Hành trình Bắc Mỹ 2015 – Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 3)
Tâm Trì Địa
Bạn hiền thương,
Như bạn đã biết, sau chặng New York, quý thầy quý sư cô Làng Mai tiếp tục chặng hoằng pháp ở Mississipi, nơi có tu viện Mộc Lan.
Vì có một chút chuyện cần làm ở Detroit, tôi và sư cô TN đã không cùng với đại chúng đi chung một chuyến bay từ New York đến Memphis, Mississipi. Chuyến bay mà chúng tôi đi thật là vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới có một hay hai người ngồi ở các hàng ghế nên nhân viên trên máy bay không cần đẩy xe đi dọc theo hành lang chính giữa để phục vụ. Nói như thế để bạn thấy là máy bay “hoang vắng” đến cỡ nào. Nghĩ mà tội cho hãng máy bay, tôi chép miệng: “Không biết làm sao họ có đủ “sở hụi” để làm ăn lâu dài.” Có lẽ tôi thương hơi bao đồng một chút, bạn có nghĩ vậy không?
Đến phi trường Memphis khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi ngồi chờ đại chúng để cùng được đón về Mộc Lan một lượt (vì ngày hôm ấy đại chúng từ New York đến sau chúng tôi khoảng 3 tiếng). Phi trường cũng vắng hoe không kém chuyến bay. Tôi có cảm tưởng sân bay cũng làm việc giờ hành chánh từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vì ở đâu cũng thấy cửa đóng. Chỉ sinh động lên một chút ở khu vực lấy hành lý khi đại chúng đến. Cả khu vực đầy bóng áo nâu. Cũng an ủi được một chút.
Chúng tôi được đón về Tu viện Mộc Lan bằng xe bus, được chào đón bằng sushi kẹp chả chay, bằng trái cây, và đặc biệt là bằng những nụ cười ấm áp của quý thầy quý sư cô ở đây. Trời đã tối nên tôi không nhìn thấy gì nhiều, chỉ thấy bóng cây ở hai bên đường, rất gần. Thỉnh thoảng xe chạy qua những ngôi nhà nho nhỏ, hình như nhà nào phía trước cũng có vài ba chiếc xe hơi đang đậu. Tôi cố căng mắt để nhìn cho rõ. Thú thật với bạn là trong lòng rất háo hức bởi vì tôi rất có ý thức là mình đang được đến mảnh đất gắn liền với tên tuổi của một vị Bồ Tát mà Sư Ông đã nhắc tới rất nhiều lần, đó là Mục Sư Martin Luther King.
Xe chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ thì tới tu viện. Ngồi trên xe, nhìn xuống đã thấy có mấy bóng áo nâu đứng đón. Xuống xe quay qua quay lại, mọi người đã được huynh đệ cùng phòng ra “nhận” và đón về hết rồi. Có ai đó kêu tên tôi. Đó là sư cô ở cùng phòng với tôi ra đón, bạn hiền thấy có vui không?
Nghỉ ngơi hai ngày thì đã tới khoá tu tiếng Anh. Thiền sinh đến từ nhiều nơi khác nhau như Lowa, Texas, Florida… Có cả Joe Reilly đến từ Detroit. Tôi bị mất bài pháp thoại đầu tiên của sư cô Tuệ Nghiêm trong khóa tu vì ngày đó tôi nấu ăn. Bài pháp thoại thứ hai là do thầy Pháp Dung. Bạn biết rồi đó, phong cách hài hước của thầy rất Mỹ. Thầy đã làm thính chúng cười không ngớt qua những thí dụ cụ thể và dí dỏm trong đời sống thực tập của thầy. Bài pháp thoại ngày hôm sau do sư cô Diệu Nghiêm (Jina) phụ trách. Thính chúng đã ghi chép rất nhiệt tình (một trong thính chúng đó là “tui” đó bạn hiền ơi) trong khi sư cô cho pháp thoại làm tôi nhớ đến Sư Ông. Người thường dạy rằng khi nghe pháp thoại mình nên để cho lời pháp thấm vào đất tâm mà đừng nên ghi chép. Tôi thực tập mãi mà vẫn chưa làm hay lắm trong việc này. Tôi vẫn ham ghi chép, nhất là khi đó là một bài pháp thoại hay. Mà bài pháp thoại nào với tôi cũng hay cả bạn ạ. Tôi tiết lộ cho bạn một điều bí mật này nhé, tôi thấy ghi chép trong pháp thoại giúp tôi thật sự có mặt cho lời pháp, giữ được sự tập trung, mà lại giúp cho tôi không bị con buồn ngủ (của bác Tôn Ngộ Không) đến quấy phá. Ngay khi nghe Sư Ông dạy là khi nghe pháp thoại đừng nên ghi chép tôi đã gân cổ lên giải thích với Sư Ông như vậy. Nghe tôi “lý sự”, Sư Ông nói: “Nếu có thì chỉ nên ghi lại một chút thôi”. Chính vì vậy mà đến bây giờ tôi vẫn còn là một người ghi chép (không phải một chút) mà có thể nói khá nhiệt tình trong pháp thoại (con xin sám hối với Sư Ông).
Ngày hôm sau buổi vấn đáp đã diễn ra rất ngoạn mục giữa thính chúng và quý Thầy Pháp Đệ, Pháp Biểu cùng quý sư cô Đoan Nghiêm và Đẳng Nghiêm. Các câu hỏi như: làm thế nào để làm một người độc thân hạnh phúc? làm thế nào để chuyển hóa tập khí sâu dày do ông bà tổ tiên trao truyền? làm thế nào để thực tập với hai gốc rễ tâm linh Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo? Nước mắt và nụ cười có vai trò như thế nào trong sự thực tập của quý thầy, quý sư cô?…Bạn có thấy hấp dẫn không?
Buổi ngồi chơi toàn chúng (Be-In) làm tôi cười mãi không thôi. Mà tôi đâu phải là người duy nhất. Cả thiền đường tràn ngập không khí vui tươi. Mỗi gia đình pháp đàm đều đóng góp một tiết mục. Phần lớn dựa vào công việc mà họ làm trong khóa tu. Mỗi lần Be-In như thế tôi đều cảm thấy rất ấn tượng bởi sự sáng tạo và giàu có của tứ chúng. Niềm vui thật đơn sơ, những “buổi tiệc chay” làm bằng những tiết mục phản ánh sự thực tập, sự hiểu biết của mọi người, bằng niềm vui và sự dí dỏm trong đạo vị, đối với tôi thật là một loại thức ăn thật bổ dưỡng cho cả thân tâm. Niềm vui ấy kéo dài rất lâu trong tôi, mỗi lần nghĩ đến là tôi lại thấy vui.
Buổi sáng cuối cùng của khóa tu mọi người được hướng dẫn thiền hành về phía tượng đài của Mục sư Luther King và Sư Ông Làng Mai. Khi đến nơi mọi người đứng vòng quanh để tham dự một buổi lễ khánh thành đơn giản mà cảm động. Tượng đài này vừa được hoàn thành không lâu, chỉ một hay hai ngày trước khi chúng tôi đến Mộc Lan mà thôi. Tượng đài này được dựng lên để kỷ niệm mối tương giao lịch sử giữa hai nhà hoạt động cho nhân quyền và tình thương, cả hai vị đã làm nên những ảnh hưởng rất đáng kể trong lĩnh vực này.
(Nguồn: Paul Davis)
Kinh Độ Người Hấp Hối có kể rằng lúc ông Cấp Cô Độc sắp qua đời, sau khi nghe thầy Xá Lợi Phất làm thiền hướng dẫn, ông đã cảm động đến rơi nước mắt, sau đó ông đã nhờ ngài Xá Lợi Phất bạch lại với Bụt, xin Bụt giảng về vấn đề sinh tử cho cư sĩ. Trong truyền thống của Làng Mai, bài pháp thoại cuối cùng bao giờ cũng có đề tài này. Sư Ông nói rằng đó là món quà của Làng Mai gửi đến mọi người dựa trên lời yêu cầu của ông Cấp Cô Độc trong kinh Độ Người Hấp Hối. Trong ngày cuối cùng của khóa tu này cũng có không ngoại lệ. Sư cô Chân Không đã cho bài pháp thoại về đề tài này.
Thiền sinh chia sẻ là họ không muốn ra về nhưng khóa tu nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Mọi người nhắn nhủ nhau là bất cứ khi nào mình có ý thức về bước chân hơi thở là khi ấy Sư Ông, quý thầy quý sư cô sẽ có mặt với mình ngay lúc ấy.
Ngày hôm sau phần lớn quý thầy quý sư cô đi thăm Viện Bảo Tàng Civil Right của Mục Sư Martin Luther King. Một bảo tàng viện mà khi đến đây thì ai có quan tâm đến nhân quyền đều muốn đi thăm. Thật đáng tiếc là tôi đã không thể có mặt trong buổi thăm viếng đó.
Bây giờ thì khóa tu dành cho người nói tiếng Việt vừa mới bắt đầu. Đã hơn 10 năm rồi tôi mới được tham dự một khóa tu chỉ nói tiếng Việt nên tôi hạnh phúc lắm bạn ạ. Đầu khóa tu có nhiều người lớn tuổi. Đến cuối tuần mới có nhiều người trẻ về dự. Ngủ một đêm, sáng dậy thấy có nhiều khuôn mặt trẻ không thấy hôm đăng ký.
Tôi rất xúc động thấy các bác lớn tuổi, đi đứng lụm cụm mà vẫn đi khóa tu. Các bác mặc áo tràng lam theo truyền thống và thực tập tinh chuyên lắm. Ăn cơm im lặng, ngồi thiền, đi thiền hành, chấp tác… Nhiều bác đã mặc áo nâu từ những ngày đầu tiên khi Sư Ông mới lập nên dòng tu Tiếp Hiện, bây giờ đã hơn 80 tuổi mà tinh thần phụng sự, tinh thần dấn thân vẫn hừng hực như buổi ban đầu. Trong các buổi pháp đàm, chấp tác, ngồi chơi bên nhau, các bác lên hát, ngâm thơ (tự mình làm mới là … le chứ), phát biểu cảm tưởng rất khí thế, có khi còn không đủ giờ cho các bác, phải nhấp chuông mấy lần để nhắc hết giờ. Tôi thấy mình học hỏi ở các bác rất nhiều đó bạn hiền ạ.
Tu viện Mộc Lan còn cho tôi một kỷ niệm dễ thương khác là những buổi tối đi chờ ngắm … racoons (gấu trúc Mỹ). Bạn có bao giờ thấy một con racoon chưa? Trước khi tới Mộc Lan tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con racoon nào cả. Khi đến đây, nghe nói có racoon, tôi nhất định phải nhìn thấy nó một lần. Tôi đi vòng vòng trong vườn, ven rừng, đi đâu tôi cũng nhìn nhìn, biết đâu có một con racoon đang đi dạo đâu đó gần tôi. Chờ hoài không thấy, mà thời gian ở Mộc Lan thì sắp hết, tôi sốt ruột hỏi thăm thì được biết là thầy PC đã cho racoon ăn hai năm nay rồi nên thầy có thể giúp được.
Bạn hiền có biết không, tổng cộng là tôi đã đi ngắm racoon hết 4 lần. Lần đầu đến rồi về … mắt không. Bởi vì không có con racoon nào đến cả. Ngày hôm ấy tôi nấu ăn nên hơi mệt, không có đủ kiên nhẫn để ngồi chờ.
Mấy ngày hôm sau, may quá, lần nào các bạn racoon cũng đến. Ngồi nhìn racoon là một pháp môn thiền tập đó bạn hiền. Lúc ấy, tôi thấy mình rất hồi hộp, thỉnh thoảng tôi như muốn nín thở bởi vì có những con racoon rất nhút nhát, tôi có cảm tưởng như nếu tôi thở mạnh thì chúng nó sẽ bỏ chạy, mà như vậy thì buồn biết mấy. Ngồi theo dõi hơi thở, buông thư và quán sát năng lượng mà mình đang chế tác, tôi thấy em bé năm tuổi trong tôi đang hồi hộp, phấn khích, muốn chạy ra vuốt đầu con racoon một cái. Có những con racoon rất đói, rất muốn đến chỗ để thức ăn nhưng vì sợ mấy con khác, sợ những người đứng xung quanh, luôn cảnh giác và ở trong tư thế bỏ chạy khi có một tiếng động hay một sự chuyển động bất thường nào. Tôi thấy thương tổ tiên động vật trong tôi luôn phải sống trong sợ hãi, lo lắng và bị cái đói ám ảnh.
Tu viện Mộc Lan có một cái thiền đường mái đỏ như son. Nếu ai không thích có thể thấy một chút phản cảm. Có một bác đã chia sẻ là hai năm trước khi bác đến đây lần đầu, bác thấy thiên nhiên và sự vật ở Mộc Lan cái gì cũng hài hòa với nhau, ngoại trừ cái mái “đỏ chói” của thiền đường “Hải Triều Âm”. Bạn thấy cái tên đó đẹp và thơ không? Bác nói là bác đã góp ý với quý thầy và quý sư cô ở đây về chuyện “không được hài hòa” đó. Sau hai năm, lần này trở lại, bác thầm nhủ: “Nếu cái mái thiền đường không có gì thay đổi thì mình phải thay đổi thôi!”
Dĩ nhiên, không nói thì bạn hiền cũng biết là sau hai năm, cái mái vẫn đỏ như cũ. Có điều lần này bác không thấy nó đỏ chói nữa, mà bây giờ nó màu “sáng đỏ”. Chuyển hóa nằm ngay trong từ ngữ mà mình dùng chứ còn nằm đâu nữa. Bác thực tập dễ thương quá bạn hiền nhỉ?
Màu son đỏ trên mái của thiền đường Hải Triều Âm vẫn đang rất thắm tươi . Tứ chúng ở đây đang tiếp tục chế tác ra những sự chuyển hoá dễ thương như vậy để “Giữ cho bền sắt tươi son” đó bạn hiền.
Bạn hiền thương, bên Australia, vào mùa ấm các công ty du lịch thường tổ chức những chuyến đi ngắm cá voi trên biển. Tôi chợt nghĩ, mình có thể tổ chức khóa tu ngắm racoon lắm chứ. Bạn hiền có thể đến Mộc Lan để dự khóa tu và tiện thể ngắm racoon, hay là đến Mộc Lan ngắm racoon rồi tiện thể dự khóa tu… Cái nào là mục đích chính thì cũng được, bởi vì cái này nó có trong cái kia, cái kia nó có trong cái này. Bạn hiền thấy sao? Hẹn gặp bạn hiền ở Mộc Lan trong khóa tu tới hỉ?
(Nguồn: Paul Davis)
Thương quý.