Sự Tiếp Nối
Chân Hoa Nghiêm
Nơi đâu cũng là nhà
Một buổi chiều năm ngoái, trong khi ngồi ăn tối với nhóm pháp đàm trong khóa tu xuất sĩ vào tháng 9, một sư em đến sát bên tôi nói nhỏ: “Báo cho sư mẹ một tin buồn, sư mẹ có tên đi Mỹ”. Đúng là một cái tin bất ngờ. Thế là bao nhiêu những khóa tu, những chương trình dạy các lớp, những dự án cho tương lai ở đây, tôi phải buông bỏ hết để chuẩn bị giấy tờ đi Mỹ.
Không lâu sau thì tôi biết mình sẽ chuyển qua Tu viện Bích Nham vì nơi đó đang cần có thêm những vị lớn. Khi nghe tin tôi sẽ qua Bích Nham, một sư em đã nhìn tôi với cái nhìn “tội nghiệp”, sư em nói: “Tội nghiệp sư mẹ quá đi! Bây giờ đúng là mùa trầm cảm ở xứ lạnh, vậy mà sư mẹ phải qua đó…”. Nói đến đây sư em chặc lưỡi lắc đầu tiếp: “Tội nghiệp sư mẹ thật đó. Bây giờ sư mẹ hãy enjoy ở đây đi nha!” Chuyện trầm cảm do thời tiết đã xảy ra cho nhiều người ở xứ lạnh. Có người đã tự tử vì không chịu nổi những ngày dài u ám, lạnh lẽo. Tôi thấy đại đa số chúng ta thường bị lệ thuộc vào rất nhiều những yếu tố từ bên ngoài: thời tiết, tiện nghi, tình cảm, v.v…
Thầy đã đặt tên cho Làng Mai Thái Lan là Vườn Ươm, đúng là một cái nôi êm ái, nơi có rất nhiều sư cha, sư mẹ thật dễ thương, đã hết lòng ôm ấp và nuôi dạy các sư em cho đến khi các sư em vững chãi. Các sư em đã từng trải qua những tháng ngày khó khăn, từ biến cố Bát Nhã cho đến ngày hôm nay. Đã từng chia sẻ những vui buồn với nhau thì việc phải chuyển đến một nơi nào khác để sống, dù đó là một nước Mỹ giàu có tiện nghi cũng không bằng mảnh đất đầy tình nghĩa này, phải không sư em?
Được sống trong Tăng thân, chị thấy mình thật may mắn, chị đang được bảo hộ và nuôi dưỡng, nếu ai đó bảo chị phải rời xa Tăng thân thì chị cũng không chịu đâu. Cả cuộc đời Thầy đã phụng sự cho đạo pháp, cho xã hội. Những gì mình làm theo lời Thầy dạy chỉ là một phần rất nhỏ để đền đáp công ơn của Thầy đã nuôi dạy mình cho đến ngày hôm nay. Huống chi nơi mình đến cũng là một trung tâm tu học của Làng Mai. Nơi đâu đối với chị cũng là nhà! Chị có buồn khi rời xa Thái Lan thật, vì nơi này đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, đầy ắp những người mình rất thương như là các sư em vậy đó, khi xa thì phải buồn rồi. “Oán tắng hội khổ”, ghét mà phải ở gần thì khổ; “ái biệt ly khổ”, thương mà phải xa lìa thì khổ. Đó là hai cặp bài trùng mà Bụt dạy một người tu phải vượt lên trên.
Sự thực tập của chị là tùy thuận. Tùy thuận theo lời dạy bảo của Thầy và của Tăng thân. Ngày xưa Thầy giảng kinh Bảo Tích, trong kinh có đoạn nói về hạnh nguyện của những vị Bồ tát gọi là “Nhất sinh bổ xứ”. Nghĩa là khi các vị Bồ tát vừa mới sinh ra thì đã được bổ đi nơi khác để thi hành Phật sự. Không có điều gì có thể ràng buộc các vị Bồ tát đó dù ở bất cứ nơi đâu, và muốn tìm dấu vết của các vị cũng rất khó.
Thái Lan thì nóng, Bích Nham thì lạnh, nhưng đối với một người tu đã chọn cho mình con đường giải thoát những ràng buộc của cuộc đời thì còn sợ gì lạnh với nóng. Khi trong tim mình có một ngọn lửa thì dù ở bất cứ nơi nào ngọn lửa ấy vẫn sáng và cháy mãi trong tim. Quê hương chân thật của chúng ta không nằm ở nơi khí hậu lạnh hay nóng, vui hay buồn. Với hơi thở nhiệm mầu, với bước chân chánh niệm thì ngay lập tức chị trở về nhà của mình liền. Nơi ấy chị có thể tiếp xúc với tổ tiên ông bà, ba má và Thầy nữa. Sư em thương! Bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể trở về ngôi nhà của chính tự thân. Chị mong rằng, các sư em của chị cũng sẽ là những vị Bồ tát “nhất sinh bổ xứ” nhé!
Huyền thoại Thái Lan
Làng Mai Thái Lan đối với tôi bây giờ như một huyền thoại. Tôi sẽ không còn tham dự những buổi sáng tinh sương hai chúng cùng ngồi thiền nơi Thiền đường Vách Núi, cùng chiêm ngưỡng 7 pho tượng Bụt rất đẹp từ Indo được đặt trang nghiêm trên những bệ núi đá vững chãi nơi mà Thầy đã chọn trong chuyến đi năm 2013. Có khi chúng tôi ngồi thiền trước cốc Thầy để có thể ngắm bình minh lên từ sau dãy núi Khaoyai và một khoảng không gian bát ngát.
Đặc biệt, tại Trung tâm Thái Lan, mỗi tuần đại chúng được ngồi thiền ngoài trời để thở không khí trong lành của vùng đồi núi. Làm sao quên được những buổi đi dưới nắng như thiêu đốt từ xóm quý sư cô sang xóm quý thầy để họp giáo thọ và tôi cứ càm ràm luôn miệng. Những buổi ngồi ăn trong căn nhà tranh nghe tiếng mưa, tiếng gió, có khi xe chạy ngang qua làm tung bụi mịt mù bay vào tận phòng ăn.
Làm sao quên được những giờ nghiên cứu các môn mình phụ trách, những buổi đứng lớp đầu tiên cho các sư em. Nhớ những gương mặt còn ngây thơ, nhớ những ánh mắt đen tuyền và sáng rực, kèm theo những nụ cười hóm hỉnh. Có những câu hỏi “lém lỉnh” mong rằng cô giáo của mình sẽ không trả lời được, chứ có dè đâu… Những buổi nhắc nhở các sư em làm bài, những buổi ngồi chấm bài và lưỡng lự khi cầm bút cho điểm hay nhận xét. Chưa nói đến những buổi họp giáo thọ đầy ắp tiếng cười, có khi cũng hơi căng thẳng nhưng vẫn thấy vui. Những buổi làm biếng, chị em cùng nhau ngồi ăn sáng ngắm mặt trời lên. Những buổi chiều đi bộ quanh con đường nội viện để thấy núi đẹp quá, tôi sẽ tiếp tục ca bài “làm sao quên được…” những kỷ niệm đong đầy khi còn ở Thái.
Nhìn lại những khóa tu được tổ chức tại Làng Mai Thái trong năm qua rất thành công. Khóa tu Gia đình với 400 thiền sinh mà trong đó đã có hơn 100 em thiếu nhi rồi. Những sư cô, sư chú trẻ đã chứng tỏ khả năng ngôn ngữ đủ để truyền thông với các em nhỏ rất dễ dàng qua các buổi hướng dẫn tu tập, sinh hoạt ca hát và tổ chức những trò chơi. Các sư cô, sư chú từ 13 đến 18 tuổi học tiếng Thái rất nhanh, tiếng Anh cũng khá nữa.
Trong khóa tu này, tổng số 70 thầy cô tham dự khóa tu, đa số là những vị từ 25 tuổi trở xuống. Gia đình của các em rất cảm động khi thấy nhóm xuất sĩ trẻ đã phụng sự hết mình để vun trồng những hạt giống tốt cho các em. Khi khóa tu chấm dứt, có nhiều em không muốn rời xa các sư cô, sư chú. Có em đã khóc và cứ ôm chặt vị đã chơi và đã hiểu mình. Vào tháng 10, có một trường tiểu học nhờ các thầy, các sư cô tổ chức khóa tu cho hơn 90 em trai tuổi từ 7 đến 12.
Sư chú Trời Nắng Mai mới có 15 tuổi là một trong những vị đã hướng dẫn tổng quát cho các em bằng ngôn ngữ Thái. Sư chú trông rất chững chạc, nói năng rất vững chãi, đã hướng dẫn các em nhỏ cách thở và ăn trong chánh niệm. Cuối năm cũng có một khóa tu dành cho những vị Tiếp Hiện và chúng trưởng, nhưng lúc ấy thì tôi đã rời khỏi nơi ấy rồi. Còn nhiều khóa tu khác như là khóa tu Wake Up, khóa tu tháng 10 hàng năm. Làng Mai Thái Lan quả là một huyền thoại đối với tôi bây giờ.
Trung Tâm Làng Mai Thái Lan vẫn còn nhiều công trình chưa hoàn tất. Nội viện của quý thầy quý sư cô, nhà ăn, nhà bếp, thiền đường… đang xây dở dang. Quý thầy, quý sư cô ở đó đang làm việc nhiều lắm, nhưng tôi chắc chắn rằng công trình sẽ được hoàn tất. Những người xuất gia trẻ ở đây có bầu nhiệt huyết muốn xây dựng một Tăng thân đẹp, một môi trường lành mạnh, vì chính các sư em cũng là những người xuất gia trẻ rất lành.
Trung tâm Làng Mai tại Thái Lan mà hoàn tất các công trình thì Thái Lan sẽ có được một nơi để mọi người ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á về tu tập. Thầy đã từng nói với chúng tôi: “Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, dân tộc hiền lành, và những người thiện nguyện cũng hết lòng giúp đỡ Tăng thân. Chúng con nên cố gắng phát triển và giúp xây dựng một đạo Bụt mới ở Thái Lan”. Riêng tôi, tôi thấy người Thái rất tôn kính người xuất gia, dân tộc Thái Lan đã tạo được rất nhiều phước báo.
Bích Nham
Tôi đã đến Bích Nham lần đầu trong chuyến hoằng pháp của Thầy ở Mỹ năm 2007, năm ấy Bích Nham mới được thành lập. Tôi tham dự khóa tu “Ngồi giữa gió thu”. Khóa tu có đến 800 người tham dự, nhưng vì chưa có thiền đường nên quý thầy, quý sư cô phải thuê một cái lều để Thầy cho pháp thoại. Đúng là gió thu nên gió lồng lộng thổi vào lều, Thầy đã phải chịu lạnh và chúng tôi ai cũng muốn cảm. Nhưng là mùa thu nên rừng bắt đầu đổi màu rất đẹp.
Tôi nhớ ngày vào từ giã Thầy để về lại tu viện Lộc Uyển, hôm đó vị thị giả không biết đã đi đâu, chỉ có hai thầy trò đi ra xem thợ bắt đầu dựng cột và nóc thiền đường Đại Đồng. Đi ngang qua cây phong, thấy lá phong rụng đầy trên bãi cỏ, Thầy quay sang tôi nói: “Mình đang ở thiên đường đó con!” Tôi mỉm cười chấp tay: “Dạ!” Bích Nham mùa thu đẹp như một thiên đường, và mùa đông thì lạnh hơn nhiều so với các nước châu Âu. Về lại đây tôi sẽ có cơ hội chiêm nghiệm mùa xuân và mùa hè.
Tu viện Bích Nham gồm có xóm Tùng dành cho quý thầy và xóm Hạc dành cho quý sư cô. Số lượng của hai chúng không quá 50 người, một con số khiêm tốn cho một tu viện khá lớn ở miền Đông nước Hoa Kỳ. Nơi đây thuộc tiểu bang New York, một trong 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ. Những người dân Hoa Kỳ ở đây, nói theo giọng Mỹ là rất “tough”, họ có một niềm kiêu hãnh về tổ tiên của họ, những người đầu tiên trong lịch sử đã tạo ra một nước Mỹ hùng cường, một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới.
Khi đi vào những siêu thị lớn, chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi những mặt hàng tiêu thụ khổng lồ, không biết là bao nhiêu loại thực phẩm mà người Mỹ đã tiêu thụ. Tôi nghĩ đến những quốc gia nghèo ở châu Phi, Ấn Độ, Việt Nam, Lào… Nếu chỉ cần chở một phần những thực phẩm hiện có trong các siêu thị như Walmart, hay Target, v.v… thì có thể giúp được những người nghèo đói trên thế giới ít nhất là một năm. Nhưng đó chỉ là mơ ước của riêng tôi.
Cùng chuyển xóm qua Bích Nham với tôi có 7 sư em từ xóm Mới và xóm Hạ. Bảy sư em nhưng có tới 6 quốc tịch: Anh, Pháp, Đức, Canada, Thái Lan và Việt Nam. Các sư em đều là sadi nữ, vài vị trước đây đã trải qua cuộc sống gia đình nên trông chững chạc. Sư em Trăng Diệu Âm người Canada gốc Phi, một hôm chia sẻ với tôi: “Gia đình em là người Thiên Chúa giáo. Bấy lâu nay sư em xuất gia theo đạo Bụt và không sinh hoạt gì về đạo của mình. Lễ Noel vừa rồi, chị của sư em có gọi điện hỏi thăm sư em có làm gì cho ngày lễ của Chúa không? Sư em nói rằng: Em có học hát thánh ca (Christmas carol). Chị nói: “Chúa ơi, như vậy thì sau khi chết chị em mình còn có thể gặp nhau ở thiên đường. Em còn có thể gặp ông nội ở đó”. Nói xong thì sư em cười lớn. Tôi thấy rõ sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Người Á châu thường kín đáo và nhu mì. Người Tây phương thì tự do biểu lộ không che giấu và rất can cường. Văn hóa Làng Mai là một sự kết hợp giữa Đông và Tây. Tôi thấy mình cần phải học thêm nhiều về văn hóa phương Tây.
Về Bích Nham được hai tuần, tôi tham dự khóa tu Holiday Retreat. Có gần 100 người tham dự. Khóa tu Holiday bắt đầu được hình thành vào năm 1999 ở tu viện Thanh Sơn và tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Khóa tu được tổ chức sau lễ Noel và trong thời gian Tết dương lịch. Người Mỹ đăng ký khá đông. Có nhiều người đăng ký nhưng không còn chỗ, họ xin chỉ cần một góc nào đó để ngả lưng là đủ, không cần phải có phòng ốc. Quý cái tâm tha thiết muốn tu học của họ, chúng tôi phải biến phòng phơi áo quần làm phòng ngủ cho thiền sinh.
Khóa tu này chủ yếu là giúp những người cảm thấy rất cô đơn trong những ngày lễ Tết có một nơi để trở về. Họ không may mắn có được một gia đình đầm ấm. Cảm thấy lạc lõng trong thế giới nhộn nhịp và xa hoa, họ muốn tìm về một không gian tâm linh, nơi mà họ cảm thấy được an ủi bởi sự tiếp đón ấm áp của quý thầy, quý sư cô. Họ tìm thấy những người bạn đồng hành trong những giờ pháp đàm, trong những giờ thực tập thiền bên nhau. Trong khóa tu cũng có nhiều người trẻ gặp khó khăn nhờ quý thầy, quý sư cô giúp. Những em trong lứa tuổi vị thành niên đã bị chìm đắm trong dục tình và thuốc phiện. Cuộc sống sa đọa và khổ đau đã giày vò các em. Sự có mặt của quý thầy, quý sư cô, sư chú trẻ đã giúp các em đi ra khỏi những dằn vặt khổ đau.
Sau khóa tu Holiday, chúng tôi được nghỉ hai ngày, các chị em ngồi quây quần gói bánh bột lọc trong phòng ăn xóm Tùng trong khi ngoài trời tuyết đang rơi. Tuyết đã phủ đầy các mái nhà và tràn ngập lối đi. Thầy P.T nói nhớ mẹ quá nên rủ các sư cô, những vị xuất thân từ Huế cùng làm bánh bột lọc cho vui, cho đỡ nhớ mẹ vì đã lâu chưa về thăm nhà. Tôi nhìn thầy thông cảm. Người xuất gia thì phải chấp nhận “cắt ái từ thân”, quên tình riêng mà chỉ có tình nhân loại. Và lý tưởng là con đường đưa đến sự giải thoát cho mình và cho người khỏi những khổ đau, hệ lụy. Nhưng vẫn còn là một con người nên làm sao tránh khỏi nỗi nhớ nhà, nhất là phải ở một xứ lạnh như thế này thì một người xuất thân từ vùng nhiệt đới chắc là phải nhớ quê hương nhiều rồi. Tôi nghĩ chỉ có tình huynh đệ mới có thể xoa dịu được nỗi nhớ nhà.
Mỗi ngày tuyết bắt đầu rơi nhiều, có ngày lạnh dưới 10 độ âm. Mỗi sáng thức dậy tôi thấy mũi mình nghẹt cứng. Khi ra ngoài tôi thấy mình phùng phình như người Eskimo, di chuyển nặng nề. Tôi phải khoác lên người gần một ký lô đồ ấm, áo len, áo khoác, mũ, khăn choàng cổ và đôi giày đi tuyết. Dưới đế giày phải gắn click (một loại vấu có gắn nhiều đinh để bám vào tuyết), nếu không gắn click vào thì khi đi có thể bị té vì có vài chỗ tuyết biến thành đá rất trơn trợt. Tôi đã bị té một lần nhưng rất… ngoạn mục nên không hề hấn gì. Tuy đã phủ kín người mà tôi vẫn thấy cái lạnh tát vào mặt mình tê buốt, tôi thấm thía cái lạnh cắt da là như thế nào.
Ở trong một căn nhà ấm áp tôi thấy mình may mắn, vì tôi liên tưởng đến những người không nhà cửa hoặc thiếu tiện nghi thì không biết họ phải chịu lạnh như thế nào. Tuy trời lạnh vậy, nhưng đại chúng không bỏ buổi thiền hành nào. Mỗi khi đi vào khu rừng thông của Bích Nham, tôi cảm tưởng như mình đang đi vào khu rừng của nữ hoàng băng giá trong phim “The Frozen”. Hồ nước trong veo bây giờ đã đóng băng, suối cũng đóng băng, mình có thể đi lên trên và nhảy múa được nữa. Nhưng tiếng suối vẫn róc rách reo, dưới những lớp băng nước suối vẫn chảy. Tuyết trắng đã phủ đầy trên mặt đất khắp mọi nơi.
Rừng Bích Nham rất đẹp. Mùa đông, cây trong rừng chỉ còn trơ lại thân cây cằn cỗi. Những chiếc lá vàng khô đang ngủ yên trên mặt đất dưới lớp tuyết trắng, chắc nó đang chuẩn bị chuyển mình cho mùa lá mới. Đi dọc theo bờ suối, tiếng suối reo làm tôi nghĩ đến những chén trà thơm mỗi buổi sáng. Từ lâu đại chúng Bích Nham đã dùng nước suối chảy ra từ vòi, người chủ cũ đã làm hệ thống hứng nước suối từ nguồn cho vào hệ thống vòi nước để sử dụng. Sáng nào tôi cũng dùng nước suối trong vòi để pha trà. Tôi có thể nhìn xuyên suốt qua những hàng cây thật xa để thấy khu rừng của Bích Nham khá rộng. Nghĩ đến Thầy, Thầy đã đi trong rừng này bao nhiêu lần.
Sự tiếp nối
Hôm chị Q đến báo tin cho tôi biết Thầy bị xuất huyết não, nói xong chị nghẹn ngào. Tôi lặng người nhưng cũng choàng tay qua ôm chị. Chị nói: “Sư cô muốn về Làng thì về đi, Q sẽ ở lại đây”. Khi chị đi rồi, tôi ngồi thật yên, những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên má. Tôi thở vào thật sâu để đối diện với cái gì đang xảy ra trong đầu mình. Sự lo sợ mình sẽ mất đi một vị Thầy mình thương kính nhất trên đời, một điều mà tôi nghĩ sẽ còn lâu lắm.
“Mới khóa tu 21 ngày mình còn gặp Thầy mà?” Tôi nhớ lại mới hôm nào đưa cháu Tí vào chào Thầy, Thầy về phòng nghỉ ở xóm Mới, sau khi cho bài pháp thoại trong khóa tu 21 ngày với chủ đề: “Sau khi chết mình sẽ đi về đâu?”. Thầy dạy thị giả đem cam ra dùng. Thầy vừa cắt cam vừa hỏi thị giả: “Đây là giây phút gì vậy con?” Thị giả thưa: “Bạch Sư Ông, đây là giây phút hạnh phúc ạ!” Tôi cười trong bụng, đúng là sư em đã thuộc bài. Nhưng Thầy đưa cho tôi một múi cam và nhìn vào mắt tôi rồi nói: “Đây là giây phút của tình thầy trò”. Tôi ngồi yên cảm động nhận lấy múi cam từ tay Thầy trao cho. Trong thời gian ở xóm Mới, tôi đã được lên ăn trưa với Thầy vài lần ở Sơn Cốc, được ăn măng kho từ tay Thầy nấu lấy. Vì vậy sự việc xảy ra quá bất ngờ làm tôi đến lặng người.
Khi thông báo với đại chúng sáng mai ngồi thiền tụng kinh gửi năng lượng cho Thầy, tôi nghẹn ngào không nói dứt câu. Sư cô Đoan Nghiêm đã lên tiếng dùm là Thầy bị bệnh nặng. Một bầu không khí yên lặng bao trùm trong đại chúng. Một không gian im lặng, không một tiếng nói, tiếng cười như mọi khi. Tôi thấy những ánh mắt buồn bã của các sư em. Tôi muốn trấn an các sư em, nhưng trong thâm tâm tôi cũng không khá gì hơn. Trong buổi họp giáo thọ sáng hôm sau, quý thầy quý sư cô giáo thọ cùng góp ý cho nhau: “Là sư anh sư chị lớn, mình phải làm sao để giữ vững sự bình tĩnh khi biến cố xảy ra, mình phải tổ chức như thế nào?” Sư chị Chân Đức chia sẻ rằng: “Thầy rất sợ những điều có thể xảy ra sau khi Thầy mất. Điều thứ nhất là Tăng thân không có sự hòa hợp. Điều thứ hai là pháp môn căn bản của Làng Mai bị biến chất. Điều thứ ba là Tăng thân không có sức khỏe”.
Mọi người đồng ý là mình phải nhắc nhở các sư em thực tập pháp môn căn bản cho vững vàng. Khi đi thì không nói, khi nói thì không đi. Giữ im lặng hùng tráng sau giờ ngồi thiền tối, không cười đùa, không chơi đá banh, v.v… và những ai có vấn đề với nhau thì nên giải quyết để có sự hòa hợp. Ngày làm biếng, chúng tôi cũng thực tập công phu chung hai xóm để gửi năng lượng cầu nguyện cho Thầy. Thời gian này, hầu như mọi người đều trở nên trầm tư và hết lòng thực tập. Đại chúng để hết thân và tâm của mình trong những buổi ngồi thiền. Tiếng tụng kinh rất hùng hồn, ai cũng tập trung tất cả năng lượng để cầu nguyện cho Thầy. Sau giờ ngồi thiền tối, không một tiếng nói cười như mọi khi nữa mà chỉ còn lại không gian sâu lắng. Những buổi thiền hành không vắng một ai. Mỗi bước chân đi đều hướng về Thầy. Tôi chưa bao giờ thấy năng lượng thực tập miên mật và sâu lắng như lúc này. Khi sự thực tập đến từ trái tim thì sự thực tập đó trở nên thật sâu sắc.
Mỗi ngày sư em tri sự xóm Trăng Tỏ đều hỏi tôi về tình hình sức khỏe của Thầy. Một hôm sư em đi làm về, với gương mặt u buồn, sư em hỏi tôi: “Sư mẹ ơi, Sư Ông sao rồi, có khỏe hơn không? Sư mẹ cho con biết đi, vì các chị ai cũng nói buồn và không có năng lượng để chấp tác”. Khi có tin Thầy khá hơn, tôi liền cho sư em biết để sư em thông báo lại cho các sư em khác, có vậy các sư em mới có tinh thần làm việc. Tôi có khuyên các sư em về vô thường, là mình nên chấp nhận sự thật về Thầy đã lớn tuổi rồi, v.v.. Nhưng sư em không chịu, sư em nói rằng: “Con có linh tính là Sư Ông sẽ còn sống lâu lắm. Chúng con còn nhỏ, còn cần Sư Ông mà!”
Thật vậy, các sư em cũng còn nhỏ lắm, các sư em Trời Trong Sáng và Trăng Tỏ Tường năm nay cũng chỉ 13 tuổi thôi. Sư em thị giả của tôi, sau khi đi pháp đàm về, tôi hỏi sư em đã nghe gì khi đại chúng chia sẻ về tình hình của Thầy. Sư em nói rằng: “Một số chúng con mới xuất gia nên chưa biết nhiều về Sư Ông, vì vậy có buồn cũng không buồn bằng các sư cha, sư mẹ. Chúng con nghĩ rằng, nếu có gì xảy ra thì chúng con còn có Tăng thân để nương tựa”. Nghe sư em nói, tôi thấy mình nên chánh niệm nhiều hơn trong sự biểu lộ cảm xúc, vì các sư em rất cần sự vững chãi của các sư cha, sư mẹ để cho các sư em nương tựa.
Trong thời gian này, tôi vẫn phải tiếp tục lo giấy tờ để đi Mỹ. Tôi muốn về Làng để có mặt bên Thầy giờ phút cuối! Nhưng sau khi nói chuyện với sư cô Chân Không, biết rằng bệnh của Thầy có khả năng hồi phục, vẫn còn hy vọng.
Sư cô khuyên tôi hãy đi Bích Nham thay vì về Làng vì nơi đây đang cần. Gặp lại Thầy ở Bích Nham, đó là niềm hy vọng của tôi. Tôi lên chào Sư Bá để ngày mai đi Bích Nham. Sư Bá chúc tôi đi đường bình an và dường như Sư Bá cũng biết tôi vẫn còn lo lắng về bệnh của Sư Ông, Sư Bá khuyên: “Chuyện Sư Ông bệnh đã cho mình thấy những điều đã xảy ra. Đầu tiên mình thấy đại chúng xuất sĩ ở các tu viện trên thế giới tu tập miên mật hơn. Thứ hai là các đệ tử của Sư Ông trên toàn thế giới cùng hướng về tu tập trong mỗi bước chân, hơi thở. Thứ ba là bao nhiêu loài sinh vật được cứu thoát nhờ nhiều người ăn chay để hồi hướng cho Sư Ông. Thứ tư là cả thế giới đang nhìn về sự phản ứng của Tăng thân, v.v.” Sư Bá còn nói nhiều mà tôi chỉ nhớ được bấy nhiêu. Sư Bá kết luận: “Bệnh của Sư Ông vậy mà hay lắm!” Tôi chỉ tròn mắt lắng nghe, nhưng trong lòng cảm thấy nhẹ đi rất nhiều.
Dù trời có lạnh đến đâu, mỗi buổi sáng tôi vẫn thức dậy thật sớm, thắp hương cúng Bụt, Bồ tát và những người thân trong gia đình đã mất. Đó là thời gian cho tôi trở về với chính mình. Tôi nhớ đến Thầy bây giờ đang nằm trong bệnh viện. Tôi phải chấp nhận sự thật sẽ phải xảy đến cho tất cả mọi người, kể cả chính tôi. Vô thường là sự thật không ai có thể tránh thoát. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy rằng: “Vô thường, lão, bệnh, bất dữ nhân kỳ…” Vô thường, già, bệnh là điều mà không ai có thể tránh thoát. Nhưng trong tôi vẫn còn nhiều hy vọng rằng Thầy sẽ vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này. Chắp tay tôi cầu nguyện: “Cầu nguyện cho mỗi tế bào trong cơ thể của Thầy là một vị Bồ tát có thể chữa lành cơn bệnh và hồi phục lại sức khỏe cho Thầy”.
Đêm qua, tôi nằm mơ thấy Thầy về trong giấc mơ của mình. Tay trái Thầy nắm bàn tay phải của tôi, và tay phải của Thầy nắm rất nhiều tay của các thầy, các sư cô khác. Trong giấc mơ tôi thấy mình thắc mắc: làm sao Thầy có thể nắm hết tay của những vị khác trong khi chỉ có một bàn tay? Sau đó Thầy trò cùng đứng ngắm một thân cây cao lớn đứng ở giữa, rồi Thầy buông tay mọi người và đi lên thuyết pháp. Đến đây thì tôi chợt thức giấc và thấy tiếc nuối vì không biết Thầy đã nói gì trong bài thuyết pháp ấy. Thầy đang có mặt trong tất cả chúng tôi, đó là điều Thầy muốn nói. Thầy đang muốn chúng tôi cùng nắm tay nhau, sống hòa hợp và thương yêu nhau để xây dựng Tăng thân. Tăng thân đang có mặt khắp mọi nơi, chỉ cần chúng tôi nắm tay nhau làm cho Tăng thân lớn mạnh thì lúc ấy là “tay Thầy trong tay con” rồi đó.
Thương kính gửi Thầy
Thầy ơi, rừng Bích Nham đẹp quá! Con đang đi cho Thầy đây. Con không thể về thăm Thầy bằng phương diện tích môn, nhưng con đang thăm Thầy trong mỗi phút giây của bản môn. Con đã gặp Thầy trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân. Con đã gặp Thầy trong con suối chảy quanh, trên con đường phủ đầy tuyết trắng, qua những thân cây thẳng đứng dưới trời giá lạnh. Con đã gặp Thầy ở khắp mọi nơi.
Thầy ơi, sự sống mầu nhiệm vẫn tuôn chảy. Thầy thương kính, những gì Thầy dạy chúng con trong những năm qua đã và đang bắt đầu hình thành để trở thành những dòng sông cùng lưu chuyển đưa chúng con ra biển lớn. Trong thời gian qua khi Thầy vắng mặt, có nhiều vị giáo thọ đã thay Thầy cho pháp thoại. Ở Bích Nham, thầy P.T là vị giáo thọ trẻ tuổi nhất cũng vừa cho pháp thoại sáng nay. Chiều nay, chị em chúng con cùng nhau pháp đàm về bài pháp thoại sáng nay, thầy Pháp Lạc nói rằng: “Không có ai làm lỗ vốn Sư Ông đâu!” Con mỉm cười đồng ý cả hai tay.
Con nhớ trong một buổi vấn đáp chót của khóa tu 21 ngày. Có một em trai 12 tuổi hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy dạy rất nhiều trong khóa tu này nhưng Thầy chưa cho biết là sau khi chết mình sẽ đi về đâu?” Và Thầy đã trả lời: “Sự thật là mình không bao giờ chết, mình chỉ có sự tiếp nối mà thôi”. Thầy cũng đã từng nói: “Không phải đợi sau khi chúng ta chết đi mới có sự tiếp nối. Sự tiếp nối đó đã xảy ra trong từng phút giây trong đời sống hiện tại của mình rồi”. Con biết một điều là: chúng con không làm lỗ vốn Thầy vì chúng con là sự tiếp nối của Thầy!
Viết xong ngày 12 tháng 01 năm 2015.