Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngồi trong bình an giữa lòng Boston

Chuyển ngữ từ bài viết “Thousands meditate with Zen Buddhist monk”

(BBT chuyển ngữ từ bài viết “Thousands meditate with Zen Buddhist monk” của tác giả Billy Baker đăng trên tờ Boston Globe, ngày 16/9/2013)


Khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh – năm nay đã 86 tuổi – được giới thiệu trước công chúng tại quảng trường Copley vào chiều Chủ nhật, Thầy bắt đầu bằng hành động ngồi yên và không nói gì trong suốt 25 phút.

Sự có mặt tại Boston lần này của Thầy Nhất Hạnh, vị Thiền sư người Việt đồng thời cũng là một nhà hoạt động vì hòa bình và một học giả được cả thế giới kính ngưỡng, là một phần trong chuyến đi hoằng pháp tại Mỹ của Thầy. Khi ngồi thiền trước đám đông khoảng 2000 người, Thầy Nhất Hạnh đã làm được một điều mà dường như không bao giờ có thể làm được: Thầy đã làm cho cả trung tâm thành phố vốn ồn ào, náo nhiệt cũng trở nên yên lặng cùng với Thầy, đến mức mà bất kỳ một tiếng động nào – dù là tiếng trượt ván, tiếng còi hay tiếng xe du lịch (duck boat tour) đi ngang qua – cũng trở nên lạc lõng giữa không khí tĩnh lặng nơi đây.

Buổi ngồi thiền công cộng này diễn ra ngay trước Nhà thờ Trinity (Trinity Church) và kéo dài trong một tiếng đồng hồ. Không khí tại quảng trường lúc đó hoàn toàn yên lặng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng Thầy hướng dẫn cho mọi người thở vào, thở ra và ý thức về những cảm xúc đang có mặt trong thân và tâm của mình.

“Bằng cách trở về với hơi thở vào và hơi thở ra, chúng ta có thể dừng lại những suy nghĩ miên man trong đầu mình. Những suy nghĩ này thường kéo chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại và không cho ta có mặt trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây” Thầy chia sẻ.

Sự có mặt của Thầy Nhất Hạnh tại Boston là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng Phật giáo địa phương – Boston là điểm dừng chân duy nhất của Thầy Nhất Hạnh ở vùng New England trong hành trình hoằng pháp của Thầy tại Mỹ trong năm nay.  Vào ngày thứ Bảy, Thầy đã có một buổi pháp thoại có bán vé bên trong nhà thờ, nhưng Thầy mong muốn tổ chức một hoạt động mà công chúng có thể tham dự miễn phí.

“Nếu bạn là một người thực tập theo đạo Bụt thì đây là một cơ hội thật hiếm có, vì Thầy Nhất Hạnh là một trong những vị thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi” – đó là lời của Louise Burnham Packard, Giám đốc điều hành của Trinity Boston Foundation, nơi đứng ra tổ chức sự kiện này.

“Chúng tôi tổ chức sự kiện này nhằm đem thông điệp của Thầy “hòa bình trên thế giới bắt đầu từ hòa bình trong mỗi chúng ta” đến với mọi người. Thật là một sự trùng hợp kỳ diệu vì đây cũng là ngày kỷ niệm đúng 5 tháng kể khi xảy ra vụ đánh bom tại cuộc đua marathon ở Boston. Và giờ đây chúng ta cùng có mặt tại quảng trường Copley với mục tiêu mang cả thành phố đến với nhau.”

Tổ chức một sự kiện trọng đại mà phần lớn ảnh hưởng của nó được tạo nên bởi sự yên lặng thực sự là một thách thức thú vị đối với các tình nguyện viên – những người mặc áo thun đồng phục với  dòng chữ “Sit in Peace” (Ngồi trong Bình an). Họ âm thầm làm việc dọc phía ngoài quảng trường để giúp cho những người đang ngồi thiền không bị ảnh hưởng bởi những âm thanh ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Cả quảng trường từ nhà thờ cho đến những bồn hoa dọc đường Dartmouth đều chật kín người. Có những lúc các tình nguyện viên phải xử lý những tình huống hết sức khó khăn, như tìm mọi cách để thuyết phục một người biểu diễn đường phố để anh ta ngừng việc chơi nhạc trên đường Boylston.

Trong số những người đến tham dự cũng có nhiều người thực tập theo đạo Bụt, tuy nhiên  phần lớn mọi người đến đây với một mục đích đơn giản là để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với thiền sư Nhất Hạnh và với giáo lý đạo Bụt.

“Chúng tôi là những người thực tập thiền theo kiểu tùy hứng, nhưng chúng tôi có một niềm tin lớn vào đạo Bụt,” Steve Joseph, 59 tuổi, đến từ Arlington chia sẻ.

“Thầy Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tâm linh, vì vậy lý do mà tôi đến đây đơn giản là để được nhìn thấy Thầy và cảm nhận sự có mặt của Thầy,” Ann Horowitz, 57 tuổi, chia sẻ thêm.

Tại quảng trường, trong lúc mọi người đều chờ đợi sự kiện bắt đầu, Sunny-San – một trong những tình nguyện viên – cũng cảm thấy nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của Thiền sư Nhất Hạnh. Anh tò mò muốn  tận mắt thấy, hay nói đúng hơn là muốn thực sự cảm nhận điều gì từ vị thầy này mà khiến cho quá nhiều người kính ngưỡng và mong chờ được gặp đến vậy.  Mục sư Martin Luther King Jr. đã từng ca ngợi Thầy là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động”. Những giáo lý căn bản của Thầy thường được người ta nhắc đến như là “nghệ thuật sống chánh niệm”, giúp cho ta tìm thấy hạnh phúc bằng cách sống an trú trong giây phút hiện tại.

“Có một cái gì đó thật lạ nơi Thầy. Năng lượng từ Thầy làm cho tôi cảm nhận rằng đây đúng là một bậc thầy hiếm có,” Sunny-San chia sẻ. “Tôi có đọc một số sách của Thầy. Tôi cho rằng nếu có ai đó hỏi tôn giáo của Thầy là gì thì Thầy sẽ tóm tắt nó trong một từ, đó là: từ bi. Những gì Thầy dạy cho chúng ta không phải là để chúng ta trở thành một người y như Thầy. Thầy dạy cho chúng ta cách thương yêu lẫn nhau. Thầy đúng là người mà chúng ta đang cần ở đây, tại quảng trường Copley này”.

Khi sự kiện bắt đầu, mục sư Bill Rich – lãnh đạo nhà thờ Trinity đã có một bài diễn văn trong đó nhắc đến vụ đánh bom xảy ra tại cuộc đua marathon ở Boston 5 tháng trước đó – địa điểm đánh bom chỉ cách quảng trường Copley khoảng vài trăm mét. Mục sư cũng đồng thời kêu gọi cho hòa bình và tưởng nhớ đến các nạn nhân của vụ đánh bom.

Khi được mục sư Bill Rich giới thiệu trước công chúng, trong chiếc áo tràng nâu cùng với chiếc mũ len giữ ấm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị thầy lãnh đạo tâm linh – không làm gì khác ngoài việc ngồi yên lặng hoàn toàn trong suốt 25 phút. Và đây chính là những gì mà mọi người mong đợi được chứng kiến khi đến tham dự buổi ngồi thiền công cộng hôm đó.