Gặp Phật tử Thụy Điển đặc biệt tại Sài Gòn
“…Trong lúc nói chuyện tôi phải dừng mấy lần, nhắm mắt tại để tưởng tượng trong vài giây về công việc của người Phật tử đặc biệt này. Tôi chắc rằng anh hay thiền tập, và nhất định anh phải thiền, phải nhập tâm lắm khi tạo dựng bức tượng. Bởi bức tượng Thiền sư Nhất Hạnh rất có hồn, rất thật. Thật đến mức, tôi cứ có cảm giác Thầy đang ngồi cạnh chúng tôi, ngay tại đây, trong quán chay Liên Hương giữa lòng thành phố Sài Gòn…” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty sách Thái Hà.
Chúng tôi có mặt tại nhà hàng chay Liên Hương trong một con hẻm của đường Nguyễn Thị Riêng, quận 1, TP HCM. Ngồi uống trà (hoặc thưởng thức các món chay) luôn là thú vui của Phật tử chúng ta. Nhất là khi Liên Hương lại là một quán chay thực dưỡng.
Thế rồi anh xuất hiện. Anh ôm khư khư trong người một thứ gì đó mà tôi nghĩ rằng phải rất là quý giá. Vật quý ấy được gói trong một chiếc khăn (mà sau này tôi mới phát hiện ra là chiếc áo phông có in dòng chữ “I love Vietnam”). Anh là Istvan L., một Phật tử Tây phương, mà chính xác là người Thụy Điển.
Được một người bạn giới thiệu, anh ngồi xuống sát tôi và mở “bảo bối” ra. Thì ra đó là bức tượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi giật mình: giống thầy Nhất Hạnh vô cùng.
Bức tượng được làm bằng đất sét nung, nhỏ thôi chứ không lớn. Bức tượng rất có hồn và ai nhìn thấy cũng ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết chính anh, Istvan, là tác giả của “công trình” quý giá này.
Anh chia sẻ rằng anh rất yêu kính vị thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh. Trong số vài chục cuốn sách do Thiền sư viết, anh mới đọc có 5 – 6 cuốn nhưng thấy hay và thực tế vô cùng. Anh bảo rằng, người Tây phương rất hợp với cách hướng dẫn tu tập của Thầy và anh đã bị cuốn hút từ lâu. Istvan thích cách viết đơn giản của Thầy, thích triết lý và cách nhìn, thích cách sống giản dị và gần gũi, thích sự thông thái và nhạy cảm của Thầy.
Hóa ra trước mặt tôi là một Phật tử Tây phương. Tôi đã từng gặp và cùng tu tập với nhiều Phật tử ngoại quốc, kể cả những người có chức vụ cao như anh Daisuke – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, chị Siomarez – Phó Đại sứ Panama tại Việt Nam, anh Hank làm ở tổ chức USAid của Hoa Kỳ, chị Triz, anh Thom,…. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp một Phật tử Bắc Âu, nhất là khi chính Phật tử này làm tượng của một vị sư người Việt Nam chúng ta. Trong lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả. Nhìn quanh các bạn có mặt trong nhà hàng tôi thấy ai cũng vui. Một người thầy người Việt của chúng ta được tôn kính, tại sao lại không vui. Hơn thế nữa, tôi thấy mình rất đỗi tự hào. Tự hào biết bao!
Tôi ngạc nhiên hơn khi biết ra là anh bạn Phật tử Thụy Điển này không phải là thợ chuyên nghiệp. Istvan là đầu bếp và là một giáo viên dạy tiếng Anh. Anh sáng tác tác phẩm này chỉ bởi lòng kính trọng đối với một nhà sư tài năng và đức độ. Anh làm tượng như một thú vui.
Tôi và những người bạn lặng người ngồi nghe anh kể về các công đoạn làm tượng từ đất sét. Thế là tôi biết thêm về một nghề nữa. Istvan miêu tả rất sống động, đến mức tôi như cảm thấy anh đang sáng tạo ngay trước mặt tôi. Bức tượng này được anh làm trong 2 ngày và ra đời vào tháng 5 năm 2013 này. Nghề làm tượng bằng đất sét phổ biến ở Việt Nam và châu Á chứ đâu có ở xứ Bắc Âu của anh mà sao Istvan lại có thể làm được bức tượng giống thầy Thích Nhất Hạnh đến vậy!
Trong lúc nói chuyện tôi phải dừng mấy lần, nhắm mắt tại để tưởng tượng trong vài giây về công việc của người Phật tử đặc biệt này. Tôi chắc rằng anh hay thiền tập, và nhất định anh phải thiền, phải nhập tâm lắm khi tạo dựng bức tượng. Bởi bức tượng Thiền sư Nhất Hạnh rất có hồn, rất thật. Thật đến mức, tôi cứ có cảm giác Thầy đang ngồi cạnh chúng tôi, ngay tại đây, trong quán chay Liên Hương giữa lòng thành phố Sài Gòn.
Istvan kể rằng anh đã đến Việt Nam 5 lần rồi. Có lần anh đã ở đến tận 2 tháng. Tôi thầm cám ơn và khi gõ những dòng này vẫn đang gửi lòng biết ơn đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có lẽ nhờ Thầy mà anh bạn Phật tử Thụy Điển mới biết đến Việt Nam và dành thời gian đến với đất nước của chúng ta nhiều đến vậy. Tôi cũng thầm cảm ơn những người đồng hương đất Việt tuyệt vời, nhất là những Phật tử đã “tiếp khách” Istvan thật tốt và chu đáo để anh quay lại nước Việt Nam chúng ta nhiều lần đến thế. Quý hóa quá!
Tôi còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng mấy năm trước anh đã trải qua một sự cố lớn: trong lúc chặt củi giúp bố mẹ vợ để cho vào lò sưởi, anh đã vô tình chặt đứt ngón tay cái. Anh cứ giữ nguyên ngón tay như vậy và lao vào viện. Ca phẫu thuật kéo dài từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. Chính anh cũng không tin khi các bác sỹ đã nối liền lại ngón tay cái cho anh. Istvan kể rằng cả tháng sau đó, 4 ngón còn lại cũng không cử động được do các bác sỹ đã nẹp tay, cầm máu khi mổ… Và đây là sự nhiệm mầu của Phật Pháp. Tôi chưa kịp hỏi nhưng đoán rằng chắc khi đó anh cũng niệm Phật dữ lắm đây.
Quan sát tôi thấy anh mặc chiếc áo có dòng chữ “Never give up”. Tôi hiểu rằng, là một Phật tử, học theo Đức Phật, anh luôn nhắc mình (và mọi người quanh anh) không thể gục ngã, không thể đầu hàng trước bất cứ khó khăn nào. Chẳng thế mà một đầu bếp lại có thể có thêm nghề thầy giáo và kiêm luôn cả nghề “nghệ nhân gốm” nữa!
Tôi vui lắm khi môt Phật tử từ Bắc Âu xa xôi lại yêu kính một vị Thiền sư Việt Nam đến vậy. Tôi mong sao, đạo Phật lan tỏa khắp nơi, đến khắp năm châu bốn biển, đúng như đã được nêu trong cuốn sách “Khi nào chim sắt bay” của ni sư Ayya Khema rằng khi nào chim sắt biết bay, khi nào ngựa chạy trên 4 bánh xe thì Phật Pháp lan tỏa sang phương Tây. Tôi mong rằng, trong bộ sưu tập những tác phẩm của anh bạn Istvan sẽ có thêm nhiều bậc thầy cao quý khác của nước Việt chúng ta.
Chúng tôi rời quán chay Liên Hương khi đã gần nửa đêm. Hôm sau nữa thì Phật tử Istvan bay về nước. Không biết bao giờ anh mới quay lại. Nhưng may thay, chúng tôi đã kịp chụp lại những bức ảnh với những khoảnh khắc quý giá này.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà