Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Người cha của Chánh niệm

The Irish Times – The father of mindfulness – April 10, 2012

Thich Nhat Hanh speaks at the Royal Festival Hall, South Bank, London 29.03.2012

THÍCH NHẤT HẠNH, vị thiền sư 86 tuổi, hiện đang ở Ireland sẽ giúp chúng ta chuyển hóa thân tâm, làm đẹp đời sống của chính chúng ta bằng những phương pháp đơn giản có thể thực hành được trong đời sống hằng ngày.

Tối ngày mai, có ít nhất là 2000 người  trên cùng khắp Ireland sẽ tụ họp về Convention Center ở Dublin để lắng nghe Thiền sư Thich Nhất Hạnh – vị thiền sư người Việt Nam, 86 tuổi, người mà đã thành công lớn trong việc khơi dậy niềm hứng khởi tu tập Thiền Chánh Niệm trong đời sống của cả thế giới người Tây Phương.

Trong 30 năm gần đây, ông thầy tu vốn là một nhà hoạt động cho hòa bình, một nhà văn, một Thiền sư (mà các đệ tử vẫn thân thương gọi người là Thầy – tiếng  Việt Nam chỉ có nghĩa là thầy dạy học, thầy dạy tu – từ trung tâm tu học của người là Làng Mai đã đi thuyết giảng rất nhiều nơi trên các nước Âu Châu, Bắc Mỹ Châu và rất nhiều nước vùng Đông Nam Á.

Thông điệp của Thầy rất  đơn giản nhưng khi thực tập thì kết quả lại sâu sắc, thâm trầm. Chỉ cần chú tâm trở về hoàn toàn với  hơi thở và đem tâm chú ý đơn thuần vào những hành động hằng ngày, chúng ta có thể từ từ chuyển hóa và trị liệu nhiều vết thương trong ta và những người khác bằng lòng từ và tâm thương yêu.

Qua những cuốn sách của Thiền sư (Thầy đã viết hơn 100 quyển sách), Thầy đã dùng nhiều cách thiền quán, những bài tập, những câu chuyện thực tập và chuyển hóa thật của một số thiền sinh và những góp ý của Thầy để giúp người đọc đạt được sư bình an mà Thầy vẫn nhắc nhở để chúng ta nhớ là sự bình an đó đang có sẵn nơi ta trong bất cứ lúc nào. Tăng thân xuất sĩ ở Làng Mai là một mẫu mực cho sự thực tập chánh niệm. Họ có thể chào đón hướng dẫn tu tập cho một ngàn người mỗi tuần trong suốt bốn tuần mùa Hè. Cô Josephine Lynch chia sẻ rằng: “Thiền sư đã thực sự sống với những gì Thầy dạy. Thức ăn ở đó hoàn toàn không có thịt cá mà cũng không có trứng, không có sữa và những thực phẩm làm từ sữa như phô mai, sữa chua. Các xóm ở Làng Mai đang cố gắng có một ngày không dùng xe hơi trong tuần. Trẻ em, gia đình và cách sống cộng đồng là trung tâm của những sinh hoạt tại Làng Mai. Vì thế những khóa tu ở đây không có được sự im lặng nhiều như những khóa tu khác“. Cô Josephine Lynch là người dạy chánh niệm ở vùng này và cũng là thành viên nhóm tu chánh niệm tại Ireland. Cô cũng là người thỉnh Thầy về dạy ở Ireland.

Thiền sư sinh năm 1926, xuất gia lúc 16 tuổi và tám năm sau đã cùng thành lập chùa Ứng Quang, sau đó trở thành Phật Học Đường Ấn Quang, Phật Học Viện hàng đầu rất nổi tiếng tại Miền Nam Việt Nam về học Phật.

Năm 1961 Thầy đi Hoa Kỳ và dạy học về Tôn Giáo Tỷ Giáo (so sánh về các tôn giáo) ở đại học Princeton và đại học Columbia New York. Đến  năm 1963 Thầy trở về lại Việt Nam để hướng dẫn phong trào tranh đấu bất bạo động cho hòa bình Việt Nam.  Năm 1964 thiền sư thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đào tạo người Phật tử đi về thôn quê xây trường học, bệnh xá  và những hợp tác xã về nông nghiệp, chăn nuôi và giúp tái thiết và xây dựng lại những thôn làng bị tàn phá trong do chiến tranh.

Thầy cũng đã thành lập nhà xuất bản để in nhiều sách kêu gọi hòa giải giữa hai phe lâm chiến và cũng là chủ bút tuần báo Hải Triều Âm, tiếng nói chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1966  Người đi Hoa Kỳ để kêu gọi ngưng chiến  tại Việt Nam.

Vì những công tác xây dựng và  tình thương lớn ấy mà Martin Luther Jr đã đề nghị thiền sư cho Giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Thiền Sư trở lại Pháp khi có cuộc hòa đàm tại đây và đã làm Trưởng Phái Đoàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Parí. Sau khi Hòa Ước được ký kết năm 1973, thiền sư vẫn bị từ chối cấp thị thực để trở về nước Việt Nam phụng sự. Năm 1975 Thầy lui về cư trú tại Phương Vân Am, thiền quán, làm vườn, đóng sách và đi dạy thiền khắp nơi trên thế giới.

Chính tại một khóa tu dạy tại Hoa Kỳ mà  Tiến sĩ  người Hoa Kỳ John Kabat- Zinn đã  học thiền chánh niệm với Thiền sư đã nhận ra rằng ta có thể dùng Thiền Chánh Niệm để trị liệu những bệnh trầm kha kéo lâu ngày và khó trị . Tiến Sĩ John Kabat-Zinn đã chế tác Tám Tuần Trị Giảm Stress và đã từ đó lan truyền khắp nơi về cách trị liệu bằng chánh niệm này.

Một trong những cuốn sách rất nổi tiếng của Thiền sư và được biết nhiều nhất là quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức trong sách nầy thiền sư đã chia sẻ rằng Chánh Niệm đã cứu sống Thầy bằng cách nào khi Thầy bị trầm cảm khá nặng sau cái chết của mẹ Thầy. Một cuốn sách thứ hai cũng khá nổi tiếng là An Lạc Từng Bước Chân (do Đức Đạt Lai La Ma đề tựa) thiền sư đã viết :”Gốc rễ của chiến tranh nằm sâu trong cách sống hằng ngày của chúng ta- cách chúng ta phát triển kỹ nghệ, xây dựng xã hội và tiêu thụ. Chúng ta không thể đổ tội cho một phía, phía này hay phía kia. Chúng ta phải tập vượt lên trên khuynh hướng muốn theo phe”

Thiền sư được mời trở về Việt Nam năm 2005, sau 40 năm bị lưu đày.

Một thiền giả người  Hoa Kỳ đã diễn tả thiền sư Nhất Hạnh như là nơi giao thoa của một đám mây, một con ốc sên và một phiến sắt nặng- một sự hiện diện thật sự cho đời sống tâm linh”.

Nữ tu Công Giáo Stanilaus Kennedy, người sáng lập Trung Tâm The Sanctuary and Focus ở Ái Nhĩ Lan đã  diễn tả Thiền sư  như  “Người Cha của Chánh Niệm“.

Nữ tu đã nói rằng: “Thiền sư thực sự muốn làm mới đạo Bụt và kêu gọi cách tu rất thực tiễn gọi là Đạo Bụt Dấn Thân và dạy ta sử dụng tuệ giác nhìn sâu để thấy thật rõ mọi việc để áp dụng đời sống hằng ngày và làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau. Thầy là người tỉnh thức và có thao thức rất sâu sắc để giúp đời. Tuy đã thấy rõ Chánh Niệm là vượt cao hơn tôn giáo nhưng người luôn kính trọng các tôn giáo khác”.

Trong 10 năm qua thiền sư đã thành lập hai thiền viện tại Hoa Kỳ (Tu Viện Lộc Uyển ở California và Tu viện Bích  Nham ở New York), Viện Phật Học Ứng Dụng châu Á (HongKong) và Viện Phật Học Ứng Dụng châu Âu ở Đức quốc. Sau khi thuyết giảng ở Dublin thiền sư sẽ hướng dẫn một khoá tu ở Killarney cho hơn 800 người. Và Thầy sẽ về Làng Mai hướng dẫn khóa tu cho khoa học gia suốt 21 ngày, từ 1 đến 21 tháng sáu dương lịch.

Sau khóa tu Mùa Hè ở Làng Mai Thiền sư lại đi dạy tiếp ở Đức quốc, Hà Lan và Ý. Lúc sau này Thầy ít khi chịu cho báo chí phỏng vấn nhưng qua những cuốn sách, những khóa tu, những giáo thọ xuất của Thầy và những thiền sinh đã trực tiếp thực tập chánh niệm với Thầy, thông điệp của Thầy đã tiếp tục có âm hưởng lớn tới những vị trong và ngoài cộng đồng tu học.

CHÚNG TA LỚN HƠN CƠN GIẬN CỦA CHÚNG TA

Ngay trong giây phút mà ta cảm thấy như ta hoàn toàn tràn ngập bởi cơn giận dữ thì nằm sâu trong ta vẫn còn lòng thương. Khả năng nói lời cảm thông hiểu biết, tha thứ vẫn còn đó. Ta phải tin điều đó. Chúng ta lớn hơn cơn giận dữ ấy, chúng ta lớn hơn nỗi khổ niềm đau kia. Ta phải luôn nhớ rằng chúng ta có khả năng hiểu, thương và tha thứ trong ta dù tình trạng có bế tắc cách mấy ta cũng phải nên nhớ điều đó để nhất định tìm cách thương thuyết để đưa đến sự giải quyết thỏa đáng” .

– from Taming the Tiger Within – meditations on Transforming Difficult Emotions by Thich Nhat Hanh from his books, No Death, No Fear; Anger and Going Home (Penguin, 2004)

Chuyển ngữ từ
The Irish Times
– Tuesday, April 10, 2012

The father of mindfulness

SYLVIA THOMPSON