Chỉ và Quán (4)
Thiền sỏi
Bây giờ chúng ta học tới một phương pháp khác, gọi là thiền sỏi (pebble meditation). Các đoàn trưởng, đoàn viên, mỗi người có một cái túi với tám viên sỏi. Con số tám là con số của Bát Chánh Đạo. Nói là tám nhưng có khi ta chỉ dùng hai, ba, bốn, năm, hoặc sáu viên sỏi thôi. Các anh, các chị Huynh Trưởng có thể thực tập thiền sỏi với các em Oanh Vũ. Thiền sỏi rất dễ thực tập và rất vui. Người lớn cũng thích thực tập nữa.
Chúng ta may một cái túi rồi đi tìm ngoài bãi biển hay ngoài bờ sông tám viên sỏi thật là đẹp, rửa cho thật sạch, lau khô rồi bỏ vào trong túi. Đến giờ đi ngồi thiền, sau khi nghe tiếng còi của Huynh Trưởng, ta đi vào trong thiền đường để ngồi thiền chung. Ngồi thiền chung rất là vui. Giờ thiền tọa bắt đầu bằng tiếng còi của người Huynh Trưởng. Chúng ta đem túi sỏi theo, vào thiền đường, xá Đức Thế Tôn, đi đến gối ngồi, lấy túi sỏi, trút sỏi ra phía bên đầu gối của chân trái một cách chậm rãi, nhẹ nhàng để thực tập. Huynh Trưởng và đoàn sinh đều tập hướng dẫn thiền tọa. Không hẳn chỉ có Huynh Trưởng mới hướng dẫn thiền tọa, mà các em Oanh Vũ, người nào cũng có thể hướng dẫn thiền tọa hết. Chúng ta chia phiên nhau, hôm nay em này hướng dẫn, ngày khác em khác hướng dẫn thiền tọa. Mà các em phải tập mới có thể hướng dẫn được. Giọng người đó phải rõ ràng, trong sáng và truyền cảm thì mới hướng dẫn hay được. Trong cuốn sách ‘Sen Búp Từng Cánh Hé’ có rất nhiều bài hướng dẫn thiền tọa mà các Huynh Trưởng có thể học theo.
Là hoa, là núi, là nước, là không gian
Bây giờ ta mới bắt đầu thực tập thiền sỏi. Dùng hai ngón của bàn tay phải (bàn tay phải của ta là một bông hoa có năm cánh, đẹp không thua gì bàn tay của Đức Thế Tôn) ta cầm viên sỏi đầu tiên lên. Viên sỏi đầu tiên tượng trưng cho bông hoa và khi cầm lên, ta nhận diện: "A, đây là bông hoa" rồi ta mới nói: "Thở vào tôi thấy tôi là bông hoa, thở ra tôi thấy tôi tươi mát". Đặt viên sỏi đầu tiên lên lòng bàn tay trái, ta thực tập thở vào, thở ra từ ba đến năm lần trong khi nói ngắn lại: "là hoa, tươi mát". Trong khi thực tập, ta phải thấy ta biến thành một bông hoa và phải có chất liệu tươi mát. Khi nhìn những em bé, ta thấy rõ ràng chúng là những bông hoa. Khuôn mặt, con mắt, khóe miệng, bàn tay các em đẹp như hoa. Chúng ta là người lớn, ai cũng là bông hoa hết nhưng vì không biết tự chăm sóc thành ra ta hơi héo. Ta khóc nhiều quá nên mắt ta đục và không trong như trước nữa. Vì vậy bài thực tập này giúp ta lấy lại tính chất tươi mát của bông hoa trong ta. Hãy tươi trở lại, đó là mục đích của thực tập. Ta phải làm sao mà khi thở vào, dưỡng khí làm ta tươi lại như một bông hoa và khi ta thở ra, mỉm cười thì ta cảm thấy tươi mát. Ta làm cho Bụt hiện rõ ở trong ta, vì Bụt có chất liệu của sự tươi mát. Sau khi thực tập ba, bốn, năm hơi thở, thấy hoa tươi mát rồi thì vị hướng dẫn thức chuông và nói rằng: "Bây giờ xin đại chúng nghe một tiếng chuông, lấy tay cầm viên sỏi lên, cám ơn nó và để sang bên phía tay phải".
Rồi ta nhặt viên sỏi thứ hai lên. Viên sỏi thứ hai tượng trưng cho núi. Ta mỉm cười với núi, đặt nó lên lòng bàn tay trái rồi nói rằng: "Thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi cảm thấy vững vàng". Trong khi thở, ta thực tập biến thành một ngọn núi vững vàng. Ta ngồi trong tư thế rất thẳng, rất vững. Trong ta có chất núi, chất vững vàng. Trong Đức Thế Tôn, chất vững vàng rất lớn. Ta cũng có chất vững vàng, nhưng ta cũng có khá nhiều những chất liệu ngược lại. Vì vậy chúng ta tập bài này để nuôi dưỡng chất vững vàng trong ta: "là núi vững vàng". Trong khi thực tập ba, bốn hay năm hơi thở như vậy, ta làm chất liệu vững vàng trong ta lớn lên. Sau khi nghe tiếng chuông, ta nhặt nó lên, mỉm cười rồi để sang bàn tay phải.
Rồi ta lấy viên sỏi thứ ba, thực tập "nước tĩnh lặng chiếu": "Thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh, thở ra tôi phản chiếu vạn vật một cách rất trung thực". Nếu tâm ta lắng đọng thì ta thấy được sự vật rất rõ ràng, nếu không thì ta có nhận thức sai lầm, méo mó về sự thật. Ta cứ tưởng mọi người muốn hại ta, muốn làm khổ ta và ta có tri giác sai lầm. Vì hiểu lầm nên ta làm chính mình khổ, làm người thương ta khổ. Đó là vì nước không có tĩnh, không lắng đọng xuống được. "Thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh". Hễ nước mà tĩnh thì có khả năng lặng chiếu. Có một bài thơ rất hay:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần
Nếu hồ nước của chúng ta tĩnh lặng, thì ta phản chiếu được trăng tròn rất rõ ràng. Còn nếu xao động thì ta có rất nhiều nhận thức sai lầm, ta sẽ khổ và làm cho người thương của ta khổ. Đó là viên sỏi thứ ba, gọi là "nước tĩnh".
Viên sỏi thứ tư tượng trưng cho không gian. Người ta chỉ có hạnh phúc khi có không gian thênh thang. Không gian ở xung quanh và trong trái tim của mình. Nếu chúng ta có nhiều lo âu, tính toán, vướng mắc thì chúng ta không có thảnh thơi, giải thoát. Đức Thế Tôn có tự do rất lớn nên hạnh phúc của ngài rất vĩ đại, còn chúng ta không có tự do nên chúng ta đau khổ. Không có không gian ở xung quanh thì ta cựa quậy không được. Không có không gian ở trong tâm thì ta không thở được. Vì vậy không gian, tức là tự do, rất là quan trọng. Khi thương một người, ta có thể làm cho người đó mất hết tự do. Ta nói: "Anh phải suy nghĩ thế này, nếu suy nghĩ thế khác thì tôi sẽ không thương anh nữa." Có những người thương ta mà bắt ta suy nghĩ theo kiểu của họ, bắt ta thích cái họ thích, không được thích cái khác. Thương như vậy là bỏ tù, là lấy hết cả không gian của ta đi rồi. Càng thương thì càng làm cho người thương khổ, càng làm cho người thương ‘bị thương’. Cho nên ta phải có sự thảnh thơi. Thảnh thơi đây là tự do, nhưng tự do không phải là tự do chính trị. Đây là tự do đối với sự thèm khát, giận hờn, ganh tị, tức là những phiền não. Và ta thực tập để buông bỏ những phiền não. "Thở vào tôi thấy tôi là không gian, thở ra tôi cảm thấy thảnh thơi". Khi nào cảm thấy thảnh thơi thì ta mới có hạnh phúc.
Sau khi thực tập xong bốn viên sỏi đó rồi thì có một tiếng chuông để chấm dứt, ta có thể bỏ những viên sỏi đó vào trong túi sỏi của mình, xoa bóp chân cho máu lưu thông và sau đó tuần tự đi ra ngoài.
Con đã về tới nhà
Bây giờ xin các cháu nhỏ lấy 6 viên sỏi ra để chúng ta thực tập sự dừng lại. Trong khi thở, chúng ta dốc sáu viên sỏi ra lòng bàn tay trái, và chúng ta đặt sáu viên sỏi đó xuống sàn bên đầu gối trái của chúng ta. Khi nghe một tiếng chuông, chúng ta thở vào, thở ra ba lần, rồi chúng ta cúi xuống và lượm lên một viên sỏi và để vào lòng bàn tay trái, rồi để bàn tay trái lên trên bàn tay phải. Chúng ta bắt đầu thực tập. "Thở vào con đã về, thở ra con đã tới". Đó là ta nói với Đức Thế Tôn. Ta không chạy nữa. Ta về nhà rồi. Nhà của ta ở đâu? Địa chỉ nào? Địa chỉ của nhà ta là bây giờ và ở đây. Tại vì theo giáo lý của Đức Thế Tôn, sự sống chỉ có mặt bây giờ và ở đây mà thôi. Ta trở về với bây giờ và ở đây là ta tiếp xúc được với sự sống. Cho nên viên sỏi đầu tiên là đã về, đã tới. Đức Thế Tôn ơi con đã về tới nhà, con không còn chạy nữa. Con không chạy như Angulimala nữa, con không chạy như một người điên nữa. Và ta thở như vậy ba hơi. "Bạch Đức Thế Tôn con đã về, bạch Đức Thế Tôn con đã tới". Ta đừng có nói bằng miệng không, phải nói bằng cả thân và tâm của ta. Ta thấy ta ngồi vững chãi như núi Tu Di, ta an trú bây giờ và ở đây như Đức Thế Tôn ngồi dưới cội Bồ Đề. Sau ba lần như vậy, ta đưa viên sỏi lên bằng hai ngón tay, nhìn và mỉm cười với nó rồi đặt nó sang bên phải.
Dùng bàn tay phải, nhặt viên sỏi thứ hai lên và đặt nó trong lòng bàn tay trái, đặt bàn tay trái trên lòng bàn tay phải và bắt đầu thực tập câu thứ hai. Thở vào "Bạch Đức Thế Tôn con đang an trú bây giờ". Thở ra "Con đang an trú ở đây". Thở ba lần như vậy rồi cầm viên sỏi lên, mỉm cười và đặt nó qua phía tay phải.
Viên sỏi thứ ba: "Thở vào con cảm thấy vững chãi, thở ra con cảm thấy thảnh thơi". Đó là ta đang nói với Đức Thế Tôn.
Viên sỏi thứ tư: "Bạch Đức Thế Tôn, con đã quay về, bạch Đức Thế Tôn, con nương tựa Tam Bảo". Tam Bảo là nền tảng đời sống tâm linh của con. Quay về nương tựa, đó là những chữ ta dùng để dịch hai chữ quy y. Quy là quay về và y là nương tựa. Ta không phải là ma đói, là cô hồn. Ta có nhà cửa, quê hương. Mà quê hương tâm linh của ta là Bụt, Pháp, Tăng. Ta có chỗ nương tựa. Có những thanh niên họ không biết họ sẽ đi về đâu, sống cuộc đời không mục đích, không nền tảng; họ không có chỗ bám víu, chỗ quay về. Còn ta có nhà, có quê hương, có nền tảng để quay về, nhất là trong lúc ta buồn khổ. Đó gọi là quay về nương tựa. Chúng ta thực tập bài này với bốn viên sỏi. Chúng ta phải học thuộc bài kệ thì mới thực tập được. Bài kệ như sau:
Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa
Nay tôi đã về
Nay tôi đã tới
An trú bây giờ
An trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động
Bây giờ đây chúng ta sẽ thực tập như một tăng thân. Chúng ta đưa tất cả bốn viên sỏi trở về bên trái và chúng ta sẽ thực tập chung. Nhớ viên sỏi thứ nhất là đã về đã tới, viên thứ hai là bây giờ, ở đây, viên thứ ba là vững chãi, thảnh thơi, viên chót là quay về nương tựa. Sau đó chúng ta sẽ thỉnh chuông để chấm dứt. Xin đại chúng cùng thực tập cho vui. Khi ta thực tập với nhau, ta có mặt trong giây phút hiện tại và ta truyền năng lượng cho nhau để có niềm vui và thấy được rằng ta đã dừng lại. Quý vị sẵn sàng chưa?
Ta cử ra một vị tri chung. Vị tri chung sẽ thỉnh tiếng chuông đầu để mọi người thở và thực tập thiền sỏi. Nếu không có chuông thì dùng còi vì tiếng còi cũng có hiệu lực tương đương như tiếng chuông. Thở vào, thở ra ba lần sau mỗi tiếng còi. Và các cháu tập hướng dẫn thiền sỏi với cái chuông. Phải nhớ rằng với mỗi viên sỏi, ta phải để cho mọi người được thở ít nhất ba hơi, và nhiều khi hơi thở của ta ngắn hơn người khác thì phải trừ hao một chút bằng cách thở thêm hơi thứ tư nữa để cho người khác được thở đủ. Vì khi mọi người đang có hạnh phúc trong lúc thực tập thiền sỏi mà ta cắt đứt hơi thở của họ thì tội nghiệp cho họ.
Tất cả mọi người cũng vậy, trong các sinh hoạt mà nếu cần tĩnh tâm trở lại, giúp ta an trú trong hiện tại thì ta cũng có thể dừng lại để thực tập ba phút thiền sỏi. Các cháu sẽ thấy rằng thực tập thiền sỏi rất là vui. Và trong khi ta đã về, đã tới thì Bụt có mặt trong trái tim ta. Tại vì Bụt là người luôn luôn có mặt, luôn luôn đã về, đã tới. Cho nên dù ta không nói tới danh từ Bụt Thích Ca, Bụt Di Đà thì ta vẫn có Bụt trong trái tim mình.
Các em thiếu nhi đã từng thực tập thiền sỏi và thực tập rất hạnh phúc. Vậy thì trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, chúng ta có thể tổ chức thiền sỏi. Mỗi em Oanh Vũ nên có một cái túi đẹp để đựng sáu viên sỏi. Tăng đoàn Làng Mai đã tổ chức hai khóa tu tại Santa Barbara, Hoa Kỳ, cho thiếu nhi. Khóa tu nào cũng thành công. Hàng trăm thiếu nhi đến tu học và bố mẹ các em cũng đến để yểm trợ. Ban đầu các em không biết mình đến để làm gì. Con nít mà biết gì về tu, nhưng sau khi đã thực tập thiền sỏi và thiền nước chanh (thay vì thiền trà), đã đi thiền hành, đã nghe pháp thoại thì các em rất thích. Pháp thoại cho các thiếu nhi hay lắm. Tại vì các vị chưa nghe pháp thoại cho thiếu nhi, nói cho con nít mà người lớn nghe mê luôn. Các em mở lớn mắt mà nghe rất thích thú. Tư liệu về pháp thoại cho thiếu nhi, Làng Mai có thể cung cấp được cho các vị Huynh Trưởng. Các vị có thể căn cứ trên những pháp thoại ở Làng Mai để làm ra những pháp thoại khác. Nếu có giờ ta sẽ nói thử một bài pháp thoại cho thiếu nhi, rồi quý vị sẽ thấy rằng pháp thoại cũng vui, mà thiền sỏi, thiền đi, thiền ngồi, thiền ăn cơm cũng vui. Sau năm ngày tu học, các cháu mê quá, không muốn về nhà nữa. Các cháu hỏi: "Why do we have to go?" (Tại sao mình phải về?).
Đó là con nít Mỹ. Nếu con nít Mỹ tu được thì con nít Việt Nam chắc chắn là tu được, vì con nít Mỹ động hơn con nít Việt Nam rất nhiều. Các vị Huynh Trưởng nam và nữ nên tin rằng ta sẽ thành công dễ dàng hơn những người Mỹ vì con cháu ta dầu sao cũng có dòng máu của các vị thiền sư trong người. Vậy thì tại đoàn quán, chúng ta có thể tổ chức thiền tọa cho các em và cho chúng ta nữa. Hình thức dễ nhất của thiền tọa là thiền sỏi.
Viên Sỏi Hộ Trì
Đây là một phép thực tập thiền sỏi khác mà các cháu có thể thực hiện. Trong sáu viên sỏi mà chúng ta đã nhặt được chúng ta sẽ chọn một viên. Viên đó có thể là một viên sỏi lớn hơn các viên khác, nếu cần thì chúng ta có thể tìm một viên khác để thế viên đó. Nếu đó là một viên sỏi vừa lòng bàn tay của chúng ta, viên sỏi láng, tròn và nếu nắm lấy nó mà ta thấy dễ chịu trong lòng bàn tay thì tốt nhất. Chúng ta đặt tên viên sỏi đó là Hộ Trì. Hộ trì là sự che chở, bảo vệ. Hộ trì là một danh từ rất quan trọng trong đạo Bụt. Khi chúng ta quy y, thì năng lượng của Phật, Pháp, Tăng là năng lượng hộ trì cho chúng ta, hộ trì cho chúng ta đừng gặp tai nạn. Và thường thường tai nạn từ bên trong đi ra chứ không phải là từ bên ngoài đi vào. Nếu không có chánh niệm thì chúng ta có thể để cho sự bực bội, giận hờn biểu hiện thành lời nói và hành động mà có thể gây tai nạn cho mình và cho người kia, và đôi khi có thể làm hư cả cuộc đời của những đứa con ta. Vậy cho nên hộ trì có nghĩa là giữ gìn, che chở để cho đừng bị tai nạn. Nếu được thì trước khi lên xe rời Thanh Sơn, quý vị có thể đi một vòng và kiếm ra một viên sỏi như vậy. Ta sẽ rửa thật sạch viên sỏi đó cùng với năm viên sỏi khác. Ta xông trầm, đốt hương, rồi ta đặt lên bàn thờ Tam Bảo. Sau đó trong vòng một tuần, mỗi ngày chúng ta đều lễ lạy và cúng dường: cúng dường hương, cúng dường hoa, cúng dường quả. Sau bảy ngày chúng ta thỉnh sáu viên sỏi đó xuống rồi may một cái túi và để sáu viên sỏi đó vào trong. Trong những lúc thiền tập chúng ta có thể sử dụng sáu viên sỏi đó nhưng có một viên sỏi chúng ta phải mang theo ngày và đêm, đó là viên sỏi Hộ Trì.
Mỗi khi có sự bực bội phát sinh trong tâm, có sự hờn giận phát sinh trong tâm thì chúng ta lập tức cho tay vào túi và nắm lấy viên sỏi Hộ Trì, trở về với hơi thở. Thở vào ta nói: "Bụt ơi, con đang bực tức", hoặc "Bụt ơi, con đang giận hờn", hoặc là "Bụt ơi, con đang khổ". Ta kêu tên của Đức Thế Tôn thì tự nhiên năng lượng của Đức Thế Tôn xuất hiện ra trong ta, vì ta có hạt giống Đức Thế Tôn trong tâm nên điều đó sẽ xảy ra. "Bụt ơi, con đang khổ hoặc con đang giận…" nghĩa là con đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Đó là hơi thở vào. Khi thở ra, ta nói: "Bụt ơi, xin che chở cho con, xin Bụt bảo hộ cho con và hộ trì cho con". Chọn chữ mà ta ưa để làm thành một Thiền Ngữ. Ví dụ: "Bụt ơi, con đang khổ, Bụt ơi, bảo hộ cho con ". Tuy ta không niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát mà chất liệu Phật và Bồ Tát có thật ở trong đó. Khi ta biết trở về với hơi thở và nghĩ đến Bụt, thì tự nhiên năng lượng của Bụt hiện ra trong con người ta, bảo vệ cho ta. Có nhiều khi ta niệm Bụt như là cái máy thì không có năng lượng gì hết. Ví dụ như ta gặp một người mới ở ngoài cổng vô, ta chào: "A Di Đà Phật…" Ta nói như vậy thôi thì không có năng lượng gì hết. Thường thường người ta niệm Bụt chỉ là lập lại vài chữ thôi mà không phát ra được năng lượng. Còn khi ta trở về hơi thở, nắm lấy viên sỏi mà gọi Đức Thế Tôn thì viên sỏi đó có chất liệu Bụt với nhiều năng lượng. Nó hiện ra trong trái tim của ta: "Bụt ơi con đang khổ". Ta hãy tìm tới Bụt như tới một người cha, như tới một người thầy, rất là thân thiết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Bụt là một vị thần linh xa lắc xa lơ không gần gũi. Thực ra, Bụt là một người cha, một người thầy, một người anh và rất gần gũi với chúng ta. Bụt đã từng khổ đau, cho nên Bụt đã thực tập vượt thắng khổ đau. Năng lượng của Bụt rộng lớn vô cùng. Có biết bao nhiêu người trong đời sống hằng ngày, nhờ nhắc đến tên của ngài mà trong lòng bớt khổ. Cho nên ta phải khám phá ra, phải tìm ra cái tính người của Bụt, phải biết đến với Bụt như đến với một con người chứ đừng đến với Bụt như một vị thần linh.
Bụt ơi!
Bụt là một người cha rất thương con, là một người thầy rất thương học trò. Nam Mô Bổn Sư tức là con lạy thầy của con. Bổn sư là thầy của con, Nam mô nghĩa là con kính lạy chứ có gì đâu. Vậy mà ta dùng chữ Bổn sư tức là thầy của con mà ta không đối xử với Bụt như là thầy mà chỉ đối xử như vị thần linh thì đâu có đúng. Cho nên khi ta nắm lấy viên sỏi đó ta gọi: "Bụt ơi!" thì tiếng "Bụt" đó rất tha thiết, giống hệt như là cha của ta hay là thầy của ta. Tự nhiên năng lượng của Bụt phát sinh ra trong lòng ta. "Bụt ơi! Con đang khổ. Bụt ơi! Xin bảo hộ cho con" và cứ tiếp tục như vậy mà thở.
Khi giận, khi buồn, khi thất vọng, khi tuyệt vọng, là ta phải đưa tay vào trong túi, nắm lấy viên sỏi và theo dõi hơi thở, đừng có nói gì nữa. Không nói và không làm gì hết, đó là hiệu lệnh của sự thực tập. Tại vì ta biết rất rõ là trong khi buồn, giận mà ta nói hay làm thì những điều ta nói, những việc ta làm sẽ gây ra đổ vỡ. Phương pháp thực tập là nắm lấy viên sỏi hộ trì và trở về với hơi thở, kêu cứu với Bụt và án binh bất động. Án binh bất động nghĩa là không làm gì hết. Án binh bất động là một danh từ quân sự tức là quân đội cắm trại, hoàn toàn im lặng. Mà có những lúc cần án binh bất động thì mới có thể thành công được, không thì bị quân giặc đánh tan. Vậy thì phương pháp của chúng ta là phương pháp án binh bất động. Không nói, không làm gì hết, chỉ trở về với hơi thở và làm cho năng lượng của Bụt hiện ra trong người của ta, để hộ trì. Nếu cần, cứ tiếp tục ngồi đó, vẫn có thể ngồi được, nhưng mà không nói, không làm và không nghe gì cả. Chỉ trở về với hơi thở của mình.
Cái đó gọi là tu tập, cái đó gọi là niệm. Niệm Bụt mà không cần nói ra tiếng A-Di-Đà hay Thích Ca hay Quan Âm, nhưng mà năng lượng của Bụt rất dồi dào, và lúc đó ta chỉ cần kêu lên: "Bụt ơi! Con đang khổ. Bụt ơi! Hộ trì cho con" thì tự nhiên năng lượng của Bụt sẽ bao trùm lấy người của ta. Hãy thực tập án binh bất động, tiếp tục theo dõi hơi thở và niệm cái câu đó: "Bụt ơi! Con đang khổ. Bụt ơi! Xin hộ trì cho con". Nếu có thể, thì đứng dậy, đi chậm rãi ra cửa, đi ra ngoài để thiền hành. Không khí ở ngoài bao giờ cũng mát mẻ hơn, phong cảnh ở ngoài tươi mát hơn. Mắt ta tiếp xúc với trời xanh, với cây xanh thành ra sự thực tập dễ dàng hơn, ít ngột ngạt hơn ở trong căn phòng kia. Ta đi như vậy trong vòng 10 phút, nếu cần thì đi thêm nữa và bàn tay ta luôn luôn nắm lấy viên sỏi đó.
Không để khổ đau leo thang
Đây là một pháp môn rất mầu nhiệm mà tôi trao cho quí vị. Nếu quí vị làm đúng thì quí vị có thể bảo hộ được cho chính bản thân của mình và cho gia đình mình. Có thể sau 10 phút hay 15 phút thực tập thì tình thương của ta lớn lên, ta không buồn, giận nữa. Ta thấy được rằng người kia vì vụng về, vì không biết quản lý cơn giận của mình, cho nên đã nói và làm những điều khiến ta bị thương tích và đau khổ. Người kia cần được giúp đỡ hơn là cần bị trừng phạt. Tại vì khi cảm thấy khổ thì chúng ta cứ nghĩ rằng phải trừng phạt người đó, người đã làm cho ta khổ, trừng phạt bằng cách nói một câu rất mạnh, rất đau. Đó là cách hành xử của người không tu. Ta tưởng rằng nói một câu rất đau cho người đó nghe, mà nếu người đó đau thì ta sẽ bớt khổ. Ta ngây thơ tin tưởng như vậy. Nhưng khi người đó đau thì người đó cũng muốn hết khổ, người đó cũng muốn nói lại một câu rất đau để cho ta khổ, để cho người đó bớt khổ. Ta tưởng là sẽ khỏe hơn, ai dè là ta leo thang chiến tranh. Tôi biết cách đó là dại dột lắm. Vậy mà có nhiều người 40, 50 tuổi, vẫn theo cái cách của con nít đó như thường. Trong khi đó có những sư cô, sư chú mới 20, 22 tuổi, mà đã thực tập được pháp môn này thì nhất định sẽ không leo thang chiến tranh, nhất định không cho khổ đau leo thang ở trong con người của mình và trong người kia.
Người kia có thể là người ta thương nhất trên đời. Mà làm khổ người ta thương nhất trên đời là chuyện dại dột. Tuy vậy mà ta đã làm và cứ thế mà làm. Ta đang làm, và cũng sẽ làm nữa mà không biết. Nếu quí vị thực tập pháp môn này thì quí vị sẽ thấy nó nhiệm mầu hơn bất cứ một câu thánh kinh nào. Năng lượng chánh niệm tức là năng lượng ta sử dụng để bảo vệ cho ta. Khi có năng lượng chánh niệm trong người ta rồi, thì ta có thể tiếp xúc với năng lượng chánh niệm của Bụt và của Bồ Tát. Cũng như là trong máy thu thanh của ta, nếu có pin thì ta mới bắt được những làn sóng điện của đài phát thanh. Nếu không có chánh niệm trong người của ta thì ta không bắt được, không tiếp xúc được với năng lượng của Bụt và Bồ Tát đang luôn luôn có mặt trong vũ trụ. Cho nên thực tập hơi thở và nắm lấy hòn sỏi Hộ Trì thì giống như ta lắp pin vào trong máy thu thanh của ta vậy thôi. Mở máy ra thế nào ta cũng tiếp nhận được những tín hiệu của đài phát thanh.
Ngày sẽ đẹp hơn
Ta thực tập như vậy và ta chỉ dẫn cho các con, các em ta cũng thực tập như vậy. Rồi một hồi thì chồng ta, vợ ta, cha ta, hay là anh ta sẽ thấy sự thay đổi. Thấy bây giờ sao ta trầm lặng, không hay nổi giận nữa. Thấy ta biết đi thiền hành, biết thở. Tự nơi bản thân của người đó sẽ phát sinh ra sự kính phục. Người đó sẽ thấy ta là người biết tu và ta bắt đầu chuyển hóa được tình trạng.
Ta cũng có thể tập cho em bé, con của ta. Cháu cũng có quyền có một viên sỏi hộ trì. Ta có thể tổ chức một phòng thở ở trong nhà. Mỗi tối trước khi đi ngủ thì hai cha con vào trong phòng thở đó, ngồi xuống, thỉnh một tiếng chuông, nắm lấy viên sỏi, thực tập thở vào và thở ra. Những lúc đó là những lúc ta không có giận. Thở vào ta nói: "Bụt ơi!" Thở ra ta nói: "Có con ở đây". Cứ thở vào: "Bụt ơi!" Thở ra: "Có con ở đây". Ta tập cho cháu thực tập ba hơi thở với viên sỏi đó rồi mới cho cháu đi ngủ. Còn ta thì mỗi sáng trước khi đi làm, ta vào trong phòng thở, thắp một cây nhang, ngồi thỉnh một tiếng chuông, rồi ta thực tập với viên sỏi đó là một thói quen rất tốt. Các thầy, các sư cô mỗi khi rời làng đi tổ chức khóa tu thì luôn luôn đi vào thiền đường, thắp một cây hương, thỉnh tiếng chuông, rồi lạy Bụt và lạy tổ ba lạy trước khi khởi hành. Ta cũng vậy, mỗi sáng trước khi đi làm, đi vào dâng một cây hương, ngồi xuống thỉnh một tiếng chuông, thực tập ba hơi thở, lạy ba lạy rồi mới đi làm. Đó là nếp sống văn minh, có khách hay không có khách tới nhà, ta cũng làm như vậy. Người khách của ta, người Việt hay người ngoại quốc, thấy ta làm như vậy thì họ sẽ thấy nếp sống của ta rất đẹp. Không những người lớn làm phương pháp đó, mà các em bé cũng làm được phương pháp đó trước khi đi học. Vào thỉnh chuông, thở và lạy ba lạy trước khi đi học.
Người Tây phương buổi sáng trước khi đi làm thì thường chúc nhau: "Have a good day!" (Chúc anh có một ngày đẹp). Nhưng đó chỉ là sự chúc tụng chứ chưa phải là sự thực tập. Còn ta bắt đầu một ngày bằng tiếng chuông, bằng ba hơi thở và ba cái lạy thì đó là ta đã thực tập, ta đã bắt đầu một ngày đẹp rồi. Đầu ngày ta đã biết tiếp xúc với tổ tiên tâm linh của ta thì cái ngày đó chắc chắn sẽ đẹp hơn và nhất là ta có đem viên sỏi đó đi theo, tức là tổ tiên của ta cũng đi theo để bảo hộ ta trong bất cứ trường hợp nào, khi sợ hãi, khi giận hờn, khi khó khăn để giúp ta giữ lòng cho thanh tịnh. Ta thực tập mà người ta đâu có biết ta thực tập, người ta chỉ thấy ta rất là bình tĩnh, rất là vững chãi. Giá trị con người ta biểu lộ ra nơi sự vững chãi đó.
Thiền Trà
Trong gia đình, ta có thể thực tập thiền trà. Ta mời một vài đoàn viên trong đoàn của ta về để tham dự thiền trà của gia đình. Tổ chức thiền trà tại nhà thì hay lắm. Nhờ tổ chức như vậy mà nhà ta sẽ sạch hơn, đẹp hơn, tại vì khi có khách ta phải lo cho nhà mình đàng hoàng hơn. Ta cũng có thể tổ chức thiền trà ở đoàn quán. Thiền trà là cơ hội để mọi người trong gia đình có mặt bên nhau trong chánh niệm và trân quý sự có mặt đó. Thiền trà là một nghi lễ. Với các em Oanh Vũ, ta có thể thay trà bằng nước chanh cũng rất vui và thích hợp với các em hơn. Trà chủ, trà khách, và trà giả (người pha trà), ai cũng thực tập chánh niệm trong từng cử chỉ: cách đi đứng, dâng hương, pha trà, chuyền bánh v.v… đều tỏa chiếu sự an lạc và thảnh thơi. Một buổi thiền trà có ba phần: nghi lễ mở đầu (dâng hương, dâng trà cho Bụt), uống trà trong im lặng, và chia sẻ. Không khí buổi thiền trà rất đạo vị và những chia sẻ cũng trong tinh thần đó. Ta cũng có thể có thêm bánh ngọt để ăn chung khi uống trà.
Trà chủ, trà giả được thực tập trước về phần nghi lễ. Bánh được xếp ra khay, trà và ly tách được chuẩn bị sẵn sàng và để trước mặt trà giả. Trà khách cũng được giới thiệu về ý nghĩa và những nghi lễ của buổi thiền trà trước khi được mời vào. Khi đến giờ đã định, có thể có tiếng chuông báo hiệu để mọi người tập họp lại, vị trà chủ và trà giả đứng hai bên cửa, chắp tay để đón chào khách. Mọi người đi vào thong thả, chắp tay chào lại trà chủ và đi vào chỗ được mời. Ta có thể ngồi thành vòng tròn đối diện nhau. Sau khi mọi người đã ngồi xuống, vị tri chung thỉnh chuông để mọi người im lặng theo dõi hơi thở trước khi dâng hương và lạy Bụt. Sau đó mọi người đứng đối diện nhau, chắp tay búp sen, vị trà chủ đọc câu kệ: "Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai" rồi mọi người cùng lạy nhau một lạy. Đây là một sự thực tập tương kính, nhận diện hạt giống giác ngộ nơi mỗi người rất đẹp. Mọi người ngồi xuống, ngồi thảnh thơi và an lạc như khi tọa thiền trong khi bánh và trà được chuyền đi từ tay trà giả. Trước khi nhận bánh và trà, ta chắp tay lại cung kính rồi sau đó tiếp tục chuyền khay bánh và trà qua người kế tiếp. Khi tất cả mọi người đã có trà và bánh, vị trà chủ nâng ly trà lên bằng hai tay, thong thả đọc:
Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây.
Mọi người cùng nâng ly và bắt đầu thưởng thức trà, bánh trong im lặng. Giây phút có cơ hội ngồi uống trà, ăn bánh chung với nhau, có mặt cho nhau là những giây phút rất hạnh phúc. Có khi ta chẳng cần nói gì cả, chỉ cần có mặt đích thực là đã đóng góp rất nhiều cho không khí an lạc của buổi thiền trà. Ta cũng có thể chia sẻ sau đó những niềm vui, cảm xúc, kinh nghiệm thực tập hoặc đóng góp một bài hát, một bài thơ, một câu chuyện trong tinh thần đạo vị và tưới tẩm hạt giống hạnh phúc trong mọi người. Khung cảnh chánh niệm được duy trì cho đến phút chót, khi vị trà chủ cảm ơn và ban trà giả tiễn mọi người ra về.
Ngoài thực tập thiền trà theo nghi lễ, ta cũng có thể thực hiện thiền trà không nghi lễ, nghĩa là không có phần dâng hương, lạy Bụt và lạy nhau, nhất là khi số lượng người tham dự khá đông và thời gian không được nhiều. Trong những buổi thiền trà như vậy, năng lượng chánh niệm và bình an cũng được chế tác và duy trì suốt buổi thiền trà. Ta có thể tổ chức thiền trà mỗi tháng một lần trong Gia Đình Phật Tử, trong gia đình, hoặc trong tăng thân tu học của mình để tạo thêm tình thân và chia sẻ niềm vui cho nhau. Các em Oanh Vũ, thiếu nhi cũng có thể làm "thiền trà" cho riêng các em rất thành công.