Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn…
“Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn được một lượng người ngoại quốc đi theo đông đảo như thế?”
Báo Hồn Việt phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguyễn Đắc Xuân thực hiện
Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2008 bế mạc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai gần 500 người rời Hà Nội, đáp máy bay về Tổ đình Từ Hiếu, Huế nghỉ ngơi vài hôm trước khi vào Hội An để tổ chức sinh hoạt với doanh nhân tại Palm Garden Resort từ ngày 24 đến 25.05.2008, một đại diện của báo Hồn Việt hân hạnh được gặp Thiền sư và được Thiền sư trả lời một số câu hỏi mà độc giả của Hồn Việt đang quan tâm sau đây.
Nguyễn Đắc Xuân:
Xin cám ơn Thiền sư đã dành thời gian nghỉ ngơi quý báu này tiếp đại diện báo Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam. Để tranh thủ thời gian, kính xin Thiền sư cho chúng tôi được chuyển đến Thiền sư thắc mắc của dân chúng Hà Nội khi đứng xem đoàn tăng thân Làng Mai hàng năm trăm người với nhiều quốc tịch khác nhau thanh thản tiến vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình dự Phật Đản LHQ Vesak 2008, rằng: “Đạo Phật Làng Mai làm sao hấp dẫn được một lượng người ngoại quốc đi theo đông đảo thế?” Kính nhờ Thiền sư giải đáp hộ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Tôi vắng mặt ở Việt Nam từ 1966. Trong thời gian ở nước ngoài, tôi dành ít nhất 30 năm để chia sẻ tuệ giác và thực tập đạo Bụt Việt Nam (sau này tôi thành lập Làng Mai ở Pháp nên có tên là Đạo Bụt Làng Mai) với người Tây phương bằng những khóa tu, cộng với hàng trăm cuốn sách đạo Phật Việt Nam hiện đại hóa. Các khóa tu chung cho giới trẻ và trí thức, cũng có những khóa tu dành riêng cho các thầy giáo, các doanh nhân, giới bảo vệ môi trường, diễn viên điện ảnh Hollywood, dân biểu quốc hội Hoa Kỳ, cảnh sát, người giữ tù, v.v… Phần lớn người Tây phương cho biết họ theo đạo Phật Làng Mai vì những điều thông thường sau đây:
1. Đạo Phật đã có trên 25 thế kỷ, đến nay đạo Phật được trình bày lại với ngôn ngữ văn hóa mới của Việt Nam và thế giới, dễ hiểu, gần gũi với con người của thời đại. Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo tín ngưỡng mà còn là nguồn tuệ giác sâu sắc, những phương pháp tu tập thực tế giúp cho mỗi cá nhân tháo gỡ được những khó khăn trong một thời gian tu tập ngắn (một khóa tu ngắn hạn có thể từ 7 đến 10 ngày). Nói cách khác, người Tây phương đến tu học ở Làng Mai không phải để được hiến tặng một đức tin mà để được tiếp nhận một phương pháp thực tập kinh nghiệm, đem lại hạnh phúc cho mình, ngay bây giờ và ở đây.
2. Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập. Đạo Phật là một phương pháp sống nương vào tự lực hơn là nương vào một quyền lực linh thiêng bên ngoài không có giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ một truyền thống tâm linh nào, và trong bản chất đích thực của nó cũng không xung đột với khoa học hiện đại. Chúng tôi học đạo Phật và cũng học để biết các truyền thống khác như Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo… Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo, Tin Lành, và các tôn giáo khác đến tu ở Làng Mai mà vẫn giữ nguyên tôn giáo mà họ đã theo. Có người giác ngộ muốn vừa làm Mục sư Tin Lành vừa làm Giáo thọ của Làng Mai. Sáng chủ nhật ông giảng bài với con chiên với phương pháp mới học ở Làng Mai, buổi chiều hướng dẫn thiền tập cho Phật tử Làng Mai. Nếu bề trên không cho phép thì ông chọn cái nghiệp mới là làm Giáo thọ. Trí thức và tuổi trẻ phương Tây rất thích điều này.
3. Đạo Phật Làng Mai được người phương Tây theo nhiều vì đạo Phật giúp họ tháo gỡ được những khủng hoảng giữa cha mẹ với con cái, vợ chồng, về đời sống xã hội, bế tắc về tâm linh đang diễn ra ở phương Tây hiện nay.
Nguyễn Đắc Xuân:
Kính thưa Thiền sư, những người đến Làng Mai tu tập được học và thực tập những nội dung gì?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Trước hết chúng tôi chia sẻ với họ cách hít thở, hành thiền, chánh niệm, phương pháp lấy ra những căng thẳng trong thân, trong tâm, tập nhận diện và ôm ấp những sợ hãi, đau buồn, lo lắng của mình. Nhìn sâu vào mình để có thể nhận diện được bản chất tâm hành đó. Rồi nhìn vào người thân của mình để nhìn thấy trong họ có căng thẳng trong thân, trong tâm để phát khởi lòng thương, chấp nhận họ. Nhờ sự lắng dịu trong thân và tâm, cởi bỏ được thái độ trách móc, với phương pháp ái ngữ và lắng nghe, hiểu được khó khăn và bức xúc, khổ đau, mơ ước của người khác, chấp nhận người khác và giúp đỡ được cho người khác. Đó là hiểu và thương. Lập lại được truyền thông đã mất giữa những người thân.
Sau các khóa tu, nhiều phép lạ đã xuất hiện, vợ chồng tưởng cắt đứt vĩnh viễn lại hòa giải được, cha mẹ với con tưởng đã không thể hiểu nhau lại làm hòa được và thương kính nhau. Sau các khóa tu, chúng tôi không quyến rũ người ta theo đạo Phật. Nhưng khi họ đã thấy được hiệu nghiệm của đạo Phật, họ xin quy y Phật và thọ năm giới. Năm giới là sự thực tập cụ thể của tình thương. Giới thứ nhất: bảo vệ sự sống, giới thứ hai: chia thời gian và tài vật cho người khác, không ăn cắp, ăn trộm; giới thứ ba: không lạm dụng tình dục, giới thứ tư: ái ngữ và lắng nghe; giới thứ năm: tiêu thụ trong chánh niệm (chỉ tiêu thụ những sản phẩm mang lại sự an lạc cho tâm mình, không rượu chè, ma-túy). Tiếp đến họ được chia sẻ ý nghĩa của Tứ Diệu Đế và tùy theo ý nguyện, họ có thể đi sâu vào các lĩnh vực triết lý Phật giáo cao siêu khác.
Nguyễn Đắc Xuân:
Xin Thiền sư cho biết có thể áp dụng năm giới cho toàn xã hội phương Tây và Việt Nam được không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Đó là ước muốn của Phật giáo. Nhiều Phật tử Việt Nam đã thực hiện 5 giới từ lâu rồi. Hàng triệu người trong hàng ngàn tăng thân theo đạo Phật Làng Mai trên thế giới đang thực hiện. Phật tử sinh hoạt đạo Phật ở Làng Mai (Pháp), Lộc Uyển (miền nam California, Mỹ), Bích Nham (New York, Mỹ), Bát Nhã (Bảo Lộc, Việt Nam) và ngay tại chùa Từ Hiếu (Huế) này nhiều Phật tử đang thực hiện. Nếu năm giới được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia, thanh niên được chia sẻ và thực tập năm giới là một hồng ân của dân tộc. Thực hiện năm giới là cứu nạn cho con người hiện nay.
Nguyễn Đắc Xuân:
Kính xin Thiền sư cho vài ví dụ!
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Thực hiện giới thứ nhất là muốn bảo vệ sự sống thì phải sử dụng khả năng hiểu và thương để chấm dứt các cuộc xung đột trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế, phải biết lắng nghe và nhìn sâu để tự hiểu mình và hiểu người khác, giải quyết những ngộ nhận để các dân tộc hiểu và thương nhau, lập lại hòa bình (ví dụ như chiến tranh ở I-rắc); thực tập giới thứ hai là không trộm cắp, không bóc lột, để trừ tận gốc bệnh tham nhũng, ăn cắp hiện nay. Thực hiện giới thứ năm là góp phần bảo vệ môi trường bằng cách sản xuất và tiêu thụ có ý thức chánh niệm. Một số tu viện của đạo Phật Làng Mai đã bắt đầu dùng điện mặt trời, ô-tô không chạy bằng xăng mà chạy bằng dầu thực vật v.v…
Nguyễn Đắc Xuân:
Những đại biểu thuộc nhiều tôn phái Phật giáo trên thế giới đến dự Phật Đản LHQ Vesak 2008 tại Hà Nội vận đủ kiểu, đủ sắc màu vàng, nâu, đen, trắng rất mới lạ. Tại sao Thiền sư và tăng thân Làng Mai chỉ với áo nâu và chiếc nón lá?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Nón lá, chiếc khăn chít đầu và trang phục màu nâu là hình ảnh và màu sắc của dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn năm nay. Đạo Phật Làng Mai là đạo Phật Việt Nam, dù đã được hiện đại hóa nhưng cái gốc văn hóa Việt Nam thì phải rõ. Hơn bốn mươi năm trước tôi ra đi với chiếc nón lá và chiếc áo nâu, nay trở về cũng chỉ với chiếc nón lá và áo nâu. Bây giờ, tôi thấy y áo lễ phục của các tăng sĩ Việt Nam mình màu sắc rực rỡ, gấm hoa, sang trọng quá nó gây cảm giác xa lạ với truyền thống bình dân Việt Nam. Tôi không muốn mình xa lạ với dân tộc mình. Áo nâu và nón lá là hình ảnh của đạo Phật Làng Mai đã quá quen thuộc với thế giới rồi thay đổi làm gì nữa và cũng không thể thay đổi được. Hình ảnh giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài là thế đó!
Nguyễn Đắc Xuân:
Lâu nay chắc Thiền sư có biết Việt Nam đang theo đuổi việc xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”. Vậy, “bản sắc dân tộc” theo Thiền sư nghĩ là cái gì? Cái bản sắc văn hóa dân tộc Việt đó đi vào đời sống hội nhập thế giới hiện đại ngày nay có gì khó khăn trở ngại không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Bản sắc văn hóa dân tộc có thể cảm nhận được nhưng nói ra cho đầy đủ thì rất khó. Người ta nói Làng Mai là một Việt Nam thu nhỏ trên đất Pháp. Người ta sống với Làng Mai họ có cảm giác như thế chứ nói cái gì ở Làng Mai là mang bản sắc văn hóa Việt Nam thì khó. Về bản sắc dân tộc, tôi lấy một ví dụ: Ngày xưa cha ông mình đi ăn giỗ, đi sớm đi muộn gì cũng có phần ăn. Ăn giỗ xong trên đường về ghé bẻ một nhánh cây dọc đường xỉa răng, không sao cả. Bây giờ đi ăn giỗ phải đi đúng giờ, phải tính đến chuyện kẹt xe, nếu đi trễ sẽ phải ra nhà hàng ăn lót dạ trước khi quay xe trở về. Việt Nam nghèo nhưng cha ông ta có nếp sống nhàn nhã, thong thả, đến bữa ăn tất cả mọi người trong gia đình đều ngồi quanh mâm cơm, có thì giờ dạy bảo con cái, chuyện trò với người thân, kỵ giỗ đình đám quanh năm, cuộc sống gắn bó tâm tình thân thiết. Bây giờ thì ít khi bữa ăn có đủ mặt người thân trong gia đình, vợ chồng con cái ít có thì giờ gặp gỡ, trò chuyện với nhau, mỗi người có mỗi thời khóa biểu làm việc riêng, không phụ thuộc nhau. Kỵ giỗ không nhớ. Vì vậy nếu giữ cái bản sắc dân tộc cố hữu của mình thì sẽ bị cuộc sống hiện nay đào thải. Nếu chạy theo cuộc sống hiện nay thì sẽ mất gốc. Theo tôi, văn hóa Việt Nam là một cái mỏ vàng, ta phải khai thác, tinh lọc để lấy cho được thứ vàng ròng, rồi dùng ngôn ngữ và phương pháp hiện đại trình bày lại cho hợp với nếp sống hiện đại. Làng Mai đã làm như thế đối với đạo Phật truyền thống của Việt Nam và đã có kết quả.
Nguyễn Đắc Xuân:
Kính thưa Thiền sư, như báo chí vừa phản ảnh, lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2008 tại Hà Nội vừa qua đã đạt được kết quả rất to lớn. Theo nhận xét của Thiền sư cuộc đại lễ chưa từng có đó có gì cần phải góp ý nữa không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Tôi hơi tiếc Ban tổ chức Đại lễ Vesak thiếu quan tâm đến giới trí thức hàng đầu của Việt Nam ở các Đại học, các Hội nhà văn, Hội sử học, Hội âm nhạc, và cả các tôn giáo khác. Phải có những thành phần ấy họ mới tiếp thu được kết quả của hội nghị để vận dụng vào cuộc đời ở những nơi, những giới mà ảnh hưởng của giới tu sĩ Phật giáo còn hạn chế.
Nguyễn Đắc Xuân:
Kính bạch Thiền sư, còn rất nhiều vấn đề độc giả Hồn Việt muốn biết nữa, nhưng vì sức khỏe của Thiền sư, chúng tôi xin được cám ơn Thiền sư ở đây. Kính chúc Thiền sư luôn sức khỏe để Đạo Phật Làng Mai dồi dào năng lượng chia sẻ phương pháp tu học giúp những người đang đau khổ lập lại truyền thông tạo dựng lại hạnh phúc đã mất trên thế gian này. Kính chào Thiền sư.
Chùa Từ Hiếu, chiều 20.05.2008 (Hồn Việt số 12/06.2008)