Bốn sự thật mầu nhiệm (1)

Nhận diện khổ đau mặt

Giáo lý căn bản của Đức Thế Tôn là giáo lý Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, hay còn gọi là Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm (The Four Noble Truths). Sự thật thứ nhất là khổ đau. Khổ đau là một sự thật mà ta phải nhận diện. Chúng ta không thể bịt mắt lại và giả bộ như đau khổ không có mặt. Nếu trong gia đình ta không có hạnh phúc, không có hòa điệu, không có niềm vui, nghĩa là trong gia đình ta có khổ đau thì ta phải can đảm công nhận điều đó. Không có hạnh phúc giữa cha và mẹ, không có hạnh phúc giữa cha mẹ và con cái là có khổ đau. Ta phải thẳng thắn và can đảm công nhận rằng khổ đau đang có mặt trong gia đình ta và trong mỗi thành viên của gia đình. Đó là sự thực tập về Khổ đế, sự thực tập nhận diện khổ đau và xác nhận rằng khổ đau có thật. Có những người khổ đau mà không biết rằng mình đang khổ đau. Những người đó còn mê, chưa tỉnh. Khi chúng ta nhận diện được và chấp nhận có khổ đau trong ta, có khổ đau trong gia đình ta là chúng ta bắt đầu tỉnh dậy. Nhận thức được sự thật thứ nhất là đã có sự giác ngộ rồi. Bụt là người giác ngộ, người tỉnh thức. Chữ "Bụt" có nghĩa là người thức dậy, là tỉnh thức, là biết rõ. Cho nên thực tập sự thật cao quý đầu tiên là công nhận rằng có những khổ đau đang có mặt trong ta và trong phạm vi gia đình của ta. Khi có khổ đau trong gia đình, người cha phải ý thức rằng có sự khổ đau, người mẹ phải công nhận rằng có sự khổ đau, những người con phải nói rằng có sự khổ đau. Đó là điều kiện tiên quyết của sự thực tập.

Tại sao khổ đau được gọi là một sự thật mầu nhiệm mà tiếng Anh dịch là "holy truth" hay là "noble truth"? Khổ đau có gì là mầu nhiệm, có gì là "holy" đâu? Theo giáo lý của Đức Thế Tôn, khổ đau là một sự thật mầu nhiệm mà ta có thể gọi là Thánh đế tại vì nếu ta biết nhìn vào trong chiều sâu của khổ đau thì ta có thể tìm ra con đường thoát khổ, tức là sự thật thứ tư.

Sự thật thứ tư là Đạo đế. Đạo là con đường. Nhưng ta sẽ không bao giờ thấy được sự thật thứ tư nếu ta không nhìn vào sự thật thứ nhấtmột cách sâu sắc. Vì vậy cho nên sự thật thứ nhất, Khổ đế, là một thánh đế, là một sự thật mầu nhiệm. Nếu chúng ta chạy trốn khổ đau thì chúng ta không có cách gì có thể tìm được sự thật thứ tư là con đường thoát khổ. Cho nên hành động đầu tiên là phải trở về và đối diện khổ đau. Công nhận rằng khổ đau có mặt và nhìn sâu vào bản chất của nó để tìm ra sự thật thứ tư là con đường thoát khổ.

Đây là bốn sự thật mầu nhiệm:

·    Khổ đau

·    Bản chất của khổ đau, nguyên do của khổ đau

·    Sự vắng mặt của khổ đau

·    Con đường thoát khổ

Gọi tên nó ra

Khổ (tiếng Phạn là dukkha) và con đường thoát kh (tiếng Phạn là marga) liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Nếu không nhìn sâu sắc vào sự thật thứ nhất thì không bao giờ thấy được sự thật thứ tư. Cho nên trốn tránh khổ đau, giả bộ như khổ đau không có mặt là một lỗi lầm rất lớn. Ta phải trở về với gia đình của ta. Ta phải công nhận rằng có những khổ đau trong gia đình ta. Ta phải gọi tên những khổ đau đó ra. Ta có thể gọi nó là bất hòa, tức là thiếu sự hòa thuận. Bản chất của bất hòa là chia rẽ, không có sự đoàn kết. Giữa cha với mẹ có sự chia rẽ, không có sự hợp nhất. Giữa cha với con, giữa mẹ với con có sự chia rẽ, không có sự đoàn kết, không có sự hòa điệu, có những điều chống đối. Chúng ta phải gọi đúng tên của nó thì mới hiểu được nội dung của cái khổ. Ngoài sự bất hòa ra ta thấy còn điều gì nữa? Ta thấy còn có sự hờn giận giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và con cái. Bất hòa, hờn giận, và ta thấy được sự bế tắc. Có những bất hòa, có những hờn giận, có những khổ đau nhưng không ai biết làm sao để thoát ra được. Vì vậy cho nên có hiện tượng bế tắc: bế tắc giữa cha mẹ với nhau, bế tắc giữa cha mẹ với con cái. Và sự hờn giận, bất hòa, bế tắc đó dẫn tới sự tan rã của một gia đình.

Bản chất của khổ đau

Như một người y sĩ, ta phải nhận diện được bệnh và những triệu chứng của bệnh. Bệnh này gọi là khổ đau, và triệu chứng rõ ràng của bệnh là sự chia rẽ, sự bất hòa, sự hờn giận, sự bế tắc, sự tan rã.

Vậy thì, sự thật thứ hai là đi tìm và nhận diện những nguyên do nào đã đưa tới tình trạng trên. Sự thật thứ hai chính là bản chất của khổ đau, là nguyên do của khổ đau. Danh từ chuyên môn là Tập đế. Đế là sự thật. Tập là lý do, nguyên do, duyên cớ tại sao mà có điều đó. Tại sao mà có nỗi khổ đau đó, có sự bất hòa đó, có sự tan rã và hờn giận đó? Chữ Tập hơi khó hiểu. Nếu chúng ta dùng từ Việt thuần túy thì Tậpnguyên do của khổ đau. Tiếng Anh là "the making of suffering, how suffering has been made".

Hạnh phúc thể mặt

Sự thật thứ ba là khổ đau có thể chuyển hóa được, nghĩa là hạnh phúc có thể có mặt để thay thế cho khổ đau, đó là Diệt đế, sự vắng mặt của khổ đau. Nếu sự thật thứ nhất là khổ đau có mặt thì sự thật thứ ba là khổ đau vắng mặt. Ở xã hội này con người không dám trở về để đối diện với niềm đau nỗi khổ của mình để chuyển hóa nó. Trong xã hội này con người sợ đối diện với chính mình. Ta rất cô đơn. Ta không tiếp xúc được, không thông cảm được và hiểu được người bên cạnh. Ta không hiểu được anh, được chị, được em, được cha mẹ. Ta đi ra ngoài kiếm những sự khuây khỏa, những cuộc giải trí, những chuyện ăn uống để quên đi những nỗi khổ đau đang có mặt trong lòng. Ban ngày thì ta đè nén những khổ đau đó xuống, nhưng ban đêm nó có thể trồi lên và biểu hiện thành những giấc mộng kinh hoàng. Thức dậy nhớ lại ta vẫn còn sợ hãi vì ban đêm có thể là khoảng thời gian khó khăn nhất của ta. Nên có rất nhiều người sau một thời gian thì trở thành người bệnh. Có người bị cô lập hóa. Có người không tiếp xúc và truyền thông được với những người khác. Trong gia đình tình trạng cũng như vậy. Không phải là ta không thương cha, không thương mẹ hay anh hay chị nhưng mà ta có nhiều nỗi khổ niềm đau quá. Và anh ta, chị ta cũng có nỗi khổ niềm đau nhiều quá. Chính cha ta, mẹ ta cũng có nhiều khổ đau quá thành ra chúng ta không ngồi lại với nhau được, không thông cảm với nhau được. Chúng ta không mở được con đường thông cảm trong gia đình chúng ta. Mỗi người tìm cách riêng để khuây khỏa, phủ lấp những khổ đau ở trong lòng mình. Đó là một bi kịch. Bi kịch này xảy ra trong rất nhiều gia đình của xã hội hiện tại. Tìm cách khỏa lấp niềm đau bằng những trò giải trí, bằng những cuộc tiêu khiển, bằng sự ăn uống, đó là đặc tính của nền văn minh hiện đại.

Trong khi đó thì Đức Thế Tôn dạy ta: "Con phải ngưng chuyện giải trí. Con phải tìm cách trở về. Con phải nhận diện rằng có những khổ đau hiện thực ở trong lòng con và trong gia đình con. Con phải gọi tên những khổ đau đó và con phải đi tìm những phương pháp tu tập để chuyển hóa những khổ đau đó".