Ấm áp tình pháp lữ
Chỉ có một ngày rưỡi tu học nhưng tôi được nuôi dưỡng rất nhiều điều: Không có sự tiếp nối và báo hiếu nào cho ông bà, cha mẹ hay hơn là sự tu tập của chính chúng ta, những người con, người cháu biết thực tập để sống thật sâu sắc trong giờ phút hiện tại…Dù người thương của mình có từ giã cõi đời nhưng ông bà, cha mẹ vẫn còn trong con cháu, như không hề có cuộc chia ly. Chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ trong từng hơi thở và bước chân chánh niệm để trao truyền cho con cháu mình một đời sống đạo hạnh, an lạc và hạnh phúc. Đó là sự báo hiếu quý báu nhất cho ông bà cha mẹ! – Tâm Tự Tại
Tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa… khi mà hạnh phúc ập đến không thể nào ngờ. Không chỉ có hạnh phúc mà còn cả những cảm xúc dâng trào…
Hai bạn trong Ban chăm sóc là anh Minh Thanh và chị Điều cho biết: tăng thân Bình Thuận mời tăng thân Không Tên ngày 2 và 3 tháng 11-2013 ra Tánh Linh dự ngày quán niệm theo lời mời của ba mẹ Thầy Pháp Lịch. Không hiểu sao tôi đồng ý ngay mặc dù việc nhà thật là bận rộn. Có lẽ do từ lâu tôi rất thương quý các anh chị trong tăng thân ở Bình Thuận. Chúng tôi có mấy lần tu chung với nhau ở chùa Tuệ Uyển, Long Thành trong những dịp lễ Tắm Bụt, lễ Bông hồng cài áo và mấy lần khác. Đây là tăng thân mà hầu hết là ba mẹ, họ hàng của quý Thầy và quý sư cô đã xuất gia mà gia đình ở Bình Thuận.
Tuy đường xá xa xôi, nhưng mỗi lần vào Long Thành các anh chị đều mang đến năng lượng tu học rất tinh tấn và đầy tình thương. Các anh chị đã mang vào rau sạch tự trồng để cúng dường bữa trưa cho đại chúng, tự làm hàng trăm chiếc bánh lá, bánh bột lọc mang vào cho đại chúng thưởng thức. Khi dùng những thực phẩm ấy, tôi thấy ngon kỳ lạ! Tất cả đều nuôi dưỡng tình thương và lòng biết ơn trong tôi!
6g sáng ngày 2-11-2013, bốn chị em chúng tôi rời Sài Gòn để đi Bình Thuận. Từ hơn cả tuần nay, từ khi chị Điều trả lời sẽ tham dự, ngày nào các anh chị ở Bình Thuận cũng gọi điện để sắp xếp xe và chỉ dẫn chúng tôi đi đường. Thật ra khi cùng tu với nhau, tôi chỉ biết mặt vài vị chứ không nhớ tên và cũng không rõ người mời mình có đúng là người mình biết không nữa. Sau gần 6 tiếng, chúng tôi đến nơi hẹn để một anh dẫn đường vào. Hơn một tiếng đồng hồ anh ấy đã chờ chúng tôi giữa trời nắng gắt. Thật là xúc động!
Khi đến nơi, tôi mới biết mình đang đi dự lễ giỗ 49 ngày của bà ngoại Thầy Pháp Lịch. Gia đình thầy có bốn anh chị em đều xuất gia hết ( thầy Pháp Lịch, sư chú Pháp Bằng, sư cô Trăng Bích Nham và sư cô Trăng Hiên Ngọc). Gia đình kết hợp lễ giỗ bà để tổ chức một ngày tu học. Tôi chưa bao giờ dự một lễ giỗ 49 ngày đặc biệt như thế.
Buổi chiều thứ bảy, đại chúng tham dự cúng thí thực, thiền hành, phóng sanh…sau đó ngồi thiền, tụng kinh. Không khí của buổi thiền trà chia sẻ vào buổi tối trở nên ấm áp và đầy cảm xúc khi sư cô Phúc Nghiêm mời những người con, dâu, rể của bà cụ chia sẻ những kỷ niệm của mình với mẹ. Chị Tuyền, mẹ thầy Pháp Lịch là chị cả trong gia đình, chia sẻ rằng: “Tuy mẹ mất nhưng con vẫn cảm thấy bình an, cảm thấy như mẹ đang còn bên con vậy, mẹ không hề ra đi. Vì con ý thức rằng có mẹ trong con và có con trong mẹ. Nhìn bàn tay con là thấy bàn tay mẹ mà”. Đúng là trạng thái của một người có thực tập pháp môn, tôi thầm nghĩ.
Sáng chủ nhật, thời khoá bắt đầu lúc 5g sáng bằng một thời ngồi thiền tụng kinh, tiếp theo là lễ truyền Tam Quy và Ngũ Giới cho hơn 20 vị. Tối hôm trước, bốn chị em chúng tôi nghỉ ở nhà sư cô Tịnh Quang, đến 4g sáng mẹ sư cô đã dẫn chúng tôi đi đường ruộng đến ngôi nhà mà đại chúng sẽ tu học, mất gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Trời tối đen, không có đèn chỉ có ánh đèn pin của mẹ sư cô chiếu rọi cho chúng tôi đi… Mọi người đi theo ánh đèn, từng bước chân cẩn trọng lên bờ xuống ruộng nhưng không có ai vấp té vì đang đi theo ánh sáng chánh niệm của chiếc đèn pin. Chưa có ai ra đồng giờ này, chỉ có chúng tôi đánh thức đàn vịt nuôi giữa đồng. Chúng chào hỏi chúng tôi nghe thật vui tai. Con đường dài gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, tôi chưa bao giờ được thiền hành lâu và vui như vậy giữa không gian thênh thang của một miền quê yên tĩnh.
Buổi lễ truyền Tam Quy và Ngũ giới diễn ra thật trang nghiêm và ấm áp. Cảm xúc trong tôi dâng trào khi sư cô Phúc Nghiêm xướng lên:
– Giới tử mang ơn cha mẹ sinh thành, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.
– Giới tử mang ơn sư trưởng giáo huấn, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.
– Giới tử mang ơn bằng hữu và các bậc thiện tri thức đã tác thành cho, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.
– Giới tử mang ơn mọi loài chúng sanh, cây cỏ và đất đá, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.
Giọng sư cô đầy hùng lực mà cũng rất thân thương. Cứ sau mỗi lời xướng của sư cô thì các vị giới tử lạy xuống một lạy. Thật lạ! Tôi ngồi tham dự mà thấy như chính mình đang thọ giới, mặc dù tôi đã được chính Sư Ông truyền giới tại Thái Lan rồi. Tôi cảm nhận được ngay bây giờ và ở đây, có hơn 20 vị nữa “đã chính thức tiếp nhận pháp Tam Quy, đưa Ba Viên Ngọc Quý vào lòng và vào đời sống hàng ngày của mình”.
Sự tương tức đã khiến tôi cảm thấy được làm mới thêm một lần nữa và nhắc nhở tôi luôn thực tập Năm giới để lúc nào cũng được tự tại và hạnh phúc như chính pháp danh mà Sư Ông đã đặt cho tôi: Tâm Tự Tại. Mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, mỗi khi những cảm xúc mạnh xuất hiện làm tôi khó chịu, căng thẳng, bức bối… tôi đều tự nhắc mình: “Mình là Tâm Tự Tại mà, tại sao lại như thế này? Phải thực tập thôi, theo dõi hơi thở để mà đi qua cơn bão.” Và cứ thế tôi thực tập nương vào hải đảo tự thân để đi qua những khó khăn, những điều bất như ý…
Chỉ có một ngày rưỡi tu học nhưng tôi được nuôi dưỡng rất nhiều điều:
– Không có sự tiếp nối và báo hiếu nào cho ông bà, cha mẹ hay hơn là sự tu tập của chính chúng ta, những người con, người cháu biết thực tập để sống thật sâu sắc trong giờ phút hiện tại.
– Ngày tu học hôm nay, gia đình cô Tuyền đã hồi hướng công đức cho mẹ mình: đó là sự bình an, những bước chân vững chãi và thong dong đang bước về phía trước. Những người tham dự như chúng tôi cũng được hưởng năng lượng ấy.
– Mọi người được ngồi yên để quán chiếu “Không sinh không diệt, không đến không đi” và thực tập ngay trong buổi lễ hôm ấy cũng tìm thấy hạnh phúc.
– Dù người thương của mình có từ giã cõi đời nhưng ông bà, cha mẹ vẫn còn trong con cháu, như không hề có cuộc chia ly. Chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ trong từng hơi thở và bước chân chánh niệm để trao truyền cho con cháu mình một đời sống đạo hạnh, an lạc và hạnh phúc. Đó là sự báo hiếu quý báu nhất cho ông bà cha mẹ !
Thật không thể nào quên một ngày tu đặc biệt trong lễ 49 ngày. Rất an lạc và hạnh phúc! Biết ơn quý thầy cô và anh chị em tăng thân Bình Thuận thương quý của mình. Lúc 4g chiều, mọi người lên xe rời Bình Thuận về lại Sài Gòn mang theo 7 hộp cháo nóng mà các anh chị tăng thân Bình Thuận chuẩn bị để mọi người ăn chiều dọc đường. Cháo ngon và ấm áp nghĩa tình pháp lữ!
Tâm Tự Tại.