Lãnh thổ của Bụt
Phòng thở
Trong thế kỷ thứ 21, mỗi nhà đều phải có một căn phòng, gọi là phòng tĩnh tâm, thiền phòng, hoặc phòng thở. Trong nhà, chúng ta có đủ thứ phòng: phòng khách, phòng bếp, phòng ăn, phòng ngủ, nhưng chúng ta còn thiếu một căn phòng để dành cho đời sống tâm linh của ta. Có nhiều lúc ta cần nuôi dưỡng ta, tĩnh tâm, lấy lại niềm vui và sự thăng bằng trong thân và tâm. Vì vậy ta cần thiết lập một phòng thở trong gia đình để có dịp cho cha mẹ và con cái thực tập với nhau. Đó là lãnh thổ của bình an, tĩnh tâm và chánh niệm. Mỗi khi bước vào phòng là bước vào lãnh thổ của Đức Thế Tôn. Ta bước rất nhẹ và chánh niệm, tại vì có Đức Thế Tôn đang ngự tọa ở trong phòng.
Căn phòng đó nhỏ thôi, hai hoặc ba thước cũng được. Ta không cần phải trang trí nhiều. Ta chỉ cần một cái bàn nho nhỏ, một bình hoa với một bông hoa. Quan trọng nhất là ta có một cái chuông nhỏ. Nếu ta tìm thấy một tượng Bụt rất đẹp, có nụ cười mà khi nhìn vào ta cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát thì mới nên thỉnh về, không thì ta nên chờ đợi. Trong khi chờ đợi, ta cắm một bông hoa vào trong bình. Bông hoa đó tượng trưng cho Đức Thế Tôn. Ta xá bông hoa là xá Đức Thế Tôn. Ít nhất bông hoa cũng có sự tươi mát và sự mầu nhiệm, xứng đáng đại diện cho cả vũ trụ. Vì vậy bông hoa xứng đáng đại diện cho Đức Thế Tôn trong khi chúng ta chờ đợi một tượng Bụt thật đẹp mà nhìn vào ta cảm thấy hoan hỉ và hạnh phúc.
Mỗi khi ta bất an, giận hờn, buồn tủi thì ta có thể đi vào trong phòng thở đó để thực tập thở với tiếng chuông. Tiếng chuông phải được xem như tiếng gọi của Đức Thế Tôn gọi ta trở về với tự tâm, để ta có thể làm mới lại thân tâm, để ta có thể khôi phục lại được sự vững chãi, thảnh thơi và an vui trong hiện tại. Trong gia đình chúng ta phải ký một hiệp ước với nhau là mỗi khi có người thực tập ở trong phòng thở, thỉnh chuông thì tất cả những người khác phải tắt hết các máy cassette, radio, Ti-vi vì giờ đó có người đang sử dụng phòng thở. Và nếu ta đang làm công việc gì như đang học bài, đang nấu bếp thì ta phải làm những công việc đó một cách rất im lặng, tôn trọng sự thực tập của người kia. Vì người kia đang bất an, giận dữ, buồn tủi nên người đó cần sự thanh tịnh để thực tập thì ta cũng thực tập như vậy. Trong chùa cũng vậy, buổi sáng trong giờ công phu và thiền tọa, những vị ở dưới bếp làm thức ăn sáng cho đại chúng cũng thực tập làm trong im lặng, theo dõi hơi thở, lắng nghe tiếng chuông cũng như tiếng kinh. Trong gia đình ta cũng có thể thực tập như vậy.
Có một nền văn hóa gọi là nền văn hóa tu viện. Những phương pháp được thực tập trong tu viện đều có thể đem chia sẻ với những người cư sĩ, trong gia đình và trong xã hội. Vậy thì cái phòng thở đó trong gia đình là một thiền đường rất nhỏ và chúng ta có không gian để làm mới lại thân tâm. Chúng ta có không gian để có thể khôi phục lại sự thanh tịnh, vững chãi và thảnh thơi của chúng ta. Vì vậy nên mọi người trong gia đình, từ cha mẹ đến con cái đều phải tôn trọng không gian đó và chỉ vào trong phòng thở những lúc mình cần thực tập thôi, không được dùng phòng thở vào những mục đích khác.
Món quà lớn nhất cho con là hạnh phúc của cha mẹ
Ở nhiều gia đình không khí có thể trở thành ngột ngạt rất mau chóng. Nhiều khi cha nói một câu gì đó và mẹ đau khổ, mẹ khóc hay là mẹ nói một câu gì đó làm cho cha bực bội rồi không khí gia đình trở nên khó thở. Đứa con sống trong không khí đó không được lành mạnh lắm và khi cha mẹ làm khổ nhau thì đứa con bị vết thương trong trái tim. Trái tim của em còn ngây thơ, dễ bị tổn thương. Mỗi khi nghe ba nói nặng mẹ một câu, mẹ khóc, cha nổi trận lôi đình thì trái tim em bé đi qua một vùng bão tố lớn. Khi người lớn nổi giận, làm khổ nhau thì không để ý tới điều đó. Ta gây thương tích trong trái tim của đứa con ta mà không biết. Đứa bé lớn lên, sẽ giữ mãi thương tích đó. Nhiều người trẻ nói rằng món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cái là sự hạnh phúc của chính hai người. Nếu cha mẹ không có hạnh phúc, làm khổ nhau thì không giữ được gì cho con hết. Đứa con không cần tới một chiếc xe hơi, một trương mục, hay một căn nhà lầu. Nó cần nhất là hạnh phúc, không khí đầm ấm của gia đình, nơi mà em được nuôi dưỡng và lớn lên. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của trẻ thơ.
Ngày xưa khi còn ở Việt Nam, chúng ta có những ngôi nhà với vườn lớn, ao, hồ xung quanh. Khi đau khổ, em bé có thể chạy ra vườn hoặc chạy qua nhà một người dì, người cô, người chú để than thở và trốn tránh. Bây giờ ở chung cư, em bé không có cách nào để chạy thoátkhông khí nặng nề và ngạt thở đó. Nó vô trong toilet, đóng cửa lại nhưng vẫn không thoát. Tiếng cha mẹ cãi nhau, làm khổ nhau vẫn vọng vào trong toilet như thường. Nếu có được phòng thở, em bé có thể trốn vào đó và thỉnh lên một tiếng chuông thì cả cha mẹ đều nghe tiếng chuông đó, đều biết rằng mình đang làm khổ con và sẽ ngừng lại sự cãi lộn hay làm khổ nhau. Thành ra tiếng chuông mà em bé thỉnh trong phòng thở là một tiếng kêu cứu rất lớn, kêu cứu Bụt và kêu cứu cha mẹ.
Tiếng chuông chánh niệm
Nếu ta là một gia đình tin Phật thì ta phải cam kết với nhau, cam kết giữa cha mẹ và con cái là mỗi khi nghe một tiếng chuông thì tất cả đều ngừng lại để thở và để khôi phục lại sự thanh tịnh, an lạc trong chính mình. Phòng thở đó là lãnh thổ của an lạc, hòa bình và hòa thuận. Khi mà chúng ta đã vào phòng thở ngồi rồi thì không ai có quyền đi theo. Những khi em bé bị la rầy mà đi vào phòng thở, ngồi thỉnh chuông thực tập thì cha mẹ không có quyền đi theo để mà la mắng. Mỗi khi người vợ đau buồn, khổ sở thì thay vì vào trong phòng đóng cửa khóa lại mà khóc một mình thì nên học đi thiền hành về phía phòng thở, mở cửa phòng ra xá Đức Thế Tôn, thỉnh chuông và ngồi xuống thực tập. Khi tiếng chuông vọng lên thì người chồng biết là vợ đang đau khổ và người chồng sẽ quán xét trở lại xem mình đã nói gì, đã làm gì để cho người hôn phối của mình đau khổ. Những đứa con cũng vậy, biết là mẹ đang đau khổ và các con sẽ nhẹ nhàng hơn, im lặng hơn trong các động tác hàng ngày.
Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm hoặc đi học, chúng ta dành ra hai hoặc ba phút, mở cửa phòng thở, bước vào nhẹ nhàng. Ta khép cửa lại, xá Bụt hoặc bông hoa, ngồi xuống và bắt đầu thỉnh chuông. Chúng ta thở ba hơi “thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”. Chúng ta thực tập ba tiếng chuông là chín hơi thở, rồi đứng dậy xá Đức Thế Tôn và đi làm. Nếu con chúng ta còn đi học thì ta cũng dạy cho các con, sau khi mặc áo, soạn sách vở xong thì đến phòng thở, để cặp ở bên ngoài, mở cửa nhẹ nhàng, thở vào thở ra rồi bước vào trong phòng. Khi bước vào phòng, cháu hướng về bàn thờ xá Bụt hoặc xá bông hoa một cái, rồi ngồi xuống và thực tập thỉnh chuông y như vậy. Thở được chín hơi, cháu đứng dậy, xá Đức Thế Tôn, mở cửa đi ra ngoài, cầm cặp sách và đi học. Chúng ta phải thực tập như vậy.
Thường thường, người ta hay chúc nhau có một ngày đẹp (“Have a nice day”), nhưng đó chỉ là chúc tụng, còn đây là sự thực tập. Nếu chúng ta bắt đầu ngày mới bằng những hơi thở nhẹ nhàng chánh niệm và nụ cười thì chúng ta đã bắt đầu bằng một ngày rất đẹp rồi. Ta thật sự bắt đầu một ngày đẹp bởi sự thực tập của ta, chứ không cần ai chúc tụng cả. Chúc thì cũng tốt, nhưng quan trọng là mình thật sự có được một ngày rất an lạc. Trước khi đi ngủ chúng ta cũng thực tập giống như buổi sáng, ngồi xuống thỉnh ba tiếng chuông, tập thở trước khi đi ngủ. Ta cần phải làm như vậy và tập cho các con chúng ta làm như vậy. Đó là một nếp sống rất đẹp.
Trong các gia đình Thiên Chúa giáo, trước khi đi ngủ các em bé chắp tay cầu nguyện. Bây giờ không còn nhiều em làm như vậy nữa, nhưng ngày xưa, trước khi lên giường em quỳ dưới chân giường nói chuyện với Chúa một, hai câu rất đẹp. Đức Thế Tôn là người mà chúng ta kính trọng và yêu mến. Ta phải nói chuyện với Đức Thế Tôn, tại vì Đức Thế Tôn nằm ngay trong trái tim của chúng ta. Mỗi khi em bé khóc, khổ đau và giận hờn thì người mẹ, hoặc người cha phải nói với con: “Con cầm tay cha và hai cha con mình đi vào trong phòng thở, cùng thực tập với nhau”. Ta nắm tay em bé với tất cả tình thương, dắt em bé đi từng bước vững chãi và nhẹ nhàng tới phòng thở. Từ giây phút được cha hay mẹ nắm tay thì em bé đã thấy đỡ rồi. Có cha, mẹ biết thực tập, hướng dẫn cho mình thực tập, là một sự kiện rất mầu nhiệm. Ta mở cửa phòng thở, bước vào, đóng cửa lại nhẹ nhàng, xá Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống và bắt đầu thỉnh chuông. Hai cha con hoặc hai mẹ con ngồi thực tập với nhau, giúp em bé lấy lại sự trầm tĩnh trong trái tim. Đó là một hành động rất đẹp trong gia đình. Chúng ta có thể mua một bức tranh rất là mắc tiền của Van Gogh. Nhưng bức tranh đó sẽ không đẹp bằng cảnh tượng hai mẹ con, hai cha con ngồi xuống thực tập với nhau. Khi người kia nói một câu xúc phạm tới ta, làm cho ta đau khổ, thay vì cãi lại, ta trở về chăm sóc cái giận của ta. Ta đứng dậy, theo dõi hơi thở và bước về phía phòng thở.
Thấy như vậy, người kia phải biết trách nhiệm của mình. Họ đã nói gì, đã làm gì khiến cho ta đau khổ. Đó là tiếng chuông chánh niệm. Thấy ta thực tập, tự nhiên người đó phát khởi trong tâm sự cung kính đối với ta.
Lập phòng thở là một hành động cần thiết
Trong nhà, ta có tất cả các phòng cho mọi sinh hoạt khác mà chúng ta không có một phòng nào cho hệ thần kinh của ta. Hệ thần kinh của chúng ta bị đánh động nhiều lần trong một ngày. Những lúc giận, buồn, hay tuyệt vọng thì ta không có chỗ trú ẩn. Vì vậy thiết lập một phòng thở trong gia đình là một hành động cần thiết. Là người Huynh Trưởng, chúng ta phải khuyến khích các em về nói với ba mẹ thiết lập một phòng thở cho các em. “Gia đình em có phòng thở không? Chưa có à? Có cần anh nói với ba mẹ không?” Những người trong gia đình không có cơ hội ngồi im lặng, tập thở với nhau, là một thiếu sót rất lớn. Người Huynh Trưởng phải làm thế nào để cho tất cả các em đều có một phòng thở ở trong nhà. Dĩ nhiên người Huynh Trưởng phải có phòng thở của chính mình ở trong nhà. Một ngày nào đó anh hay chị mời tất cả các em tới thăm phòng thở của ta, làm thiền trà ở trong đó. Phòng thở của anh như vậy đó và mỗi khi anh buồn, anh giận, anh không có bình an trong tâm thì anh sử dụng phòng thở này để lấy lại vững chãi, thảnh thơi và an lạc của anh. Anh mong các em cũng có một phòng thở như vậy trong nhà của các em. Rồi ta hỏi các em: “Phòng thở của em đã sắp đặt xong chưa? Chừng nào chúng ta có thể đến để khánh thành phòng thở ở nhà em? Chúng ta sẽ tổ chức một buổi thiền trà nhỏ để đánh dấu ngày bắt đầu sự thực tập của gia đình em.”
Thưa quý vị, đã có hàng chục ngàn đệ tử ngoại quốc của tôi thiết lập phòng thở trong nhà của họ và thực tập theo những lời chỉ dẫn đó. Vì vậy chúng ta, những người trong Gia Đình Phật Tử, cần cấp tốc thiết lập phòng thở. Chúng ta chỉ cần một cái gối ngồi thiền, một bình hoa, và quan trọng nhất là một cái chuông nhỏ. Mọi người đều phải im lặng khi có người trong nhà vào phòng thở và thỉnh chuông. Tiếng chuông đó gọi ta trở về giây phút hiện tại với Đức Thế Tôn, tĩnh lặng và mỉm cười.
Nếu chúng ta có phòng thở thì sự an lành hạnh phúc trong gia đình sẽ tăng tiến rất mau, nội trong một tuần lễ thôi là không khí gia đình đã đổi khác. Chúng ta phải tận dụng sự có mặt của phòng thở trong nhà chúng ta. Vì vậy một trong những pháp môn mà các Huynh Trưởng cần thực hiện là làm thế nào cho tất cả những đoàn sinh của đoàn Oanh Vũ, đoàn Thiếu Niên, hay tất cả mọi người đều có một phòng thở trong gia đình. Ta phải hỏi thăm, đôn đốc, làm sao mà trong vòng một năm tất cả các đoàn sinh trong nhà đều phải có phòng thở hết.
Cái bánh trong tủ lạnh
Có một phương pháp thực tập mà chúng tôi hướng dẫn cho các em thiếu nhi Tây Phương để các em xử dụng khi ba má các em đang cãi vã, làm khổ nhau, đó là phương pháp ‘Cái bánh trong tủ lạnh’. Rất nhiều thiếu nhi Hoa Kỳ và Âu Châu đã tiếp nhận phương pháp đó và đã thực tập rất thành công. Mỗi khi ba má cãi vã nhau, lớn tiếng với nhau thì không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt, khó thở, các đứa con trở thành nạn nhân, ngộp thở và gánh chịu tất cả những lời chua chát, đay nghiến… của cha mẹ. Chúng không biết phải làm gì và ngồi đó chịu trận. Nhưng đâu phải chỉ có những người con mới bị ngộp thở, cả hai vợ chồng cũng bị ngộp thở, cũng chịu chết mà không có cách gì để thoát ra. Trong tình thế như vậy thì phương pháp ‘Cái bánh trong tủ lạnh’ có thể giúp cả gia đình thoát ra được cái bầu không khí ngột ngạt đó. Phương pháp là như thế này: Khi em bé thấy không khí trong gia đình quá ngột ngạt, khó thở, thấy mình đau khổ quá, trái tim bị xiết chặt lại, thân thể bị tê cứng lại, thì em lập tức trở về với hơi thở chánh niệm: thở vào ba hơi, thở ra ba hơi thật thoải mái rồi em thốt lên một câu thần chú: “Má ơi, hình như là mình có cái bánh ở trong tủ lạnh phải không?” Đó là một câu thần chú. Em bé chỉ cần thốt lên câu thần chú ấy thì tức khắc ba má sẽ hiểu. Câu đó có nghĩa là: “Ba má ơi, con đang khổ lắm. Ba má làm khổ nhau và điều đó làm khổ con.” Nhưng em bé không cần nói trực tiếp như vậy, em bé chỉ cần nói: “Má ơi (hoặc ba ơi), hình như là mình có cái bánh ở trong tủ lạnh phải không?” Thì lúc đó cả ba và má đều thấy được tâm trạng của người con. Lúc đó mẹ có thể vin vào câu nói đó để tiếp: “Đúng rồi con, tại sao con không đi vô lấy cái bánh đó rồi con đem tách trà ra sau vườn đặt lên bàn, má sẽ đi làm trà, pha cà phê cho ba con.” Thế là em bé có cơ hội chạy thoát vào bếp, má cũng có cơ hội để đi vào bếp làm trà hay pha cà phê. Ông chồng sẽ cảm thấy hơi quê nếu ngồi trơ ra đó một mình vì ông biết rằng con mình đang đau khổ, vợ mình đang đau khổ; hai người đã nghe lời Sư Ông dạy và đang thực tập để thoát ra khỏi tình trạng nặng nề. Hai mẹ con đang cố gắng thực tập để phá vòng vây của sự hờn giận, thì là một người chồng, một người cha, mình cũng nên đóng góp vào một tay, mình có thể đi vào Phòng Thở để thỉnh chuông và thực tập thở trong chánh niệm. Ta thấy rõ ràng là hai vợ chồng và đứa con, cả ba người, đều biết thực tập theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Đó là điều rất đẹp.
Cho nên việc thiết lập Phòng Thở trong nhà rất quan trọng. Trong Phòng Thở chỉ cần có một cái chuông nhỏ, một bình hoa và thêm gì nữa tùy thích của quý vị. Trong nhà, chúng ta có phòng ngủ, phòng tắm, phòng ăn, phòng khách… nhưng có thể chúng ta chưa có Phòng Thở. Nếu chưa có thì tôi đề nghị quý vị nên mau chóng thiết lập một Phòng Thở trong nhà để thực tập. Có thể quý vị sẽ hỏi, các cháu sẽ hỏi: “Nhưng lỡ trong lúc đó trong tủ lạnh không có cái bánh thì sao?” Có cái bánh hay không có cái bánh, điều đó không quan trọng. Quan trọng là quý vị cứ nói câu ‘thần chú’ đó ra, tại vì Cái Bánh mà Sư Ông trao cho có công năng rất mầu nhiệm, có thể giải cứu được tình trạng khó thở, bế tắc, quý vị không thể thấy được đâu. Thành ra nếu trong tủ lạnh không có cái bánh, thì quý vị vẫn cứ nói như thường; nếu không nói với mẹ, thì nói với ba: “Ba ơi, hình như trong tủ lạnh có cái bánh!” Đó là lời kêu cứu của người con và ba có thể nương vào đó rồi nói: ‘‘Đúng rồi! Đúng rồi! Cha con mình vô bếp để lấy cái bánh.’’ Người mẹ cũng có thể căn cứ vào đó để nói: ‘‘Anh và con đi lấy bánh còn để em vô pha cà phê, pha trà.’’ Thế là trong cả ba người đều thoát ra khỏi tình trạng khó khăn trong vòng một hoặc hai phút đồng hồ. Nếu để cho cái không khí nặng nề đó kéo dài một giờ, hai giờ hoặc ba giờ thì tội nghiệp cho cả ba người, chứ không phải chỉ tội nghiệp cho đứa bé mà thôi. Đó gọi là pháp môn ‘Cái bánh trong tủ lạnh’. Quý vị có thể đem dạy cho các em Oanh Vũ để các em đem về thực tập mỗi khi ba mẹ các em gây gổ, lớn tiếng với nhau.
Tuy nhiên quý vị cũng nên chia sẻ pháp môn này cho các bậc cha mẹ của các em để họ có thể thực tập chung với các em. Pháp môn ‘Cái bánh trong tủ lạnh’ không phải chỉ dành riêng cho các em mà thôi, các bậc cha mẹ cũng có thể thực tập được. Mỗi khi vợ chồng gây gổ với nhau và tình trạng trong gia đình trở nên khó thở, bế tắc thì ta thực tập: Thở vào, tâm tĩnh lặng. Thở ra, miệng mỉm cười. Rồi ta nói với con câu ‘thần chú’ đó, bởi vì bây giờ nói với vợ hơi khó, ta đang giận mà. Vì vậy ta phải nhờ người thứ ba. Có người thứ ba là đỡ lắm. Thầy luôn khuyến khích các thầy, các sư cô và sư chú nên ở ba người một phòng, vì lỡ hai người có giận nhau thì còn có người thứ ba cứu vãn tình thế. Sau này các tu viện nên xây những tăng xá mà trong đó các liêu phòng có ít nhất là ba giường ngủ. Ta giận vợ chứ ta đâu có giận con; thành ra ta có thể dễ dàng nói với con rằng: “Con ơi, hình như là mình có bánh ở trong tủ lạnh, đó con!” Ta muốn làm hòa với vợ nhưng ta còn hơi mắc cỡ, thành ra ta nói chuyện với con dễ hơn. Đây là tâm lý chung của nhiều người. Em bé rất thông minh, lanh lẹ nói: “Đúng rồi ba, để con vô lấy nghe.” Rồi em bé thoát khỏi cái bầu không khí ngột ngạt ấy và ta cũng đi theo em bé. Trong lúc đó vợ ta đứng một mình cũng quê, nên bà sẽ đi vào Phòng Thở, ngồi yên lại, thỉnh lên ba tiếng chuông và thực tập thở. Đó là một hình ảnh rất đẹp trong gia đình. Chúng ta có đau khổ, có vụng về nhưng chúng ta biết cách vượt ra khỏi những đau khổ, những vụng về để tái tạo lại sự an lạc cho gia đình. Đó là sự thực tập. Chúng ta vẫn còn là con người phàm phu, vì thế chúng ta không thể tránh khỏi được những giây phút vụng về, gây ra lầm lỡ, nhưng nếu lầm lỡ mà không biết cách thoát ra và chuyển hóa thì ta sẽ vẫn tiếp tục đau khổ triền miên. Nếu ta biết chuyển hóa thì ta có thể thoát ra được. Nếu các đệ tử của tôi thực tập được như vậy thì tôi lấy làm rất hãnh diện vì đệ tử của tôi biết thực tập những điều tôi dạy. Pháp môn ‘Cái bánh trong tủ lạnh’ nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó rất mầu nhiệm có thể giúp ta thoát ra khỏi cái tình trạng nặng nề khổ đau, đem lại sự an vui cho gia đình.