Bướm bay vườn cải hoa vàng – Nhất Hạnh

TÔI KHÔNG BAO GIỜ KHÔN LỚN

Hôm nay chúng ta cùng đọc với nhau bài Bướm bay vườn cải hoa vàng. Bài này được sáng tác trước bài trường ca Avril vào khoảng năm tháng. Viết vào đầu tháng chạp năm 1963. Trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng chúng ta thấy lại bông hoa của thi sĩ Quách Thoại một cách rất rõ ràng.

Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.

Bài Bướm bay vườn cải hoa vàng cũng là một bài thơ rất vui, và tuy nhạc của Anh Việt hơi có tính hoài niệm, nhưng tinh thần của bài thơ này vốn rất thanh thoát nhẹ nhàng. Trong bài thơ này chúng ta đã thấy các giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú và Vô Hành biểu hiện ra rất rõ. Hiện Pháp Lạc Trú là sống an lạc, vững chãi và thảnh thơi ngay trong giờ phút hiện tại.

Những câu đầu có thể cho chúng ta có cảm tưởng đây là hình ảnh của quá khứ, nhưng sau đó chúng ta biết rằng những hình ảnh đó là những hình ảnh của hiện tại. Vì nếu an trú được trong bản môn thì chúng ta có thể thấy quá khứ nằm ngay trong hiện tại. Và chuyện gì xảy ra ngày hôm qua cũng đang xảy ra ngay trong ngày hôm nay, và ta vẫn có thể tiếp tục rong chơi trong thiền đường tuổi thơ. Tất cả những gì đẹp, tất cả những gì mầu nhiệm của ngày hôm qua vẫn còn có mặt trong giây phút hiện tại, nếu chúng ta thực sự biết tiếp xúc với giây phút hiện tại.

Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên giếng nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống

Mười năm đầu là mười năm của tuổi thơ, không lo lắng, không cần phải đối diện với những khó khăn của sự sống.
Hai mươi năm kế tiếp là hai mươi năm của sự đương đầu với những khó khăn, với những khắc nghiệt của sự sống. Đây là kinh nghiệm không phải của riêng ai mà của tất cả chúng ta.

Mẹ tôi gọi tôi về bên giếng nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống

Tất cả những đứa bé ở Việt Nam đều đã có cơ hội sống qua hình ảnh này. Nếu được sinh ra ở Tây Phương thì có thể mình đã không trải qua cùng một kinh nghiệm. Đi chơi; sự có mặt của trẻ thơ là để chơi chứ không để làm gì hết. Ăn và chơi thôi. Ăn, ngủ và chơi. Cha mẹ ta chỉ mong chúng ta làm được ba chuyện đó. Ăn, ngủ và chơi.

Đi chơi nhưng luôn luôn ta được dặn rằng: con nhớ về đúng giờ cơm chiều. Có khi ham chơi quá, ta về trễ và mẹ phải ra gọi. Vì mình chơi ở một bãi cát, ngoài bờ sông hoặc ở một bến nước nào gần nhà. Và sau khi đã nấu cơm xong, mọi người trong gia đình đã có mặt rồi mà chỉ còn thiếu mình nên mẹ phải đi ra gọi mình về ăn cơm. Chơi thì chơi đủ thứ, không cần đi guốc, đi giầy gì hết. Lấm láp, hai chân dính bùn, dính đất, vì vậy khi về đến nhà trước ta phải ra bếp nước để rửa chân. Rửa chân xong, đi đôi guốc rồi mới được vào ăn cơm. Vì mâm cơm được dọn trên bộ ván gõ, nếu chân mình còn dính bùn đất thì mình không được trèo lên. Đó là hình ảnh của Việt Nam.

Ở Việt Nam hồi đó bếp chỉ đun bằng rơm hoặc củi, mà phần lớn ở thôn quê thì đun bằng rơm. Tôi là một trong những người có thể nấu cơm bằng rơm. Hôm nào các sư chú tổ chức đem rơm vào để tôi nấu một nồi cơm bằng rơm cho mà xem. Nấu cơm bằng rơm mà nấu canh cũng nấu bằng rơm được, rất hay. Trong khi nấu cơm mình phải dùng một thanh củi đẩy rơm vào để nuôi ngọn lửa cháy hoài, nếu bỏ đi chỗ khác thì rơm sẽ tắt. Nhưng mình vẫn có thể đứng dậy đi năm hoặc bảy bước để lấy cái gì đó rồi trở về kịp thời để đẩy nắm rơm vào.

Cái bếp nước (ảng nưóc) gần nhà bếp lắm. Nơi đó có một cái lu, ngoài Bắc gọi là cái chum, trên cái chum có một cái gáo dừa, cán bằng gỗ còn gáo làm bằng trái dừa. Nhà nào cũng có một cái gáo dừa như vậy. Dùng cái gáo ấy múc nước từ trong chum ra dội lên hai chân, chân này rửa cho chân kia, không cần cúi xuống dùng tay để rửa. Hoàn toàn ta rửa chân bằng chân. Chân này rửa cho chân kia và chân kia rửa cho chân này, trong khi tay trái vén ống quần còn tay phải thì múc nước.

Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống

Có thể là cơm canh chưa nấu xong nhưng mà mẹ đã ra gọi, vì trời tối rồi. Gọi về rửa chân cho sạch sẽ để ăn cơm chiều. Có thể cơm đã nấu xong, canh đã nấu xong, chỉ cần hâm nóng lại nồi đồ kho hoặc chỉ cần bắc nồi chè lên. Chè đây là nước uống, là trà Huế. Trà Huế là một loại thức uống ở Việt Nam rất phổ thông. Mình đi ra vườn hái những lá chè tươi, mang vào rửa và vo cho dập, sau đó rửa lại cho sạch thêm một lần nữa rồi bỏ vào cái bình tích.

Sau đó mình nấu nước thật sôi và đổ vào bình tích. Lắc lắc vài lần rồi lại đổ nước đó ra, vì nước đó có thể còn hăng và cũng như để rửa chè và bình lại một lần nữa. Cuối cùng mình lấy một củ gừng đập dập và bỏ vào bình tích, sau đó mới rót nước sôi vào và đậy nắp bình lại. Mình còn lấy ít lá chuối khô cuốn tròn lại để nhét vào cái vòi của bình tích cho hơi nóng đừng ra. Cái đó gọi là hãm. Và chừng mấy phút sau nước chè ra rất thơm, rất ngon mầu xanh vàng khá đẹp. Đó là uống cách sang, còn nếu không thì để hết tất cả lá chè đó vào một cái nồi bằng đất rồi đổ nước vào nấu sôi. Sôi xong thì tắt lửa. Khi nào muốn uống thì lấy cái tô múc một gáo nhỏ bỏ vào trong tô, rồi ra lấy thêm nước mưa chế vào cho đầy tô rồi uống. Uống rất đã khát, nhất là mình vừa làm việc lao động xong.

Có thể là nồi cơm đã chín, nồi canh đã nêm, nồi kho đã hâm rồi và chỉ cần bắc nồi chè lên thôi, nhưng mẹ đã đi ra gọi mình về để rửa chân cho kịp thời ăn cơm với gia đình. Bữa cơm gia đình là một thời gian rất linh thiêng. Nếu bữa cơm đó mà thiếu mặt một người thì hạnh phúc không được toàn vẹn. Ngày nay nhiều gia đình không có được cái hạnh phúc này. Đôi khi con về ăn trước hoặc cha mẹ về trước thì ăn trước, con về sau thì ăn sau. Vì thế mình không có được cái hạnh phúc đoàn tụ trong bữa cơm gia đình.

Hồi đó không có điện, không có nước máy, và nước ở trong chum là do mình gánh ở ngoài sông hay ngoài giếng vào. Còn đèn để thắp thì toàn là đèn dầu hỏa. Vào mùa Hè, ngày dài, thay vì ăn cơm ở trong nhà thì ta trải chiếu và dọn cơm ra ngoài sân cho có ánh sáng. Khi ăn xong, cất dọn chén bát rồi thì trăng có thể đã lên tới ngọn tre, đầu ngõ. Và anh chị em cùng ra chơi với nhau ở ngoài bụi tre. Đó là cảnh tượng rất đẹp đẽ, rất phổ thông của tất cả mọi gia đình.

Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên giếng nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống

Có thể đó là một buổi chiều mùa Đông, lạnh. Sau khi rửa chân rửa tay, mình vào bếp hơ cho ấm, và sự có mặt của mẹ bên mình cũng ấm như sự có mặt của lửa. Mẹ là một thứ lửa ấm.

Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm ?

Sống trong hoàn cảnh đó là sống trong thiên đường thì sao mình lại phải lớn lên, tại sao mình phải khôn lên để làm gì? Mười năm vườn xưa xanh tốt. Tại sao phải đưa mình đi vào trong cái hoàn cảnh hai mươi năm nắng rọi lều tranh? Trong con người của mình có một đứa bé. Đứa bé từ chối, không muốn khôn lớn. Tôi không bao giờ khôn lớn. Cái ý hướng đó ở trong mọi người vẫn còn; kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm? Tôi mãi mãi vẫn còn là một em bé. Tôi mãi mãi là con của mẹ. Tôi mãi mãi còn là em của chị, em của anh và tôi muốn ở hoài, ở mãi trong khung cảnh thiên đường này.

Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Mới  hôm  qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng.

Đó là một hình ảnh của tuổi thơ. Ở miền quê có những khu vườn trồng cải và mỗi khi hoa cải nở thì bướm không biết ở đâu đủ loại bay tới cả hàng trăm con, hàng ngàn con trong khu vườn cải hoa vàng. Ở Tây phương thỉnh thoảng trên đường lái xe, mình cũng thấy những cánh đồng trồng toàn là colza. Colza là một thứ cây cho hạt, và hạt đó có thể làm dầu ăn. Nếu thỉnh thoảng mình thấy một ngọn đồi mầu vàng rực như vậy thì mình biết rằng đó là một ngọn đồi colza. Hoa vàng của colza nó cũng đẹp như hoa vàng của bông cải, vì colza cũng thuộc về gia đình của cải. Nếu chúng ta đi về các nước Á Châu như Ấn Độ, Thái Lan thì chúng ta cũng sẽ thấy những khu vườn trong đó cải nở hoa vàng rực và bướm bay tới rất đông.

Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng

Khi viết bài này tôi đang ở tiểu bang Nữu Ước. Ngồi ngay ở đô thị Nữu Ước mà mình cũng thấy được hình ảnh đó. Hình ảnh này trở về trong giây phút hiện tại. Nó là hình ảnh của tích môn nhưng cũng là hình ảnh của bản môn.

Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi.

Trong bản môn ta thấy rõ ràng mẹ còn sống, em còn ngồi một bên, và gió chiều giống như hơi thở. Hơi thở chánh niệm, hơi thở an trú trong giây phút hiện tại. Tại sao mình phải lo lắng, phải đăm chiêu, phải sợ hãi về tương lai? Tại sao mình không sống được trong giây phút hiện tại? Chính trong giờ phút hiện tại mà mình tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của sự sống, kể cả những mầu nhiệm mà mình nghĩ là chỉ xảy ra trong quá khứ. Mẹ còn đó, em còn đó, gió chiều còn đó, vườn cải hoa vàng còn đó và tuổi thơ của mình còn đó; ở ngay trong con người của mình, mình muốn tiếp xúc lúc nào cũng được.

Có người thiếu niên nào, có người thiếu nữ nào lớn lên mà không mơ tưởng tới tương lai? Chính vì mình cứ mơ tưởng tới tương lai và lo lắng cho tương lai nên mình đánh mất đi khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Mình đánh mất tuổi thơ, và nhất là mình đánh mất tuổi trẻ.

Ngay trong câu thứ bảy, thứ tám ta đã thấy cái tuệ giác về bản môn biểu lộ. Đây là một tiếng chuông thỉnh lên để cho mình được tỉnh thức và những người đọc mình cũng sẽ được tỉnh thức. Những gì ta trân quý ngày xưa mà bây giờ ta nghĩ là không còn, quả thật chúng vẫn còn đó, nếu ta biết sống trong bản môn. Tất cả những gì đẹp, hay và mầu nhiệm của tuổi thơ vẫn có thể còn có mặt trong con người ta. Em thơ đang còn sống trong ta. Cô bé đang sống trong ta, chú bé đang sống trong ta. Tôi không bao giờ khôn lớn. Đây đích thực là giọng của thiếu nhi, giọng phụng phịu của một em bé chứ không phải là giọng của một người ba mươi mấy tuổi.

Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm ?
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Mẹ còn đó, em còn đó, người thương của mình luôn luôn còn đó; dầu mình tưởng họ đã mất, họ đã đi xa.

Gió mang tiếng ca
Ngày ra đi em dặn
Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh
Tôi đã về.

EM NÊN HÁT CA

Ngày tôi rời đất nước để đi Hoa Kỳ là năm 1962. Lúc đó chiến tranh đã đi đến cái mức tàn khốc, và không khí chế độ Ngô Đình Diệm đã làm cho mọi người khó thở. Tôi ra đi trong không khí đó. Có những người em, những người  học trò, những người em trai, những người em gái đưa tiễn. Họ nói: Có thể khi Thầy về là quê hương đã đổ nát hết, và có thể chúng con sẽ không còn có mặt ở đây nữa. Muốn tìm chúng con thầy hãy tìm trong bản môn.

Gió mang tiếng ca
Ngày ra đi em dặn
Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh.

Những đau khổ, thao thức và chịu đựng trong hoàn cảnh chiến tranh đã bắt đầu bao trùm lên đất nước và tàn phá tâm hồn người.

Tôi đã về
Có tiếng hát ca
Bàn tay trên liếp cửa, hỏi rằng
Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?

Hãy tưởng tượng khi mình về lại một khu làng nhỏ bé, cổ xưa. Nơi đó mình đã sinh trưởng và lớn lên. Mình lắng tai nghe tiếng gió, rồi mình lắng tai nghe tiếng một cô thôn nữ đang hát ở ngoài đồng. Và bàn tay đặt lên trên liếp cửa chưa mở, không biết rằng khi liếp cửa mở ra thì mình sẽ gặp ai, thấy ai; rồi mình nói: Tôi đã về. Mình hỏi: Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì? Tình trạng đất nước là như vậy, tình trạng xã hội là như vậy. Có sự đổ vỡ và tan nát cho nên mình muốn làm một cái gì đó để có thể dựng lại những gì đã đổ vỡ và tan nát.

Trong chúng ta người nào cũng có một vị chiến sĩ trong lòng sẵn sàng đứng đậy để hành động. Hành động để cứu đời, để giúp người, để xây dựng lại những gì đã đổ nát. Tôi đã về. Bao nhiêu người thanh niên đã về? Bao nhiêu người thiếu nữ đã về? Đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp, nhưng vì thương quê hương mà đã về tới. Đã thao thức muốn làm một cái gì đó, nhưng chưa biết sẽ làm được gì? Liệu người ta có cho mình làm hay không? Trong tình trạng nghi kỵ, hận thù và chia rẽ này mình làm được gì?

Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa
Hãy là nụ cười
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch.

Đây là câu trả lời. Mình phải có mặt, và có mặt thật sự. Mình phải có mặt như là một cái gì tươi mát, mầu nhiệm và lành mạnh. Đó là sự đóng góp căn bản nhất của mình. Phẩm chất của sự có mặt ấy rất quan trọng. Đó là sự có mặt của hiểu biết, của thương yêu, của độ lượng và của bao dung. Nếu đó chỉ là sự có mặt của lao tác mệt nhọc thì chưa chắc đó đã là cái mà người ta đang cần. Ai cũng muốn làm một cái gì nhưng có thể càng làm người ta càng khiến cho tình trạng thêm rối rắm. Có nhiều chiến sĩ và anh hùng quá, và chiến sĩ này cũng như anh hùng kia cứ đối chọi và tranh chấp với nhau, không chấp nhận được nhau; cho nên càng hành động thì càng đưa tới sự đổ nát và chia rẽ. Vì vậy cái mà đất nước và xã hội cần là sự có mặt của bao dung, tươi mát và từ bi của mình.

Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa
Hãy là nụ cười
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hiện hữu nhiệm mầu là pháp thân mầu nhiệm. Pháp thân mầu nhiệm được biểu hiện trong trúc tím, hoa vàng, trăng trong và gió mát. Nếu chúng ta không tiếp xúc được với những thứ đó, nếu chúng ta chỉ hì hục tranh chấp với nhau thì chúng ta không giúp được gì cho nhau cả. Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu. Đây là hình ảnh của xuân đáo bách hoa khai, hoàng oanh đề liễu thượng. Khi mùa Xuân tới thì trăm hoa đua nở, và con chim oanh vàng ca hát trên cành dương liễu. Đó là câu thơ của thiền sư nối vào hai câu kinh: Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng. Hiện hữu nhiệm mầu là như thế, vậy mà mình cứ tiếp tục phá đổ cái hiện hữu nhiệm mầu đó bằng những lao tác và tranh chấp của mình.

Ngày xưa người ta xây cất nhà cửa bằng vôi với gạch tại vì không có xi măng. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau. Ta có thể là nguồn khổ đau cho người khác mà ta không biết. Ta tưởng mình là trang hảo hán, là người anh hùng, là chàng dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Không dè vì vụng về, độc tài và hiếu thắng ta đã trở thành nguồn khổ đau cho người khác. Đây là một tiếng chuông chánh niệm. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau. Tây phương nói: Con người là chó sói của người. Jean Paul Sartre nói: Con người là địa ngục của những con người khác (L’homme est l’enfer des autres). Con người là nguồn khổ đau cho con người.

Vì vậy điều trước tiên mình cần phải làm là đừng làm gì hết. Nghĩa là hãy chấm dứt việc làm nguồn khổ đau cho người khác. Đó là sự thực tập của ta. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau. Tôi tìm em. Chúng ta đi tìm nhau. Chúng ta đi tìm những người đồng tâm, đồng chí, đồng lý tưởng. Biết rằng lao tác mệt nhọc không phải là chuyện cần thiết nhất; biết rằng phải làm thế nào để sống được như một tăng thân, như một gia đình, hài hòa trong thương yêu, trong hiểu biết. Đó gọi là tìm nhau.

Chúng ta tìm tới nhau để cấu kết xây dựng một tăng thân làm nơi nương tựa cho mọi người. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau. Tôi tìm em. Tôi rất cần em. Một mình, tôi sẽ không làm được gì cả. Nếu có các em, các chị và các anh ở đó thì chúng ta có thể tạo dựng được một tăng thân và chúng ta sẽ có nơi nương tựa. Còn nếu không thì tôi sẽ cảm thấy bơ vơ, cô đơn và bất lực như trong một đêm giông tố mùa Đông, tối đen không thấy gì. Mình là một thân cây, mình không biết xung quanh mình còn có những cây khác hay không. Có thể mình là một cái cây duy nhất sống trong bão tố, và cành lá của mình sờ soạng tìm kiếm. Mình muốn biết rằng bên tay phải có một cây khác, bên tay trái cũng có một cây khác. Mình cần ý thức được rằng trong cuộc đời mình có những người em, những người anh, những người chị có cùng một nhận thức, cùng một lý tưởng như mình thì mình mới có năng lượng để đi tới.

Như đêm giông tố loạn cuồng
Rừng sâu đen tối
Những cành cây sờ soạng
Đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
Thấy cần được hiện hữu bên nhau
Tìm nhau.

Tất cả những gì ta cần là một tia chớp ngắn ngủi để ta có thể nhận ra là ta không chỉ một mình. Ta còn có người sư anh, còn có người sư chị, còn có người sư em, mình còn có nhau. Còn có nhau là mình còn tất cả. Mất nhau là mình sẽ mất hết. Dầu cho đất nước tan nát, dầu cho nhà cửa bị bom đạn làm cho điêu tàn, dầu cho núi rừng bị đốt cháy, dầu cho con sông đã bị ô nhiễm; nhưng nếu chúng ta còn nhau thì chúng ta vẫn có thể làm lại được tất cả. Phạm Duy có viết một bài hát với tựa đề: Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau. Còn nhau thì đâu phải là mất hết. Còn nhau là còn đủ hết. Chỉ khi nào chúng ta mất sư anh, mất sư chị, mất sư em, mất tăng thân thì chúng ta mới mất hết. Còn nếu vẫn còn sư em, sư chị và sư anh thì chúng ta chưa mất gì.

Em hãy là đóa hoa
Đứng yên bên hàng dậu
Hãy là nụ cười
Là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

Quý vị có thấy lại bông hoa của Quách Thoại tái sinh ở đây không?
Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhì em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.

NGÀY HÔM NAY ĐẸP LẮM THẬT MÀ

Quách Thoại đã thấy được bông hoa. Tôi đã thấy được bông hoa, và tôi muốn cho các người anh, người chị, người em và những người con của tôi cũng thấy được bông hoa đó và để chính tự thân của họ cũng trở thành một bông hoa. Em hãy là đóa hoa, đứng yên bên hàng dậu. Em hãy cứ đứng đó thôi, như một bông hoa tươi mát; điều đó là điều quan trọng nhất của cuộc đời. Hãy mỉm nụ cười mầu nhiệm. Hãy hòa bản thân mình vào khúc hát bất diệt của mùa Xuân, vào trường ca Avril. Hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu. Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

Tôi đứng đây. Đây là một sự khẳng định. Tôi đứng đây, nghĩa là tôi đang có mặt đây. Tôi có mặt đây nghĩa là thân tâm của tôi hợp nhất trong hơi thở. Tôi không bị quá khứ lôi kéo, tôi không bị tương lai giam hãm, tôi không bị những dự án lôi đi. Tôi đứng đây, chúng ta không cần khởi hành. Chúng ta không cần đi đâu cả, vì đây là quê hương của chính chúng ta. Quê hương của chúng ta là bây giờở đây. Chúng ta không cần khởi hành.

Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ, xin đừng ai xâm phạm. Cái mười năm vườn xưa xanh tốt đó vẫn còn có mặt trong tự thân. Nó là một thiên đường. Đó là thiên đường của tuổi thơ, và mình ước muốn rằng thiên đường đó nó còn mãi, còn hoài. Đừng xâm phạm, đừng tiêu diệt nó bằng mưu đồ, tham lam và tính toán. Đừng đày các em bé ra khỏi cái thiên đường của chúng. Và chúng ta hãy thực tập để mãi mãi còn là em bé trong thiên đường của ta. Vì nếu thiên đường đó đã từng có, đã từng là một sự thật thì thiên đường đó sẽ còn mãi mãi; vì không có gì có thể bị tiêu diệt. Rien ne se crée, rien ne se perd (Lavoisier). Vũ Hoàng Chương cũng đã nói: ‘‘Đâu có lẽ ‘có’ chiều qua mà ‘không’ sáng nay?.’’

Quê hương của chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ, xin đừng ai xâm phạm. Xâm phạm có nhiều cách. Hoặc là xâm phạm bằng chương trình năm năm, mười năm, hoặc bằng một ý thức hệ hay bằng súng đạn, chiến tranh, tiền tài và bạo động. Tôi vẫn còn hát ca. Hát ca là bổn phận của tôi. Bổn phận của em cũng vậy, em phải hát ca.Vì cuộc sống rất mầu nhiệm, chúng ta phải hòa mình vào trong bản hợp tấu vĩ đại của pháp thân nhiệm mầu. Chúng ta hãy lắng nghe bông hoa để có thể trở thành được như bông hoa, và chúng ta hòa những lời ca tiếng hát của chúng ta vào trong bản hòa tấu vĩ đại của đất trời, của hiện hữu.

Đầu còn gối trên thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
Công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất.

Ngồi đọc kinh, khi buồn ngủ ta nằm xuống và muốn gối đầu trên kinh mà ngủ. Thánh kinh nói là Thượng đế đã tạo dựng ra con người và vũ trụ. Người ta nghĩ rằng nếu không có Thượng đế thì không có sự tạo dựng và sẽ không có hiện hữu nhiệm mầu. Con người rất siêng năng, rất muốn tạo dựng, rất muốn tiếp tục công trình của Thượng đế. Nhưng tuệ giác cho mình thấy rằng cái sự tạo dựng đó chưa bao giờ chấm dứt hoặc chưa bao giờ khởi sự cả, vì tuệ giác đó là tuệ giác không sinh cũng không diệt.

Chưa có gì đã từng được tạo dựng và không có gì sẽ bị mất mát. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta phải lao tác cho nhiều, phải thực hiện chương trình này, rồi chương trình khác. Bởi vì hiện hữu mầu nhiệm vô cùng. Trong hiện hữu mầu nhiệm như thế mình thấy rằng không có gì cần được tạo dựng, không có gì cần được hoàn tất, vì tất cả đã được hoàn tất. Anh không cần phải bôn ba, anh không cần chạy đua, anh không cần phải thao thức để thực hiện cái gì, vì những cái anh muốn thực hiện đã được thực hiện. Đó là tuệ giác mới. Đừng bị những cơn lốc của hành động lôi kéo và đánh mất đi những mầu nhiệm và an lạc trong hiện tại.

Con ong được nhận thức là siêng năng vào bậc nhất; làm việc không ngừng nghỉ. Những con ong thợ làm việc cả ngày. Chúng đi thám hiểm những bông hoa và lấy nhị hoa về để làm mật. Con người của chúng ta cũng muốn siêng năng như con ong. Có nhiều việc không cần phải làm và dù làm suốt đời cũng không hết nhưng ta lại ưa có thói quen đi tìm sự trú ẩn trong những công việc ấy. Điều này đã trở thành một tập khí. Không làm thì chịu không nổi, ta không thể ngồi yên mà không làm gì.

Thức dậy, đầu còn gối trên Thánh kinh, ta thấy cuộc đời xôn xao lắm. Ai cũng muốn hành động, ai cũng muốn thực hiện một cái gì. Chương trình năm năm, mười năm, một trăm năm. Tất cả những cái máy vi tính đều được mở ra. Ai cũng chui đầu vào máy vi tính. Đầu còn gối trên Thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng. Muốn thay thế Thượng đế, muốn tạo dựng lại cuộc đời. Công trình xây dựng ngàn đời, nhưng công trình em xem đã được ngàn đời hoàn tất. Nếu nhìn kỹ, em sẽ thấy ta đâu có cần phải làm gì. Giáo lý của Đức Thế Tôn là giáo lý vô tác. Mình là một bông hoa. Bông hoa đã mầu nhiệm lắm rồi, bông hoa chỉ cần hát ca. Bông hoa đâu cần phải lao tác mệt nhọc? Bông hoa tự nó đã là một hiện hữu mầu nhiệm. Mình cũng là một hiện tại mầu nhiệm. Mình phải thấy được mình là một bông hoa như những bông hoa khác.

Cái quý giá nhất mà mình có thể cống hiến cho cuộc đời là nụ cười, là sự có mặt tươi mát và mầu nhiệm của mình. Mình chỉ cần hát. Rửa bát cũng là hát, quét nhà cũng là hát. Tự thân mình phải là một bài ca trong suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ trong ngày. Trồng cây cũng là hát, dạy em cũng là hát. Tất cả đều là những bài hát mầu nhiệm. Bài hát của thương yêu, bài hát ca ngợi những nhiệm mầu của hiện hữu.

Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
Nắm lấy tay tôi em sẽ thấy chúng ta đã từng có mặt từ ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu

Ta không phải mới có mặt, ta không phải mới bắt đầu biểu hiện. Ta đã có mặt từ ngàn xưa và có mặt cùng một lúc; ta tương tức và tương nhập với tất cả các hiện tượng nhiệm mầu khác. Trong giây phút hiện tại, ta tiếp xúc được với tất cả sự nhiệm mầu trong đó có những hình ảnh đẹp đẽ của tuổi thơ: Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót. Mẹ kể lại hồi còn trẻ lúc mới đi lấy chồng, mỗi khi gội đầu xong thì nâng tóc lên như nâng một chiếc võng. Nếu thả ra thì tóc sẽ dính xuống đất. Mẹ bước lên bộ ván rồi mới xõa tóc xuống vì tóc còn dài hơn cả người của bà. Ngày xưa mình không có shampooing. Ở miền quê có nhiều thứ lá rất thơm. Nồi nước lá gội đầu thơm phưng phức. Gội đầu xong thì tóc rất thơm. Tóc mẹ dài như vậy thì tóc của con cũng dài như vậy. Không cần đến tiệm để cắt hay uốn tóc. Ngày xưa không có chuyện đó. Các cô, các bà tự tay làm lấy tất cả và vấn lên đầu những búi tóc rất đẹp. Họ chỉ cần một chiếc trâm thôi.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót. Hình ảnh này không phải là một hình ảnh của quá khứ mà là một hình ảnh chính người làm thơ thấy được trong hiện tại. Những hình ảnh đó, những thực tại đó còn mãi, còn hoài. Nếu tiếp xúc trực tiếp được với bản môn thì ta sẽ thấy chưa có gì từng sanh và chưa có gì từng diệt. Những cái kia còn đó, mình còn có thể tiếp xúc được.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót. Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu. Dậu là hàng rào. Phơi áo bên hàng rào, khi có gió thì áo bay rất đẹp, ta không cần bỏ vào trong máy sấy. Không gian thênh thang, cả một khoảng vườn phía sau ta phơi bao nhiêu dây áo cũng được. Vào những lúc có gió thổi nhè nhẹ, những chiếc áo phơi bay phất phơ.

Nắng sớm mùa Thu. Tôi ở đây. Đây là lần thứ hai có sự xác nhận: tôi đang có mặt. Chính thực là vườn xưa. Vườn xưa là khu vườn trong đó mình đã rong chơi, đã đuổi bắt những con bướm nhỏ, đã lăn vào nằm trong những bụi cỏ, đã để hết tuổi thơ vào. Mười năm vườn xưa xanh tốt. Vườn xưa đó không phải là chuyện quá khứ; nó vẫn còn có mặt cho mình trong giờ phút hiện tại. Vườn xưa đó có thể là xóm Thượng, xóm Hạ hay xóm Mới bây giờ. Nếu mình muốn thì đâu cũng là khu vườn xưa của tuổi thơ.

Tôi ở đây, chính thực là vườn xưa. Những cây ổi trái chín thơm. Lâu lâu có một trái ổi chín, làm thơm phức cả khu vườn. Mình nói: chà, ta phải leo lên cho được để hái trái ổi đó. Đôi khi trái ổi đã bị chim ăn hết một nửa, nhưng mình chỉ cần “ngoặm” phần còn lại rất thơm. Bây giờ dầu có mua được cây kem đắt tiền đi nữa thì cũng không thể so sánh được với trái ổi một nửa bị chim khoét. Bởi vì ngày xưa khi mình cắn vào trái ổi chín bị chim khoét hoặc trái ổi còn hườm hườm chưa chín, mình thấy nó ngon vô cùng. Trong tâm mình lúc đó không có sự rong ruổi, không có sự quyến luyến về quá khứ hay những nỗi bồn chồn, lo lắng cho tương lai. Em bé tám hay chín tuổi, rất tự do, không ràng buộc bởi quá khứ, không lo lắng cho tương lai, còn có mặt trong thiên đường.

Tôi ở đây, chính thực là vườn xưa. Chính mình phải trở thành em bé đó, mình phải phục hồi cho được khu vườn xưa, khu vườn của tuổi thơ. Những cây ổi trái chín thơm. Những lá bàng khô, thắm, đẹp, rụng còn chạy chơi la cà trên sân gạch. Mỗi nhà đều có một chiếc sân gạch, thỉnh thoảng người ta dùng để phơi lúa, phơi bánh tráng, phơi khoai, phơi sắn, và người ta cũng có thể đem sách vở ra phơi. Có khi thấy tờ phái quy y hay bằng tú tài của mình hơi ẩm mốc thì mình cũng mang ra để phơi cho khô ráo trở lại. Những lá bàng khô, thắm, đẹp, rụng còn chạy la cà trên sân gạch. Đây là một hình ảnh rất quen thuộc. Những lá bàng mầu đỏ hoặc mầu vàng rơi xuống và khi có gió thổi, chạy đi chạy tới trên sân gạch. Hình ảnh đó là hình ảnh muôn đời bất diệt mà người Việt Nam nào cũng đã từng thấy, em bé Việt Nam nào cũng đã từng thấy.

Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng chính mắt tôi vừa thấy sáng qua

Những hình ảnh rất điển hình: phía bên kia sông có người thanh niên cất tiếng hát và có cô thiếu nữ hát trả lại bằng những lời ca dao. Rồi có những người thanh niên gánh những gánh lúa vừa gặt đi ngang qua cầu khỉ để qua bên này sông. Cầu khỉ là chiếc cầu làm bằng một thân tre được gác trên những thân tre để xéo, và có một thanh tre khác để vịn. Tôi đã từng đi qua cầu khỉ, đã từng thử gánh một gánh rơm và đi qua cầu khỉ. Hồi đó tôi chưa tới mười lăm tuổi. Tôi đã thấy những chàng trai gánh những gánh lúa đi ngang qua cầu khỉ rất nhẹ nhàng. Tôi nói: Tại sao họ làm được mà mình không làm được? Tôi thực tập và cuối cùng thì tôi cũng gánh được một gánh rơm, tuy không nặng bằng gánh của các anh chàng nông dân, và đi qua cầu khỉ. Tôi đã đi qua sông được mà không bị té xuống sông. Những gánh rơm thơm vàng óng ả. Lúa mới gặt rất thơm và màu vàng rất rực rỡ.

Trăng lên quây quần trước ngõ. Trong nhà chỉ có một chiếc đèn dầu thôi, không được sáng lắm. Ra ngoài ngõ, không xa nơi bụi tre là mấy, trăng lên sáng rực. Quây quần trước ngõ nô đùa, chúng ta hát và kể chuyện với nhau. Cảnh sinh hoạt ấy vui vô cùng. Đó là những cảnh tượng mà đứa trẻ nào cũng đã đi qua. Ở Tây phương chắc chắn cũng có những cảnh tượng tương đương như vậy, và nếu muốn thì mình vẫn còn có thể trở về an trú trong cảnh tượng đó. An trú chứ không phải là hoài niệm. Trăng lên quây quần trước ngõ, vườn cải hoa vàng chính mắt tôi vừa thấy sáng qua. Hình ảnh chính của bài thơ là bướm bay vườn cải hoa vàng. Hình ảnh đó không phải là đã chết. Nếu muốn, mình có thể thấy hình ảnh đó ngay trên nước Pháp. Chỉ cần mình có tự do, chỉ cần tiếp xúc được với những mầu nhiệm của hiện hữu và của pháp thân là ta sẽ thấy rằng chưa có gì đã qua và chưa có gì mất đi.

Tôi không ngủ mơ đâu
Ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà

Đây lại là một sự xác quyết mới. Chính ngày hôm nay đang có đầy đủ những mầu nhiệm như trời xanh, mây trắng, nắng ấm, bướm vàng, cha, mẹ, anh, chị và em. Thực tại mầu nhiệm vô cùng như vậy mà tại sao mình lại tự khóa chặt mình trong một cái vỏ ốc để rồi sầu đau. Những mầu nhiệm của cuộc đời nhiều hơn, quan trọng hơn những ganh tỵ, buồn phiền và bực tức của mình. Tại sao mình lại tự giam hãm mình vào cái vỏ cứng của sự bực tức và hờn giận đó mà không tiếp xúc được với những nhiệm mầu của cuộc đời đang có mặt ngay trong ngày hôm nay.

Tôi không ngủ mơ đâu. Em không về chơi  trò bắt tìm nơi quá khứ. Tại sao phải đi về quá khứ để chơi trò tìm bắt trong khi hiện tại có đầy đủ những mầu nhiệm có khả năng nuôi dưỡng. Chúng mình còn đây, hôm nay và ngày mai nữa. Tại vì hôm nay nếu mình biết sống thì ngày mai cũng sẽ là hoa trái của ngày hôm nay. Đến đây, khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong. Có một giếng nước rất thơm, rất trong, đó là giếng nước của chánh pháp. Chúng ta khát khao hiểu biết, chúng ta khát khao thương yêu, chúng ta khát khao những điều mầu nhiệm của pháp thân hiện hữu, thì giếng ngọt chánh pháp đang có mặt ở đó cho ta. Ta hãy cùng bước với nhau để đi tới cái giếng này. Quý vị có nhớ cái giếng nước mà Antoine de St Exupery đưa hoàng tử bé tới không?
CHÚNG TÔI ĐANG Ở TRONG CUỘC ĐỜI

Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người ?
Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp

Trong tư thế tương nhập và tương tức, chúng ta đã chưa bao giờ từng rời nhau, chưa bao giờ bị xa cách nhau. Tôi luôn luôn có ở trong em và em luôn luôn có ở trong tôi. Đây là một sự giác ngộ. Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp. Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa. Tờ lá rất mầu nhiệm, bông hoa rất mầu nhiệm. Chúng ta có thể đã nghĩ rằng chúng ta nhỏ bé hơn hay vĩ đại hơn một tờ lá hay một bông hoa. Nhưng kỳ thực chúng ta cũng là một bông hoa, một tờ lá. Chúng ta cũng mầu nhiệm không khác gì tất cả những mầu nhiệm khác của vũ trụ.

Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa. Bây giờ nếu mình biết được mình là bông hoa thì tự nhiên mình sẽ hết khổ đau. Đó là sự thực tập. Vì mình cũng là một bông hoa như bất cứ một bông hoa nào. Và bông hoa nào cũng đang đóng vai trò của nó một cách hết mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng là một bông hoa đang cống hiến rất nhiều sự nhiệm mầu và tươi mát cho cuộc sống. Mình có thể cười được, mình có thể múa được, mình có thể thương được, mình có thể hiểu được thì tại sao mình lại phàn nàn, trách móc và co rúm lại. Làm như vậy thì mình không còn là một bông hoa. Bông hoa nào cũng đang làm được cái tối đa của nó để cống hiến sự có mặt của nó cho cuộc đời. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không phải là một cái gì ít mầu nhiệm hơn bông hoa; vì vậy chúng ta hãy nở ra như một bông hoa. Hãy cho phép chúng ta nở ra như một bông hoa để cống hiến cho đời sự có mặt của chúng ta.

Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa. Em hát ca đi. Hát ca bằng hai bàn tay, bằng hai bàn chân, bằng hai con mắt, bằng cái miệng, bằng lỗ tai của mình. Tất cả hiện hữu của ta phải là một bài hát. Bài hát của sự có mặt, của sự tươi mát, của sự thương yêu. Chúng ta phải hát. Vì chúng ta là một phần của bản hòa tấu vĩ đại. Em hát ca đi, bông cúc cười theo em bên hàng dậu. Bông cúc sẽ mỉm cười theo em. Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát. Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình. Có ngôi sao nào lại tự xây cho mình một cái nhà tù?. Tại sao mình phải tự xây cho mình một cái nhà tù. Tại sao mình phải xây dựng một cái chùa, một cái nhà, một sự nghiệp hay là một danh tiếng? Tại sao mình phải có bò? Tại sao mình không thả bò? Tại sao mình không có tự do như bông hoa ca hát?. Hãy nhìn lên những ngôi sao trên trời. Có ngôi sao nào cần xi măng hay vôi cát đâu. Hạnh phúc của ngôi sao là không gian thênh thang. Mặt trăng cũng vậy. Chúng ta cũng thế.

Em hát ca đi, bông cúc cười theo em bên hàng dậu. Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát. Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình. Họ bắt chúng ta phải nhúng tay vào vôi cát để xây dựng cái mà họ gọi là thiên đường. Xã hội chủ nghĩa hay thiên đường tại thế. Bắt phải lao động thật nhiều. Lao động, lao động, rồi lao động. Mình phải nhúng tay vào để xây dựng. Hy sinh cái hiện tại để lo cho cái tương lai. Hãy để cho chúng tôi hát ca. Phải để cho chúng tôi hát ca như những con người tự do. Để cho chúng tôi là những đóa hoa. Đòi hỏi của mình là như vậy. Cuộc sống mầu nhiệm, mình phải là một đóa hoa, một tờ lá, và tham dự vào khúc ca mầu nhiệm của hiện hữu nhiệm mầu. Để cho chúng tôi hát ca, để cho chúng tôi là những đóa hoa. Cái yêu sách này rất đơn giản. Mình có đòi hỏi gì nhiều đâu. Đòi hỏi để có tự do làm một bông hoa. Mình đòi hỏi được sống trong hiện tại và tiếp xúc được với những mầu nhiệm của hiện tại.

Chúng tôi đang ở trong cuộc đời. Chúng tôi không từ chối, không ghét bỏ, không chán ghét hiện hữu. Chúng tôi đang ở trong cõi này. Chúng tôi không đòi hỏi đi lên Nước Chúa, Tịnh Độ, Cực Lạc hay thiên đường của xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi không đòi hỏi gì ở tương lai. Chúng tôi không đòi hỏi một hình bóng hạnh phúc trong tương lai hay ở một nơi nào khác. Chúng tôi muốn ở đây thôi. Cùng tăng thân xin nguyền ở lại.

Chúng tôi đang ở trong cuộc đời, mắt chúng tôi
chứng minh cho điều ấy.

Có một vùng đất hứa nào không? Có một thiên đường nào đâu đó không? Họ muốn ta phải đi về vùng đất hứa đó. Họ muốn ta đi về thiên đường đó. Họ muốn ta phải tham gia xây dựng một cái gì đó cho tương lai. Còn ta thì ta thấy rằng hiện hữu đã rất nhiệm mầu. Ta cần sống trong hiện tại. Chúng tôi đang ở trong cuộc đời, mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy. Bông hoa không muốn trở thành một cái gì khác. Nó rất thoải mái trong vị trí của nó ở bên hàng dậu hay trên bãi cỏ. Đừng đày bông hoa đi một nơi nào khác; dù ở quá khứ hoặc trong tương lai. Trong thời gian cũng như trong không gian.

Bàn tay cũng là hoa. Đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng, thành khớp răng cưa, thành móc sắt.

Chúng tôi không muốn trở thành những cái máy, những bộ máy. Bàn tay em tôi là một đóa hoa tại sao lại bắt nó trở thành những giây chằng, những khớp răng cưa, những cái móc sắt? Để thực hiện cái gì? Chúng tôi không muốn biến chúng tôi thành những cái máy hay là một phần của cái máy.

Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em
Là đóa hoa, là bình minh hát ca không đắn đo suy tính

Ta không cần nói thương hay kêu gọi tình thương. Hãy sống như bông hoa, hãy sống như một tờ lá, hãy sống như một đám mây. Đó đã là tình thương đích thực rồi. Sự có mặt tươi mát của độ lượng, đẹp đẽ, quảng đại đã là tình thương đích thực.

Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta
Và xin vẫn nghe lờ tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng trăng sáng

Trong Thánh kinh chúng ta có Cựu Ước và có Tân Ước. Tân Ước nói về những thực hiện và những hứa hẹn của Chúa Ki-tô. Chúng ta cũng muốn ghi thêm vào lịch sử văn hóa con người một tân ước nữa. Tân ước của tăng thân chúng ta là sự thực tập sống an lạc, thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Chúng ta không cầu một thiên đường, một địa phương, một tương lai nào khác. Vì tất cả những gì mà chúng ta xác nhận và cần đến là hiện tại, là bây giờ và ở đây. Đó là sự biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân mà ta có thể tiếp xúc được trong từng hạt sỏi, trong từng tiếng chim, trong từng bông hoa và trong từng dòng suối. Em về, em hãy về đi

Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài như tóc Mẹ

Em còn đó thì Mẹ còn đó. Nhìn em, tôi thấy Mẹ. Tất cả những gì mầu nhiệm của ba đời tôi đều có thể tiếp xúc được qua hiện tại. Qua những mầu nhiệm của hiện tại, tôi có thể tiếp xúc được với thế giới trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có gì mất đi, kể cả hình bóng của người Mẹ tóc dài chấm gót.
Nếu phân tích thì chúng ta sẽ thấy cái cốt tủy nằm trong bài thơ này là tinh thần vô đắc. Để thực tập vô đắc chúng ta phải tập sống trong hiện pháp. Hiện pháp là tiếp xúc cho được với những gì mầu nhiệm của hiện hữu. Chúng ta không cần phải luyến tiếc tuổi thơ, vì tuổi thơ vẫn còn. Chúng ta không cần luyến tiếc những gì quá khứ, vì những gì trong quá khứ cũng đang còn trong giây phút hiện tại. Bài thơ này giống như một Tân Ước mới.

Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo,
như nhìn trăng sáng

Lời tôi không phải là lời biện hộ, là lý thuyết, là chủ nghĩa, là lý luận. Lời tôi là khúc hát. Bởi vì tôi đang hát. Hát bằng đôi chân, hát bằng đôi mắt, hát bằng hai tay. Lời tôi không được làm bằng ngôn từ và ý niệm. Lời tôi được làm bằng niềm tin, bằng sức sống, bằng nụ cười, bằng trái tim thương yêu. Hãy nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng. Đừng chỉ nghe bằng hai tai. Hãy nghe bằng trái tim. Ngày xưa tôi đã có lần từng nói:

‘Ngày mai, nếu có nghe,
Hãy nghe lời tôi như nghe suối reo
Hãy nghe lời tôi như nghe chim hót
Như xem liễu lục bông hồng
Như ngắm hoa vàng trúc biếc
Như nhìn bạch vân minh nguyệt’
(Hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu, hỡi ngàn sao lấp lánh… (1954))

Thì hôm nay tôi lặp lại: ‘Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo.’ Chúng ta là một tăng thân. Chúng ta muốn sống trong tinh thần vô đắc, trong tinh thần Hiện Pháp Lạc Trú để có thể chấm dứt việc gây khổ đau cho nhau và giúp cho người khác chuyển hóa khổ đau, thực hiện an lạc. Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau. Chúng ta tìm tới với nhau, xây dựng một tăng thân để cho tiếng hát của hiện hữu nhiệm mầu được tiếp nối và luôn luôn biểu hiện.
Chúng ta hãy cùng nghe lại toàn bài:

Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng

Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm ?
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:
“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát
Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”
Tôi đã về. Có tiếng hát ca. Bàn tay trên liếp cửa
Hỏi rằng: “Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?”
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em. (Như đêm giông tố loạn cuồng
Rừng sâu đen tối
Những cành cây sờ soạng
Đợi ánh chớp lòa ngắn ngủi
Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu
Tôi đứng đây. Chúng ta không cần khởi hành
Quê hương của chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ
Xin đừng ai xâm phạm – tôi vẫn còn hát ca
Đầu còn gối trên thánh kinh, sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng
Công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt từ ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót
Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
Nắng sớm mùa Thu
Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa
Những cây ổi trái chín thơm
Những lá bàng khô thắm
Đẹp
Rụng
Còn chạy chơi la cà trên sân gạch
Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên, quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.

Tôi không ngủ mơ đâu
Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa
Đến đây
Khi khát chúng ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong

Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người?
Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp,
Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa
Em hát ca đi. Bông cúc cười theo em bên hàng dậu,
Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
Để cho chúng tôi hát ca. Để cho chúng tôi là
những đóa hoa.
Chúng tôi đang ở trong cuộc đời
mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.
Bàn tay cũng là hoa. Đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng
Thành khớp răng cưa
Thành móc sắt.
Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca không đắn đo suy tính
Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta
Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe lời suối reo, như nhìn trăng sáng

Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ.