Hành trình Bắc Mỹ 2015: Phép lạ của sự tỉnh thức (phần cuối)
Tâm Trì Địa
Con đường thơm
Tôi nhớ một lần Sư Ông đã mở đầu một bài pháp thoại như sau: “Sáng nay đi từ nhà Tùng Bút đến thiền đường, con đường rất là thơm”. Sáng nay tôi đi từ xóm Trong Sáng lên thiền đường, con đường cũng rất thơm đó bạn hiền. Đi một đoạn từ xóm Trong Sáng lên hướng thiền đường thì con đường trở thành con đường mà Sư Ông nhắc đến trong pháp thoại. Không hiểu sao trong nhiều năm qua tôi cứ cho rằng nhà Tùng Bút là ở tu viện Bích Nham. Thực ra nhà Tùng Bút là cốc của Sư Ông ở tu viện Lộc Uyển.
Đêm qua trời mưa nhẹ nên cây cối được tắm một ít nước mưa. Có lẽ vì vậy nên hương thơm có vẻ rõ rệt hơn những ngày trước. Tôi hạnh phúc hít đầy lồng ngực hương thơm tinh khiết đó. Ở đây mưa hiếm lắm. Hạn hán đã kéo dài rất lâu ở Escondido, nơi tu viện Lộc Uyển tọa lạc.
Tu viện Lộc Uyển đẹp quá bạn hiền ạ. Tu viện Bích Nham, tu viện Mộc Lan cũng rất đẹp. Nói theo cụ Nguyễn Du thì “mười phân vẹn mười” đó bạn hiền. Tuy nhiên, Lộc Uyển nằm trong một thung lũng, được bao quanh bởi núi đồi nên có một vẻ hùng vĩ đặc biệt, một nét đẹp riêng. Về đây, tôi thấy mình như một đứa bé, hơi khép nép, thấy mình như bị nhiếp phục trước sự vững chãi và nghiêm trang, có một chút bí ẩn của núi đồi Đại Ẩn.
Trước khi đến đây, tôi đã được nghe nói nhiều đến rắn rung chuông, đến chó rừng, đến những bụi sage dại – những “đặc sản” của núi đồi Lộc Uyển. Có người còn kể những ngày đầu dựng chùa, có khi còn thấy cả sư tử núi nữa. Đôi khi có cảm giác đang đọc một quyển truyện đường rừng kiểu Lan Khai (tác giả này chắc bạn hiền không biết đâu, bạn hiền có thể Google chăng?), hay truyện về rừng tràm U Minh của Sơn Nam, vừa kỳ bí, vừa hoang sơ, vừa mạo hiểm.
Rồi mình lại đi chơi, lên đồi khi sương sớm
Về Lộc Uyển, bạn phải leo lên Yên Tử, ngồi trên tảng đá và hát bài: “Rồi mình lại đi chơi, lên đồi khi sương sớm, lên mỏm đá cao ngồi, nhìn xa qua mấy núi, chỉ thấy mây mù thôi…”. Rồi bạn phải ghé thăm cốc Phù Vân, nơi có tháp của thầy Giác Thanh. Trong tháp có hình của thầy, có một số bồ đoàn, tọa cụ để ai muốn ngồi trong thảnh thơi, quay về tìm bản lai diện mục thì ngồi đó cùng thầy. Không gian tĩnh lặng, núi đồi thênh thang, xa xa có vài cụm mây trắng bay trên nền trời xanh trong, bỗng nhiên mình muốn trở thành hoặc là … thi sĩ, hoặc là hơi tham lam hơn một chút, trở thành thiền sư đó bạn hiền. Nhìn qua bên kia thấy một dòng xe cộ của thành thị đang nối đuôi nhau trong yên lặng. Xa quá nên tiếng thị thành không vọng được tới đây.
Ở Lộc Uyển, như bạn hiền đã biết, xóm Trong Sáng là xóm của quý sư cô nằm ở dưới dốc, còn xóm Vững Chãi là xóm của quý thầy thì nằm trên núi. Hai xóm cách nhau một con dốc dài. Mỗi tuần, thiền sinh đến dự hai ngày tu chánh niệm, thứ Năm ở xóm quý sư cô, còn Chủ nhật thì ở xóm quý thầy. Thiền đường Thái Bình Dương là thiền đường lớn nằm gần xóm Vững Chãi. Trong các khóa tu lớn, tất cả mọi sinh hoạt thời khóa đều diễn ra ở thiền đường Thái Bình Dương và khu vực nhà ăn, nhà bếp của quý thầy. Vì vậy nên mỗi ngày tôi thấy mình leo dốc (tức là con đường thơm mà tôi nhắc đến ở trên) hơi thường xuyên. Ít nhất là 10 lần vừa lên vừa xuống đó bạn hiền.
Thú thật với bạn hiền là dù tôi đã thưởng thức thiền hành tối đa nhưng đôi chân đôi khi cũng mỏi. Vì vậy lâu lâu tôi đón xe để đi. Nhưng xe đây không phải là xe hơi đâu bạn hiền ạ. Xe này là xe mà người ta hay sử dụng trong các sân golf, dùng để cho những người chơi golf chở dụng cụ chơi golf ra sân. Nhìn tôi chắc cũng chưa lụm cụm lắm mà lại đón xe đi nên có người lâu lâu nhìn tôi cười một cái đầy ý nghĩa… Bởi vì bạn hiền biết không, ai ở đây lâu thì đôi chân cũng trở nên săn chắc. Ai ở đây cũng thích đi núi cả. Ngày làm biếng đố bạn hiền tìm được ai nghỉ ở nhà, phần đông ai cũng leo lên núi uống trà hết. Chỉ có tôi, chắc … vì tuổi tác cho nên hổng hiểu sao chân tôi cứ mỏi đều đều. Tôi đành tặc lưỡi, thôi thì ai cười cứ cười, mình phải để dành đôi chân quý báu này mới được. Mình còn cả hai khóa tu nữa để sử dụng đôi chân. Nhất là trong cả ba khóa tu sắp tới (một dành cho xuất sĩ, một dành cho những người nói tiếng Anh và một dành cho những người nói tiếng Việt), khóa tu nào trong thời khóa cũng có mục leo núi vào lúc 5h30 sáng để ăn sáng và ngắm mặt trời lên. Bạn hiền thấy tôi tính vậy có được không?
Trong khóa tu xuất sĩ, quý thầy, quý sư cô có dịp được tu học với nhau, xây dựng tình huynh đệ và có dịp nhìn sâu vào những vấn đề quan trọng mà chúng xuất sĩ cần quan tâm trong giai đoạn chuyển tiếp này. Cần nói thêm là ngày leo núi trong khóa tu xuất sĩ này, tôi đã bị … mỏi tay kinh khủng. Bởi vì tôi đã leo núi bằng … xe tải thùng (truck). Vì ngồi ở thùng xe và đường lên núi lông chông kinh khủng nên tôi phải bíu chặt vào thành xe. Ngại mỏi chân nên tôi bị mỏi tay. Biết làm thế nào được. Tuy mỏi tay vậy nhưng tôi thấy được an ủi rất nhiều bởi vì mặt trời lên thật đẹp, thật huy hoàng. Làm tôi nhớ đến câu thơ trong bài “Người hành khất năm xưa” của Sư Ông Làng Mai: “Người hành khất năm xưa vẫn còn trên Linh Thứu Sơn/ Thản nhiên ngồi nhìn mặt trời huy hoàng đang lặn…” Chỉ cần thay chữ “lặn” bằng chữ “mọc” mà thôi, bởi vì sự huy hoàng nào có kém gì đâu.
Gia đình Cây Thế Kỷ – Mừng ngày em biểu hiện
Buổi sáng cuối cùng của khóa tu xuất sĩ, khi thời thiền tọa vừa chấm dứt, đại chúng đã làm lễ Dẫn Thỉnh cho 3 giới tử (nam). Ngày hôm sau sẽ là lễ xuất gia.
Đúng 10h sáng ngày 23 tháng 10, đại chúng vân tập đông đủ ở thiền đường Thái Bình Dương để làm lễ xuất gia cho ba giới tử (hai vị quốc tịch Mỹ và một quốc tịch Việt Nam) gia đình Cây Thế Kỷ với sự chứng minh của Ôn Phước Tịnh. Nhìn các sư chú mới Chân Trời Minh Tâm, Chân Trời Minh Hóa và Chân Trời Minh Nguyên với gương mặt rạng rỡ, tôi thấy rất hạnh phúc, thấy tâm bồ đề của mình được tươi mới trở lại. Tôi như thấy lại hình ảnh của mình lúc mới xuất gia. Mặt hớn hở và miệng thì luôn mỉm cười. Tôi thầm nguyện cho quý sư chú tâm bồ đề dũng liệt và bền lâu, biết nuôi dưỡng mình và biết nương tựa đại chúng để cho những gương mặt tươi sáng, những nụ cười rạng rỡ đó không bao giờ phai nhạt.
Lễ xuất gia của gia đình Cây Thế kỷ
Hãy thở, rồi mọi việc sẽ ổn thôi! (“Breathe, It’ll Be Okay!”)
Đó là chủ đề của khóa tu dành cho người nói tiếng Anh tại Lộc Uyển diễn ra từ 27/10 – 1/11/2015. Chỉ trong một buổi chiều, khu vực cắm lều gần xóm Trong Sáng, nơi dành cho thiền sinh nữ đã trở nên đông đúc. Tôi được biết là ở Lộc Uyển trong 15 năm qua, mỗi khi có chuyến hoằng pháp của Sư Ông, thiền sinh khi đến tu tập đều cắm lều như vậy. Trên xóm Vững Chãi, nơi của quý thầy thì còn có một số phòng cư xá cho thiền sinh nam, còn bên nữ thì toàn bộ là cắm lều. Tôi rất cảm động và biết ơn tinh thần tu tập của thiền sinh. Những tiện nghi hàng ngày đã trở thành thứ yếu, nhường chỗ cho những bước chân an lạc, những hơi thở nhiệm mầu, những nụ cười thân ái trong giây phút hiện tại khi họ đến đây tìm lại chính mình.
Có một buổi sáng, tôi đứng tập một động tác khí công đơn giản trong khi chờ chuông báo ăn sáng. Tôi chỉ lặp đi lặp lại một động tác duy nhất đó thôi. Khi có chuông ăn sáng, tôi thong thả bước lên các bậc thang dẫn lên nhà ăn. Lên đến cửa, tôi được chào đón bằng nụ cười tươi của một cô thiền sinh. Cô ấy bảo rằng đã ngồi nhìn tôi tập một hồi lâu và đang ghi lại động tác đó. Tôi hơi bị bất ngờ. Đó chỉ là một động tác thật đơn giản thôi mà. Tôi thật sự rất cảm phục tinh thần học hỏi và sự khiêm cung của thiền sinh. Họ đã thực tập theo tinh thần: “Không bỏ dịp học đạo, tri túc và biết ơn…” trong kinh Phước Đức. Đúng là ba nghiệp của mình, dù là nhỏ nhiệm, luôn để lại dấu ấn. Thú thật là câu chuyện nhỏ này đã làm tôi suy nghĩ không ít đó bạn hiền.
Có vẻ như mọi người đã quen hơn và nhìn thấy rõ hơn sự tiếp nối của Sư Ông nơi tăng đoàn. Tôi nhận ra điều này khi nghe phản hồi từ thiền sinh về những pháp thoại của quý thầy quý sư cô giáo thọ trong khóa tu. Trong khóa tu tiếng Anh này, thầy Pháp Đăng, thầy Pháp Khôi, sư cô Tuệ Nghiêm, sư cô Đẳng Nghiêm đã thay phiên nhau cho pháp thoại. Có một ngày vấn đáp do thầy Pháp Đệ, thầy Pháp Lưu và sư cô Chân Không, sư cô Đào Nghiêm phụ trách với nhiều câu hỏi rất hay và những câu trả lời cũng rất ngoạn mục. Bạn hiền có thể theo dõi trên mạng những bài pháp thoại này. Riêng buổi chiều ngày cuối cùng, chủ nhật, ngày 1 tháng 11 còn có thêm một thời vấn đáp, bởi vì ngày Chủ nhật theo thông lệ là ngày quán niệm nên có thêm thiền sinh ở bên ngoài vào tham gia. Tôi thấy có khá nhiều người trẻ. Đội nấu ăn ngày hôm đó dĩ nhiên là cũng phải nấu nhiều cơm thêm một chút. Bạn hiền thấy không, đoàn thực, xúc thực đều được cung cấp đầy đủ cả.
Trong khóa tu này có một buổi lễ truyền 14 giới Tiếp Hiện và một buổi lễ truyền 5 Giới đó bạn hiền. Tôi không nhớ rõ là có khoảng bao nhiêu người nhận 14 Giới, hình như 23 hay 24 gì đó. Tất cả đều được mang pháp hiệu có chữ Uyển, cũng giống như ở Bích Nham, các tân Tiếp Hiện đều có tên mang chữ Bích. Cánh tay của Sư Ông, của đại chúng lại được nối dài hơn. Bạn hiền thấy có vui không?
Hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai
Trong khóa tu, đại chúng có thời khóa đi núi ngắm mặt trời mọc. Rút kinh nghiệm bị mỏi tay lần trước vì đi leo núi ngắm mặt trời, lần này, tôi hăng hái đi ngay khi chuông vừa thỉnh. Đi bằng chân đàng hoàng đó bạn hiền. Tuy nhiên, khi vừa leo con dốc đầu tiên qua khỏi xóm Trong Sáng, tôi đã thấy mỏi chân, hơi hơi muốn bỏ cuộc. Đi thêm một chút nữa, ráng thêm tí nữa thì đến chân núi, lúc đó đi thấy dễ dàng hơn. À, thì ra nếu mình chịu khó một chút thì cũng sẽ đến lúc khá hơn. Như người ta hay nói: “Hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai ( thái lai)”, hay là: “Vạn sự khởi đầu nan”. Lúc này trời hãy còn tối lắm, sao trên trời vẫn còn rất nhiều và sáng. Tôi thích ngắm bầu trời đầy sao và nhận diện các chòm sao mà mình biết lắm đó bạn hiền. Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi cùng các bạn thích nằm trên rơm khô ngoài cánh đồng, ngửa mặt nhìn lên trời đọc tên những chòm sao. Các chòm sao đã gắn liền với tuổi thơ êm đềm của tôi. Vì vậy ngắm sao đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui, sự bình an và rất là nuôi dưỡng. Chỉ hơi tiếc một chút là tôi không biết nhiều chòm sao, tôi dự định khi nào có duyên sẽ tìm một quyển sách về sao để học thêm.
Đi được một lúc nữa thì thấy bên cạnh, sau lưng, trước mặt mình đều có người đang đi. Con đường trước mặt không biết là dài hay ngắn, dốc hơn hay là bớt dốc. Cứ bước tới, từng bước, từng bước nhỏ, và tự nhiên không thấy cần cố gắng gì nữa. Đâu đâu cũng có bạn lữ. Tu tập cũng vậy, đúng không bạn hiền? Có đôi lúc thấy mình không tiến bộ, nhưng nếu cứ đi trong dòng chảy của đại chúng thì dù sao đi nữa, những bước nhỏ cũng sẽ đưa mình đi tới phía trước. Có khi mình không nhận ra là mình đang đi tới, nhưng mình lại đang đi tới. Tôi biết lúc ấy nếu tôi vấp ngã thì sẽ có không biết bao nhiêu bàn tay ở chung quanh đưa ra nâng tôi dậy, kéo tôi lên. Vì vậy tôi không thấy mình lạc lõng, tôi tin rằng bao giờ cũng có những bàn tay chìa ra nâng đỡ khi tôi vấp ngã. Vấn đề là tôi có muốn với tay ra, tôi có muốn nắm lấy tay họ để đứng lên hay không. Hay tôi muốn nằm bẹp luôn như một người bỏ cuộc, như một nạn nhân để rồi bị bỏ lại phía sau.
Lễ trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris)
Vào ngày 31 tháng 10, Đức Giám Mục Martin Amos đại diện cho Tòa thánh Vatican đã đến Lộc Uyển để trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris) cho Sư Ông Làng Mai. Trước đó, tăng đoàn như thường lệ tụng bài “May the day be well” (“Nguyện ngày an lành”). Khi lên tụng kinh, tôi hoàn toàn không để ý tới Ngài, bởi vì tôi không nhìn thấy Ngài đang ngồi trên một chiếc ghế, ngay hàng đầu. Đến khi tụng xong, đi ngang qua chỗ Ngài đang ngồi thì tôi mới thấy. Tôi tự hỏi nếu biết Ngài ngồi đó thì mình có tụng khác hơn không.
Lễ trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris) tại Lộc Uyển
Lễ trao giải, nếu có thể gọi là “lễ”, diễn ra rất đơn giản và ngắn gọn. Hình của Sư Ông được phóng to ra trên màn hình với một nụ cười. Sư cô Chân Không và thầy Pháp Đăng đại diện nhận giải. Sư cô Chân Không phát biểu rằng Tăng thân là sự tiếp nối của Sư Ông nên giải này là dành cho tứ chúng. Sau phần trao quà lưu niệm, Đức Giám Mục cáo từ để ra sân bay cho kịp giờ. Sư cô An Nghiêm bèn nói: “Chúng con không thể để cho Ngài ra về mà không hát tặng Ngài hai bài hát Happiness is here and now và bài Dear friends được”. Đức Giám Mục hơi bất ngờ nhưng nét mặt Ngài lộ vẻ cảm động khi nghe nói như thế.
Mở lòng để sẻ chia
Bạn hiền có biết không, pháp đàm là một trong những pháp môn thực tập mà tôi thích nhất. Trong những khóa tu lớn như khóa tu này, nhờ tu chung một tuần, tôi được pháp đàm khoảng ba hay bốn lần với cả một gia đình mà những thành viên đến từ khắp mọi nơi và một vài thầy và sư cô mà hàng ngày tôi ít có dịp tiếp xúc. Pháp đàm làm cho mọi người thấy gần gũi, hiểu nhau hơn, biết được những thành công hay thất bại trên con đường chuyển hóa của nhau, học hỏi ở nhau những cái thấy, những phương pháp thực tiễn mà mọi người đã áp dụng khi đi qua khó khăn. Những chia sẻ từ trái tim thường sẽ mở cửa được trái tim, và đến cuối tuần thì mình thấy gần gũi nhau, hiểu nhau, cảm phục nhau, kính trọng nhau, có khi còn hơn trong gia đình huyết thống. Bạn hiền thấy có mầu nhiệm không?
Nhờ có pháp đàm mà tôi “biết” thêm nhiều về quý thầy, quý sư cô, bởi vì trong những buổi pháp đàm tứ chúng như thế này, có khi các vị chia sẻ những điều mà ngày thường mình hiếm có dịp được nghe. Đâu phải dễ gì mà người ta mở cánh cửa đi vào thế giới nội tâm của mình cho người khác có dịp đi vào, có đúng không bạn hiền? Mở cánh cửa nội tâm của mình ra đôi khi làm mình thấy rất mất an ninh, mình sợ bị người khác phê phán, sợ phơi bày sự yếu đuối của mình, sợ đủ thứ hết. Vì vậy bao giờ tôi cũng thấy mình rất biết ơn và vinh hạnh khi nghe người khác chia sẻ những tâm tư của họ, bởi vì họ đã hé mở cánh cửa cho tôi đi vào thế giới rất riêng tư, rất nhạy cảm và rất mong manh đó của mỗi người.
Trong pháp đàm, có một chú người Mỹ kể rằng năm đó, gia đình chú đến để dự khóa tu khi Sư Ông và tăng đoàn đến Lộc Uyển. Người vợ muốn ra về hơi sớm hơn một chút, cô ấy có vẻ không thoải mái lắm. Vì vậy hai vợ chồng chú dọn dẹp, chất đồ lên xe để ra về. Khi họ chạy xe từ phía cắm lều xuống bãi đậu xe để đón con thì thấy Sư Ông đang dẫn đại chúng đi thiền hành phía vườn sồi (the Oak Grove) ở cạnh xóm Trong Sáng. Và Sư Ông đang nắm tay ai bạn hiền có biết không? Nắm tay cô con gái nhỏ của họ. Sau đó họ “phỏng vấn” con gái có cảm tưởng gì khi được nắm tay Sư Ông đi thiền hành như thế. Cô bé đáp: “Tay Sư Ông ướt mồ hôi”. Rồi suy nghĩ một chút cô bé nói: “Nhưng con nghĩ hình như là tay con ướt mồ hôi thì đúng hơn”. Bé như thế mà “trái ý thức” của cô bé có vẻ đã hơi chín rồi. Bạn hiền có thấy vậy không?
Gặp nhau đây rồi chia tay
Khóa tu tiếng Anh đã chấm dứt. Chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ lần đầu tiên không có Sư Ông đã khép lại bằng một khoá tu dành cho những người nói tiếng Việt. Pháp thoại nào trong khóa tu tiếng Việt cũng rất là hay, bạn hiền nhớ lên YouTube để nghe nhé. Tôi nhớ sau bài pháp thoại đầu tiên của thầy Pháp Đăng, trong pháp đàm, một cô đã chia sẻ là anh và chị dâu của cô là người Công giáo, lần đầu tiên theo cô đến dự khóa tu. Họ cứ thắc mắc là tại sao cô cứ phải đi dự khóa tu hoài. Đi một lần là đủ rồi, tại sao cứ phải lên Lộc Uyển hoài để làm gì. Sau khi nghe bài pháp thoại đầu tiên đó, người chị nói với cô rằng: “Bây giờ thì chị đã hiểu là tại sao cô cứ phải đi dự khóa tu hoài như thế.” Chị hỏi: “Chị có thể đi trở lên đây để tham gia những khóa tu kế tiếp hay không?”
Bạn hiền thương, lúc tôi mới đến Lộc Uyển, vì bị hạn hán đã lâu nên cây cối rất cằn khô. Những cây lớn nhờ có bộ rễ ăn sâu xuống đất nên còn cầm cự được. Những bụi cây nhỏ mới thật là tội nghiệp. Lá của chúng khô héo lại làm cho mùi thơm của lá càng đậm đà hơn. Mỗi ngày đi trên con đường thơm, tôi hay dừng lại một chút để trò chuyện cùng những bụi cây này. Bàn tay tôi vuốt dọc theo các cánh lá, lâu lâu bóp nhẹ một cái và thấy chúng dòn tan, bóp mạnh một chút là chúng sẽ vỡ vụn ra. Thương chúng nó nên tôi ít khi nào hái lá bẻ cành. Lá sage ở Lộc Uyển nổi tiếng là thơm, vậy mà tôi cũng không thấy hứng thú tí nào cả. Thấy xót xót trong lòng.
Chuyến đi Bắc Mỹ của chúng tôi vậy là đã hoàn mãn. Mấy ngày hôm nay, quý thầy quý sư cô đã lần lượt từng nhóm nhỏ rời Lộc Uyển. Và cũng đã mấy ngày qua, hôm nào trời cũng đổ mưa. Buổi sáng đi dọc theo con đường thơm, tôi như nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của cây của lá đang đáp lại nụ cười cũng không kém phần rạng rỡ của tôi. Cây lá ở Lộc Uyển và cây lá trong cánh đồng tâm của tôi đã được tưới mát bằng những cơn mưa pháp và những cơn mưa của đất trời.
Giờ đây chúng tôi mỗi người đi mỗi ngã, trở về trú xứ của mình. Tuy nhiên tôi biết là chúng ta vẫn cùng bước về một hướng, và điều đó làm cho tôi thấy có niềm tin.
“Mùa xuân nào gặp lại, cây trí tuệ nảy mầm, đầy hoa trái thương yêu. Những cơn mưa pháp tưới mát những khu vườn nóng bức khô cằn” (Trích lời trong bài hát “Thiền sư Khương Tăng Hội”)
Cảm ơn bạn hiền đã đồng hành với tôi suốt chặng đường từ New York đến đây. Mong rằng những chia sẻ lan man và có phần phiến diện của tôi có thể đem lại cho bạn một vài nụ cười và một chút nhẹ nhàng.
Thương quý!
Đọc thêm các bài có liên quan:
– Hành trình Bắc Mỹ: Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 1)
– Hành trình Bắc Mỹ: Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 2)