Tạ ơn Đất Mẹ

Hồi còn nhỏ, có lúc ta đi tiểu hay đi cầu lên thân của mẹ ta nhưng mẹ không giận, mẹ đi tắm giặt cho ta. Bây giờ cũng vậy, trái đất cũng là một bà Mẹ. Dù ta có làm những lầm lỗi, có đổ lên trên mặt đất những chất dơ bẩn kể cả những chất phóng xạ nguyên tử thì Mẹ đất cũng vẫn tha thứ, tại vì Mẹ có đức độ lượng và kiên nhẫn rất lớn. Mẹ có thể sử dụng một triệu năm để tiêu hóa những sản phẩm độc hại, những chất nguyên tử phế thải đó. Rất nhiều từ bi, rất nhiều kiên nhẫn, đó là đức tính của vị Bồ tát lớn này.

Khi tu học, chúng ta phải có cái thấy. Chúng ta ngồi có chánh niệm, đi có chánh niệm, ăn cơm có chánh niệm, uống trà có chánh niệm thì tự nhiên ta sẽ có cái thấy. Cái thấy đó làm phát sinh ra tình thương. Với cái thấy đó chúng ta nhận ra được sự có mặt của Mẹ, của vị Bồ tát lớn. Bấy lâu nay chúng ta hờ hững, khinh thường, bất hiếu đối với Mẹ đất. Chúng ta không biết trân quí, không thương Mẹ. Trái lại chúng ta đã khai thác, đã hủy hoại, đã làm cho Mẹ bị tổn thương. Chúng ta không có tình thương, không có cái thấy. Có thấy, có hiểu mới có thương. Vì vậy nếu thấy được như Thiện Tài Đồng Tử, thấy bà Mẹ của chúng ta và của tất cả chư Bụt cùng chư vị Bồ tát thì tự nhiên ta sẽ chắp tay cúi đầu kính ngưỡng và trở về nương tựa nơi Đất Mẹ.

Trong đời sống hằng ngày ta phải có chánh niệm; ta phải đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước trong chánh niệm. Mỗi khi nâng chén trà lên ta phải có chánh niệm. Ta phải thấy được nước này là của Mẹ cho ta uống. Đất Mẹ cho ta không khí để thở, nước để uống, thực phẩm để ăn. Đất Mẹ chuyên chở, ôm ấp ta những lúc ta khổ đau, thiếu thốn, lao đao, lận đận. Trở về thực tập địa xúc làm phát sinh ra tình thương, có tình thương thì ta sẽ bớt khổ đau ngay. Nâng chén trà lên ta phải thấy Mẹ, thấy một đám mây trong ly trà. Thấy mây trong trà không phải là vấn đề tưởng tượng, mây chính là trà. Mây trà cũng là đất. Đi thiền hành ta tiếp xúc với Đất Mẹ, uống trà ta cũng tiếp xúc với Đất Mẹ, thở ta cũng tiếp xúc với Đất Mẹ tại vì không có Mẹ thì không có không khí cho ta thở, không có nước cho ta uống, không có cơm cho ta ăn. Chúng ta có phải là những đứa con có hiếu, có tình thương hay không? Chúng ta đi tìm gì? Đi tìm nơi trở về ở đâu? Chúng ta phải gạt bỏ những hoang tưởng để trở về với sự thật đầy những nhiệm mầu. Tiếp xúc với hình hài của ta, ta thấy hình hài này là của Mẹ và Mẹ có đầy đủ trong hình hài mình. Hình hài này không phải chỉ là vật chất, nó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nó có tuệ giác, có không gian. Trong ta có sự có mặt của vũ trụ, có sự có mặt của các vị Bụt và Bồ tát giống như trong lòng của địa cầu. Nhà bác học Einstein nói: “Tôn giáo của ngày mai không phải là tôn giáo của tín điều (dogma) mà là tôn giáo có tính vũ trụ (cosmic religion)“. Tôn giáo của ngày mai dựa trên những gì được thật sự trải nghiệm mà không dựa trên những hoang tưởng. Đạo Bụt có thể đóng góp để giúp đưa tới một tôn giáo như vậy cho thế giới.

Hướng về trái đất, chúng ta thấy rõ ràng trái đất là một bà Mẹ. Bà Mẹ này đã sinh ra Đức Thích Ca, nhiều vị Bồ tát ma ha tát (Bồ tát đại nhân) và không biết bao nhiêu loài khác nữa. Trong ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day), chúng ta trưng bày những hoa trái mà trái đất đã làm ra, như trái cam, trái bưởi, những trái bí rất lớn, những chùm nho rất đẹp, v.v… Đất Mẹ đã cho ra đời không những con người, các vị Bụt và Bồ tát, mà còn cho ra đời những bậc Thánh nhân như đức Khổng Tử, đức Kitô, Mẹ Maya, Mẹ Maria v.v…

Tại Làng Mai, chúng ta cũng ăn mừng lễ Tạ Ơn, tuy đây là một ngày lễ của truyền thống Cơ Đốc giáo. Trong khi ăn mừng lễ Tạ Ơn, chúng ta không hướng lời tạ ơn về những thần linh mà ta không tiếp xúc được. Ta hướng về Đất Mẹ, tại vì không ai có thể chối cãi được rằng những tặng phẩm đó không phải là của Đất Mẹ. Ăn một trái cam, hay uống một ly nước dừa, chúng ta biết rất rõ đó là những tặng phẩm của Đất Mẹ. Mỗi khi ăn cơm, chúng ta đọc: Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời. Không có Mặt trời làm sao có sự sống? Ăn như vậy chứng tỏ chúng ta cũng đang thực tập tạ ơn.

Nhìn lại thật kỹ, chúng ta thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn có khả năng sáng tạo, ôm ấp và cho ra đời những thực tại rất mầu nhiệm, trong đó có các vị Bụt, các vị Bồ tát, các vị Thánh nhân, những bậc tài năng và biết bao nhiêu loài khác. Khi uống nước, chúng ta biết nước này do Đất Mẹ cung cấp. Khi thở, chúng ta biết không khí này do Đất Mẹ cung cấp. Khi ăn cơm, chúng ta biết thức ăn này cũng do Đất Mẹ cung cấp. Vì vậy, hướng về Đất Mẹ, lạy xuống một lạy là chuyện dĩ nhiên: Nam mô đức Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Đất Mẹ không phải là vật chất vô tri (la matière inerte). Vì nếu là vật chất vô tri thì làm sao có tài năng như vậy? Làm sao có thể sản sinh ra các vị Thánh nhân có trí tuệ tuyệt vời?

Ta lạy xuống, tiếp xúc với Đất Mẹ và xướng: Con xin kính lễ đức Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Bồ tát Thanh Lương Đại Địa không phải là một ý niệm, mà là một thực tại không ở ngoài ta mà ở trong ta. Đó là điều xác thực. Đi trên con đường này, chúng ta cống hiến cho đời một tôn giáo không căn cứ trên đức tin và tín điều, mà căn cứ trên những gì chúng ta có thể tiếp xúc được. Không phải chỉ người Phật tử mới thấy được Đất Mẹ là một vị Bồ tát, mà bất cứ người nào có một chút trí tuệ cũng thấy được như vậy. Ai mà không có trí tuệ? Thấy được tất cả những nhiệm mầu của Đất Mẹ, thấy được tài năng, trí tuệ, đức kiên nhẫn và tình thương của Đất Mẹ thì ta có thể thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn, mẹ của các vị Bồ tát, các vị Bụt, các vị Thánh khác. Tại sao chúng ta cúi đầu làm lễ trước đức Thích Ca và Chúa Kitô, mà ta không cúi đầu làm lễ trước vị Bồ tát Mẹ của hai vị đó? Dù theo bất cứ truyền thống nào, hay thuộc bất cứ quốc tịch nào, chúng ta cũng có cái thấy chung rằng Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn. Một vị Bụt hay một vị Bồ tát không hẳn phải có hình thức của một con người. Vấn đề mà Thiên Chúa giáo đặt ra gần đây: “Thượng đế có phải là một con người hay không?“ sẽ được giải quyết. Vài nhà thần học đã nói được: “Tuy Thượng Đế không phải là một con người, nhưng cũng không phải là cái gì ít hơn con người“. (God is not a person, but not less than a person also).