Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chánh niệm: Hạnh phúc ngay bây giờ!

Phỏng vấn nhà sản xuất phim Larry Kasanoff về quá trình làm bộ phim “Chánh niệm: Hạnh phúc ngay bây giờ” (“Mindfulness: Be Happy Now”) với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Larry Kasanoff cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại cốc Tùng Bút, tu viện Lộc Uyển, California

 

Làm thế nào mà ông biết đến sự thực tập chánh niệm?

Tôi được đọc một trong những cuốn sách của Thầy và rất thích cuốn sách ấy. Tôi liền liên lạc để xin gặp Thầy vì tôi nghĩ Thầy sẽ là nguồn cảm hứng lớn giúp tôi xây dựng một nhân vật mới cho seri phim hành động rất thành công mà tôi sản xuất là “Mortal Kombat” (được biết đến tại Việt Nam với tên “Rồng đen”). Rồi sau hai giờ đồng hồ nói chuyện với Thầy và một vị xuất sĩ khác, tôi cảm thấy dường như tôi vừa có ba ngày nghỉ dưỡng vậy. Tôi hỏi bí quyết của Thầy là gì. Thầy trả lời: “Không có bí quyết nào cả, chỉ là sự thực tập mà thôi”. Và tôi nghĩ: tôi có thể học được cách của Thầy hay không ?! Thế là tôi đã bị chinh phục.

Từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn bè và tôi đã tới thăm Thầy rất nhiều lần để được học hỏi từ Thầy.

Thực tập chánh niệm đã làm cho cuộc sống của ông phong phú như thế nào?

Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều! Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, bình tĩnh hơn, nhưng lại có nhiều năng lượng hơn và giải quyết được nhiều thứ hơn. Tôi không còn nóng tính và khó chịu như trước đây. Thật tuyệt vời và đó là một sự học hỏi và thực tập không ngừng, luôn có gì đó để mình học hỏi thêm.

Có một ví dụ như thế này. Hàng năm tôi đều đi dự Liên hoan phim Cannes tại một nơi tuyệt đẹp ở miền nam nước Pháp. Mọi người tới đó để tìm cách ký kết những thỏa thuận, hợp đồng làm film… và họ hay căng thẳng, bực dọc và trách móc. Từ khi gặp được Thầy, mỗi khi thấy chuyện như vậy, tôi luôn dừng lại và nói: “Nhưng này, hãy xem chúng ta đang ở đâu, chúng ta đang ở trên một chiếc du thuyền tại miền nam nước Pháp! Ở đây thật là đẹp! Thật là một giây phút tuyệt vời!”. Không chắc là mọi người thực sự lắng nghe, nhưng tôi cứ nói lên như vậy!

Những thiền ngữ nào của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà ông thích nhất?

Có ba câu tôi thích nhất (những câu này tôi đều có bằng thư pháp của Thầy):

1. Tĩnh lặng và Biết rõ (Be Still and Know)

2. Tâm bình, thế giới bình (Peace in Yourself, Peace in the World)

3. Không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường (There is no way to happiness, Happiness is the Way)

Điều gì đã khiến ông làm bộ phim tài liệu “Chánh niệm: hạnh phúc ngay bây giờ!” ?

Thầy đề nghị tôi làm bộ phim này. Tôi là nhà làm phim hành động và chưa từng làm một bộ phim tài liệu nào, nhưng Thầy muốn tôi làm một bộ phim chỉ chuyên về chánh niệm mà thôi. Thầy nói rất rõ rằng đó không phải là một bộ phim về Thầy hay về những vị xuất sĩ khác, mà phải là phim để dạy về chánh niệm. Chúng tôi đã trao đổi với nhau làm thế nào để bộ phim này có thể đến được với công chúng một cách rộng rãi hơn so với những bộ phim tài liệu thông thường.

Bởi tôi rất thương kính Thầy và tôi nghĩ thông điệp “Tâm bình, thế giới bình” của Thầy thật là tuyệt vời và rất quan trọng, nên tôi đã làm bộ phim này.

Thêm vào đó, tôi cảm thấy mình thật may mắn được học hỏi rất nhiều từ Thầy cũng như từ sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm, vậy nên tôi muốn làm sao để có thể chia sẻ những điều này với thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có cho ông những chỉ dẫn cụ thể nào để dựng bộ phim này không?

Có, Thầy muốn bộ phim này KHÔNG phải là về Thầy, không khoa trương, không khai thác khía cạnh đời tư. Chỉ tập trung duy nhất một chủ đề thôi, đó là chánh niệm, chánh niệm và chánh niệm. Bởi vậy mà ngoài Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm, chúng tôi còn mời thêm nhiều người thú vị và nổi tiếng chia sẻ trong bộ phim này.

Chúng tôi còn thảo luận về chuyện làm bộ phim như thế nào để hướng đến cả những người chưa từng biết đến sự thực tập tâm linh. “Những người mà chúng ta có thể gieo vào tâm họ một hạt giống chánh niệm”, như sư cô Đẳng Nghiêm nói.

Điều này rất quan trọng. Tôi thấy thông thường người ta có xu hướng làm những bộ phim hướng về những người đã biết đến sự thực tập tâm linh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp giới thiệu pháp môn chánh niệm cho những ai đang tìm kiếm một cái gì đó nhưng chưa có cơ hội biết đến sự thực tập chánh niệm.

Ông đã học được gì từ Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm?

Những gì tôi học được thì tôi đã thể hiện trong bộ phim. Đó là một trong những lý do khiến tôi làm bộ phim này. Bởi vậy khi tôi muốn giải thích về chánh niệm, tôi chỉ cần giới thiệu bộ phim. Bộ phim là những gì tôi hiểu về pháp môn chánh niệm. Và khi thực tập chánh niệm, tôi thường nghĩ đến lời Thầy dạy: “Tĩnh lặng và biết rõ”. Giờ đây mọi lúc tôi đều chú tâm vào sự thực tập này!

Ông đã chọn các chủ đề để thảo luận trong quá trình làm phim như thế nào?

Khi làm một bộ phim tài liệu, bạn phải thực hiện rất nhiều cảnh quay và sau đó biên tập lại. Tôi đã muốn làm hai điều: giới thiệu và dạy về chánh niệm cho những người chưa biết thực tập và giúp cho người xem trải nghiệm sự thư giãn và chánh niệm chỉ qua việc xem phim.

Tôi đã đặt những câu hỏi dựa trên những gì tôi đã học được, và những gì tôi nghĩ là sẽ làm mọi người cảm thấy thú vị, dựa trên những kinh nghiệm chuyên sâu từ những vị khách mời đặc biệt trong bộ phim.

Có một điều thú vị là trong suốt vài tuần chúng tôi đã biên tập rất nhiều cảnh quay, từ những cảnh quay kéo dài hàng giờ xuống còn có 90 phút. Và tôi cảm thấy vô cùng thư giãn bởi vì suốt trong thời gian biên tập, tôi được lắng nghe bao nhiêu là tuệ giác từ tất cả những vị khách mời tuyệt vời của chúng tôi. Thông thường thì việc biên tập là một công việc rất căng thẳng. Còn lần này thì chỉ là thực tập chánh niệm thôi!

Ông có thể cho biết Thầy và những vị xuất sĩ đã tham gia vào quá trình làm phim như thế nào?

Những cảnh quay về Thầy và các vị xuất sĩ Làng Mai được làm trong rất nhiều lần và các vị rất dễ thương và nhẫn nại với chúng tôi. Có một lúc tôi muốn đưa vào phim một siêu mẫu, một ngôi sao thể thao, một võ sĩ chuyên nghiệp, và vài đoạn từ những bộ phim nổi tiếng, với mục đích làm cho bộ phim hấp dẫn đông đảo khán giả hơn, nhưng sư cô Chân Không và những vị xuất sĩ khác đã hoàn toàn phản đối ý tưởng này.

Trong khi đó, Thầy lại có vẻ hiểu mục đích của tôi là muốn đưa bộ phim đến được với đông đảo công chúng bằng cách đưa vào phim những nhân vật nổi tiếng trong giới thể thao và người mẫu. Tôi vẫn nghĩ rằng điều này sẽ có ích, nhưng vì sự kính trọng với sư cô Chân Không, tôi đã quyết định không làm điều đó.

Làm thế nào ông thuyết phục được những nhân vật nổi tiếng như Deepak Chopra, Oliver Stone – nhà làm phim đoạt giải Oscar, Tiến sĩ Blaise Aguirre, Cesar Millan và Sharon Stone tham gia vào bộ phim này?

Một vài vị trong số khách mời của bộ phim thì tôi đã quen biết từ trước (như Oliver và Blaise). Tôi cũng quen người quản lý của Sharon. Những người khác thì chúng tôi chỉ điện thoại và đề nghị. Mọi người đều biết ai trong ngành giải trí có thể giúp được vì tôi đã làm rất nhiều phim. Những vị này đều rất tuyệt vời và rộng rãi thời gian cũng như kiến thức.

Ông có thể chia sẻ những giây phút hạnh phúc mà ông có với Thầy, với sư cô Chân Không hay với sư cô Đẳng Nghiêm?

Tôi nghĩ rằng mọi giây phút tôi ở bên Thầy, sư cô Chân Không hay sư cô Đẳng Nghiêm đều là những giây phút hạnh phúc!

Có một lần, tôi mời các vị xuất sĩ tới nói chuyện với nhóm người trong ngành giải trí tại nhà tôi. Mọi người nói rằng buổi tối hôm đó đã thay đổi cuộc đời của họ. Thầy đã tới thăm phòng thiền mà tôi làm, vì Thầy đã khuyên phải có một căn phòng như vậy tại nhà! Thật tuyệt vời là tôi đã được tiếp Thầy và các vị xuất sĩ tại phòng thiền đó.

Tôi nghĩ có một điều mà mọi người có thể chưa biết, đó là ngoài chuyện chánh niệm và hiểu biết, các vị xuất sĩ còn rất hài hước! Thầy cũng rất có khiếu hài hước và rất ấm áp.

Một lần, khi đang quay phim trong một ngày rất nóng bức thì mấy cái camera bị trục trặc. Tôi nghĩ chuyện này thật là quá sức chịu đựng cho mọi người có mặt lúc đó, nhưng Thầy liền nói: “Đây là giây phút tuyệt vời. Chúng ta hãy tận hưởng sự bình an đang có mặt!”. Và tôi thấy chẳng phải là rất hay nếu mỗi bộ phim đều được làm theo cách này sao!

Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm đã xem bộ phim chưa? Và có phản ứng như thế nào về bộ phim?

Tôi nghĩ câu hỏi này bạn nên hỏi trực tiếp các vị ấy!

Ông có lời khuyên nào cho những người trẻ đang quan tâm tới thực tập chánh niệm theo phương pháp của Thầy không?

Hãy xem bộ phim!

Tôi nói giỡn chút thôi. Tôi nghĩ  rằng đối với ai đã quan tâm tới sự thực tập chánh niệm thì nếu họ được đọc những cuốn sách của Thầy sẽ rất hay. Tôi thường mang tặng cuốn “An lạc trong từng hơi thở” (Peace is every breath). Trong đó giới thiệu, như Thầy nói, với một hơi thở sâu sắc hơn mà bạn có, ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua. Thầy làm cho việc thực tập trở nên dễ dàng và không bị áp lực, và Thầy chia sẻ về sự thực tập với một năng lượng thật bình an, lắng dịu.

Mà tôi nghĩ một khi có người đã quan tâm thì một nửa vấn đề đã được giải quyết rồi. Có rất nhiều người đang cần một cái gì đó nhưng không biết về chánh niệm và họ sẽ quan tâm nếu họ được biết về thực tập này.

Tôi hy vọng là bộ phim này sẽ chỉ ra cho họ cánh cửa để họ có thể đi vào, sau đó họ có thể đọc những cuốn sách của Thầy và có thể từ đó đi tiếp.

Đó là điều mà chúng tôi muốn đạt được qua bộ phim, và là điều mà tôi hy vọng các bạn sẽ giúp thực hiện. Đối với những người đang thực tập theo pháp môn Làng Mai thì có hàng ngàn người đang muốn tìm hiểu những gì mà các bạn đang thực tập!

Ông có thông điệp nào gửi đến những độc giả của trang nhà Làng Mai (langmai.org / plumvillge.org)?

Bộ phim là thông điệp của tôi! Đó là những gì tôi đã học được về chánh niệm. Thực tập này càng được chia sẻ rộng rãi bao nhiêu thì sẽ càng giúp được nhiều người bấy nhiêu.

Mindfulness: Be Happy Now – Trailer from Threshold Entertainment on Vimeo.

 

Nguồn: https://plumvillage.org/news/mindfulness-be-happy-now-documentary/