Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Hãy chạm vào mặt đất và làm mới

Bài phỏng vấn của Malte Conradi và Sarah Raich tháng 8 năm 2012 tại EIAB, đăng trên “The Southern German Newspaper”

Bài phỏng vấn của Malte Conradi và Sarah Raich tháng 8 năm 2012 tại EIAB, đăng trên trang 12 của tờ báo “The Southern German Newspaper”, the Suddeutsche Zeitung, Thứ 7 – Chủ Nhật ngày  1 & 2.06.2013

Nhà sư Phật giáo Thích Nhất Hạnh nói về khổ đau, hi vọng và kinh doanh

Waldbröl – Nếu nhà hiền triết Yoda trong phim “Star Wars” có thể có một hiện thân trong cuộc sống thật, thì đây chính là người này. Thầy Thích Nhất Hạnh, 86 tuổi, ngồi trên đất trong thiền đường, chiếc đầu cạo nhẵn, mặc tấm áo nâu giản dị của những sa di Phật giáo, mỉm cười thân thiện với khách, trước mặt ông là một bình trà mới pha. Ông cụ nhỏ thó và hiền lành đó được xem là một người đại diện có tầm vóc nhất cho Phật giáo, bên cạnh Đức Đạt Lại Lạt Ma. Thầy Thích Nhất Hạnh đã phải rời bỏ quê hương Việt Nam của mình từ năm 1969, vì các nhà cầm quyền ở cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam thời bấy giờ không ưa thích Thầy, người đã từng kêu gọi hòa bình và hòa giải dân tộc ngay giữa khi cuộc chiến Việt Nam đang bùng nổ. Đất lưu vong của Thầy là miền Nam nước Pháp, từ nơi đó Thầy đã truyền bá Phật giáo cho người Tây phương. Nước Đức thì Thầy Thích Nhất Hạnh viếng thăm mỗi năm một lần, tại một vùng quê của miền Rheinland, để thuyết giảng Phật pháp cho các tăng, ni và Phật tử.

Phỏng vấn ư? Thông thường thì Thầy không có thời giờ cho chuyện này. Và nếu có chăng, thì các đệ tử của Thầy cũng đến đứng lắng nghe và học hỏi. Sau 90 phút, Thầy Thích Nhất Hạnh vẫn ngồi xếp bằng trong thế hoa sen, lưng thẳng như cây nến – trong khi khách thì xương cốt đã rêm đau từ lâu rồi.

 

SZ: Kính thưa Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy đã chứng kiến nhiều khổ đau trong cuộc đời của Thầy. Thầy làm cách nào để vẫn giữ cho mình niềm hi vọng?

Thầy Thích Nhất Hạnh: Đúng rồi, tôi đã chứng kiến nhiều khổ đau, nhất là trong cuộc chiến Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi đã cùng nhiều nhà sư khác xây dựng lên một ngôi làng nhỏ cho người tị nạn trong vùng xôi đậu. Sau đó không lâu, ngôi làng đã bị Mỹ dội bom vì Việt cộng đã đến đó ẩn náu. Chúng tôi đã dựng lại. Ngôi làng lại bị dội bom. Và chúng tôi lại xây một lần nữa. Đến lần thứ ba, chúng tôi bàn nhau có nên xây lại hay không. Ý kiến của tôi lúc đó là: Nếu chúng ta bỏ cuộc, thì người dân sẽ mất mọi niềm hi vọng. Vì thế chúng tôi đã xây lại nhà cửa, một lần thứ ba và một lần thứ tư. Và cuối cùng một lần thứ năm nữa.

Nhưng Thầy đã lấy nghị lực từ đâu ra?

– Chúng tôi cố gắng biến khổ đau thành điều tốt lành. Hoa sen cũng phải cần có bùn để sống. Hoa sen không thể mọc trên đá cẩm thạch được. Quý vị cần nhận ra rằng có một liên quan chặt chẽ giữa khổ đau và hạnh phúc. Ai bỏ chạy trước khổ đau thì cũng khó tìm ra hạnh phúc. Ngược lại: Quý vị nên đi tìm nguyên nhân của khổ đau của chính mình. Từ đó hiểu và thương sẽ chớm nở. Đó là chìa khóa của hạnh phúc. Mọi của cải và quyến hành trên thế gian này không thể đem lại hạnh phúc, nếu không có hiểu và thương. Trước những quá khích, trù dập, lo sợ và sân hận, thì mình chỉ có một cách mà thôi: Hãy quan sát bùn cho thật kĩ, để trồng trên đó một cây hoa sen. Ai đã từng nhận ra được sự khổ đau của kẻ xâm lược, thì sẽ không phải thù hằn họ nữa.

Hôm nay thì Thầy mời khách phương Tây đến tu viện của Thầy để giảng dạy những điều đó. Cụ thể Thầy làm việc gì?

– Bạn không cần phải là Phật tử mới có thể học pháp môn của chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là chánh niệm. Đó là nghệ thuật sống trong hiện tại, một loại năng lượng mà chính Bạn tự tạo ra. Nó giúp Bạn bỏ qua những căng thẳng và buồn phiền, để hưởng cuộc sống của mình đẹp hơn. Bạn sẽ học để sống với khổ đau, sân hận và nghi ngại của mình. Sau một khóa tu với chúng tôi, Bạn sẽ biết làm thế nào để đem lại thêm niềm vui và an lạc trong cuộc sống của mình, làm thế nào để tái lập truyền thông với người chung quanh. Chúng tôi mang danh hiệu là Phật giáo, nhưng thật ra công việc của chúng tôi là bao quát.

Điều Thầy vừa nói nghe có vẽ trừu tượng quá.

– Ồ, nó giản dị lắm: Ví dụ khi Bạn đi từ bãi đậu xe đến văn phòng, Bạn hãy dừng dòng suy tư của Bạn một chốc. Bạn hãy đi với chân của Bạn, mà không dùng cái đầu, cứ đi từng bước, từng bước. Phải cần thực tập một chút, nhưng cái này sẽ đem Bạn trở về với bây giờ và ở đây, nó làm cho Bạn biến thành một người tự do. Hãy hưởng từng bước chân đi. Khi vào công sở rồi, Bạn sẽ có những quyết định tốt đẹp. Thật đó, nó giản dị lắm. Bạn thấy đó, các thực tập là rất cụ thể. Và chúng sẽ đem lại chuyển hóa và trị liệu chỉ trong vài ngày thôi. Chính Bạn sẽ tự chứng nghiệm điều đó.

Nhưng người bình thường có rất nhiều thứ trong đầu, lo âu, áp lực. Làm sao người ta có thể đi đến chỗ làm một cách thảnh thơi được?

– Để tôi kể Bạn nghe một câu chuyện. Trước đây tôi có biết một phụ nữ trẻ, tên của bà là Laura. Chồng bà là Frederik, một doanh thương thành đạt. Măc dù họ có đủ mọi thứ, nhưng Laura không hạnh phúc, vì 2 người không có thì giờ cho nhau và cho đứa con trai của họ. Frederik chỉ có thì giờ cho công việc của ông mà thôi. Lúc ban đầu, Laura đã rất hãnh diện về chồng mình. Nhưng thời gian trôi qua, bà ta ngày càng cô đơn. Bà đã thử hết mọi thứ, như học thêm xong ngành đại học, tổ chức các việc từ thiện. Nhưng mọi thứ đó không giúp được gì cho bà cả. Nhiều đêm bà nằm khóc. Mỗi lần như vậy Frederik cố giải thích với bà rằng không ai có thể thay thế ông ta trong hãng cả. Ông nói, có thể 3 năm nữa ông sẽ làm việc ít lại. Nhưng sau 3 năm, ông ta vẫn làm việc lu bù như trước. Ông cũng đã không có thì giờ đến nhà thương thăm đứa con trai, khi nó bị giải phẫu. Rồi một ngày nọ, Frederik bị tai nạn xe hơi. Ông ta chết. Chỉ 3 ngày sau đó, đã có một người khác lên làm ngay công việc của ông ta trong hãng. Chuyện như vầy xảy ra thường lắm. Chúng ta phải thức tỉnh mà thôi. Thức tỉnh ngay bây giờ. Chớ không phải trong 3 năm nữa. Chúng ta đừng hi sinh hạnh phúc hôm nay của mình cho một tương lai nào đó!

Vì sao người phương Tây lại thích pháp môn của Thầy?

– Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là tại phương Tây. Người ta chạy trốn sự buồn phiền của chính mình, họ có nhiều điều sợ hãi. Vì vậy họ tiêu thụ ngày càng nhiều: Âm nhạc, rượu, thức ăn, internet. Họ không phải tiêu thụ vì họ cần chúng, mà vì họ không chịu nổi sự cô đơn của mình, không chịu nổi khoảng trống vắng trong tâm hồn mình. Chúng ta lo sợ nỗi buồn sẽ thắng chúng ta, nếu chúng ta đối diện với nó. Nhưng nỗi buồn lại ngày càng tăng lớn thêm lên. Quá khứ thì đem lại cho chúng ta những nuối tiếc, còn tương lai thì đem đến nhiều lo âu và sợ hãi. Trong tình trạng này, thì thực tập chánh niệm sẽ giúp đỡ chúng ta. Nếu chúng ta buông thả được quá khứ và tương lai, thì chính là chúng ta đã bỏ được mọi gánh nặng rồi đó.

Thầy đã sống từ 50 năm tại phương Tây. Việc này có làm cho công việc của Thầy thay đổi không?

– Hồi tôi bị đi lưu vong sau cuộc chiến Việt Nam, tôi đã phải tìm hiểu cách suy nghĩ và làm việc của người Tây phương. Việc này đã giúp tôi trình bày được tư tưởng của chúng tôi làm sao mà một người phương Tây có thể hiểu dễ dàng. Tôi tránh dùng những từ Phật giáo, chúng tôi nói giản dị hơn. Một ví dụ: “Sám hối”, đó là một ý niệm khó. Cho nên chúng tôi nói là “tiếp xúc mặt đất”. Bạn hãy chạm vào mặt đất và làm mới đi, hãy để quá khứ lại sau lưng của bạn. Có khi chúng tôi lại chuyển các cách nói như thế này trở về lại tiếng Việt. Trong mọi ngôn ngữ, chúng ta đều cần một cách nói mới để truyền đạt với giới trẻ. Người Tây phương thích pháp môn của chúng tôi, vì pháp môn này không rườm rà về nghi lễ. Chúng ta không nên làm pháp môn nặng nề quá vì tính lí thuyết và tính phức tạp. Đây là chuyện đời sống thường nhật mà. À, mà đối với đạo Thiên Chúa thì cách làm cũng nên như vậy. Chỉ có một đạo Thiên Chúa cải tiến mới phụng sự được con người của thời hiện đại.

Hãy chạm vào mặt đất và làm mới đi, hãy để quá khứ lại sau lưng của bạn

Những người canh tân thường không được những người chính thống ưa thích lắm.

– Đúng rồi. Khi còn là một nhà sư trẻ, tôi cũng đã có khó khăn với những Phật tử bảo thủ. Tôi đã phải rời bỏ tu viện của tôi. Cùng với một số bạn bè, tôi đã thành lập một tu viện mới nằm giữa rừng già. Nhưng trong Phật giáo, chúng tôi tổ chức tương đối không chặt chẽ lắm, chúng tôi không có một cái như Vatikan. Vì thế chúng tôi không có nguy cơ bị cắt đứt truyền thông.

Thầy đã viết hơn 100 quyển sách. Thầy làm thế nào được việc này?

– Chúng tôi làm chung với nhau. Như một dòng sông. Khẩu hiệu của chúng tôi là: Bạn hãy là thành phần của một dòng sông, chứ không phải là một giọt nước. Bạn hãy để cho dòng sông chuyên chở đi. Chúng tôi không có những anh hùng cá nhân. Nhiều cuốn sách, tôi chẳng tự viết ra: Một sư thầy hay một sư cô ghi chép lại một bài giảng nào đó của tôi, một người khác trình bày và in ấn ra. Các quyết định đều được lấy ý kiến chung: Một vấn đề khi nào cũng được mọi người thảo luận, sau đó có một người đưa ra một đề nghị giải quyết. Ai đồng ý thì im lặng. Ai không đồng ý thì lên tiếng. Chúng tôi hỏi 3 lần, mọi người có đồng ý không? Nếu cả 3 lần mà tất cả đều im lặng, thế là quyết định được chọn. Đó là cách thức chúng tôi làm việc. Các hãng xưởng cũng có thể làm việc theo cách thức như vậy.

Thầy có phải là một nhà kinh doanh giỏi không?

– Vâng. Chúng tôi đã tìm được một nguyên tắc tốt cho đời sống kinh doanh: Hạnh phúc và niềm vui phải là những điều quan trọng nhất. Không có chúng thì tiền tài chẳng giúp ích gì. Những người làm việc với tâm trong sáng và niềm vui, họ sẽ chắc chắn thành công. Việc kinh doanh sẽ chạy. Nhưng mục đích của chúng tôi không phải là tiền bạc, mà là cuộc sống cộng đồng.

Thầy nói như một người hoàn toàn an lạc. Thầy không khi nào đau khổ hay sao?

– (Cười) Anh đã không chịu nghe rõ lời tôi nói rồi, anh bạn trẻ ơi! Không có tang thương và đau khổ, thì sẽ không có hạnh phúc. Ngay cả tôi cũng không thể nào trồng hoa sen trên cẩm thạch được đâu.