Tại sao chúng ta lại ở đây?
(BBT chuyển ngữ từ bài viết “Why are we here?” của tác giả Leslie Davis)
Cậu con trai tuổi teen của tôi đang thấy chán. Rất chán. Chúng tôi mới tới tu viện Lộc Uyển ngày hôm qua để tham dự khóa tu chánh niệm một tuần dành cho gia đình, mà con tôi đã thấy chán quá và phàn nàn suốt.
Con trai tôi cứ hỏi: “Tại sao mình lại ở đây?”
Tôi trả lời theo nghĩa đen của câu hỏi vì con tôi hỏi theo nghĩa đen, nó đâu có đi tìm một giải đáp tâm linh nào đâu. “Năm nào vào thời điểm này chúng ta cũng đến đây, đó là chuyện thường mà con ”, tôi nói.
Không nao núng, vài phút sau con tôi lại hỏi một cách bực bội: “Tại sao mình lại ở đây?”
“Ba con được nghỉ làm tuần này nên đây là một dịp thuận tiện để đến đây”, tôi nói mà trong lòng thì biết rõ những lý do này sẽ không thuyết phục được con tôi.
Con trai tôi đã đến đây rất nhiều lần từ khi còn nhỏ. Thằng bé đã từng rất thích nơi đây. Bây giờ đến tuổi teen thì nó ít thích hơn, nhưng thường thì sau vài ngày là nó hòa nhịp được.
Tôi đến với khóa tu trong một trạng thái kiệt sức, hết “xí quách”. Tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi. Năng lượng của tôi đang xuống thấp. Tôi chỉ muốn được ở ẩn, được thu mình trong phòng và ngủ. Tôi muốn có thời giờ chăm sóc bản thân, quay vào bên trong và có mặt cho tự thân, chứ không phải cho con trai tôi. Tâm trạng của thằng bé thực sự đang thử thách tôi.
Tôi đi chầm chậm quanh khuôn viên tu viện với con trai và tự ép mình phải lắng nghe những lời phàn nàn của con. Tôi nghe nó nói về những trò chơi điện tử, không phải theo cách chia sẻ vui vẻ mà theo kiểu phàn nàn, bực bội. Sự khó chịu của nó cũng dễ hiểu thôi. Nó không vui vì không thể vào mạng Internet trong một tuần. Quả thật để có mặt cho con trai lúc này là một việc không dễ, tôi gần như không còn đủ năng lượng. Tôi muốn bỏ chạy, muốn đi trốn để lo cho những cảm xúc mong manh của riêng mình.
“Mẹ có thể nói lại một lần nữa là tại sao mình lại ở đây không?”, con trai tôi hỏi lần nữa với vẻ thất vọng.
“Mình ở đây để học cách chăm sóc cho những cảm xúc của mình”, tôi đáp.
“Chán nản có phải là một cảm xúc không? Tại vì con đang rất rất chán đây”, nó rên rỉ.
“Phải”, tôi nói, “chán nản là một cảm xúc”. Tôi tự nhắc mình rằng con trai tôi đang bị đưa ra khỏi môi trường quen thuộc, rằng nó cần thời gian để điều chỉnh và thích nghi. Tôi lại thở một hơi thật sâu nữa. Hơi thở không đi vào một cách tự nhiên. Tôi phải tự nhắc mình thở vào và ra thật chậm. Dù rằng chúng tôi đang ở một trung tâm thiền tập, bao quanh bởi hàng mấy hec-ta đất rộng rãi đẹp đẽ nhưng tôi vẫn bị bế tắc trong những cảm xúc phiền muộn nặng nề của mình và chưa tìm thấy phương cách để vượt qua.
Chúng tôi tiếp tục đi dạo. Giờ đây chúng tôi đang đi trên con đường đất dẫn lên núi, hướng về phía ngôi tháp nhỏ và điểm dừng để ngắm toàn cảnh. Con tôi thích lên đây, một không gian rộng mở khiến cho ta có cảm giác mênh mông, không giới hạn. Chúng tôi từ từ leo lên cao trong khi con trai tôi vẫn tiếp tục càm ràm và tôi cố gắng lắng nghe. Thật là quá mất năng lượng; cái đầu tôi tiếp tục lang thang. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tâm trí tôi luôn quay về với những phàn nàn của riêng tôi. Tôi cũng đang làm y hệt con trai tôi, có điều là không thành tiếng, chỉ ở trong đầu tôi thôi. Cái tiếng nói trong đầu tôi toàn là những lời phàn nàn. Tôi cảm thấy mình bị mắc kẹt, thật khốn khổ. Tôi không muốn ở đây. Tôi muốn đi về nhà. Tôi không muốn làm một người mẹ dễ thương, tốt bụng vào lúc này.
Cả hai mẹ con tôi đều không muốn ở đây. Chúng tôi đều đang vật lộn một cách khó khăn để có thể có mặt trong giây phút hiện tại, bởi vì giây phút hiện tại của chúng tôi tràn ngập những cảm xúc tiêu cực. Tôi nhận ra rằng cả hai mẹ con đều cần được chăm sóc. Con tôi cần sự yểm trợ và tôi cũng cần sự yểm trợ. Con tôi cần trút ra sự thất vọng của mình và tôi cũng vậy. Tôi không cần bỏ chạy khỏi con mình để lo cho những cảm xúc của riêng tôi. Đây không phải là tình cảnh mà tôi có thể lựa chọn hoặc bên này hoặc bên kia. Chúng tôi đang trong cùng một tình trạng.
Tôi nói, “Mẹ không chán, nhưng mẹ cũng đang có những cảm xúc”.
Con tôi không hiểu ý tôi nhưng dù sao cũng hay là tôi đã nói ra được. Tôi kể với con rằng tôi vừa phải trải qua những chuyện rất khó khăn ở nơi làm việc và tôi thấy trong tôi có rất nhiều cảm xúc mạnh, rằng tôi không cảm thấy ổn lắm.
“Mặc dù trông mẹ có vẻ ổn, nhưng bên trong mẹ thấy khổ sở lắm”, tôi nói, “Mẹ thực sự phải cố gắng lắm để giữ bình tĩnh và chú ý đến những gì con nói”.
“Thật hả mẹ?”, con tôi hỏi.
Phơi bày những cảm xúc mạnh và khó chịu trong lòng mình, tôi đã mở ra một cánh cửa và làm cho con trai tôi dịu lại.
Tôi tiếp tục chia sẻ một cách dè dặt. Tôi nói với con rằng chúng tôi ở đây là để học cách làm thế nào có thể trụ được những khi có cảm xúc mạnh mà không bỏ chạy hoặc giả vờ là cảm xúc đó không tồn tại. Tôi nói rằng tôi muốn yểm trợ nó và tôi cũng cần được yểm trợ. Chỉ cần có mặt cùng nhau thôi là chúng tôi có thể yểm trợ cho nhau rồi, dù cả hai đều đang trong tâm trạng nặng nề và khổ sở. Con tôi phá lên cười và tôi cảm thấy nó mềm ra thêm được một chút. Chúng tôi đi dạo quanh và tung vài hòn đá nhỏ. Hai mẹ con leo lên một bờ đá lớn và nhìn ra phong cảnh xung quanh. Chúng tôi không nói gì nhiều.
Tâm chúng ta như một cái vòng lặp (a loop) và thỉnh thoảng ta bị lạc lối trong đường vòng đó. Ta có cảm giác đường đi như vô tận, không có lối ra. Nhờ chú tâm và chậm lại nên tôi có thể nhận ra rằng mình đang bị tắc trong vòng lặp của tâm thức. Nhờ tôi đi rất chậm với con và gắng tập trung vào hơi thở, nên đã xuất hiện một thay đổi nhỏ trong cách nhìn của tôi.
Khi chú tâm theo dõi được hoạt động của thân và tâm, tôi có thể tiếp cận với tuệ giác của thiền tập. Thỉnh thoảng tôi chỉ dừng cử động thân thể, chỉ cần đứng lại hoặc ngồi xuống cũng giúp được tôi rồi, bởi vì nếu tôi dừng được cử động của cơ thể thì tâm tôi cũng theo sự hướng dẫn đó mà chậm lại. Nếu tôi không thể dừng được chuyển động thì tôi có thể chỉ cần dừng nói, và như thế não của tôi có một cơ hội để nghỉ ngơi và phục hồi.
Có mặt cho một đứa trẻ trong khi bạn không muốn là một trong những thử thách lớn nhất cho các bậc cha mẹ. Và đó là một điều rất quen thuộc đối với hầu hết chúng ta, bởi vì nó xảy ra vô số lần trong một ngày. Có mặt đó, ngay tại đó, thực sự có mặt trong giây phút hiện tại – đó là một điều cần năng lượng và sự chú tâm rất lớn.
Trở lại với câu hỏi “Tại sao chúng ta ở đây?”. Tại sao ta ĐANG ở đây? Đó là một câu hỏi lớn. Dù bạn có ở đâu thì bạn cũng có thể tự hỏi: “Tại sao tôi lại ở đây?”. Hãy quan sát xem điều gì đi lên trong bạn. Hãy xem bạn có thể cam kết có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại ở ngay nơi mà bạn đang ở không.
Không có gì đặc biệt đáng chú ý trong cuộc nói chuyện giữa tôi với con trai. Đó là một kinh nghiệm rất bình thường. Cả hai chúng tôi đã phải khập khiễng đi qua và cảm nhận sự khó chịu của mình. Nhưng sự kiện chúng tôi có ý thức về những cảm xúc của mình, có thể gọi tên chúng để nói lời chào với cảm xúc chán nản và khó chịu đã giúp cả hai chúng tôi đi qua được bờ bên kia. Điều đặc biệt xảy ra khi chúng ta soi chiếu ánh sáng vào những trải nghiệm của chính mình và thấy được sự chuyển hóa mầu nhiệm.
Ngày hôm sau, chủ đề của buổi pháp thoại là “Tại sao bạn lại ở đây?” (!!!!). Khi tôi nghe thấy câu ấy, hàm tôi trễ xuống và tôi cười phá lên trong thiền đường. Sau cuộc nói chuyện với con trai tôi ngày hôm trước, tôi không thể không cười vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Thầy Pháp Hải đã hỏi những người tham gia khóa tu câu hỏi “Tại sao bạn lại ở đây?”. Làm sao thầy biết được? Có phải thầy đã đi theo chúng tôi? Nghe lén chúng tôi? Và con trai tôi đâu rồi? Nó không có mặt trong thiền đường. Vậy thông điệp này hẳn là dành riêng cho tôi.
Thầy Pháp Hải chia sẻ rằng chúng ta đi qua cuộc đời mà thường xuyên không nhận ra chúng ta đang ở đâu. Thân và tâm chúng ta thường bị tách rời, thân một nơi và tâm một nơi, nên chúng ta chỉ đi qua những chuyển động của cuộc sống mà không có mặt thực sự. Thầy khuyến khích tất cả chúng tôi có mặt trong giây phút hiện tại trong suốt khóa tu. Thầy nói: “Hãy chọn có mặt ở đây”. Vâng, chọn để có mặt ở đây. Hãy đưa ra sự chọn lựa và chọn có mặt ở bất cứ nơi nào mà bạn đang ở đó. Đó là lựa chọn của bạn, cho nên bạn có thể chọn để có mặt. Chỉ là như vậy. Điều này nghe thật giản đơn nhưng không phải lúc nào cũng làm được dễ dàng. Sự thực tập chánh niệm thường xuyên cho bạn nguồn lực để làm nên những thay đổi này. Dù cho bạn đang thực tập thiền hay yoga, sự thực tập thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày sẽ là nền tảng để bạn có thể neo vào hơi thở, để phản ứng một cách định tĩnh, và lựa chọn để có mặt đó, cho bản thân và cho người khác, đôi khi là đồng thời cho cả hai.
Con trai tôi không còn hỏi tại sao chúng tôi lại ở đó nữa, nhưng tôi đã có sẵn câu trả lời cho nó rồi: Tại sao chúng ta lại ở đây? Bởi vì chúng ta chọn có mặt ở đây.
Leslie Davis