên dưới sẽ trồi lên. Vì vậy, chỉ nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc thôi thì không đủ. Khi có những vấn đề khó khăn và khổ đau, ta không biết vấn đề thực sự của ta là gì, nỗi khổ đau đích thực của ta là gì. Nỗi khổ đau đó có thể là nỗi khổ đau của cha ta trao truyền lại như một phần gia tài của ta. Nỗi khổ đau mà mẹ không có khả năng chuyển hóa, mẹ cũng trao truyền lại cho ta. Nếu chúng ta chỉ thực tập trên bề mặt thì những niềm vui, hạnh phúc và sự tĩnh lặng của ta cũng rất nông cạn. Chúng không đủ mạnh, không đủ năng lực để giúp ta chuyển hóa những khối khổ đau lớn đang nằm sâu trong chiều sâu tâm thức ta.

Vì không biết được bản chất của những nỗi khổ niềm đau đó nên ý thức ta không có khả năng soi sáng và nhận diện những nỗi khổ đau nằm sâu trong tâm thức. Khi khổ đau, ta đổ lỗi cho cái này cái nọ, cho người này người kia. Chúng ta nghĩ người này, vấn đề kia là nguyên nhân gây nên nỗi khổ của ta. Có thể chúng ta nghĩ rằng: “Chị không dễ thương với mình”, “Gia đình mình không tôn trọng môi trường”, hay “Tăng thân vẫn còn phân biệt, kỳ thị những người đồng tính luyến ái”, v.v… Biết bao nhiêu vấn đề như thế, gia đình có, xã hội có. Và vì chúng ta không biết đâu là đích thực nỗi khổ niềm đau của ta nên ta có khuynh hướng đổ lỗi cho những vấn đề mà ta nghĩ là nguyên nhân tạo nên những nỗi khổ niềm đau trong ta. Vì vậy chúng ta phải trở về ngôi nhà của chính mình để nhận diện và ôm ấp khổ đau. Có thể khi trở về nhận diện những nỗi khổ đau, ta lại thấy đau khổ hơn.

Ở châu Á có một loại mướp rất đắng, Việt Nam gọi là mướp đắng hay khổ qua. Khổ là khổ đau. Mình đã gọi đúng tên nó. Nếu không quen, chúng ta sẽ khổ đau khi ăn nó. Trong ngành y học Trung Quốc, người ta tin rằng thuốc đắng dã tật. Tuy đắng nhưng khi ăn vào thì thấy mát. Cho nên có người muốn đổi tên mướp đắng thành mướp mát. Nhưng cho dù có mát đi chăng nữa nó vẫn đắng. Tuy nhiên người nào biết ăn thì thấy ngon và thích. Vị đắng rất tốt, làm cho mình thấy khỏe.

Buông bỏ

Một ngày nọ, Bụt đang ngồi trong rừng với các vị khất sĩ thì có một bác nông dân đi đến. Bác hỏi Bụt và quý thầy có thấy những con bò của bác đi ngang qua đây không. Bác vừa mới bị mất mấy con bò, không biết chúng chạy đi đâu. Đức Bụt trả lời: “Không, chúng tôi không thấy con bò nào đi ngang qua đây cả, hay là bác đi tìm hướng kia thử”. Khi người nông dân đi rồi, Bụt quay lại các thầy, mỉm cười và nói: “Này quý thầy, quý thầy rất hạnh phúc vì quý thầy không có con bò nào để mất cả”.

Một trong những pháp môn thực tập của chúng ta là viết tên những con bò của mình xuống để quán chiếu, xem chúng ta có khả năng thả được con bò nào không. Có thể chúng ta nghĩ rằng những thứ này rất cần thiết cho sự an sinh của ta, nhưng nếu nhìn sâu hơn có thể chúng ta nhận ra rằng chúng là những chướng ngại cho niềm an vui và hạnh phúc đích thực của mình.

Tôi nhớ có một thương gia ở Đức đến tham dự khóa tu, ông ta cười hoài khi nghe tôi kể chuyện thả bò. Tôi mời ông ta ở lại, nhưng ông nói ông rất bận. Ông phải tiếp tục đi công tác ở Ý và còn nhiều việc khác phải làm nên ông phải chia tay. Hôm sau tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông trong số những thính chúng đang ngồi lắng nghe. Ông nói ông đi nửa đường rồi nhưng quay lại. Và ông rất hạnh phúc. Ông có khả năng thả được con bò mà ông nghĩ là ông phải giữ nó.

Chánh niệm

Nguồn hỷ lạc đầu tiên là buông bỏ. Nhưng chỉ có buông bỏ thôi thì hạnh phúc mới chỉ ở trên bề mặt và tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy ta phải nuôi dưỡng niềm hạnh phúc lâu bền hơn. Nguồn hỷ lạc thứ hai là chánh niệm. Giả sử ta đang đứng ngắm nhìn cảnh mặt trời đang lên. Nếu tâm trí ta bận rộn với những dự án, hay lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, thì ta không thực sự có mặt đó để quán chiếu và thưởng thức sâu sắc cảnh mặt trời đang mọc, rất đẹp đẽ huy hoàng, bởi vì ta thiếu chánh niệm. Nếu ta thực sự trở về với hơi thở vào ra, thở thật sâu và chậm rãi, ta có thể đưa toàn bộ tâm ý vào giây phút hiện tại. Như vậy, ta có thể thoát ra khỏi quá khứ, tương lai và những dự án. Thân tâm ta sẽ trở nên hợp nhất. Chánh niệm giúp ta có mặt hoàn toàn, để chứng kiến, để quán chiếu và thưởng thức một cách sâu sắc khung cảnh mặt trời huy hoàng đang lên.

Giả sử có một người bạn đến thăm và uống trà với ta. Chánh niệm giúp cho khoảng thời gian chúng ta có mặt cho nhau là khoảng thời gian vô cùng quý giá, không thể nào quên được. Chúng ta không suy nghĩ về bất cứ điều gì. Không nghĩ về công việc, không nghĩ về những dự án. Chúng ta chỉ tập trung sự chú ý vào giây phút chúng ta đang có mặt với người bạn của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn ý thức rằng người đó đang có mặt đây, chúng ta có thể ngồi với người ấy và thưởng thức ly trà với người ấy. Chánh niệm giúp chúng ta hưởng được niềm vui một cách sâu sắc trong mỗi giây mỗi phút.

Giữa hỷ và lạc có một chút khác biệt. Giả sử ta đang đi qua một vùng sa mạc mà bị hết nước và ta rất khát. Bỗng nhiên ta thấy một hòn đảo trước mặt mình. Ta biết rằng sẽ có cây cối, hồ nước ở đó, và ta có thể uống nước từ đó. Ý thức ấy mang đến cho ta niềm vui. Ta biết rằng mình sẽ có cơ hội nghỉ ngơi và uống nước. Cảm thọ này gọi là hỷ. Khi đến hòn đảo rồi, ta ngồi xuống dưới bóng cây, quỳ gối xuống, vốc nước lên hai tay mà uống, lúc này ta rất hạnh phúc (đó là lạc). Trong hỷ còn có yếu tố bồn chồn, hưng phấn.

Nếu trong khi ngồi thiền, đi thiền, buông thư mà ta bị đau nhức thì có nghĩa là ta chưa thực hiện đúng. Chúng ta không cần phải đau khổ vì thiền. Thiền không phải là một lao tác mệt nhọc. Thiền phải mang đến cho chúng ta hỷ và lạc như một nguồn thức ăn. Nếu có đủ hỷ và lạc, chúng ta sẽ có đủ sức để xử lý khối khổ đau, buồn rầu và tuyệt vọng trong ta.

Đánh răng, nấu ăn sáng, đi đến thiền đường, hay làm bất cứ điều gì, mỗi bước chân, mỗi hơi thở phải mang đến cho ta hỷ và lạc. Cuộc sống đã đầy dẫy khổ đau rồi, ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa.

Để Bụt thở

Cách đây vài năm ở Seoul, Hàn Quốc, cảnh sát sắp xếp, dọn đường cho chúng tôi có một buổi thiền hành trong thành phố. Đến giờ thiền hành, tôi thấy rất khó để đi bởi vì cả hàng trăm chiếc máy ảnh đang chĩa vào tôi, không có chỗ nào để đi cả. Tôi liền nói với Bụt: “Bụt ơi, con chịu thua rồi, Bụt đi cho con đi”. Ngay tức thì Bụt đến và Bụt đi. Con đường bắt đầu mở ra. Sau kinh nghiệm này tôi làm một bài thi kệ mà chúng ta có thể dùng bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những lúc khó khăn để đi thiền và tập thở.

Để Bụt thở
Để Bụt đi
Mình khỏi thở
Mình khỏi đi.

Bụt đang thở
Bụt đang đi
Mình được thở
Mình được đi.

Bụt là thở
Bụt là đi
Mình là thở
Mình là đi.

Chỉ có thở
Chỉ có đi
Không người thở
Không người đi.

An khi thở
Lạc khi đi
An là thở
Lạc là đi.

Ban đầu có thể ta tin rằng phải có một ai đó mới có thể thở được, phải có ai đó để đi được. Nhưng thực tế thì đi và thở là đủ rồi. Mình không cần người đi, không cần người thở. Chúng ta chỉ ý thức là có cái đi đang xảy ra, có cái thở đang xảy ra.

Chúng ta hãy nghĩ về cơn mưa. Ta thường nói mưa rơi. Điều này hơi buồn cười. Bởi vì không rơi thì không có mưa. Bản thân của mưa là rơi rồi. Không cần phải có một người làm cho mưa rơi. Ta chỉ cần mưa thôi. Khi ta nói gió thổi thì cũng buồn cười như khi ta nói mưa rơi vì nếu không thổi thì không có gió. Chúng ta không cần người thổi. Vì vậy nói mưa hoặc gió là đủ rồi. Đi cũng vậy. Khi nói để Bụt đi thì chỉ có đi thôi, nhưng phẩm chất đi rất cao. Bởi vì cái đi đó rất vui, rất thích thú và dễ chịu. Đó là đi chánh niệm, có rất nhiều hỷ và lạc trong ấy. Bụt là thở, Bụt là đi bởi vì trong cái đi và thở đó có hỷ và lạc. Đó là đi chánh niệm, là thở chánh niệm.

Ba: Nỗi sợ hãi nguyên thủy và ước muốn nguyên thủy

Khi chúng ta sinh ra, nỗi sợ hãi cũng đi theo ta. Trong khoảng thời gian chín tháng trong bụng mẹ, chúng ta cảm thấy rất an toàn, không cần phải làm gì cả. Thật thoải mái và dễ chịu. Nhưng khi sinh ra thì hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn. Cuống rốn của ta bị cắt đi và ta phải tự thở. Có thể trong phổi ta còn một ít chất loãng và ta phải đẩy chất loãng đó ra để có thể thở được hơi thở vào đầu tiên. Chúng ta có khả năng sống được hay không là nhờ vào những hơi thở đầu tiên ấy. Nỗi sợ hãi nguyên thủy cũng bắt đầu từ đó. Là một đứa trẻ bé bỏng, chúng ta có chân tay nhưng không biết cách sử dụng chân tay của mình như thế nào nên chúng ta cần người chăm sóc. Nguồn gốc, căn nguyên của nỗi sợ hãi này cũng do cái ước muốn nguyên thủy mà có. Đó là ước muốn được sống. Chúng ta sợ bị bỏ rơi một mình. Cho dù khi lớn lên, trưởng thành thành người lớn rồi, nỗi sợ hãi và ước muốn nguyên thủy này vẫn còn.

Nỗi sợ hãi và ước muốn này có cùng chung một gốc rễ. Đó là sợ chết và muốn sống. Chúng ta muốn có ai đó giúp chúng ta để chúng ta có thể sống được. Chúng ta hy vọng rằng mỗi phút mỗi giây đều có ai đó đến giúp ta, bảo vệ ta. Chúng ta cảm thấy bơ vơ, bất lực, không thể tự lo liệu được, không thể tự mình sống sót được. Chúng ta cần một người nào đó. Nếu nhìn sâu vào những ham muốn của ta trong hiện tại, ta sẽ thấy được mọi ham muốn của ta đều bắt nguồn từ cái ham muốn nguyên thủy này. Vì không biết được ước muốn của em bé bên trong nên chúng ta không thể thỏa mãn được mong muốn của mình. Chúng ta muốn có một mối quan hệ mới, một công việc mới, hay có thật nhiều tiền bạc. Nhưng khi đạt được những thứ này rồi, chúng ta vẫn không thấy thỏa mãn, vẫn không hạnh phúc. Cứ đi từ ham muốn này đến ham muốn khác, không bao giờ dừng lại.

Tri túc (Biết đủ)

Đức Bụt khuyên chúng ta thực tập saṃtuṣṭa, chúng ta phải thấy rằng chúng ta có đủ điều kiện để hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải thêm gì nữa cả. Saṃtuṣṭa nghĩa là thiểu dục, là muốn ít. Trở về với giây phút hiện tại, nhận diện những điều kiện hạnh phúc ta đang có, chúng ta sẽ thấy rằng ta đang có quá đầy đủ điều kiện hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải tìm kiếm hay chạy theo bất cứ gì nữa cả, bởi vì cho dù có đạt được đối tượng mình mong muốn, ta cũng sẽ không hạnh phúc và tiếp tục chạy theo một đối tượng khác.

Nếu thấy đủ an toàn, chúng ta sẽ không còn tham muốn nữa. Cái thất của tôi rất nhỏ, nhưng tôi thấy vừa đủ, không cần phải có một cái lớn hơn. Cái thất ấy tuy nhỏ nhưng có nhiều khung cửa sổ, nhìn ra bên ngoài quang cảnh rất đẹp. Chúng ta đã có quá nhiều điều kiện hạnh phúc, chúng ta không cần phải chạy tới tương lai để tìm kiếm thêm những điều kiện khác. Những gì chúng ta đang có là đã quá đầy đủ rồi. Nếu chọn cách sống như vậy thì ngay lập tức chúng ta sẽ trở thành một người hạnh phúc.

Sống trong xã hội hiện đại này, chúng ta phải làm thế nào để có thể tiếp nhận tuệ giác đó. Nhiều người vẫn tin rằng mình chỉ có thể hạnh phúc khi có thật nhiều tiền tài, danh vọng và quyền lực. Nhưng nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta thấy được rất nhiều người có nhiều tiền tài và quyền lực, mà họ vẫn khổ đau cùng cực vì nỗi cô đơn và căng thẳng. Vì vậy quyền lực và tiền tài không phải là tiêu chuẩn cho một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta phải rèn luyện cho chính mình một nghệ thuật sống chánh niệm.

Đừng kẹt vào quá khứ

Tàng thức là một nơi mà trong đó tất cả những bộ phim của quá khứ luôn luôn được trình chiếu. Những nỗi khổ đau và những vết thương vẫn còn cất giữ lại đó. Quá khứ đã qua rồi, nhưng những hình ảnh của quá khứ vẫn còn và thỉnh thoảng vẫn trở về trong giấc mơ của ta hay lúc ta còn thức, và chúng ta sống lại với những nỗi khổ đau trong quá khứ đó. Chúng ta có khuynh hướng để cho nhà tù quá khứ giam hãm ta. Về mặt lý thuyết chúng ta biết rằng quá khứ không còn nữa, những ký ức của chúng ta chỉ còn là những hình ảnh, những cuốn phim trong quá khứ. Tuy nhiên những bộ phim ấy vẫn được chiếu lên, và mỗi khi bộ phim được chiếu lên thì chúng ta đau khổ trở lại.

Giả sử chúng ta đang ngồi trong rạp chiếu bóng xem phim, chúng ta tin rằng đây là một câu chuyện có thật, và có thể chúng ta khóc. Khổ đau là có thật, những giọt nước mắt cũng có thật, nhưng những gì xảy ra trên màn hình thì không thật, nó chỉ là phim ảnh. Nếu lên sờ vào màn hình, ta thấy không có ai ở đó cả, chỉ có ánh sáng lung linh trên màn hình thôi. Ta không thể nói chuyện với người trên màn hình, không thể mời họ uống trà với ta bởi vì đó là một câu chuyện hư cấu, là một cái gì đó không thật. Tuy nhiên nó có thể tạo ra những khổ đau và trầm cảm thật cho ta.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng em bé bên trong chúng ta vẫn còn đó, vẫn còn kẹt vào quá khứ. Chúng ta phải cứu em bé. Ngồi cho vững chãi, thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại và nói chuyện với em bé trong ta: “Em ơi, em nên biết là chúng ta đã lớn rồi. Giờ đây chúng ta có thể tự bảo hộ và che chở được cho chính mình rồi”.

Như lý tác ý

Nếu lúc bảy tuổi ta bị lạm dụng thì ta sẽ mang theo trong mình hình ảnh của em bé bảy tuổi bị lạm dụng đó, rất dễ bị tổn thương và đầy ắp sự sợ hãi. Khi nghe một điều gì gợi cho ta nhớ lại những nỗi khổ đau của thời quá khứ thì tự động chúng ta tiếp xúc với những hình ảnh của quá khứ đó. Nhiều thứ ta nghe, thấy, chứng kiến trong giây phút hiện tại đều có khả năng đưa chúng ta về với những ký ức khổ đau đó.

Nếu khi nhỏ ta bị lạm dụng thì hầu như những gì ta thấy, ta nghe đều có thể kéo ta trở về với hình ảnh của em bé đang bị lạm dụng đó. Thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh quá khứ ấy sẽ làm tăng thêm cảm giác sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong ta. Chúng ta gọi đó là phi như lý tác ý (Ayoniso Manasikāra) bởi vì nó làm cho ta đắm chìm trong những khổ đau của quá khứ mà không an trú được trong phút giây hiện tại. Khi nào tác ý của ta đi về hướng những hình ảnh quá khứ đó, ta phải biết cách để xử lý những nỗi buồn, sợ hãi và khổ đau đang trỗi dậy trong ta.

Tiếng chuông có thể nhắc nhở chúng ta dừng lại những suy nghĩ, nói năng và trở về an trú nơi hơi thở vào ra. Tiếng chuông có khả năng đưa chúng ta ra khỏi hình ảnh khổ đau và nhắc chúng ta trở về với hơi thở. Thở thật sâu và mỉm cười để làm lắng dịu thân tâm. Khi khổ đau trỗi dậy thì sự thực tập của chúng ta là trở về với hơi thở vào ra: “Thở vào, tôi biết là khổ đau đang có trong tôi”. Nhận diện và ôm ấp tâm hành chính là một trong những pháp môn thực tập của chúng ta. Nếu thực tập thành công, chúng ta có thể đi thêm một bước xa hơn. Với chánh niệm và chánh định, chúng ta có thể trở về với hình ảnh quá khứ để biết nguyên nhân nào làm cho hình ảnh đó phát khởi. Sở dĩ tôi có cái này là vì tôi tiếp xúc với cái kia.

Nhiều người trong chúng ta không thể thoát ra được thế giới của hình ảnh. Với năng lượng chánh niệm, chúng ta nhận ra rằng những khổ đau trong quá khứ chỉ là những hình ảnh mà không phải là một thực tại hiển hiện, và cuộc sống với những mầu nhiệm của nó đang có mặt ở đây. Sống hạnh phút trong giây phút hiện tại là điều chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể thay đổi được toàn bộ tình trạng.

Học hỏi từ khổ đau

Khả năng hiểu được nỗi khổ đau có thể mang đến cho ta tình thương và lòng từ bi. Hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu. Nhờ có khổ đau ta mới học được bài học hiểu biết và thương yêu. Hiểu được nỗi khổ đau rồi chúng ta không còn đổ lỗi, trách móc nữa, chúng ta có khả năng chấp nhận và thương yêu. Vì thế khổ đau rất hữu ích. Không biết cách xử lý khổ đau, chúng ta sẽ bị đắm chìm trong biển khổ. Nhưng nếu biết cách xử lý, chúng ta sẽ học được rất nhiều từ những nỗi khổ đau ấy.

Chúng ta có khuynh hướng trốn chạy khổ đau. Trốn chạy khổ đau và đi tìm kiếm dục lạc là khuynh hướng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, chúng ta phải chỉ cho cái tâm của chúng ta biết rằng khổ đau đôi khi cũng rất hữu dụng. Khổ đau cũng có mặt tốt của nó. Nhờ có khổ đau chúng ta mới hiểu được, mới thông cảm được. Và nhờ hiểu biết, cảm thông chúng ta mới có khả năng chấp nhận và thương yêu. Không có hiểu biết và thương yêu thì không thể có hạnh phúc. Khổ đau dính liền với hạnh phúc. Vì vậy chúng ta không nên sợ hãi khổ đau. Chúng ta có thể ôm ấp nỗi khổ đau một cách nhẹ nhàng, nhìn sâu vào nó và học hỏi từ nó. Chúng ta biết là chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ khổ đau. Phải thấy được mặt tốt của khổ đau. Không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Không có bùn thì không có sen. Vì vậy nếu biết cách xử lý khổ đau thì khổ đau đến cũng không sao. Khi ta có thái độ vô úy, không sợ hãi trước khổ đau, ta sẽ không khổ đau nhiều. Và khi ra khỏi khổ đau thì đóa hoa hạnh phúc sẽ bừng nở.

Năm phép quán tưởng

Đức Bụt nói rằng tất cả chúng ta ai cũng có hạt giống sợ hãi, nhưng hầu hết chúng ta đè nén nó và khóa chặt nó trong bóng tối. Để giúp chúng ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào những hạt giống sợ hãi đó, đức Bụt đã cống hiến cho chúng ta một sự thực tập gọi là năm phép quán tưởng:

  1. Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh khỏi cái già.
  2. Tôi thế nào cũng phải bệnh. Tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh.
  3. Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết.
  4. Tất cả những người tôi thương yêu và tất cả những gì tôi trân quý hôm nay, một mai tôi phải xa lìa và buông bỏ.
  5. Tôi không thể nào tránh thoát được sự xa lìa và buông bỏ ấy.
  6. Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, khẩu, ý của tôi tạo nên.

Những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.

Mỗi ngày chúng ta phải để dành vài phút để thực tập, quán chiếu những bài tập này kết hợp với hơi thở. Chúng ta thực tập năm phép quán tưởng này để hạt giống sợ hãi trong ta được chuyển hóa. Chúng ta phải mời nỗi sợ hãi lên để nhận diện và ôm ấp. Khi nỗi sợ hãi trở lại hình thức hạt giống thì cường độ của nó sẽ nhẹ hơn. Mời hạt giống sợ hãi lên như thế, chúng ta sẽ được trang bị kỹ càng để chăm sóc cơn giận của chúng ta vì nỗi sợ hãi sẽ làm phát sinh sự giận dữ. Khi nỗi sợ hãi có mặt thì ta bất an, vì vậy nỗi sợ hãi trở thành mảnh đất cho cơn giận phát sinh. Vô minh là nguồn gốc của nỗi sợ hãi. Thiếu hiểu biết là nguyên nhân đầu tiên của cơn giận.

Hai: Ta là tổ tiên của ta, đồng thời là con cháu của ta

Tôi không biết quý vị có nhớ gì khoảng thời gian mình còn ở trong bụng mẹ không. Tất cả chúng ta đều trải qua chín tháng ở đó, một khoảng thời gian khá dài. Tôi nghĩ là một số trong chúng ta có thể vẫn còn nhớ điều gì đó hay một cảm thọ nào đó. Trong khoảng thời gian ấy chúng ta khóc hay cười? Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có cơ hội mỉm cười trong khoảng thời gian chín tháng trong bụng mẹ. Khi hạnh phúc, chúng ta có khuynh hướng mỉm cười. Tôi đã từng thấy những đứa trẻ mỉm cười trong lúc ngủ. Phải có một cái gì đó vui tươi, mầu nhiệm trong chúng, chúng mới cười như vậy.

Tôi tin rằng, đa số chúng ta vẫn còn nhớ khoảng thời gian mình ở trong bụng mẹ. Có thể chúng ta có ấn tượng rằng mình đang ở trong một thiên đường, vô cùng an toàn, ở đó chúng ta được bảo hộ, không cần lo lắng bất cứ điều gì. Trong tiếng Việt, chúng ta gọi bụng mẹ là ‘tử cung’, cung điện của đứa bé.

Ở trong cung điện này, mẹ ăn cho ta, uống cho ta và thở cho ta. Quý vị có nghĩ rằng thỉnh thoảng trong bụng mẹ ta cũng mơ không? Chúng ta chưa thấy được bầu trời, dòng sông bên ngoài. Tuy nhiên trong giấc mơ chúng ta có thể thấy một cái gì đó. Có lẽ trong khi mẹ mình đang mơ mình cũng thấy những gì mẹ thấy. Nếu mẹ mình mơ một điều gì đó không dễ chịu lắm và mẹ khóc thì có thể ta cũng khóc. Nếu mẹ cười, có lẽ chúng ta cũng cười. Mẹ và ta giống như là một, chứ không phải là hai người khác nhau. Giữa ta và mẹ có một đường dây kết nối với nhau đi qua cuống rốn. Qua cuống rốn mẹ truyền thức ăn, thức uống, oxy và mọi thứ cho ta, kể cả tình thương.

Điều này không có nghĩa là cha ta không truyền cho ta cái gì cả trong giai đoạn này. Một số trong chúng ta biết rằng ta đang có cha ở đó, chăm sóc mẹ rất đàng hoàng để mẹ có thể chăm sóc cho ta. Một số trong chúng ta có những người cha nói chuyện với mẹ rất ngọt ngào dễ thương, và cũng nói chuyện nhẹ nhàng trìu mến với ta qua bụng mẹ, biết rằng ta có thể nghe những gì cha nói.

Một số trong chúng ta cũng có những người mẹ nói chuyện với ta khi ta còn ở trong bụng mẹ. Có lẽ chúng ta cũng nghe mẹ nói và trả lời với mẹ. Có thể đôi khi mẹ cũng quên là ta đang ở đó nên ta đá mẹ một cái để nhắc nhở mẹ là ta đang ở đây. Cái đá của ta là một tiếng chuông chánh niệm, và khi mẹ cảm được điều đó thì mẹ sẽ trả lời ngay: “Con yêu, mẹ biết con ở đó nên mẹ rất hạnh phúc”.

Khi ta sinh ra, có người cắt cuống rốn cho ta. Ta bật khóc tiếng khóc đầu tiên. Ta phải tự thở một mình. Có rất nhiều ánh sáng chung quanh ta. Bây giờ ta đang ở ngoài bụng mẹ, nhưng bằng cách này hay cách khác ta cũng ở trong mẹ. Mẹ tiếp tục ôm ấp ta. Mẹ ôm ấp ta bằng tình thương của mẹ. Ta cũng ôm mẹ. Mặc dù cuống rốn không còn nữa, nhưng ta vẫn kết nối với mẹ bằng một cách thân mật và cụ thể.

Tương tức

Thiền tập giúp chúng ta có thể thấy được sợi dây kết nối giữa ta với mẹ. Chúng ta thấy rằng mẹ không những ở bên ngoài ta mà còn ở bên trong ta nữa. Cuống rốn vẫn còn đó. Khi nhìn sâu, chúng ta cũng thấy rằng cuống rốn nối chúng ta với những thứ khác, với những người khác. Hãy tưởng tượng cuống rốn nối ta với mặt trời. Mặt trời mọc mỗi sáng, nhờ mặt trời ta mới có ánh sáng, có hơi ấm. Không có mặt trời, không có hơi ấm chúng ta không thể sống được. Chúng ta nương tựa vào mặt trời giống như ta nương tựa mẹ vậy. Vì vậy cuống rốn nối ta với mặt trời. Một cuống rốn khác lại nối ta với đám mây trên bầu trời, bởi vì nếu đám mây không có đó thì sẽ không có mưa, sẽ không có nước để uống, không có sữa, không có trà, không có cà phê, không có cà rem, không có gì cả. Lại có một cuống rốn khác nối ta với dòng sông, và một cuống khác nối ta với rừng cây. Nếu tiếp tục quán chiếu, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta được kết nối với mọi người và mọi loài trong vũ trụ này. Chúng ta nương vào những loài khác để tồn tại. Chúng ta cần cả loài hữu tình lẫn vô tình như cây cối, khoáng chất, không khí và nước.

Khi lớn lên, có thể chúng ta tin rằng ta và mẹ ta là hai người khác nhau. Tuy nhiên điều đó không đúng. Chúng ta là sự nối dài của mẹ. Chúng ta nhầm lẫn, tin rằng ta khác mẹ. Nhưng chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và của cả tổ tiên ta nữa.

Hãy tưởng tượng một hạt bắp ta gieo xuống đất. Bảy ngày sau, nó nảy mầm và bắt đầu hình thành cây bắp con. Khi cây bắp lớn lên, nó không thấy hạt bắp nữa, nhưng hạt bắp không chết. Hạt bắp vẫn còn đó. Nhìn sâu chúng ta vẫn có thể thấy được hạt bắp trong cây bắp. Hạt bắp và cây bắp không phải là hai thực thể riêng biệt. Cái này là sự tiếp nối của cái kia. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp đi về tương lai, và hạt bắp là sự tiếp nối của cây bắp đi về quá khứ. Chúng không phải một mà cũng không phải khác. Ta và mẹ ta cũng vậy, cũng không phải là một người, mà cũng không phải là hai người khác nhau. Điều này rất quan trọng. Không ai có thể một mình mà tồn tại được. Chúng ta phải nương nhau, tương tức với nhau, kết nối với mọi người, mọi loài và tất cả những thứ khác.

Nếu nhìn vào một tế bào trên cơ thể ta, hoặc một tế bào trong tâm thức ta, chúng ta sẽ nhận ra được sự có mặt của tất cả các thế hệ tổ tiên trong ta. Tổ tiên của ta không chỉ là loài người thôi. Trước khi loài người xuất hiện, chúng ta đã là những loài khác rồi. Chúng ta từng là cây, từng là đá, từng là khoáng vật, từng là con sóc, con nai, con khỉ và sinh vật đơn bào. Tất cả các thế hệ tổ tiên đều có mặt trong mỗi tế bào trên cơ thể và tâm thức ta. Chúng ta là sự tiếp nối của cả một dòng sinh mạng.

Giả sử chúng ta cầm chiếc lá trên tay, chúng ta có thấy gì không? Chiếc lá là chiếc lá, chiếc lá không phải là bông hoa. Nhưng thực tế khi nhìn sâu vào chiếc lá, chúng ta sẽ thấy rất nhiều thứ trong đó. Chúng ta có thể thấy cây cối, thấy ánh nắng mặt trời, thấy đám mây và thấy đại địa. Khi chúng ta phát âm từ ‘lá’, chúng ta phải ý thức rằng lá được làm bằng những yếu tố không phải lá. Nếu ta lấy đi yếu tố không phải lá như ánh nắng mặt trời, đám mây, đất đai ra khỏi chiếc lá thì sẽ không có chiếc lá nào tồn tại cả. Hình hài ta cũng vậy. Chúng ta không phải là một cũng không phải khác với những sinh vật hữu tình hay vô tình khác. Chúng ta kết nối với tất cả và tất cả đang còn hiện hữu trong ta.

Ba nghiệp thân khẩu ý

Các nhạc sĩ hay hoạ sĩ thường ký tên mình lên những bản nhạc hoặc tác phẩm mà họ sáng tác. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng tạo ra chữ ký của mình qua những suy nghĩ, lời nói và hành động. Khi tạo ra một suy nghĩ, chúng ta cũng mang theo chữ ký của mình. Nhìn vào suy nghĩ, dù đúng hay sai, chúng ta luôn thấy chữ ký của chúng ta, bởi vì nó là sản phẩm của ta. Suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy) là suy nghĩ luôn đi đôi với sự hiểu biết, tình thương và tuệ giác. Trong đời sống hằng ngày chúng ta phải cẩn trọng để chỉ tạo ra những suy nghĩ phù hợp với chánh tư duy. Chúng ta có cơ hội tạo ra chánh tư duy trong mỗi giây mỗi phút. Suy nghĩ của chúng ta là nền tảng của lời nói và hành động. Chúng ta trao truyền suy nghĩ, lời nói và hành động (mà ta gọi là ba nghiệp) cho con cháu chúng ta và cho cả thế giới. Đó là tương lai của chúng ta.

Những gì chúng ta nói cũng là sản phẩm của ta. Cho dù lời nói của ta đúng hay sai (chánh ngữ hay tà ngữ), nó cũng mang theo chữ ký của ta. Những gì ta nói có thể gây nên sự giận dữ, tuyệt vọng, hoặc bi quan. Lời nói của ta có thể gây nên đau khổ và tai hại. Vì vậy, chúng ta phải thực tập chánh niệm để có thể chỉ nói những lời chánh ngữ, những lời nói đi đôi với hiểu biết, từ bi, an vui và tha thứ. Nhờ thực tập chánh niệm, chúng ta có thể tạo ra những lời nói chánh ngữ trong mỗi phút mỗi giây. Đó là những gì mà ta trao truyền cho con cháu ta và cho cả thế giới. Đó là sự tiếp nối của ta.

Hành động của ta cũng mang chữ ký của chúng ta. Những gì ta làm để bảo vệ sự sống, để giúp đỡ mọi người vơi bớt khổ đau, để chia sẻ sự hiểu biết và thương yêu với người khác đều là hành động chân chánh (chánh nghiệp). Chúng ta phải có chánh niệm để không tạo ra bất kỳ một hành động nào mang tính bạo lực, hận thù, sợ hãi và kỳ thị, bởi vì những hành động này cũng mang theo chữ ký của ta. Chúng ta không thể chối bỏ nó là sản phẩm của ta. Nó thực sự đến từ ta. Chúng ta tạo ra chính mình, và tạo ra tương lai. Chúng ta phải hiến tặng những suy nghĩ, lời nói và hành động hay nhất của ta. Chánh niệm giúp ta biết là ta có đang tạo ra những điều tốt đẹp cho tương lai của ta hay không, chánh niệm cũng giúp ta nhớ rằng những gì chúng ta đang tạo ra là chính chúng ta, là tương lai của chúng ta.

Đi với tổ tiên

Khi còn là em bé bốn tuổi, chúng ta có thể nghĩ rằng: ta chỉ là một đứa con nít bốn tuổi, non nớt bé bỏng. Tuy nhiên thực tế ta đã là một người mẹ, một người cha rồi. Tất cả những thế hệ quá khứ và tương lai đều đang có mặt trong cơ thể ta. Khi bước đi trên bãi cỏ xanh tươi của mùa xuân, chúng ta đi như thế nào để cho tất cả tổ tiên của chúng ta cùng bước với ta. Niềm an vui, hạnh phúc và tự do trong mỗi bước chân sẽ thấm nhuần năng lượng của các thế hệ tổ tiên và con cháu ta. Chúng ta đi bằng năng lượng chánh niệm. Mỗi bước chân, ta thấy được vô số thế hệ tổ tiên và con cháu đang cùng bước với ta.

Khi thở một hơi thở, chúng ta thấy nhẹ nhàng, tĩnh lặng và an lành. Chúng ta thở như thế nào để tất cả các thế hệ tổ tiên và con cháu cùng thở với ta. Chỉ khi đó ta mới đạt được phương pháp thở cao nhất. Chỉ cần một ít chánh niệm và chánh định là chúng ta có thể nhìn sâu và thấy được điều này. Ban đầu chúng ta có thể dùng phương pháp quán tưởng (hình dung) để thấy được tất cả tổ tiên đang cùng bước với chúng ta. Dần dần chúng ta không cần dùng phương pháp quán tưởng nữa. Mỗi bước chân ta đi, ta điều thấy được đây là bước chân của tất cả mọi người từ quá khứ cho đến tương lai.

Khi đang nấu một món ăn mà ta học được từ cha hay mẹ, hay từ nhiều thế hệ trong gia đình trao truyền lại, thì chúng ta nên nhìn vào đôi bàn tay của mình và mỉm cười bởi vì đôi bàn tay này là đôi bàn tay của mẹ, là đôi bàn tay của bà ngoại. Những ai đã từng làm món ăn này cũng đang có mặt và cùng làm với mình. Khi ở trong bếp nấu ăn, chúng ta hoàn toàn có thể thực tập chánh niệm được, chúng ta không cần phải vào thiền đường mới thực tập điều này.

Trong quá khứ, ông nội ta có chơi bóng chuyền không? Bà nội có chạy bộ mỗi ngày không? Bà nội có cơ hội thực tập an trú trong giây phút hiện tại trong khi bà đi bộ hoặc chạy bộ hay không? Khi chạy bộ ta cũng nên để cho bà nội chạy bộ với ta. Bà ta có mặt trong từng tế bào trên cơ thể ta. Chúng ta mang trong mình tất cả tổ tiên của chúng ta trong lúc ta chạy bộ, trong lúc thiền hành hay khi an trú trong giây phút hiện tại. Có thể những thế hệ đi trước không có cơ hội để thực tập như vậy. Giờ đây, cho dù chúng ta đang đi bộ, chạy bộ, hay thở những hơi thở chánh niệm, chúng ta cũng đều có cơ hội mang niềm vui và hạnh phúc tới cho vô số thế hệ tổ tiên của chúng ta.

Khi ta băn khoăn trăn trở với hàng loạt những câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi đang muốn điều gì? Cuộc sống của tôi có ý nghĩa gì? Và ta đau khổ bởi vì ta bị kẹt vào ý niệm ta là một cái ngã riêng biệt. Tuy nhiên, nếu quán chiếu cho sâu sắc, chúng ta có thể thực tập được vô ngã. Chúng ta có thể nhận ra rằng ta không có một cái ngã riêng biệt, ta liên hệ mật thiết với tổ tiên của ta, cũng như với tất cả các loài hữu tình và vô tình khác.

Tâm lý học Tây phương nhắm đến việc giúp tạo ra một cái ngã hiền thiện và ổn định, nhưng vì tâm lý học Tây phương vẫn còn kẹt vào ý niệm ngã nên nó chỉ mang lại một ít chuyển hóa và trị liệu mà không thể đi xa được. Khi nào ta còn bị kẹt vào ý niệm về một cái ngã riêng biệt thì vô minh vẫn còn trong ta. Khi thấy được mối tương quan mật thiết giữa ngã và vô ngã thì vô minh được chuyển hóa, và khổ đau, giận dữ, ganh tị, sợ hãi sẽ biến mất. Nếu thực tập vô ngã, chúng ta sẽ giải đáp được những thắc mắc ở trên và có khả năng vượt thoát được những vấn đề làm cho con người khổ đau điêu đứng.

Chúng ta là sự tiếp nối của cả một dòng sinh mạng. Có thể cha mẹ chúng ta không có khả năng trân quý chúng ta đủ, nhưng ông bà, tổ tiên của chúng ta muốn ta ra đời. Sự thật là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn muốn ta là sự tiếp nối của họ. Nếu biết được điều này, ta sẽ không khổ đau nhiều vì những cách hành xử không dễ thương của cha mẹ. Đôi khi cha mẹ ta cũng tràn đầy tình thương yêu nhưng có khi cũng đầy sự sân hận. Tình thương và sự sân hận này không phải chỉ do một mình cha mẹ tạo ra mà chúng được trao truyền từ tất cả các thế hệ đi trước. Thấy được điều này ta không còn đổ lỗi cho cha mẹ về những khổ đau mà cha mẹ gây ra cho ta nữa.

Tập khí

Mục đích của thiền tập là nhìn sâu vào sự vật để thấy được gốc rễ của chúng. Nhìn sâu vào bất cứ một hành động nào, ta cũng sẽ nhận ra được hạt giống của hành động đó. Hạt giống đó có thể là từ ông bà tổ tiên trao truyền lại cho ta. Bất cứ hành động nào ta làm thì tất cả tổ tiên của ta cũng đồng thời cùng đang làm với ta. Cha mẹ, ông bà, cố nội, cố ngoại cũng đang làm với ta. Tổ tiên của ta đang có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Có những hạt giống được gieo trồng trong suốt cuộc đời mình, nhưng cũng có những hạt giống được gieo trồng trước khi hình hài này biểu hiện.

Đôi khi chúng ta làm một điều gì đó không có cố ý, nhưng đó cũng là một hành động. Tập khí thúc giục chúng ta, khiến chúng ta làm những điều mà chúng ta không ý thức. Đôi khi ta làm mà ta không biết là ta đang làm. Cho dù có khi ta cũng không muốn làm mà ta vẫn cứ làm. Có khi ta nói: “Tôi không muốn làm nhưng có cái gì đó thôi thúc tôi, nó mạnh hơn tôi, xúi dục tôi phải làm”. Cái đó là hạt giống, là tập khí đã được trao truyền từ nhiều thế hệ trong quá khứ.

Chúng ta đã thừa hưởng rất nhiều. Nhờ chánh niệm mà chúng ta ý thức được những tập khí đã được trao truyền lại cho chúng ta. Chúng ta có thể thấy rằng ông bà cha mẹ chúng ta cũng có những yếu kém như chúng ta. Chúng ta có thể ý thức là những tập khí tiêu cực này có gốc rễ từ tổ tiên của ta mà ta không lên án hay phán xét. Chúng ta có thể mỉm cười với những yếu kém và tập khí của ta. Nhờ ý thức, chúng ta có khả năng chọn lựa và chúng ta có thể hành động bằng một cách khác. Chúng ta có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn khổ đau ngay bây giờ.

Có thể trong quá khứ, khi thấy mình làm những điều vô ý mà ta đã được thừa hưởng từ ông bà tổ tiên là ta quay ra trách móc chính bản thân mình.

Ta thấy mình là một cá nhân, là một cái ngã biệt lập đầy khiếm khuyết vụng về. Nhưng giờ đây nhờ chánh niệm, chúng ta bắt đầu chuyển hóa và buông bỏ được những tập khí này.

Nhờ thực tập chánh niệm, chúng ta nhận ra được là ta đang hành động theo tập khí. Đây là ý thức đầu tiên mà chánh niệm đem lại. Sau đó, nếu tiếp tục thực tập, chánh niệm và chánh định sẽ giúp ta nhìn sâu để thấy được cội nguồn gốc rễ của hành động đó. Hành động đó có thể xuất phát từ những gì xảy ra hôm qua, hoặc là đã xảy ra cách đây 300 năm, có gốc rễ từ một trong những vị tổ tiên của ta. Một khi ý thức được hành động của mình, chúng ta có thể phán đoán được hành động này có mang lại lợi lạc hay không. Nếu không lợi lạc thì ta quyết định không lặp lại hành động này nữa. Nếu ý thức được tập khí trong ta, để ý hơn về những suy nghĩ, lời nói và hành động của mình thì chúng ta có khả năng chuyển hóa, không những cho bản thân mà còn cho cả tổ tiên ta nữa, người đã gieo trồng hạt giống này. Chúng ta thực tập cho tất cả tổ tiên và con cháu ta, mà không phải chỉ cho một mình ta, ta thực tập cho toàn thế giới. Nếu chúng ta có khả năng mỉm cười với những khiêu khích tức tối trong ta, ta sẽ ý thức được khả năng của mình, trân quý khả năng đó và tiếp tục thực tập như vậy. Nếu ta có khả năng làm được điều này thì tổ tiên của chúng ta cũng có khả năng mỉm cười với những gì tức tối khiêu khích trong họ. Nếu một người giữ được bình tĩnh, mỉm cười được với những khiêu khích tức tối trong lòng thì cả thế giới sẽ có được một cơ hội an lành, tốt đẹp hơn cho hòa bình. Điểm mấu chốt là chúng ta phải ý thức về hành động của chúng ta. Và chánh niệm sẽ giúp chúng ta hiểu được hành động này đến từ đâu, do đâu mà có.