Điều phục tâm hành (1)
Chăm sóc cơn giận
Giận một người ngoài thì đó là chuyện có thể xảy ra, nhưng giận một người trong nhà, một người thương mà nếu không biết phương pháp để đối phó thì ta chưa phải là một người Phật tử chân chánh, một người con của Đức Thế Tôn. Có khi ta giận cha, có khi ta giận mẹ, có khi ta giận anh, hay chị, hay em. Có khi ta giận người bạn hôn phối của ta, có khi ta giận con của ta, con trai hay con gái. Khi những giận hờn đó phát xuất thì ta phải đối trị như thế nào trong gia đình huyết thống của ta? Và ngay trong tổ chức Gia Đình Phật Tử của ta, nếu các Huynh Trưởng giận nhau, nếu các Huynh Trưởng giận các em, nếu các em giận nhau, nếu các em giận ta, thì là Huynh Trưởng ta phải thực tập như thế nào? Phải có cách thực tập rõ ràng, phải có được sự chỉ dẫn trong từng bước. Và nếu áp dụng đúng phương pháp thì chỉ nội trong một tháng ta sẽ thấy tình hình sáng sủa hơn rất nhiều.
Không tu thì thôi, mà hễ tu thì có kết quả. Không gieo hạt thì thôi, mà đã gieo hạt thì thế nào cũng lên cây. Chắc chắn như vậy. Lần sau hễ người kia nói một điều gì đó hay làm một điều gì đó làm cho ta giận thì ta phải lập tức trở về nắm lấy hơi thở. Hơi thở này là hơi thở chánh niệm, tiếng Anh gọi là mindful breathing. Tức là thở vào, ta phải biết đây là hơi thở vào. Phải thở cho thật là trọn vẹn. Ví dụ cây viết này là chiều dài của hơi thở vào. Đầu viết là điểm đầu của hơi thở vào và đuôi viết là điểm cuối của hơi thở vào. Khi thở vào ta thở một cách thong thả và nói rằng thở vào ta biết là ta đang thở vào. ‘Thở vào biết thở vào’ là một câu Bụt dạy trong kinh An Ban Thủ Ý. Nói vắn tắt là "Vào này". Ta biết đó là hơi thở vào và chỉ có một ý niệm đây là hơi thở vào mà thôi, ngoài ra không có một ý niệm nào khác. Lúc đó ta chỉ nghĩ về hơi thở vào mà thôi, không nghĩ tới chuyện gì khác hết. Người kia đang ngồi đó hay người kia mặt đang đỏ gay ta không cần biết, ta chỉ để ý đây là hơi thở vào này, đây là hơi thở ra này. Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Bám sát lấy hơi thở, đừng buông hơi thở và hơi thở vào có thể dài 5 giây, 6 giây hay 15 giây, thì trong 5 giây, 6 giây hay 15 giây đó ta hoàn toàn chú tâm vào hơi thở vào. Đây là hơi thở vào và thấy không khí đang đi vào hai buồng phổi của ta, không có suy nghĩ gì khác. Theo hơi thở gọi là tùy tức. Thở vào xong rồi thì đến thở ra. Thở ra biết thở ra. Thở vào thở ra như vậy ba lần. Trong lúc đứng ta biết ta đang thở. Trong lúc ngồi ta biết ta đang thở. Ở tư thế nào của thân thể ta cũng thở được hết. Cho đến nằm cũng thở được. Nhưng mà phải thở với tất cả một trăm phần trăm của tâm ta, phải bám lấy hơi thở. Lúc đó ta mới tiếp tục theo dõi hơi thở và nói thầm: "Thở vào tôi biết tôi đang giận, thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi." Cái giận của ta là một vùng năng lượng có tính chất nóng. Mà cái gì nóng là địa ngục. Nên người kia nói một câu hay làm một cái gì là chạm vào hạt giống giận của ta là hạt giống giận tóe lửa. Có một năng lượng trong người ta lúc đó là năng lượng của cơn giận. Lúc đó ta nên lập tức trở về với hơi thở và ta làm phát sinh ra một nguồn năng lượng thứ hai là năng lượng chánh niệm.
Có nhiều cách làm phát khởi nguồn năng lượng thứ hai trong đó cách thở vào thở ra là một cách rất mầu nhiệm. Còn phép thực tập nữa là phép đi, đi thiền hay thiền hành cũng rất hay. Mỗi bước giúp ta chạm được hạt giống chánh niệm trong ta, làm hạt giống chánh niệm nảy bừng ra năng lượng chánh niệm, và chính năng lượng đó sẽ ôm lấy năng lượng của sự giận như một người mẹ đang ôm lấy đứa con đang khổ đau. Người mẹ không cần đánh lộn với đứa con. Năng lượng chánh niệm đi lên ôm ấp, vỗ về cái giận. Không có sự chống báng giữa hai cái vì cái giận cũng là ta mà năng lượng chánh niệm cũng là ta. Năng lượng chánh niệm ai cũng có.
Khi cơn giận phát hiện thì ta lập tức trở về hơi thở hay bước chân và nhất định không nói gì hết, không làm gì hết vì nói hay làm trong lúc mất chánh niệm thì sẽ gây đổ vỡ và ta sẽ hối hận. Thành ra ta nên ký với ta, với Bụt một hiệp ước là: "Bạch Đức Thế Tôn, con hứa với Ngài rằng lần tới khi con giận, con sẽ không nói gì hết, con sẽ không làm gì hết. Con sẽ trở về với hơi thở để con chế tác năng lượng chánh niệm, để ôm ấp nỗi khổ niềm đau của con." Viết xuống đàng hoàng. Đánh lừa ai thì được chứ đánh lừa Đức Thế Tôn, đánh lừa ta thì hơi khó. Giả bộ tu hình thức với ai thì được chứ giả bộ với Đức Thế Tôn, giả bộ tu với ta chắc khó. Thành ra ta không cần một người nào chứng minh hết. Ta viết xuống lời nguyện và có Đức Thế Tôn chứng giám. Hai thầy trò là đủ rồi. Cũng không cần thắp nhang nữa. Quan trọng nhất là tâm ta có đó và có sự kính thành. Đã hứa thì phải làm. Giận là không được nói, không được làm vì trong quá khứ, khi ta giận mà nói và làm đã gây đổ vỡ trong tự thân và trong người kia. Giữa hai người với nhau, giữa cha và con, giữa mẹ và con, giữa ta và người hôn phối đã có sự đổ vỡ thì bây giờ nhất định không làm nữa. Mà phải cương quyết lắm mới được vì đã có một lề thói quen rồi, nếu không phát tâm dũng mãnh thì không thể nào làm khác được.
Luộc khoai cho chín
Trong khi ta dùng năng lượng chánh niệm cái giận thì ta tiếp tục thực tập hơi thở và bước chân có ý thức. Cũng như khi luộc khoai, trước hết ta rửa khoai bỏ vào nồi, đổ nước vào, đậy nắp lại và đốt lửa. Ta biết rằng nếu tắt lửa sau 5 phút thì khoai làm sao chín được. Vì vậy ta phải để lửa cháy ít nhất là 20 phút, 25 phút thì khoai mới chín. Cũng vậy, cơn giận của ta là một củ khoai sống và nếu ta chỉ có chánh niệm độ vài phút thì chắc củ khoai đó không chín. Cho nên phải liên tục thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, đôi khi phải cần 15 phút, nửa giờ hay một giờ thì lúc đó cơn giận mới đi xuống. Rồi ta bắt đầu nhìn thấy cái giận này có vì sự u mê ở phía trong. Cái u mê thứ nhất là ta tưởng rằng người kia là nguyên do chính của sự đau khổ của ta, ai dè nguyên do chính của sự đau khổ trong ta là cục giận của ta hơi lớn. Một người khác nghe câu đó thì không nổi giận mau như ta, nhưng ta nổi giận vì cục giận, cục lửa trong ta lớn quá. Đụng tới một cái là nổ liền. Còn người kia, trong lòng họ cũng có những nỗi bực niềm đau mà vì họ không biết tu nên họ hành xử như vậy, cũng tội nghiệp thôi. Bây giờ ta phạt họ thì khổ thân họ. Nếu ta giỏi, ta tu được, ta độ cho ta, ta tới độ cho người đó thì mới hay chứ bây giờ ta phạt người đó thì có ích gì cho người đó đâu. Thành ra trong khi thở như vậy ta cũng thấy được những điều rất sâu. Điều thứ nhất là nguyên do đầu tiên của sự đau khổ của ta là chính cái thói quen hay giận hờn của ta, cái cục giận trong ta quá lớn. Điều thứ hai ta thấy là người kia cũng có nhiều nỗi khổ niềm đau và sự bất an trong lòng. Và vì họ không biết tu, chưa học phương pháp tu nên làm vung vãi ra người xung quanh những nỗi khổ niềm đau của họ. Đôi khi người đó cũng đâu muốn làm người chung quanh khổ nhưng vì không biết tu nên mới nói ra điều gì, làm chuyện gì cũng khiến người chung quanh khổ hết, rất là tội nghiệp.
Ta phạt người đó thì tội nghiệp cho họ. Chỉ có giúp người đó mới có nghĩa thôi. Thường thường khi ta đau khổ, ta giận thì ta cứ tin một cách rất dại khờ rằng nếu người kia làm cho ta đau khổ thì bây giờ ta làm lại cho người kia đau khổ để trừng phạt cho đã tức thì ta sẽ bớt khổ. Vì vậy ta tìm một lời nói cho nặng để người kia đau điếng thì ta mới bớt khổ. Đó là một khuynh hướng bạo động trong lòng ta. Ta nói xong thấy người kia khổ quá chừng. Rồi người kia cũng muốn bớt khổ nên tìm một câu nói nặng trở lại. Tới phiên ta khổ thêm và lại tìm cách chống lại. Thế là hai bên leo thang làm khổ nhau. Chuyện này xảy ra thường lắm. Giữa cha mẹ với nhau, giữa bạn hữu với nhau, và giữa cha với con, giữa mẹ với con. Ta rất vô minh, rất dại dột. Ta đập vỡ hạnh phúc giữa ta và gia đình ta bằng những lối hành xử rất ngây thơ như vậy. Nên Đức Thế Tôn dạy rất rõ là khi giận thì không nói gì hết, không làm gì hết mà chỉ nên tìm cách thoát ra khỏi cái hoàn cảnh đó. Ta có thể đi ra ngoài, không khí ở ngoài rất trong rất mát và ta có thể đi thiền hành. Trong khi đi thiền hành như vậy ta thực tập thở trong chánh niệm để ôm ấp nỗi khổ niềm đau, rồi từ từ ta mới chuyển hóa được năng lượng nóng bức trong người. Có thể sau 20 phút đi thiền hành ta thấy khỏe nhẹ. Nếu ta làm đúng được theo lời chỉ dẫn của Bụt, của thầy thì lúc đó ta mới thấy tội nghiệp người kia. Bây giờ ta khỏe ta nhẹ còn người kia vẫn đang ở trong địa ngục, cái mặt còn hầm hầm và không biết cách thoát. Địa ngục đâu phải tìm xa đâu, địa ngục thẳng từ trong tâm đi ra. Lúc đó ta thấy tội nghiệp người đó, ta nghĩ thôi để ta về giúp người đó. Ta giúp người đó bằng cách về gặp họ và nói dịu dàng. Tại ta khỏe rồi mà, nên ta giúp người đó tu. Khi mà trong lòng ta thấy tội nghiệp và muốn giúp thì ta biết ta đã chuyển hóa rồi đó. Cái giận chuyển hóa thành cái thương. Cả cái giận và thương, cả hai cái đều có tính cách hữu cơ (organic). Ta biết rằng bông hoa kia là một thực tại hữu cơ, tuy bây giờ nó tươi, đẹp, thơm như vậy đó nhưng 10 ngày sau nó thành ra rác. Còn rác xấu, hôi nhưng nếu ta biết cách làm nó trở thành phân bón, thành ra xà lách, cà chua, dưa hấu, thành ra hoa trở lại. Vì vậy rác với hoa đều là những thực tại hữu cơ. Cái giận và niềm thương cũng vậy, cũng là hữu cơ. Tình thương mà không biết cách giữ gìn thì trở thành cái giận hờn, thù ghét, mà nếu biết cách thì cái giận đó chuyển hóa lại thành tình thương được. Vì vậy nếu ta có giận, có buồn, hay thù ghét thì đừng có sợ. Học pháp của Đức Thế Tôn đi rồi ta có thể chuyển chất hữu cơ này thành chất hữu cơ kia. Hay vậy đó. Đó là chuyển hóa và trị liệu.