Sự phân định các phẩm trong kinh Pháp Hoa

 

Người xưa phân kinh Pháp Hoa ra làm hai phần.  Phần đầu gồm 14 phẩm, gọi là Tích môn.  Phần thứ hai gọi là Bản Môn.  Phần Tích môn nói về những gì đã xảy ra trong thời Bụt Thích Ca còn tại thế, một đức Bụt của lịch sử, nhìn qua con mắt thông tục của con người, tức là con mắt của người trần mắt thịt.  Họ thấy Bụt có sinh ra, có lớn lên, có tu học, có hoằng Pháp, có thọ ký cho một số người thành Bụt sau này, trong đó có anh chàng rất khó tính Đề-Bà- Đạt-Đa, và có nhập diệt.  Phần thứ hai là phần Bản môn, mở cho ta thấy Bụt trên một bình diện khác, vượt thời gian và không gian, Bụt của thực thể, Bụt của Pháp thân, tương đương với The Living Christ trong Ki-tô giáo.

Có người nghĩ rằng nếu Bụt còn ở tại đời này, thì Bụt sẽ chứng minh rằng sau này tôi sẽ thành Bụt, Bụt có thể thọ ký cho tôi, nhưng nếu Bụt nhập diệt rồi thì ai có khả năng làm điều đó cho tôi?  Các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đều đã được thọ ký, còn tôi sanh ra hơn 2500 năm về sau, thì ai chứng nhận được cho tôi?  Vì vậy mà kinh phải khai mở Bản môn, nghĩa là phải chỉ cho ta thấy rằng Bụt Thích Ca vẫn còn ngồi đó, và Ngài nói với mình rằng:  Con ơi, con cũng có thể thành Bụt được như tất cả mọi người.  Nghĩa là mình không cần phải trở về 2500 năm trước mới được nghe Bụt Thích Ca nói câu đó.  Ngồi đây và mình chỉ cần lắng lòng là mình nghe được câu nói đó của Bụt.  Như vậy trong phần Bản môn của kinh, chúng ta không thấy Bụt trong khung thời gian và không gian nữa, mà thấy Bụt vượt thoát thời gian và không gian.

Tuy vậy, đó là những cái thấy của người xưa.  Đọc kinh, chúng ta có thể thấy khác, vì vậy tôi muốn quí vị tự đọc kinh Pháp Hoa trước khi nghe giảng.  Bản kinh Pháp Hoa(*) mà quý vị sẽ đọc là do Thầy Thích Trí Tịnh dịch từ nguyên bản chữ Hán của thầy Cưu-Ma-La-Thập.  Khi đọc trước như vậy, mình có thể có những khám phá độc lập và tự do của mình, không bị nô lệ vào cái thấy hoặc sự giải thích của các vị Tổ Sư.

Trong khóa học này, tôi sẽ không giảng từng đoạn kinh Pháp Hoa như nhiều người khác đã làm, mà chỉ đi vào từng Phẩm, tóm lược nghĩa chính của từng Phẩm, khai triển, và diễn dịch những điều căn bản trong mỗi Phẩm, để quý vị có được một cái thấy tuy khái quát nhưng rõ ràng về ý kinh.  Riêng Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát tức là Phẩm Phổ Môn, Phẩm thứ 25, vì là Phẩm được nhiều người tụng đọc nhất trong toàn bộ kinh Pháp Hoa, nên tôi sẽ giảng với nhiều chi tiết hơn.

Thêm vào đó, trong khóa An cư Kiết Đông năm nay, tôi cũng sẽ đưa ra một số đề nghị để đóng góp cho sự hoàn bích của đóa hoa đẹp nhất trong Vườn kinh điển Đại Thừa này.


(*) Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, Đại-thừa Vô-lượng nghĩa,dịch giả: Hân-Tịnh Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, Liên-Hải Phật
Học Đường, Mùa An-cư năm 1948 (Phật lịch 2492)