Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời

 

Vân thâm xứ

Nơi ấy có nhiều mây. Và lần này quả thật chú sa di không biết thầy mình đang đứng ở đâu, dù chú biết thầy đã từ buổi sáng tinh sương đi vào núi sâu hái thuốc. Thầy đang hái thuốc hay là thầy đang hái những cụm mây trong các đọt thông già ? Sao chú không mời khách vào trong am và đãi ông ta một chén trà nóng ? Thưa ông, thầy tôi đi hái thuốc trong núi chắc cũng gần về. Mời ông vào am dùng trà, và đợi thầy về. Sao chú lại để khách đứng mãi ngoài ngõ như thế ? Sương nhiều lắm, áo của khách đã ướt, chú không thấy sao ? Thưa ông, nếu ông có chuyện gấp tôi sẽ xin vào núi tìm thầy. Mây tuy dày đặc, nhưng tôi có thể đưa tay làm ống loa để gọi. Thưa thầy, thầy đang ở đâu, con đang đi tìm thầy, có người khách đang đợi. Xin sư chú đừng bận tâm. Xin sư chú cứ cho tôi tự nhiên. Tôi muốn được ngồi đây, uống một chén trà và ngắm núi rừng sương phủ. Xin đừng làm rộn thầy. Lúc nào người về cũng được. Người không về thì cũng không sao.

Hai cây tùng cao là dấu hiệu, là nẻo đưa lên thảo am. Đây có phải là núi Cửu Lũng ? Tôi tìm lên am sáng nay không phải để gặp thầy. Tôi tìm lên đây để tự tìm tôi. Đứa con cứng đầu là tôi, đi lang thang không biết bao nhiêu triệu kiếp luân hồi, nay muốn trở về với cha, với mẹ. Tôi vẫn còn một trái tim biết thổn thức, đầy những tủi giận kiếp nào. Hai mắt của chú sáng nay đã làm cho trái tim tôi dường như ngừng lại. Dáng điệu tôi ngập ngừng, nhưng cái nhìn của chú với chất liệu dịu ngọt và can trường đã chuyền cho tôi biết bao nhiêu là ánh sáng.

Người ấy lạy xuống, đầu sát đất, trán dính vào nền đá nơi Phật đường mát lạnh. Con đã về đây, con không còn đi phiêu lãng, con không còn muốn mình tự buộc mình vào thế giới của tranh chấp hận thù. Ngày hôm nay là ngày tái sinh, là ngày tái tạo. Con về đây, chứng minh có ngàn hoa muôn lá, ơn tái sinh xin trần tạ, ơn tái sinh nhờ lượng đức Từ Bi.

Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt người. Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt tôi. Am dựng bên sườn núi. Phía sau, bao nhiêu ngõ ngách, bao nhiêu lối mòn. Trên kia, đỉnh núi lấp trong mây, đỉnh núi ngự trị không biết tự bao giờ. Đỉnh núi chăm sóc. Đỉnh núi che chở. Mỗi buổi chiều, mây về quấn quanh đỉnh núi, mây về quấn quanh chân núi. Am ngủ trong lòng mây và am là am mây.

 

Hoa lá lắng nghe

Phương Bối là đâu. Phương Bối chính là nơi đây. Phương Bối là rừng trà thơm buổi sáng. Họ tìm đến dưới chân đồi. Họ nhấm nháp ở đầu lưỡi một đọt lá trà non, chát và thơm, chát và ngọt. Con đường nhỏ hiền lành và thân thuộc. Hai bên đường, lá cây lắng tai nghe. Mỗi chiếc lá là một lỗ tai. Mỗi bông hoa là một lỗ tai. Những chiếc hoa chuông mầu tím vểnh lên nghe. Và hiểu. Mỗi chiếc lá cũng là một bàn tay đang vẫy. Các bạn lắng nghe chi ? Họ nói như họ làm thơ. Họ nói như họ lặp lại tiếng tâm tư ngàn đời chưa hề thay đổi. Gió trên đồi, cỏ mướt tháng tư, suối róc rách mùa Hạ, mây viền đỉnh núi, và tiếng chim, giọng liễu, tất cả có phải đã cùng nói lên thứ ngôn ngữ hòa đồng mà họ đang nói ? Liễu biếc hoa vàng là cảnh nội tâm. Trăng trong mây trắng đều là những biểu hiện nhiệm mầu. Các bạn cứ lắng nghe. Họ nói cho chính họ nghe, cũng như các bạn đang nói giữa đất trời, trong nhiệm mầu hiện hữu. Ta hãy làm chứng cho họ. Họ là một bọn sáu người. Họ là một bọn năm người. Hoặc họ chỉ là một người. Họ đã đi ngang qua đây, tay họ đã vuốt ve chúng tôi, mắt họ đã sáng lên vì họ đã nhận ra rằng chúng tôi đang thực sự có mặt. Chúng tôi không phải là những ảo ảnh trong một giấc mơ. Mầu tím, mầu xanh, nét dài, nét cong, lối xa đường gần, những đóa sao ngũ sắc, những cụm mặt trời đỏ, những ngón tay dài trắng nõn hoặc tím hồng. Chúng tôi đã chào đón Họ, đã vẫy tay chào Họ, đã chấp nhận Họ giữa chúng tôi. Chúng tôi đã nằm yên trong những lòng bàn tay biết kính yêu trân trọng của họ. Chị tôi ơi, cây khuynh diệp, hãy buông dài cành lá. Em tôi ơi, chồi hoa huệ, hãy mỉm cười. Hiện hữu tràn đầy. Không có chi mất đi, cũng không có chi thêm vào, trong diệu hữu sáng nay. Mặt trời của chúng ta, mặt trời của tất cả chúng ta, vẫn luôn luôn còn có mặt. Chiều hôm nay tôi có thể đã ra đi, nhưng sáng ngày mai các con tôi sẽ nở. Hoa lá ngày mai vẫn sẽ còn có mặt và như thế tôi cũng sẽ còn có mặt. Tất cả chúng ta hãy hộ niệm cho họ. Họ đã phát lời nguyện lớn. Thông điệp vừa nghe, tôi đã chuyền lại. Lá chuyền cho lá, cành chuyền cho cành.

 

Mây trên đỉnh núi

Thông điệp đã lên tới đỉnh núi và mây trắng đã nghe. Các cháu bé lá cành trên ấy đã vẫy tay làm hiệu. Lời đại nguyện đã viết vào trang sách lớn của hiện hữu, đã biến thành nét chữ trăng sao, đã dàn trải thành mây. Những hạt nước nhỏ đã bay cao. Có ai nhốt lại được một làn sương. Ngày mai mây đọng thành mưa, năm châu bốn biển sẽ thấm nhuần thông điệp. Quê hương Phương Bối trên rừng Đại Lão, đàn bé thơ đùa trên bãi cỏ xanh non, rừng Medford trong cơn mưa Hè, giếng đạo sĩ trên đỉnh Núi Na, tảng đá tiên trên đỉnh Yên Tử, nơi nơi sáng nay đều đã tiếp thu   thông điệp.

 

Hoàng hôn trong vắt

Hoàng hôn, hoàng hôn này mới đẹp sao. Có khói có mây, có sông có nước, có cây phong bờ sông, có lửa chài thấp thoáng, nhưng tôi không thấy nhớ nhà. Tôi đang nằm giữa lòng quê hương, nhìn núi qua mây, nhìn mây qua núi. Tôi nằm trên lưng đồi nhìn phương Tây qua những rặng cây xa. Hoàng hôn trong vắt. Mỗi phút đất trời đều đổi khác. Và tôi cũng đổi khác. Phút nào cũng đẹp, phút nào cũng nhiệm mầu. Tôi dựa lưng vào sườn đồi thoai thoải. Tôi ngủ. Sự sống ca hát trong đại thể và trong từng nét nhiệm mầu. Cái một ôm lấy cái tất cả. Đỉnh núi canh chừng tôi trong giấc ngủ bình an.

Mây rủ nhau về núi. Càng lúc càng đông.
Quá khứ và tương lai không còn nữa.
Hiện tại tràn đầy.
Tôi ngồi dậy.
Tiếng tù và không còn giục giã.
Hương cỏ ngất ngây.

 

Lá tía tô

Này sư chú, sáng hôm đó thầy có chỉ cho con một cây tía tô cao lớn dưới chân đồi. Chú nghi đó không phải là cây tía tô. Cây tía tô gì mà lớn đến thế. Thầy ngắt một lá cho chú ngửi. Chú xác nhận là hương tía tô. Thầy nói với chú là thầy rất ưa hương vị tía tô, cũng như hương vị rau tần, rau mùi, rau húng, ngò gai, và những thứ rau thơm khác mọc trên đất quê hương ta. Lá tràm cũng như lá ổi, có hương và vị đặc biệt mà thầy rất ưa thích. Mỗi chiếc lá ổi, dù là một chiếc lá ổi nhỏ xíu, đều mang theo cái mùi hương đặc biệt mà ta không thể tìm thấy nơi bất cứ thứ lá nào khác. Sư chú ơi, giá như mai sau nhờ những phi thuyền liên hành tinh mà loài người chúng ta đi lập nghiệp được ở tận những hành tinh xa, mỗi khi ngửi tới một ngọn lá tía tô thì chắc chúng ta sẽ nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ trái đất chúng ta biết mấy.

Hiện pháp mầu nhiệm quá, mỗi chiếc lá có một trời hương vị, mỗi chiếc lá có một trời kỷ niệm, mỗi chiếc lá có một vũ trụ tâm vật lý đặc thù. Một chiếc lá chứa đủ toàn thế giới. Ta giật mình nhìn ra và với thái độ thành kính. Ta nghiêng mình trước biểu hiện nhiệm mầu. Ta không dám coi thường một ngọn lá nào, một hạt sỏi nào hay một làn hương nào. Giọng nói của con là giọng nói của con, không thể là giọng nói của một ai khác. Thầy nhớ năm xưa đã từng nghe giọng nói ấy của con trong một cuộn băng nhựa nhỏ xíu. Âm thanh mở ra một chân trời sáng rộng. Chân trời ấy là một thế giới của riêng nó, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai. Lại có một hôm có người bảo con đã điện thoại về báo tin cho thầy biết là con sẽ đến gặp thầy dưới chân núi. Lạ lùng biết bao. Giây điện thoại là một phát minh của con người để nối dài sự có mặt của thế giới hiện tượng. Có những hiện tượng mầu nhiệm đáp ứng lại đòi hỏi của con người về vô biên, về chân, về mỹ, về thiện. Có những hiện tượng khác lại cố tình tự khép chặt trước sự tìm hiểu của khối óc và trái tim người, cũng chỉ vì con người đã có thói quen đi vào vũ trụ bằng một vài nẻo nhỏ trong tám vạn bốn ngàn nẻo vào hiện hữu.

Này sư chú, con đã nhìn thầy sáng nay bằng hai mắt rất sáng của con. Giờ này thầy vẫn còn thấy đôi mắt ấy. Mắt con là cửa sổ để cho thầy nhìn vào nhiệm mầu của thế giới pháp thân. Con là cửa ngỏ. Con là đại diện đầy đủ cho thế giới của chân như, của hoa vàng trúc tím. Vì thầy trông thấy con nên thầy trông thấy từng hạt sỏi, từng ngọn lá, cho nên thầy trông thấy được vũ trụ và quê hương trong một đọt lá rau tần.

 

Đồi Dương Xuân

Hoa Mộc là một trong những thứ hoa quý vào bậc nhất nhì ở đồi Dương Xuân. Đồi Dương Xuân con biết không, toàn là đất sỏi đá. Chùa Tổ đã được xây dựng nơi ấy trên một trăm năm mươi năm. Những cây hoa Mộc cằn cỗi, thân và cành đầy những chiếc vảy trắng mốc thếch. Hoa trắng, hương rất ngát, chùm rất nhỏ, nằm kẹt giữa những cành xương xẩu gầy gầy, nhưng thanh tao. Hồi ấy thầy cũng bằng tuổi con. Mỗi buổi trưa, khoảng ba giờ, thầy thường hái hai ba chùm nhỏ, đủ để pha một bình trà cho sư ông. Hoa ít, nhưng hầu như là nở cả bốn mùa. Những chùm nào không hái thì khô vàng lại và rụng.

Có những sinh vật mầu vàng thẫm, nhỏ như hạt cát mịn, thỉnh thoảng ưa núp trong những cánh hoa nhỏ xíu. Chú Phùng Xuân thường rũ hoa trên mặt một tờ giấy trắng, để nếu có một vài con như thế núp trong hoa thì chúng phải văng ra. Để vào lòng bàn tay trái những chùm hoa nhỏ xíu đó, chú hay có thói đưa lên mũi ngửi. Thơm quá. Chú bỏ những chùm hoa ấy vào bình trà rồi chế nước sôi vào. Trong bình đã sẵn có một ít lá trà mới.

Vào giờ trưa, Sư Ông ưa có một bình trà như thế trên án thư. Người thường rót và ban cho sư chú một chén nhỏ, sau khi đã nhắp một lần vào chén của người. Chú kính cẩn đứng bên để hầu trà, và cũng được uống trà với Sư Ông. Đây là những giờ phút hạnh phúc lớn của cuộc đời một người đệ tử.

Những buổi trưa ở chùa Tổ rất yên lặng. Bóng mát của Đại Hùng Bảo Điện chỉ đủ để che cho hàng dài những chiếc chum bên hông dãy liêu của Sư Ông. Cửa vào Lạc Nghĩa Đường bao giờ cũng để ngỏ. Giữa sân cây khế ngọt rủ bóng che cho chiếc bể cạn và hòn non bộ. Những chiếc lá khế vàng thỉnh thoảng rụng và rơi nhẹ trên mặt nước. Hòn non bộ xưa lắm, đầy rêu phủ. Những trái khế to và nặng treo lủng lẳng. Có người nói khế này ngọt như hoặc ngọt hơn cam tàu. Thật ra khế là khế, và cam tàu là cam tàu, mỗi thứ là một vùng trời mầu nhiệm. Khế này ăn rất dòn. Khế ngon là nhờ dòn. Nó không bệu nước. Ăn một trái khế, không bao giờ ta bị nước khế làm ướt tay hoặc ướt áo. Giòn, ngọt và ráo. Cái ngọt không giống gì cái ngọt của cam hay của chuối. Đó là cái ngọt của khế. Con đang cười chú Phùng Xuân đấy, có phải không ?

Ở chùa Từ Quang có một thầy tên là Trọng Ân, một ông thầy tu thật hiền, thật đẹp. Thầy này là thi sĩ, thơ của thầy được nhiều cô nhiều chú học thuộc lòng. Bút hiệu của thầy là Trúc Diệp, nghĩa là lá tre. Tết nào thầy cũng lên chùa tổ thăm Sư Ông và thăm chú Phùng Xuân. Tết nào thầy cũng được Sư Ông ban cho một trái khế. Khế được đặt trên một cái đĩa trắng. Có cả một con dao con. Dao chỉ để gọt khía và cắt hai đầu. Rồi ta xẻ khế ra thành từng múi, cầm tay mà ăn. Không bao giờ cầm dao cắt khế thành từng lát hình ngôi sao. Khi thầy Trúc Diệp ra về, chú Phùng Xuân thường hái thêm một trái khế thứ hai để thầy ấy mang về Từ Quang, chưng trong phòng Ộcho đẹp Ợ. Trái khế này thường được hái kèm theo vài chiếc lá khế.

Ăn khế, người ta không uống trà.

 

Cây hồng quân

Khoảng ba giờ chiều, nắng còn gắt lắm. Nhưng mọi người đã đi chấp tác. Hoặc trong chánh điện, hoặc ngoài vườn sắn, hoặc trên đồi cỏ, hoặc ở thư viện. Đội lên một chiếc nón lá rộng vành, nón có đến hai mươi bốn vành, Sư Ông đi xuống hồ hoặc leo lên đồi thông, để giám sát công việc, và cũng để góp ý kiến cũng như sự có mặt tươi vui của mình vào công việc. Sư Ông chống cây gậy trúc. Sư Ông dừng lại mỗi nơi mươi phút hoặc mười lăm phút. Có Sư Ông ở đâu thì ở đấy rất vui. Có những hôm chú Phùng Xuân đi theo Sư Ông viếng thăm những gốc măng. Những đọt măng cán-giáo mạnh khỏe, trông rất ngon lành.

Hương vị của ấm trà chắc chắn đã có ảnh hưởng tới cả sinh hoạt buổi chiều của toàn tu viện. Sư chú bẻ một ít gốc măng, những nơi nào măng mọc nhiều quá, và ôm về bếp cho dì Tư kho cho buổi ăn chiều. Có khi sư chú theo Sư Ông đi hái nấm, nhất là vào những buổi sáng sau một đêm mưa.

Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư Ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy. Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối … Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô … hái ở các vườn chùa. Tuổi thiếu niên rất thèm khát, thèm chơi, thèm nghịch ngợm, thèm riêng tư, thèm những gì không chính thức, thèm những gì hoang dại. Tình bạn thời niên thiếu, nhắc lại, vẫn còn thấy thèm mãi mãi.

Thầy sẽ đưa các con tới thăm cây hồng quân bên vườn dương liễu nằm về hướng Bắc của tu viện. Cây hồng quân ấy có liên hệ với chú Tâm Mãn. Chú Tâm Mãn có hai con mắt sáng không thua gì hai mắt các con ngày hôm nay. Hai chú thường đứng chơi với nhau dưới gốc cây hồng quân này rất lâu. Chú Mãn hay leo đứng trên cây, còn chú Phùng Xuân đứng ở dưới. Chú này liệng cho chú kia những trái hồng quân chín. Hai anh em ở chơi ở vườn dương liễu hàng giờ, vào những buổi trưa nắng gắt trong khi đại chúng đang nghỉ ngơi trong liêu xá yên tịnh.

Chú Tâm Mãn, nhỏ tuổi hơn chú Phùng Xuân. Về chùa con sẽ tự nhiên trở thành chú Tâm Mãn. Và con cũng sẽ tự nhiên trở thành chú Phùng Xuân. Sẽ không có gì đi qua, và sẽ không có gì mất đi.

Gió

Cái giếng ấy xây bằng đá và nước giếng cũng mát như nước đá. Những buổi tối có trăng, tắm đã mát mà những buổi trưa hè tắm càng thấy mát. Có một cái gàu mo để múc, chỉ cần thả hai sải tay giây thừng là gàu chạm vào mặt nước. Mùa hè ngày nào chú Phùng Xuân cũng tắm, ít nhất là một lần. Có khi ba, bốn, hoặc năm lần. Như vậy là hơi nhiều, nhưng cũng tại vì nước giếng mát quá. Giếng này chỉ để dành để tắm, tưới và giặt áo. Giếng được bao vây bởi một hàng rào cây chè tàu. Mỗi khi vào giếng để tắm gội, giặt áo, hoặc gánh nước tưới cây, người ta phải lắng tai nghe để xem có ai trong giếng không đã. Cảnh chùa rất thanh tịnh, thành ra cách đó mấy chục thước ta cũng nghe được tiếng gàu mo và tiếng nước róc rách chảy từ thành giếng xuống dưới giếng. Phải đợi người ở trong đi ra, mình mới được vào. Hai chú Tâm Mãn và Phùng Xuân không theo thông lệ ấy. Đứng ở ngoài xa, chú Mãn lên tiếng la lớn : ỘEm vào tắm cho vui, được không ? Ợ

Để giặt áo quần, bên giếng có một cái chậu bằng đá. Chậu có một cái lỗ nhỏ tròn bằng ngón chân, có thể được bít lại bằng một cái nút. Cái chậu bây giờ chắc không còn ai dùng nữa, nhưng vẫn còn đó. Con có thể thấy được sư chú Phùng Xuân đang giặt áo trong cái chậu này. Để lấy nước uống và nấu ăn, các chú chỉ dùng giếng Thượng phía trên. Giếng Thượng có nắp đậy. Nước mà các chú dùng để nấu trà được lấy từ giếng này. Nước này pha trà ngon lắm. Có một cái chum nhỏ bằng cái ché Thượng, có đậy nắp gỗ, trên gác một cái gáo nhỏ xíu, đặt gần chiếc bếp pha trà trên đường lên nhà Hậu. Chú Phùng Xuân mỗi buổi sáng dậy sớm nhúm bếp, nấu nước sôi và pha trà cho Sư Ông và các thầy trong cái bếp nhỏ xíu này. Mùa Đông đứng nhúm bếp lạnh cóng cả tay chân. Chú chỉ mong cho lửa mau cháy để được sưởi hai bàn tay cho đỡ cóng. Trong bếp lúc nào cũng có những bó gỗ thông nhỏ xíu có nhựa thông để nhúm bếp cho mau cháy. Những bó này được dì Tư mua từ ngoài chợ An Cựu. Cái bếp nhỏ xíu này chỉ hoàn toàn được dùng để nấu trà buổi khuya mà thôi, tuyệt đối không được dùng vào việc gì khác.

Chừng nào con về thầy sẽ đưa con đi thăm mộ dì Tư, thăm chùa Diệu Nghiêm, thăm Tàng Tháp, thăm Lăng Viện. Còn nhớ một hôm thầy đang đưa một nhóm sinh viên trường đại học Huế lên thăm Lăng Viện thì trời nổi gió. Càng lúc gió càng mạnh. Trời còn rét lắm. Thầy đưa các vị vào đứng bên trong lăng để tránh gió. Nơi ấy kín gió thật, nhưng tiếng gió rít lên từng hồi trên các ngọn thông đã trở nên thứ âm thanh dữ dội trấn ngự cả đất trời hôm ấy. Gió quá, gió quá, và ai cũng ao ước được đứng vào một nơi không có gió. Sau đó thầy đã đưa mọi người về ngồi sưởi ấm thật lâu trong nhà bếp.

Trái bùi và trái dầu sở

Vào bữa cơm đầu, thế nào con cũng được các sư chú đãi ăn trái bùi. Những trái bùi màu tím, ngâm tương, mịn màng. Con có thể dùng ngón tay gỡ hạt bùi ra, bẻ bùi thành từng mảnh, dầm vào chén tương. Có thể sư chú đã đem bùi kho với chao. Con ăn sẽ ngon miệng và sẽ tốn nhiều cơm lắm. Chùa Tổ có rất nhiều cây Bùi. Năm nào đến mùa bùi, các sư chú cũng hái và đem bùi đi cúng dường các chùa lớn trong vùng. Điều này đã trở nên tục lệ. Các chùa Tây Thiên, Thuyền Tôn, Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Mụ, Tường Vân … chùa nào cũng được hiến cúng từ ba trăm tới năm trăm trái bùi. Chùa nào chưa nhận được bùi thì hay  Ộbắn tin Ợ tới hỏi. Một hôm chú điệu Phú đi ra đường gặp một thầy bên chùa Trúc Lâm. Thầy hỏi thăm :  ỘChùa năm nay hái bùi nhiều không ? Sao không thấy đem qua một ít ăn chơi ? Ợ Ấy, trái bùi thật là  quý giá !

Hồi ấy chú Phùng Xuân hay tự hỏi không biết tại sao các chùa không trồng cây bùi lấy. Có lẽ trồng bùi phải đợi mấy chục năm thì cây mới có trái. Chùa Tổ có khoảng mười cây. Cây nhiều trái nhất là cây ở phía sau góc Tây Đường và Hậu Đường. Cây mọc trên đất cao, thân cây thẳng băng và tàng cây rất đẹp. Rồi đến cây ở bên tháp của Hòa Thượng, không xa cây ngọc lan bao nhiêu. Cây ở gần chuồng bò, không xa cây dầu sở, cũng lớn lắm. Chắc con chưa được nghe thầy kể về cây dầu sở. Vào thời chiến tranh, có khi trong tu viện không có dầu ăn. Các chú phải đi nhặt những trái dầu sở, đập vỏ, giã nhỏ ra để nấu canh mít và để làm những món ăn khác cần có một ít chất dầu. Nướng trái dầu sở rồi đập ra ăn cũng béo lắm, nhưng, con hãy xem chừng, ăn nhiều có thể đau bụng.

 

Chú chí chù chì

Năm 1964, sư chú Nhất Trí, sư anh của con, đã cùng đi với thầy trong chuyến cứu trợ nạn nhân bão lụt ở miền Thượng lưu sông Thu Bồn. Chuyến đi cứu trợ đầy hiểm nguy, vì chiến tranh hồi đó đã trở nên ác liệt. Cả hai phía lâm chiến đều có mặt trong vùng. Sư chị Chân Không của con có mặt trong chuyến đi ấy. Những chiếc áo nâu mỏng, những bàn chân trần không guốc không dép, mọi người bước những bước chân chánh niệm trên miền đất cứng Cà Tang, Sơn Khương, Khương Bình, Sơn Thuận và Tư Phú … Trên sông súng bắn rào rạt từ hai phía đến nỗi có lúc sư chú Nhất Trí đã nhảy xuống dòng sông. Sư chú viết thư, nét chữ giống hệt như nét chữ của thầy, nếu có đọc con cũng không phân biệt nổi. Sư chú đã có mặt trong những công tác đầu của các Làng Hoa Tiêu, đưa tới sự thực hiện những làng Tự Nguyện trong phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Đó là những năm 1964 – 1974.  ỘEm ra ngoài đồng, em thấy một con trâu … Ợ  là câu đầu một trong những bài hát chú sáng tác cho các bé thiếu nhi ở Làng Thảo Điền. Sư chú đã dạy ở trường Chim Sơn Ca ở Làng Cầu Kinh và đã  Ộthường trú Ợ tại địa điểm công tác tại Làng Thảo Điền trong nhiều tháng liên tiếp. Các bé trong làng thường gọi sư chú là  Ộchú Trí trụ trì Ợ, giọng đớt thành ra  Ộchú chí chù chì Ợ. Sư anh của con là tác viên xã hội kiểu mẫu. Sư anh đã để hết trái tim của mình vào lý tưởng phụng sự. Một hôm đi trên đường phố thủ đô, sư anh bị một người lính Mỹ đứng trên một chiếc xe nhà binh nhổ nước bọt vào đầu. Người lính này bị guồng máy chiến tranh tuyên truyền, đã nghĩ rằng các vị tu sĩ Phật giáo đều là các người cộng sản đội lớp thầy tu. Đêm ấy sư anh về khóc. Thầy phải ôm sư anh trong tay đến hơn nửa tiếng đồng hồ. Sư anh đã mất tích trong một chuyến đi công tác giúp đồng bào. Thầy và các bạn đã chờ đợi sư anh suốt mười lăm năm, nhưng sư anh vẫn chưa thấy về. Con hãy gọi tên sư anh con đi.

Sư cô Chân Không mỗi khi ra dạy ở trường Đại Học Khoa Học Huế thường ghé về chùa Tổ lạy Sư Ông và xin ở lại chùa. Cố nhiên các sư chú đã đem trái bùi và chao kho để thết đãi. Sư Ông rất hoan hỷ mỗi lần sư chị ra Huế. Một gói chà là, một đòn mì căn, một chai mật ong, để cúng dường sư ông. Và một chiếc kính hiển vi để các sư chú nhỏ xíu châu đầu vào nhau tập quán sát. Thấy các sư chú nói cười hoan hỷ, Sư Ông cũng đã đến ngồi chung với các sư chú và cũng đã ghé mắt nhìn vào ống kính. Thấy một sợi râu bắp lớn bằng một sợi giây thừng, Sư Ông cũng cười lên khanh khách, không khác gì một chú điệu nhỏ. Già trẻ cùng một ánh mắt. Cảnh tượng mới mầu nhiệm làm sao. Tại sao giữa hai thế hệ có bao nhiêu năm tháng mà lại không hề có sợi tơ sợi tóc phân chia ?

Chừng nào về chùa, con cũng sẽ còn thấy Sư Ông đội chiếc nón rộng vành lên xuống con đường hồ bán nguyệt. Mỗi khi thầy đi xa về, Sư Ông thường dương mắt nhìn thầy một hồi khá lâu để tin chắc vào tri giác của mình rồi mới bắt đầu tỏ lộ sự vui mừng. Sự vui mừng rất trẻ con, rất trong trắng, rất hồn nhiên. Thầy rất biết ơn sư chị Chân Không đã chăm sóc Sư Ông cho thầy trong những ngày thầy bôn ba vắng mặt.

 

Con nghé nhỏ

Có những buổi chiều ngồi nhổ cỏ dưới hồ bán nguyệt, chú Phùng Xuân nghe tiếng tụng kinh công phu của chú Tâm Mãn từ Đại Hùng Bảo Điện vọng xuống. Giọng chú trong và vang như tiếng chuông đồng.

Chú ngồi bên hồ, chăm chú lắng tai nghe. Cho đến khi bóng tối phủ đầy, chú vẫn chưa chịu đi xuống bậc hồ để rửa tay. Khung cảnh mầu nhiệm lạ lùng.

Trăng núi đồi Dương Xuân sáng quá.

Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ.

Nhưng thơ không phải chỉ là ánh trăng. Con cũng đã biết như thầy là chất liệu làm nên thi ca cũng là cảnh bùn lầy nước đọng, cũng là bão lửa giữa hư không, cũng là mái tranh nghèo chờ đợi ven sông, cũng là mái chèo của đoàn người cứu trợ, cũng là hiểm nguy xông pha, cũng là hoa vàng trúc tím và chân như bản thể. Giọng tụng kinh trong sáng và hùng vĩ như tiếng chuông đồng kia còn mãi mãi trong thầy; thầy sống với nó, sống trong nó, và nó sống trong thầy. Chú Tâm Mãn giờ đã thành người lớn. Thầy cũng đã thành người lớn. Nhưng về lại chùa Tổ các con vẫn có thể gặp lại hai chú trong dáng dấp bản môn. Ngày xưa ở chùa Tổ, không ai có được một cái máy thu thanh nhỏ để thu lại tiếng tụng kinh thanh tao và kỳ diệu của chú Tâm Mãn. Nhưng không phải vì vậy mà tiếng ấy đã mất. Tiếng đó vẫn còn, chú Tâm Mãn vẫn còn, chú Phùng Xuân vẫn còn, chỉ vì lý do là con đang có mặt.

Con có thấy không ? Con, chú Mãn cùng với chú Xuân đang đuổi nhau chạy như bay trên sườn đồi. Xung quanh là cỏ non và thông xanh tháng tư. Xa xa là rừng cây. Dưới đồi là con sông nhỏ uốn mình. Những cặp chân trần, không giép, không giày, không guốc. Những đứa trẻ chạy như bay. Và kìa, có một con trâu con. Thấy ba người trẻ chạy, con trâu con cũng vùng chạy. Con nghé nhỏ đuổi theo chúng ta chạy về phía mặt trời. Về phía mặt trời …

Bóng của ba người đang in trên nền hoàng hôn sáng rực.