Hành trình Bắc Mỹ 2015 – Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 4)

Tâm Trì Địa

Bạn hiền thương!

Vậy là bây giờ tôi đang ngồi viết cho bạn tại chùa Phổ Từ ở Hayward, San Francisco. Tôi cứ tưởng là mình đang mơ. Thầy Từ Lực – thầy trú trì chùa Phổ Từ, đã rất từ bi cho phép quý sư cô được ở tại chùa, còn quý thầy thì ở tại một nhà thờ cách chùa khoảng 10 phút đi bộ. Đây là một ngôi chùa rất dễ thương và khiêm cung nằm cạnh một trường tiểu học nên tôi rất thích khi nhìn các em nhỏ sinh hoạt, chơi đùa trong khuôn viên của trường. Có lẽ các em đã được thầy cô giáo dặn dò kỹ lưỡng nên không thấy các em chạy đến hàng rào để làm quen với chúng tôi, dù là đôi khi những cặp mắt của các em đã nói lên rất nhiều. Cũng có lẽ là các em đã quá quen thuộc với những chiếc áo nâu.

Thú thật với bạn hiền là khi đến thành phố nổi tiếng, nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng đã từng được mệnh danh là “Cựu Kim Sơn” này, tôi thấy lòng mình rất bình an. Tôi không có nhu cầu viếng thăm những danh lam thắng cảnh. Chắc bạn hiền cười tôi đã “tắt lửa lòng” rồi có phải không? Không phải vậy đâu bạn hiền ạ. Lửa vẫn còn cháy mạnh lắm, có điều là cháy ở mấy chỗ khác thôi. Bây giờ lửa hay cháy ở chùa và mấy khóa tu hơn.  Tuy vậy, khi có đủ duyên thì tôi cũng đi chơi cùng đại chúng để có dịp trò chuyện với quý sư cô mà ngày thường ít khi gặp mặt. Như Sư Ông thường nói, là để xây dựng tình huynh đệ đó bạn hiền.

Cũng giống như chặng New York, quý thầy, quý sư cô chia nhóm tham dự các sinh hoạt khác nhau nên tôi chỉ có thể kể cho bạn hiền nghe về những sinh hoạt mà tôi được tham dự trực tiếp mà thôi. Vì vậy bạn hiền hoan hỷ cho cái thấy hơi phiến diện của tôi nhé.

Sinh hoạt tại Facebook

Chúng tôi đến chùa Phổ Từ chiều tối hôm thứ Ba thì thứ Tư có một buổi sinh hoạt ở Facebook. Tôi thuộc vào nhóm sinh hoạt với Salesforce – một một tập đoàn tiên phong trong công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) – vào ngày thứ Năm nên thứ Tư được nghỉ ngơi và … đi chơi một chút với Ni sư Lưu Phương (thường được đại chúng Làng Mai thân mật gọi là “Sư O”, vì Ni sư và Sư Ông Làng Mai cùng là đệ tử xuất gia của Sư Tổ Thanh Quý Chân Thật) và một số huynh đệ khác. Chúng tôi ghé thăm quần thể 20 bức tượng của các danh nhân đã đóng góp cho những công trình về nhân bản và hòa bình của thế giới, trong đó có Sư Ông Làng Mai. Quần thể tượng nằm trong một công viên nhỏ lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng và những đường phố bận rộn như một bông hoa tỏa hương thơm lặng lẽ dành cho những tâm hồn tinh tế. Nếu quá bận rộn và hối hả, có lẽ bạn sẽ không nhận được món quà đẹp và ý nghĩa này.

Sáng thứ Năm, nhóm đi Salesforce thức dậy lúc 4h30 sáng. Đúng 6 giờ thì xe xuất phát. Chương trình bắt đầu lúc 8h30 nhưng chúng tôi muốn tránh giờ cao điểm, nếu bị kẹt xe thì mình cũng sẽ … kẹt lắm. Ngày hôm đó có khoảng 150 nhân viên của Salesforce đến tham dự trực tiếp một ngày chánh niệm trong thính đường, và có khoảng 450 người tham dự qua mạng, ngay tại bàn làm việc của họ. Ngày quán niệm tại Salesforce là một món quà mà ông Tổng giám đốc của tập đoàn này có nhã ý tặng cho nhân viên. Hiện giờ nhiều công ty đã nhận ra rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên rất quan trọng. Lương cao và điều kiện làm việc tốt không đủ để người ta sống hạnh phúc, khỏe mạnh và làm việc vui vẻ, nhiệt tình. Một đời sống tâm linh phong phú giúp ta tìm thấy ý nghĩa trong công việc và có thể thưởng thức công việc đó mà không phải là một sự cố gắng mệt nhọc.

Chương trình ở Salesforce tương đối đầy cho một ngày từ 8h30 sáng đến 4h chiều. Sau lời giới thiệu của một vị đại diện cho ban giám đốc Salesforce, thầy Pháp Dung và sư cô Bội Nghiêm đã chia sẻ những thực tập chánh niệm để bắt đầu một ngày cho đúng với nhân viên Salesforce.  Ai cũng được mời tắt điện thoại di động, I-touch, v.v… Bạn hiền biết không, phần lớn những người tham dự cho biết là họ phải làm việc chủ yếu trên mạng, cho nên rất nhiều người mới thức giấc là đã lên Internet để kiểm tra email rồi. Tắt nguồn điện thoại di động là một việc làm rất không bình thường tí nào của những người này.

Sinh hoạt tại Saleforce

Bạn hiền biết rồi đó, thông thường một ngày mới bắt đầu khi mình thức giấc, hay nói cho đúng hơn là khi mình mở mắt ra vào buổi sáng. Khỏi nói bạn hiền cũng biết là bắt đầu cho buổi sáng là … phòng vệ sinh. Rồi ăn sáng, mặc quần áo, ra garage để lái xe đến chỗ làm, hay đi ra ga xe lửa, xe bus để đến chỗ làm… (Bên này người ta ăn sáng ở nhà rồi đi làm chứ không ra tiệm ăn sáng như bên mình). Vì vậy nên có thiền trong phòng vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, nhìn vào gương, thiền ăn sáng, thiền lái xe, thiền ở ngay chỗ đèn xanh, đèn đỏ, thiền đi từ nhà ra trạm xe bus hay xe lửa.

Hướng dẫn tổng quát rất vui và sinh động, lại sát với thực tế nên ngay từ đầu đã thấy mọi người rất chăm chú và lắng nghe thật hết lòng. Tôi không biết mình có hơi thiên vị không khi nói rằng đây là một ngày quán niệm mà những người tham dự rất mở lòng. Cứ như thể họ là một miếng đất thật tơi và xốp nên khi mưa rơi xuống thì nước mưa có thể hoàn toàn thấm vào đất vậy.

Sau khi thầy Pháp Lưu và Kenley, một giáo thọ cư sĩ chia sẻ về thực tập chánh niệm ở sở làm, tất cả mọi người được mời tham dự thiền hành. Mọi người đi trong chánh niệm qua những con đường đông đúc ở trung tâm ra tới bờ vịnh San Francisco cùng đứng ngắm chim bay trên những lượn sóng nhẹ nhàng, cùng dừng lại giữa phố đông để lắng nghe chuông nhà thờ đổ đúng 12 giờ trưa. Sau đó cùng nhau trở lại Salesforce để ăn trưa trong im lặng.

Ăn trưa xong mọi người được mời lên chia sẻ những ấn tượng của họ về ngày thực tập. Có một chú nói là đã làm việc ở đây nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chú nhận ra là có một tiệm … ở gần văn phòng, cũng là nhờ vào sự có mặt trong từng hơi thở, từng bước thiền hành. Chắc sau này chú sẽ ủng hộ cho tiệm đó bằng cách trở thành một khách hàng. Một chú khác nói chú đã trải qua nhiều lần giải phẫu và có nhiều đau nhức trong thân, trong khi thực tập thiền hành chú đã đem ý thức đến nơi đau nhức đó và sau đó chú thấy bớt đau nhiều và nghĩ là thực tập thiền hành là cái mà chú sẽ tiếp tục đầu tư.

Tiếp theo đó, sư cô Diệu Nghiêm chia sẻ về thực tập chánh niệm trong gia đình và cuối cùng mọi người được thực tập thiền buông thư với sư cô. Tôi phải thú thật là tôi buông thư cũng khá nên chỉ bị gục mấy lần. Giọng của sư cô thật êm nên tôi nghe có nhiều tiếng ngáy dù mọi người phải thực tập trong tư thế ngồi vì không có đủ không gian. Điều đó cho thấy là chúng ta ai cũng có khả năng buông thư dù là trong một tư thế không mấy thoải mái. Miễn là buông thư được cái đầu của mình thì một người tương đối khỏe mạnh có thể buông thư thân một cách khá dễ dàng. Thông thường chúng ta không buông thư thân được bởi vì đầu của chúng ta khá đầy và căng thẳng.

Bạn hiền tưởng tượng ở một công ty, nơi mà ai cũng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong việc thực thi một đề án, hoàn toàn không có sự cạnh tranh. Làm việc trong sự hòa điệu, thông cảm, thương yêu và hiểu biết. Bạn hiền có muốn làm việc trong một công ty như thế hay không? Đó là lời mời của thầy Pháp Dung gửi đến thính chúng. Trong một xã hội đầy cạnh tranh và xem lợi nhuận là trọng điểm thì đó thực sự là một thử thách. Phần chia sẻ của thầy Pháp Dung có chủ đề: “Một cách nhìn mới trong công việc”. Đến đây thì đầu tôi thật sự đã hơi đầy, vậy mà vẫn còn phần vấn đáp. Rất nhiều người vẫn còn nán lại trong thính đường dù là hơi bị lố giờ.

Ngày thứ bảy (mùng 10 tháng 10) có một buổi quán niệm tại Nhà hát Nourse ở San Francisco từ 15h30 đến 19h, trong đó có một buổi pháp thoại công cộng và một thời ngồi thiền ngoài phố (Flash Mob). Vì ở San Francisco dễ bị kẹt xe nên quý thầy quý sư cô đã đi rất sớm đến nhà hát. Chương trình là đến đó ăn trưa rồi quý thầy quý sư cô sẽ tập dượt lại bài niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn. Sau khi tập xong, nghỉ ngơi một chút sẽ là Flash Mob.

Quý thầy, quý sư cô tập dượt lại trước khi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm

Khỏi nói là tôi rất háo hức được dự cái Flash Mob đó bởi vì khi đó mình sẽ được ngồi với đại chúng, có quý thầy, quý sư cô và những người đến dự buổi quán niệm giữa phố “đông người qua”. Đó là chưa kể có khi những người đi dạo phố thấy hay hay ghé đến cùng ngồi với mình nữa không chừng. Bạn hiền có nhớ không, người ta hay nói tu giữa phố mà giữ được tâm thanh tịnh thì mới … là “thứ thiệt”. Cái gì mà “thõng tay vào chợ” đó. Bởi vậy khỏi nói bạn hiền cũng biết là tôi chờ đợi cái giờ phút ấy đến mức nào. Đó là dịp để tôi coi lại sức mình, coi mình đã gần thành “thứ thiệt” hay chưa.

Sau khi tập tụng kinh xong tôi xuống ngồi tạm nghỉ một lát chờ giờ đi Flash Mob. Tôi chỉ nhắm mắt buông thư một tí thôi, đâu có lâu gì, ấy vậy mà khi mở mắt ra, nghe nói người ta đã đi được 30 phút rồi. Hic! Bạn hiền đừng cười tôi nhé. Bởi vậy chuyện Flash Mob, tôi xin lỗi không thể chia sẻ gì nhiều với bạn hiền. Tôi chỉ có thể nói một cách “khiêm cung” là … hình như tôi đã gần thành thứ thiệt về phương diện ngủ quên.

Pháp thoại công cộng do thầy Pháp Hải và sư cô Thệ Nghiêm phụ trách. Qua pháp thoại của hai vị, thính chúng, trong đó có tôi đã có dịp đặt (lại) cho mình câu hỏi: “Tại sao mình lại ngồi đây? Tại sao mình lại chọn con đường (tâm linh) này để bước vào?”, “Cái gì là quan trọng nhất đối với mình?” và “Vô thường có ý nghĩa gì đối với mình?” Những câu hỏi này rất là quan trọng đối với hạnh phúc chân thật của mình nhưng thông thường mình lại hay quên mất chúng đi vì mình mải chạy theo những lo toan thường nhật.

Sáng hôm sau chúng tôi đắp y lên chánh điện chùa Phổ Từ để đảnh lễ Bụt và đảnh lễ tạ ơn Thầy trú trì cùng quý Phật Tử đạo tràng Phổ Từ đã từ bi hoan hỷ cho đại chúng nương tựa, cung cấp đồ ăn thức uống còn hơn cả chu đáo trong những ngày quý thầy quý sư cô ở San Francisco. Phật Tử ở đây đã cưng chúng tôi quá sức. Thầy  trú trì thật sự là bóng mát, là lượng cả bao dung. Thầy đã chăm sóc, nâng đỡ cho chúng tôi rất chân tình và rất hết lòng. Tôi đã đọc một số quyển sách của thầy nên gặp được thầy, tôi rất vui. Thấy rất bình dị, vững chãi, cởi mở, khiêm cung và rất dễ gần. Tôi được biết là gần đây thầy đã được Vatican mời sang dự một hội nghị cho những nhà lãnh đạo tinh thần có những đóng góp đáng kể cho người trẻ. Trong một bức ảnh kỷ niệm các hoạt động của những gia đình Phật Tử do thầy sáng lập và lãnh đạo tinh thần, tôi thấy có dòng chữ “Ở đâu có gia đình Phật Tử, ở đó có thầy Từ Lực”. Câu này đã gói gọn tâm huyết của thầy trong lãnh vực này cho nên chắc tôi không cần kể gì thêm.

Xin chân thành cảm niệm công đức của Thầy trú trì và Phật Tử đạo tràng chùa Phổ Từ. Cảm  ơn tất cả các bạn cư sĩ đã giúp liên lạc, tổ chức, nấu ăn, làm những việc lặt vặt và không lặt vặt để làm cho chuyến hoằng pháp này trở thành hiện thực.

Chúng tôi lên xe rời chùa Phổ Từ trong một niềm thương quý. Xin hồi hướng công đức cầu mong cho thầy luôn có nhiều sức khỏe, đạo tràng có nhiều bình an, hạnh phúc và luôn bền vững.

Trong khi chúng tôi lên xe về tu viện Lộc Uyển ở Escondido thì Sư cô Diệu Nghiêm, thầy Pháp Lưu, sư cô Hiến Nghiêm, sc An Nghiêm và thầy Pháp Mãn ở lại San Francisco để hướng dẫn tiếp một khóa tu đặc biệt dành cho những nhà lập trình và thiết kế mạng (Programmer và Web developers). Đây là một khóa tu thí điểm đầu tiên loại này nên nghe nói quý thầy và quý sư cô đã phải làm việc rất sát cánh với nhau. Thường thường sau một ngày hướng dẫn, quý thầy quý sư cô  phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, lên kế hoạch cho ngày kế tiếp vì không thể lên kế hoạch trước được. Nghe nói thiền sinh đã được mời mang máy laptop theo đến khóa tu bởi vì quý thầy quý sư cô đã kết hợp công việc thực sự mà họ đang làm với các pháp môn thực tập. Những thiền sinh trong khóa tu này lại là những người mới tinh, họ chưa hề biết pháp môn tu tập chánh niệm là gì cả. Nghe hấp dẫn quá phải không bạn hiền. Tham dự hay hướng dẫn một khóa tu như vậy chắc là thú vị lắm lắm.

Các nhà lập trình và thiết kế mạng đang được hướng dẫn thực tập chánh niệm trong khi gửi email

Tôi hy vọng rằng một trong những vị đã hướng dẫn khóa tu này sẽ chia sẻ thêm nhiều chi tiết thú vị trong một bài viết cho Lá Thư Làng Mai 2016.  Bạn hiền nghĩ sao?