Năm nguồn năng lượng
Tín là gì?
Trong quyển Kỷ Yếu 50 năm của Gia Đình Phật Tử, ở trang 105 có hình anh trưởng ban hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam là anh Nguyễn Văn Bậc đang gắn cấp bậc cho đoàn trưởng Nguyễn Văn Pháp là con của anh. Bức hình rất đẹp. Ở đây có anh Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp tham dự khóa tu này. Chuyện đó xảy ra năm 1952. Gia Đình Phật Tử đã làm nên truyền thống và đã có nhiều thế hệ. Trong số các bạn có mặt hôm nay có nhiều vị Huynh Trưởng đã lên cấp Tấn, có một số ở cấp Tín. Tôi muốn nói chuyện với các bạn trẻ về chữ Tín này.
Tín tức là niềm tin. Khi ta thực tập đúng thì tự nhiên ta có niềm tin ở nơi giáo pháp của Đức Thế tôn. Cái đó gọi là ‘Tín’. Mà niềm tin ở đây không phải là niềm tin nơi một chủ thuyết hay niềm tin nơi một sự hứa hẹn mà là niềm tin nơi kinh nghiệm thực tập của mình.
Tất cả chúng tôi ở bên Làng Mai không ai mà không biết đi thiền hành. Chúng tôi áp dụng phương pháp đi thiền hành bất cứ khi nào cần đi từ một chỗ này tới chỗ khác. Từ phòng của mình đi tới thiền đường thôi, chúng tôi cũng dùng phương pháp đi thiền hành. Từ thiền đường đi ra nhà tắm cũng là đi theo bước chân thiền hành. Vì vậy cho nên khi quý vị tới Làng Mai, quý vị thấy người nào đi đứng cũng vững chãi, thảnh thơi hết tại vì thiền hành là một trong những phương pháp thực tập để ta có thể luyện tập sống sâu sắc từng giây phút của sự sống hiện tại. Khi quý vị thực tập thiền hành chừng nửa giờ hay là mười lăm phút, mà quý vị thực tập đúng, có thầy, có bạn thì quý vị thấy liền hiệu quả của sự thực tập thiền hành. Thấy người mình nhẹ ra, khỏe ra, vững hơn liền lập tức. Khi ta thấy được như vậy thì ta có niềm tin nơi sự thực tập thiền hành. Khi ta đã có niềm tin rồi thì làm sao ai lấy đi được niềm tin đó của ta? Bởi vì đây không phải là niềm tin nơi một lý thuyết, một sự hứa hẹn mà là niềm tin ở kết quả thực tập của chính ta. Đó là tin nơi pháp. Hơi thở cũng vậy. Nếu ta biết thực tập hơi thở có ý thức thì chỉ nội trong vài hơi thở là con người của ta từ thân đến tâm đều bắt đầu nhẹ nhàng, thanh thoát và thân tâm hợp nhất liền lập tức. Vì vậy cho nên nếu ta có thầy, có bạn dạy cho ta cách thở thì ta chỉ cần thở một vài hơi là đã có sự khác biệt trong thân tâm rồi. Ta chứng nghiệm một cách rất trực tiếp cái kết quả của sự thực tập đó và niềm tin của ta phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp của mình. Niềm tin đó gọi là ‘chánh tín’. Chữ ‘tín’ ở đây là như vậy chứ không phải có một người thuyết pháp rất giỏi thì tự nhiên ta phát sinh niềm tin, cái đó chưa phải là ‘chánh tín’. Hay có một người đưa ra một chủ thuyết rất hấp dẫn thì chúng ta tin vào đó. Cái đó chưa phải là chánh tín. Chánh tín phải phát sinh từ kinh nghiệm thực tập của ta. Vì vậy cho nên ‘tín’ được nuôi dưỡng bằng một thức ăn, một chất liệu gọi là ‘tuệ’.
Thức ăn của Tín
Tuệ này là cái thấy trực tiếp của ta mà không phải là cái thấy lý thuyết. Ví dụ như có một người chưa biết làm đậu hũ và nếu có người nói rằng: ‘tôi sẽ dạy cho em cách làm đậu hũ’, thì vì ta muốn học làm đậu hũ chứ không muốn chỉ nói chuyện về cách làm đậu hũ nên ta sẽ đi vào trong nhà để học làm. Nhờ ta thấy và thực tập cho nên hai giờ hoặc ba giờ đồng hồ sau ta nắm được kỹ thuật làm đậu hũ và ta biết rằng ta có thể tự tay làm đậu hũ. Cái biết đó là cái biết do sự chứng nghiệm trực tiếp kinh nghiệm mà ra, không phải là do lý thuyết. Cái biết đó gọi là Tuệ, tuệ giác. Tiếng Anh gọi là ‘insight’.
Năm nguồn năng lượng nuôi dưỡng lẫn nhau
Là một Huynh Trưởng ở trong Gia Đình Phật Tử chúng ta học những phương pháp mà Đức Thế Tôn đã trao truyền lại để làm cho thân ta an tịnh, để làm cho tâm ta an tịnh. Mỗi khi giận dữ, ưu phiền mà ta biết được phương pháp thực tập thì ta có thể làm cho cái giận êm dịu lại. Nếu mỗi khi ta có một vấn đề khó khăn với em ta hoặc với chị ta, hoặc với anh ta trong đoàn mà ta biết được phương pháp làm mới, phương pháp giải tỏa để đi tới sự hòa thuận trở lại thì phương pháp đó đưa chúng ta tới niềm tin: ‘Tôi biết cách thực tập điều đó vì vậy tôi tin tưởng vào pháp môn đó.’ Cái đó gọi là tín. Nhưng mà nếu chúng ta chỉ nói thôi mà chúng ta không đem ra thực tập thì bao giờ chúng ta mới có tuệ? Chúng ta chỉ có cái gọi là lý thuyết thôi. Sự học Phật của chúng ta cũng vậy. Ta có thể học thuộc rất nhiều kinh, nghe rất nhiều bài thuyết pháp. Nhưng nếu chúng ta không có cơ hội đem ra áp dụng trong đời sống hàng ngày và đạt được kết quả qua kinh nghiệm trực tiếp thì chúng ta chưa có tuệ. Vì không có tuệ thì không có cái mà ta gọi là ‘tín’, tức là niềm tin. Khi có niềm tin rồi thì hai mắt ta sáng ra, bước chân ta thật vững chãi và cái tư thế của ta biểu lộ niềm tin đó. Hãy nhìn một thầy, một sư cô, một đạo hữu, một người Huynh Trưởng có niềm tin, có chánh tín. Nhìn người đó khi người đó đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, đều phát ra năng lượng của niềm tin. Niềm tin này là niềm tin của người đã thấy được đường đi, đã chứng nghiệm được đường đi rồi. Cái đó gọi là ‘chánh tín’. Và khi có tín rồi thì tự nhiên có một năng lượng thứ hai gọi là ‘tấn’ phát sinh.
Chúng ta thường hiểu nghĩa ‘tấn’ tức là ‘đi tới’. Chúng ta có những bài hát như là ‘Ta vì đạo mà tiến lên’. Chúng ta nói rất nhiều về ‘tấn’ nhưng mà có thể là chúng ta chưa thật sự hiểu được thế nào là bản chất của ‘tấn’. ‘Tấn’ ở đây là năng lượng đưa mình đi tới mà năng lượng đó chỉ có thể có được khi ta có một niềm tin. Nếu thực tập đúng thì hạnh phúc có thể tăng tiến trong vòng một tuần lễ thực tập mà không cần nhiều thời gian.
‘Tấn’ sẽ đưa tới Niệm. Niệm tức là năng lượng khiến cho chúng ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Khi ta đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn cơm, uống nước mà an trú trong giây phút hiện tại thì cái đó gọi là ‘niệm’. Đó là trái tim của sự thực tập đạo Bụt. Khi có chánh niệm rồi thì ta đi tới Định. Định tức là sự chú tâm. Khi có nguồn năng lượng định rồi thì chúng ta sống được sâu sắc những giờ phút của đời sống hàng ngày.
Ví dụ như hồi nãy, gần tới mười giờ rồi mà xe hơi của tôi vẫn còn xa. Người khác có thể lo lắng nhưng ngồi trên xe tôi vẫn thở, vẫn mỉm cười, vẫn sống an lạc những giờ, những phút còn lại trên xe hơi. Tôi thực tập sống trong niệm và định. Tức là giây phút nào của đời sống hàng ngày tôi cũng sống sâu sắc. Tôi không chạy, tôi an trú trong hiện tại. Khi sửa soạn bữa ăn sáng ta sửa soạn một cách có hạnh phúc. Ta an trú trong những giờ phút làm bữa ăn sáng đó. Đến khi ngồi xuống ăn sáng ta cũng thảnh thơi và hạnh phúc. Rồi đi rửa chén thì ta cũng có an lạc và thảnh thơi trong giờ phút đang rửa chén. Tức là giờ phút nào ta cũng sống sâu sắc hết thì trong lúc đó ta có định. ‘Định’ có nghĩa là tâm ý có mặt sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Và nếu ta sống sâu sắc như vậy thì ta bắt đầu thấy được những cái mà người không sống sâu sắc không thấy được. Cái đó gọi là ‘tuệ’. Định luôn luôn đưa tới Tuệ.
Như vậy ta có năm yếu tố gọi là năm nguồn năng lượng, tức là ‘ngũ lực’. Đó là bản chất sự tu học của ta. Có thể sau này ta sẽ lấy ‘ngũ lực’, tức là ‘tín, tấn, niệm, định, tuệ’ làm năm cánh sen của đóa sen trắng trong phù hiệu Gia Đình Phật tử. Vì đây là bản chất của sự ‘thật tu’ và ‘thật học’. Ba cánh sen dưới tức là ‘Bụt, Pháp, và Tăng’. Bụt, Pháp và Tăng có bản chất là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Ở nơi nào có tín, tấn, niệm, định và tuệ thì ở nơi đó có Bụt đích thực, có Pháp đích thực và có đoàn thể tu học đích thực gọi là Bụt, Pháp và Tăng, tức là Tam Bảo. Vậy thì một trong năm cái được bốn cái kia nuôi dưỡng. Tấn, niệm, định, tuệ nuôi dưỡng tín. Còn niệm, định, tuệ, tín nuôi dưỡng được tấn. Và càng có tuệ nhiều thì tín càng lớn. Tín càng nhiều thì tấn càng lớn. Tấn càng nhiều thì niệm càng lớn. Niệm càng nhiều thì định càng lớn. Định càng nhiều thì tuệ càng lớn. Vì vậy nên năm cái gọi là ‘ngũ lực’ nuôi dưỡng lẫn nhau. Và trong đời sống tu học thực tế của chúng ta thì ta thấy mỗi ngày năm nguồn năng lượng đó, năng lượng nào cũng lớn lên cả. Còn nếu năm nguồn năng lượng đó không lớn lên thì ta biết rằng ta chưa thực tập vững chãi và đích thực.