Trở về tiếp xúc với cội nguồn để được nuôi dưỡng và trị liệu

Thiền hành

Thiền hành (walking meditation) là một phép thực tập rất dễ chịu, nhất là vào lúc ban mai khi không khí rất trong lành. Trong khi đi thiền chúng ta phải hợp nhất thân, tâm và phối hợp hơi thở với bước chân. Thở vào ta có thể bước hai, ba hay bốn bước; thở ra ta có thể bước nhiều bước hơn. Ví dụ thở vào ta bước hai bước thì thở ra ta bước ba bước, nếu thở vào bước ba bước thì thở ra ta có thể bước năm bước. Nếu thở vào bước bốn bước thì thở ra ta có thể bước sáu bước, thở vào bước năm bước thì thở ra ta bước tám bước. Đó là kinh nghiệm của tôi. Khi chúng ta ngồi thiền thì hơi thở vào và hơi thở ra có thể dài hơn.

Nếu có một cái đồng hồ tích tắc trên bàn ngủ, ban đêm khi nằm xuống, chúng ta ngưng suy nghĩ, thở vào ta đếm ba giây, thở ra ta đếm năm giây v.v… theo dõi hơi thở như thế cho đến khi ngủ. Tiếng tích tắc của đồng hồ giúp ta rất nhiều. Trong thiền đường, nếu có đồng hồ, ta có thể thở theo tiếng tích tắc của đồng hồ. Chúng ta chấm dứt sự suy nghĩ và chỉ thở thôi. Thở như vậy rất dễ chịu.

Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ dùng để đi thiền hành. Ví dụ như thở vào, đi hai bước, ta nói: Đã về, đã tới. Thở ra, đi ba bước, ta nói: Con đã về, con đã tới. Ta thật sự về, thật sự tới, không rong ruổi nữa và ta thích thú với giây phút hiện tại “đã về đã tới“.

Pháp môn Làng Mai rất đơn giản. Bài thuyết pháp sâu nhất và ngắn nhất của Làng Mai là: Đã về đã tới, đem thân tâm trở về hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại, những mầu nhiệm đang có trong ta và chung quanh ta để được nuôi dưỡng và trị liệu. Ta thấy thoải mái, an ổn, mãn ý với giây phút hiện tại. Ta không còn muốn chạy đi tìm gì khác nữa. Người nào trong khi ngồi hay khi đi mà thấy thích thú, mãn ý với giây phút hiện tại là người đó thành công. Ta không còn đi tìm gì nữa (no more longing).

Thở vào, đi ba bước; thở ra, đi năm bước: Con đã về, con đã về thật sự hoặc mỗi bước chân, con đi vào Tịnh đhoặc là mỗi bước chân, con trở lại suối nguồn. Khi ngồi chúng ta cũng có thể nói: Mỗi hơi thở, con đi vào Tịnh đ hay là mỗi hơi thở, con trở lại suối nguồn. Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ mình thích, khi thì dùng câu này, lúc thì dùng câu kia.

Thở vào đi bốn bước, thở ra đi sáu bước, ta nói: Đã về đã tới, con đã về con đã tới.

Có những con đường thiền hành rất đẹp, một con đường đất với hai bờ cỏ xanh và màu đất hồng tươi. Ngày xưa tôi có làm một bài thơ tựa là “Cẩn trọng”:

Qua ngõ vắng

Lá rụng đầy

Tôi theo con đường nhỏ

Đất hồng như môi son bé thơ

Bỗng nhiên

Tôi cẩn trọng

Từng bước chân đi.

Thấy được vẻ đẹp, thấy được sự mầu nhiệm đó, tự nhiên ta tỉnh dậy, thấy ta đang sống trong một thế giới hết sức mầu nhiệm. Nếu tâm bị vướng bận bởi những lo lắng, sầu khổ thì ta sẽ không thể thấy được. Khi tỉnh dậy ta thấy rất trân quí mỗi giây phút mà cuộc đời đã cho ta sống. Tôi trân quí từng bước chân đi và trong mỗi bước chân tôi đều có hạnh phúc.

Vì trái đất có lực hấp dẫn (gravity) nên bước chân nào ta cũng phải đi chấm đất. Nếu không ta sẽ bay lơ lửng trên không. Đó là một trong bốn lực (four interaction activities) của trái đất. Lực hấp dẫn làm cho bước chân của ta dính vào mặt đất. Với mỗi bước, ta dính vào mặt đất và tiếp xúc với Đất Mẹ, tức là tiếp xúc được với cội nguồn của ta.

Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn mà ta có thể tiếp xúc được bất cứ lúc nào, nhất là khi ta thực tập thiền đi. Mỗi bước chân phải có chánh niệm. Tiếp xúc với Đất Mẹ ta sẽ tiếp nhận được sự nuôi dưỡng và trị liệu. Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường đánh mất mình. Có khi ta chúi đầu vào sách hay vào máy tính mỗi ngày trên 10 giờ đồng hồ. Chúng ta bị những tâm hành như lo lắng, sợ hãi, buồn phiền kéo đi. Chúng ta không có mặt, chúng ta quên rằng ta có một hình hài mà Mẹ ban cho, chúng ta đánh mất sự sống. Có những người quên rằng mình có một hình hài. Họ sống trong một thế giới ảo. Thế giới của máy tính là thế giới ảo, thế giới của phiền muộn là thế giới ảo. Trong khi đó hình hài của ta là một cái gì rất thật. Tâm của ta bỏ thân mà đi, nên ta lao đao, ta đánh mất mình, và trở thành bệnh hoạn. Vì vậy, sự thực tập của ta là thở. Thở như thế nào để đem tâm về với thân, để biết ta đang có một hình hài. Chỉ cần một hay hai hơi thở là ta có thể thiết lập được thân tâm trong giây phút hiện tại, tiếp xúc với hình hài và với Đất Mẹ. Chỉ cần một bước chân có ý thức là ta đem tâm trở về tiếp xúc lại với Đất Mẹ. Ta tìm lại bản thân ta và như vậy quá trình nuôi dưỡng và trị liệu lập tức bắt đầu. Thiền ngồi, thiền đi, thiền thở là những pháp môn thực tập rất cần thiết cho tất cả chúng ta.

Trong chuyến đi miền Bắc Hoa Kỳ vừa rồi, chúng ta có cơ hội thực tập với những người làm việc trong hãng Google nửa ngày, trong đó có thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm, buông thư. Ban đầu sư cô Đàn Nghiêm và Hiển Nghiêm tập cho khoảng sáu, bảy trăm người trong trụ sở trung ương Google hát những bài thiền ca như “thở vào thở ra” để họ ý thức là họ có một hình hài và đem tâm trở về với thân. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền ngồi. Những nhân viên của Google thực tập rất đàng hoàng. Họ là những người trẻ, có người được thu dụng ngay khi vừa tốt nghiệp từ những trường đại học lớn. Họ rất thông minh, làm việc rất nhiều, có khi làm việc 12-15 giờ đồng hồ mỗi ngày với máy tính. Công việc của họ nặng về đầu óc, vì vậy họ không có thì giờ để sống với hình hài của họ và tiếp xúc với sự sống. Trong hôm thực tập đó ta tập cho họ trở về với thân, sống với những cảm thọ và cảm xúc của họ. Ta khuyên họ khi uống trà thì chỉ nên uống trà, khi ăn trưa thì chỉ nên ăn trưa, khi thở hay đi thì chỉ nên thở hay đi, mỗi lúc chỉ nên làm một việc. Ban quản trị trụ sở của Google rất cưng chiều nhân viên của họ. Họ thuê nhiều chuyên viên xoa bóp và cung cấp miễn phí cho nhân viên rất nhiều thức ăn bổ dưỡng. Ban quản trị cung cấp tất cả những tiện nghi vật chất cần thiết để giúp cho nhân viên của họ được thoải mái. Tuy vậy cũng vẫn không đủ, cho nên họ có nhu yếu thực tập thiền để buông bỏ bớt sự căng thẳng và ngăn ngừa những bệnh tật có thể xảy ra. Khi ăn sáng hay ăn trưa ta phải chấm dứt sự suy nghĩ và ngưng hết mọi công việc. Nhân viên trong đó làm rất nhiều việc và khi đói có thể họ vừa ăn vừa làm. Trong khi phương pháp ta đưa ra là khi ăn thì chỉ ăn thôi. Khi ăn, ta đem tâm trở về với thân để có mặt thật sự và có mặt với thức ăn của mình. Ta phải chấm dứt sự suy tư, chấm dứt sự làm việc, chỉ ăn mà thôi. Khi đi cũng chỉ đi thôi, không suy nghĩ, không làm việc. Chỉ cần làm như vậy cũng đủ để đem lại sự chuyển hóa và trị liệu.

Trong khóa tu cho các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ, ta cũng đưa ra phương pháp đó. Chúng ta chia sẻ với họ rằng: ”Chúng tôi không đòi hỏi quý vị phải để thì giờ riêng ra để thực tập thiền. Những lúc quý vị đi tắm, ăn cơm, ngồi trên máy bay hoặc trên xe hơi, quý vị nên sử dụng thì giờ đó để thở, để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, trong đó có hình hài của quý vị. Như vậy quý vị có thể chống lại sự căng thẳng và bệnh tật, những loại bệnh có thể phát sinh nếu cứ tiếp tục sống cuộc sống quá bận rộn như bây giờ.”

Tiếp xúc với những vị Bồ tát để được nuôi dưỡng và trị liệu

Đây là những vị Bụt, những vị Bồ tát có thật mà ta phải lạy xuống. Những vị đó có trong ta chứ không chỉ có ở ngoài ta. Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang chính là những vị Bồ tát đó, chúng ta còn đi tìm đâu nữa? Đi thiền hành chúng ta phải tiếp xúc được với các vị Bồ tát đó. Đất Mẹ là một vị Bồ tát, mặt trời là một vị Bồ tát đã cho chúng ta sự sống và các vị đó không phải ở ngoài ta mà còn ở trong ta. Có được tuệ giác đó thì ta không còn thấy trái đất, mặt trời là vật chất, và ta có thể tiếp xúc được thật sự với chúng. Khi tiếp xúc được thật sự ta sẽ nhận được sự nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân là nuôi dưỡng, mỗi bước chân là trị liệu.

Con người hiện nay bị bệnh rất nhiều, chúng ta phải học cách chữa trị. Đi thiền hành là một trong những phương pháp chữa trị rất hay. Đang ở tại Làng Mai ta phải biết lợi dụng pháp môn thiền hành, tại vì đi thiền hành ở những thành phố lớn như Los Angeles hay thành phố Hồ Chí Minh không sướng chút nào. Ở đây chúng ta có không khí rất trong lành, có cây cối xanh tươi, có những con đường thiền hành rất mầu nhiệm. Vì vậy chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Trong khi đi chúng ta dùng cả thân, khẩu, ý để tiếp xúc với đại địa, với Bồ tát Thanh Lương Địa. Trong đất có sức nóng, có không khí và có nước. Bầu khí quyển bao quanh trái đất cũng thuộc về Bồ tát Thanh Lương Địa. Đất Mẹ đã cho chúng ta nước để uống, không khí để thở; vì vậy đất cũng là nước, là không khí. Tầng ozon phía trên che chở cho chúng ta, ngăn những tia phóng xạ độc hại đi vào trong trái đất. Đất Mẹ chở che, nuôi dưỡng và trị liệu.

Trong khi đi thiền chúng ta có thể đạt tới những cái thấy rất sâu. Nhìn vào Đất Mẹ, ta thấy Đất Mẹ chứa cả tam thiên đại thiên thế giới, có cả vũ trụ trong Đất Mẹ. Các nhà khoa học cũng có thể đóng góp cho cái thấy đó, tại vì họ có một vài ý niệm về sự hình thành của trái đất. Họ biết rằng trái đất được làm bằng những yếu tố không phải đất, cũng như một bông hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Các hành tinh khác cũng đã gửi tới cho chúng ta những đóng góp. Hành tinh đất cũng là một bông hoa rất đẹp được làm bằng những yếu tố không phải địa cầu. Nhìn vào hành tinh Đất Mẹ, ta thấy được cả vũ trụ. Nhìn vào bông hoa, ta cũng thấy cả vũ trụ trong đó như đám mây, mặt trời, v.v… Khi bước chân trên trái đất, ta thấy Đất Mẹ đang có mặt trong ta. Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại tách lìa nhau.

Đi tìm chân-thiện-mỹ

Trong tôn giáo, người ta thường tìm một thần linh, và cần phải có đức tin đối với vị thần linh đó. Đối tượng của niềm tin, cố nhiên phải là một cái gì rất đẹp, rất lành và có quyền lực. Trong khi đau khổ, chúng ta cần tới một cái gì đẹp, lành và có uy lực để giúp ta thoát khỏi khổ đau.

Khi niệm Bụt Thích Ca, chúng ta có nhận thức rằng Bụt Thích Ca là một người có trí tuệ lớn, có khả năng chỉ đường, soi sáng cho chúng ta. Nếu không tin như vậy, thì ta đã không lạy Đức Thích Ca. Khi lạy trước Đức Thích Ca, chúng ta tin rằng Đức Thích Ca có lòng nhân từ, có đại bi, có tình thương lớn. Vì ta đang đau khổ, ta cần tình thương mà ta không có đủ trí tuệ và tình thương nên phải đi kiếm tìm ở một nơi khác. Có tình thương và trí tuệ là có chân, thiện, mỹ. Chân là sự thật, là tuệ giác. Thiện là tình thương, là từ bi và mỹ là cái đẹp. Chân, thiện và mỹ đi chung với nhau. Và đó là đối tượng của tôn giáo, của niềm tin.

Trong chúng ta cũng có một ít chân, một ít thiện và một ít mỹ; nhưng không đủ để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta không biết cách làm cho chân, thiện, mỹ trong ta lớn lên, và chúng ta đi cầu xin ở một đấng nào đó. Trong trường hợp của Đức Thích Ca, Ngài không phải là một đấng thần linh như ta tưởng tượng, mà là một con người có thật trong lịch sử. Ngài đã từng đi qua khổ đau, đã từng tu tập, chuyển hóa và giúp người bớt khổ. Những tư liệu đã ghi lại cho chúng ta biết tuệ giác, tình thương và cái đẹp của Ngài như thế nào. Vì vậy, đức tin của người Phật tử có tính cách cụ thể, và chúng ta có thể tiếp xúc được với đối tượng của đức tin. Tuy hình hài ngày xưa của Sakyamuni không còn nữa, nhưng trí tuệ, tình thương và cái đẹp của Ngài vẫn còn được tiếp tục dưới những hình thức mới. Đám mây không còn trên trời, nhưng ta biết nó không mất; đám mây vẫn còn dưới những dạng khác như nước suối, nước mưa hay tuyết, và nếu khéo léo ta sẽ nhận diện được đám mây trong chén trà của mình. Khi uống trà, tôi thường hay nhìn vào chén trà để thấy được đám mây và mỉm cười với nó. Chúng ta không thấy mây, nhưng thấy trà. Trà là sự tiếp nối của mây. Hình hài của Sakyamuni không còn, nhưng năng lượng của Sakyamuni vẫn tiếp tục và chúng ta có thể tiếp xúc được với năng lượng đó. Đây không phải là một đức tin không có căn cứ.

Thực tập địa xúc để chấm dứt tình trạng phóng thể

Khi đi thiền hành quý vị nên để ý đưa chánh niệm trở về, bước những bước chân có ý thức. Những bước chân đó có khả năng đem lại cho chúng ta sự giác ngộ, có thể cứu được đời ta, cứu được chúng ta ra khỏi tình trạng phóng thể (alienation) hiện nay. Con người hiện nay sống rất cô đơn cách biệt, vì không tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, không tiếp xúc được với cha mẹ, anh chị, tổ tiên, không tiếp xúc được với thiên nhiên. Đó là một tình trạng phóng thể rất lớn. Vì vậy con người mang bệnh rất nhiều, hầu như ai cũng bị bệnh. Chúng ta phải làm thế nào để chữa bệnh? Đông y và Tây y có rất nhiều liệu pháp, nhưng những liệu pháp đó chỉ xoa dịu phần nào những khổ đau về thân và tâm, mà không chữa được tận gốc. Muốn chữa được cái gốc, chúng ta phải làm cách nào đó để trở về tiếp xúc, chấm dứt được tình trạng phóng thể. Vì vậy, thực tập địa xúc rất quan trọng. Ngày xưa, đức Thế Tôn đã làm ấn địa xúc. Chúng ta phải tiếp xúc với đất, tiếp xúc được thì ta sẽ lành bệnh.

Trong những năm gần đây, có rất nhiều người ghi tên tham dự những khóa tu sức khỏe do Làng Mai tổ chức, vì ai cũng có bệnh, bệnh trong thân và trong tâm. Trong thân thể ta có những đau nhức, căng thẳng, mà ta không tiếp xúc được. Ta tìm tới bác sĩ, hy vọng bác sĩ có thể tiếp xúc được với thân của ta để biết những gì đang xảy ra và trị liệu giúp. Ta hoàn toàn trông cậy vào một người khác. Trong tôn giáo cũng vậy, ta hoàn toàn trông cậy vào một vị thần linh.

Trở về tiếp xúc với thân của mình

Trên thực tế, ta phải tiếp xúc được với ta, trước hết là tiếp xúc với hình hài ta. Thở vào, con nhận diện rằng con có một hình hài, đó là bài thực tập thứ ba trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Trong hơi thở vào, ta tìm cách tiếp xúc được với thân của ta, vì tâm của ta phóng thể với thân. Trong xã hội hiện nay, tâm không chịu ở lại với thân. Chúng ta tính thử xem trong 24 giờ đồng hồ một ngày có được bao nhiêu phút tâm ở lại với thân? Mỗi người trong chúng ta để bao nhiêu thì giờ với máy tính trong ngày? Nhiều người để trên 12 tiếng đồng hồ, và trong thời gian đó hoàn toàn quên rằng ta có một hình hài. Ngoài ra, còn có điện thoại, vô tuyến truyền hình… càng làm cho tâm ta không tiếp xúc với thân và ta quên bẵng đi rằng ta có một hình hài. Thử hỏi như vậy làm sao chúng ta không bị bệnh? Muốn hết bệnh, chúng ta phải nương vào hơi thở, thở cho có ý thức và đem tâm trở về với thân để học cách chấm dứt tình trạng phóng thể, tách biệt. Không tiếp xúc được với thân, chúng ta cũng không tiếp xúc được với tâm. Chúng ta phóng tâm ra ngoài, ta không biết những gì đang xảy ra trong tâm. Chúng ta không biết tiếp xúc với những cái lo, cái buồn, cái giận để ôm ấp, hàn gắn. Chúng ta tìm cách khỏa lấp bằng sự tiêu thụ sách báo, âm nhạc, vô tuyến truyền hình, rượu, ma túy hay thức ăn. Chúng ta ăn để quên. Trong khi ăn chúng ta có cảm tưởng quên được cái đau, cái buồn, cái khổ, cái lo của ta và chúng ta mập ra tại vì chúng ta ăn trong lúc không đói. Con người bị bệnh là do không tiếp xúc được với thân và tâm của mình. Như vậy, làm sao ta tiếp xúc được với nguồn gốc của ta là Đất Mẹ? Nếu chúng ta tu tập để trở về tiếp xúc được với thân, ta sẽ có cơ hội trở về tiếp xúc với Đất Mẹ.

Chúng ta không có khả năng trở về xử lý, chăm sóc một cảm xúc đau buồn, một khổ thọ. Ta có khuynh hướng muốn trốn chạy, và ta trốn chạy vào sách báo, âm nhạc, máy tính, thức ăn, dự án tương lai. Chúng ta không tiếp xúc được với thân và tâm, chúng ta phóng thể và chúng ta bệnh.

Khi tổ chức một khóa tu sức khỏe, quý vị giúp người ta hết bệnh bằng cách nào? Khóa tu sức khỏe có mục đích phục hồi lại sự an lạc trong thân và trong tâm. Muốn có an lạc, trước hết ta phải tập trở về với thân để chấm dứt tình trạng phóng thể. Khi trở về với hơi thở, ta đã bắt đầu tới được cửa ngõ của thân. Chính bằng cửa ngõ hơi thở mà ta đi được vào thân. Tiếp xúc với thân, là một với thân thì ta biết cách chăm sóc thân. Tiếp xúc được với thân rồi, ta mới có thể tiếp xúc được với tâm. Không những ta không tiếp xúc được với khổ thọ, mà ta cũng không thể tiếp xúc được với lạc thọ. Ta không nhận diện được lạc thọ, đừng nói tới nhận diện được những xả thọ.

Phương pháp của đạo Bụt rất khoa học. Trong khóa tu sức khỏe, quý vị làm sao để giúp những thiền sinh trở về tiếp xúc và hòa giải được với thân của họ. Lâu nay, họ đày đọa thân mình, họ bỏ bê thân mình, mà lầm tưởng là đang thương mình. Quý vị phải dạy cho họ thở. Nhiều người thở mà không biết là mình thở.

Phép tu của đạo Bụt là chấm dứt tình trạng phóng thể, gọi là chỉ (止), tiếng Phạn là samatha. Ngày xưa, samatha được dịch là tức (息). Tức là sự dừng lại, trong chữ Hán cổ điển tức cũng có nghĩa là hơi thở. Tức có ba nghĩa:

  • Dừng lại
  • Làm lắng dịu. Làm lắng dịu hình hài gọi là thân hành tức (身 行息).
  • Tập trung, có nghĩa là duy trì tình trạng chánh niệm vào một đối tượng. Đối tượng đó có thể là hơi thở, hay hình hài của mình.
  1. Bài tập thứ nhất là nhận diện hơi thở:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.

Đây cũng là một sự giác ngộ, không cần phải tu tám năm hay hơn nữa ta mới có giác ngộ. Ngày thường thở vào, ta không biết là ta thở vào. Bây giờ thở vào, ta để tâm và biết là ta thở vào, ta là một cái gì linh động. Ngay hơi thở đầu, tôi biết là tôi đang thở vào, tôi biết có hơi thở vào đang xảy ra, đó là một sự giác ngộ.

  1. Bài tập thứ hai là theo dõi hơi thở:

Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối.

Ta sống với sự giác ngộ một cách liên tục. Ví dụ như khi ta thở vào trong bốn giây thì ta có bốn giây giác ngộ. Có giác ngộ và có sự duy trì giác ngộ.

  1. Bài tập thứ ba là nhận diện hình hài, gọi là thân hành giác (身 行覺). Giác là ý thức.

“Thở vào, tôi ý thức rằng tôi có một hình hài.”

Đó đã là sự giác ngộ rồi, ta không cần phải đi tìm giác ngộ ở đâu xa. Đây là một phương pháp rất khoa học. Ta hòa giải và trở thành một với hình hài, và tình trạng phóng thể bắt đầu chấm dứt.

Mỗi ngày, anh để ra 12 giờ đồng hồ cho máy tính, mà anh quên là anh có một hình hài. Một số thầy và sư cô phải dùng máy tính để làm việc cho chúng, nhưng họ cài vào máy một tiếng chuông. Cứ mỗi 15 phút làm việc thì có một tiếng chuông. Mỗi khi nghe tiếng chuông, ta dừng lại, không làm việc nữa: Thở vào, ý thức rằng ta có một hình hài và làm cho hình hài lắng dịu.

Hôm hướng dẫn cho 600 người của trung tâm Google ở Mountain View, tôi cũng đề nghị phương pháp thực tập này. Ở đó, tôi biết có người phải dùng máy tính trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày. Thỉnh thoảng, nếu có một tiếng chuông đánh thức, ta có cơ hội trở về với hình hài của mình, có mặt, chăm sóc và làm lắng dịu hình hài.

  1. Bài tập thứ tư của kinh An Ban Thủ Ý là làm lắng dịu hình hài của mình:

Thở vào, tôi làm lắng dịu hình hài của tôi.

Hình hài của tôi đang đau khổ, bơ vơ, đang bị chính tôi bỏ bê và đối xử một cách tàn tệ. Bây giờ, tôi trở lại chăm sóc nó. Trước hết, tôi thở như thế nào để hình hài được lắng dịu lại.

Thở ra, tôi buông thư toàn thân.

Dừng lại đã hay rồi, làm lắng dịu còn hay hơn nữa, và khổ đau bắt đầu bớt đi từ từ.

  1. Bài tập thứ năm là trở về tiếp xúc với tâm hành.

Tâm hành ở đây có nghĩa là cảm thọ. Tâm hành đầu tiên chúng ta cần tiếp xúc là niềm vui, hỷ giác (喜 覺). Khi giác ngộ được rằng ta có một hình hài, ta có sự sống và đang tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì tự nhiên trong ta phát sinh ra một niềm vui. Người thực tập phải có khả năng chế tác được năng lượng của niềm vui trong khi thở vào. Khi thân tâm nhất như, ta nhận diện ra bao nhiêu điều kiện  hạnh phúc đang chờ ta ở đây. Ta đánh mất mình trong máy tính, trong lo lắng nên không thể thấy được những mầu nhiệm của sự sống. Trở về tiếp xúc được với không khí trong lành, với ly nước trong, với hoa cỏ, với Đất Mẹ, thấy mình có hai mắt, hai tay,… tự nhiên hỷ và lạc phát sinh.

  1. Bài tập thứ sáu là nuôi lớn hạnh phúc, gọi là lạc giác (濼覺).

Thở vào, tôi ý thức được là tôi đang có hạnh phúc.

Đây không phải là sự tưởng tượng. Khi trở về, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Sự mầu nhiệm đầu tiên là hơi thở của mình, sự mầu nhiệm thứ hai là hình hài của mình. Khi tâm có mặt với thân, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống ở trong và chung quanh hình hài của mình, tự nhiên sinh ra hỷ giác và lạc giác.

Đây là lời dạy và sự thực tập của Bụt Thích Ca trao truyền lại cho các thầy, các sư cô, các Phật tử thời đó và đã được tiếp tục trao truyền trong 2500 năm nay. Đây mới chính là Bụt, Bụt không phải là hình hài của Sakyamuni ngày xưa mà ta muốn tìm. Sakyamuni đang được tiếp nối bởi những giáo lý và sự thực tập này. Vì vậy, chúng ta có thể tiếp xúc với Bụt ngay trong giây phút hiện tại.

  1. Bài tập thứ bảy là tiếp xúc với tâm, gọi là tâm hành giác (心 行覺). Tâm hành ở đây là một khổ thọ, một cảm giác đau nhức của thân hay của tâm. Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với tâm:

Thở vào, tôi ý thức được cảm thọ khổ đau trong tôi.

Thở ra, tôi ý thức được cảm xúc khổ đau trong tôi.

Chúng ta không khỏa lấp, không trốn chạy nữa mà nhận diện và ôm ấp lấy cảm thọ hay cảm xúc đó để chấm dứt tình trạng phóng thể. Tâm tiếp xúc với thân, tâm tiếp xúc với tâm.

Ai mà không có nỗi khổ niềm đau? Vì bệnh, khổ nên ta mới tham dự khóa tu sức khỏe. Tới khóa tu, ta được tiếp xúc với hỷ, lạc và với nỗi khổ niềm đau của ta. Ta phải tập cho quen, vì lâu nay ta có khuynh hướng muốn chạy trốn nỗi khổ niềm đau. Ta không có khả năng tiếp xúc với nỗi khổ niềm đau, nên không có cơ hội trị liệu.

  1. Bài tập thứ tám là làm lắng dịu tâm, gọi là tâm hành tức (心 行 息).

Thở vào, tôi làm lắng dịu niềm đau nỗi khổ trong tôi.

Phương pháp của đạo Bụt rất khoa học, chăm sóc cả thân và tâm, nắm lấy thân và tâm một lần, thân nằm trong tâm và tâm nằm trong thân.

Thực tập được bốn bài tập đầu trong kinh Quán Niệm Hơi Thở giúp ta chấm dứt được tình trạng phiêu lưu.

Trong khóa tu sức khỏe, nếu chúng ta không thực tập như vậy thì không phải là khóa tu sức khỏe. Nguyên tắc của khóa tu là làm chấm dứt tình trạng phóng thể và trở về tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống qua hơi thở và hình hài của ta. Thực tập được như thế, ta mới trở về tiếp xúc với chính tâm của ta. Có hỷ giác và lạc giác, ta sẽ sống dậy. Ta cần được nuôi dưỡng bởi hỷ và lạc. Ta sẽ lành bệnh; không có hỷ, lạc ta sẽ không lành bệnh được.

Ta phải biết trân quí hình hài và sự sống của ta. Khi tổ chức khóa tu sức khỏe, ta phải chỉ cho thiền sinh thực tập như vậy. Phải chọn một chỗ có không khí trong lành, có nước mát và cây cối xanh tươi để tổ chức. Nhưng trước tiên, ta phải thực tập cho được mới có thể giúp được người khác.

Mỗi bước chân thiền hành phải giúp ta tiếp xúc được với thân và tâm. Thân và tâm phải có mặt trong khi ta bước một bước. Tiếp xúc với thân tâm, ta tiếp xúc được với Đất Mẹ. Tiếp xúc được với Đất Mẹ, ta sẽ có một nguồn trị liệu rất lớn không những trị liệu được cho ta, mà còn trị liệu được cho Mẹ. Trong khi thực tập thiền ngồi, thiền đi, hay thiền lạy, ta đều tiếp xúc với đại địa. Ăn cơm cũng là để tiếp xúc với đại địa. Đưa miếng bánh mì lên, ta phải để tâm ở lại với miếng bánh mì, để thấy trong miếng bánh mì này có mẹ, có cha, có Đất Mẹ, có mặt trời, có đám mây v.v… Đó là sự trị liệu. Ngồi ăn mà cứ nhai sự lo lắng, đau khổ, thì không có sự trị liệu. Trong khóa tu sức khỏe, quý vị phải dạy cho người ta cách ăn. Ăn chay đơn giản không đủ để trị liệu, phải ăn có chánh niệm mới có khả năng trị liệu. Bệnh có thể được chữa lành do sự tiếp xúc, trước tiên là tiếp xúc với hơi thở, hình hài, rồi với tâm của ta.

Các vị chuyên tổ chức khóa tu sức khỏe phải ngồi lại với nhau và làm một chương trình cho hay. Những người đứng ra hướng dẫn khóa tu phải nắm cho được kỹ thuật thực tập. Tôi nghĩ, tất cả các thầy, các sư cô đều phải làm công việc này. Tất cả Phật tử cư sĩ cũng phải làm công việc đó cho mình và giúp tổ chức những khóa tu cho người khác. Đó là công việc quan trọng nhất. Có những người muốn đi biểu tình, hay đi tranh đấu nhân quyền, thì cứ để họ làm. Nhưng chúng ta thì phải làm công việc này, vì đó là công việc căn bản. Làm được thì ta mới có thể giúp cho những người kia, tại vì những người kia có thể đang đánh mất họ trong khi hoạt động cho nhân quyền, trong khi làm xã hội, làm chính trị và vì họ cũng bị bệnh nên họ cũng không thành công. Ta mời họ tới thực tập với ta để họ có thể thành công trong những hoạt động mà họ muốn thực hiện.