Hoa cỏ lau

Trời Hiện Pháp là cái tên mà Sư Ông đã đặt cho sư chú. Sư chú là người Thái, tu theo truyền thống Theravada nhưng đã nhập chúng Thái Lan cùng tăng thân tu học với rất nhiều hạnh phúc. Dưới đây là bài chia sẻ bằng tiếng Việt của sư chú…

Dưới khung trời bao la, trong vòng tay bảo bọc ôm ấp của dải núi dài, giữa mảnh đất đá dày, những bông hoa cỏ lau đang mọc cao dần, nó nở hoa rất đẹp khi mọc bên nhau, lấp lánh không khác gì hoa tuyết. Nhiều người yêu thích những vẻ đẹp của những hoa có màu sắc sang trọng, nhưng con thích cái vẻ đẹp tự nhiên của bông hoa cỏ lau, đơn giản mà vô giá bên những con đường mòn mỗi chiều bước đi!

Hồi còn nhỏ, chắc mỗi cô bé, cậu bé trong chúng ta ai cũng đã từng được hỏi: “Lớn lên, em sẽ làm nghề gì?” Đối với những bé chưa từng trải nghiệm cuộc sống và chỉ thích chơi những gì mình thích thì làm sao có thể định được mình muốn làm gì khi lớn lên được trong khi đó những người lớn hay hỏi câu này hoài. Khi con được hỏi câu này, con thấy mình vẫn chưa tìm ra câu trả lời, chắc phải để thời gian cho câu trả lời tự nhiên đến mà thôi.

Lúc 8 tuổi, còn đang học lớp 2, con đã hay theo mẹ đi thăm nhà bác con trong ngày nghỉ học cuối tuần. Bác con là nông dân làm vườn, một trong những vùng bưởi ngon nổi tiếng nhất chính là quê con. Vườn của bác rộng lớn trồng bưởi từng hàng và đào những mương nước ở giữa mỗi hàng cây, đủ chỗ để cho mấy bác cháu chèo thuyền theo đường nước đi xung quanh vườn. Con cảm thấy rất thích đi trên những con đường trong vườn vì có thể nhìn thấy cánh đồng sát nhà bên và những hàng thông cao cao xa xa, có khi con nằm dưới cây và tận hưởng làn gió mát luôn luôn, thấy rất dễ chịu. Ôi! Chỉ thế thôi, cuộc đời thật là thong dong. Vì chán nản những đời sống bận rộn, xa cách thế giới tự nhiên, ví dụ phải thức dậy sớm rồi chạy đi cho kịp giờ đến trường, sau đó cô giáo bảo mình làm này, làm nọ, nhiều khi cũng hoan hỷ nhưng cũng có khi áp lực và ngày cuối tuần có cơ hội như thế thì quá sướng rồi. Bác con nhận thấy được sự yêu thích của cháu mình cho nên mới hỏi: “Sao con? Có thích ở đây không? Nếu thích thì lớn lên con qua đây giúp bác làm vườn ở đây đi cho rồi, được ngồi thuyền, được nằm chơi dưới gốc cây mọi ngày, thấy không, quá sướng!”

Đúng rồi, mình có nếp sống của mình rất đơn sơ và tự mình tổ chức không cần chạy theo ai hết, không cần bận rộn mà sống tự nhiên. Lúc mẹ con chào bác con về thì bác nói thêm với con rằng là sau này nó lớn lên sẽ bước theo chân bác làm vườn rồi đó! Lúc ấy, con còn ngây thơ quá, không có khả năng phân biệt lời nói đó là thật hay là giỡn nữa, nhưng con thấy đúng thiệt! Nếu cho con chọn một cách sống, con sẽ chọn cách sống đó, thế thôi!

Sau đó một tuần, lớp con thi học kỳ. Câu hỏi cuối cùng trong bài thi là một câu hỏi tự luận: Trong tương lai, em muốn làm nghề gì? Vì sao? May quá, mới tuần trước trong giờ chơi trong vườn với bác, con đã có câu trả lời! Nên con ghi xuống câu trả lời một cách rất thẳng thắn rằng: Trong tương lai, con muốn làm nông dân làm vườn, bởi vì có gió mát quá! Xong con nộp bài. Mấy tuần sau, cô giáo đi vào lớp với những bước chân nặng trịch rồi với sự bực tức phán rằng: “Các em làm bài thi sao vậy, không ra gì hết! Em Cá Thu (tên con hồi đó)! Học giỏi thế mà muốn làm nông dân hả”? Bị cô la trước mặt các bạn, con cũng không biết mình làm sai gì nữa, bởi vì đó là câu trả lời tự do mà, có phải không? Thế mà cô cũng la cho được, lạ thật!

Con còn nhớ chuyện này mặc dù nó đã qua hơn mười năm rồi, vì nó là lần đầu tiên mà con có thể nhận ra được con đường nào mà mình có thể đi. Nhìn lại con cũng thấy hơi buồn cười mình về cái sự hồn nhiên, thật thà với chính mình qua cái câu trả lời đặc biệt không giống ai. Bây giờ, vườn của bác đã phá bỏ hết rồi và thay thế bằng ruộng, và con cũng không thể theo dấu chân của bác nữa, nhưng có thể trong giờ phút này là con cũng đã là người làm vườn rồi.

Như đại chúng đã học, tâm của mình ví như một khu vườn, ý thức của người làm vườn là phải luôn luôn chăm sóc nó, phải biết tưới nước, chọn lọc những hạt giống tốt và loại bỏ những cây cỏ dại gây tác hại cho vườn của mình và đừng cho nó mọc lên. Cái hạt giống muốn làm một người tự do thời thơ ấu đó bây giờ đã thành sự thật, dù trong hình thức khác, nhưng nó cũng đã được ôm ấp và tưới tẩm cho đến khi con tìm ra, một người làm vườn là một người có nếp sống giản dị, gần gũi thiên nhiên, không đấu tranh với ai để tranh giành quyền lực cả, làm người nghèo mà hoàn toàn không khổ, con đang nói về đời sống người tu sĩ đấy.

Người ta có thể có điện thoại di động, email hoặc facebook và những thứ ấy là những công nghệ có thể kết nối và liên lạc với nhau. Nhưng khi chúng ta trong tu viện thì có trà, có bồ đoàn, tọa cụ, cái cuốc, cái cào thì chúng là những công nghệ liên lạc đặc biệt hơn nữa, mặc dù những thiết bị này không phát ra âm thanh của nó, nhưng cũng có chức năng liên kết huynh đệ lại với nhau. Đôi khi mình không hiểu nhau qua ngôn ngữ, nhưng truyền thông với nhau rất là thân thiện, vừa vui vẻ, vừa thích thú cũng rất là buồn cười nhưng đã đi vào sâu trong trái tim.

Con cũng đã từng trải qua những giai đoạn đó và tâm mình rất thoáng, luôn có những kỷ niệm đẹp và thường thì nó diễn ra khi con làm vườn rau. Tối nay, con đi qua phòng các anh em và ngồi xuống để cùng nhau thưởng thức hương vị và hơi ấm của trà nóng, đây cũng là một khoảng thời gian con thấy thích thú. Trong phòng có một tượng Bụt ngồi thiền nhỏ nằm ngay phía trên bàn trà, bên cạnh còn có một bình hoa nhỏ, trông phong cách cắm hoa thật là đơn sơ, và con cảm giác là thế giới này được mở ra. Đó là thế giới đẹp đẽ của ước mơ, của lý tưởng mà mình cũng như mọi người mong mõi đến và đã hiện ra trước mắt mình chỉ qua một bông hoa nhỏ.

“Bông hoa này làm bằng chất liệu vốn không phải là hoa, nhìn với con mắt của một hành giả thì mình sẽ thấy được bông hoa này thuộc về vương quốc của Chúa và Tịnh Độ của Bụt.”

Con muốn ngồi yên và tiếp xúc với nó một cách sâu sắc để biết rằng chính mình cũng thuộc về nước Chúa, thuộc về tịnh độ của Bụt. Nhiều người trong chúng ta có lý tưởng để xây dựng cho đời, cho thế giới trở thành một nơi bình an, hòa hợp, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương. Chúng ta đã đến chung với nhau và sống hòa hợp trong tăng thân, ai trong mỗi người đều đang cảm nhận nó và cũng đang thực hiện điều này.

Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng những gì mà thế giới này có, và cái thế giới khác mà mình đang mơ tưởng, thì nếu nó là “thế giới” và có “con người” thì nó cũng sẽ có đủ những thứ như trong thế giới mình đang sống này thôi. Và khi ta tới đó ta sẽ làm gì? Nếu nhìn kỹ thì ta sẽ thấy được đau khổ cũng cần phải có trong cõi đó để cho nụ hoa từ bi và hiểu biết được mở ra để nó không giảm giá trị của lý tưởng nhưng nó có để cho lý tưởng được thực hiện trọn vẹn. Và nếu ta tới cõi đó thì ta chỉ sống thảnh thơi tự nhiên, không còn gì lo lắng bận tâm cả, ta là một người rãnh rỗi không có gì phải làm gấp gáp, cho nên ta có nhiều cái để làm nhưng không một chút áp lực nào cả.

Nếu mình nghĩ rằng nơi này không phải là thiên đường an lành và cõi tịnh độ là cõi khác, thì nó cũng sẽ khác thật với những gì mình đang sống. Nhưng khi mà mình chịu buông xuống những ý niệm đó và tập chỉ im lặng, lắng sâu và tiếp xúc thì ranh giới giữa hai cõi, hai cái thế thế giới cũng sẽ từ từ mất đi.Vấn đề nằm ở chỗ phẩm chất sự tỉnh thức và sự buông bỏ của mình sẽ cho mình tiếp xúc được với nó đến mức độ bao nhiêu. Tất cả đều do tâm mình tạo ra hết.

Ai cũng đang đứng hai chân trên cùng một trái đất, nhưng chính trái đất này cũng đang chứa đựng ngục tù hoặc như cái hộp khung bốn góc dành cho những ai bị ràng buộc và chạy đuổi theo đối tượng bên ngoài rồi bị rắc rối suốt ngày (có thể suốt đời) nhưng cũng một trái đất này có thể là nơi thiên đàng, nơi an lạc dành cho những người biết sống tự do, buông thư, không có đuổi chạy và nắm lấy cái gì như người ta để cho đời mỏi mệt. Những người này có cái thấy thông suốt và họ biết buông xuống gánh nặng nên rất nhẹ nhàng.

Ai đang chạy đuổi trong vòng xoáy cuộc đời, họ nghĩ là họ làm đúng vì ai cũng đang làm thế. Cho nên, khi họ thấy những người sống thảnh thơi, họ phán rằng: “Anh đứng làm gì đó, chạy đi, nếu không chạy thì làm gì được”! Người nghe cũng chỉ cười thôi nhưng chắc là họ sẽ không đi theo người đó nữa. Trên đời này có người hiểu, có người không hiểu. Con là một người chưa hiểu lắm, nhưng con cũng nhận ra và biết rồi mình nên đi theo ai, đường nào là tốt.

Chiều hôm nay, khi ánh nắng mát mẻ chiếu soi một cách nhẹ nhàng trên bãi cỏ cũ như bảo rằng mặt trời sắp lặn để cho ban ngày chấm dứt và thả thế giới đi vào hơi lạnh khi bóng tối về. Hoa cỏ lau đơn sơ vẫn đứng đong đưa bông trắng mong manh của nó lay theo gió và nhận ánh nắng chiều ấm áp cùng các bông cỏ khác hòa vào không gian bao la bày tỏ sắc đẹp tự nhiên.

Hoa lau không mong mình trở thành hoa hồng cho những người đang yêu tặng nhau, hay trở thành hoa lan để những người ta ngắm trước cửa sổ, hay là trở thành hoa sen thanh tịnh trước bàn Bụt hoặc là những loài hoa có màu sắc tươi đẹp khác để người ta lấy cắm vào bình trang trí chỗ này, chỗ kia. Có thể ngày mai những bông hoa dại này sẽ bị cắt và thả ngoài đường hoặc bị đốt. Nhưng hôm nay hoa dại vẫn mỉm cười và vẫn dâng cho đời cái mầu nhiệm mà không bao giờ lo lắng về ngày mai, không tủi thân hay mặc cảm khi nó không được ai khác quan tâm và chăm sóc. Không cần ai phải đánh giá cho nó, không đòi hỏi sự cung kính, hoa lau chỉ là hoa lau, đứng yên phản chiếu ánh nắng chiều hôm nay cùng những bông hoa cỏ khác thì nó cũng đã quá đủ hạnh phúc rồi.

Con chắp tay cúi đầu ngưỡng mộ với lời chia sẻ đơn giản và quý giá cho đức hạnh bông hoa cỏ lau. Không mấy ngày nữa nó sẽ nằm ngổn ngang trên mặt đất, nhưng con đã mang theo nó lên đường cùng với mình rồi.

Con: Trời Hiện Pháp