Một chỗ quay về

Trong kinh Hoa Nghiêm, mẹ Maya đã được đồng nhất với Mẹ địa cầu. Bà mẹ huyết thống đã trở thành một với bà mẹ tâm linh, bà mẹ trí tuệ và bà mẹ thiên nhiên. Trái đất của chúng ta, tuy bé nhỏ so với mặt trời, nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong đó. Cái một chứa đựng cái tất cả. Trái đất không hề có mặc cảm. Tuy là một tinh cầu nhỏ bé đứng về phương diện hình thức, nhưng trái đất chứa đầy cả vũ trụ.

Nếu không phải là một vị Bồ tát thì không thể nào sinh ra một vị Bồ tát. Nếu không phải là một vị Bụt thì không thể nào sinh ra một vị Bụt. Vì vậy chúng ta phải nhìn trái đất bằng con mắt kính cẩn, con mắt trí tuệ. Chúng ta phải nhìn địa cầu như một vị Bồ tát. Mỗi khi có vấn đề, mỗi khi lao đao, đánh mất mình, ta có thể trở về cầu cứu với vị Bồ tát Mẹ của chúng ta. Trong suốt mùa thu, mỗi khi đi thiền hành, chúng ta giẫm lên những chiếc lá vàng. Ai trong chúng ta mà không giẫm chân trên lá vàng trong mùa thu này? Ở Thénac lá chỉ mới rụng 50%, khu rừng trước thất Ngồi Yên vẫn còn nhiều lá rất đẹp. Nếu giẫm lên lá một cách có ý thức, chúng ta sẽ có được tuệ giác. Lá đã được biểu hiện vào tháng ba, tháng tư năm nay dưới một hình thái xanh non. Lá đã lọc được ánh sáng mặt trời, đã tung tăng vui chơi, đã làm việc để tự nuôi mình và nuôi cây. Một lá cây có chức năng tự nuôi mình và nuôi toàn thể cây. Đến mùa Thu, lá già chín. Nó biết thế nào nó cũng rụng vào đầu mùa Đông, nhưng nó không lo lắng, sợ hãi. Một chiếc lá có phải là một vật vô tri hay không? Lá cũng là sự sống, hoa lá cũng có cảm giác. Mấy tuần nay ở miền nam nước Pháp rất ấm, cây cỏ cũng cảm được điều đó nên có vài cây hoa bồ công anh đã nở. Chúng ta cho cây cỏ là vật vô tri là không đúng. Cây cỏ cũng có tâm thức của nó. Vì vậy chúng ta đừng nên cho chiếc lá là một vật vô tình. Lá cũng là vật hữu tình có cảm xúc, có tri giác. So sánh thân phận của ta với thân phận của chiếc lá, ta có cảm tưởng ta sống lâu hơn chiếc lá, ta sống tới 70 năm hay hon nữa trong khi một chiếc lá chỉ sống có 6 hay 7 tháng. Nhưng chiếc lá không đo thời gian bằng tháng năm như ta, có thể chiếc lá thấy thời gian sáu, bảy tháng đó rất dài. Ta có cảm tưởng chiếc lá vô tư hơn ta, ít lo lắng, ít khổ đau hơn ta. Loài người văn minh phải chịu đựng cái gọi là ưu tư (anxiété), đó là cái giá mà loài người phải trả. Có lẽ vì đau khổ, lo lắng nhiều nên có những thi sĩ ao ước kiếp sau Đất Mẹ sẽ cho ta ra đời dưới một dạng khác hơn là một con người. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nói:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Cây thông hình như vô tư hơn, không có lo lắng, sầu khổ. Làm cây thông đứng reo trong gió là một hình ảnh rất đẹp. Chúng ta có ước muốn làm một chiếc lá hay làm một cây thông hay không? Chúng ta hãy nói với Mẹ trái đất: Mẹ ơi, kiếp sau Mẹ đừng cho con làm người nữa, Mẹ hãy cho con làm cây thông hay một con hạc, một con nai. Tùy theo ý ta lựa chọn, Mẹ đất đã đưa ta ra đời thì Mẹ đất có thể đưa ta ra đời nhiều lần nữa.

Thực tập địa xúc, ta biết mình thuộc về Mẹ, ta là một phần của Mẹ. Bản chất của ta là không sinh không diệt, ta đã biểu hiện dưới hình thức này nhưng ta cũng có thể biểu hiện dưới những hình thức khác. Nếu Mẹ đã cho ta ra đời một lần thì Mẹ cũng có thể cho ta ra đời hàng triệu lần. Trong khi đi thiền hành, ta cứ chọn lựa đi, ta nói chuyện với trái đất đi. Khi quán chiếu, chúng ta thấy ta luôn luôn có chỗ để trở về. Chúng ta ai cũng cần có một chỗ về. Có người nghĩ đó là cõi Phạm Thiên, có người nghĩ đó là cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà, có người nghĩ đó là Thiên quốc. Về Thiên quốc ta có thể ngồi dưới chân Thượng đế, về nước Cực Lạc ta có thể đi thiền hành với đức A Di Đà.

Chúng ta có nhu yếu muốn có một chỗ về và chúng ta đi tìm những con đường trở về:

Hãy cùng ta tới hỏi bé tìm chi và đang đi đâu

Đâu là uyên nguyên?

Đâu là quy xứ?

Đường về có những ngả nào?

(Uyên nguyên – thơ Nhất Hạnh)

Nếu đi thiền hành vững chãi thì chúng ta thấy rõ chỗ về của ta là Đất Mẹ. Điều này rất khoa học, rất thực tế. Tất cả những tế bào, những nguyên tử trong cơ thể ta đều trở về đất. Đó là điều không thể chối cãi được. Đất Mẹ là nơi chúng ta sẽ trở về, Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn và chúng ta nương tựa nơi Đất Mẹ. Nam mô Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Đó là sự thực tập của chúng ta. Đất Mẹ rất linh thiêng, Đất Mẹ không phải là vật chất như một số nhà khoa học đã tưởng. Phần lớn các nhà khoa học vẫn còn cái nhìn lưỡng nguyên về vật chất và tâm thức. Nhưng chúng ta, những người học Phật, đã tìm ra tâm và vật là hai khía cạnh của một thực tại, thực tại đó không phải là tâm cũng không phải là vật. Vì vậy, khi đi thiền hành trên mặt đất chúng ta phải tập thấy rằng Đất Mẹ là một vị Bồ tát linh thiêng chứ không phải là vật chất vô tri. Chúng ta hãy nhìn một bông hoa, bông hoa là sự biểu hiện của Đất Mẹ. Nếu không phải là một vị Bồ tát linh thiêng làm sao Đất Mẹ cho ra đời được những mầu nhiệm đó, và chính cơ thể mình đây cũng là một mầu nhiệm. Chúng ta phải tập nhìn địa cầu với một con mắt khác, phải thấy Mẹ là một vị Bồ tát lớn, là Mẹ của muôn loài, là Mẹ của các vị Bụt và Bồ tát. Mẹ là chỗ mà chúng ta sẽ trở về một cách chắc chắn và khoa học, và chúng ta có thể nương tựa nơi Mẹ. Quán chiếu cho sâu sắc chúng ta sẽ thấy: Các hiện tượng bề ngoài có sinh, có diệt, có có, có không, nhưng tiếp xúc cho sâu thì bản chất của thực tại là không sinh, không diệt, không có, không không. Quán sát cho kỹ một đám mây, ta thấy đám mây không có sinh, không có diệt, đám mây thoát ra khỏi ý niệm có và không. Tất cả những sợ hãi, lo lắng không còn nữa. Vì vậy ta có thể rong chơi với tư cách một chiếc lá hay một bông hoa hay một con nai. Khi ta trở lại với Mẹ, Mẹ sẽ đưa hai cánh tay thương yêu đón tiếp ta về. Dù cho trong thời gian rong chơi ta có gây ra nhiều lầm lỗi thì mẹ vẫn đón tiếp và tha thứ cho ta vì Mẹ là một vị Bồ tát.

Đại địa không phải là vô tri, vô giác. Tuy vị Bồ tát này không được nhận thức dưới hình thái một con người, nhưng chính vị Bồ tát đó đã sinh ra con người. Đây là một cuộc trở về. Chúng ta đi tìm nguồn gốc của ta, ta đi tìm cha, tìm mẹ ở những nơi khác mà không biết rằng cội nguồn của ta nằm ngay tại nơi đây. Chúng ta thấy được Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn có đầy đủ trí tuệ, tài năng, tình thương, sự kiên nhẫn và không kỳ thị.  Đó là một vị Bồ tát có nhiều đức lớn, có đại trí, đại bi, đại nguyện, đại hạnh. Các vị Bồ tát mà chúng ta thường kính lễ như Bồ tát Văn Thù (đại trí), Phổ Hiền (đại hạnh), Quan Âm (đại bi), Địa Tạng (đại nguyện) đều là con của vị Bồ tát lớn Đại Địa. Không chỉ người Phật tử mới thấy được điều này, mà những người Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo v.v… cũng không khó khăn gì để thấy được Đại Địa là một vị Bồ tát lớn. Chúng ta có thể trở về cội nguồn của ta, ta không còn xem trái đất là một vật vô tri vì đó là một thực tại mầu nhiệm. Như thế, không những chúng ta giải quyết được vấn đề “Thượng Đế có phải là một con người hay không?” mà chúng ta còn tiếp xúc được với đối tượng của sự kính ngưỡng và tiếp xúc được với cội nguồn của ta đang nằm ngay trong ta. Thái độ của chúng ta đối với địa cầu sẽ thay đổi. Ta sẽ bước những bước chân thương yêu và kính ngưỡng trên mặt đất.

Nhận thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát có nhiều đức lớn, chúng ta đi trên mặt đất bằng thái độ cung kính. Chúng ta sẽ không đối xử với trái đất một cách tàn tệ hay gây những tàn hại thảm khốc cho Đất Mẹ như chúng ta đã từng làm trong những năm qua. Như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề sinh môi. Trái đất không phải là môi trường của ta, trái đất là ta. Vấn đề là chúng ta có cái thấy đó hay không? Một hôm nào đó đi thiền hành, quý vị thấy được trái đất không phải là vật chất vô tri, mà là một thực tại mầu nhiệm, linh động, một vị Bồ tát. Tự nhiên, trong tâm quý vị liền sinh ra sự kính ngưỡng muốn lạy xuống và quý vị cảm thấy có sự thương yêu. Đó là một sự giác ngộ, quý vị đừng đi tìm sự giác ngộ ở nơi khác. Sự giác ngộ đó sẽ đưa quý vị tới sự chuyển hóa rất lớn, quý vị sẽ có hạnh phúc, tình thương và trí tuệ nhiều hơn. Giác ngộ, an lạc, hạnh phúc không phải là những ước mơ cho tương lai, mà là cái có thật trong hiện tại.

Đạt được tuệ giác đó chúng ta có thể đạt tới đức vô úy không sợ hãi, ta thấy ta với Đất Mẹ là một. Nếu Đất Mẹ đưa ta ra thì Đất Mẹ sẽ tiếp nhận ta về, không có gì mất đi, không có sinh không có diệt. Ta không bị kẹt vào ý niệm “một cái ngã“, rồi đặt vấn đề: Sau khi xác thân này tan hoại ta sẽ đi về đâu? Còn hay không còn? Không phải chỉ khi nào xác thân ta tan hoại và những tác dụng tâm lý của ta không còn biểu hiện nữa thì ta mới về với Đất Mẹ. Sự thật là ta đang về với Đất Mẹ trong từng giây từng phút. Mỗi khi thở, mỗi khi bước đi là chúng ta đang trở về. Khi chúng ta gãi, những tế bào khô rớt xuống đất là ta đã trở về Đất Mẹ. Luôn luôn có những cái cho vào và cho ra (input và output) đang xảy ra, vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ sau khi xác thân tan hoại rồi ta mới trở về. Chúng ta đang trở về và trở ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày.

Con người tự hào mình là những chiến sĩ dũng cảm, nhưng trái đất mới là một chiến sĩ dũng cảm đã trải qua 4 tỷ năm kiên nhẫn, hào hùng chờ đợi cho tới khi sự sống phát hiện. Nói về tình thương, chúng ta thấy Đất Mẹ đã cho ra đời không biết bao nhiêu chủng loại và đã tìm cách để nuôi dưỡng các chủng loại đó. Đất Mẹ cho ta ra đời, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống, thực phẩm để ăn, cho ta cây cỏ để trị liệu, tình thương đó là một tình thương rất lớn. Ta có thể nhận diện hành tinh của ta  là một bà mẹ. Đất Mẹ luôn luôn có đó và đón ta trở về với hai bàn tay từ mẫu, để rồi sẽ đưa chúng ta ra đời trở lại. Chúng ta có một bà mẹ tuyệt vời và xinh đẹp như vậy mà không biết trân quí, chúng ta đi tìm một bà mẹ khác trong đầu óc tưởng tượng của chúng ta.

Đất Mẹ đã đưa chúng ta ra đời một lần, khi chúng ta trở về, đất mẹ sẽ đưa hai tay ra ôm lấy và sẽ đưa chúng ta ra đời muôn vạn lần khác. Không có gì mà ta phải lo sợ.

Chúng ta có Cha và có Mẹ, Cha đang ở trong Mẹ và đang có mặt trong mỗi chúng ta.