Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ông thầy tu của cả mọi thời

Hình ảnh quen thuộc và đại chúng mà mọi người thường biết về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không nói lên được những thành tựu mà thầy đã thực hiện như một bậc đạo sư, như một học giả và như một chiến sĩ xả thân cho hòa bình và công bằng xã hội.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thường được các thiền sinh tu tập với người gọi một cách thân thương “Thầy”. Thầy là một đạo sư trực thuộc một truyền thống đạo sư, gồm nhiều thế hệ đạo sư đã thành đạt. Năm mười sáu tuổi, thầy đi xuất gia ở một thiền viện ngoại ô thành phố Huế. Thầy bổn sư của thầy thuộc thế hệ thứ 41 dòng thiền Lâm Tế. Thầy Thích Nhất Hạnh thuộc thế hệ thứ 42 dòng Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ 8 phái Liễu Quán, một phái thiền tiến bộ có ảnh hưởng lớn ở miền Trung Việt Nam.

Phật Giáo Việt Nam có một lịch sử chuộng tinh thần dung hợp, Thầy đã là một nhân tố rất tích cực cổ xúy sự kết hợp nhiều truyền thống khác nhau về một mối. Nhận thức của Thầy được xiển dương rõ ràng trong dòng thiền Tiếp Hiện, gồm vừa tu sĩ vừa cư sĩ do thầy thành lập từ năm 1966. Dòng Thiền này không chấp nhận thái độ giáo điều, trong sự tu tập cũng như trong hành động. Dòng thiền này tìm đủ mọi cách có thể để làm sống dậy và nuôi dưỡng tinh thần từ bi và hiểu biểu biết thâm sâu trong sự sống hằng ngày. Người thực tập theo dòng Tiếp Hiện xem tinh thần từ bi và hiểu biết thâm sâu quan trọng hơn bất cứ tổ chức, cơ cấu hay truyền thống Phật Giáo nào.

Các thầy, các sư cô và các anh chị trong dòng Tu Tiếp Hiện thực tập cần mẫn 14 giới Tiếp Hiện – thường gọi 14 cách tu tập chánh niệm mà Thiền Sư đã biên soạn năm 1966. Mười bốn giới này được thai nghén và chế tác trong thời gian chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm đã trải qua trong chiến tranh của thiền sư đã là cột trụ cho sự phát triển những phép tu tập do Thầy hướng dẫn cho những thiền sinh đến với Thầy. Trong bốn mươi năm đầu của đời Thầy, đất nước Việt Nam hoàn toàn đắm chìm trong cuộc tranh chấp bằng vũ khí, trước nhất là chống đối sự chiếm đóng của quân đội Nhật, rồi cuộc chiến giành độc lập để thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp và cuối cùng là cuộc chiến Việt Nam có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi Hoa Kỳ vào cuối năm 1961 để nghiên cứu về tôn giáo tỷ giáo và sau đó được mời dạy tại Đại Học Princeton và Columbia, New York Hoa Kỳ, trong lúc đó có sự căng thẳng lớn giữa chính quyền Thiên Chúa Giáo Ngô Đình Diệm và Phật Giáo Việt Nam. Đến năm 1964, theo lời yêu cầu của những bạn đồng lý tưởng Thầy gấp rút trở về lại Việt Nam trong lúc chiến tranh đang có mòi lan rộng. Cũng năm nầy, Thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nhằm huấn luyện tu sĩ và cư sĩ trẻ dấn thân đối phó với sự nghèo đói, thất học và thiếu tổ chức ở nông thôn, xây dựng lại những thôn làng bị chiến tranh tàn phá, định cư những nạn nhân chiến cuộc, lập trường học, trạm y tế cho những vùng nông thôn xa ở Việt Nam. Vào giữa năm 1970, trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội có gần mười ngàn người vừa tác viên, vừa trợ tác viên, vừa cảm tình viên tự nguyện đến hợp tác.

Thiền Sư Nhất Hạnh quả là người lãnh đạo của Đạo Bụt Dấn Thân ở Việt Nam và đã đem Đạo Bụt Dấn Thân này qua phương Tây nhưng Thầy luôn khiêm cung và bảo rằng Thầy chỉ theo gương của vua Trần Nhân Tông của thế kỷ 13. Ông vua này, sau khi nhường ngôi cho con, đã đi tu và thành lập Thiền Phái Trúc Lâm, cho đến bây giờ thiền phái này vẫn còn thịnh hành ở Việt Nam.

Giữa năm 1966 Thầy rời Việt Nam và đã trực tiếp gửi cho chính quyền Hoa Thịnh Đốn tuyên ngôn kêu gọi hòa bình. Đi thuyết giảng khắp bắc Mỹ châu, Âu châu, Úc châu và Á châu, Thầy trình bày tình trạng thảm khốc do chiến tranh gây ra ở Việt Nam. Đó cũng là lần thầy gặp tu sĩ Thomas Merton, dòng Trappist Công giáo. Linh mục đã gọi thầy là “người anh em của tôi” và đó cũng là năm Thầy gặp Mục Sư Martin Luther King Jr. . Tiến Sĩ Martin Luther King đã đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình cho Thầy năm 1967 và trong bức thư gửi hội đồng giám khảo giải Nobel người viết: “Tôi chưa thấy người nào xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình bằng ông thầy tu Việt Nam tao nhã này. Những cái thấy của ông, nếu đem thực hiện sẽ xây được cả thành quách lớn cho hòa bình”. Nhưng Giải Nobel Hòa Bình chưa bao giờ tới tay Thầy và những công tác cho hòa bình của Thầy đã khiến cho cả hai phía chiến tranh đều từ chối quyền trở về nước của Thầy, trước là Việt Nam Cọng Hòa rồi sau đó là chính quyền Cộng Sản.

Gần phân nửa đời, ông thầy tu tám mươi tuổi Thích Nhất Hạnh đã bị sống lưu đày ở phương Tây. Ban đầu thầy lập văn phòng ở Paris cho đến giữa năm 1975. Sau đó Thầy về Phương Vân Am (nông trại khoai lang) ở một thời gian gần như ẩn tu, chỉ làm vườn, thiền quán và viết lách. Sư cô Chân Không, người học trò trưởng từng phụ tá cho Thầy trên 30 năm đã diển tả thời gian này như là thời gian khó khăn nhất cho Thiền Sư bởi vì không thể viết lách và giảng dạy cho hằng triệu độc giả đang còn ở trong nước. Hàng ngàn đệ tử của Thầy và hàng trăm công trình văn hóa, xã hội mà thầy hướng dẫn đều đang nằm trong đất nưóc Việt Nam, trong khi đó thì Thầy lại bị lưu đày ở phương Tây. Nhưng thiền sinh Tây Phương bắt đầu tìm đến với Thầy và cùng với Thầy giúp đỡ bao nhiêu người tị nạn đã trốn khỏi đất nước Việt Nam vào thời hậu chiến tranh, vừa độc tài vừa nghèo đói. Cuối năm 1982 Phương Vân Am đã trở nên quá nhỏ đối với số người tìm đến muốn học đạo với Thầy. Phương Vân Am phải dời về Làng Mai với cơ sở rộng rãi hơn, tọa lạc ở miền tây nam tỉnh Dordogne, Lot & Garonne và Gironde, và chính nơi đây Thầy vẫn còn định cư cho tới bây giờ.

Ông thầy tu này rất ít khi rảnh rang. Trong 30 năm qua Thầy không ngớt hướng dẫn các khóa tu tập, trị liệu cho cựu chiến binh Hoa Kỳ của trận chiến Việt Nam, chữa bệnh tâm thần cho họ, hướng dẫn tu tập cho những người làm việc xã hội, cho những người làm việc cho hòa bình, cho tù nhân, cho công an cảnh sát, cho người Palestine và người Do Thái, cho thương gia, cho dân biểu quốc hội và cho mọi thành phần trong xã hội. Là một tác giả sáng tác rất nhiều sách, Thầy đã viết hơn 60 cuốn sách gồm cả những cuốn giáo khoa căn bản về chánh niệm. Thầy cũng là tác giả những sách rất uyên bác về lịch sử Phật Giáo Việt Nam, về A Tì Đàm, Duy Thức Học…( Triết Học Phật giáo và Tâm lý học Phật giáo) về Giới Luật (Giới Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni tân tu) về Phật Giáo Tịnh Độ. Thầy đã thành lập những trung tâm tu học rất lớn ở tiểu bang California và tiểu bang Vermont cùng hằng trăm tăng thân tu tập khắp bắc Mỹ châu, hằng trăm tăng thân ở Âu châu, Úc châu và Á châu với tên là Cộng Đồng Tu Tập Chánh Niệm.

Đầu năm 2005, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được về nước sau gần 40 năm lưu đày với một phần nhỏ gia đình tâm linh của Thầy gồm 100 tu sĩ và 90 cận sự nam và nữ thuộc trên bốn mươi quốc gia. Đúng như mọi người vẫn chờ đợi, Thầy mời các đệ tử Tây Phương cùng đi với Thầy trong chuyến hành hương ba tháng đó. Thầy nói: “Tôi mong các bạn cùng đi Việt Nam với tôi để có thể hiến tặng cho Việt Nam năng lượng thực tập cao nhất của các bạn về niệm, về định và về tuệ. Đó là phẩm vật quý nhất mà tôi có thể cúng dường cho tổ tiên và cho đất nước tôi sau 39 năm vắng mặt”. Và cũng đúng như mọi người chờ đợi, rất nhiều sinh hoạt của Thầy, ví dụ trong đó có những khóa tu cho tăng ni kéo dài cả tuần lễ, và trong thời gian này, lần đầu tiên quý thầy và quý sư cô đã có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ sự tu học. Và đã khai thông được tình trạng ứ đọng, đem các phe chống đối đến ngồi lại với nhau để cùng sinh hoạt và tụng giới chung.

_____________________
Bài của Andrea McQuillin
Sư cô Khiết Nghiêm chuyển ngữ từ Shambala, Sun Mars 2006, trang 56