Lá thư tình cho cha

Ta vừa mới học được một điều là phải quán chiếu những nỗi khổ của người kia. Thân hành của người kia có thể dễ thương hay không dễ thương, khẩu hành người kia dễ thương hay không dễ thương, và người đó có thể khổ nhiều hay khổ ít. Và khi ta đã quán chiếu thấy được cái khổ của người kia thì tự nhiên trái tim ta sẽ rung động và chìa khoá của hiểu biết sẽ mở được trái tim của ta. Ví dụ một cô thiếu nữ kia bị cha cô cưỡng hiếp. Ở tây phương chuyện cha hãm hiếp con gái từ khi con gái mới mười một mười hai tuổi đã từng xảy ra. Đứa con gái đó lớn lên đau khổ suốt đời và mang theo trong nó một niềm thù hận không bao giờ nguôi. Người đó là cha mình, nhưng đã làm hại đời mình. Nhưng nếu đương sự biết quán chiếu nỗi khổ và niềm đau của cha mình, thấy được cái cội nguồn của hành động loạn luân đó, thấy được cha mình là một người không lối thoát, một người có tâm bệnh, bị tham giận và si mê làm cho lú lẫn thì người con gái sẽ thấy trái tim của mình mở ra và sự thù hận của mình đối với cha mình từ từ được thuyên giảm.

Cách đây cỡ chừng bốn năm có một thanh niên Mỹ tới tu ở xóm Thượng. Anh ta giận cha anh ta đến nỗi anh ta không chịu đựng được cái ý tưởng viết cho cha anh ta một lá thư. Ở xóm Thượng hồi đó chúng ta thực tập Từ quán và Bi quán và sau khi đã viết cho những người thương một lá thư thì ta thực tập viết thư cho những người ta thù ghét. Người mà anh thù ghét nhất trên đời là cha của anh ta. Trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé có bài thực tập về một đứa bé năm tuổi. Thở vào tôi thấy tôi một em năm tuổi, thở ra tôi mỉm cười với chú năm tuổi trong tôi. Ta thực tập như vậy một vài ngày để làm quen với chú bé trong ta. Chú bé đó vẫn còn trong ta. Chú bé đã bị thương tích rất nhiều từ hồi năm tuổi. Khi ta thấy được chú bé năm tuổi thì lòng xót thương của ta sẽ tràn ngập. Năm tuổi là tuổi rất dễ bị thương tích, là tuổi rất mong manh, con gái cũng như con trai. Trái tim em bé rất dễ bị thương. Có những người làm cha làm mẹ không có chánh niệm. Họ trút những nỗi đau, niềm giận của họ lên những đứa trẻ. Em bé tuy mới năm tuổi nhưng đã bắt đầu có những nỗi sợ hãi và buồn đau. Em bé tìm cách diễn tả những điều đó cho mẹ, cho cha. Nhưng cha mẹ không có đủ kiên nhẫn để nghe em bé. Em bé chưa đủ ngữ ngôn để nói ra cái niềm đau nỗi khổ của mình. Đang cố gắng lắp bắp để nói một điều gì đó thì em bị nạt – mày câm cái miệng mày đi! Con nít biết nói! Đối với một người lớn, câu nói đó có thể là “bình thường”, nhưng đối với một em bé năm tuổi đó là một gáo nước lạnh tưới lên trái tim nóng hổi của em. Có thể từ đó về sau em bé sẽ không bao giờ dám thổ lộ với cha hay mẹ một lần nào nữa cả, tại vì vết thương đã rất nặng. Người lớn không thể ngờ rằng đó đã có thể là một vết thương rất nặng đối với em bé rồi. Và có thể từ đó về sau trái tim của em bé không bao giờ được mở ra với một người lớn nào khác nữa. Hành động đó của cha hay mẹ có thể được lặp lại nhiều lần và sự truyền thông giữa cha con hoặc mẹ con có thể sẽ hoàn toàn bị nghẽn lấp. Đó là do không có chánh niệm. Vì không biết quản lý điều phục và quán chiếu về cái giận của mình, người cha đã chặt đứt cây cầu thông cảm giữa hai cha con và đứa con có thể đau khổ suốt đời. Đối với cha, ta không truyền thông được thì đối với thầy, đối với bạn và đối với những người khác trong xã hội ta cũng có thể khó truyền thông được. Mà đã không truyền thông được thì em bé sẽ khổ suốt đời. Chính với người chồng hay người vợ của mình, mình cũng không có thể truyền thông dễ dàng được, tại vì vết thương trong trái tim đã quá nặng hồi còn thơ ấu.

Người thiền sinh Mỹ thực tập như vậy được khoảng một tuần thì tôi cho bài tập thứ hai: thở vào tôi thấy cha tôi là em bé năm tuổi, thở ra tôi cười với em bé năm tuổi là cha tôi. Ta thường thấy cha ta như một khuôn mặt nghiêm nghị, uy quyền, khó tính, nhưng ta có thể chưa bao giờ thấy cha ta như một em bé năm tuổi rất dễ bị thương tích, rất mong manh như chính ta hồi còn năm tuổi. Nếu cần thì trong khi thực tập ta có thể lấy tập album của gia đình ra để tìm chú bé năm tuổi ngày xưa đã từng là cha ta. Khi ta thở vào, thở ra, thấy được và mỉm cười được với em bé năm tuổi là cha ta ngày xưa thì ta cũng thấy rằng cha ta cũng có thể bị những thương tích giống như ta hồi còn thơ ấu. Và lúc đó tự nhiên ta trở thành cha ta. Ta hãy nhớ lại câu Kinh dạy về tứ vô lượng tâm “đồng nhất với tất cả” (sabbattaya). Ta trở thành một với đối tượng quán chiếu của ta.Bây giờ đây ta đã trở thành cha ta, ta hiểu cha ta, ta biết cha ta đã từng làm em bé năm tuổi, đã từng bị bầm dập bởi những cư xử bạo hành của người khác. Nếu cha ta đã từng bị bầm dập như vậy hồi bé và không biết cách chuyển hoá thì cố nhiên cha ta không tránh được sự vung vãi những nỗi khổ và niềm đau của cha ta trên kẻ khác, nghĩa là trên đầu của chính ta. Và do đó ta đã trở thành nạn nhân của cha ta, cũng như cha ta đã trở thành nạn nhân của những người khác trong đó có thể có ông nội của ta. Chàng thanh niên Hoa Kỳ đã đặt trên bàn viết của anh ta một tấm hình của người cha. Trước đó anh ta không có can đảm, không bao giờ muốn nhìn vào tấm hình của người cha. Nhưng trong thời gian thực tập mỗi khi đi vào phòng, anh ta tới gần bàn và nhìn vào hai mắt của người cha để tập làm quen với cha, bởi vì anh ta chưa bao giờ thực sự làm quen với cha mình cả. Anh nhìn vào mắt cha để thở, để mỉm cười, để thấy rằng cha mình cũng đã từng là một em bé đau khổ. Mỗi khi bước ra khỏi phòng anh cũng tới nhìn vào hình cha để thở và quán chiếu như vậy. Một hôm nọ, anh ta ngồi xuống và viết được lá thư đầu cho cha. Nên nhớ rằng người cha này đã qua đời rồi mà anh ta vẫn chưa hoà giải được với ông ấy. Viết thư đây là viết thư như một bài thực tập ở Làng Hồng thôi. Trái tim của anh ta bỗng mở ra. Anh cảm thấy nhẹ nhàng, bởi anh thấy được niềm đau nỗi khổ của cha và vì vậy sự tha thứ đã hình thành và Từ Bi trở thành một chất liệu có thật chứ không còn chỉ là cái ý chí muốn thương và muốn tha thứ. Anh ta đã viết được lá thư mà anh đã được giao phó cho viết. Viết xong anh thấy nhẹ hẳn trong người. Trong trường hợp này phương pháp Từ Bi quán đã thành công. Chất độc trong con người được biến chế. Để bổ túc cho Kinh của thầy Xá Lợi Phất, chúng ta có thể đưa vào yếu tố của sự quán chiếu về nỗi khổ niềm đau của đương sự. Chỉ khi nào chúng ta thấy được nỗi khổ và niềm đau của đương sự, thấy được nguồn cơn của những nỗi khổ và niềm đau đó thì chúng ta mới có được cái chìa khoá hiểu biết để mở cửa thương yêu.

Để thực tập bài này trong đời sống hàng ngày chúng ta phải biết nhận diện và tiếp xúc với những hạt giống tích cực – hạt giống của niềm vui và hạnh phúc – trong bản thân ta, rồi chúng ta sẽ giúp những người khác làm như vậy. Trong bước thứ hai, mỗi ngày ta nên thực tập nhận diện những niềm đau trong mình, những gốc rễ của giận hờn, tham đắm và si mê và sau khi nhận diện chúng thì ta tiếp tục dùng năng lượng chánh niệm để thấy được những cội nguồn của những niềm đau đó. Sau khi bản thân đã được uống nước cam lộ của Từ và của Bi, sau khi ta chuyển hoá được ta thì ta mới đem năng lượng của Từ và của Bi ấy để mà giúp chuyển hoá người. Khi ta hướng về người kia để chiếu vào ánh sáng của chánh niệm thì ta cũng nhận diện được những niềm đau của người ấy và thấy được những cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong người ấy. Gốc rễ giận hờn trong ta được chuyển hoá thì ta bắt đầu chấp nhận và thương yêu được người kia. Thương yêu được người kia, chấp nhận được người kia thì niềm đau và nỗi khổ của ta tan biến. Hiểu được gốc cơn giận, đã phát sinh nơi người, tâm ta sẽ thanh tịnh, an lành thảnh thơi, lời kinh mà ta đã học trong bài thứ nhất rất vắn tắt, nhưng cũng rất sâu sắc. Xin nhắc: Kinh này trích từ Tương Ưng Bộ, S.1.162.