Kinh Tam Di Đề

Hạnh phúc chân thật

Trong truyền thống Ấn Độ, người ta tin rằng khi còn trẻ thì ta phải sống như những người khác, ta có thể theo đuổi những cái gì mình thèm khát, mình ước muốn. Đến khi con ta lớn lên rồi thì ta mới nên đi tu. Đời người có những giai đoạn như vậy và theo truyền thống Ấn độ thì ta chỉ đi tu khi ta đã lớn tuổi và con ta đã vững chãi. Nhưng khi Đức Thế Tôn ra đời thì ngài có một quan niệm rất khác, rất cách mạng. Ngài nói rằng người trẻ có thể đi tu liền lập tức và người trẻ có thể sống hạnh phúc với tư cách của những người tu. Đó là một cuộc cách mạng đối với truyền thống và tư tưởng của người Ấn Độ.

Có một kinh gọi là kinh Samiddhi (Tam Di Đề) trong đó có một thầy trẻ, hai mươi mốt tuổi. Một hôm thầy đi xuống sông tắm. Lúc đó trời đang còn khuya, tối lắm. Cho nên tắm xong thầy bước lên bờ nhưng chưa vội khoác y vào vì không có ai ở đấy hết và thầy muốn đợi cho người thầy khô trước khi mặc y. Lúc đó có một vị thiên nữ hiện ra và vị thiên nữ đã nói với thầy như thế này: ‘Thầy ơi, thầy đang còn trẻ, tại sao thầy không hưởng thụ những cái dục lạc, lạc thú ở ngoài đời mà thầy lại đi tu như vậy? Tại sao thầy lại bỏ tuổi trẻ của thầy mà chạy theo những bóng dáng hạnh phúc mơ hồ ở trong tương lai? Tại sao thầy làm công việc có vẻ phi thời như thế?’

Thầy Samiddhi mới trả lời rằng: ‘Cô ơi, tôi không có bỏ tuổi trẻ của tôi đâu. Trái lại tôi đang sống với tuổi trẻ của tôi một cách rất sâu sắc. Tôi đang sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì giáo pháp của Đức Thế Tôn dạy chúng ta sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Cái mà cô nói là ‘hạnh phúc’ đó, Đức Thế Tôn nói không phải là hạnh phúc. Đối tượng của hạnh phúc mà cô nghĩ là những dục vọng, thèm khát. Những cái đó gọi là tài, sắc, danh, thực, thụy. (Tài tức là tiền bạc, sắc là sắc dục, danh là muốn được nổi tiếng, thực là thức ăn ngon, thụy là sự ham ngủ). Người ta đi tìm hạnh phúc trong năm sự thèm khát đó. Chính vì vậy nên người ta làm cho tan nát cuộc đời của họ. Đức Thế Tôn dạy rằng đối tượng của sự thèm khát chứa chất ở trong đó những nguy hại và độc tố. Ví dụ như một người cầm một bó đuốc mà đi ngược gió thì lửa của bó đuốc sẽ làm cháy lại mình. Đối tượng của sự thèm khát cũng vậy. Đối tượng của sự thèm khát cũng giống như một khúc xương, một khúc xương trần, tức là một khúc xương mà không còn một chút thịt nào ở trong đó cả. Và con chó có gặm ngày này sang ngày khác thì cũng không thỏa mãn được cơn đói của nó. Đó là bản chất của dục, của năm dục, hay ngũ dục. Và bản chất của thèm khát cũng giống như một con mồi mà người ta dùng để câu cá. Người ta móc con mồi đó vào một cái lưỡi câu. Con cá tưởng là miếng mồi đó ngon lắm nhưng đôi khi miếng mồi đó chỉ là một miếng mồi làm bằng plastic, làm bằng nhựa. Khi miếng mồi được thả xuống sông rồi thì con cá tưởng là ngon lành, nó đớp lấy và khi nó đớp lấy miếng mồi đó rồi thì cái lưỡi câu sẽ móc vào cổ họng con cá và con cá sẽ bị kéo lên trên bờ. Vì vậy cho nên người sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là phải biết xa lìa đối tượng của năm sự thèm khát và dục vọng.’

Thầy nói tiếp với cô thiên nữ rằng: ‘Cô ơi! Tôi không thấy hạnh phúc nằm ở trong năm thứ đối tượng của dục vọng mà tôi thấy hạnh phúc ở nơi sự thực tập giáo pháp của Đức Thế Tôn. Khi tôi thực tập giáo pháp của Ngài, trở về an trú trong giây phút hiện tại, tôi thấy rằng tất cả mọi điều kiện đều đang có sẵn trong giây phút này, vì vậy mà tôi đang sống sung sướng với tuổi trẻ và giáo pháp của tôi. Tôi không đánh mất tuổi trẻ cho nên tôi đâu có bao giờ chạy theo một ảo ảnh, một mơ ước về hạnh phúc tương lai đâu.’

Khi cô thiên nữ đó muốn hỏi thêm thì thầy nói rằng: ‘Tôi mới đi tu được có một năm rưỡi thôi, tôi chưa giỏi lắm đâu. Nếu mà cô muốn hỏi thì cô về Trúc Lâm Tịnh Xá, Đức Thế Tôn sẽ trả lời cho cô đầy đủ chi tiết’. Sau đó cô thiên nữ đã nhờ thầy Samiddhi đưa về Trúc Lâm Tịnh Xá và cô đã hỏi Đức Thế Tôn những câu hỏi thuộc về hạnh phúc, thuộc về tuổi trẻ và nội dung của những câu hỏi, câu trả lời đó đã được ghi chép lại thành kinh Samiddhi.