Có một lối mòn
“…Tôi nhìn thật sâu vào sự việc để thấy tìm “cái thấy sâu sắc” mà sư em tôi nói đến. Bạn có thể cho là nó chỉ liên quan đến một việc rất cỏn con nhưng nó lại là một thí dụ rất điển hình cho tập khí của tôi. Tập khí đó là ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc và không biết dừng lại khi đã thấm mệt. Khi mệt, nghỉ ngơi là điều tốt nhất. Lúc mệt tôi lại hay làm tắt, hay đi đường tắt, và hay tìm cách để làm cho xong để nghỉ ngơi. Tôi quên mất hạnh phúc là trong khi làm việc chứ không phải là kết quả…” – Sư cô Trăng Mai Thôn
Ngày 4 tháng 12 năm 2013
Bạn thân thương,
Ngày hôm qua tôi thức dậy vào lúc 3 giờ sáng. Cảm giác đầu tiên của tôi khi vừa tỉnh giấc là cảm giác ân hận. Ân hận về cái gì? Tôi không biết. Tôi hơi ngạc nhiên, cố nghĩ lại xem mình có vừa mơ một giấc mơ gì liên quan đến cảm giác này không, nhưng không thể nhớ ra gì cả.
Cả ngày trôi đi rất bình thường, nghĩa là rất vui, rất hạnh phúc và bình an, bởi vì hôm qua là ngày xuất sĩ. Huynh đệ chúng tôi được tụ hội về Sơn Cốc để được quây quần bên Thầy, được Thầy ban pháp nhũ, được chơi chung và pháp đàm với nhau suốt một ngày.
Buổi chiều, tôi “được mời” đi ăn sinh nhật sư chị An Nghiêm – sư chị tôi là người Mỹ gốc Phi. Sư chị kể là hồi còn cư sĩ, gia đình sư chị tổ chức sinh nhật rất … khí thế, vì sư chị có cả một đại gia đình huyết thống cùng đến chung vui. Xuất gia rồi, sư chị vẫn được đại gia đình đến chung vui như thường. Nhưng bây giờ lại là một đại gia đình tâm linh. Chúng tôi “ăn” sinh nhật theo kiểu xuất sĩ. Tuy nhiên ở Làng Mai, chúng tôi hay dùng từ ngày tiếp nối, hay ngày biểu hiện thay vì ngày sinh nhật.
Mỗi người được thông báo là khi đi mừng ngày tiếp nối thì mang quà theo. Quà là hai thanh củi để đốt lò sưởi. Tưởng gì chứ cái đó thì …”dễ ợt”. Tuy vậy đâu phải ai cũng thích mang món quà có vẻ … đại trà đó.
Nhiều sư cô rất sáng tạo, họ đâu muốn bị bó buộc vô trong một món quà sắp sẵn như vậy. Thế là có người đến với một cái bông hồng cắt ngoài vườn (và sau đó bị tri vườn nhận diện ngay lập tức!), có người đến gắn một bông cẩm chướng lên áo cho sư chị, có người mang đến một cây nến thắp sẵn có cột nơ cẩn thận, vừa đi vừa hát bài “Happy Birthday”, có người làm bánh táo, có người pha trà …Thôi thì đa hình đa dạng. Đó là chưa kể chai nước táo có gaz mà tôi sẽ kể thêm ở phần sau.
Tôi thì đơn giản lắm. Các sư chị bảo gì tôi làm nấy. Vậy nên tôi ra chỗ chứa củi, chọn lấy hai thanh mà tôi cho là sẽ cháy tốt rồi mang đi.
Ngoài ra trên tay tôi còn một chai nước táo có gaz được một sư cô nhờ mang đến làm quà vì sư cô mệt không đi được. Còn nữa, tôi còn ráng mang theo một bình thủy nước nóng nhỏ để uống vì tôi không uống trà được. Thật ra tôi đang mệt, đêm trước đó tôi ngủ rất ít vì thức dậy giữa chừng rồi không ngủ lại được. Và vì mệt nên tôi hơi lười, không muốn phải đi hai chuyến. Tôi tự nhủ: thôi cố mang hết một lần để khỏi leo lầu.
Cầu thang khá tối. Tôi khệ nệ mang từng ấy thứ lên gần được nửa cầu thang thì bỗng dưng vai tôi bị một cái gì chặn lại, không bước lên được nữa. Và chai nước táo tôi đang cầm trên tay bị sức dội làm văng xuống cầu thang kêu cái … bộp, nó lăn một nấc thang trước khi bể cái …bụp. Nước táo vì có gaz nên đẩy mảnh chai văng đầy cả nửa cầu thang. Tiếng nổ lớn như kiểu người ta mở nút chai Champagne làm các sư cô chạy vội ra bật đèn lên để thấy tôi đứng một cách ngớ ngẩn, mấy khúc củi và cái bình thủy vẫn còn trên tay và vẫn chưa thật sự hoàn hồn.
Một sư em giúp tôi dọn dẹp. Sau khi tìm hiểu, sư em biết là tôi đã mang trên tay quá nhiều thứ cùng một lúc. Sư em tôi nói: “Hôm nay sư chị chắc chắn là đã có một cái thấy sâu sắc rồi. Đó là đừng nên ôm quá nhiều thứ cùng một lúc, có phải không?” Giả sử đó là bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Còn tôi lúc ấy tôi thấy quê với sư em quá. Vừa quê với sư em, vừa ân hận vì mình đã quá ẩu, làm uổng phí một món quà của sư chị nên mặt tôi hơi heo héo. Thật là không phù hợp tí nào.
Dù vậy, chuyện đó vẫn không làm giảm đi niềm vui của các sư cô. Chúng tôi quây quần bên lò sưởi, kể chuyện vui trong chùa cho nhau nghe rồi vừa cười rộn lên vừa ăn bánh táo. Sáng nay tôi đến sám hối với sư cô đã gởi tôi món quà đó. Sư cô cười, bảo sao không trở về gặp sư cô để lấy chai khác.
Tối qua sau khi ăn sinh nhật về, tôi đi lạy Bụt để sám hối. Tôi nhớ lại cái cảm giác ân hận lúc vừa mới thức dậy buổi sáng hôm ấy. Cảm giác ân hận của tôi khi làm bể chai nước táo cũng tương tự như vậy. Tâm tôi như thường lệ, lại đi theo lối cũ là tự trách mình: “Phải chi khi ấy tôi đi hai chuyến. Phải chi tôi đừng để tập khí ẩu tả, muốn làm cái gì cũng kết hợp cho nhanh lôi kéo. Và cuối cùng là: đáng lẽ mệt như vậy tôi đừng nên đi mới phải…”
Tôi nhìn thật sâu vào sự việc để tìm “cái thấy sâu sắc” mà sư em tôi nói đến. Bạn có thể cho là nó chỉ liên quan đến một việc rất cỏn con nhưng nó lại là một thí dụ rất điển hình cho tập khí của tôi. Tập khí đó là ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc và không biết dừng lại khi đã thấm mệt. Khi mệt, nghỉ ngơi là điều tốt nhất. Lúc mệt tôi lại hay làm tắt, hay đi đường tắt, và hay tìm cách để làm cho xong để nghỉ ngơi. Tôi quên mất hạnh phúc có mặt ngay trong khi làm việc chứ không phải ở kết quả.
Tôi cũng không muốn khó khăn với mình làm gì nhưng tôi tự hỏi mình rằng: “Này bạn, bạn có thật sự muốn để cho tâm mình đi về trên một lối mòn như vậy hoài hay không? Bạn có thật sự muốn có cái cảm giác không khỏe mỗi lần hành xử và suy nghĩ theo lối mòn như vậy hay không?”
Câu hỏi này tôi dành cho tôi và tôi mời bạn, nếu thích, bạn cũng có thể cùng quán chiếu với tôi để mỗi người tìm ra câu trả lời cho chính mình. Nếu có gì vui, bạn nhớ kể cho tôi nghe với nhé.
Sư cô Trăng Mai Thôn