Hành trình Bắc Mỹ 2015: Phép lạ của sự tỉnh thức (phần 2)

Tâm Trì Địa

Bạn hiền thân mến,

Chặng hoằng pháp New York vừa được khép lại với buổi giới thiệu hai quyển sách mới ra lò còn nóng hổi, đó là quyển “Mindfulness as Medicine” (tạm dịch: “Chánh niệm – phương pháp trị liệu cho thân và tâm) của sư cô Đẳng Nghiêm – sư cô đã từng là một bác sĩ trước khi xuất gia, và quyển “Nothing to It” (giới thiệu mười cách thực tập để trở về và có mặt cho chính mình) của thầy Pháp Hải.

Bạn hiền có nhớ không, trong thư trước, tôi đã kể cho bạn nghe về khóa tu Bích Nham. Khóa tu kết thúc được một ngày thì ngày hôm sau, tôi đã khăn gói theo quý thầy quý sư cô lên New York để có mặt cho chương trình ở đó.

Để tôi kể bạn nghe nhé, ngày đầu tiên thôi đã có ba sinh hoạt: một pháp thoại và vấn đáp dành cho giới phóng viên và ký giả tại trường Đại học Báo chí Columbia (Columbia Journalism School). Nghe nói là phòng sinh hoạt hơi nhỏ nên chỉ có khoảng 60 người được tham dự (khoảng 30 người phải lên danh sách chờ đợi); một sinh hoạt khác dành cho sinh viên tại trường đại học New York (NYU) và sinh hoạt thứ ba là buổi hội thảo tại ABC Home với đề tài: “Sự tương tức giữa Tâm linh và Hành động trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc – Tiếp nối di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Martin Luther King”.

Mục sư Martin Luther King và Sư Ông Làng Mai (hình chụp năm 1966)

Bởi vì ba sự kiện này cùng xảy ra trong một ngày nên tôi chỉ có thể tham dự buổi hội thảo tại ABC Home mà thôi. Trong ban thuyết trình có Sư cô An Nghiêm, người Mỹ gốc Phi, sư cô Zenju Earthlyn Manuel trong truyền thống thiền của thiền sư Suziki, cô Alycee J. Lane, tác giả của quyển “Nonviolence Now!” (“Bất bạo động ngay bây giờ”), Tiến sĩ Marisela Gomez, đệ tử của Sư Ông, tác giả của quyển “Race, Class, Power and Organizing in East Baltimore” (“Chủng tộc, giai cấp, quyền lực và vấn đề tổ chức ở Đông Baltimore”). Người điều khiển chương trình là cô Arthel Neville của đài Fox News. Điều thú vị là có tất cả năm phụ nữ ngồi trên sân khấu thì đã có tới bốn người là phụ nữ da màu.

Gần đây ở Mỹ đã xảy ra nhiều vụ thảm sát hoặc giết chóc có liên quan đến người da màu (tại Baltimore, Charleston, Ferguson…), gây hoang mang và mất lòng tin của nhiều người. Do vậy, dù 50 năm đã trôi qua nhưng thông điệp về bất bạo động và hòa bình, xây dựng một cộng đồng sống trong tình thương của Mục sư Martin Luther King và Sư Ông Làng Mai vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Bạn nhớ không, năm 1966, khi Sư Ông Làng Mai và Mục sư King gặp nhau, họ như tìm được người tri kỷ, bởi vì cả hai đều đi theo con đường bất bạo động và đều thấy sự cần thiết phải xây dựng nên những cộng đồng chung sống trong tình thương. Sư Ông gọi đó là tăng thân (sangha), Mục sư King gọi đó là cộng đồng yêu quý (beloved community). Sư Ông Làng Mai đã từng chia sẻ rằng: “Tôi đã nói với Mục sư Luther King là người Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư Luther King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát và không còn có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân được nữa. Tôi đang ở New York thì nghe tin về vụ ám sát. Chuyện này làm cho tôi bị đau một thời gian. Và tôi tự hứa với mình rằng tôi phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, không chỉ cho tôi, cho chúng ta mà còn cho cả Mục sư Luther King nữa”. Với tâm nguyện đó, Sư Ông Làng Mai đã từng bước, từng bước thực hiện giấc mơ xây dựng tăng thân với sự hỗ trợ của những người cùng tâm huyết. Cho đến hôm nay, tăng thân yêu quý đó đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, cả xuất sĩ và cư sĩ.

Tất cả các diễn giả đều nhắc tới Sư Ông và những lời dạy của Người trong việc thực tập trở về chăm sóc tự thân để có thể duy trì sự cống hiến của mình một cách lâu dài trong công tác thực hiện hòa bình và bất bạo động.

Nghe nói sinh hoạt với các nhà báo cũng rất thú vị bởi vì có rất nhiều người là phóng viên chiến trường, họ phải thường xuyên đối mặt với bạo động và sợ hãi. Quý thầy và quý sư cô đã có dịp chia sẻ và trao đổi với họ các pháp môn tu tập cụ thể như theo dõi hơi thở làm chủ cảm xúc vv…

Buổi chia sẻ với các nhà báo tại Đại học Báo chí Columbia

Tại Đại học New York, khoảng 300 sinh viên đã đến tham dự buổi sinh hoạt, cùng hát thiền ca, nghe chia sẻ về các pháp môn thực tập cụ thể để giảm stress, làm chủ cảm xúc và biết buông thư. Một người bạn Mỹ đã nói với tôi là khi cái gì trở thành thái quá thì tự nhiên người ta sẽ biết đủ và quay lại với những cái đơn giản ban đầu. Việc sinh viên Mỹ đến nghe những người tu nói chuyện là một bằng chứng cho thấy nhu cầu tìm về cái đẹp, cái lành khi mà khoa học kỹ thuật, vật chất và đời sống tiêu thụ đã kéo người ta đi quá xa.

Buổi sinh hoạt tại đại học New York

Ngày thứ hai trong chuyến đi New York là ngày quán niệm giới thiệu về thực tập chánh niệm cho sinh viên và nhân viên của trường Đại Học Columbia do khoa Thần học của trường kết hợp với Tu viện Bích Nham tổ chức. Trong ngày quán niệm, sinh viên, thầy cô giáo và nhân viên của trường đã được hướng dẫn thiền toạ, thiền hành, ăn cơm yên lặng, thiền buông thư, được nghe pháp thoại và có cả một thời vấn đáp.

Ngày hôm sau chúng tôi lại có một ngày quán niệm ở ABC Home và buổi ngồi thiền công cộng (Flash mob) ở Quảng trường Union, New York. Sau khi mọi người được nghe hướng dẫn tổng quát, đại chúng đã theo quý thầy, quý sư cô đi thiền hành qua đường phố và chợ đông đúc của New York ngày thứ Bảy. Đoàn thiền hành đi trong bình an dù là hai bên đường mọi người nhộn nhịp mua bán, đi lại, nói cười. Khi đến quảng trường, chúng tôi lặng lẽ tìm chỗ ngồi xuống tọa thiền. Phía trước chỗ chúng tôi ngồi là một đoàn biểu tình ủng hộ người tị nạn Syria. Chúng tôi ngồi thật yên, yểm trợ họ bằng cách chế tác bình an trong từng hơi thở chánh niệm, trong khi họ hô khẩu hiệu và lên tiếng kêu gọi nhà nước Mỹ mở rộng vòng tay đón những người tỵ nạn Syria.

Buổi ngồi thiền công cộng (flashmob) tại quảng trường Union, New York

Sau khi thiền tọa, mọi người ăn trưa trong yên lặng. Trong khi đó, buổi biểu tình vẫn tiếp diễn cho đến khi chúng tôi chấm dứt bữa ăn. Các bạn Wake Up bắt đầu hát thiền ca “Happiness is here and now”. Khi ấy, những người trong đoàn biểu tình bắt đầu để ý nhiều hơn đến chúng tôi. Thiền ca hay quá phải không bạn hiền? Tiếng hát không lớn, không có một chút cố gắng nào, bởi vì hát không để cho người khác nghe, hát để mà hát, vậy thôi. Tiếng ca như lọt thỏm giữa đủ loại tiếng động của phố phường, vậy mà năng lượng thật bình an mà hùng hậu. Năng lượng đó đã gây ra sự chú ý của người đang tham dự biểu tình. Nhiều người quay lại nhìn, những người khác lấy máy ra chụp ảnh.

Tối hôm ấy, tăng đoàn cho pháp thoại công cộng tại Tòa thị chính của thành phố (Town Hall). Có khoảng 500 người tham dự. Thầy Pháp Dung và sư cô Jina cùng cho pháp thoại. Pháp môn Làng Mai đã được chia sẻ một cách thật lòng và kết hợp khéo léo và dí dỏm. Kết thúc là một thời vấn đáp do thầy Pháp Dung, sư cô Jina, thầy Pháp Hải và sư cô Giới Nghiêm phụ trách. Khán phòng đã rộn lên những tiếng cười vui nhộn. Buổi pháp thoại công cộng đã khép lại chuyến hoằng pháp ở New York.

Sư cô Jina và thầy Pháp Dung cho pháp thoại công cộng

Ngày hôm sau có buổi giới thiệu sách mà tôi đã nhắc đến ở đầu lá thư này. Đó là chương trình ngoại khóa. Quý thầy và sư cô ở Mộc Lan lên đường trở lại Mộc Lan để chuẩn bị cho chặng thứ hai của hành trình hoằng pháp Bắc Mỹ.

Tôi đang ngồi trên xe bus trong một buổi sáng tinh mơ của New York. New York mà trước đây tôi chỉ thấy trên phim là một New York rất khác với New York mà tôi đang thấy. Chiều hôm qua, đi ngang một quán ăn đông đúc ở ngã tư đường, tôi thấy có một người đàn ông da màu đang lục từng bao giấy nâu mà ở Mỹ người ta hay dùng đựng thức ăn nhanh để tìm thức ăn còn sót lại.

Giờ đây, tôi thấy có những người vô gia cư đang nằm ngủ lăn lóc và co quắp trong các ngõ hẻm, trên nắp cống. Họ ăn mặc sơ sài, không mền không chiếu, cứ nằm chúi mặt xuống đường, co ro mà ngủ. Phần lớn là những người da đen, có một số người da trắng. Buổi sáng trời hơi có gió và hơi lạnh. Tôi nhìn họ mà lòng xót xa.

Họ đã nhắc tôi khi ăn trong chánh niệm nhớ đến những người kém may mắn, biết trân quý từng muỗng thức ăn. Họ đã nhắc tôi khi nằm trên giường biết tri ân mình đang có một mái nhà. Họ nhắc tôi rất là nhiều thứ đó bạn hiền thân mến ạ.

Bạn hiền thương, giờ này bạn đang làm gì? Đang dạy học, đang lái xe honda giữa phố phường đông đúc, đang ngồi trước máy vi tính, đang thao tác trên máy móc hay bạn là một người đang đổ rác? Cũng có thể bạn là một sinh viên đang ngồi trên giảng đường hay là một người đang moi óc tính chuyện làm ăn lời lỗ… Là ai đi nữa, những dòng này tôi đang viết để sẻ chia cùng bạn. Dù bạn có duyên đọc nó hay không, đây là món quà mà tôi tặng bạn. Tôi muốn gieo duyên cùng bạn để chúng ta có thể cùng tìm về một hướng, cùng đi trên một con đường, con đường của những bước chân an lạc, của những hơi thở ý thức để tìm lại chính mình. Để có mặt ở tại nơi mình ở, với cái gì mình đang làm, để có chủ quyền dù là mình đang đối diện với khó khăn của tự thân hay hoàn cảnh. Để chế tác hiểu biết và thương yêu. Để sống và để có mặt cho đời.

Thương mến

Bài viết có liên quan: Hành trình Bắc Mỹ 2015 – Phép lạ của sự tỉnh thức (phần I)

Giới thiệu sách mới

Buổi giới thiệu sách mới của thầy Pháp Hải và sư cô Đẳng Nghiêm với sự có mặt của nhà báo Jo Confino


Để biết thêm thông tin về chương trình hoằng pháp của tăng thân Làng Mai tại Mỹ, xin xem tại website: http://www.tnhtour.org/