Năm Giới quý báu (1)

Sống theo Năm Giới làm tăng phẩm chất đời sống gia đình

Chúng ta có nhiều phương pháp thực tập rất mầu nhiệm. Trong đó có phương pháp thực tập gọi là ‘Năm Giới’ (Ngũ Giới). Trong khóa tu này chúng ta sẽ cùng nhau đọc giới và quán chiếu về Năm Giới của Đức Thế Tôn cung cấp cho ta. Nếu ta biết sống một cách vững chãi theo Năm Giới thì chúng ta có thể làm ra hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình, và cho đoàn thể của ta liền mà không cần phải lâu ngày. Ta chỉ cần sống theo Năm Giới đúng trong một tuần lễ là phẩm chất ở trong ta và ở trong gia đình ta đã tăng thêm rồi.

Con Đường Thoát của Thế Kỷ 21

Năm Giới Quý Báu là con đường thoát của mọi gia đình và cả cho xã hội. Năm 1995, ông Milkhail Gobachev tổ chức một hội nghị lớn ở San Francisco, mời rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà chính trị tới để bàn về những thử thách khó khăn trong thế kỷ thứ 21. Hội nghị này được gọi là ‘State of the World Forum’ và ông có mời tôi tới. Tôi là một trong năm người được mời lên nói diễn văn (Key note speaker). Khi lên bục nói, tôi chỉ nói về Năm Giới. Tôi nói rằng chỉ có Năm Giới mới có thể đưa thế giới ra khỏi vũng lầy, ra khỏi địa ngục bây giờ thôi. Nếu quý vị là người Phật tử thì đó là Năm Giới, diễn bày theo ngôn từ Phật giáo. Còn nếu quý vị là người Do Thái hay người Cơ Đốc thì quý vị trở về truyền thống mình để phát hiện ra tính chất của Năm Giới trong nội dung truyền thống Do Thái hay truyền thống Cơ Đốc. Và chúng ta có thể trình bày Năm Giới dưới một hình thức không tôn giáo để cho những người không theo tôn giáo nào cũng có thể chấp nhận được.

Năm Giới là con đường thoát của nhân loại, là con đường duy nhất để có thể tái lập được sự hòa điệu, hạnh phúc trong bản thân ta, trong gia đình ta và trong xã hội. Năm Giới rất cụ thể. Nếu anh nói anh tu mà anh không thực tập Năm Giới thì tôi không thể nào tin anh được vì Năm Giới là hình thức rất cụ thể của sự tu học. Trong Năm Giới có Niệm, có Định và có Tuệ. Nếu ta thực tập Năm Giới cho sâu sắc thì ta sẽ thấy rằng Bụt, Pháp và Tăng có đầy đủ trong Năm Giới. Ta chỉ cần thực tập Năm Giới cho thật đàng hoàng, chỉnh đốn trong vòng một tuần lễ thì hạnh phúc của cá nhân và hạnh phúc trong gia đình ta sẽ tăng tiến một cách rất rõ rệt. Trong khóa tu này, tất cả các vị phụ huynh, các vị Huynh Trưởng và các em, người nào cũng học về Năm Giới. Năm Giới là con đường duy nhất có thể thoát ra khỏi khổ đau. Ba quy y và Năm Giới là con đường Bụt đã dạy từ hơn 2600 năm nay. Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống. Giới thứ hai là bảo vệ sự liêm khiết của mình, nghĩa là không trộm cắp. Giới thứ ba là bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ hạnh phúc của mình bằng cách không tà dâm, không xâm phạm tới tiết hạnh của người khác. Giới thứ tư là nói và nghe trong chánh niệm để đừng tưới tẩm những hạt giống xấu ở trong mình và trong người kia. Giới thứ năm là tiêu thụ một cách chánh niệm để đừng đem độc tố vào trong mình và trong những người thương của gia đình mình. Cho nên Năm Giới của chúng ta là để làm những chuyện ấy.

Ví dụ như giới thứ tư. Giới thứ tư tức là thực tập lắng nghe và sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Đó là chánh ngữ. Chánh ngữ là không nói tất cả những gì có thể tưới tẩm hạt giống xấu trong mình và trong người kia. Chị cứ thực tập giới đó một tuần lễ trong gia đình thử coi, chị sẽ thấy rằng hạnh phúc trong gia đình chị tăng tiến lên rất nhiều sau bảy ngày thực tập. Còn nếu giữa con người và con người mà có thực tập ái ngữ và lắng nghe thì sẽ có sự hòa điệu giữa hai người. Nếu giữa những nhóm người, những cộng đồng như cộng đồng da đỏ, cộng đồng da trắng, cộng đồng da đen, cộng đồng Châu Phi, cộng đồng Châu Úc, v.v… mà có được khả năng ái ngữ và lắng nghe thì những sắc dân đó sẽ sống được với nhau rất hòa thuận và an lạc. Nếu giữa các quốc gia mà liên hệ được với nhau bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe thì sẽ không có chiến tranh và sẽ có sự cộng tác giữa quốc gia này với quốc gia khác. Cho nên giới thứ tư không phải chỉ là giới của người Phật tử mà còn là giới của tất cả mọi người, dù theo bất cứ tôn giáo nào.

Còn giới thứ năm về vấn đề tiêu thụ, ta thực tập như thế nào? Tiêu thụ có chánh niệm, nghĩa là không đưa vào thân và tâm những độc tố. Trong khi ăn uống ta ăn uống có chánh niệm. Ta không đưa vào thân tâm ta những độc tố gây ra khổ não và đau nhức trong thân ta. Ta không dùng chất mỡ nhiều, ta không dùng những chất có thể tạo ra đau khổ và khó khăn cho trái tim, cho lá gan, cho buồng phổi, đó là ăn uống có chánh niệm. Còn tiêu thụ những sản phẩm văn hóa như là truyền hình, truyền thanh, báo chí và ngay cả những câu chuyện ta nói với nhau hàng ngày có thể có nhiều sản phẩm chứa độc tố. Một giờ coi Ti-vi có thể đưa vào trong tâm thức ta rất nhiều độc tố: độc tố của bạo động, của căm thù, của nghi kỵ, của thèm khát. Những hạt giống thèm khát, những hạt giống nghi kỵ, hận thù có sẵn trong ta rồi mà ta cứ tưới tẩm nó ngày này qua ngày khác thì làm sao những hạt giống xấu đó không lớn lên và phát triển được? Vì vậy cho nên ta phải cẩn thận đừng để cho những hạt giống thèm khát, hận thù, tham vọng, nghi kỵ được tưới tẩm mỗi ngày. Nhìn một chương trình truyền hình, đọc một bài báo, nghe một buổi phát thanh có thể giúp cho những hạt giống tiêu cực đó có cơ hội để phát triển. Đó là đi ngược với sự thực tập Tấn, tức là sự thực tập Tứ Chánh Cần. Thành ra ta phải tiêu thụ rất có chánh niệm mới được. Tôi từ chối không ăn món này, tôi từ chối không uống món kia, tôi từ chối không xem chương trình Ti-vi này, tôi từ chối không đọc những tờ báo kích động những gì thấp kém nhất trong tôi. Đó là giữ giới thứ năm.

Tại sao anh lại làm như vậy?

Quý vị nhớ lại xem, đã có lần nào quý vị ngồi nói chuyện một giờ đồng hồ mà sau câu chuyện thì quý vị thấy giống như bị tê liệt, không muốn làm ăn gì nữa vì trong câu chuyện có nhiều khổ, buồn, hận thù, chán nản. Những câu chuyện như vậy không nên nói. Nếu ta có thì giờ thì nên dùng thì giờ đó để tưới tẩm những hạt giống tốt, hạt giống thiện trong ta. Không có chánh niệm, ta có thể ngồi và nói những câu chuyện hoàn toàn vô ích. Không những vô ích mà còn chứa đựng nhiều độc tố. Những độc tố này làm hư tâm ta. Ăn uống không chánh niệm thì hư thân, mà nghe, nhìn, nói không chánh niệm thì hư tâm. Rồi trong những giấc mơ, những độc tố đó biểu hiện ra thành cơn ác mộng.

Vì vậy ta đừng đầu độc thân tâm ta và đừng để con cháu ta bị đầu độc bởi truyền hình, truyền thanh, báo chí. Những thứ này đánh động tới dục vọng, thèm khát, căm thù và bạo động của ta và con cháu ta. Đôi khi ta bận rộn, ta để cái truyền hình làm "vú em" (babysit) cho con cháu ta rất nguy hiểm. Cho nên tôi nói với các thiền sinh ngoại quốc là quý vị rất giỏi, đã làm áp lực để những nhà sản xuất thuốc lá phải in câu: ‘Cẩn thận, hút thuốc có thể làm nguy hại tới sức khỏe’ trên mỗi bao thuốc lá. Đó là một bước tiến rất lớn. Đó là chánh niệm. Đó là công trình tranh đấu của toàn dân mới được như vậy. Tôi muốn đề nghị quý vị tiến thêm một bước nữa. Quý vị phải dán câu đó trên mỗi chai rượu, trên mỗi cái máy truyền hình. Vì sử dụng truyền hình mà không có chánh niệm thì cũng độc hại không kém gì rượu hay thuốc. Tôi đã nói với những người Mỹ như vậy. Quý vị có nhiều sự tiến bộ trong giác ngộ. Ví dụ trong sự ăn uống, quý vị cẩn thận không tiêu thụ nhiều chất béo. Đó là chánh niệm. Vì vậy trên thị trường thực phẩm, họ phải kê khai lượng cholesterol trên mỗi bao bì đóng gói. Người Mỹ đã ăn ít thịt lại hơn trước rất nhiều. Họ có ý thức về sức khỏe của họ. Và số lượng những người trẻ tại Hoa Kỳ và Âu Châu ăn chay tăng lên 10 lần so với trước đây. Những tiệm ăn chay tại Âu châu và Hoa Kỳ mọc lên rất nhiều. Ngay cả tiệm ăn nhanh (fast food) như Mc Donald cũng đã bắt đầu làm hamburger (bánh mì kẹp thịt) và hotdog (xúc xích) chay cho quần chúng. Sở dĩ có sự chuyển biến này là do sự giác ngộ của toàn dân. Người dân đã đẩy những nhà sản xuất phải làm theo nhu yếu của mình. Cách đây 10 năm, hành khách đi máy bay, xe lửa rất khó chịu vì mùi thuốc lá. Chất Nicotin đã giết hại biết bao nhiêu người với bệnh lao phổi. Vậy mà nhờ phong trào vận động, hiện nay số người hút thuốc đã giảm rất nhiều. Hiện nay những chuyến bay nội địa hay quốc tế đều cấm hút thuốc. Đó là sự tiến bộ lớn của chúng ta. Đó là nhờ những người tu chánh niệm, thực tập chánh niệm và đòi hỏi quần chúng phải đi theo con đường đó. Chúng ta phải tham dự vào. Tôi nhớ một lần, có một thiền sinh về làng lén vào rừng hút thuốc. Anh ta biết rằng hút thuốc trong khuôn viên của Xóm Thượng, Xóm Hạ thì thế nào cũng bị chỉnh nên anh ta lén vào trong rừng hút thuốc. Mũi của tôi còn tốt lắm, khi người đó trở ra và đứng nói chuyện với tôi thì tôi hỏi: ‘Anh vừa trong rừng ra phải không?’ Anh ta trả lời: ‘Dạ phải.’ Tôi hỏi tiếp: ‘Trong rừng anh có nhớ tôi không? Nếu nhớ thì tại sao anh hút thuốc?’ Và từ lúc ấy trở đi người đó không hút thuốc nữa. Tôi nói với anh ta: ‘Nếu anh nhớ tình thương của tôi đối với anh như thầy bổn sư của anh thì tại sao anh lại làm như vậy?’

Hành động như một vị Bồ tát

Chúng ta giác ngộ, tỉnh thức với tư cách cá nhân. Và chúng ta mang sự giác ngộ, tỉnh thức đó tới để cho gia đình, đoàn thể và xã hội cùng tỉnh thức. Vì vậy đối với những sản phẩm văn hóa độc hại, chúng ta phải làm thế nào để trên mỗi sản phẩm đều có câu: ‘Coi chừng, tiêu thụ sẽ có hại cho tinh thần và sức khỏe.’ Và một ngày kia, nếu quý vị làm giỏi thì trên mỗi cái máy truyền hình, trên mỗi chai rượu sẽ có câu đó. Nạn nghiện rượu đã phá tan hạnh phúc của không biết bao nhiêu gia đình. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình như vậy như những con ma đói, thiếu sự thương yêu và hiểu biết, rất là tội nghiệp. Trong một khóa tu có một bà người Anh rất lịch sự tới tham dự. Đến ngày chót, bà rất ngần ngại, không muốn thọ giới thứ năm dù bà đã sẵn sàng thọ bốn giới kia. Bà nói nếu thọ giới thứ năm thì bà sẽ phải bỏ thói quen uống hai ly rượu vang mỗi tuần. Giữa đại chúng, bà thưa: "Trong 20 năm nay, mỗi tuần tôi uống hai ly rượu có gì hại đâu. Đó là niềm vui của tôi. Hơn nữa đây là văn hóa của tôi. Văn hóa của tôi là phải có rượu trong đó. Trong thánh lễ người ta dùng rượu và bánh mì". Tôi nghe được câu chuyện và tôi nói với bà thiếu phụ đó như sau: "Này bà, tôi biết trong 20 năm qua, mỗi tuần bà uống hai ly rượu vang và không gây nguy hại gì cho bà hết. Điều đó tôi công nhận đúng. Nhưng tôi đề nghị bà nhìn lại và nhìn cho thật sâu để thấy những độc hại chưa mang lại cho bà nhưng mang độc hại đến cho con cháu bà. Trong những gia đình mà ông bà, cha mẹ uống rượu, con cháu cũng sẽ uống như ông bà, cha mẹ chúng. Và con cháu chắc chắn sẽ không dừng lại ở hai ly như bà. Bà ngừng uống hai ly đó đi. Có nhiều thức uống khác cũng ngon lắm, như nước trái cây chẳng hạn. Tại sao ta không uống những thứ đó? Bà thực tập cho bà, cho con cháu bà và xã hội bằng cách bỏ hai ly rượu đó. Và khi bỏ rượu, bà hành động như một vị bồ tát để độ các con của bà và những người khác trong xã hội." Bà đã hiểu rằng hành động bỏ rượu không phải cho riêng bà mà cho cả những người chung quanh bà. Sáng hôm sau, bà tiếp nhận Năm Giới và từ đó bà bỏ hẳn rượu. Bà nói bà có nhiều niềm vui vì bà trở nên một tấm gương trong xã hội.

Có mấy vị nữ tu Cơ Đốc giáo và vài linh mục đến thực tập tại Làng. Tôi nói với họ rằng: "Có thể có hy vọng là trong thánh lễ, mình thay rượu bằng nước trái cây được không? Và thay vì ăn bánh thánh tượng trưng, mình có thể ăn những cái bánh cookie được không? Tại sao chúng ta lại làm một cái lễ như là một cái gì đó chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi?" Trong khi thực hành thánh lễ thì người Cơ Đốc giáo nghĩ rằng: ăn bánh đó là ăn thịt của Chúa Kitô, uống rượu đó là uống máu huyết của Chúa Kitô, tức là đưa thực tại Chúa Kitô vào trong thân thể và tâm hồn mình. Tôi nói thánh lễ đó rất hay tại vì Chúa Kitô là sự sống. Và khi ta đưa Chúa Kitô vào lòng, ta trở thành sự sống. Làm thánh lễ như thế nào để một người sống vật vờ như một bóng ma trở thành người sống linh động trong giờ phút hiện tại là quyền lực của vị linh mục hành lễ. Và nếu vị linh mục không thực tập tỉnh thức để trở về phút giây hiện tại thì thánh lễ đó sẽ không thành công. Tuy có rượu, có bánh nhưng không thành công. Tôi đã nói như vậy. Chúng tôi có thiền trà. Chúng tôi ăn bánh, uống trà hay là nước trái cây. Chúng tôi ăn bánh và uống trà như thế nào để chúng tôi thật sự sống và hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại: thân tâm nhất như trong giây phút hiện tại. Người hướng dẫn thiền trà phải có khả năng hướng dẫn đại chúng trở về an trú bây giờ và ở đây, sống sâu sắc trong giờ phút đó. Tại sao chúng ta phải làm cái bánh thánh tượng trưng nho nhỏ? Chúng ta có thể làm bánh bơ đậu phụng và thay vì uống rượu thì chúng ta uống trà. Có một Mẹ Bề Trên, sau khi nghe tôi nói như vậy đã trả lời: "Từ đây về sau, tôi sẽ làm thánh lễ bằng nước nho thay vì rượu."

Nếu thế giới này tiêu thụ không có chánh niệm thì chúng ta sẽ tàn phá thân tâm chúng ta, tàn phá thân tâm của con người và xã hội. Do đó tất cả mọi người đều nên thực tập giới thứ năm chứ không phải chỉ có người Phật tử không thôi. Ta đã được học rõ ràng là giới thứ năm sẽ cứu chúng ta ra khỏi tình trạng hủy diệt thân tâm của tuổi trẻ và của người lớn.