Giếng thơm về Kinh Bắc
Chân Trời Nội Tâm
Hình ảnh mái chùa, cây đa, giếng nước, sân đình, từ lâu đã đi vào nếp sống của người dân làng quê Việt Nam. Mỗi khi nhắc tới, trong lòng mình lại trào dâng một niềm thương nhớ. Mình thương, mình nhớ vì đó là một phần máu thịt, một phần của tuổi thơ. Làm sao quên được hình ảnh tết Trung thu được chơi đèn kéo quân, được chạy quanh sân đình gọi nhau í ới, được chơi trò ô ăn quan hay bịt mắt bắt dê. Vào những dịp nghỉ hè, mấy đứa con trai chúng tôi hay trèo lên cây đa tìm bắt tổ chim hay hái những quả đa rồi chia nhau ăn, sau đó lại ùa ra giếng làng tắm gội. Người dân quê những hôm đi làm đồng về được ngồi ở gốc đa đầu làng, uống bát nước chè xanh, nói dăm ba câu chuyện, hỏi nhau về chuyện làng, chuyện xóm.
Chẳng thế mà ca dao tục ngữ có câu:
Hay vào những đêm trăng sáng, các nam thanh nữ tú rủ nhau đi cấy, rồi cùng nhau hát các bài dân ca, hát giao duyên, hát đối đáp:
Ngày xưa người ta có thời gian đi cấy chung, hát chung với nhau một câu dân ca hay rủ nhau đi chùa vào những ngày Rằm, mồng Một. Hồi bé mỗi lần thấy bà nấu nước bồ kết, tôi biết ngày mai bà sẽ đi lễ chùa. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao bà không gội dầu gội đầu cho tiện mà bà lại nấu nước bồ kết. Bây giờ tôi mới thấy, người xưa trước khi đi lễ chùa họ thường sửa soạn thân tâm cho thật chay tịnh từ những ngày trước đó. Có thể đó là một phong tục tập quán đẹp mà bà tôi còn giữ lại, chứng tỏ những con người ấy đã có một đời sống tâm linh sâu sắc. Sống mà không có gốc rễ tâm linh và huyết thống, không biết tới cội nguồn thì khổ lắm. Tôi được trao truyền một đời sống tâm linh như hôm nay là nhờ sự tưới tẩm từ bà và mẹ. Cứ đến ngày lễ Tết hay ngày Rằm, mồng Một, bà chuẩn bị hương hoa ra chùa cúng Bụt. Khi nhà có hoa quả hay gạo mới đầu mùa thơm ngon, bà chọn một ít mang ra chùa, trước là cúng Bụt, sau đó thừa lộc cúng Sư Cụ. Bàn thờ tổ tiên lúc nào bà cũng chăm sóc thật chu đáo, mỗi khi con cái đi đâu về hay đi làm ăn xa, bà đều thắp hương khấn nguyện với tổ tiên, mong cho con cháu được chân cứng đá mềm.
Mẹ tôi cũng thế, một lòng một dạ với Bụt Tổ. Những khi ở chùa có công việc nhiều, mẹ đều sắp xếp việc nhà để ra giúp chùa. Khi chị em tôi còn nhỏ, mẹ không có thời gian ra chùa nhiều, nhưng vài ngày mẹ lại đáo qua xem Sư Cụ có khỏe không, mẹ tranh thủ quét dọn sân chùa hoặc gánh nước đổ vào lu giúp Sư Cụ. Bố tôi cứ cười đùa gọi mẹ là bà vãi:
Quét lá đa mà có niềm vui, có chánh niệm thì mình đang thực tập thiền quán. Có thể hồi đó mẹ tôi biết về hơi thở chánh niệm, sau mỗi lần ở chùa về mẹ rất hạnh phúc, mẹ cười tươi hơn và mỗi lần như vậy, chị em tôi lại được Sư Cụ cho khi thì quả chuối, quả mít hay quả chay được lấy từ vườn chùa.
Hình ảnh mái chùa từ lâu là một phần của tuổi thơ chị em tôi. Hồi bé, mỗi lần được theo bà ra chùa tôi vui lắm, vui chẳng khác gì người ta cho mình gói bỏng ngô hay vài cái kẹo. Trước khi đi bà dặn tôi: “Cháu ăn mặc cho gọn gàng sạch sẽ, không được mặc quần đùi, ra tới chùa cháu phải ngoan, không được nói bậy đấy, ra gặp Sư Thầy thì chắp tay chào nghe chưa”. Tôi vâng vâng dạ dạ làm theo lời bà một cách cẩn thận.
Lần đầu tiên ra chùa tôi thấy cái gì cũng mới cả, mọi thứ thu hút tôi một cách kỳ lạ. Hàng ngày thứ làm tôi thích nhất là quà vặt và đồ chơi, nhưng khi ra chùa, tôi cứ chăm chú quan sát từ cái cổng tam quan cổ kính, cây đa cổ thụ và nhất là tôi cứ chăm chú ngắm nhìn từng ông Bụt Ốc. Tôi cứ thắc mắc sao gọi là Ông Bụt Ốc, bà biết ý liền giải thích rằng, vì trên đầu mỗi ông Bụt đều có những lọn tóc được tạc như hình con ốc. À thì ra là thế, mỗi ông Bụt lại có một vẻ đẹp thật kỳ lạ, khuôn mặt phúc hậu tròn đầy, trên môi luôn nở nụ cười hàm tiếu. Các nghệ nhân điêu khắc xưa như đang thổi hồn vào từng pho tượng, họ tạc không chỉ bằng đôi bàn tay tài hoa mà còn mang cả tâm tư tình cảm, cái hồn của người xưa vào trong đó.
Trong chùa có hai tượng Hộ Pháp to lắm, to bằng mấy người thường, một ông mặt dữ tợn gọi là ông Ác, còn một ông hiền lành gọi là ông Thiện. Ban đầu tôi nhìn thấy ông Ác thì sợ lắm, khuôn mặt đỏ lòm, mặt đầy râu ria cưỡi trên mình con Sấu (gần giống con sư tử), trên tay cầm một thanh kiếm. Tôi quay sang hỏi bà, bà bảo: “Hai ông Hộ Pháp đại diện cho tính cách của một con người, trong mình luôn có thiện và ác, ông Ác thì trừng trị cái ác, còn ông Thiện thì bảo vệ những gì thiện lành”. Hồi đó tôi thích tới vái và ngắm ông Thiện hơn, còn ông Ác thì thỉnh thoảng tôi mới tới len lén liếc một cái rồi chạy theo bà xuống vườn chùa. Có thể đó là tuệ giác trong cách bố trí thờ tượng của người xưa, không thiện không ác, thiện ác nương nhau mà biểu hiện, mình không thể loại bỏ cái ác đi mà chỉ tôn thờ cái thiện. Con người mình cũng thế, không bùn thì không sen, vấn đề là lấy bùn nuôi sen, lấy từ bi để chuyển hóa cái ác.
Bà đang thắp hương ở những ngôi tháp, mắt bà nhắm, miệng lâm râm khấn vái có vẻ thành tâm lắm. Nghe bà kể đây là tháp Sư Cụ trụ trì. Vào những năm 70 – 80, chiến tranh loạn lạc, rồi trải qua thời kỳ bao cấp, chùa chiền bị bỏ ngỏ hoặc bị phá hủy làm trường học hay trở thành nhà hợp tác xã, người dân cũng ít lai vãng tới chùa. Nhưng Sư Cụ vẫn với chiếc áo nâu sòng sờn bạc, sáng tối hai bữa dưa cà, ngày đêm lời kinh tiếng kệ nguyện cầu cho dân làng khỏe mạnh, quốc thái dân an. Sư Cụ thương trẻ con lắm, nhà nào con cái khó nuôi cũng bế ra chùa làm con của Bụt, dân làng tôi gọi là “lễ bán khoán”. Sau ngày lễ bán khoán, các cháu có vẻ ngoan hơn, ít quấy khóc hơn, tôi cũng được bà cho đi bán khoán, làm con của Bụt từ hồi còn ẵm ngửa. Sư Cụ mất hồi tôi còn bé tí nên tôi chỉ thấy ảnh Sư Cụ trên nhà thờ tổ. Một bà cụ với khuôn mặt hiền từ, đôi mắt sáng, răng nhuộm đen, mặc áo tràng nâu, đầu chít khăn nâu, một tay cầm chiếc gậy trúc, tay kia lần tràng hạt. Hình ảnh chiếc áo nâu và chiếc khăn nâu đã quen với tôi từ tấm bé, rất gần gũi và thiêng liêng, chẳng thế mà khi chị gái tôi xuất gia, tôi cứ luôn nhắc chị: “Chị nhớ chít khăn vào cho đẹp”. Vì tôi thấy Sư Cụ ngày nào đang biểu hiện trong chị gái tôi một cách thật mầu nhiệm. Tôi cũng mong một ngày hai chị em tôi cùng được ngồi chung một chuyến tàu về thăm quê, chị em tôi sẽ ra ngoài tháp thắp một nén hương cúng dường Sư Cụ và cùng nhau lên chính điện lạy Bụt rồi nói: “Bạch Bụt, chúng con đã về”.
Đi xuất gia tôi thấy yêu văn hóa, yêu quê hương dân tộc mình hơn bao giờ hết. Mỗi lần được tiếp xúc với văn hóa quê hương, tôi thấy mình đang được Về Nguồn, đang được tắm gội lại giếng nước thơm trong ngày nào. Tôi sẽ vốc làn nước mát nâng lên trong hai tay, mỉm cười và nói rằng: con đã tới! Tôi đâu chỉ được quay về với tuổi thơ, được bơi lội trong hồ nước mát, mà tôi còn đang được đắm mình trong dòng nước tâm linh, đang lưu nhuận từ ngàn xưa.
Nếu cho tôi được đặt tên một Tăng thân ở quê tôi, tôi sẽ đặt tên là: “Tăng thân Giếng Thơm hoặc Tăng thân Kinh Bắc”. Giếng Thơm và Kinh Bắc, nó xuất phát từ cuốn sách của Thầy là “Giếng nước thơm trong” và một cuốn của Sư cô Chân Không là “Cần Thơ về Kinh Bắc”. Tôi không chỉ thấy thương từ Giếng Thơm mà tôi còn thương cả từ Kinh Bắc. Kinh Bắc là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, là nơi mà Sư tổ Khương Tăng Hội từng hành đạo và sinh sống, là nơi mà chú tiểu Kính Tâm tu tập rồi trở thành Phật Bà Quan Âm. Nếu có duyên lành tôi sẽ về thăm, tôi sẽ đi thiền hành quanh tháp Tổ, tôi sẽ hái một cành hoa bưởi về cho mẹ gội đầu. Tháp tổ vẫn sừng sững chờ đón những người con xa xứ, những người con lưu lạc trong thất niệm, một ngày nào đó trở về:
Tôi sẽ thở cho bà cụ trước khi hấp hối đã gọi con lại dặn mang bát gạo bà còn để ở đầu giường ra cúng Bụt. Tôi sẽ đi cho Sư Cụ chùa tôi vì tuổi già sức yếu không đi lại được, nhưng sáng tối vẫn lần từng bậc thềm trong ánh đèn dầu leo lét, từng bước một chậm rãi từ liêu của mình lên chính điện để tụng kinh lạy Bụt. Tôi sẽ tu cho những bà lão răng đen, mặc áo tràng nâu, đầu chít khăn mỏ quạ, cổ đeo tràng hạt rủ nhau đi lễ chùa, mỗi độ ngày Bụt sinh, Bụt nhập diệt hay mỗi độ Vu Lan về. Và tôi sẽ cười cho các em thơ chạy lon ton theo bà ra chùa, vui mừng được Sư Cụ chia cho nửa quả chuối hay một phần tư chiếc oản xôi dù Sư Cụ biết rằng trưa nay mình sẽ ăn ngô thay oản.
Sư Cụ, ông Bụt Ốc, bà lão răng đen, những lời kinh tiếng kệ vang vọng mỗi khi chiều về… là những dòng nước mát đang lưu nhuận trong từng tế bào của tôi. Dòng nước tâm linh, lâu nay vì chiến tranh bom đạn, vì thời thế mà bị rong rêu, bị thân bèo bao phủ. Tôi, các sư anh, sư chị và sư em của tôi cần phải vớt bèo, cần những cánh tay để kéo những đám rong kia ra khỏi mặt nước giếng, trả lại dòng nước mát ngày nào. Để tôi và anh cùng về thăm mẹ, tôi sẽ gánh một gánh nước quê hương gội đầu cho mẹ. Tôi cần cánh tay của các anh, tôi cần bàn tay của các chị. Muốn làm được như thế, tôi mời anh chị hãy cùng tôi “Thở cho đều”.