Chương 2: Hạt giống nhìn sâu

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không


Con gái không được học cao, và người lớn được quyền đánh người nhỏ!

Chị Bê tuy lớn hơn tôi hai tuổi nhưng học yếu hơn bé Chín (là tôi) nhiều, bé Chín phải dạy kèm lại chị. Đến năm 18 tuổi chị Bê và anh Nhã, anh chàng hàng xóm nhà tôi yêu nhau và ba má tôi đã làm lễ vu quy cho chị, tặng chị nữ trang làm của hồi môn như là lo cho con gái của mình. Lên trung học, tôi may mắn được nhận vào trường Marie Curie và rời thành phố Bến Tre hiền lành lên Sài Gòn ở nhà người chị ruột là chị Ba. Noi gương ba mẹ, chị Ba và anh Ba đã cho tôi nương náu tại nhà anh chị để đi học mà ba má không phải trả đồng nào. Tôi may mắn được học lên trung học trong khi chị Cả là chị Hai của tôi – đảm đang và gương mẫu nhất trong gia đình, vốn là học sinh xuất sắc nhất lớp mà không được tiếp tục học lên trung học, tiếp tục con đường học vấn. Gia đình tôi và cả xã hội hồi đó bị ảnh hưởng Khổng giáo rất nặng. Hai điều mà Khổng giáo cho là “tiêu chuẩn mẫu mực” thì tôi đều không phục và bất tuân. Tiêu chuẩn thứ nhất là: Phụ nữ phải tòng chồng, không cần học hành chữ nghĩa chi cho nhiều. Phụ nữ đi học vô ích. Đi học là để có nghề nuôi thân và nuôi con, phụ nữ chỉ học công dung ngôn hạnh thôi, tất cả việc còn lại thì để chồng lo và nuôi! Vì thế ba má tôi tính toán kỹ, với số lương của ba, chắc là chỉ đủ tiền cho hai người con trai đi học lên cao là anh Tư và anh Sáu thôi. Bảy người con gái chỉ nên học để biết viết, biết đọc, và làm toán, biết tính sổ sách cho gia đình, xong Certificat d’Etudes Primaires là đủ. Vì thế học xong tiểu học, tuy là chị Hai tôi đứng đầu lớp, ba má vẫn giữ chị ở nhà. Chị đã khóc rất nhiều nhưng cũng phải ở nhà thôi. Tiêu chuẩn Khổng giáo thứ hai là: Thượng áp hạ. Người sinh ra trước khôn ngoan hơn, người nhỏ phải tuân theo, không có quyền cãi lại. Tôi không tin đều đó là đúng. Bởi vì rõ ràng, chị Tám tôi, hơn tôi ba tuổi thật đấy, nhưng đâu có giỏi gì hơn tôi, có khi còn làm sai lầm lớn, bị má và chị Hai phạt nữa. Thế mà mỗi lần có sự bất đồng ý kiến giữa chị và tôi, chị đều nói: Em im miệng, thượng áp hạ, em phải nghe lời chị, không nghe chị đánh. Tôi nói: Chị nói sai, em mới đúng, em không im. Chị bảo: Em phải làm theo, hoặc là em im cái miệng của em lại, không nghe chị sẽ đánh. Tôi nói: Em đúng, em không làm theo chị, em không im. Thế là chị Tám tát vào mặt tôi một cái đau điếng, tôi không đánh lại nhưng tôi nói: Ỷ lớn ăn hiếp người nhỏ, em không phục, em không làm theo, em không im. Thế là chị tát vào mặt tôi thêm lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm. Tuy tôi không đánh lại nhưng lần nào tôi cũng nói: Không phục, không sợ, không im. Chị cứ đánh túi bụi, tôi không đánh trả, nhưng cứ nói một cách hùng tráng: Em không phục, không sợ, không im. Cho tới khi bị đánh đau quá, tôi chịu hết nổi, bỏ chạy vừa la lớn: Em không phục, không sợ, không im! Câu chuyện đến tai má và chị Hai. Ai cũng theo đúng tiêu chuẩn Thượng Áp Hạ nên tôi vẫn thua, nhưng trong lòng tôi không phục cái khuôn thước nào đó mà cả nhà tuân theo như khuôn vàng thước ngọc. Và tôi vẫn tin là mình có cái thấy sâu sắc, mình đi đúng đường. Rất nhiều lần tôi bị đánh như thế bởi vài người lớn khác, tuy không cãi lại nhưng tôi vẫn tin là mình đúng. Hai mươi năm sau, cả nhà mới biết là tôi đi đúng đường. Và cả đại gia đình đều thừa hưởng cái sâu sắc bao dung đẹp đẽ của con đường tôi đi. Chắc chắn là trước khi biểu hiện trong bụng má, tôi đã mang theo tàng thức của ông bà nhiều kiếp trước, có những tính khí khác tám người con khác của ba má. Chắc chắn là tôi nhận được rất nhiều hạt giống cách mạng và hạt giống tu học.

Nhìn sâu và tại sao?

Các chị khác như chị Ba, chị Năm, chị Bảy, chị Tám cũng không được ba má cho học lên trung học nhưng bù lại thì ba tôi cho các chị đi Sài Gòn, theo một trường tư nhân, học nói tiếng Pháp – chỉ sáu tháng thôi. Riêng tôi, được trường Marie Curie chấp nhận sau khi xem học bạ tốt bên trường Tiểu Học Bến Tre. Ở Trung Học Marie Curie, tôi đã luôn luôn là một trong năm người đứng đầu lớp. Mỗi tháng bà hiệu trưởng người Pháp mặc áo costume-tailleur thật sang trọng, đi giày cao gót cộp cộp thật oai vệ, theo sau là ông giám học và một vài phụ tá đem “tableau d’honneur” màu đỏ chói đến gọi tên năm học trò học giỏi nhất lớp lên nhận. Không tháng nào là tôi không có tableau d’honneur. Trường này không phải đóng tiền học như các trường tư thục khác và chỉ gồm những người con nhà giàu. Tôi cũng không có tiền túi ăn quà nhiều như các cô gái sang trọng kia, và đã đứng nhìn các cô gái nhà giàu ăn kem Eskimo – kem sữa trắng bọc một lớp sô cô la mỏng và dòn – 5 đồng một cây – xem họ như thuộc thế giới khác. Mỗi sáng tôi chỉ xin 2 đồng mua bánh mì cặp chả mà ăn. Mì nước, phở, hủ tiếu hay kem Eskimo giá đến 5 đồng mới có ăn. Tôi không muốn xài tiền của ba tôi nhiều hơn số tiền ăn sáng tối thiểu của một học trò nhà nghèo (như là mỗi sáng một củ khoai lang ngày xưa). Xa nhà, có dịp tiếp xúc nhiều và đủ tuổi để quán chiếu, nhìn sâu hơn, tôi đã bắt đầu manh nha trong tâm nhiều tư tưởng “cách mạng” từ lúc mười hai mười ba tuổi ấy. Vì tôi ở xa mà học giỏi nên ba tôi dặn chị Ba giữ một số tiền để tùy tôi sử dụng khi cần. Ba tôi tin tôi đủ tinh thần trách nhiệm sẽ không phí phạm, có thể sử dụng đúng mức những số tiền cần xài cho việc đi học trung học của tôi. Và tôi đã xứng đáng với niềm tin ấy, không bao giờ lấy tiền đó ăn sáng, mua bì bún hay hủ tiếu ăn như ngày xưa tôi đã từng ước mơ! Những giấc mơ ăn ngon đó tôi muốn cống hiến cho các em bé nhà nghèo, chưa bao giờ được ăn nguyên một đĩa mì, một tô hủ tiếu ngon, ở các hiệu ăn nổi tiếng mà các em chạy quanh tìm cách xin đánh giày để có tiền đem về cho mẹ.

Ba tôi thường đi Sài Gòn do sở Công Chánh đặc cử để mua xi măng, gạch ngói cho các công trình xây cất của sở cho tỉnh nhà. Mỗi lần từ Bến Tre lên Sài Gòn như thế, ba tôi hay ở lại đêm, sáng hôm sau mới về lại Bến Tre, tối đến ba tôi rủ cả nhà đi chơi. Những tối như thế ba tôi hay mời cả nhà đi ăn nhà hàng, ăn mì xào dòn hay xào mềm, mì nước, hoành thánh ở đường Nguyễn Tri Phương hay hủ tiếu Nam Vang ở Chợ Cũ… Có khi thì cả nhà kéo nhau đi ăn chả giò ở đường Chaigneau, ăn phở chín ở đường Turcq, phở tái ở số 79 đường Võ Tánh, khi thì ăn cơm gà luộc ở chợ An Đông… Sau đó ghé vào chơi ở Đại Thế Giới, có ngồi loại xe điện để trẻ con ngồi lái, chạy đụng nhau cho vui… Đi một vài lần cho ba vui nhưng tôi không cảm thấy thoải mái trong không khí ăn chơi đó. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi, tôi thấy có cái gì bất công trong cách sống của mọi người. Tôi không muốn bị cuốn vào guồng máy đó. Những câu hỏi như: Tại sao tôi lại được đi học, có cơm ăn, có tiền xài trong khi nhiều em bé còn nhỏ đã bị đánh đập, bắt đi làm thuê, bán báo, đánh giày, ở đợ và không được đến trường? Có khi thiếu ăn quá, đói, các em phải ăn cắp, bị bắt và đi tù. Tại sao? Tại sao?

Kèm trẻ để có tiền tự túc

Tôi bắt đầu im lặng từ chối theo ba và các anh chị lớn đi ăn tiệm mỗi tối khi ba lên Sài Gòn, tôi viện cớ bận làm bài thi v.v.., nhưng thật ra tôi đã làm xong bài từ buổi trưa. Buổi chiều tôi tìm cách xin đi kèm trẻ về toán và văn để có thêm tiền túi. Tiền làm ra tôi mời các cháu đánh giày vào tiệm, đãi chúng ăn thỏa thích, một tô mì nước, một đĩa mì xào dòn có tôm, mực, thịt bò v.v… và dĩ nhiên, tôi cũng ngồi thưởng thức chung với các em các đĩa mì ước mơ bằng tiền tôi làm ra, bằng lao tác kèm trẻ. Mỗi em được đãi hai món mà em thích. Một hôm tôi có ý định đi thăm nhà các em, tôi hỏi: tại sao em không được đi học? – Tại mẹ em nghèo không đủ nuôi thân làm sao nuôi em và các em em. Ba em đâu? – Ba bỏ mẹ rồi v.v… Tại sao tôi thương được mấy bé này mà ba nó bỏ nó? Cái đầu của tôi có nhiều câu hỏi không được giải đáp. Tôi vẫn đi học – điểm khá cao – vẫn đi kèm trẻ để có tiền cho các em đánh giày đi ăn tiệm mà chưa tìm ra được giải pháp.

Những áng mây màu

Tôi đã đến tuổi mộng mơ. Mỗi lần nghỉ hè về quê, nhân dịp anh Bảy hay anh Năm đàn cho hai chị hát, có anh Phú ở gần nhà anh Năm, cũng hay đến nhà chơi. Có khi anh Phú rủ cả nhóm trẻ đạp xe đạp đi cùng khắp các vùng quê quanh thị xã. Tôi rất ưa những cuộc du ngoạn bằng xe đạp ấy. Anh Phú rất yêu tiếng hát của tôi vì anh đàn Mandoline thật tuyệt. Đợi khi không có ai đứng gần anh nói khẽ vào tai tôi: Tiếng Phượng hát mỏng như tơ, rung nhè nhẹ… thật dịu dàng, anh muốn được nghe Phượng hát suốt đời… Mỗi khi nhà có dịp họp mặt người trẻ thì lúc nào anh Phú cũng nhìn tôi tha thiết năn nỉ tôi hát. Một hôm anh viết thư cho tôi, xin tôi cho phép được thương tôi như người bạn đời, và muốn xin cha mẹ anh đi tới xin làm đám hỏi thôi, rồi khi nào tôi lớn hơn và học xong mới làm đám cưới. Trời! 16 tuổi mà đeo nhẫn hỏi… Sao lạ vậy? Tôi làm như chẳng nhận được thư và luống cuống tìm cách tránh mặt anh ấy luôn. Trong nhóm bạn trẻ đến chơi nhà tôi vào mùa hè có Tuấn con bác sĩ Mãnh ở Bến Tre cũng thương tôi. Tuấn tuyên bố khiến nhiều bạn trẻ trong tỉnh đều biết là Tuấn thương tôi. Ngày nào chàng cũng tìm cách tới nhà, nói chuyện tầm phào và rủ tôi hát vì Tuấn đàn guitare espagnole hay lắm, nhưng tôi thì chỉ thích đạp xe đi chơi, nên Tuấn cũng phải đạp xe đi theo thôi. Tuấn, Phú, anh Rép, anh Nhứt, anh Nhì, chị Tám, em Mười và tôi… có khi đạp xe đạp đi vào một chùa quê xa tận Cầu Gò Đàn, có khi đi về phía bắc Hàm Luông về tận Mỏ Cày vào mỗi dịp hè, khi tôi về Bến Tre chơi hai tháng. Lên lại Sài Gòn, nhiều lần Tuấn tìm cách đến thăm tôi ở Sài Gòn nhưng tôi xin lỗi vì quá bận học và không tiếp. Sơn – Hoàng Xuân Sơn – em nuôi chị Tám, bạn anh Rép cũng hay tới chơi ở Sài Gòn. Sơn có viết nhiều bài thơ tặng tôi. Nhưng khi bước chân lên Sài Gòn, thì giờ của tôi là để học, để xứng đáng lòng tin cậy của ba má. Ham học và có nhiều ưu tư khác trong cuộc đời nên tôi tránh Sơn mãi, làm như chưa bao giờ nhận được bức thư nào của Sơn cả.

Hay tin quê nội đã bị bom đạn hoang tàn tôi thương nhớ và tập tành viết văn tiếng Việt, lúc này tôi học Marie Curie, nói tiếng Pháp cả ngày, nên thèm viết tiếng Việt. Mỗi tuần tôi viết một bức thư cho Hồ Hải Trân là để có dịp tả cảnh quê An Định của nội tôi cho các bạn người miền Bắc mới di cư vào Nam nghe. Hồ Hải Trân nhỏ hơn tôi hai tuổi, em họ của Yên và Thoại là bạn cùng lớp ở Marie Curie và xin làm em nuôi của tôi. Trân thương tôi như chị ruột. Hai chị em trao đổi thư từ bằng cách viết văn tả cảnh thật mượt mà đồng quê miền Nam và miền Bắc – tôi rất tiếc đánh mất những mẩu văn tả cảnh quê này, hình như hay lắm. Lúc này tôi bị ảnh hưởng văn của nhà văn Lưu Thị Hạnh, đọc bài văn mà nghe như có âm nhạc. Sau này khi liên lạc để giúp văn nghệ sĩ miền Bắc tôi mới biết Lưu Thị Hạnh là Hồ Dzếnh, nhà thơ làm những bài thơ lãng mạn như Chiều và những bài đượm tình quê hương như Người Con Gái Việt Nam, mặc dù ông là người Minh Hương – lai Trung Hoa. Tôi tả cho Hồ Hải Trân nghe cảnh sông nước An Định, nhánh bần gie trên sông, đom đóm đậu chớp chớp thâu đêm, tả những vườn dừa xanh um, những ruộng lúa vàng ươm, mặt trời lặn trên cánh đồng thơm mùi lúa chín. Còn Trân thì tả cho tôi nghe con sông Thương nước chảy đôi dòng, sông Tô Lịch, sông Hồng. Mùa Hè có khi Trân về Bến Tre thăm tôi và ở chơi cuối tuần với một người bạn cùng tuổi tên Bùi Ngọc Đường, tôi cũng xem Đường như em. Không ngờ Đường làm ba chục trang thơ tặng tôi, vừa vẽ vừa viết và hay ôm đàn hát cho tôi bản nhạc: Em đến thăm anh một chiều mưa. Tôi vô tình chẳng để ý. Một hôm Yến, Thoại, Yên và Dung ở Marie Curie, cười phá lên khi đọc 30 trang thơ mà Bùi Ngọc Đường tặng tôi vì trong đó nói rõ Đường đã tương tư Như Kiều. Khi đọc 30 trang thơ đó, tôi tưởng cậu ta cũng “viết tiểu thuyết” theo lối hai chị em tôi và Trân viết cho nhau, tả Như Kiều ngọt ngào ngây thơ ra sao. Đầu trang lưu bút thì Đường chỉ biên: Bùi N. Đường thân tặng người chị thân thương NKCNP. Tôi bỏ vào một xó vì quả thực là không có thì giờ để mà đọc. Năm đó tôi thi Tú Tài và vì sắp rời trung học Marie Curie nên tôi trao tập Lưu Bút cho các bạn cùng trường viết lưu niệm. Vì thế nên các bạn mới khám phá ra điều ấy. Thoại cười lớn: NKCNP là Như Kiều Cao Ngọc Phượng! “Toi”(bồ) ngu quá! Tôi đem ra phàn nàn với Trân, em Hồ Hải Trân và tôi giận Đường quá, nghỉ chơi với Đường luôn.

Dì Sáu tôi đã ly dị với dượng tôi vì ông hoàng Ưng Lê có nhiều vợ lẽ, nhiều cô hầu quá. Dì dọn nhà về ở Nha Trang, nhưng mỗi khi vào Sài Gòn thì hay đi thăm chị chồng, bà công chúa Công Nữ Dung Thơ. Bà có ba người con trai, người nào cũng thích mấy chị em chúng tôi. Anh Tùng rất yêu chị Tám, nhưng chị Tám đã chọn anh Ngôn rồi và ba má chúng tôi đều thương quý anh Ngôn nên anh Tùng không cưới được chị Tám. Anh buồn lắm nhưng tôi không muốn giúp anh vì tôi cũng không thích anh Tùng; nghe nói anh thường đi tiệc tùng khiêu vũ luôn. Em trai anh Tùng là Khá. Khá rất hiền, rất tốt, rất hiếu đễ với mẹ. Trong khi các anh khác đi khiêu vũ hết party này đến party kia thì anh Khá sau khi đi học về, chỉ ở nhà với mẹ. Từ khi quen tôi Khá ưa đem sách tới nhà tôi để tặng, hoặc cho tôi mượn sách hay. Khá không tỏ tình yêu tôi bằng lời mà chỉ bằng ánh mắt và cử chỉ. Ví dụ như biết tôi siêng học, Khá đã mua cho tôi tất cả những sách giải toán, lý và hóa và mỗi chiều thứ năm hay đến tận trường đón tôi cùng về nhà, rồi vào nhà của cậu tôi (tôi được cậu Bảy cưu mang cho ở miễn phí từ năm sắp thi Brevet d’Etudes du Second Cycle) để cùng làm bài giải toán. Khá ngồi cả buổi chiều giải chung những bài lý rồi hóa. Nếu làm không ra thì đem bài giải của sách ra mà xem. Chuyện học hành thì Khá đã ủng hộ tôi hết lòng. Khá còn đòi đi học Dược – dùm tôi – vì ba tôi rất mong có một người con làm dược sĩ mà tôi thì không thích học Dược chút nào. Nhưng Khá rất lơ là những ưu tư của tôi về những bất công xã hội, những câu hỏi đã xoay nhiều đêm nhiều ngày trong cái đầu bé nhỏ khá cứng của tôi. Tại sao? Tại sao mình được sinh ra như vầy, người kia bị sinh ra như kia v.v.. Mỗi chiều thứ năm, Khá đón tôi đi học về, có khi Khá rủ tôi đạp xe xa hơn, vòng quanh những con đường im mát, dưới những hàng me xanh sau trận mưa hè. Có khi Khá mời tôi ghé ăn một đĩa bánh nậm và bánh bột lọc ở một tiệm “các món ăn Huế’’ ở Tân Định. Sau đó mới đưa tôi về nhà, vào nhà làm toán chung, giải năm ba bài toán hay lý hay hóa rồi về. Chiều thứ bảy tôi lên xe lửa về Bến Tre thăm gia đình, Khá đưa tôi ra tận bến xe lửa để về quê. Tuần thứ hai đưa tôi ra ga, anh chàng theo lên tàu hỏa luôn và đưa tôi về tận Mỹ Tho, đưa qua phà Rạch Miễu rồi mới trở về lại Sài Gòn. Chẳng bao giờ chúng tôi nói yêu nhau, nhưng cả hai nhà đều biết. Tình yêu rất trong sáng và lễ độ trong sự quý mến nhau. Thỉnh thoảng, sau khi đi thăm các trẻ em đường phố nghèo gần nhà Khá, tôi có ghé lại nhà Khá thăm mẹ của Khá – gọi theo chị Công Tôn Nữ Diệu Minh là chị con dì Sáu của tôi – xin uống miếng nước và… thăm Khá. Bà cụ mẹ chàng rất thương và nhất định bắt tôi ăn trưa với bà và Khá. Lần đầu tiên tôi quán sát các thức ăn truyền thống theo lối Huế. Món nào cũng có chút xíu thôi, rất khéo. Một mâm cơm có hai mẹ con mà đến sáu món: một đĩa rau thơm và ớt xanh, một đĩa tôm tươi kho rim mặn, măng xào thịt bò, một đĩa su xào, một đĩa gỏi xúc bánh tráng nướng và một tô canh cải nấu gừng… Đĩa tô nào cũng nhỏ xíu, mới gắp một đũa (theo lối Nam) là đã hết!

Khi học triết học với giáo sư triết, Madame Simon, bà cứ giảng sự tiến hóa của tư tưởng triết học Tây phương và cuối cùng chấm dứt bằng tư tưởng của Karl Max là hay nhất. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi, tôi nghĩ: Chắc là thuyết Marxisme mới giải quyết được những cái thấy bất công mà tôi chưa nghĩ ra được lời giải. Tôi đem hỏi Khá nghĩ sao? Khá không tha thiết, không màng gì đến những ưu tư bất công xã hội của tôi. Sau này khi học Phật tôi mới biết Thương mà không Hiểu thì tình thương sẽ không bền. Khá yêu tôi nhưng suốt thời gian yêu chỉ chiều chuộng mà không thật sự hiểu tôi. Tình yêu đó không được nuôi dưỡng bằng lý tưởng thì cây tình yêu trước sau gì cũng sẽ chết. Vì lẽ đó mà cuối cùng thì chúng tôi cũng phải chia tay thôi. May mắn là chưa đi tới hôn nhân nên chưa phải làm khổ đến họ hàng và con cái. Tôi quán chiếu thấy rằng, Khá có đẹp trai thật, khá hiếu đễ và đang học dược để làm vui lòng ba tôi thật, mẹ Khá và cả gia đình cũng thương quý tôi thật, Khá chiều chuộng tôi hầu hết những gì vật chất mà tôi thích, nhưng Khá không ngó ngàng gì đến niềm thao thức của tôi thì tình yêu sẽ chết dần thôi. Sau này học Phật tôi được Bụt nhắc quán chiếu để thấy mọi sự mọi vật đều vô thường, đều đổi thay từng phút từng giây, thì tình yêu cũng vô thường cũng đổi thay. Nhưng có những cặp vợ chồng mà tình yêu họ đổi thay nhưng càng ngày càng sâu thêm, bền thêm, quý mến thêm. Nếu tình yêu không lớn thêm thì tình sẽ dừng lại rồi sẽ chết.

 

Cao Ngọc Phượng lớp 12 Marie Curie (hàng đầu, người  thứ hai)


Gặp Thầy, gặp Bụt, tìm ra con đường

Năm đó tôi vừa đậu xong Tú Tài 2, tốt nghiệp Trung Học Marie Curie và chuẩn bị vào Đại Học. Vừa về tới Bến Tre, tôi hết sức ngượng khi nghe ba má báo tin đã đặt một con heo quay để đãi xóm giềng về cô Tú đầu tiên của gia đình họ Cao! Hôm đậu bằng Brevet Ba đã mua nguyên một con heo con quay rồi! Ba nói: Chuyến này con về Bến Tre, ba muốn con đi quy y với thầy Huyền Vi. Thầy giỏi lắm, không phải như mấy ông “thầy cúng” dưới quê mình đâu con. Hai thầy – thầy Huyền Vi và thầy gì đó, ba quên tên, tốt nghiệp Phật Học Đường Ấn Quang, giỏi vô cùng. Nhà mình đạo Phật mà không biết gì về Phật hết. Hồi này tôi chưa biết giáo lý của Phật nên chưa biết là ba tôi làm ngược lời Phật dạy: giết nguyên một con heo chỉ vì con gái mình đậu Tú Tài! Thời nay, người trẻ đậu tú tài rất đông, có gì lạ đâu, nhưng hồi thời của tôi thì trong tỉnh chỉ có mình tôi là con gái mà đậu tú tài! Nhà có xe hơi để đón tôi mỗi tuần từ phà Rạch Miễu về nhà nhưng ba tôi rất thích đi xe đạp, đạp đi đâu ba tôi cũng khoe: Con gái thứ chín của tôi mới đậu tú tài hai, sắp lên Đại Học! Ba nói với bác Đốc Trinh, bác sĩ Trần Quế Tử, cụ giáo Mạnh, cụ giáo Tròn, thầy giáo Dân, cô giáo Điềm, cô Lan… mời anh hay mời cô đến nhà chúng tôi mừng cho cháu! Tôi mắc cỡ chạy trốn mất ngày các cô bác tới ăn tiệc.

Tối nay cơm nước xong, mà cũng là ngày thứ bảy, có hai vị sư từ Phật Học Đường Ấn Quang về giảng đạo, ba muốn cả nhà cùng đi nghe. Ba má nói: “Thầy Huyền Vi là đệ nhứt giảng sư miền Nam đó con. Thầy chỉ mới nói vài câu là thiên hạ cười rộ, thích thầy lắm!” Tôi đến nghe và thấy thầy giảng cũng được được, hơn các ông thầy cúng ngày xưa nhiều. Cuối buổi giảng ba đem tôi lên giới thiệu con gái đỗ tú tài của ba với thầy! Tôi đặt vài câu hỏi về những ưu tư của tôi về bất công xã hội. Thầy Huyền Vi trả lời suông qua những điều Bụt dạy nhưng không làm tôi hài lòng, tôi hỏi tiếp những câu khác, thầy nói: Thầy bận, con đi vào hỏi ông thầy kia. Xem cách thầy chỉ “ông thầy kia” thì có vẻ như ông kia là “thị giả” của thầy để trả lời cho bọn con nít như tôi. “Ông kia” là thầy Thanh Từ, khoảng ba mươi lăm tuổi, dáng điệu khiêm cung, hiền lành, có vẻ “đàn em” của thầy Huyền Vi. Nhưng những câu hỏi hóc búa của tôi, thầy đều trả lời sâu sắc khiến tôi rất thán phục. Trời ơi, đạo Phật hay như vậy mà mình ngu quá, tưởng chỉ có Max, Hegel, Nietzche mới hay. Cái lạ là thầy Thanh Từ không hề biết triết học Tây Phương nhưng sự lão thông của thầy về Phật học đủ đánh ngã hết những triết thuyết Tây Phương. Tôi bỗng thương Phật vô vàn. Tội nghiệp đức bổn sư Phật Thích Ca! Ngài bị các ông thầy cúng, chẳng biết gì giáo lý của Ngài, làm đại diện, cúng kiếng kiếm ăn, sống trên những đám ma chay… vợ con luộm thuộm chẳng diễn tả được gì phẩm hạnh của Ngài. Tôi phát bồ đề tâm từ hôm đó và muốn sống đẹp như Ngài dạy. Tôi muốn thọ năm giới với thầy Thanh Từ thôi – không chịu thọ với ai hết! Thầy cười từ bi nói: Con thọ giới với Phật chứ đâu phải với thầy. Nhưng con ráng học thêm giáo lý rồi hãy thọ năm giới. Hai thầy chỉ ở Bến Tre một tuần rồi đi giảng nơi khác. Tôi say mê suốt tuần cứ chạy theo thầy để hỏi đạo. Từ chuyện có Thượng Đế, có tạo hóa hay không. Chúa có tạo ra heo bò gà vịt cho mình ăn không? Tại sao người này ăn hiền ở lành mà vẫn bị chuyện rủi ro, người kia dữ dằn mà vẫn phây phây giàu có. Thầy giảng lão thông lý nhân quả, luân hồi nghiệp báo khiến tôi mê say. Về tới Sài Gòn tôi kéo Khá đi nghe thầy giảng, Khá thoái thác bảo bận.

Tôi ghi tên vào Đại Học Khoa Học, lớp Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles (viết tắt SPCN) và đồng thời ghi luôn lớp MPC (Mathematiques, Physique et Chimie). Học MPC cứ làm toán, cứ cân tạ, thử sức vận tốc những lực centrifuge, centripede Physique và học Chimie thì cứ thí nghiệm những hóa chất…, tôi học cũng được nhưng không thích thú gì mấy. Đi bên Khoa Học Thiên Nhiên, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những núi đá, biết tuổi đá mấy trăm triệu năm thuộc Ere primaire, secondaire hay tertiaire rất là thích thú. Tôi được lội xuống biển xem san hô to như những lâu đài đủ màu sắc, tôi được vào rừng khám phá từng bụi cỏ từng lá cây, tiến trình của các sinh vật… thật mầu nhiệm. Cùng lúc ấy tôi cũng say mê đi tìm hiểu đạo Phật. Thầy Thanh Từ bận dạy ở Phật Học Đường Lưỡng Xuyên Trà Vinh, xa quá tôi không đi được nhưng thầy Huyền Vi ở chùa Ấn Quang tại Sài Gòn. Tuy không thỏa đáng khi nghe thầy Huyền Vi và nhiều thầy khác giảng nhưng tôi vẫn không bỏ sót một buổi giảng nào của quý thầy tại chùa Ấn Quang mỗi tuần ít nhất là ba ngày: Thứ tư nghe thượng tọa Thiện Hoa giảng Đại Thừa Khởi Tín Luận, thứ sáu nghe thầy Huyền Vi giảng Phật pháp căn bản, vào Dược Sư nghe ké với Ni viện bài giảng của thượng tọa Từ Thông kinh Pháp Hoa. Thầy Từ Thông giảng tới đâu hay phác họa, vẽ hình trên bảng rất đẹp, đó là tiểu xảo, cũng vui vui. Chỉ có thầy Thiền Định và thầy Hộ Giác… là giảng yếu nhất, đã không sâu mà hai thầy dùng danh từ hơi… đời nên tôi không ưa đi nghe, nghe thầy Hộ Giác một lần ở chùa Kỳ Viên, thầy Thiền Định ba lần ở Chùa Ấn Quang nhưng sau tôi không đi nữa. “Ngã mạn ngầm” là điểm dở nhất của tôi. Sau một năm tính sổ tu học, tôi quyết định chỉ quy y với thầy Thanh Từ thôi, không quy y ai hết! Nhưng khổ nỗi, khi truyền giới thì luôn có ba thầy: thầy Huyền Vi, Thanh Từ và Thiện Tín. Thầy Thiện Tín là thầy trú trì chùa Phật Quang ở Bến Tre quê tôi, thầy Thiện Tín đã mời hai vị đại giảng sư Huyền Vi và Thanh Từ về giảng. Thầy Thiện Tín hiền từ và khiêm cung nên tôi cũng rất trân quý hạnh của thầy. Trước khi quy y, tôi cứ hỏi Thầy Thanh Từ Diệu Không là sao? Sau này thầy tiết lộ là thầy định cho tôi tên Diệu Vân vì thầy thấy tôi ưa lo cho trẻ em nhà nghèo như đám mây lành che chở cho tụi nhỏ nhưng vì thầy biết tôi ưa tên Diệu Không nên cho luôn tên đó. Trong phái quy y Năm Giới của tôi có tên ba thầy Huyền Vi, Thanh Từ và Thiện Tín. Tôi có duyên may được đọc quyển Ánh Đạo Vàng, đời của Phật Thích Ca do anh Võ Đình Cường viết nên càng yêu quý Phật vô cùng. Những năm ở Đại Học là những năm tôi mê đạo Phật một cách cuồng tín! Ai nói đụng tới Phật là tôi ăn ngủ không yên, đem những thắc mắc đó đi hỏi từng thầy. Cuối cùng thì chỉ có mình thầy Thanh Từ là giải đáp thỏa đáng nhất những thắc mắc của tôi, mà thầy lại rất từ bi, không ăn thua đủ với mọi người như tôi. Cứ có giờ rảnh rang mà ngồi nói chuyện chân lý với các bạn Công giáo là tôi cãi say sưa với các anh chị bạn đó và… lúc nào thì tôi cũng thắng. Các bạn Công giáo ở Việt Nam thời này cũng rất là kiêu ngạo. Họ nói đạo Chúa là đạo văn minh vì chính người Tây Phương văn minh mà cũng là đạo của họ. Nhưng mỗi lần bị tôi bắt bí thì họ nói: C’est le mystère de Dieu! (Đó là bí mật của Thượng Đế). Như là khi tôi hỏi: Nếu Chúa là Tạo Hóa, là Tình Yêu sao Chúa tạo ra những cơn bão tố, lụt lội, sóng thần, giết chết hàng chục ngàn người bên Bangladesh, Chúa tạo bệnh dịch hạch cho con người chết như rơm rạ bên Phi Châu, và toàn là những người nghèo khổ, v.v… Các bạn Công giáo nói đó là Chúa muốn thử, tôi không đồng ý cách giải thích đó. Sao Chúa không thử cái ông nhà giàu kia phây phây làm ác lại cứ thử những người lương thiện? Các bạn Công giáo đã kiêu ngạo khinh khi đạo Phật thì tôi cũng đã kiêu ngạo và khó chịu vô cùng với các bạn Công giáo. Chắc là điều này không phải là điều Phật và Chúa dạy cho chúng tôi. Chúng tôi (những người Phật tử lý thuyết và những người Thiên Chúa Giáo kiêu ngạo) mới theo đạo ngoài da!

Tu phước và tu huệ

Tôi đã hỏi thầy Thanh Từ rằng vì sao đạo Chúa là thiểu số mà họ có viện nuôi trẻ mồ côi còn đạo Phật thì không làm gì giúp người nghèo hết. Thầy Thanh Từ nói: Đạo Phật giúp người thêm từ bi và nếu mình có cháu mồ côi cha mẹ thì mình nuôi chứ không bỏ vào viện mồ côi. Tôi rất thích lối giải thích này nhưng vẫn thấy người Phật tử không xứng đáng lắm với kỳ vọng của đức Thích Ca. Tôi phát nguyện sẽ làm việc hết lòng giúp người nghèo khổ để xứng đáng với kỳ vọng của đức Từ Phụ. Tôi bắt đầu phát tâm xuất gia tu học để dành hết thì giờ sống theo lời Phật dạy. Chiều thứ năm đi chơi với Khá cũng vui, nhưng đi tu thì sướng hơn nhiều. Suốt ngày tôi chỉ làm việc Phật thôi! Tôi thuật hết cho thầy Thanh Từ nghe hoài vọng của tôi nghĩa là tôi muốn xuất gia tu học và chỉ để thì giờ lo cho người khổ như việc tôi đang làm ở các xóm nghèo thôi. Tôi trình để thầy rõ là ngay hồi chưa biết Phật mà tôi đã đem các cháu đánh giày, móc túi… đến trường bằng cách đi xin bạn bè, cô bác quen thân mỗi ngày dành cho tôi một nắm gạo, cuối tháng tôi đi thâu gạo và đem cho mỗi cháu 15 ký như là học bổng để ba mẹ cháu cho cháu đến trường. Tôi cũng đã đi lo làm giấy khai sinh cho các cháu thì trường mới nhận cháu vào lớp… Thầy cười thương hại nói: Con làm việc phước thiện nhiều quá. Đó là tu phước. Người theo Phật phải phát tâm tu huệ mới được. Tu phước thì thế nào sau này cũng được tái sanh vào gia đình giàu có nhưng không giác ngộ thành Phật được. Phật là đấng tối cao duy nhất, Ngài đã nói: Ta là Phật đã thành và mọi người là Phật sẽ thành! Con phải theo gót Ngài để tu thành Phật. Thành Phật rồi con muốn độ bao nhiêu con mồ côi, giúp bao nhiêu trẻ nghèo đều được hết. Tôi đồng ý 100% và quyết chí chuẩn bị xuất gia để ráng tu thành Phật sau khi thi xong cử nhân! Tôi bắt đầu tới thăm các Ni viện vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Ni sư Vĩnh Bửu là người Bến Tre thân cận với gia đình tôi nhiều. Ni sư cũng rất thương tôi nên mới khen tôi và nói: Con ráng tu cho giỏi thế nào kiếp sau cũng sẽ thành nam nhi. Thân phụ nữ nặng nề lắm con ơi. Đàn ông họ đâu có kinh nguyệt như mình, và cứ ráng tu đi, mươi mười lăm kiếp sau thế nào cũng thành Phật! Tôi hết sức ngạc nhiên. Tại sao phải thành nam nhi? Kinh nguyệt là tại vì mình là người nữ chuẩn bị làm mẹ mỗi tháng, không chịu làm mẹ thì thải chất dư đó ra thành kinh nguyệt, không chịu sinh đẻ thì đi tu làm mẹ tinh thần của các cháu cực khổ của các xóm nghèo, thân phụ nữ rất đẹp, có gì mà nặng nề, mà khổ đau? Tôi phải “méc” thầy Thanh Từ mới được, giải thích điệu này thì làm sao lý luận lại với các bạn Thiên Chúa giáo hay các bạn vô thần của tôi đây? Khi tôi đem việc ni sư dạy, và hỏi thầy Thanh Từ nghĩ sao thì thầy chỉ cười hiền: “Bên các ni viện các sư cô nghiệp nặng lắm con à. Thầy cứ đến giải quyết hoài.” Cái đầu khá cứng của tôi không hài lòng với cách giải thích này nhưng vị thầy quý kính nhất của tôi đã nói như vậy thì tôi còn biết chia sẻ với ai? Nhìn sâu, tôi không hề thấy có nhu yếu kiếp sau thành con trai. Đối với tôi, con trai có nhiều người còn yếu đuối hơn tôi là con gái mà tính khí khá cang cường. Tôi tự kết luận, con trai hay con gái gì cũng như nhau. Tùy di thể của ông bà tổ tiên và tùy môi trường lớn lên mà mình như thế này hay như thế khác. Hai người anh hùng đầu tiên của Việt Nam đánh đuổi quân đô hộ Tàu là hai Bà Trưng, rồi cô thiếu nữ nhà họ Triệu đứng lên tập họp binh sĩ đi đánh giặc Tàu, đâu phải đàn ông ít nghiệp mới làm được việc, mới mau thành Phật hơn phụ nữ? Nếu nói tôi đi cứu giúp các em nghèo đói sống trên vỉa hè là để kiếp sau sẽ thành con gái nhà giàu thì tôi lại bực hơn nữa. Tôi muốn thưa với thầy: Con giúp chúng nó vì chúng nó cần con. Thế thôi! Con không cần làm công chúa hay con nhà giàu gì hết. Tôi cũng muốn thưa với ni sư Vĩnh Bửu là con muốn đi tu và có nhiều khả năng như Phật để cứu người được nhiều hơn, nhưng con không cần làm con trai để hết nghiệp phụ nữ. Nhưng… tôi đã giữ năm giới rồi, đã là Diệu Không rồi… đâu có ăn nói ngang tàng với thầy bổn sư và ni sư lớn như vậy được? Tôi tự nhủ: Chắc mình phải lập một ni viện để chính mình tu thôi, sẽ rủ em Mười nè và vài bạn khác đi tu chơi. Lập một cư xá nuôi nữ sinh nhà ở xa đến ở trọ và mình sẽ cảm hóa các em bằng sự tu hành của mìnhmà thôi. Rồi thế nào cũng có các em đi theo mình xuất gia tu học. Tôi sẽ có nhiều chương trình rất hay cho các em nghèo đói. Ni sư Tịnh Nguyện, người Miền Bắc di cư vào Nam là người có chí khí lớn. Ni sư cất chùa xong làm thêm một số phòng để dành cho các thiếu nữ xa nhà có chỗ trọ. Nghe tôi đã xong cử nhân và đang làm giảng nghiệm viên tại Đại Học Khoa Học nên ni sư có ý nhờ tôi tới chơi với các em nữ sinh viên vì bên Thiên chúa giáo có cư xá Thanh Quan đã thu hút các em và đã kéo khá nhiều các em con nhà đạo Phật vào đạo Chúa rồi. Tôi có đến giúp đỡ ni sư và chơi với các em, nhưng chưa được mấy tháng làm việc với ni sư thì một hôm ni sư đi Huế về và khóc nghẹn ngào thuật chuyện tám em Gia Đình Phật Tử bị xe tăng chính quyền Ngô Đình Diệm cán nát đầu tại Đài Phát Thanh Huế hôm Phật Đản…