Mối tình Việt Nam
Thầy thường nói rằng quê hương của Thầy không phải chỉ là Việt Nam, quê hương của Thầy là cả trái đất này, là bây giờ và ở đây, là vượt thoát thời gian và không gian. Tôi biết dù nói thế nhưng trong lòng Thầy vẫn có một mối tình đặc biệt đối với Việt Nam, đơn giản vì Thầy là người con Việt Nam. Trong cái nhìn của một vị thiền sư thì ở đâu cũng là quê hương, nhưng trong một con người thì nơi sinh ra và lớn lên là quê hương của mình, và Thầy vẫn luôn luôn tự hào vì điều đó. Dân tộc, tổ tiên của chúng ta là một dân tộc thuần từ, có một ngôn ngữ Việt rất ngọt ngào, đầy chất liệu thi ca. Nền đạo đức thuần từ thể hiện rõ nhất ở hai thời đại Lý-Trần. Những điều hay đẹp ấy được Thầy khai triển và cống hiến cho xã hội Tây phương – một tinh thần đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) đã và đang được nơi này đón nhận nồng nhiệt.
Thầy và Tăng thân Làng Mai thiền hành tại Vĩnh Phúc trong chuyến về Việt Nam năm 2007
Sáu anh chị em chúng tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm sinh sống và hành đạo tại Tây phương. Chuyến đi ấy gồm có sư cô Định Nghiêm, sư cô Thuần Nghiêm, sư cô Thiều Nghiêm, thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Trú và tôi, tất cả đều đã rời đất nước từ khi còn nhỏ, đều đã lớn lên và tiếp thu văn hóa phương Tây. Thầy biết chúng tôi là những đứa trẻ Việt của thế hệ “trái chuối” – ngoài da thì vàng nhưng trong ruột thì trắng, nghĩa là đã bị Tây hóa. Tuy vậy, ở trong tu viện, Thầy đã dạy cho chúng tôi nhiều cái hay, cái đẹp về văn hóa Việt. Thầy cho chúng tôi tiếp xúc với một nền đạo đức tâm linh, văn hóa, văn minh Việt để chúng tôi không bị mất gốc và có thể tự hào mình là người Việt Nam. Nhiều người trẻ lớn lên ở Tây phương có mặc cảm cô độc vì tuy họ là người Việt mà không biết gì về con người và văn hóa Việt, trong khi đó lại có cảm giác không được chấp nhận như người Tây, do đó rất đau khổ. Khi được học cả hai nền văn hóa thì mình có thể tự hào hơn, hạnh phúc hơn vì mình mang trong mình cả hai nền văn hóa. Tuy đã được Thầy trao truyền những cái hay, cái đẹp về văn hóa Việt nhưng Thầy muốn các con của Thầy trở về Việt Nam để tiếp xúc trực tiếp và cảm nhận bằng xương bằng thịt, bằng cả trái tim của mình, và Thầy đã tặng cho sáu anh chị em chúng tôi bài thơ trên. Chúng tôi ai nấy đều hớn hở, hồi hộp lên đường về thăm quê cha đất tổ.
Đĩa trái cây chín thơm
Đứng về phương diện tâm linh, Thầy luôn luôn dạy chúng tôi nhớ về nguồn gốc của mình. Ở bàn thờ tổ tiên trong thiền đường xóm Hạ có hai câu đối do Thầy viết: “Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp. Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông”. Người hạnh phúc là người có khả năng nối kết được với gốc rễ tâm linh và huyết thống của mình. Mình có hai gốc rễ: tâm linh và huyết thống. Ngoài chuyện trở về tiếp xúc và bồi đắp gốc rễ huyết thống, mình cũng về để kết nối với gốc rễ tâm linh, mà gần nhất là chư Tổ ở Tổ đình Từ Hiếu, nơi Thầy đã xuất gia học đạo. Thầy bảo: “Các con là những cây thầy trồng nay đã kết trái, đã chín thơm, đẹp và thầy muốn dâng lên chư Tổ như một kết quả của sự tu học của mình. Thầy về chưa được nên các con về giùm thầy vậy. Các con về cũng là thầy về. Về chùa Tổ các con nhớ bước những bước chân chánh niệm trên đất Tổ cho thầy, nhớ thăm những nơi mà thầy đã sống, như phòng ngủ, những cái giếng, chuồng bò, đồi Dương Xuân, và nhất là phòng của Sư Cố. Các con đi đảnh lễ tháp Tổ Liễu Quán và nếu có cơ hội thì ra Hà Nội để chiêm bái núi Yên Tử và đảnh lễ các tháp của Tam Tổ Trúc Lâm”.
Tháng Hai năm 2000, sau khi đã được Thầy truyền đăng làm giáo thọ, chúng tôi được Thầy cho phép về thăm Việt Nam. Chuyến đi ấy dài hơn hai tháng và chúng tôi đã được tiếp xúc với ba miền của đất nước. Tại Huế, chúng tôi được ở lại chùa Tổ. Thời gian ở chùa Tổ có thể nói là thời gian hạnh phúc nhất vì được đảnh lễ tháp Tổ, được tiếp xúc với năng lượng của chư Tổ, được Sư Thúc và các thầy yêu thương, chăm sóc tận tình, được đi đảnh lễ tháp Tổ Liễu Quán, nhưng cũng nhiều phen “đau tim”… Ra Bắc, chúng tôi được Thầy dạy đi thăm và đảnh lễ các tháp Tổ ở miền Bắc, đặc biệt là đi thăm núi Yên Tử. Đây là nơi mà các vị vua đời Trần đã rũ bỏ “áo mão cân đai” để lui về tu tập, trong đó có vua Trần Nhân Tông, sau này là người đã khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái đặc thù Việt Nam, một thiền phái của đạo Bụt Dấn thân mà bây giờ Thầy trò chúng tôi đang tiếp nối. Thầy bảo: “Chuyến đi này là chuyến đi thăm quê, ngoài việc tiếp xúc với tổ tiên, với quê hương đất nước, xã hội và trải nghiệm, các con sẽ có thể không được phép tổ chức những ngày tu chánh niệm như bên này, các con cũng sẽ tiếp xúc với những mặt trái của đất nước, xã hội và có những cái có thể làm cho các con bị sốc, nhưng các con đã được chuẩn bị kỹ, lại có sự thực tập nên sẽ không đau khổ và thất vọng như những người trẻ khác khi họ về Việt Nam lần đầu. Mỗi bước chân thảnh thơi, an lạc, mỗi nụ cười tươi sáng, hiền hòa, mỗi cử chỉ yêu thương đều là những bài pháp thoại không lời, sống động mà các con có thể cống hiến cho quê hương”.
Chuyến đi ấy đã khơi dậy trong lòng những người trẻ lớn lên ở hải ngoại như chúng tôi tình yêu thương đất nước vô bờ bến. Ai cũng sẵn sàng về lại nhiều lần để góp sức xây dựng quê hương của mình được đẹp đẽ như tổ tiên đã làm trong thời đại Lý-Trần. Mỗi lần được ngồi chơi với Thầy, Thầy luôn quan tâm đến Việt Nam. Thầy nói nếu Thầy về không được thì sau này các con sẽ về giùm cho Thầy. Đất nước của mình đã trải qua quá nhiều khổ đau, đổ vỡ và đang đối mặt với nhiều thách thức. Hơn một nửa dân số được sinh ra sau chiến tranh và có khi trải nghiệm những cái khổ mà không biết tại sao mình khổ. Thế hệ trước thì vẫn mang nhiều hiềm hận, thương tích, chia rẽ, còn thế hệ sau lại đang có cảm giác lạc hậu và choáng ngợp trước những phát triển của thế giới công nghệ, và nhiều người không định hướng được mình sẽ ứng phó như thế nào.
Chuyến đi khép lại với những niềm vui, sự hãnh diện và bao điều thao thức đối với anh chị em chúng tôi. Trước hết là cái đẹp về núi non, sông nước hữu tình. Chúng tôi khi còn ở Việt Nam, vì điều kiện không cho phép nên chưa bao giờ được vân du trên khắp các vùng đất nước, nhưng sau chuyến đi chúng tôi đã giật mình hãnh diện, không ngờ đất nước của mình lại đẹp như thế. Hèn chi Thầy đã viết bốn câu thơ ca tụng Việt Nam để tặng cho các bạn trẻ Việt Nam như chúng tôi khi tới Làng:
“Lắng lòng nghe tiếng gọi quê hương
Sông núi trông ra đẹp lạ thường
Về tới quê xưa tìm gốc rễ
Qua rồi cầu hiểu tới cầu thương.”
Tiếng gọi quê hương
Quả đúng như thế. Chúng tôi không ngớt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật là một đất nước với núi non, sông hồ thơ mộng. Con người hình như thân thiện hơn, niềm nở hơn, tươi vui hơn. Điều này do một du khách Tây phương đã nói với tôi khi tôi gặp bà ở bãi biển Nha Trang. Có nhiều thứ để nói về đất nước và con người Việt Nam lắm. Những cái hay, cái đẹp ấy đang được ông bà, cha mẹ gìn giữ. Ông bà, cha mẹ là những chiếc cầu để con cháu được kết nối với tổ tiên.
Song, bên cạnh đó, nhiều trải nghiệm khác đã khiến chúng tôi nghĩ là sẽ tiếp tục trở về để góp sức xây dựng đất nước bằng chính nếp sống đạo đức tâm linh mà bao thế hệ tổ tiên đã dày công bồi đắp. Chúng tôi thấy đất nước còn quá nhiều khó khăn, khổ đau, nghèo đói, bức xúc, lo lắng, sợ hãi, tranh đua, nghi kỵ, bạo động; tuổi trẻ chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng; dư âm của những vết thương chiến tranh, hận thù và bất công còn đọng lại nơi từng tế bào của mình, không có gì mất đi cả. Tôi nhớ có lần ngồi trên xe lửa đi ra Hà Nội, tôi gặp một anh thanh niên với khuôn mặt thanh tú đang bán trứng vịt lộn. Tôi bắt chuyện hỏi thăm và được biết là anh đã tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng không tìm được việc làm, cuối cùng phải đi bán trứng vịt lộn để kiếm sống. Tôi thật xót xa. Chúng tôi chợt hiểu được trái tim của Thầy, hiểu được tình yêu thương mà Thầy luôn dành cho Việt Nam, luôn khuyến khích các học trò sau này phải về Việt Nam để thay Thầy xây dựng đất nước bằng sự tu học của mình. Niềm thương cảm quê hương dâng tràn, trong lòng mỗi anh chị em chúng tôi, ngọn lửa yêu thương đã được nhen lên cùng với lời phát nguyện sẽ tiếp tục về Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, đất nước của mình còn có nhiều nghèo đói, còn lạc hậu nhiều khía cạnh, và điều quan trọng hơn cả chính là thiếu đi sự thống nhất lòng người, thiếu chất liệu hiểu và thương vốn là một chất liệu quan trọng mà tổ tiên của mình trong thời Lý-Trần đã sử dụng để xây dựng non sông. Chúng tôi luôn lạc quan về đất nước của mình vì hạt giống của đạo Bụt, của hiểu và thương đã được gieo bởi tổ tiên của mình qua nhiều thế hệ vẫn còn đó trong chiều sâu tâm thức người dân. Chỉ cần tưới tẩm là nó sẽ nảy mầm. Niềm tin về đạo Bụt trong lòng người Việt là không thể nghi ngờ.
Tới năm 2003, tôi lại có cơ duyên về Việt Nam để mở khóa tu cùng với các sư anh, sư chị và sư em của tôi. Chúng tôi đã về quê hương với một trái tim thuần khiết và tràn ngập yêu thương. Niềm ước mơ duy nhất là chung tay xây dựng và bồi đắp, làm đẹp quê hương với nếp sống đạo đức tâm linh của mình. Mọi việc không hề dễ dàng như chúng tôi nghĩ. Kể từ đó, chúng tôi đã có thêm nhiều chuyến về nữa kể cả những chuyến trở về cùng với Thầy. Sau ba chuyến trở về của Thầy và tăng thân, đã có nhiều người trẻ xuất gia. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng người trẻ xuất gia đã lên tới gần 400 người. Nhiều cơ hội đã mở ra và cũng không ít những khó khăn, thách thức mà chúng tôi phải đối mặt. Giấc mơ đồng hành với những người trẻ Việt Nam trên con đường hiểu và thương để xây dựng một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam đẹp đẽ hơn, thuần từ hơn, hạnh phúc hơn và an vui hơn đã bị tổn thương trầm trọng. Dù vậy, chúng tôi không giữ một niềm thù hận nào, không chán nản và tuyệt vọng. Tình yêu của chúng tôi cho Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Giờ đây, những người xuất sĩ trẻ chúng tôi đang tu tập và cống hiến cho hàng trăm ngàn người ở ngoài nước, nhưng trong lòng vẫn ấp ủ một ngày nào đó, nếu nhân duyên đầy đủ cũng sẽ trở về để tiếp tục thực hiện giấc mơ Việt Nam. Những gì huynh đệ chúng tôi đang làm ở nước ngoài cũng là đang làm cho Việt Nam. Chúng tôi luôn có niềm tin và hy vọng đối với đất nước mình. Chúng tôi vẫn tự hào là mình đang cống hiến cho xã hôi Tây phương một đạo Bụt phát xuất từ Việt Nam, đạo Bụt Dấn thân, một đạo Bụt Ứng dụng đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn trong đời sống.
Tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan
(Hết phần 1)
Ngoại chạy theo nắng
Ngoại thương,
Sáng nay, một buổi sáng làm biếng, con có cơ hội chơi với mình nhiều thêm một chút nữa. Con thích dậy sớm lắm! Dậy sớm là cơ hội cho con được nhìn thấy mọi loài còn đang say giấc, được ngắm những thân cây gầy khúc khuỷu, những cành khô nằm trơ mình trong không trung, để được nghe hơi sương của đông lạnh, để cảm nhận được cái yên của đất trời và đặc biệt là để “chứng tỏ một miếng” với những bạn thiên nhiên ngoài kia là con cũng có thể dậy sớm được.
Khi vũ trụ còn chưa kịp choàng áo mới thì con đã ngồi yên ở góc nhỏ yêu thích của mình. Con có một chỗ học đẹp lắm ngoại ạ! Con thường quay về nơi đây sau những thời khóa của đại chúng hoặc nếu có trống vài phút nào đó được nghỉ ngơi, con cũng tận dụng cơ hội để ngồi yên với mình. Từ đây, con có thể nhìn ra bên ngoài một cách toàn diện và hoàn hảo. Không có gì có thể che khuất bất cứ một phần nào trong bức tranh được dệt bằng chất liệu thiên nhiên trước mặt con. Thênh thang và rộng mở.
Mùa này tuy nắng không xuất hiện nhiều và gay gắt như mùa hè nhưng mỗi lần nắng biểu hiện là nắng đem hết tất cả những cái đẹp của nắng hiến tặng cho đất trời và cho mọi người, trong đó có con. Những ngọn cỏ non còn đọng sương khuya thi nhau nô đùa cùng nắng. Còn nắng thì dễ thương chi lạ! Nắng lúc nào cũng nói với những ngọn cỏ là: để mình trang điểm cho bạn, để mình làm đẹp cho bạn. Thế là con chỉ việc thưởng thức và nhìn ngắm cả cánh đồng long lanh sắc màu kim cương trải dài bất tận. Nhìn và ngắm như thế không lúc nào con quên được cái nắng của quê mình ngoại ạ. Nắng ở đây gắt lắm cũng không bằng nắng ở quê ngoại, nắng ở đây có chút gì dịu hiền, nhẹ nhàng pha chút mỏng manh và có hơi sang trọng kiểu đủ đầy. Nắng quê mình thì thật thà, chất phác và tốt bụng. Nắng ở đây có tu tập nên nắng sẵn sàng cống hiến những năng lượng bình an đó cho con người trị liệu. Nắng quê mình thì nhờ có Thầy mà để cho những hạt giống lành trong kho được biểu hiện. Nắng hết lòng giúp đỡ những ai đang còn trong tình trạng khó khăn và cần nắng để canh tác và lao động. Con nhớ nắng thiệt nhiều!
Ngoại ơi, nắng là ngoại đó, ngoại có biết không? Con nhớ hồi ở nhà, mỗi khi hè về, xoài ra bông rồi cho trái là con có dịp được ăn bánh tráng xoài ngoại làm. Ngoại là người sống cần kiệm và thương người. Vì kính Bụt, thương Thầy nên ngoại thường để dành những trái xoài đẹp nhất, lành lặn nhất mà ngoại hái từ trên cây xuống, đem lên cúng Bụt chùa, cúng Thầy, sau đó mới cúng Bụt nhà rồi tới những người hàng xóm xung quanh – những nhà không có xoài ngon để ăn – mà quê mình hầu hết nhà nào cũng có xoài, rồi mới tới lượt ba mẹ con trong đó có con. Và những trái cuối mùa dành cho ngoại – người cuối cùng. Xoài nhà ngoại nhiều lắm, cả một vườn bao xung quanh. Vì nhiều nên ngoại dùng những quả còn sót lại cùng với những quả chín rụng từ trên cây xuống, đã bị chim ăn hay bị ruồi chích. Ngoại lượm lại, cắt bỏ những phần không xài được, rửa sạch dùng làm bánh tráng xoài. Ngoại thường hay bảo: đồ còn dùng được không nên vứt đi mà tội trời. Thế nên ngoại có nhiều thiệt nhiều rổ xoài để làm bánh.
Bánh xoài ngoại làm ngon, thơm và sạch nữa. Những công đoạn ngoại làm rất công phu và thật kiên nhẫn, kiên nhẫn nhiều lắm. Ngoại lột vỏ xoài trước, cắt nhỏ, lọc xác qua những cái rổ để lấy phần nước, rồi ngoại cho dung dịch ấy vào một cái xoong, thêm vào tí muối, tí ớt, nêm nếm rồi bắc lên bếp nấu, chờ cho đến khi sôi mới nhấc xuống và cho ra từng chiếc khay. Ngoại để dành nhiều bao ni lông to để làm lớp lót. Ngoại dùng hai ba cái thìa mỏng để tráng làm sao cho nó phẳng ra như những cái bánh tráng sữa sầu riêng miền Tây mà không để bị dày, càng mỏng thì càng ngon. Tay ngoại làm chuyên nghiệp lắm, như một người sản xuất làm trong nhà máy thứ thiệt vậy. Sau khi thành phẩm ra đời rồi, công đoạn cuối cùng để bánh có thể dùng được là việc khó nhất. Ngoại, từ ấy, chính thức chạy theo nắng. Nắng trở thành tâm điểm để ngoại chạy theo. Chỗ nào có nắng thì ngoại đem ra phơi, hết nắng thì ngoại lại phải dời đi chỗ khác. Một ngày không biết mấy lần.
Ngoại ơi, đi tu con có cơ hội để biết, để tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên. Hồi trước con không hề biết thiên nhiên là một điều kiện hạnh phúc sẵn có mà mình không cần phải tìm kiếm chi cả. Thiên nhiên cho mình nhiều thứ để trị liệu và cũng là một người bạn mang hạnh lắng nghe của đức Bồ tát Quan Thế Âm, luôn ở đó cho mình mỗi lần mình cần người để trút hết bao nỗi buồn và những khó khăn. Đã nhiều lần con tự hỏi sao mình lại có cảm giác gì đó quen thuộc và thân thương với thiên nhiên đến như vậy? Nhìn sâu, có khi con thấy thiên nhiên gần gũi với mình lắm, có gì đó lạ lạ ở đây. Con chỉ khởi lên suy nghĩ và cảm giác ấy thôi rồi dừng lại ngay sau đó chứ con không cố đi tìm cho ra nguyên nhân. Con để cho nó tự nhiên như nó. Bây giờ con đã hiểu ra rồi ngoại ạ. Thiên nhiên chính là ngoại, ngoại là thiên nhiên. Nắng đích thực là ngoại và ngoại là nắng.
Những ngày nhiều nắng, ngoại sang nhà con ăn cơm. Con nấu những bữa cơm cho ngoại, ngoại có mặt hoàn toàn để thưởng thức từng món ăn của con dù có ngon hay không. Lúc đó, ngoại cũng thong thả mà không cần phải lo lắng cho những cái khay bánh tráng xoài ngoại đang phơi ở nhà. Nhưng cũng có những ngày nắng không đủ khỏe để hiến tặng hết lòng. Những ngày ấy nắng quê mình giống nắng ở đây vậy, chỉ nhẹ nhàng và dịu dàng có mặt với vũ trụ thôi. Thế là bao lo lắng đến với ngoại trong những bữa ăn cơm ở nhà con. Ngoại không dùng trà, không xem tivi, không trò chuyện sau những bữa ăn ấy mà vội vàng trở về nhà để chạy theo nắng. Ngoại đã chạy theo nắng cùng những khay bánh tráng xoài, nắng tới đâu ngoại chạy theo tới đó. Cái ngon của nắng đi vào biểu hiện trong những chiếc bánh tráng xoài. Những khay bánh tráng xoài có bao nhiêu nắng trong đó là có đủ bấy nhiêu tình thương của ngoại hòa vào. Ngoại đem cúng dường lên Thầy, cúng dường cho những tu viện, rồi cho những người ngoại biết ơn, cho những người khách… Dĩ nhiên ngoại là người vừa tỉ mỉ mà cũng là người chuộng hình thức đẹp nữa nên những chiếc bánh ngoại muốn đem cho, ngoại đều cắt thành hình cho vuông vức và gói nó vào những chiếc bao ni lông thật ngay ngắn. Con thì thích ăn những cái rẻo còn lại, nghĩa là những phần dư mà ngoại cắt ra, nên có bao nhiêu ngoại đưa hết cho con, con với ba con là hai thí sinh tham dự hết lòng trong “chương trình tiêu thụ” những cái rẻo ấy. Con nhớ cái cách ngoại nhìn con ăn ngấu nghiến và ngon lành như thế. Ngoại vui lắm, gương mặt ngoại sáng ngời, nụ cười ngoại xinh tươi tỏa nắng và lúc nào ngoại cũng dừng lại ở câu: “Ai mà sướng dữ rứa không biết?”. Ngoại thật biết chọc con lắm!
Ngoại ơi, hình ảnh ngoại chạy theo nắng ấy làm con chẳng thể nào quên được. Con ở đây, được có cơ duyên làm một người tu, được ngắm nắng chạy dài trên những cánh đồng bao la bất tận, được làm một người tự do du hành và được đi trên con đường mà Bụt đã đi qua, là nhờ bao nhiêu phước đức của ngoại và của tổ tiên để lại cho con. Ngoại đã chạy để cho con được đi nhẹ nhàng thảnh thơi. Bây giờ thì ngoại không cần phải chạy nữa vì con đang đi cho ngoại đây rồi. Ngày nào con cũng thấy ngoại cả. Con hạnh phúc lắm. Con biết ngoại rất vui và hạnh phúc khi con “trọc đầu”. Con nói chơi vậy thôi, chứ hồi con xin đi tu ngoại cũng khóc, dù những giọt nước mắt ấy đã từng lăn dài, triền miên, không ngớt nhiều tháng ngày trong quá khứ vì con của ngoại cũng là một người mang hạt Bồ đề lớn trong tâm. Con đã đi theo con của ngoại rồi đó và con đang là sự tiếp nối đi về những điều đẹp lành của ngoại đây rồi.
Con đang học lại từ đầu, làm lại từ đầu, từ những bước chân đi, từ lời nói, hành động đến những thói quen, sinh hoạt hằng ngày. Con thấy mình may mắn lắm vì bên con có những người thầy dạy cho con giới luật và uy nghi, chỉ cho con những điều con làm chưa đúng chưa hay, làm gương cho con về lối sống của Bụt, của Sư Ông, Sư cô. Từ đó con tập cho con lớn lên, tự bước đi những bước chân chánh niệm, tự thở những hơi thở ý thức và học cách sống một mình mà không phải dựa dẫm vào ngoại, vào ba mẹ như hồi còn ở nhà. Con đã quen được ngoại cưng chiều, cái gì ngon ngoại cũng cho, cái gì đúng ngoại bênh vực, mà theo đó con nhõng nhẽo với ngoại, nhưng cũng không thiếu đi sự dạy dỗ ngoại dành cho con. Ấy vậy mà có khi ngoại la rầy con, con lại giận dỗi trách móc và đem so sánh: ngoại dữ hơn nội. Con làm ngoại buồn mà con đâu hề hay biết. Con theo thói con nít mà cư xử. Ngoại ơi, con xin lỗi ngoại vì những vụng về còn lắm hoang sơ ấy của con nhé. Giờ con thấy con đang lớn nhiều ngoại ạ. Con bớt nhõng nhẽo và cũng bớt con nít hơn. Nhiều lúc con cũng yên lặng như đang là ngoại vậy.
Năm nay con chính thức bước ra khỏi cái nôi để bắt đầu đi những bước chân có ý thức. Sự tu tập của con, con xin gói ghém lại để dành tặng ngoại, cho những niềm biết ơn sâu dày của con, cho những điều mà ngôn từ của con không thể diễn đạt hết được. Ngoại ơi, con đang tu cho ngoại, thở cho ngoại và cười nụ cười tỏa nắng của ngoại đây!
Sáng nay con có cơ hội đi bộ với sư chị của con, một thoáng dừng lại, nhìn sang hai bên đường, con thấy nắng đang nhảy múa, hát ca cùng những giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Con mỉm miệng cười, nghe lòng rộn tiếng an vui. Rồi con thấy ngoại, bóng hình chạy theo nắng đã và đang đi vào từng tế bào trong con, lưu nhuận và nuôi dưỡng con.
Núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng
Vào ngày 15.4.2015, Thầy Pháp Thắng và con đáp máy bay từ Bordeaux đi Tokyo để chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp ở Nhật của tăng đoàn Làng Mai năm 2015. Mỗi chúng con được phép tăng thân ghé thăm gia đình của mình ở Yokohama, một thành phố nằm cạnh Tokyo, rồi sau đó mới bắt tay vào việc.
Trên máy bay, con mở một phim sử thi ra xem, và không lâu sau con đã bắt đầu gà gật. Trong cơn mơ màng, con nghe Pharaoh Ramses của Ai Cập nói với đứa con trai đang ngủ của ông: “Con ngủ say như thế là bởi vì con biết con đang tắm giữa tình thương.” Câu nói này làm lòng con dâng lên một niềm biết ơn mà trước đây con chưa biết đến. Con biết ơn tất cả những thiện duyên đã giúp con có khả năng ngủ một cách thoải mái bất cứ nơi nào, giờ nào. Với niềm biết ơn đó, con đã đi vào một giấc ngủ thật sâu mấy tiếng đồng hồ, và chỉ bị đánh thức sau một cú dội nhẹ khi máy bay chạm đất.
Hủy bỏ hay không hủy bỏ, đó không phải là vấn đề
Vào năm 2011, chuyến hoằng pháp ở Nhật của Thầy đã bị hủy bỏ vì thảm họa sóng thần và vụ nổ nhà máy điện hạt nhân. Những năm vừa qua, một nhóm thiền sinh người Nhật đã làm việc không mệt mỏi để tổ chức một chuyến đi khác. Cuối cùng thì nhân duyên đã hội tụ đầy đủ để Thầy sang hoằng pháp ở Nhật vào mùa xuân 2015. Chúng con đã nghĩ như thế.
Mùa hè 2014, sức khỏe của Thầy yếu đi, các bạn Nhật bắt đầu lo ngại, không biết Thầy có thể sang Nhật được hay không. Người Nhật có thói quen lên kế hoạch trước, vì thế mọi việc đã được sắp xếp sẵn sàng cho chuyến hoằng pháp. Họ đã thuê địa điểm cho các khóa tu và các pháp thoại công cộng. Ngay vào lúc chuẩn bị bắt đầu cho mọi người ghi danh đăng ký, họ nhận được tin Thầy bị tai biến.
Chúng con biết Thầy sẽ không bao giờ muốn hủy bỏ chuyến hoằng pháp ấy. Thầy muốn đại chúng tiếp tục công việc của Thầy. “Thầy có trong tăng thân. Thực tập của chúng ta là không kính ngưỡng một cá nhân, mà là nhận diện và nuôi lớn Bụt – Pháp trong Tăng thân.” Thầy đã nhắc đi nhắc lại câu ấy rất nhiều lần. Vì thế quý thầy, quý sư cô cùng các bạn thiền sinh đều biết mình phải làm gì. Nói như thế không có nghĩa là việc quyết định tiếp tục chuyến hoằng pháp không có Thầy đã diễn ra một cách suôn sẻ, hoàn toàn không có một chút lo lắng, sợ hãi nào, nhất là đối với các bạn thiền sinh đang phải chịu trách nhiệm về mặt tài chánh của chuyến đi. Nhờ vào sự khuyến khích của thầy Pháp Khâm, sư cô Thoại Nghiêm và nhiều người khác mà các bạn ấy đã có đủ can đảm tiếp tục. Việc tổ chức khóa tu là sự thực tập tin vào tuệ giác của Thầy, tin rằng điều quan trọng vẫn là sự duy trì chánh niệm miên mật của mỗi chúng ta, rồi mọi việc khác theo đó sẽ được tốt đẹp.
Mỗi khi có khó khăn hay trở ngại trong việc đem giáo pháp chia sẻ với người dân Nhật Bản, con lại nhớ đến Đại Hòa Thượng Giám Chân. Sau khoảng mười hai lần cố gắng, Ngài mới có thể đem giáo pháp từ Trung Hoa sang truyền bá tại Nhật Bản. So với những gì Ngài đã đi qua, những trở ngại của chúng con quả là không đáng kể. Trên một bình diện sâu hơn, con thấy những gì mình cho là trở ngại chỉ là những ảo tưởng mà mình tự tạo ra do cái tâm bận rộn và hạn hẹp của mình mà thôi. Con có niềm tin là nếu chuyện gì cần xảy ra thì Bụt Tổ sẽ yểm trợ thiện duyên để chuyện đó được biểu hiện, còn nếu nó không xảy ra là vì chưa phải lúc. Vậy thôi.
Nhìn lại những gì diễn ra liên quan đến chuyến đi, con thấy như thế đã là quá tốt. Ban đầu lượng người đăng ký cho khóa tu rất ít. Địa điểm tổ chức khóa tu nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Thật may mắn, trước khóa tu một tháng, loạt phóng sự về Thầy và Làng Mai đã được chiếu trên đài NHK – đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Nhật Bản. Nhờ đó, lượng người đăng ký đến khóa tu đã tăng vọt lên đến mức tối đa là 450. Thậm chí có người còn phải ghi tên vào danh sách chờ.
Nếu Thầy có mặt ở khóa tu, chắc sẽ có đông người tham dự hơn, nhưng có thể trong đó cũng không ít người đến chỉ để được gặp Thầy. Có thể thấy những thiền sinh đến với khóa tu này, dù biết rằng Thầy không có mặt, là những người thực sự có tâm tu học. Vì thế, năng lượng thực tập được chế tác trong khóa tu rất hùng mạnh.
Có một số người chia sẻ rằng khi nghe pháp thoại của các vị giáo thọ Làng Mai, họ cảm thấy rất gần gũi và dễ tiếp nhận. Trước đây, có lẽ vì quá thần tượng hóa Thầy nên những người này có mặc cảm là sẽ không bao giờ có thể thực tập được như Thầy. Điều đó đã trở thành một chướng ngại khiến cho họ khó có thể tiếp nhận hoàn toàn những lời dạy của Thầy. Con nhớ lời Thầy dạy là mình phải luôn cẩn trọng với xu hướng tuyệt đối hóa, thần thánh hóa vị thầy của mình, dù đó là Bụt. Có thể thấy thông điệp này rất rõ trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng. Trong khóa An cư 2012-2013, Thầy cũng đã mời đại chúng cùng quán chiếu và thực tập điều này để xem mình có phải là “tri kỷ của Bụt” hay không.
“Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm”… Với 1000 cánh tay của Bồ tát Quán Thế Âm, pháp Bụt đã có mặt rất khế cơ khế lý, đáp ứng kịp thời cho mọi hoàn cảnh. Các bạn thiền sinh Nhật thật là may mắn khi được hưởng những bài pháp thoại do quý thầy, quý sư cô giáo thọ từ các trung tâm Làng Mai ở khắp nơi về giảng dạy. Con chắc Thầy sẽ rất hạnh phúc khi thấy quý thầy, quý sư cô chung tay làm việc trong tình huynh đệ và tiếp tục đem giáo pháp của Bụt đến cho mọi người theo cách thức rất riêng của từng vị.
Cuối khóa tu, rất nhiều tăng thân đã được thành lập trên toàn nước Nhật. Cho đến nay các tăng thân này vẫn tiếp tục duy trì sự tu tập một cách thường xuyên. Họ thường được cô Anh Hương và chú Thư, hai vị giáo thọ cư sĩ thuộc tăng thân Thuyền Từ ở Washington cho pháp thoại qua mạng bằng Skype.
Tiếp xúc với tổ tiên đất đai và làm mới chính mình
Mỗi khi trở về Nhật, con thường ở lại nhà một người cô tại Yokohama. Cô của con là giáo thọ trong một truyền thống khác của đạo Bụt. Một tuần bảy ngày, cô dậy sớm đi ngồi thiền lúc 5 giờ sáng ở một trung tâm sinh hoạt cộng đồng trong vùng. Sau đó, cô trở về nhà ngồi trước bàn thờ Bụt tụng một thời kinh ngắn và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã hiến tặng cho mình một ngày mới. Bất cứ khi nào nhận được một món quà, điều đầu tiên cô làm là dâng món quà đó lên tổ tiên của mình. Khi nhận được những gói mận khô và những lọ mứt mận con mang sang từ Làng, cô cũng đã làm như thế. Sáng hôm sau, dượng con (chồng của cô) đã được thưởng thức mận khô, mứt mận với yaourt tự làm, bánh mì nướng và cà phê, những thức ăn quen thuộc mà sáng nào dượng cũng dùng.
Người Nhật không có thói quen chào bằng cách ôm nhau. Nhưng lần trước khi con đến thăm, cô dượng đã thấy con và con gái của cô dượng – chỉ nhỏ tuổi hơn con một chút – chào nhau bằng một cái ôm thật chặt. Thế là lần này khi con vừa mới đến, họ đã lập tức ôm con ngay (dù vẫn còn hơi ngượng ngùng) với một nụ cười rạng rỡ. Cô và dượng con đã trên 70 tuổi và khá là truyền thống, do đó con đã rất xúc động khi thấy hai người có tinh thần “chịu chơi” như vậy. Họ đã rất mở lòng và lắng nghe với một sự hiếu kỳ khi con kể về cuộc sống tu tập của mình ở Làng Mai.
Một trong những thực tập mà con rất thích là thực tập trong nhà vệ sinh. Con càng đặc biệt thích sự thực tập này mỗi buổi sáng trong thời gian ở tại nhà cô. Phòng tắm của cô lúc nào cũng được trang hoàng bằng một lọ hoa tươi, trên tường có treo một câu thư pháp nhật dụng. Trong một không khí như vậy, con thấy mình sử dụng phòng vệ sinh rất thong thả, buông thư, không quên thưởng thức câu thư pháp trên tường trước khi bước ra khỏi cái “thiền đường” nho nhỏ ấy.
Xe của cô cũng là một “thiền đường”. Mỗi khi cô ngồi vào sau tay lái, cô đều chắp tay lại rất nghiêm trang và nói: “Cám ơn xe đã giúp tôi đi đường một cách an toàn.” Nhờ cô mà con biết chắp tay lại đọc bài kệ lái xe mỗi khi con ngồi vào sau tay lái.
Đây là chuyến trở về Nhật Bản lần thứ ba trong cuộc đời xuất gia của con. Con thấy mình rất may mắn đã có thời gian để có mặt với gia đình và bạn bè, những người đã biết con từ lúc con chưa xuống tóc sáu năm về trước. Sau mỗi lần trở về, con đều thấy mình đã học thêm nhiều từ nếp sống của những người thân và bạn bè. Con nhận ra rằng dù phần lớn người dân Nhật không nghĩ là mình đang thực tập đạo Bụt một cách tích cực mà chủ yếu là chỉ đến chùa để làm đám tang hoặc cầu siêu, nhưng tinh thần chánh niệm vẫn đang có mặt trong nếp sống hàng ngày.
Từ khi còn nhỏ, trẻ con đã được dạy sau khi cởi giày ra phải xếp giày ngay ngắn và quay mũi ra ngoài trước khi bước vào phòng, giữ một cái khăn tay đã được ủi và xếp thẳng thớm trong túi để không phí phạm khăn giấy, khi trao vật gì cho ai thì phải đưa bằng hai tay… Người Nhật có đến 35 oai nghi trong cách sử dụng đũa mà phần lớn con không còn giữ nữa. Trong một lần đến chùa, một người bạn cũ đã nhắc con nên để ý hơn đến bước chân khi đi trong phòng có trải chiếu tatami. Chiếu tatami có các mép viền bằng vải màu, bước lên các mép này là không tôn trọng. Người bạn đó đã nhắc con phải luôn nhớ mang theo một đôi vớ sạch để mang trước khi bước chân vào chùa hoặc vào nhà của ai đó trong mùa hè để không để lại dấu chân có mồ hôi.
Thầy thường nhắc nhở con rằng đạo Bụt đã có sẵn trong huyết quản của người dân đất nước con, dù là Phật tử hay không Phật tử. Vì vậy điều quan trọng là cần giúp cho người dân Nhật trở về để tiếp xúc với gia tài tâm linh của mình.
Còn mãi trong nhau những nụ cười
Khi nhóm tiền trạm từ Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) và từ trung tâm Thái Lan đến, quý thầy, quý sư cô được sắp xếp nghỉ lại tại chùa Nhật Tân (Nissinkutsu), ở ngay trung tâm Tokyo. Chùa này do sư cô Tâm Trí – người Việt điều hành. Nhờ sự tận tâm của sư cô đối với cộng đồng người Việt ở đây nên có rất nhiều Phật tử Việt Nam đến chùa yểm trợ. Từ ngày phái đoàn Làng Mai đến Nhật, các cô bác người Việt đã chăm sóc quý thầy, quý sư cô rất hết lòng, cúng dường phái đoàn ba bữa ăn mỗi ngày. Tuy nhiên sau một vài hôm, quý sư cô nhận ra rằng từ khi đến Nhật chưa được ăn thức ăn Nhật lần nào. Thế là con gọi điện thoại cho cô của con và sắp xếp để các sư cô đến dùng cơm tối tại nhà cô. Dù là sắp xếp vào giờ chót, cô vẫn vui vẻ chuẩn bị một bữa ăn Nhật theo kiểu gia đình để đãi chúng con. Sau khi ăn xong, cả sáu sư cô cùng vào bếp để giúp cô rửa chén bát và dọn dẹp. Sau đó, chúng con hát tặng cô bài “In gratitude” (Lòng biết ơn) trước khi trở lại chùa.
Sau này cô của con có chia sẻ là cô đã rất cảm động trước sự thực tập của quý sư cô vào buổi tối hôm đó. Phần lớn các sư cô đi cùng hôm ấy đều còn trẻ trong tuổi đạo, và sư cô Linh Nghiêm là sư cô lớn nhất. Chỉ nhìn cách sư cô Linh Nghiêm nói chuyện trong bữa ăn, cô của con đã nhận ra sư cô là một giáo thọ lớn. Vì vậy sau bữa ăn, khi thấy sư cô Linh Nghiêm cùng các sư cô khác giúp dọn dẹp, lau chùi dầu mỡ đã văng ra trên bếp, cô của con đã rất cảm phục trước sự thực tập hạnh khiêm cung của sư cô. Từ đó, cô con cảm thấy có niềm tin nơi pháp môn thực tập của Làng Mai. Cô nhắc cho con nhớ là mình rất may mắn được tu tập trong một môi trường tốt, có những người đi trước như sư cô Linh Nghiêm để noi theo, ngoài ra lại còn có rất nhiều các sư cô lúc nào cũng tươi vui, dễ thương và vững chãi cùng đi trên một con đường.
Một lần khác, sau ngày quán niệm dành cho y bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện St Lukes, một vài vị trong chúng con được mời đi dùng cơm tối tại nhà hàng với giám đốc bệnh viện. Trên đường về, vì đã khá muộn nên chúng con quyết định đón taxi. Gió thổi mạnh báo hiệu một cơn mưa sẽ đến. Không đủ chỗ trong xe cho tất cả mọi người nên con cùng một người bạn, vì quen đường hơn những người khác, đã tình nguyện đi tàu điện ngầm thay vì đón thêm một chiếc taxi khác. Sau khi vẫy tay chào chiếc taxi chở đầy quý thầy và quý sư cô, chúng con rảo bước về trạm tàu điện ngầm gần nhất. Một lúc sau, chúng con thấy thầy Pháp Ấn đuổi theo phía sau. Chúng con ngạc nhiên vì chúng con nhớ là thầy đã lên xe taxi lúc nãy rồi. Trên tay thầy đang cầm một cây dù và thầy muốn đưa cây dù cho chúng con để phòng lúc trời mưa. Bạn của con đã vô cùng cảm động trước cử chỉ quá sức dễ thương của thầy. Cô ấy nói rằng có thể cô ấy sẽ quên những gì thầy đã giảng trong những bài pháp thoại, nhưng cô ấy sẽ không bao giờ quên được sự khiêm cung và lòng tốt của thầy.
Tại sao núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng?
Một điều may mắn là năm nay, khóa tu năm ngày được tổ chức tại một địa điểm rất gần núi Phú Sĩ. Nếu nhân duyên thuận lợi thì đây sẽ là một khóa tu được tổ chức định kỳ hàng năm.
Trong suốt khóa tu, thời tiết rất đẹp, vì vậy mọi người có cơ hội thưởng thức thiền hành và tận hưởng quang cảnh tuyệt đẹp của núi Phú Sĩ với không khí trong lành bao quanh. Một thiền sinh hỏi con: “Sư cô có biết tại sao núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng như thế không?” Con hỏi tại sao, chú ấy đáp: “Bởi vì mọi người trên thế giới luôn nói cho núi biết, rằng núi rất đẹp và vững chãi.” Con muốn sụp lạy trước mặt vị Bồ tát đã nói cho con một điều rất hiển nhiên, mà chính con không thấy được. Có thể nói đó chính là Duy biểu học ứng dụng. Đây là điều mà con cần ghi nhớ, đặc biệt là trong mùa soi sáng.
Từ đầu cho đến cuối chuyến hoằng pháp, con hoàn toàn được đắm mình trong sự giàu có của giáo pháp. Con biết ơn Tam Bảo đã cho con cơ hội được trải nghiệm một chuyến đi tuyệt vời như thế trên chính quê hương con.
Bàn tay chạm tới trăng sao
Những ngày cuối đông…
Nhập Lưu đón con về vào một ngày cuối đông mưa rơi nhè nhẹ. Đôi mắt vẫn còn mệt mỏi sau một chuyến bay dài ngước lên nhìn khung cảnh xung quanh nơi mình sẽ sống. Tai con nghe loáng thoáng đã tới nơi rồi mà sao chỉ thấy toàn là những hàng cây khuynh diệp khẳng khiu, sần sùi hai bên đường. Đi thêm một đoạn nữa mới thấy thấp thoáng hai mái nhà nho nhỏ là nhà bếp và cốc Nến Ngọc. Một chút cảm giác lo lắng, bồi hồi len lỏi trong con nhưng rồi cũng qua đi nhanh chóng. Con mỉm cười với những gì đang hiện diện trước mắt và thầm nghĩ: Chào Nhập Lưu. Con đã tới rồi đây!
Nhập Lưu ẩn mình trong khu rừng tràm bạt ngàn rộng tới 55 mẫu. Có những ngày đôi chân con mải mê men theo những con đường nhỏ trong rừng mà sau này con mới biết đó là đường của các bạn kangaroo. Chạm tay vào những thân cây tràm con cảm nhận ẩn trong lớp vỏ sần sùi kia là một sức sống mãnh liệt, tuy khẳng khiu mà can trường đứng vững giữa đất trời. Từ khi đặt chân lên mảnh đất này, trong con không có sự xa lạ gì cả, cứ như là mình đã tới thật sự. Con nhớ ngày còn nhỏ, khi coi ti-vi, nhìn thấy những hình ảnh giống như những gì đang hiện diện trước mắt con đây, con thầm nghĩ: có bao giờ mình sẽ được sống trong khung cảnh giống vậy không, sao mà bình an, êm đềm quá đỗi! Bây giờ con đang được sống như ước mơ ngày còn nhỏ rồi.
Cái lạnh của những ngày cuối đông vẫn kéo dài dù trời đang chuẩn bị bước sang xuân, nhưng cảm giác lạnh cóng ấy đã được sưởi ấm bởi tình thương của quý sư cô dành cho chị em chúng con. Từng đôi tất, từ tất mang giày đến tất đi ngủ, rồi đến đồ ấm được trao tận tay hay đặt tại giường của từng chị em. Có những ngày ngoài trời mưa rỉ rả, cả nhà cùng quây quần bên bếp lửa hồng sau bữa ăn tối, uống trà rồi kể cho nhau nghe những mẩu chuyện từ ngày xưa cho tới ngày nay. Chị em chúng con như bầy chim non ríu rít kể đủ thứ chuyện, tiếng cười giòn tan vang vọng khắp nhà hòa lẫn với tiếng mưa rơi ngoài cửa. Ấm áp chi lạ!
Xuân về…
Màu trắng tinh khiết của hoa chiết không bi (chi không biết) phủ trên những con đường nhỏ, từng cánh hoa lấm tấm những hạt sương buổi sớm còn đọng lại. Mỗi khi đi thiền hành, gặp những cánh hoa đang e ấp kia thì những bước chân càng thêm nhẹ nhàng, chầm chậm, cứ sợ rằng mình sẽ giẫm lên hoa mất. Hoa của những ngày giao mùa. Bỗng một ngày, thấy có chút gì là lạ khi thức dậy. À, thì ra là đổi giờ rồi, mùa xuân thực sự tới rồi đó. Mùa xuân về mang theo không khí tươi mới. Trời đất bừng thức dậy sau một giấc ngủ đông dài nên tràn đầy sức sống. Muôn hoa đua nở khoe thêm nhiều màu sắc hiến tặng cho đất trời. Ngôi nhà nhỏ mà chị em con đang sống ngập tràn trong sắc hồng, sắc trắng, sắc vàng của hoa mười giờ, bồ công anh… Nắng về đậu trên từng cánh hoa, tán lá. Hoa gặp nắng mừng như mở hội, mọi thứ dường như sáng bừng thêm, không gian thênh thang, lòng người cũng thênh thang.
Ở Nhập Lưu, muốn trồng hoa gì hay cây gì cũng phải rào lưới thật kĩ, không thì mấy bạn kangaroo, wallaby, thỏ… buổi tối lại tới thăm. Có những ngày đi thời khóa về, sư cô Tịnh Quang ra thăm vườn, rồi bước vào nhà, miệng mếu máo: “Em ơi, chị buồn quá… tại vì… tại vì… mấy con thỏ, wallaby ăn hết mấy ngọn cây trà mi và hoa hồng rồi, ăn luôn cả hoa nữa.” Rứa mà, hoa hồng đó, trà mi đó vẫn bừng sức sống, ngày qua ngày vẫn âm thầm nảy những mầm non mới dù chiều cao không tăng thêm được chút nào, để rồi tới một ngày, một đóa hoa tươi tắn lại xuất hiện. Những cây lê cũng vậy, dù nhỏ bé nhưng vẫn kiên cường chống chọi với cái lạnh giá của mùa đông, để đến khi mùa xuân tới, những trái lê nhỏ xíu, xinh xinh được biểu hiện trong niềm vui thích của chị em chúng con. Rứa mà đến một ngày khi con đi ngang qua, nó đã hoàn toàn trụi lủi, mấy bạn wallaby lại ghé thăm tối hôm qua rồi. Hơi buồn một chút nhưng mỗi ngày, đôi mắt con vẫn nhìn thấy lá xanh, vẫn còn thấy sự sống đang tiếp diễn trong những cành cây nhỏ bé đó. Kỳ diệu thay!
Từng ngày trôi…
Con đường từ nhà ở đi lên nhà ăn quanh co uốn lượn. Con có nghe kể về Con đường huyền thoại ở Làng. Dù chưa được nhìn thấy trực tiếp, chỉ có một chút tưởng tượng trong đầu thôi, nhưng con cũng thầm đặt cái tên đó cho con đường mỗi ngày nâng bước con đi. Con đường huyền thoại ngang qua hồ Trăng Rằm, nơi đó có Mẹ Quan Âm ngồi thật lặng yên, dõi ánh mắt hiền hậu nhìn những đứa con của mình. Xung quanh Mẹ là những bông hoa súng đủ sắc màu đang nở rộ. Cảnh tượng thật thanh bình!
Hạnh phúc biết bao mỗi khuya thức dậy, con nhìn thấy ánh trăng sáng chiếu vào nhà, chiếu luôn cả con đường nhỏ đi lên thiền đường để công phu buổi sớm, cũng có khi bầu trời giăng đầy những vì sao. Đứng lại ngước mắt nhìn lên trời cao, trăng sáng quá, bầu trời đẹp quá mà cũng thật gần nữa. Con có cảm tưởng rằng chỉ cần đưa bàn tay với lên cao một chút là có thể chạm được tới bầu trời, chơi đùa được cả với trăng sao. Con hít thở những hơi thở thật sâu, thật bình an, nhẹ nhàng, cảm nhận mình thật may mắn và tự do. Mảnh đất này lành quá, êm đềm quá, tự bao giờ nó đã đi vào tâm hồn con và ngự trị ở đó mất rồi. Con trân quý từng phút giây của cuộc sống hiện tại và tận hưởng nó thật hết lòng. Con sợ con bỏ lỡ sự sống đang có trong con và xung quanh con.
Đổi từ một chúng lớn ở Việt Nam sang một chúng nhỏ chỉ có vài chị em sống với nhau, với môi trường mới giữa mảnh đất thênh thang này là một thử thách đối với con, nhưng càng ngày con càng thấy đây là một cơ hội. Cơ hội để làm mới chính mình, từ thân tới tâm. Mới qua bốn tháng mà sư cô Thuần Tiến đã nói với mấy chị em con: “Ở đây, ai không biết lái xe là một thiếu thốn lớn”, rồi sư cô hỏi: “Các em có muốn học lái xe không?” Chúng con trả lời một cách nhanh chóng “Dạ muốn” trong sự vui thích như sắp được khám phá một điều mới lạ. Thế là ngày hôm sau, bài học đầu tiên là tập lái xe trên những con đường quanh co, lên đồi xuống dốc chung quanh thiền viện. Chạy ngang qua hồ Trăng Rằm, sư cô dặn: “Đừng chạy xuống hồ tắm nghe mấy em, chị không biết bơi đâu nhé.” Con thường gọi những giây phút đó là những giây phút mà sư cô đang cùng chúng con chơi trò “cảm giác mạnh” và câu “thần chú” của sư cô là “Thắngggggg!”. Tay chân của chúng con còn cứng quá, chưa điều khiển được chân ga chân thắng nên cứ xém chút là lủi vô bụi. May nhờ có câu “thần chú” ấy của sư cô nên chưa xảy ra chuyện gì, cũng chưa xuống tắm hồ lần nào.
Cuối cùng ngày thi bằng L cũng tới sau một thời gian dùi mài kinh sử vào mỗi thứ Hai làm biếng trong thư viện của thành phố Ballarat, cách Nhập Lưu khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Chúng con phải ra thư viện vì cần làm những bài kiểm tra thử trên Internet, mà mạng ở Nhập Lưu lại rất giới hạn về dung lượng. Mấy chị em con được sư mẹ chở đi bằng xe van, trên xe ai cũng cắm đầu vô máy để tranh thủ ôn lại, có khi quay qua thảo luận, giải thích rồi đố nhau cách xử lý tình huống này, tình huống kia trong khi lái xe. Sư mẹ ngồi trên lâu lâu ngó xuống nhìn các sư con cười tủm tỉm, rồi lại dõi mắt theo từng sư con bước vào phòng thi và cười hạnh phúc khi ai cũng đậu hết.
Từ khi đã dán được bảng L đằng trước và sau xe, những giây phút ngồi trên xe đều là những giây phút ngồi thiền thay vì ngồi ở thiền đường. Nhưng thiền lái xe này căng thẳng quá, đòi hỏi định nhiều lắm, nhất là với mấy chị em chúng con. Vì chúng con có năm người nên cần hai xe: sư cô Trí Duyên và sư cô Thuần Tiến chia ra ngồi trên hai xe ấy, và chúng con cũng chia ra làm hai nhóm. Con được tập cùng sư cô Tịnh Quang và sư em Trăng Cơ Duyên dưới sự hướng dẫn của sư cô Thuần Tiến. Từ những con đường quanh co của thiền viện, chúng con bắt đầu tiến ra những con đường lớn có hai chiều rồi vào đường cao tốc, cảm giác vừa sợ vừa thích thú, nó đòi hỏi sự chú ý và nhạy bén trong khi lái rất nhiều. Có lần con nói với sư cô: “Răng lái xe mà như đi ăn trộm ri sư cô hè, tại vì đôi mắt cứ đảo liên tục, lúc thì liếc qua bên phải, bên trái để canh làn xe, rồi đảo lên kính chiếu hậu nhìn đằng sau, rồi đảo xuống nhìn đồng hồ tốc độ không thôi thì lúc chạy ào ào, lúc thì chậm rì.” Những ngày đầu, sư cô cứ hỏi: “Sao bỗng dưng em thắng lại vậy? Đang ở đường cao tốc mà?”, rứa là tụi con trả lời rất ngây thơ mà bây giờ trở thành những câu nói bất hủ, mỗi khi nhắc lại cũng còn cười với nhau. Bởi vì khi đang chạy, con thấy có xe đang chạy ngược chiều tới là la làng lên: “Ố là la, sư cô ơi xe tới kìa, con sợ”; “Ố là la sư cô ơi, xe tải tề, làm răng đây?”, còn sư cô Tịnh Quang thì: “Họ teeeeeeeeeeeeề…!” “Họ là ai?” Sư cô Thuần Tiến thắc mắc. “Xe đoooooó sư cô!” Câu trả lời vụt đến.
Sư em Trăng Cơ Duyên, lúc ngồi chờ đợi phía sau thì cười nói ríu rít, rứa mà đến khi lên lái thì ngồi im thin thít, không nói tiếng nào. Khả năng tập trung cao khủng khiếp đến nỗi dù mặt tái mét nhưng sư em vẫn tự tin lái dưới sự hỗ trợ rất đắc lực của hai chiếc gối (vì chân ngắn!).
Cái không khí rộn rã đó vẫn còn giữ cho đến ngày thi vòng hai (thi xử lý tình huống trên máy). Có điều thêm một chuyện nữa là con bị chọc quệ luôn. Vì lần trước giấy hẹn thi của con là 1giờ 30 chiều nên con tung tăng đi chơi khắp chốn mà đâu hay người ta cho thi liên tiếp vì các chị em đi chung một nhóm. Rứa là đến khi về lại nơi thi, quý sư chị đã thi xong hết rồi và ai cũng đậu hết. Đến khi con vào phòng thi với nụ cười tươi và tinh thần rất hào hứng thì bỗng dưng, bỗng dưng… máy hư. Con ngồi chờ người ta liên lạc để sửa máy, trong thời gian đó sư cô và các sư chị rủ con ăn trưa, với rong biển và trái cây. Trong lòng con lúc đó có một chút lo lắng, một chút ái ngại nghĩ rằng do cái tội ham chơi cho nên bây giờ con còn ngồi đây, làm ảnh hưởng tới mọi người. Rứa là con chọc mọi người, con nói rằng con không ăn rong biển mô, rong biển màu đen, xui lắm! Đưa chuối thì con nói chút nữa thi xong con ăn, chừ ăn trượt vỏ chuối răng. Cả xe cười ồ lên, quên đi cái nắng, cái mệt giữa ban trưa. Chúng con giống như những sĩ tử ngày xưa vác lều chõng đi thi, nhưng thời nay hiện đại hơn: chúng con xách theo thức ăn trưa, một cái máy tính, một cuốn vở, một cây viết đi cùng nhau trên một chiếc xe và rồi từ từ vượt qua từng chặng thi, từ thi Hương, thi Hội và sắp tới còn cuộc thi Đình (thi thực hành) nữa để lấy bằng P xanh. Và con thấy mỗi người đều đã là một vị Trạng nguyên trong giây phút này rồi.
Hạ đến…
Chớp mắt một cái, mùa hạ đã đến. Hạ về mang theo cái nắng, cái nóng kinh khủng. Có những ngày nóng đến gần 40 độ. Rừng tràm đã khô nay còn khô hơn nữa, nguy cơ cháy rừng luôn luôn ở mức báo động và chúng con luôn trong tư thế sẵn sàng chạy. Nắng nóng là rứa nhưng buổi sáng thì sương mù giăng khắp lối và buổi tối trời se lạnh giúp cho giấc ngủ chúng con càng sâu hơn. Thiên nhiên cũng ưu đãi cho con người ở đây lắm chứ: sau những ngày nắng nóng kinh khủng là một trận mưa, dù nhỏ, khoảng chừng… ba mươi hạt hay mưa ào ào. Những hạt mưa rơi xuống như dòng cam lộ mát mẻ và gột sạch đi những mệt mỏi, những khô cằn, những dư âm của cái nắng kinh khủng còn sót lại.
Có nhiều vị lên Nhập Lưu luôn nói sao chúng con lại có thể sống được trong chốn heo hút, thăm thẳm này? Con thấy con đang được ôm trọn trong vòng tay đầy thương yêu, lân mẫn của tăng thân, của nhiều tấm lòng. Con thấy mình được tự do, được tung tăng bay nhảy giữa không gian thênh thang, được vùng vẫy trong biển ngàn sao, được có nhiều thời gian để trở về với chính mình. Tâm hồn con thấy ấm áp mỗi khi nghĩ về những tấm lòng luôn thương tưởng, những bàn tay luôn sẵn sàng đưa ra mỗi khi Nhập Lưu cần đến. Lớp học tiếng Anh vẫn đều đặn bốn buổi chiều trong tuần với sự hướng dẫn của cô chú Ron-Daya. Sự có mặt tươi mát và tấm lòng phụng sự không biết mệt mỏi của chú Vinh, chị Diễm… và nhiều gia đình khác nữa. Cô chú Kerry-Chris luôn tươi cười và có mặt đó, giúp đỡ quý sư cô dù chuyện lớn hay nhỏ. Mỗi khi xuống phố để đi hoằng pháp ở những tiểu bang khác hoặc có công việc cần, chúng con được chào đón bằng bàn tay, ánh mắt đầy thương yêu của “bà ngoại” Chi và ngôi nhà ấy đã trở thành nhà trọ của Nhập Lưu từ khi nào không biết. Bây giờ “bà ngoại” Chi cũng là người thường xuyên ngồi bên cạnh, trên xe cho chúng con tập lái, dù lúc ban đầu, khi được hỏi thì câu trả lời của bà luôn là: “No, thank you, sợ lắm!”.
Đôi mắt con sáng lên tia hạnh phúc, tin cậy mỗi khi nhìn thấy quý sư cô, sư chị, sư em đang có mặt bên con. Ở Diệu Trạm mấy năm trời có khi nào con lên dâng hương, hô canh đâu. Vậy mà khi qua đây quý sư cô lại luyện cho chúng con làm mọi thứ đều bằng tiếng Anh. Sư cô dạy chúng con rằng mình phải ráng tưới tẩm hạt giống tiếng Anh trong lòng, mình đang ở xứ Úc mà. Con chợt mỉm cười mỗi khi nhớ tới hình ảnh sư cô dạy chị em con hô canh, đảnh lễ chư Bụt và Bồ tát. Giọng của sư cô thì hay quá chừng, cao vút tận trời mây, còn giọng của con thì thấp lè tè dưới mặt đất, rứa mà có thì giờ rảnh là lại tập với nhau, sư cô ngồi “chịu khó” nghe con cất giọng ê a.
Lòng con thấy vui khi nhìn thấy sự có mặt tươi mát, hết lòng nhưng cũng có khi rất thầm lặng của sư cô Trí Duyên. Quý sư cô làm việc nhiều quá, vậy mà vẫn có mặt đó, và rất hết lòng cho đại chúng. Quý sư chị, sư em của con cũng vậy, mỗi ngày đang góp những bàn tay vì Nhập Lưu. Có đôi khi con ước gì có thêm chị, thêm em để giúp đỡ thêm cho chúng, vì ở đây cần lắm những tấm lòng, những bàn tay nhưng có lẽ nhân duyên chưa hội đủ. Con an trú trong phút giây hiện tại để thấy mình đang có quá đủ những điều kiện hạnh phúc, trong con và xung quanh con. Sự sống quanh con mỗi ngày vẫn tiếp diễn với đầy những nhiệm mầu. Kangaroo hình như đã quen hơn với hình ảnh áo nâu, cho nên có khi nhìn thấy chị em con đi qua vẫn đứng lặng yên miệng nhai nhóp nhép, gương mặt có khi nghệt ra, nhìn quá đỗi dễ thương. Tâm hồn con vẫn luôn tràn đầy những làn gió mát với không gian có đủ để quay về, để nuôi dưỡng chính mình và những người xung quanh con.
Công trình xây dựng tăng thân là công trình xây dựng ngàn đời. Mỗi giây phút là một viên gạch để tự bồi đắp cho chính mình. Cuộc hẹn của con với sự sống vẫn còn đang tiếp diễn. Con không muốn mình phá hủy bất cứ một khoảnh khắc nào cả. Con nhớ sư cô có kể câu chuyện về những cú nhảy ngược dòng của đàn cá hồi, phía trước là hàm răng nhọn của những con gấu đang chờ sẵn. Đời sống của người tu cũng vậy, cũng ngược dòng và cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, con luôn ý thức mình đang sống trong một chúng nhỏ và tự nhắc mình làm sao để đời sống của mình thật ý nghĩa và trọn vẹn.
Con thấy mình không đơn độc một chút nào cả. Con có Bụt, có Tổ, con có Thầy, có tăng thân. Con còn có cả một tăng thân rừng khuynh diệp thật lớn xung quanh con, thật vững chãi, kiên cường đứng đó mặc cho gió bão tràn về. Trong mắt con, mỗi ngày dường như những cây tràm trở nên có hồn hơn, dù không nói gì hết, nhưng sự biểu hiện thật mạnh mẽ mà cũng thật bình yên làm cho con cảm thấy được nuôi dưỡng và vững tin thêm. Mỗi ngày con lạy xuống trước chư Bụt, chư Tổ xin cho con thêm vững tay chèo lái, thêm mạnh mẽ để đi trọn con đường mà con đã chọn với tất cả tấm lòng và niềm tin. Con cám ơn Thầy đã cho con thấy con đường sáng, đã sinh con ra trong đời sống tâm linh và tiếp tục nuôi dưỡng con mỗi ngày thêm trưởng thành. Con cám ơn tất cả những gì con đã và đang được nhận, đã đi qua và những gì trong giây phút hiện tại.
Vào dòng rong chơi
(Phần 2 – viết về thiền viện Nhập Lưu, tiếp theo LTLM số 37)
Sáng nay ngồi trước hành lang của cốc Nến Ngọc với tách trà nhỏ trong tay, trước mặt tôi là bức tranh vĩ đại tuyệt vời mà thiên nhiên đã trao tặng cho chị em chúng tôi để ngắm mỗi ngày. Giây phút mầu nhiệm của hiện tại cho tôi tiếp xúc được với rừng tràm dáng thon cao, vươn dài hàng vạn nhánh lá xanh mướt óng ánh khi nắng tràn về. Rừng cây đang đứng thật yên và hạnh phúc tiếp nhận nắng ấm ban mai từ mặt trời êm nhẹ lan tỏa vào từng chiếc lá, lớp vỏ rồi sâu dần vào thân cây. Những làn sương mỏng đầu ngày cũng từ từ bay nhẹ lên cao. Hơi thở tôi hòa quyện vào làn sương, hạt nắng tan vào không gian thênh thang.
Tiếp nối con đường
“Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài…” Nhập Lưu cũng đang chầm chậm chuyển mình từng bước vững chãi thảnh thơi mà đi tới trong từng phút giây để mỗi ngày thêm mới, thêm nhiều sức sống hơn trên con đường thực hiện sứ mạng mà Thầy và tăng thân đã giao phó tại xứ Úc châu này. Đầu năm 2012, sáu sư cô từ Thái Lan được bảo lãnh sang Úc, nhưng vì không gia hạn được visa nên cuối năm 2014, các sư cô đã trở về lại Thái, Việt Nam hay qua Pháp. Rút kinh nghiệm từ đợt bảo lãnh đầu tiên, chúng tôi bắt đầu bảo lãnh sáu sư cô đợt hai thẳng từ Việt Nam, như vậy cơ hội có thể gia hạn visa dễ dàng hơn. Đó là hai sư cô Tịnh Quang và Tựu Nghiêm đến từ Tuệ Uyển vào tháng 4 năm 2015. Đến tháng 8 năm 2015 thì có thêm bốn sư cô từ Diệu Trạm (Huế) đặt chân đến Nhập Lưu, đó là các sư cô Phát Nghiêm, Trăng Sông Hồng, Trăng Thường Trú và Trăng Cơ Duyên. Năng lượng trẻ, khỏe và tràn đầy nhiệt tâm thực tập cũng như phụng sự của các sư cô trẻ đã đóng góp sự năng động, tươi mát cho Nhập Lưu thật nhiều.
Những ngày quán niệm thứ Năm và Chủ nhật mỗi tuần vẫn đều đặn, tùy vào số lượng các vị cư sĩ tham dự mà chúng tôi chia ra hướng dẫn cho thích hợp với ngôn ngữ mà họ mong muốn trong khi nghe pháp thoại hoặc những buổi tụng Năm giới và Mười bốn giới Tiếp Hiện. Những ngày lễ lớn như Tắm Bụt, Bông hồng cài áo, Giáng sinh và Năm mới thì số lượng tham dự trung bình khoảng từ 60 cho tới 100 người. Thỉnh thoảng có những nhóm mướn nguyên một chiếc xe buýt lên tham dự một ngày quán niệm để biết về phương pháp thực tập của Làng Mai ở Nhập Lưu như thế nào. Cuối ngày mọi người đều chia sẻ là họ thích lắm, hạnh phúc lắm và mong có một Nhập Lưu thứ hai ở dưới phố để được gần gũi và sinh hoạt chung với quý sư cô mỗi cuối tuần.
Đầu tháng 4 năm 2015, chúng tôi có hướng dẫn hai ngày quán niệm, một ngày cho người Úc và một ngày cho người Việt lần đầu tiên ở Perth, có khoảng 40 đến 50 người tham dự trong ngày. Tiểu bang này cách Melbourne 4 giờ bay và khác nhau 4 tiếng đồng hồ. Sau hai ngày quán niệm thì có 20 người đồng ý thành lập tăng thân đầu tiên ở Perth. Bên cạnh đó, những khóa tu chính vào tháng 4 ở các tiểu bang của nước Úc vẫn được duy trì hằng năm. Còn khóa tu vào tháng 9 thì có sự thay đổi: lúc trước, các tăng thân tổ chức tại tiểu bang địa phương mình ở và chúng xuất sĩ bay đến đó để hướng dẫn, nhưng bây giờ thì trở thành khóa tu gia đình do thiền viện Nhập Lưu tổ chức, cùng với sự yểm trợ của quý thầy bên Hồng Kông và các tăng thân cư sĩ ở các tiểu bang. Trong hai năm qua, khóa tu này được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Cave Hill Creek ở Beaufort thuộc thành phố Melbourne. Đây là một nơi có khung cảnh rất đẹp, thiền vị và lý tưởng để mở khóa tu, cách Nhập Lưu chừng 20 phút lái xe. Ai đến cũng đều trầm trồ khen ngợi và thích thú. Đó cũng là cơ hội đoàn tụ cho các tăng thân trong nước Úc gặp gỡ, chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn, vì vậy khóa tu này đã mang lại cho mọi người rất nhiều lợi lạc trên con đường chuyển hóa và hạnh phúc như ngày hội vậy. Tuy nhiên đó chỉ là phương tiện tạm thời thôi.
Công trình xây dựng ngàn đời
Giữa năm 2014, chúng tôi nộp giấy tờ xin phép làm một toilet gần thiền đường, dành cho các vị thiền sinh lớn tuổi sử dụng khi tham dự thời khóa. Khi hội đồng hành chính của địa phương (Council) đến để xem xét thì biết được nhà bếp, nhà ăn (chung) và cốc Nến Ngọc của chúng tôi đang sử dụng không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt cho cộng đồng và bắt buộc chúng tôi không được nhận khách tới ở cũng như tổ chức khóa tu. May thay nhờ chú Tuấn và chú Tim (người Úc) giải thích, đưa ra bản vẽ mới của nhà khách cũng như nhà bếp, phòng ăn sẽ xây trong tương lai, kèm theo bản báo cáo bảo đảm an toàn của chú Tuấn, cuối cùng họ đồng ý cho phép chúng tôi được sử dụng cốc Nến Ngọc và nhà bếp tạm thời trong hai năm nữa. Chú Tuấn nói với tôi: “Sư cô ơi, hội đồng hành chính ở vùng quê còn hiền lắm đó, còn giúp mình nữa nên mới cho mình thêm hai năm, chứ hội đồng thành phố là bắt gỡ xuống hết rồi.” Tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng thầm cám ơn Bụt, Tổ và năng lượng của Thầy đã che chở cho Nhập Lưu chúng tôi. Tôi cũng cám ơn hội đồng hành chính địa phương – những người đã làm việc hết lòng, thông cảm và lo lắng cho sự an toàn của mọi người.
“Không bùn làm sao có sen”, nương vào những điều kiện bắt buộc của hội đồng địa phương, giữa tháng 7 năm 2015, chúng tôi đã xây xong hành lang bằng xi măng bao quanh thiền đường Thanh Lương Địa với con đường nhỏ an toàn cho người khuyết tật sử dụng. Gần thiền đường phía bên phải, chúng tôi dựng được một cái cốc nhỏ bằng gỗ dùng làm quán sách và một nhà vệ sinh mới nhưng còn dang dở cho tất cả mọi người đều có thể dùng được. Hiện tại chúng tôi đang chờ giấy phép của hội đồng địa phương để bắt đầu công trình xây dựng cư xá cho thiền sinh đến tu học, thay thế cho cốc Nến Ngọc. Hy vọng công trình này sẽ khởi công vào đầu năm 2016. Tất cả các bản vẽ cũng như việc liên hệ với hội đồng địa phương về giấy tờ hành chánh cho Nhập Lưu đều do chú Tim và chú Tuấn yểm trợ và cúng dường về tài chính. Xin cám ơn những vị Bồ tát bổ xứ đã đến đúng lúc, đúng thời để cho hoa sen nở nụ trong rừng thiền Nhập Lưu. Sau khi công trình xây dựng cư xá hoàn tất thì chương trình xây nhà bếp, nhà ăn mới cũng sẽ bắt đầu.
Tăng thân khắp chốn
Hạnh phúc thay được sống trong tăng đoàn, được hành trì cùng pháp môn, chúng tôi đã và đang tiếp nhận rất nhiều tấm lòng thương yêu, chăm sóc và yểm trợ của các vị cư sĩ khắp các tiểu bang trong và ngoài nước Úc. Khi hay tin Nhập Lưu gặp khó khăn, tăng thân đầu tiên ở Melbourne do cô Susan hướng dẫn đã đứng lên thành lập một nhóm gây quỹ xây dựng cho Nhập Lưu. Bên cạnh đó, với sự chia sẻ, viết thư kêu gọi, góp ý kiến của chú John (Sydney) cùng sự hợp tác của thầy Pháp Khâm, lá thư ấy đã đến từng địa chỉ điện thư của mọi người. Nhờ vậy trong thời gian gần đây, Nhập Lưu đã nhận được sự yểm trợ tài chính cho công trình xây dựng theo định kỳ hằng tháng hoặc mỗi tuần.
Về phần thực phẩm rau đậu thì có nhóm của cô Diễm (chị sư chú Long Hoa) chăm sóc, gởi lên hàng tuần. Cô Diễm, người mà chúng tôi thường dí dỏm gọi đùa là bộ ngoại giao của Nhập Lưu, cũng đã khéo léo mời được chú Tuyển, mang những chiếc xe cẩu, cán đường và cho thêm thợ làm lại những con đường trong thiền viện thêm bằng phẳng, rộng rãi hơn và mang lại thật nhiều niềm vui cho mọi người.
Giờ đây, khi chạy xe vào Nhập Lưu, ai cũng cảm thấy êm nhẹ và an toàn trong thích thú. Thêm vào đó, cô Lài cũng góp phần cúng dường một xe van 12 chỗ, khi thấy các sư cô từ Việt Nam qua mà chỉ có mình tôi lái xe đi xa được thôi. Cô tủm tỉm cười nhẹ nhàng nói: “Sư cô! Con mong có một chiếc xe van để quý sư cô đi chung với nhau cho vui, đỡ tốn xăng và không cần nhiều tài xế đó mà”, khi tôi từ chối Nhập Lưu đã đủ xe nhỏ rồi. Còn phải kể đến chú Vinh, tuy đã ngoài 75 tuổi nhưng chú rất năng động. Chú đã tự mình mua một xe van 12 chỗ để tìm cách giúp đỡ, đón đưa những ai muốn đến Nhập Lưu tu học, cũng như chú Ron, cô Daya đến dạy tiếng Anh cho các sư cô bốn buổi chiều mỗi tuần với nhiều tình thương và kiên nhẫn. À còn ngoại Chi nữa chứ – các sư cô trẻ gọi là “ngoại” vì tuổi cô đã hơn 76 rồi. Chúng tôi gọi ngoại Chi là bộ trưởng bộ chuyên chở và tiếp tế lương thực, bởi vì những ai ở dưới phố muốn cúng dường thực phẩm cho Nhập Lưu đều mang đến nhà bác Chi. Hoặc từ tiểu bang khác gởi tới thì cũng báo cho bác Chi đi nhận. Đến thứ Bảy cuối tuần thì bác chở lên Nhập Lưu. Căn nhà của ngoại Chi thường được chúng tôi gọi một cách thân thương là “Motel Nhập Lưu” – nơi chuyển tiếp, trạm dừng chân nghỉ ngơi cho quý sư cô trước và sau những chuyến hoằng pháp xuyên tiểu bang, ra nước ngoài và trở về lại Úc. Lúc nào đến nhà ngoại Chi, chúng tôi cũng được tiếp nhận tình thương che chở, bảo bọc, lo lắng về sức khỏe cho chúng tôi như về nhà ngoại ruột của mình.
Ôi! Thật cảm động biết bao trước những tấm lòng bền bỉ, kín đáo và thầm lặng yểm trợ, thương yêu chúng tôi qua nhiều hình thức khác nhau. Tất cả đều có chung ước mơ là Nhập Lưu nhanh chóng có đủ điều kiện, khả năng để tiếp nhận mọi người đang hướng về và cần nương tựa. Chúng tôi không thể kể hết được trọn vẹn những tình thương ấy, những tấm lòng thật gần gũi biết bao ấy, vì trang giấy thì có giới hạn…
Tôi không ngủ mơ đâu, ngày hôm nay đẹp lắm thật mà!
Chúng tôi có tám chị em sống với nhau trong tình gia đình nho nhỏ, với những nụ cười rộn ràng hồn nhiên líu lo như tiếng chim sau những bữa ăn. Các sư em tôi chia tri, chia đội và mỗi người là một đội, một tri. Thời khóa cũng đầy trong ngày nhưng ai cũng tham dự đầy đủ. Sáng thứ Bảy mỗi tuần là cơ hội cho chị em chúng tôi cùng làm việc chung. Các sư em tôi chịu học tiếng Anh, hô canh, đọc kinh bằng tiếng Anh, lái xe, ghi danh khách đến, chịu làm những việc như cắt cây, cắt cỏ, sửa xe, sửa máy bơm nước, ống nước… và chịu chơi, luôn hồ hởi trả lời thích và thêm rằng “xe say con chứ con không say xe” khi tổ chức đi hồ, đi biển, ngắm nhìn từng đàn chim cánh cụt ủn ỉn lội lên bờ dưới những đợt sóng cuồn cuộn phủ tràn lên bãi biển. Nhưng cũng có khi chỉ cần hỏi: “Em khỏe không?” là đôi mắt liền đổi màu đo đỏ và nước mắt cũng đã rươm rướm ở mi rồi, bởi vì hôm qua thiền sinh đến hơi đông và hôm nay thì em hơi mệt. Các sư em tôi vẫn còn ngây thơ và dễ thương như vậy đó! Vì thế ai bảo đi tu là khổ? Xin cám ơn quý sư cô Diệu Trạm đã từng ngày mớm sữa pháp của Thầy cho các sư em vừa đủ lớn, để rồi lại đưa các em vào dòng chảy của tăng thân qua tới bến Nhập Lưu.
Nhập Lưu đang vào những ngày hạ, thời tiết năm nay nóng hơn và kéo dài hơn những năm trước. Tuy nhiên về đêm thì rất mát có khi trở lạnh như đã vào đông. Nhìn xuyên qua rừng tràm đang mềm mại lung lay theo chiều gió nhẹ, những cành lá xanh non như dang tay vẫy chào trao tặng tôi niềm hạnh phúc hiện thực của sự sống mầu nhiệm bây giờ và ở đây. Đôi bàn tay chắp lại trong niềm kính cẩn và biết ơn, tôi cám ơn Bụt, ơn Tổ, ơn Thầy, ơn tăng thân và tất cả mọi người, mọi loài trong vũ trụ đã nuôi dưỡng, chấp nhận tôi và hàng vạn cây tràm kia là những bạn đồng hành nguyện cùng chúng tôi vững bước trên con đường chuyển hóa và làm lớn rộng nguồn suối yêu thương đích thực trong mọi người và trên khắp muôn nơi.
Đừng phụ suối đồi
Giữ mãi tình này
Năm nay khóa tu cho người Việt tại tu viện Bích Nham có chủ đề là Giữ mãi tình này. Chủ đề hấp dẫn cho nên khá đông người Việt về tham dự. Mối tình nào cần phải giữ mãi? Tình vợ chồng? Tình cha mẹ đối với con cái? Tình anh em, hay tình bạn? Mối tình nào cũng cần phải giữ mãi.
Trong các nhóm pháp đàm dành cho người trẻ, có em chia sẻ nỗi khổ đau về sự thiếu truyền thông với mẹ, có em thì nói rằng ba mẹ không muốn cho em đi đâu vì sợ hư, tối ngày ở nhà làm cho em xa lạ với bạn bè… Đây là vấn đề khoảng cách văn hóa mà từ lâu Thầy thường nhắc đến trong những bài pháp thoại dành cho người Việt tại hải ngoại. Đa số những người trẻ lớn lên tại Mỹ có nhiều khó khăn với ba mẹ. Có những em qua đây từ nhỏ, cũng có những em được sinh ra tại đây. Lớn lên trong môi trường của văn hóa Mỹ, sự suy nghĩ cũng như ý thích của các em hoàn toàn khác với ba mẹ. Đó là điều tất nhiên vì hai văn hóa hoàn toàn khác. Chúng tôi ngồi yên và lắng nghe, cảm thông từng nỗi khổ đau của các em.
Áp lực văn hóa và xung đột trong gia đình là một vấn đề lớn cần tháo gỡ. Mối tình nào cũng cần phải làm mới lại, cũng cần phải trân quý, giữ gìn. Đó là mục đích mà khóa tu này muốn chuyên chở và nhắn nhủ đến những người Việt tha hương.
Thăm Thầy
Nghe tin Thầy qua Mỹ điều trị, tôi liền xin phép chúng Bích Nham để đi thăm Thầy. Kể từ ngày Thầy bệnh, trong lòng tôi luôn mong muốn được gặp Người. Đáp chuyến bay từ New York qua San Francisco, tôi được thầy Pháp Huy kể cho nghe tình hình của Thầy hiện tại. Có một mạnh thường quân muốn giúp Thầy phục hồi sức khỏe. Ông là CEO của hãng Saleforce, tên là Marc. Ông đã đọc sách của Thầy và rất ấn tượng về Thầy cùng pháp môn thực tập của Làng Mai. Vào năm 2013, ông đã yểm trợ hết lòng để tổ chức một buổi pháp thoại của Thầy tại dinh thự của ông và một buổi thiền hành cho các CEO trong không khí thân mật. Sau đó, ông đã có ý định mời Thầy hướng dẫn ngày quán niệm cho 150000 nhân viên của mình vào năm 2015. Khi nghe tin Thầy bệnh, ông có nhã ý muốn giúp đỡ. Ông cho máy bay riêng qua tận Làng đón Thầy về dinh thự của mình để điều trị. San Francisco là môi trường thuận tiện nhất, vì nơi đây tập trung rất nhiều bác sĩ giỏi. Nhìn lại năm qua, tôi thấy hiệu lực của sự cầu nguyện do toàn thể đệ tử Thầy trên thế giới đến nay đã dần trở thành hiện thực, sức khỏe của Thầy đang có nhiều tiến bộ.
Thầy vẫn còn đây trước mặt tôi. Người đang ngồi yên trên chiếc xe lăn, cảm xúc tôi dâng trào. Sư em Pháp Hữu nhẹ nhàng thưa: “Bạch Thầy, có sư chị Hoa Nghiêm vào thăm”. Thầy quay lưng lại nhìn tôi thật lâu. Tôi lặng yên cho những giọt nước mắt âm thầm rơi. Tôi nắm lấy bàn tay phải của Thầy. Bàn tay đã viết cả ngàn câu thư pháp, bàn tay đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm đem lợi ích cho nhân loại. Bây giờ bàn tay này đang ngồi yên. Bữa cơm chiều, tôi ngồi nhìn Thầy dùng trong im lặng. Dáng Thầy vẫn thẳng, Thầy đưa từng muỗng thức ăn lên miệng rất từ tốn.
Tôi ở chơi được hai tuần và giúp nhóm thị giả nấu ăn. Các vị thị giả chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm hai người thay phiên nhau chăm sóc. Những thầy thị giả đang có mặt để chăm sóc Thầy đa số đến từ Pháp. Tăng thân địa phương cúng dường thức ăn vài ngày trong tuần để các vị thị giả hoàn toàn lo chăm sóc Thầy. Không đủ người nấu ăn cho ban thị giả, ngoài những ngày được cúng dường thức ăn, những ngày còn lại các vị thị giả nhiều khi phải ăn mì gói, vậy thì làm sao có đủ sức. Gần đến ngày về lại Bích Nham, thầy Pháp Huy nhìn tôi cười nói: “Xin sư chị Hoa Nghiêm ở lại, làm thị giả của thị giả. Sư chị nấu cơm cho chúng em. Chúng em cũng cần được chăm sóc để có sức khỏe mà hầu Thầy. Sức khỏe của Thầy là trên hết chị à”. Tôi có tên trong danh sách những vị xuất sĩ trong các khóa tu ở Mỹ: Bích Nham, Mộc Lan và Lộc Uyển. Tôi rất muốn có mặt, nhân đó cũng là cơ hội thăm viếng các trung tâm ở Mỹ. Nhưng rồi tôi thấy, nếu ở lại, tôi có thể đóng góp rất nhiều cho ban thị giả. Hơn nữa, cơ hội được gần vị Thầy kính yêu là một phước đức lớn. Tôi quyết định hủy chuyến đi để ở lại với nhiệm vụ phụ nấu ăn cho thị giả và chăm sóc Sư cô. Đó là một chút tấm lòng của sư con, sư chị, sư em.
Ngày nào đẹp trời, thị giả đưa Thầy ra biển Golden Gate hứng gió và nắng, đêm về Thầy ngủ rất ngon. Từ ngày đến đây, tôi thấy lúc nào Thầy cũng ngồi ăn một mình trong phòng với thị giả. Anh Hương đề nghị với tôi là mình có thể ăn chung với Thầy. Chiều nay, tôi nấu nồi phở thật thơm. Anh Hương ra ngoài mua hai cái bánh táo (apple pie) thật ngon. Chúng tôi mời Sư cô và tất cả thị giả cùng vào ăn chiều với Thầy. Thầy trông rất vui khi thấy các sư con quây quần bên mình. Sau buổi ăn mọi người yêu cầu tôi hát tặng Thầy. Thầy nhìn tôi gật đầu. Tôi hát bài Lòng không bận về, bài mà Thầy ưa thích. Ngày xưa mỗi lần gặp tôi ở đâu Thầy thường bảo tôi hát cho Người nghe. Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau, bất ngờ Thầy cùng hát theo và còn đưa tay trái lên như diễn tả lời bài hát. Chúng tôi nhìn Thầy cảm động. Anh Hương và sư em Định Nghiêm đôi mắt đỏ hoe, cổ họng tôi bỗng dưng nghẹn lại không hát tiếp được, tôi phải thở thật sâu mới không gián đoạn bài hát.
Tôi ở đó được hơn một tháng. Thời gian này, chuyến hoằng pháp cũng đã bắt đầu với sự có mặt của 45 vị xuất sĩ đến từ các trung tâm của Làng Mai trên thế giới: Pháp, Mỹ, Đức và Thái Lan. Ngày xưa cứ cách hai năm thì Thầy có chuyến hoằng pháp tại Mỹ. Chuyến hoằng pháp ở Mỹ năm nay thiếu vắng Thầy. Số lượng người ghi danh khóa tu không đông như những năm trước, nhưng lực lượng giáo thọ hùng hậu khiến chất lượng các khóa tu không giảm sút. Tôi nghe các sư em báo cáo lại là thiền sinh rất hạnh phúc với những bài giảng của các vị giáo thọ. Họ có niềm tin vào sự tiếp nối của Thầy.
Khi phái đoàn đến hướng dẫn khóa tu tại San Francisco thì đúng vào tháng Mười. Ngày sinh nhật của Thầy đã gần kề. Chúng tôi bàn tính tổ chức ngoài vườn. Rất vui là 40 vị xuất sĩ trong chuyến hoằng pháp có cơ hội được ghé thăm và tham dự ngày sinh nhật của Thầy. Hôm đó đúng là một ngày đặc biệt. Thầy trông rất rạng rỡ. Nhìn mọi người, Thầy nở nụ cười thật tươi. 40 vị xuất sĩ trong phái đoàn cùng với rất nhiều thân hữu Tiếp Hiện, tề tựu quanh Thầy. Tất cả chúng tôi niệm Bồ tát Avalokitesvara cúng dường Thầy, có tiếng đàn violon và guitar của hai sư em Thệ Nghiêm và Trai Nghiêm phụ họa. Trong khi niệm danh hiệu Bồ tát, Thầy giơ bàn tay trái lên và đưa ra như ngày xưa Thầy thường hay bắt ấn. Nhiều thầy cô đã không dằn được cảm xúc. Bánh sinh nhật được đem ra, chúng tôi hát mừng ngày tiếp nối Thầy 89 tuổi. Thầy cầm cây nến, quay quanh một vòng rồi đưa lại gần miệng và thổi nhẹ. Chúng tôi reo mừng khi cây nến phụt tắt. Sự có mặt của Thầy là một hạnh phúc lớn cho chúng tôi.
Tôi tháp tùng sư cô Chân Không đến tham dự khóa tu cho người Việt tại tu viện Lộc Uyển, có trên 200 người tham dự. Trở về lại chốn xưa, nơi tôi đã từng sống bốn năm, khung trời núi rừng dường như không thay đổi. Các sư bạn già đã lớn tuổi hơn, nhưng tình thương dành cho tôi vẫn trọn vẹn như xưa. Gặp lại những thân hữu, ai cũng mừng rỡ hỏi thăm, tôi thấy ấm lòng. Tấm chân tình của người xưa vẫn còn nguyên vẹn dù thời gian đã đi qua. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, đó là nội dung bài pháp thoại tôi chia sẻ trong khóa tu. Tôi không nghĩ là mình sẽ cho pháp thoại, nhưng núi rừng Lộc Uyển muốn tôi trang trải cõi lòng của người đi xa mới trở về. Tôi muốn tâm sự rằng: “Dù vật đổi sao dời, nhưng tấm chân tình thì sẽ không bao giờ thay đổi”. Khi nhắc về Thầy, tôi không dằn được cảm xúc, khiến bao cô chú rơi nước mắt theo. Có một lần tôi hỏi Thầy: “Thầy ơi, trong khi cho pháp thoại, mà bỗng dưng muốn khóc, con có nên đè nén không?”. Thầy nhìn tôi lắc đầu: “Tại sao đè nén, cứ khóc đi con”. Tôi liền nói: “Nhưng nếu con khóc trước mặt mọi người thì quê lắm”. Thầy nói: “Có sao đâu! Mình khóc mà biết là mình khóc thì không có gì quê cả”.
Chứng kiến sự chăm sóc của thị giả đối với Thầy, tôi thấy lòng biết ơn các sư em lắm. Có đêm Thầy không ngủ, thị giả thức cùng Thầy. Mỗi người đã có mặt chăm sóc Thầy bằng tất cả tấm lòng thương kính. Có đêm Thầy ngủ ngon giấc. Nhìn Thầy, tôi nhớ lại những chuyến đi hướng dẫn khóa tu cùng Người những năm về trước. Hình ảnh Thầy đứng trên bục giảng, hình ảnh Thầy hướng dẫn thiền hành trước hàng ngàn người trở về trong tôi. Thầy đã trao truyền rất nhiều tâm huyết của mình, thông điệp cuộc đời Thầy đã đi luân hồi khắp mọi nơi trong sự bình yên của con người. Tôi nhắm mắt trở về với hơi thở, mỗi hơi thở vào tôi niệm Bụt cầu nguyện Thầy mau lành bệnh.
Bà Peggy là một bác sĩ châm cứu cho Thầy mỗi ngày, nhà bà gần chỗ chúng tôi. Bà rất hào phóng, tất cả chúng tôi đều được bà châm cứu miễn phí. Thông thường lệ phí để trả cho một giờ châm cứu rất cao. Một lần sau khi châm cứu cho tôi xong, bà hỏi: “Tại sao quý vị lại thương yêu Thầy nhiều như thế? Thầy đã làm gì cho quý vị?”. Tôi mỉm cười nhìn bà: “Chúng tôi thương Thầy vì Thầy thương chúng tôi. Thầy đã nuôi dưỡng chúng tôi không chỉ bằng Pháp mà còn bằng tất cả tình thương yêu như một người cha ruột thịt. Đôi khi Thầy còn nấu những thức ăn ngon cho chúng tôi nữa. Thầy đã cho chúng tôi thật nhiều, không phải chỉ riêng cho học trò của Thầy thôi, mà Thầy đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho nhân loại. Sự chăm sóc của chúng tôi có là bao”. Bà nhìn tôi gật đầu cảm động. Bà rất hết lòng, dù trời đã khuya bà vẫn không ngại đi bộ đến để châm cứu giúp Thầy ngủ ngon.
Tôi trở về Bích Nham để an cư. Ngày mồng 2 tết, tôi nhận được tin vui từ Định Nghiêm, sư em nói: “Trước tết Thầy bị đau bụng lắm và muốn về lại Pháp. Nhưng nhờ châm cứu và liệu pháp phản hồi thần kinh (neurofeedback), Thầy không còn đau nữa. Thầy lại còn tham dự Be-in với ban thị giả”. Sức khỏe của Thầy là niềm vui của chúng tôi. Tuy ở đây nhưng lòng tôi luôn hướng về Thầy. Mỗi sáng tôi vẫn cầu nguyện cho Thầy mau phục hồi sức khỏe. Ở Bích Nham, tuy không còn bên Thầy, nhưng tôi thấy gần Thầy trong từng hơi thở bước chân. “Thương Thầy là các con phải biết thương nhau”, đó là câu nói ngày xưa Thầy thường nhắc nhở chúng tôi. “Thầy không cần gì hết, Thầy chỉ cần chúng con thương nhau là đủ rồi”. Ngoài những giờ chia sẻ phương pháp thực tập, thỉnh thoảng, tôi mời các sư em đến phòng chơi. Dù không nói gì nhiều, chỉ cần ngồi có mặt cho nhau, cùng uống một chén trà, ăn một miếng bánh thì tình huynh đệ cũng sẽ dần lớn lên trong mỗi chị em, đó là nguyện vọng của Thầy.
Một năm đi qua
Khóa tu Holiday bắt đầu khi tôi ở Bích Nham đúng một năm. Năm nay số lượng người tham dự đông hơn. Trong bài pháp thoại sáng nay, thầy Pháp Khôi đặt câu hỏi cho thiền sinh: “Vì sao quý vị về đây tu học?”. Tôi cũng tự hỏi, tại sao họ có thể rời ngôi nhà ấm cúng tiện nghi để về sống trong một môi trường thiếu tiện nghi hơn, cho dù chỉ năm ngày, nhất là trong ngày tết. Đối với người Việt, tết là ngày để gia đình quây quần bên nhau, bên bàn thờ ông bà tổ tiên. Nhiều người chia sẻ, muốn tìm sự bình an cho tâm hồn, muốn trở về với chính mình, muốn tu học với tăng thân, mà sự cô đơn thì không ai nhắc đến. Tôi nhớ có một mùa Giáng sinh ở Pháp, tôi đã tiếp xúc với một cô thiền sinh Mỹ, cô đã tâm sự rằng, mỗi lần mùa đông về, nhất là mùa Giáng sinh và tết Tây, có rất nhiều người cảm thấy cô đơn. Cô là một trong số đó, và cô muốn tìm đến một nơi có thể tạo lập bình an cho tâm hồn. Họ rất cần một cộng đồng với những sinh hoạt hiền lành. Trong xã hội hiện tại, nhiều người lao mình vào những cuộc chơi không lành mạnh để trốn tránh khổ đau, cô đơn và bế tắc. Và rồi họ tuyệt vọng nhận ra, sau cuộc chơi, họ càng khổ đau, cô đơn và bế tắc hơn. Nhiều thiền sinh đã cám ơn Thầy và tăng thân có mặt đó, để tất cả cùng tạo nên môi trường bình yên, có phẩm chất tu học, giúp họ trở về với chính mình, và cảm thấy được che chở.
Đi tu thì dễ, duy trì sự tu mới khó
Sau khóa tu Holiday, chúng tôi được ba ngày nghỉ ngơi. Sáng nay đi vào phòng giặt, gặp sư em Trường Nghiêm đang xếp những chiếc ra trải giường. Năm nay chúng Bích Nham có thêm các sư cô từ Việt Nam và Thái Lan qua, tu viện vui và ấm cúng hơn. Chúng tôi thăm hỏi nhau chuyện trong chúng. Các em tôi xuất gia ngày mỗi đông. Con đường tu rất đẹp nhưng không ít những chướng ngại, không phải ai cũng thành công. Nhìn sư em, tôi nói: “Tu không phải dễ em há”. Sư em thưa: “Theo con tu thì dễ nhưng duy trì sự tu mới khó”. Tôi thấy đúng quá. Lúc mới xin tập sự xuất gia, bồ đề tâm của ai cũng cao ngất. Nếu có hỏi tâm xuất gia bao nhiêu phần trăm thì người nào cũng cương quyết cho là ước nguyện của mình đã hơn 100% rồi. Một vài năm sau thì tâm ban đầu bị hao mòn, không tìm thấy niềm vui trong sự tu học nữa, bất mãn nhiều thứ xâm chiếm tâm hồn, nghĩ rằng thầy không hiểu, các sư anh sư chị không thương, không thấy pháp môn tu học rõ ràng, văn hóa quá khác biệt,… Có muôn vàn lí do để không còn có thể tiếp tục nuôi lớn lý tưởng xuất trần. Sư em nói đúng, duy trì đường tu mới khó. Làm sao chúng ta đi trọn con đường mà không trở thành khúc củi bị vớt lên hay bị kẹt giữa dòng? Làm sao giọt nước ra đến đại dương mà không bị bốc hơi?
Mấy ngày qua trời cứ đổ những cơn mưa, sáng nay mưa lất phất, đại chúng đi thiền hành vào rừng. Dòng suối trong veo chảy mạnh hơn mọi khi, không gian được tô bởi một màu xám của mây và mưa, ẩn hiện dưới chân là những chiếc lá vàng khô. Chợt nghĩ đến đời tu, tôi thấy mình đã vượt qua nhiều chông gai, chứ không phải hành trình tôi đi chỉ là bãi cỏ êm ái trải đầy hoa. Tôi nhận ra, sở dĩ tôi không bỏ cuộc là nhờ lòng biết ơn trong tôi thật lớn. Nhìn dòng suối chảy róc rách đổ xuống từ đồi cao, tôi liên tưởng tới câu thư pháp Thầy viết mà tôi rất thích: Đừng phụ suối đồi. Tôi không thể phụ lòng Má tôi và gia đình huyết thống. Má tôi rất mong muốn các con lo tu và đi trọn con đường, các chị em tôi cũng vậy. Tôi càng không thể nào phụ lòng Thầy tôi. Thầy đã dùng hết tâm huyết của mình để trao truyền cho học trò những pháp môn tu học, giúp chuyển hóa khổ đau, đưa đến chân hạnh phúc, đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của một bậc giác ngộ. Dĩ nhiên tôi biết mình chưa đạt được điều đó, nhưng tôi tìm thấy được niềm vui trong sự tu học, niềm vui trong sự buông bỏ những tham đắm của cuộc đời. Tôi cũng không muốn phụ lòng các sư chị, sư anh và sư em của tôi trong gia đình tâm linh. Tình huynh đệ cũng đã giúp tôi đi qua những bước khó khăn trong đường tu. Tôi thấy mình có niềm tin vào pháp môn, có niềm tin vào Thầy và tăng thân.
Thầy thường hay nhắc nhở chúng tôi: “Ngày nào con còn biết ơn, ngày đó con còn hạnh phúc”. Thầy đã cho chúng tôi một con đường, và tôi tiến bước trên con đường đó cho đến hôm nay là do lòng biết ơn trong tôi không bao giờ cạn.
Em tôi
Các sư em thương mến!
Khi còn nhỏ, chị có cơ duyên thích học những bài kinh Pháp cú. Thích học, có lẽ vì nó ngắn, chỉ có bốn câu thôi, như:
“Như mái nhà vụng lợp
Nước mưa dễ thấm vào
Cũng vậy tâm không tu
Tham dục dễ xâm nhập”
(Kinh Pháp cú số 13)
“Như mái nhà khéo lợp
Nước mưa khó thấm vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục khó xâm nhập”
(Kinh Pháp cú số 14)
Các sư em, những ngày chị ở đây cùng với các sư em tu tập, thỉnh thoảng chị lại nhớ về những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên và trong sáng của các sư em Bát Nhã ngày trước. Thấm thoắt mà đã mười năm rồi, nhanh quá các sư em nhỉ! Những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên năm nao ấy vẫn đang biểu hiện khắp nơi, không những ở đây mà đang được tương tục trong mỗi sư em Trời và Trăng.
Các sư em thương quý, năm nay đối với chị là một năm tròn đầy với bao niềm biết ơn và hạnh phúc. Không biết cái duyên hay là cái số, tất cả các chuyến đi trong năm nay của chị đến nơi nào cũng theo duyên đổi vé ở lại. Nhờ vậy mà chị có cơ duyên được gặp gỡ và tiếp cận với các sư em Bát Nhã thân thương ngày trước đang tu học tại các trung tâm ở Làng Mai Pháp, Đức, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan. Gặp lại, cùng tu cùng học với các sư em, đặc biệt là các sư em trẻ mang chữ Trăng mà chị chưa bao giờ gặp. Nhìn các sư em, chị vô cùng cảm kích. Các sư em đã có đủ dũng mãnh khước từ đời sống vật chất mà hiện nay thế hệ trẻ chạy theo để bước vào chùa sống đời sống đơn giản, để tìm lại con người thật của chính mình. Tại sao các sư em không chọn những ngôi chùa to lớn mà lại chọn tăng thân? Trong khi đó thì tăng thân lại chưa có một mảnh đất chính thức trên chính quê hương của mình. Có phải chăng, các sư em đến với tăng thân, gởi mình vào tăng thân là các sư em đã chạm được ngôi chùa an trú, nếp sống đơn giản để có thời gian nuôi lớn bồ đề tâm, tâm thương yêu của các sư em.
Bồ đề tâm là tâm thương yêu. Tâm thương yêu đó còn có ba nghĩa: Thứ nhất là trực tâm (chân tâm, tâm ngay thẳng). Thứ hai là thanh tâm và thứ ba là đại bi tâm. Đại bi tâm phải luôn được hun đúc và nuôi dưỡng trong ba yếu tố của tín lực, hạnh lực và nguyện lực. Là người xuất sĩ, các sư em đã gởi mình vào chốn già lam rồi thì hãy hết lòng thực tập, trau dồi thân tâm mình ngày một vững chãi, tiến gần đến ước nguyện đẹp đẽ ban đầu của mình. Trên bước đường tu học, có những lúc gặp phải những hoàn cảnh bất như ý, các sư em hãy nhớ đừng đánh mất anh nhi hạnh của mình. Hãy giữ tâm của mình cho nguyên sơ, trong sáng như khi mình mới bước vào chùa sống với đại chúng, nhìn cái gì các sư em cũng thấy đẹp, cũng thấy linh thiêng. Ngày xuống tóc, các sư em được mặc chiếc áo nhật bình, cảm giác sung sướng, nhẹ nhàng tràn đầy trong tâm. Mình thấy chiếc áo nâu tuy giản dị, nhưng thật đẹp và linh thiêng. Được ai chỉ bảo điều gì, các sư em đều chắp tay đón nhận. Đầu ngày gặp ai các sư em cũng thực tập chắp tay sen búp xá chào, những cử chỉ ấy thanh cao và đẹp làm sao! Các sư em học Tỳ ni thi kệ, mỗi bài giúp cho các sư em vun bồi chánh niệm trong mỗi lời nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng. Bốn nét oai nghi đi, đứng, nằm và ngồi lúc nào cũng cẩn trọng, cũng giữ gìn, làm gì cũng để ý hết lòng.
Tâm ban đầu của các sư em đẹp và trong sáng vậy đó. Nhưng rồi ở trong chúng một thời gian, cái tâm đó trở nên quen thuộc với mọi thứ, thấy mọi sự sinh hoạt diễn ra hằng ngày trong chúng thật tầm thường, nên các sư em không còn trân quý những điều kiện trong tầm tay như buổi ban sơ. Các sư em ít còn để ý chăm sóc tới anh nhi hạnh ban đầu của mình nữa. Rồi các sư em có thể nghĩ rằng, bởi do công việc nhiều, không đủ thời gian, không gian trong tâm. Từ đó, các sư em va chạm với người này, đụng với người kia, thấy những ý của sư anh này, sư chị nọ, sư em kia không đúng với cái ý của mình. Các sư em buồn khổ, trách móc, đòi hỏi… Cái tâm xem thường, bất mãn cũng theo đó mà trỗi dậy. Các sư em cho phép mình sống theo bản tính ưa thích, mở cửa cho năng lượng tập khí điều khiển mình. Khi đó các sư em không còn dễ dàng tiếp nhận sự giáo dưỡng nữa. Cái tâm thuần thục, kính trên nhường dưới biến đâu mất. Khi đó các sư em sẽ đánh mất trái tim ban sơ, bình dị, mất tâm hồn trong sáng, mất chí nguyện yêu thương ban đầu của mình và mất luôn giá trị thiêng liêng trong đời sống mà các sư em đã tiếp nhận được trong những ngày chập chững bước chân vào chúng.
Các sư em thương, dù ở hoàn cảnh nào, có khó khăn gì trong nội tâm chăng nữa, chị cũng mong ước và gởi gắm đến các sư em của chị, hãy cùng nhau trở về với tâm trong sáng, tâm chân thật của mình. Thể hiện bản tâm trong sáng qua sinh hoạt hằng ngày, trang nghiêm thanh tịnh trong mọi cử chỉ và tư duy. Và nhớ rằng, ngoài vườn cây vẫn xanh, giọt nắng vẫn long lanh, tuyết vẫn trắng và mây trắng vẫn thong dong.
Thương mến,
Sư chị Cây Dừa.
Thăm Thầy
Con thuyền tăng thân
BBT: Năm 2009, Sư Ông chia sẻ với đại chúng về một bức thư thầy viết cho Sư Ông, trong đó thầy đã nói rằng không phải là thầy đang đi trên con thuyền Tăng thân mà thầy chính là con thuyền ấy, và vì vậy, cho dù con thuyền có bị chìm thì thầy cũng sẽ không nghĩ đến chuyện nhảy ra khỏi nó. Thường thường chúng ta hay viết thư cho Sư Ông sau khi vượt qua một khó khăn. Câu chuyện đằng sau tuệ giác đó là gì, thưa thầy?
Thầy Pháp Hộ: Đầu tiên thì có lẽ đó là một cái thấy, một tuệ giác. Nhưng Sư Ông luôn dạy rằng những tuệ giác như vậy cần được duy trì không ngừng như một định lực, hay nói cách khác là chúng ta phải sống với tuệ giác mà chúng ta có được. Điều này rất khó, nhưng nếu làm được như vậy thì đời sống của chúng ta sẽ luôn thấm nhuần và tỏa chiếu tuệ giác ấy.
Kể từ khi bước vào tăng thân, con nghĩ là mình có một chí nguyện khá rõ ràng. Tận đáy lòng, con biết là con muốn sống ở đây, con cần phải ở đây. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được sự hoang mang và nghi ngờ đi lên khi con gặp khó khăn. Trước đây, khi có một huynh đệ rời chúng, con hay tự hỏi không biết nếu con rời chúng thì sẽ như thế nào. Rồi đến một lúc, con nhận ra là mình cần phải nuôi dưỡng và làm lớn mạnh cam kết của mình đối với tăng thân. Điều đó có nghĩa là con cần phải nuôi lớn tình thương đối với tăng thân, với huynh đệ của mình, một sự “vướng mắc” lành mạnh, để khi sự nghi ngờ phát khởi, hay lúc có khó khăn, con sẽ không dễ dàng rời bỏ tăng thân, vì con đã thương huynh đệ rất nhiều. Chính tình thương đối với tăng thân và huynh đệ là cái có thể bảo hộ và duy trì cuộc đời xuất gia của con. Đó là một thực tập cụ thể mà con cố gắng hành trì.
Thực tập cụ thể thứ hai là con viết thư bày tỏ với Sư Ông, rằng nếu con có tâm nghi ngờ và muốn rời bỏ tăng thân thì con không bỏ chạy ngay, ngược lại, con quyết tâm sẽ ở lại một năm trong chúng để chia sẻ với quý thầy, để nhìn sâu hơn vào những khó khăn và để biết chắc chắn rằng đó là điều mình muốn làm. Những thực tập và trải nghiệm ấy đã đưa đến tuệ giác về tăng thân mà con đã chia sẻ với Sư Ông.
BBT: Thầy có nghĩ rằng trách nhiệm trụ trì tu viện Lộc Uyển đã giúp thầy có cái thấy sâu sắc rằng mỗi chúng ta là một yếu tố làm nên con thuyền tăng thân? Xin thầy chia sẻ đôi điều về cái thấy ấy.
Thầy Pháp Hộ: Trong chuyến hoằng pháp châu Á năm 2010, tại Malaysia, thầy Pháp Dung hỏi con có hoan hỷ làm trụ trì xử lý thường vụ trong thời gian thầy về Làng ba tháng hay không. Con nói: “Dạ được, con sẽ thử”. Con hỏi thầy Pháp Dung có lời chỉ dẫn nào cho con không. Thầy bảo con chỉ cần làm một tờ giấy trắng là được. Thầy Pháp Dung khá hiểu con nên thầy biết điều gì con cần thực tập khi làm công việc này. Con có dịp làm việc gần thầy Pháp Dung một vài năm, vì vậy mà con có cơ hội quan sát và học hỏi rất nhiều ở cách thầy chăm lo cho tăng thân, tuy con và thầy có tính cách rất khác nhau.
Trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm 2010, Sư Ông đã chính thức bổ nhiệm con làm trụ trì xử lý thường vụ của tu viện Lộc Uyển. Cho đến nay con vẫn tiếp tục vai trò ấy. Thực tâm con nhận trách nhiệm đó trước hết là vì con thấy nó là một sự huấn luyện để mình có thể phụng sự và yểm trợ cho tăng thân. Trong tác phẩm Sống chung an lạc, Sư Ông dạy rằng, vai trò của một vị trụ trì là lúc nào cũng có mặt cho mọi người, tìm cách phát hiện tài năng cũng như những cái đẹp của mỗi cá nhân trong tăng thân, và giúp nuôi dưỡng những cái đẹp ấy. Trách nhiệm ấy có vẻ hơi khó nhưng con cũng có cảm hứng để làm thử.
Con thấy giữ thái độ cởi mở để đến chơi và làm việc được với tất cả huynh đệ, tránh trường hợp chỉ hợp ý với một vài người trong chúng, là một thực tập rất quan trọng. Con thường tìm đến với nhiều huynh đệ khác nhau để nhờ giúp đỡ về mặt này hay mặt khác. Không phải tất cả mọi người trong đại chúng đều có cùng một mong đợi hay kỳ vọng nơi vị trụ trì, vì vậy mà sự thực tập và phụng sự của con càng trở nên năng động.
Cương vị này giúp con ý thức hơn về tập khí cầu toàn trong công việc, đồng thời tập cho con phải dành đủ thì giờ để lắng nghe và trò chuyện với huynh đệ, cũng như đủ thì giờ để nhìn sâu vào những gì đang xảy ra. Có rất nhiều điều mà con cần phải học hỏi. Nhưng mọi sự thực tập đều quay về điểm mấu chốt là an trú trong hiện tại.
Một số thiền sinh tò mò hỏi con có phải là trụ trì hay không. Khi được hỏi, con hay nói rằng con chỉ là người làm công việc yểm trợ tăng thân, tạo điều kiện và khích lệ khả năng của mọi người trong chúng, ngoài ra con cũng phối hợp với ban chăm sóc và tri sự để công việc trong chúng được trôi chảy. Tăng thân nắm quyền quyết định những việc quan trọng trong chúng, không phải vị trụ trì.
Sau ba năm làm trụ trì, con được một thầy soi sáng: “Trong hai năm đầu tiên, thầy Pháp Hộ rất căng thẳng, nhưng giờ thì thầy làm khá lắm”. Đó chính là nhờ tình thương và sự dìu dắt của đại chúng. Qua đó, con thấy chúng ta cần lắng nghe những phản hồi từ đại chúng, chiêm nghiệm và cố gắng chỉnh sửa những gì chưa hay một cách khéo léo. Tăng thân sẽ biết, sẽ thấy sự tiếp nhận ấy của chúng ta.
Về Làng an cư trong mùa đông năm nay là một dịp để con dừng lại và nhìn sâu vào một số vấn đề, thí dụ như làm thế nào để con có thể sống hòa điệu hơn, khéo léo hơn trong đại chúng. Sư cô Diệu Nghiêm chia sẻ rằng, sư cô thấy có ít nhất ba lĩnh vực cần được chăm sóc trong tăng thân: thứ nhất là xác định hướng đi của tăng thân; thứ hai là tổ chức-hành chánh; và thứ ba là ôm ấp và gắn kết mọi người trong đại chúng bằng tình yêu thương. Vị trụ trì có thể là người yểm trợ tăng thân trong các lĩnh vực kể trên, nhưng không nhất thiết luôn phải là người làm những công việc đó. Con xem đây như là một kinh nghiệm để con quán chiếu và nhìn sâu hơn về cách con thực tập và phụng sự tăng thân. Duy trì ý thức không có gì tồn tại vĩnh viễn cũng giúp con rất nhiều.
Con thấy khi Sư Ông hoặc tăng thân đề nghị ai đó nhận một trách nhiệm trong chúng, chúng ta thường nhận lời một cách miễn cưỡng, và như vậy thì chúng ta không cho phép mình cống hiến một cách hết lòng. Chúng ta hay nói: “Con không đủ khả năng, con chưa đủ lớn… con chưa được thế này… con chưa được như thế kia…” Đó là lý do tại sao khi thầy Pháp Dung hỏi con có nhận làm xử lý thường vụ không, con đã nhận lời. Con nguyện đảm đương trách nhiệm ấy một cách hết lòng trong khả năng của mình và con cũng cho phép mình phạm những sai lầm, vụng về khi làm công việc này. Con không có mặc cảm tự tôn hay tự ti gì hết. Con xem đó là một phương tiện giúp con trưởng thành trong sự tu tập.
BBT: Tăng thân đang phát triển, đại chúng càng ngày càng lớn. Quý thầy và quý sư cô lớn phải gánh vác nhiều trọng trách. Có rất nhiều tài năng trong tăng thân nhưng để tìm người thích hợp có thể giúp những vị lớn là một điều không dễ. Thầy nghĩ sao về vấn đề này? Các sư em có thể giúp như thế nào?
Thầy Pháp Hộ: Con nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào cách sống của mình, nhất là vào sự thực tập để thấy mình đang đầu tư năng lượng vào đâu. Trong một bài pháp thoại, Sư Ông có dạy rằng, công việc của chúng ta không phải là lau chùi nhà vệ sinh hoặc làm công việc giấy tờ… Công việc của chúng ta là nhìn sâu vào cái mà chúng ta đang làm. Dĩ nhiên tùy thuộc vào kinh nghiệm và tính cách riêng mà mỗi người có khả năng làm những công việc khác nhau. Người này biết làm vườn, người kia có khả năng nấu những món ăn vừa ngon vừa lành cho đại chúng, người nọ tự nguyện đảm trách công việc hành chánh văn phòng. Mỗi người mỗi việc, việc nào cũng cần thiết và quan trọng như nhau. Không cần mặc cảm.
Một yếu tố quan trọng nữa là tất cả chúng ta cần hết lòng cống hiến thời gian, sức lực và tài năng của mình. Nếu chúng ta quá khép mình thì cuộc sống sẽ kém phần thú vị và mất đi nhiều ý nghĩa. Chúng ta cần thoát ra khỏi những chướng ngại nội tại đang giam cầm và cô lập chúng ta. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện để tất cả mọi người trong tăng thân được phát triển khả năng và tiềm năng của mình, giúp cho những tiềm năng ấy được thăng hoa trong đời sống tăng thân.
Phần lớn chúng ta đều không sống trong tu viện trên chính đất nước mà mình sinh ra và không nói tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó trở thành một vấn đề lớn của tăng thân. Có được một chút hiểu biết về văn hóa, nói được tiếng nói của người bản xứ, dù là căn bản, sẽ làm chúng ta thấy thoải mái khi tiếp xúc với thiền sinh, thấy gắn bó hơn với phong tục tập quán và đất nước ấy. Đây là một sự rèn luyện. Dần dần chúng ta sẽ có thể ra ngoài mua sắm cho đại chúng, hoặc có thể tiếp xúc với những người cung cấp các dịch vụ cần thiết cho tu viện.
Một điều rất quan trọng là các sư anh, sư chị cần thực tập để không can thiệp vào việc mà các sư em đang làm, không nên quá “nhiệt tình” giúp đỡ (cái này con chưa giỏi lắm). Dĩ nhiên là khi mình tự làm thì công việc sẽ chạy hơn nhiều, nhưng về lâu về dài, để cho các huynh đệ khác tập làm thì mới có sự tiếp nối và trao truyền được. Vì vậy, chúng ta phải có niềm tin. Niềm tin này sẽ lớn lên khi chúng ta nuôi dưỡng lòng biết ơn và trân quý các huynh đệ của mình. Chúng ta chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và có niềm tin rằng chắc chắn các huynh đệ sẽ làm được, rồi chúng ta buông công việc đó ra.
Đối với con, việc chăm sóc các em tập sự xuất gia hoặc các sư em chính là một sự đầu tư, là thêm một bước nữa trong việc con thực hiện cam kết gắn bó với tăng thân. Sự đầu tư vào thế hệ trẻ rất thiết yếu trong việc xây dựng một tăng thân xuất gia vững mạnh.
Rất nhiều lần Sư Ông dùng hình ảnh của một bàn tay để nói về tăng thân. Bàn tay sẽ không làm được gì nếu tất cả các ngón đều là ngón cái hoặc là ngón út. Chúng ta cần có nhau. Nuôi dưỡng ý thức này là một điều quan trọng. Không phải ai cũng cần nói tiếng Anh lưu loát, không phải ai cũng phải nấu ăn ngon hay biết chơi với trẻ con. Đối với một số người, học một ngoại ngữ là rất khó nhưng họ lại rất khéo tay, hoặc lại rất dễ đến với huynh đệ trong chúng. Chúng ta cần phải biết thế mạnh của từng người và giúp nhau thăng hoa để được là chính mình.
BBT: Mối quan tâm lớn của thầy về bảo hộ sinh môi đã giúp thầy khởi xướng những thực tập trong tăng thân để bảo hộ đất Mẹ. Xin thầy giải thích một cách chính xác với ngôn ngữ dễ hiểu nhất về vấn đề “Biến đổi khí hậu bất thường của trái đất” để mọi người có thể hiểu thêm và dễ hành trì.
Thầy Pháp Hộ: Cách đây ba năm, tự nhiên có một câu hỏi đi lên trong con là nếu nhìn lại đời tu của mình, có thể là sau hai mươi năm nữa, con đã sử dụng thời gian và năng lượng của mình như thế nào? Con có điều gì để ân hận hay hối tiếc không? Thật đáng ngạc nhiên là câu trả lời đã đến với con ngay lập tức và rất rõ ràng: con cần phải tìm ra phương thức để kết hợp một cách thiết thực sự thực tập của mình với vấn đề biến đổi khí hậu bất thường. Bởi vì nếu môi trường sinh thái không hoạt động bình thường và thiên nhiên không có sự quân bình thì sẽ không có gì tồn tại được. Khi đó con cũng đang tham gia khá nhiều hoạt động, nói chung là con thấy mình cũng đã có đủ việc để làm rồi. Nhưng trong quyển sách Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Sư Ông có dạy rằng chúng ta không thể nói là chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ để cứu hộ sinh môi. Vì vậy điều đầu tiên con nghĩ đến là tạo một trang blog tên là “Earth Holding Blog”. Con đem đề nghị này trình lên Hội đồng giáo thọ của tu viện Lộc Uyển và tất cả mọi người đều đồng ý. Con thấy rất được yểm trợ. Sự yểm trợ ấy cũng là một cách hành động. Cho đến nay trang blog ấy vẫn còn đang hoạt động (earthholdinghereandnow.org). Con đang cố gắng mời thêm các vị xuất gia và các vị Tiếp Hiện khác tham gia.
Tăng thân Earth Holder
Khi bắt đầu đọc và tìm hiểu thêm về vấn đề biến đổi khí hậu, con thấy có quá nhiều thông tin và dữ liệu khoa học về vấn đề trái đất bị hâm nóng, nhưng đôi khi vấn đề này có vẻ khá trừu tượng với chúng ta. Một thực tế mà chúng ta có thể thấy rõ là nhiệt độ trái đất đang tăng dần. Con người chúng ta đã làm nồng độ khí nhà kính tăng lên (nhất là khí CO2), khiến cho các tia bức xạ mặt trời bị giữ lại trong khí quyển, dẫn đến tình trạng trái đất bị nóng lên. Hiện tại, nhiệt độ trên bề mặt trái đất đã tăng lên khoảng 0.70 C. Mức độ tập trung của CO2 trong khí quyển là 400 phần triệu, cao hơn rất nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số tương đối để bảo đảm an toàn cho sự sống trên trái đất là 350 phần triệu. Hiện tại, lượng khí thải nhà kính không hề giảm xuống, điều này có nghĩa là lượng khí CO2 sẽ lưu lại trong khí quyển trong nhiều thập niên. Các đại dương hấp thụ rất nhiều khí CO2, vì vậy cũng góp phần làm giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, song lượng khí CO2 trong nước biển làm gia tăng độ acid, gây ảnh hưởng có hại tới sinh vật biển.
Mực nước biển đang dâng lên cao vì các tảng băng ở Nam Cực, Bắc Cực và Greenland đang tan rã. Những tảng băng trên các dãy núi cao cũng đang tan. Không có lớp băng bảo vệ để phản xạ nhiệt, 90% nhiệt lượng của mặt trời có thể chiếu thẳng xuống mặt nước, do đó đẩy nhanh quá trình hâm nóng toàn cầu. Tình trạng tan băng cũng sẽ kéo theo sự suy giảm lượng mưa, hạn hán và nạn khan hiếm nước trầm trọng.
Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở những vùng lãnh nguyên (tundra, nơi lạnh nhất của tất cả các quần xã sinh vật. Nó gắn liền với băng vĩnh cửu, nhiệt độ cực thấp, ít mưa, các chất dinh dưỡng kém và mùa sinh trưởng ngắn) ở Siberia bắt đầu tan, phóng thích lượng khí nhà kính tích trữ trong đất vào không khí. Rừng nhiệt đới là lá phổi của Địa cầu chúng ta, nơi vừa lưu trữ vừa hấp thụ bớt khí thải CO2. Khi cây rừng bị chặt phá, các loài thực vật sẽ trở nên thưa thớt và khô cằn, thậm chí chúng sẽ thải ra khí CO2 thay vì hấp thụ nó. Hiện nay, việc đốt rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp (chẳng hạn như để làm các đồn điền sản xuất dầu cọ tại Indonesia) đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Đây cũng là một nguy cơ khác đang đe dọa chúng ta.
Ngoài ra, còn có những lĩnh vực mà chúng ta đã góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào việc làm tăng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính: khí thải từ các thiết bị như máy lạnh, máy sưởi, khí thải từ xe cộ, từ quá trình sản xuất thức ăn công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chăn nuôi là ngành đứng đầu trong việc phát thải khí nhà kính. Vì vậy, chúng ta có thể đóng góp vào việc cứu hộ sinh môi bằng cách nhìn lại hướng tiêu thụ của mình, đặc biệt là việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật.
Khi sử dụng các thực phẩm như thịt, sữa… chúng ta nên tự hỏi mình có đang góp phần tạo nên khổ đau cho các loài động vật hay không. Qua những hình ảnh quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta lầm tưởng rằng những quả trứng gà hay những miếng thịt bò có vẻ như đến từ những con bò, con gà hạnh phúc. Chúng ta đã bị đánh lừa. Chúng ta không biết rằng những con bò con vừa lọt lòng đã bị tách ra khỏi mẹ ngay lập tức và sẽ được nuôi riêng rẽ để giết thịt. Những con bò mẹ thường xuyên bị thụ tinh nhân tạo để cho sữa liên tục. Thông thường các con bò sữa bị nhốt trong chuồng suốt cả ngày và chỉ đứng yên một chỗ, không được đi lại tự do. Đó là một sự khai thác tồi tệ nhất mà chúng ta có thể hình dung. Cuộc đời một con bò sữa nuôi bằng cách đó chỉ dài bằng một phần ba cuộc đời của một con bò được nuôi trong môi trường tự nhiên.
Trồng ngũ cốc và rau để phục vụ ngành chăn nuôi cũng là một sự lãng phí tài nguyên. Thay vì trồng trọt để nuôi những đồng loại đang đói khổ, chúng ta dùng nông phẩm để chăn nuôi thú vật rồi giết chúng để ăn thịt. Thử lấy một thí dụ về phương thức sản xuất thực phẩm hiện đại để thấy sự khác biệt quá lớn với cách sản xuất tại địa phương. Ở Hoa Kỳ, ngũ cốc chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, gia súc chỉ được nuôi tập trung ở một số khu chăn nuôi lớn, sau đó được vận chuyển tới một số lò mổ nhất định. Vì vậy, ngũ cốc, gia súc và thịt được vận chuyển từ nơi này sang nơi khác tạo ra vấn đề “đường đi của thực phẩm” hay “dặm thực phẩm” (food miles), tức là quãng đường vận chuyển lương thực, thực phẩm. Quãng đường vận chuyển càng lớn thì càng tốn nhiều năng lượng, đồng nghĩa với lượng khí thải CO2 càng tăng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhắc đến nạn bất công về khí hậu. Cách sống và tiêu thụ của các nước phát triển có liên hệ vô cùng mật thiết đến sự ô nhiễm môi trường và sự khủng hoảng về khí hậu mà chúng ta hiện đang phải đối diện. Trong khi đó, những nước nghèo nhất, cũng là những nước có phương tiện eo hẹp nhất để đối phó với sự thay đổi khí hậu bất thường lại là những nước gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Có thể xem đây là một sự bất công.
Những cơn bão lớn, thậm chí khi chúng xảy ra ở những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, bao giờ cũng gây ra những thiệt hại to lớn về con người và về kinh tế. Ở những nước ấy, dù sự trợ cấp cho dân chúng khi có thiên tai rất chu đáo, sự khổ đau của họ vẫn vô cùng ghê gớm. Khi Philippines bị bão, Syria bị hạn, Bangladesh bị lụt lội… chúng ta sẽ thấy mức độ khổ đau của con người càng trầm trọng bởi vì đó là những nước kém phát triển. Số lượng người tị nạn khí hậu càng ngày càng tăng.
Biết bao loài đã bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng bị ảnh hưởng trầm trọng. Vòng tuần hoàn của mưa và hạn hán cũng thay đổi. Và hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đã bắt đầu diễn ra. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện và ý thức rằng những hoạt động của con người trên trái đất, bao gồm sự khai thác và sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (dầu lửa, khí đốt và than đá) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nói trên. Đó là các loại nhiên liệu không thể tái tạo được. Chúng ta có thể thấy các quốc gia, các tập đoàn lớn đang tranh giành tài nguyên ở khắp nơi trên thế giới. Và chúng ta cũng thấy nhân lực, cầm thú và khoáng sản đã và đang bị khai thác một cách không thương tiếc để đáp ứng sự tham lam của con người.
Đó là những lý do vì sao con cảm thấy, như một tăng thân, chúng ta phải kiên quyết dừng lại để không góp phần vào vấn nạn này. Chúng ta phải học cách thức thay đổi cách sống. Sư Ông đã cho một bài pháp thoại rất mạnh ở Lộc Uyển về việc tăng thân nên thực tập tiêu thụ ít lại và sử dụng nhiều hơn các loại nhiên liệu có thể tái tạo. Đây không phải là những phát kiến mới bởi vì Sư Ông đã khởi xướng con đường này nhiều thập niên về trước. Năm 1971, Sư Ông và sư cô Chân Không đã giúp tổ chức một hội nghị về môi trường ở Menton có chủ đề chính là vấn đề bùng nổ dân số. Cuối cùng có khoảng 2000 nhà khoa học đã ký tên vào hiệp ước Menton. Năm 2008, nhờ sự góp sức của quý thầy, Lộc Uyển đã sử dụng năng lượng mặt trời cho toàn tu viện.
Tấm thu năng lượng mặt trời tại tu viện Lộc Uyển
Nếu chúng ta là con của Bụt, là đệ tử của Sư Ông, chúng ta cần nhìn thấu sự khổ đau của thời đại để có thể tìm ra phương thức tu tập nhằm giảm thiểu sự đóng góp của mình vào khổ đau đó, đồng thời giúp người khác ý thức rõ hơn về vấn nạn này. Con thấy đây là trách nhiệm tối thiểu của chúng ta. Nếu không bị đánh động bởi những hành động dấn thân của Sư Ông trong các vấn đề về môi trường cũng như các vấn đề xã hội mà thế giới đang phải đối diện thì con đã không trở thành một vị xuất sĩ trong truyền thống Làng Mai.
Mùa xuân năm nay, tại Lộc Uyển sẽ có khóa tu Earth Holding lần thứ hai, diễn ra từ 28.04 – 01.05.2016. Để tìm hiểu thêm về khóa tu này, các bạn có thể xem thông tin trên trang mạng earthholder.org và blog earthholdinghereandnow.org.
BBT: Xin cảm ơn thầy.