Phỏng vấn thầy Pháp Khâm
Có một lần Thầy Pháp Đệ hỏi là: “Thầy Pháp Khâm, tôi thấy thầy làm việc cũng nhiều, khó khăn cũng có, mà sao tôi thấy thầy vẫn vui? Thầy đừng có nói với tôi là thầy có Bồ đề tâm, tôi biết chuyện đó rồi”(cười). Mình đã trả lời là mình làm việc mà không cần có sự công nhận, có ai nhắc tới thì vui, không ai nhắc đến cũng không sao. MÌnh thấy điều gì tốt, điều gì hay thì mình làm. Chính cái đó làm cho mình có sự sáng tạo. (Thầy Pháp Khâm).
Thầy Pháp Khâm đã từng là một thanh niên với nhiều hoài bão, nhiệt huyết muốn xây dựng một đời sống đẹp, lành cho chính mình. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư điện, người thanh niên ấy đã dễ dàng tìm cho mình một công việc như ý. Trong một lần xảy ra tranh chấp với sếp, người thanh niên đã tìm vui bên lớp học tình thương, tình bạn với cô giáo dạy cùng nhưng cũng không giúp giải quyết những vấn đề của mình. Và một ngày, với khao khát hiểu được mình, làm chủ cảm xúc, cũng như xác định lại mục tiêu, lí tưởng sống, người thanh niên đã quyết tâm lên đường để tìm lại chính mình. Năm 1987, lần đầu tiên tìm đến Làng Hồng, thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm và các pháp môn đã giúp người thanh niên ấy lắng dịu, lấy lại tinh thần, hiểu và thương được mình.
Từ đó anh tìm đến Làng thường xuyên hơn. Làng Hồng như một món ăn tinh thần cho cuộc sống mới của người thanh niên. Sau mười năm thực tập cũng như giúp Làng mở các khóa tu, Tâm Bồ Đề đã được nuôi lớn từ từ, rồi một ngày năm 1999, người thanh niên đã xuất gia. Với tâm phụng sự, cống hiến, sau một năm, sư chú đã có thể đi ra để giúp tăng thân. Và bây giờ, đã hơn mười lăm năm xuất gia, thầy đã đem lại không ít niềm vui và hạnh phúc cho tăng thân, cũng như các vị cư sĩ. Thầy là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng các trung tâm Làng Mai thực tập ở Châu Á và tổ chức các khóa tu định kỳ hàng năm tại các nước trong khu vực.
Mùa an cư 2013, với sự có mặt ở Trung Tâm Thực Tập Làng Mai Quốc Tế Thái Lan, thầy đã đưa một luồng sinh khí mới, làm mạnh thêm tinh thần tu học và phụng sự trong đại chúng. Sau đây là trích đoạn phỏng vấn những thao thức và tâm huyết của thầy về tinh thần xây dựng những thế hệ xuất sĩ trẻ hôm nay.
BBT: Kính thưa thầy, thầy có thể chia sẻ một ít kinh nghiệm khi làm việc với anh chị em, thầy đã gặp những khó khăn gì và đi qua như thế nào mà thầy vẫn giữ được chí nguyện phụng sự?
T.P Khâm: Thật ra chúng ta có một may mắn, đó là giữa anh chị em xuất sĩ, mỗi khi có vấn đề thì cũng chỉ là do chưa hiểu nhau trong cách làm việc, chứ ai cũng có chung một con đường là phụng sự hết. Đó là điều mình cần phải ghi nhận. Người đi tu thì ai cũng có khuynh hướng là phục vụ. Vậy thì những việc khó khăn, không hiểu nhau chỉ là vấn đề tạm thời, chưa biết cách làm việc. Ví dụ như: ở ngoài mình làm việc rất xông xáo, khi vào đây làm việc chung với những vị chưa quen làm việc như thế, những vị đó thấy mình làm việc xông xáo quá họ theo không nổi, không kịp, thì họ yêu cầu mình chậm lại. Những lời khuyên đó từ lòng tốt mà ra hết. Nếu so sánh những khó khăn trong tăng thân với ngoài đời thật ra không có gì, vì đã vào trong đạo thì mình giúp nhau thôi, là anh chị em với nhau hết rồi. Vậy trong tăng thân của mình khi gặp khó khăn thì đừng bao giờ nản lòng, vì mỗi người đi tu ai cũng có tâm tốt hết, chứ không thôi đi tu để làm gì?
Nếu có khó khăn lúc đầu là tại vì chưa hiểu nhau thôi, và nếu nhìn lại trong tăng thân thì toàn vậy hết à. Có một điều mình nên để ý là khi vào trong tăng thân, ai cũng có đem theo những hành lý – đó là những khó khăn của gia đình mình, những niềm đau, nỗi khổ mà ngoài mình ra thì không ai biết hết. Vậy khi bốn mươi hay năm mươi người ở chung với nhau, ai cũng có những nỗi khổ, niềm đau. Nếu không biết cách hóa giải thì chắc chắn nó sẽ phải bung ra thôi. Khi bung ra như vậy nếu người nào nghe phải thì là một cái duyên để giúp cho người kia thực tập, để họ có cơ hội giải tỏa khó khăn, giải tỏa năng lượng bức xúc.
Kì thực người kia không ghét gì mình đâu, nhưng mình trở thành đối tượng để cho người kia chia sẻ mặc dù theo cái nhìn của mình thì sự chia sẻ đó không được thuận cho lắm. Vậy người gây khó khăn cho mình là một nghịch duyên để mình thực tập và qua cơ hội đó cũng được hiểu mình thêm, cho nên với những điều đó đúng ra mình phải cảm ơn. Đã đi tu rồi, mình nói là mình giúp đời, thì giúp ai ngoài những người đang có đau khổ? Và nếu giúp cho những người đang có mặt với mình bớt khổ thì đó là mình đang giúp rồi. Vậy đối tượng để giúp có thể là những anh chị em trong tăng thân, đừng có nghĩ tới là phải giúp người ở ngoài, phải đi chỗ này chỗ kia, mà hãy giúp trong tăng thân trước.
Có một điều nữa là sống trong tăng thân, Pháp Khâm chưa bao giờ thấy người trong tăng thân xuất gia mà có ý hại nhau, nhất là trong tăng thân của mình. Nhiều khi có tự ái nói qua nói về vậy thôi, chứ chưa bao giờ thấy anh chị em mình có ý làm cho người kia đau khổ. Có thể là vì vô tình mà nói những câu gì đó, khi đi tu rồi mà còn nói những câu như vậy thì người đó phải khó khăn lắm, họ chưa chuyển hóa được, khổ lắm! Mình phải thương họ thêm nữa kia.
BBT: Thưa Thầy, Thầy nghĩ thế nào về tiềm năng của một người xuất sĩ trẻ hiện nay? Cụ thể là những người trẻ như quý thầy, quý sư cô ở trong tăng thân?
T.P Khâm: Người trẻ giống như câu nói “Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau”, tuổi trẻ là tương lai của đất nước, thì tăng thân trẻ cũng là tương lai của Làng Mai. Hai mươi, ba mươi năm trước Thầy cũng là người trẻ. Điều này có nghĩa là cần có sự tiếp nối. Người trẻ làm được nhiều thứ lắm, thứ nhất là họ chưa có thành kiến, họ có niềm tin, họ ít khi đầu hàng. Mình phải dựa vào những điểm lợi đó của người trẻ. Nhiệt huyết của người trẻ rất là mạnh. Để cho người trẻ có thể tiếp nối được thì mình phải làm sao cho người trẻ giữ được nhiệt huyết đó. Cho đến bây giờ mình đã xuất gia được hai mươi bảy năm rồi mà nhiệt huyết đó vẫn như xưa, nó không mất đi mà nhiều khi còn lớn hơn nữa. Vì sao như vậy? Bởi vì mình vui đó! Mình tu mà mình có hạnh phúc thì những cái đó không mất đi được, và một điều giúp mình để giữ được cái đó là đừng có ngại khổ, đừng để cho những tiện nghi cá nhân, tiện nghi về tình cảm, vật chất nó giết cái lý tưởng đó. Cái nhiệt huyết đó sẽ bị mất khi mình bắt đầu bị những tiện nghi về vật chất (mình muốn được cái này, cái kia, muốn được cung phụng, được người ta trọng vọng) cũng như về tinh thần (muốn được thương yêu, được để ý đến) cuốn đi.
Ở ngoài thì những cái đó tưởng chừng mang lại niềm vui cho mình nhưng thực chất nó là cái bẫy cho người tu. Người tu được nuôi dưỡng bằng bồ đề tâm, những khó khăn, nếp sống tri túc, đừng để đầy đủ quá, đó là những dưỡng chất nuôi bồ đề tâm của mình. Khi mình đầy đủ quá thì thức ăn của bồ đề tâm bị mất đi. Giống như tập thể dục là phải chạy bộ vậy đó. Muốn có sức khỏe, mình phải làm cái gì đó. Nếu như ngại khó không tập thể dục thì sức khỏe mình sẽ yếu đi. Dĩ nhiên khi không tập gì thì mình thấy khỏe, không đổ mồ hôi nên không thấy mệt, cũng có thể coi đó là những tiện nghi cá nhân, nó làm cho mình không có hứng để làm việc. Mà điều làm cho người trẻ giữ được cái nhiệt huyết đó là không ngại khó, và trên hết là niềm vui. Chính cái vui đủ để nuôi dưỡng mình, đừng có mong là được người khác công nhận, chính mình cảm thấy vui thì điều đó là hạnh phúc nhất rồi.
BBT: Thưa thầy, người trẻ thì hay có tính hiếu thắng và đôi khi làm mà chưa có suy nghĩ sâu sắc, vậy chúng con làm sao để có thể vừa giữ được sự thực tập mà vẫn giữ được sự năng động của tuổi trẻ?
T.P Khâm: Thật ra tính hiếu thắng đó cũng bắt đầu từ sự muốn được thương yêu thôi. Lúc trước thời Bụt cũng vậy, lúc Tất Đạt Đa với Đề Bà Đạt Đa phải thi với nhau để lấy được trái tim của Da Du Đà La. Vậy cũng chỉ là một hình thức mà thôi. Những điều đó rất là “con người”, điều đó không có gì sai hết. Đôi khi tính hiếu thắng đó cũng giúp cho mình vượt qua khó khăn để đi lên, điều quan trọng là mình phải nhận thấy nó được. Hiếu thắng là một nguồn năng lượng giúp mình đạt được một cái gì đó, nhưng những điều mình làm dựa trên sự hiếu thắng nó sẽ không bền, cái hạnh phúc đạt được cũng rất là ít. Trong khi đó, hạnh phúc mà mình đạt được qua sự cống hiến, phụng sự thì nó sẽ nuôi mình hoài. Hạnh phúc thông qua sự hiếu thắng nó không có lâu, chỉ ở giây phút đó thôi là hết.
BBT: Thưa thầy, thầy cũng đã thấy được những năng lực và nhân lực của anh chị em trẻ trong tăng thân, vậy thầy có những thao thức hay mong muốn gì không ạ?
T.P Khâm: Một điều là người trẻ phải thấy được khả năng, vai trò và trách nhiệm của mình. Từ vai trò đi đến trách nhiệm, mình có thể làm được nhiều thứ lắm và phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Ví dụ như một người đánh đàn hay, hoặc hát hay thì với tài đó mình có thể ra để giúp tăng thân tập những bài hát nhạc thiền, những bài có tác dụng nuôi dưỡng lòng từ bi, lòng thương yêu, tình huynh đệ. Nhưng cũng với cái tài đó mà hát những bài tình sầu đứt ruột thì nó lại có tác dụng khác.
Có tài, nhiều khi cũng rất là nguy hiểm nếu sử dụng không đúng. Ông bà ngày xưa có câu “Có tài mà không có đức rất là nguy hiểm”. Có đức mà không có tài thì ít nhất cũng làm được gì đó chứ có tài mà không có đức rất là nguy hiểm. Vậy nên người trẻ mình phải ý thức được trách nhiệm của mình, khi mà ý thức được trách nhiệm rồi thì mình có thể phát huy được hết khả năng. Pháp Khâm rất muốn mình nghĩ ra được nhiều cách để có thể giúp cho người trẻ bớt khổ, tại vì người trẻ bây giờ đang mất lý tưởng.
Ngay trong tăng thân cũng có nhiều vị chia sẻ là đời sống gia đình rất khổ, như là cha mẹ không hòa thuận, anh chị em cũng không thích ở nhà… Tuy bây giờ hết chiến tranh rồi nhưng đau khổ vẫn còn, vậy cái khổ này làm sao để giúp cho họ được? Mình có nhiều cách giúp lắm, nhưng cách tốt nhất là bằng sự tu học, có bình an, hạnh phúc, vui tươi thì mới làm người ta hướng đến mình. Cũng như khi ở đây, cha mẹ, bạn bè thấy mình tu học vui là họ có chuyển hóa rồi, mà không cần phải đi đâu hết. Vậy thì tăng thân trẻ ở đây phải làm sao cho cuộc sống của mình có hạnh phúc, và tình anh chị em trong tăng thân phải được nuôi dưỡng.
Nhiều người tới đây với hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, nhưng phải làm sao khi tu trong môi trường này, mình có thể giúp chuyển hóa gia đình mình. Ví dụ như khi ở nhà, cha mẹ, anh chị em không vui, sống nhiều khi hay kè nạnh, ganh đua với nhau, nhưng vào đây mình thấy cái đó không có, thông qua hình ảnh từ sư cha, sư mẹ thì điều đó có thể giúp mình chuyển hóa khổ đau đã có từ trước. Thấy anh chị em ở đây ai cũng giúp nhau thì mình cũng có thể chuyển hóa được những mặc cảm, nội kết giữa mình với gia đình huyết thống của mình. Pháp Khâm nghĩ là chúng ta có thể làm được.
Như hồi trước, mình thuyết trình về chuyển hóa rác, nếu mà đưa bài thuyết trình lên mạng thì cũng có thể giúp được nhiều người lắm. Vì sao? Vì họ thấy trong một môi trường mà người trẻ làm việc với nhau vui như vậy, ai cũng có cơ hội đóng góp và rất thật. Những điều đó ở ngoài bị thiếu. Nhưng cái chính là phải làm sao mà sự tu học của mình có hạnh phúc thì người thân mới nhận được, mặc dù họ không có ở đây nhưng họ vẫn cảm được, mình không cần phải làm gì nhiều. Thầy thấy không cần phải có nhiều dự án, một dự án duy nhất là phải sống và tu học cho có hạnh phúc, rồi những cái kia sẽ tự động theo sau. Giống như học tiếng Thái, lúc đầu mấy em nhỏ đâu có thích học đâu, nhưng sau đó mấy tuần thì mấy em thích học, vì có niềm vui trong việc học, vậy nên niềm vui trong việc mình làm là chính, không cần phải làm gì nhiều, người trẻ chỉ cần tu học cho vui, cho hạnh phúc là đủ rồi.
BBT: Thưa thầy, làm sao để có được tự do trong tâm, để khi nào cũng có được gương mặt luôn tươi vui được như thầy?
T.P. Khâm: Có một lần Thầy Pháp Đệ hỏi là: “Thầy Pháp Khâm, tôi thấy thầy làm việc cũng nhiều, khó khăn cũng có, mà sao tôi thấy thầy vẫn vui? Thầy đừng có nói với tôi là thầy có Bồ đề tâm, tôi biết chuyện đó rồi”(cười). Mình đã trả lời là mình làm việc mà không cần có sự công nhận, có ai nhắc tới thì vui, không ai nhắc đến cũng không sao. MÌnh thấy điều gì tốt, điều gì hay thì mình làm. Chính cái đó làm cho mình có sự sáng tạo.
Đời sống hạnh Đầu Đà của ngài Trúc Lâm đi khắp đất nước để dạy dân mình thực hành thập thiện đã tạo cho Pháp Khâm niềm cảm hứng là một du tăng, không cần gì hết, chỉ cần có Bồ đề tâm thôi. Không phải mình muốn đi để mở trung tâm, mà là đem sự thực tập đến cho họ, tạo được nguồn cảm hứng cho họ và chính họ sẽ xây dựng nên những trung tâm ấy. Họ có được niềm vui, hạnh phúc và chuyển hóa, chính những điều đó cho mình năng lượng để đi tiếp. Việc mở trung tâm hay không, đó không thành vấn đề, chỉ cần người ta tu tập có hạnh phúc thì đó là một phần thành công của mình, chỉ cần như vậy thôi.
Là một người tu mình phải nhớ một điều rằng: mình có một quyền lực rất lớn. Quyền lực này là gì? Là có khả năng giúp người chuyển hóa. Phải ý thức được mình có quyền lực đó. Quyền lực này không phải là cái danh, lợi gì đâu. Nhờ sự tu tập của mình mà mình có thể giúp người chuyển hóa. Quyền lực đó rất lớn.
BBT: Thưa thầy, thầy có muốn gửi gắm gì cho người xuất sĩ trẻ qua buổi ngồi chơi hôm nay không ạ?
T.P Khâm: Tuổi các sư em đang còn trẻ, giống như Pháp Khâm qua Mỹ năm mười tám tuổi vậy. Khi đó mình vào đại học cộng đồng, sau đó là đại học bốn năm, rồi mình học tiếp, vậy nên người trẻ là phải học. Có một câu nói: “Thật là uổng hết sức nếu để phí phạm cái đầu của mình – The mind is a terrible thing to waste”, Pháp Khâm thấy rất phí phạm khi tuổi trẻ mà mình không học, mình phải tìm hiểu, phải khám phá. Có những điều mà tuổi trẻ thì dễ học hơn.
Đừng sợ là mình lầm lỗi, làm sai, đừng sợ mình thất bại. Nếu mình sợ thất bại mình sẽ không làm được gì hết, thất bại là mẹ thành công mà, mình phải thử. Khi được tăng thân giao cho nhiệm vụ gì thì đừng có sợ chưa biết làm, nếu chưa biết thì tăng thân sẽ đào tạo. Tu học, chơi hay làm gì thì hãy lấy sự thanh thản làm trọng, đừng mong kết quả. Tất nhiên có mặt là đã đóng góp rồi. Từ từ mình sẽ học thôi. Pháp Khâm tiếp xúc với tăng thân, với pháp môn cũng đã hai mươi sáu, hai mươi bảy năm rồi, thấy có kết quả. Học là phải áp dụng, đừng học theo kiểu lấy kiến thức. Ở tăng thân mình là kiểu học có áp dụng, trong vòng hai năm thôi. Học theo kiểu này, tu theo kiểu này sẽ có tiến bộ nhiều lắm.