Quay về thủ hộ ý

Chúng ta có một bài kệ để thực tập: Cái giận làm i xu, biết vy i mỉm cười, quay về thủ hộ ý, từ quán không buông lơi”. Mỗi câu kệ năm chữ đi theo một hơi thở. "Cái giận làm tôi xấu", điều này do chính Bụt nói. Bụt nói khi ta giận con người ta hết đẹp. Đọc câu đó ta nghe như một tiếng chuông chánh niệm. Có ai muốn mình xấu đâu? Con trai cũng vậy, con gái cũng vậy, người lớn cũng vậy, trẻ em cũng vậy, không ai muốn mình xấu hết. Ta có ý thức là ta đang xấu, đó là tiếng chuông chánh niệm, và vì vậy ta mỉm cười… Cái cười có thể còn méo xẹo, nhưng cũng đã làm cho mặt ta bớt xấu đi nhiều lắm. Cái giận làm tôi xấu, biết vậy tôi mỉm cười. Mỉm cười được (phải cố gắng lắm mới mỉm cười được!) thì mấy trăm bắp thịt ở trên mặt ta thư giãn ra. Bây giờ mặt mình “ngó được” hơn nhiều! Trước đó nó căng ra giống như trái bom sắp nổ. Quay về thủ hộ ý là đóng cửa hai giác quan: mắt và tai, trở về để lo dập cái đám cháy. T quán không buông lơi là phải thực tập liên tục Từ quán. Ta có thể ngồi đây ngay tại đó để quán chiếu, hoặc ta mở cửa đi ra ngoài (nếu ta còn yếu) để đi thiền hành mà quán chiếu.

Phương pháp chánh thống là sử dụng năng lượng chánh niệm. Ta trở về và tiếp xúc với năng lượng chánh niệm trong ta, ta làm cho năng lượng ấy phát triển. Chánh niệm không thể là chánh niệm suông không có đối tượng. Cũng như giận là giận ai, giận gì. Chánh niệm là chánh niệm về một cái gì. Tôi đang uống nước và tôi có ý thức rằng tôi đang uống nước, đó là chánh niệm về uống nước. Tôi đang bước một bước bằng chân trái và tôi biết rằng tôi đang bước một bước bằng chân trái, đó là chánh niệm về bước chân. Có chánh niệm về tiếng chuông, có chánh niệm về hơi thở. Ở đây ta phát khởi chánh niệm về cái giận của ta. Thở vào, tôi biết tôi đang giận. Thở ra, tôi biết tôi là tôi đang chăm sóc cái giận của tôi. Trước hết có một vùng năng lượng trong ta, gọi là năng lượng giận… Bây giờ ta phát khởi một nguồn năng lượng thứ hai nữa là nguồn năng lượng của chánh niệm và nguồn năng lượng thứ hai này có phận sự ôm lấy cái giận. Nguồn năng lượng thứ hai ôm lấy nguồn năng lượng thứ nhất để chăm sóc, để làm cho tĩnh lặng lại, và cuối cùng để quán chiếu. Chúng ta đã biết rằng chánh niệm phát sinh không phải để xua đuổi hay để tranh đấu với cái giận mà là để chăm lo cho nó.

Phương pháp của đạo Bụt là bất nhị và bất bạo động. Tại sao bất nhị? Tại vì chánh niệm này là ta mà cái giận kia cũng là ta. Một vùng năng lượng này ôm lấy một vùng năng lượng khác. Ta đừng giận cái giận của ta, ta đừng có ý muốn xua đuổi hoặc đàn áp nó, bởi vì ta biết rằng nếu nó có mặt ở đây là tại vì dưới tàng thức kia (cái kho) nó đã có. Ta phải săn sóc lấy ta. Khi lá gan ta đau, ta đâu có giận lá gan của ta. Ta phải ôm lấy lá gan của ta để mà chăm sóc. Ví dụ mà tôi thường dùng trong các khóa tu là một bà mẹ đang làm việc dưới bếp, nghe em bé khóc ở trong phòng thì bỏ công việc xuống và chạy vào ẵm lấy em bé lên trong vòng tay. Một bà mẹ không bao giờ cho em bé là kẻ thù của mình. Nó là con của mình. Hễ nó khóc là mình phải ôm lấy nó. Mẹ chưa biết vì lý do gì mà em bé khóc nhưng việc đầu tiên mẹ làm là bế em bé lên và ôm nó. Em bé không phải tự nhiên mà khóc đâu. Em bé khóc là có lý do nào đó, có một sự không tiện nghi nào đó đang xảy ra trong thân hay trong tâm. Trong khi ta thực tập quán chiếu cái giận của ta, ta phải coi cái giận của ta là em bé của ta, là chính ta và ta phải chăm sóc nó. Ta không thể ghét bỏ, thù hận và coi nó là kẻ thù. Thiền quán không phải là biến mình thành một chiến trường có hai phe: một phe chánh, một phe tà: phe chánh phải đánh phe tà cho tả tơi. Trong thiền quán ta không có cái nhìn nhị nguyên (dualistic). Vì chánh niệm là ta mà cái giận kia cũng là ta, cho nên chánh niệm ôm lấy cái giận cũng như là bà mẹ ôm lấy đứa con. Trong khi đó ta dùng hơi thở chánh niệm để bảo hộ và làm lắng dịu cơn giận của ta. Nếu ta tiếp tục thở và thực tập như thế thì nguồn năng lượng thứ hai là chánh niệm bắt đầu đi vào trong nguồn năng lượng thứ nhất là cái giận. Hai nguồn năng lượng khi tiếp xúc với nhau sẽ đưa tới một sự biến chuyển. Cũng như khi thấy căn phòng của ta lạnh thì ta biết rằng ta phải đốt lò. Lò đốt thì mười lăm phút sau hơi nóng sẽ đi tới và hơi nóng đó sẽ ôm lấy hơi lạnh. Hơi nóng không nói: cái lạnh ơi, mày đi nơi khác chơi đi. Không. Cái lạnh không cần phải ra khỏi phòng. Cái lạnh được cái nóng ôm lấy. Một thời gian sau thì hơi lạnh trở thành hơi ấm. Có sự chuyển hoá. Chúng ta không cần phải liệng ra ngoài cửa sổ bất cứ cái gì hết, ngay cả cái giận của chúng ta. Cái giận cũng là năng lượng. Cơm và sữa ta ăn cũng góp phần làm ra cái giận đó. Cơm và sữa cũng góp phần làm ra chánh niệm. Nhưng chánh niệm là loại năng lượng rất tốt trong khi cái giận lại là thứ năng lượng có công năng phá hoại… Tất cả đều là năng lượng do chúng ta chế biến. Tu học là nghệ thuật sử dụng một nguồn năng lượng này để chuyển hoá một nguồn năng lượng khác. Ta không cần xua đuổi và đánh dẹp. Phút đầu, khi bà mẹ ôm lấy đứa con bà chưa biết cái gì đã xảy ra cho em bé. Nhưng từ giờ phút bà ôm lấy đứa con thì năng lượng của sự dịu dàng và của sự thương yêu đã bắt đầu đi vào cơ thể của em bé. Một bà mẹ, theo nguyên tắc, được làm bằng chất liệu của sự dịu dàng, của sự thương yêu và của chánh niệm. Khi được mẹ ôm trong hai cánh tay, ta thấy niềm đau giảm bớt ngay. Sự thuyên giảm bắt đầu xảy ra: tuy cái giận đang còn đó, nhưng nó đã dịu xuống. Ta chưa thấy được nguồn cơn của nó, ta chưa chuyển hoá được nó, nhưng vì ta đang ôm nó trong vòng tay chánh niệm thành ra nó không có tác hại nữa mà lại bắt đầu êm dịu xuống.

Đây là bài tập trong Kinh An Ban Thủ Ý: tôi đang thở vào làm cho tâm hành tôi lắng dịu xuống (an tịnh tâm hành). Tâm hành đây là một hiện tượng tâm lý. Hiện tượng đó có thể là giận, là buồn, là ghen hoặc là sợ hãi. Khi ta thở vào và thở ra có chánh niệm ta ôm lấy cái tâm hành đó để làm cho nó dịu xuống: đó gọi là an tịnh tâm hành. An tịnh tâm hành, tôi thở vào; an tịnh tâm hành, tôi thở ra. Khi ta ý thức rằng ta đang có cái tâm hành gọi là giận thì ta phải lập tức thực tập để an tịnh cái tâm hành đó. Phương pháp gần như duy nhất là phát khởi chánh niệm, dùng năng lượng của chánh niệm đó để ôm lấy cái tâm hành kia: thở vào, tôi biết là tôi đang giận; thở ra tôi biết là tôi đang làm an tịnh cơn giận của tôi. Trong khi đó ta có thể hoặc ngồi thiền hoặc đi thiền hành. Mười phút sau cường độ của cái giận giảm bớt. Trong lúc đó năng lượng của chánh niệm chiếu soi vào năng lượng của cái giận và chỉ cho ta thấy nhiều điều rất ngộ nghĩnh và kỳ diệu… Như bà mẹ sau khi ôm lấy đứa con và ru vài câu, đứa bé êm dịu lại và bà mẹ tìm ra được nguyên do đã khiến đứa bé khóc. Nguyên do đó có thể là đứa bé đang sốt hoặc đang lạnh, hoặc cái tã của nó bị siết hơi chặt, hoặc là nó đang khát nước. Và khi đã thấy được sự thật bà mẹ không cần thời gian nhiều và có thể chuyển hoá được tính trạng rất mau. Nếu cái tã quá chật thì bà mở ra, cột lại cho nó nhẹ nhàng; nếu bé đói thì làm cho nó bình sữa; nếu bé sốt thì cho nó uống aspirine có đường v… v… Điểm chính yếu là thấy được nguồn cơn, được căn nguyên. Nhận diện và tìm được về cội nguồn của hiện tượng là công phu của quán chiếu.

Tôi đang thở vào biết rằng tôi đang giận, tôi đang thở ra biết rằng cái giận đang còn trong tôi

Đó là thực tập nhận diện. Giận ơi chào mi! Cái giận của ta là một người bạn rất xưa cũ của ta. Mỗi khi nó xuất hiện thì ta nhận diện nó. Trong khi ta đi thiền hành hay ngồi thiền để chăm lo cho tâm hành của ta bằng năng lượng chánh niệm thì ta bắt đầu thấy ta. Ban đầu ta chỉ cần chấp nhận nó, nhận diện nó; tiếp đến, ta nhìn sâu thêm để thấy được cội nguồn của nó. Tại sao ta giận? Điều ta thấy đầu tiên có thể là điều này: niềm đau khổ của ta có nguồn gốc sâu xa dưới tàng thức, đó là chất độc của sân hận có sẵn trong tâm ta dưới hình thức nội kết hoặc hạt giống. Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới? Cái giận tới được vì đã có gốc rễ trong lòng ta. Lúc đó ta mới thấy rằng thủ phạm chính của niềm đau ta là cái khối nội kết có liên hệ tới si mê, tới kiêu mạn, tới nghi ngờ, tới tham đắm của ta. Kẻ kia không phải là chánh phạm. Kẻ kia chỉ là một nguyên do thứ yếu. Điều thứ hai mà ta có thể thấy là người kia cũng đang khổ. Trước đó ta chỉ thấy một mình ta khổ thôi. Một người khổ thường làm hay làm cho người khác khổ. Người khổ có độc tố rất nhiều trong lòng và không thể nào tránh khỏi cái chuyện làm vung vãi những độc tố ấy lên những người xung quanh. Và dầu người ấy có làm những điều dữ dằn và sai quấy hay là nói những điều rất thất đức thì mục đích của người ấy cũng chỉ là tìm cách làm cho mình bớt khổ. Người ấy không biết thực tập như ta. Khi khổ quá người ấy chỉ nói vung ra hay làm vung ra để tiết hận, hy vọng cho bớt khổ. Làm như thế người ấy chỉ làm cho bản thân và những người chung quanh khổ thêm. Ta thì ta đã học và biết cách hành xử rồi, thành ra mỗi khi giận ta biết quay về thủ hộ tâm ý, biết sử dụng hơi thở chánh niệm, biết đi thiền hành, biết làm dịu xuống nỗi khổ của ta. Còn người kia thì đang đứng ở trong địa ngục. Và người kia là ai? Người kia có thể là chị của ta, có thể là anh của ta, có thể là em của ta, có thể là cha của ta, có thể là mẹ của ta. Khi ta thấy được điều đó thì tự nhiên dòng suối Từ Bi trong lòng ta sẽ tuôn chảy. Hiểu biết là chìa khoá mở cửa trái tim là như vậy. Nhờ ta thực tập chánh niệm, cái giận sẽ trở về nguyên quán nơi tàng thức và lần này hạt giống sẽ nhỏ đi hơn một chút. Nếu cơn giận trở lại, ta cũng sẽ tiếp tục thực tập như thế. Mỗi lần thực tập ta lại làm cho hạt giống giận yếu đi cho đến lúc hạt giống ấy không đủ sức làm chúng ta nổi sùng lên như ngày xưa nữa. Đó là phương pháp đối trị cái giận.

Xin nhắc lại; trước hết ta nhận diện cái giận bằng cách ấp ủ nó, nâng niu nó. Tiếp theo, ta soi ánh sáng chánh niệm vào nó để tìm ra những nguyên nhân và bản chất của nó. Khi ta thấy và biết được rằng người kia đang khổ, và khi ta đã thấy nhẹ nhàng trong lòng sau hai mươi phút thiền hành rồi, ta có thể có ý định trở về để giúp người ấy cho người ấy bớt khổ thi lúc đó cái giận của ta đã biến thành cái thương rồi. Ta có thể nói: nếu ta không giúp người đó thì ai sẽ giúp người đó? Người đó có thể là cha của ta, là mẹ của ta, là chồng của ta, là vợ của ta, là anh, chị, em của ta… Ước muốn trở về để giúp người đó là ước muốn phát xuất từ lòng thương. Tất cả đều do chánh niệm. Chánh niệm chế tác ra nguồn năng lượng Từ và Bi.