Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Giải quyết xung đột giữa các nhà chính trị – những gợi ý của một Thiền sư



Được chuyển ngữ từ bài viết

Thai monk plans to reconcile warring politicians

của tác giả Phatarawadee Phataranawik đăng trên báo
The Nation của Thái Lan, số ra ngày 28/4/2013


 

Những cơn gió mát thổi nhè nhẹ, những chú chim đang ca hót líu lo trong một ngày chủ nhật đẹp trời tại Nakhon Ratchasima thuộc huyện Pakchong, Thái Lan. Đây thực sự là ngày lý tưởng cho một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một thiền sư người Việt nổi tiếng thế giới.

Hôm đó, chỉ có ba phóng viên có mặt ở tu viện Làng Mai Quốc tế Thái Lan, “chi nhánh” của Làng Mai tại Thái – Làng Mai là một trung tâm thiền tập do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập ở miền Nam nước Pháp. Tu viện tại Pakchong chỉ mới được xây dựng nhưng các thầy, các sư cô Làng Mai đã đến ở đây được năm tuần rồi. Chúng tôi được mời vào trong một cái thất làm bằng tre và ngồi yên chờ đợi. Một lúc sau, Thiền sư nhẹ nhàng bước vào.

Theo lời của Thiền sư, chúng tôi ngồi thiền một chút trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, như vậy sẽ giúp chúng tôi có thể hiểu sâu hơn những lời chia sẻ của Thiền sư về sứ mệnh làm mới đạo Bụt ở Thái Lan cũng như hy vọng về khả năng hàn gắn những chia rẽ về mặt chính trị tại đất nước này. Trong hai tiếng đồng hồ phỏng vấn, vài lần chúng tôi phải dừng lại khi nghe một tiếng chuông vang lên, lúc đó mọi người đều im lặng và trở về theo dõi hơi thở vào – ra, rồi cùng nhau thưởng thức vài ngụm trà trước khi tiếp tục cuộc phỏng vấn.

Hàng ngàn người đã và đang thực tập theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một vị thầy đã 87 tuổi, Người chủ trương đưa đạo Bụt trở thành một phần của đời sống hàng ngày, ngay cả trong một thế giới đầy bận rộn mà chúng ta đang sống. Thầy Nhất Hạnh được tôn kính là một vị Thiền sư, một bậc trưởng thượng trong truyền thống đạo Bụt Đại thừa là nhờ vào đường lối “Đạo Bụt nhập thế” và các pháp môn thực tập thiền chánh niệm cùng với sự nghiệp hoạt động vì hòa bình và tài thơ văn của Người.

Với mong muốn làm sống dậy niềm tin vào đạo Bụt của người dân Thái Lan, Thầy chỉ ra rằng đạo Bụt đã từng là nền tảng của văn minh và sự phát triển của đất nước Thái Lan, “chúng ta mong muốn đạo Bụt sẽ tiếp tục phụng sự đất nước như trong quá khứ”. Nhưng nếu người dân Thái Lan không được hướng dẫn làm thế nào để giáo lý và phương pháp thực tập của đạo Bụt có thể áp dụng vào trong đời sống hiện đại thì “đạo Bụt sẽ đánh mất khả năng phụng sự và giúp ích cho đất nước”. Vì vậy, theo Thầy Nhất Hạnh, việc làm mới đạo Bụt là nhiệm vụ của mọi công dân, mọi Phật tử Thái Lan.

“Các pháp môn thực tập của đạo Bụt có thể giúp chúng ta bảo vệ hòa bình, tháo gỡ những chia rẽ, làm cho mọi người truyền thông với nhau dễ dàng hơn, đồng thời giúp làm lắng dịu những căng thẳng và xung đột chính trị, thậm chí có thể giúp cho các nhà doanh thương thành công hơn. Các pháp môn của đạo Bụt còn có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng của các nhà giáo, cải thiện chất lượng dạy và học, đồng thời giúp cho học sinh bớt căng thẳng và khổ đau. Một đạo Bụt được làm mới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.”

Thầy Nhất Hạnh chia sẻ rằng Thầy và các đệ tử của mình đã hướng dẫn tu tập và trị liệu cho các chính trị gia ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã đem được phương pháp chế tác bình an, hiểu biết và thương yêu của đạo Bụt vào trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các nhà báo cũng cần phải tham gia các khóa tu và thực tập thiền, Thầy nhấn mạnh với chúng tôi. “Chúng tôi cần những nhà báo như các anh để làm cho đạo Bụt tươi mới và hữu ích hơn.”

Thầy nói rằng trong quá khứ người Thái thường tìm đến các ngôi chùa ở địa phương – nơi đóng vai trò trung tâm của cộng đồng – để tìm những lời chỉ dẫn cho các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Các ngôi chùa còn giữ vai trò nòng cốt trong việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. “Nhưng bây giờ đạo Bụt đã đánh mất vai trò đó, bởi vì chúng ta đã không có khả năng làm mới đạo Bụt”.

“Điều này không chỉ là vấn đề của Thái Lan, mà còn của tất cả các quốc gia Phật giáo như Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đạo Bụt đang bị suy tàn và đó là lý do vì sao chúng ta cần phải bảo vệ di sản quý giá này.”

Một nhiệm vụ khác cũng khó khăn không kém, đó là việc hòa giải xung đột giữa các nhà chính trị Thái Lan. Tuy nhiên, Thầy Nhất Hạnh đã chỉ ra con đường để làm điều đó. Cầm cây bút lên, Thầy vẽ một vòng tròn to tượng trưng cho nhà chính trị, sau đó Thầy vẽ thêm ba vòng tròn nhỏ nằm bên trong vòng tròn đó tượng trưng cho gia đình của nhà chính trị. Thầy nói rằng nếu một chính trị gia biết chăm sóc cho gia đình và bảo vệ cho gia đình mình được bình an, không bị nguy hại thì người đó cũng sẽ có khả năng làm như vậy đối với đất nước, dân tộc mình.

“Một chính trị gia phải biết cách chăm sóc và trị liệu những khổ đau trong chính mình – những cảm xúc giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng và căng thẳng. Nếu một chính trị gia không biết làm gì với khổ đau của mình thì làm sao có thể giúp được người khác? Để hiểu được khổ đau của người khác, trước tiên chúng ta phải hiểu khổ đau của chính mình. Vì vậy, chúng ta phải thực tập trước, sau đó mới đi ra giúp đỡ người khác. “

Theo Thầy Nhất Hạnh, nếu chính trị gia có một gia đình hạnh phúc thì người đó sẽ có khả năng xây dựng một đảng phái chính trị hòa hợp và có nhiều thương yêu.  Thầy vẽ tiếp một vòng tròn khác lớn hơn tượng trưng cho người lãnh đạo đảng và xung quanh là những vòng tròn nhỏ tượng trưng cho các thành viên của đảng.

“Đạo Bụt có thể hiến tặng một phương pháp thực tập cụ thể để trị liệu cho các nhà chính trị”, Thầy nhấn mạnh.

“Bên phải thì hoàn toàn khác với bên trái. Ta không thể đem bên phải qua bên trái được. Tuy nhiên, bên phải hay bên trái cũng đều không thể tồn tại một cách biệt lập. Ta không thể lấy bên phải đem về Chiềng Mai và lấy bên trái đem về Băng Cốc được. Bên trái dựa vào bên phải để tồn tại, cũng như bên phải dựa vào bên trái để tồn tại. Chúng tương tức với nhau. Các đảng phái chính trị cũng tương tự như vậy.”

 

Trong suốt năm tuần tại Thái Lan, Thầy Nhất Hạnh cùng 50 đệ tử đến từ Pháp đã tổ chức một loạt khóa tu nằm trong chương trình hoằng pháp tại Á Châu do Quỹ Làng Mai tại Thái Lan (Thai Plum Village Foundation) tổ chức. Đây là lần thứ năm Thầy Nhất Hạnh đến Thái Lan. Hơn 2000 người đã tham dự các khóa tu tại đây và Thầy Nhất Hạnh đã dành riêng một khóa tu để hướng dẫn tu tập cho các chính trị gia.

Sau cuộc phỏng vấn với Thầy Nhất Hạnh, chúng tôi được mời ăn trưa trong nhà ăn với những thức ăn chay mà các thầy, các sư cô ở đây vẫn thường dùng mỗi ngày. Ngay cả trong nhà ăn, chúng tôi cũng cảm nhận được năng lượng bình an, tĩnh lặng vốn bao trùm cả Trung tâm Tu học Làng Mai Quốc tế Thái Lan.

Trên các bức tường có treo những tấm mành tre trên đó là những dòng thư pháp của Thầy Nhất Hạnh như: “Present Moment, Beautiful Moment” (An trú trong hiện tại, Giờ phút đẹp tuyệt vời) và “Peace in Oneself, Peace in the World” (Bình an trong ta chính là bình an cho thế giới).

Tại Trung tâm tu học quốc tế Làng Mai, các thầy, các sư cô duy trì nếp sống bền vững, thân thiện với môi trường. Họ tự trồng trọt lấy rau quả sau những giờ công phu tụng kinh và ngồi thiền. Được thành lập năm 2007, Quỹ Làng Mai tại Thái Lan vẫn đang tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng trung tâm tu học tại Pakchong. Hiện nay đã có hơn 160 vị xuất sĩ quốc tịch Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc (Hồng Kông) và Thái Lan đang tu học tại trung tâm này.

Chuyến thăm Thái Lan đầu tiên của Thầy Nhất Hạnh là vào năm 1975, khi cuốn sách đầu tiên của Thầy “Phép lạ của sự tỉnh thức” được xuất bản tại Thái Lan. Thầy quay trở lại Thái Lan cùng với Tăng đoàn Làng Mai vào năm 2007 khi Thái Lan đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc (World Visakha Bucha Day) và Thầy đã cho pháp thoại tại Băng Cốc, Chiềng Mai và Nakhon Pathom. Thầy cũng đã quay lại Thái Lan vào năm 2010 và 2011.

Chuyến đi Thái Lan lần này của Thầy Nhất Hạnh chủ yếu là để thúc đẩy việc xây dựng Trung tâm tu học tại Pakchong. Cũng giống như các trung tâm tu học của Làng Mai tại miền Nam nước Pháp, Mỹ, Đức và Hồng Kong, trung tâm tu học Làng Mai Quốc tế Thái Lan đã trở thành ngôi nhà thân thương của một tăng thân “tứ chúng”, gồm có các thầy, các sư cô, cư sĩ nam và cư sĩ nữ cùng tu tập với nhau.

Hiện giờ Thầy Nhất Hạnh đã có hơn 500 đệ tử xuất gia đến từ 20 quốc gia và khoảng 1000 tăng thân cư sĩ tu tập theo pháp môn Làng Mai tại 31 quốc gia trên thế giới.

 

Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữ