Bốn cách tinh tấn (3)

Rạp chiếu phim đạo tràng

Năm 1997, tôi với một số thầy và sư cô qua Ấn Độ thì có một người trung niên ăn mặc rất đẹp đi theo. Ông ta thâu những bài thuyết pháp của tôi, thâu những cảnh tượng mà tôi tiếp xúc với dân Ấn Độ, cảnh dân Ấn Độ trong các nhà thương chăm sóc cho chim, cảnh dân Ấn Độ đang tắm và cầu nguyện trên sông Hằng, dân Ấn Độ đang ngồi thiền, tập đi thiền hành với tôi, dân Ấn Độ đang sống đời sống hàng ngày của họ. Đó là một ông giáo sư mỹ thuật. Ông dạy về mỹ thuật ở Thụy Sĩ. Ông đã đi với một chuyên viên khác và ông thâu hết tất cả những hình ảnh đó. Ông thâu tới bốn mươi mấy giờ đồng hồ và khi về ông cô đọng lại những hình ảnh đó, làm ra cuốn phim dài một giờ rưỡi. Ông lấy cốt truyện là một bài pháp của tôi nói cho người Ấn Độ và mỗi câu nói của tôi, ông đều minh họa bằng những hình ảnh của đời sống xã hội Ấn Độ rất đẹp. Cho đến khi cuốn phim thành công, đem ra chiếu ở rạp thì trong một năm trời, đêm nào cũng có người đến xem đầy rạp hết và chiếu cùng hết các rạp ở tại Atlanta. Người ta báo cáo rằng trong năm 1998 phim đó là phim thành công nhất trong những phim ở Thụy Sĩ, kể cả những phim tình cảm, và tự nhiên tôi và các thầy, các sư cô đóng vai tài tử xi nê một cách không hay biết. Hết phim, đến phần chữ giới thiệu nhà làm phim và tài tử thì xuất hiện một danh sách những ‘tài tử’ toàn là Thích… và Thích Nữ… Cuốn phim nói bằng tiếng Anh, phụ đề bằng tiếng Đức và tiếng Pháp. Sau một năm chiếu ở Thụy Sĩ thì phim được đem sang chiếu ở Đức. Hiện bây giờ (1999) ở những thành phố bên Đức, người ta đang nô nức đi xem phim này. Thế mà quý vị biết không, khi có buổi họp báo, họ hỏi tôi là khi Thầy đóng phim, Thầy làm diễn viên thì Thầy thấy sao, Thầy cảm thấy như thế nào? Tôi nói là tôi vui lắm. Mười tổ chức mời tôi đi giảng, tôi chỉ chấp nhận hai đến ba tổ chức thôi. Và hiện bây giờ tôi khỏi phải đi giảng mà đêm nào cũng được thuyết pháp tại nhiều thành phố nên tôi thấy vui lắm, tôi rất ưa làm cái nghề đóng phim này. Mà kỳ thực như vậy, khi họ đi vào trong rạp, cuốn phim có tựa đề là Những Bước Chân Chánh Niệm, trên màn ảnh có chiếu cảnh của Tăng đoàn đang đi những bước chân chánh niệm và trình bày sự tương phản giữa đời sống con người ở bên ngoài xã hội với nếp sống của chánh niệm. Thầy trò càng đi vững chãi, thảnh thơi chừng nào thì đời sống bên ngoài càng xô bồ, càng hấp tấp chừng đó. Cho nên người ta thấy rõ mà không cần phải có những lời bình phẩm nào hết. Khi đèn trong rạp tắt, phim bắt đầu bằng hình ảnh có một cây nhang trên bình hương đang tỏa khói và có tiếng chuông chánh niệm, và cố nhiên trong số khán giả thế nào cũng có một số người đã từng thực tập chánh niệm rồi, thành ra họ có cảm tưởng là họ đang đi vào thiền đường. Kỳ thật đó không phải là thiền đường, đó là rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim là nơi những hình ảnh của giết chóc, những cảnh làm tình, những cảnh bắn súng xảy ra mỗi đêm, nhưng đêm nay là một đêm rất đặc biệt. Màn ảnh mở ra, trên nền màn ảnh là bóng tối, rồi có cây nhang đang tỏa khói và có tiếng chuông cho mọi người thở, rồi từ từ mới thấy tăng đoàn đang đi từng bước thảnh thơi lên núi Linh Thứu vào lúc năm giờ khuya và mọi người đều ngồi thiền trên đó cho đến khi vầng thái dương xuất hiện trên đồi với tiếng giảng của Thầy ở sau và những phụ đề tiếng Đức. Mọi người nghe một bài pháp thoại mà không có cảm tưởng là mình bị nghe pháp thoại hay nghe giảng đạo và sau khi phim chấm dứt rồi không ai vỗ tay như đi xem phim thường hết vì mọi người đều cảm động vô cùng. Những hạt giống tâm linh, những hạt giống hạnh phúc và niềm vui của họ được tưới tẩm, và nếu họ biết chắp tay thì chắc họ đã chắp tay trước khi đi ra khỏi rạp chiếu phim. Như vậy ta đã biến rạp chiếu phim thành đạo tràng mỗi đêm. Tôi hy vọng rằng sẽ có một nhà làm phim người Mỹ mua cuốn phim đó đem về Mỹ để chiếu, vì ở Mỹ có rất nhiều độc giả của tôi. Coi trong rạp hay hơn là coi video nhiều lắm. Ở Pháp đã có một nhà xuất bản mua và cuối năm nay phim sẽ bắt đầu được chiếu tại Pháp với phụ đề tiếng Pháp và tiếng Đức. Ở Thụy Sĩ thì đã chiếu hơn một năm rồi và bây giờ đang còn chiếu ở một vài thành phố. Ở Đức cũng đã bắt đầu chiếu trong nhiều thành phố. Cuối năm nay cuốn phim sang Pháp rồi sẽ sang Anh. Sang Anh thì dễ vì ở đó nói tiếng Anh. Thành ra khi coi cuốn phim như vậy thì những hạt giống tốt trong tâm thức ta đều được tưới tẩm và khi coi xong cuốn phim ta thấy nhẹ, thấy khỏe ra, ta thấy đời sống có ý nghĩa. Cho nên chúng ta phải chọn lựa những cuốn phim như vậy để xem, không phải là không có trong thị trường. Và chính ngay trong vô tuyến truyền hình thỉnh thoảng cũng có chiếu những phim như vậy, tuy không phải nói về đạo Phật nhưng có công năng nuôi dưỡng ta, tưới tẩm những hạt giống của cái đẹp, cái lành và cái thật ở trong ta (chân – thiện – mỹ).

Nhạc Kinh

Ngoài ra quý vị đã được nghe các thầy, các sư cô hát những bài hát có tính cách lành mạnh như là bài "Bài Tụng Hạnh Phúc" hay bài "Mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền" mà càng hát và càng nghe chừng nào thì những hạt giống của tâm bồ đề, của niềm vui, của niềm tin trong ta càng được tưới tẩm. Những bài hát đó không phải không có. Hiện bây giờ chúng ta có một tập nhạc gọi là "Những Giọt Không" có rất nhiều những bài hát như vậy. Chúng ta cũng có một số đĩa CD trong đó có những bài hát như vậy, và chúng ta cũng có hai tập CD nhạc kinh nữa. Nghe nhạc như vậy thì cũng như nghe tụng kinh, những hạt giống của kinh điển, của tuệ giác, của Bụt tự nhiên được gieo vào trong ruộng tâm của ta. Và nếu ta tiếp tục nghe thì âm nhạc sẽ đưa những lời hay ý đẹp, những tư tưởng về thương yêu, về tha thứ, về niềm tin, về hạnh phúc để tưới tẩm những hạt giống đó mỗi ngày, thay vì chúng ta nghe nhạc gọi là nhạc đứt ruột. Nhạc đứt ruột làm hư hại không biết bao nhiêu tâm hồn người lớn và trẻ em. Tôi có nghe thử một cuốn băng nói về chủ đề Mẹ. Mẹ là người thương yêu mà sao nghe toàn là than thở đứt ruột, nghe xong ruột mình đứt làm hai, làm ba, làm bốn, làm mười khúc. Tại sao thương mẹ mà phải rầu như vậy? Tập Bông Hồng Cài Áo ta đọc đâu thấy đứt ruột gì đâu, mà tại sao họ làm một cuốn phim mấy chục bài về mẹ đọc tới đâu là khóc tới đó, nghe tới đâu là não ruột tới đó, tại tâm của họ đau khổ rồi, nên làm cái gì ra cũng đau khổ hết. Những bài hát mà người ta sáng tác, người ta tiêu thụ trong thị trường, trong giới ca nhạc Việt Nam toàn là những bài tình sầu đứt ruột mà nghe vô nó tưới tẩm những hạt giống đau thương tuyệt vọng trong người. Người ta cứ nằm cong lại như con tôm mà nghe hết bài này sang bài khác, gọi là thú đau thương, rất là ốm đau, không lành mạnh.

Trong khi đó có những bài hát rất lành mạnh, rất yêu đời, rất tươi mát thì lại không chịu nghe. Vậy thì phải chọn lọc các loại âm nhạc, các loại ca khúc lành mạnh, phải viết thêm những bài đó xuống và trong gia đình phải tổ chức ca hát với nhau. Nếu có một người anh hay một chị lớn biết chơi guitar thì buổi tối thay vì coi Ti-vi, ta có thể uống cà phê, uống trà rồi tụ họp lại hát bài "Chúng ta được ngồi đây, trong phút giây hiện tại, bao bọc bởi tăng thân, thấy mình thật may mắn…" Quý vị đọc lại mấy câu trong Bài Tụng Hạnh Phúc: "Năng lượng của tăng đoàn, giới luật và uy nghi, đang bảo hộ cho con, không để gây lầm lỗi, không bị nghiệp xấu đẩy, đưa về nẻo tối tăm…" Rõ ràng là như vậy, có Bụt, có Pháp và có Tăng thì ta được bảo hộ và khi được bảo hộ như vậy thì ta không bị kéo đi theo những con đường xấu xa. Trong Bài Tụng Hạnh Phúc, năng lượng của tăng đoàn, đang bảo hộ cho con, tức là ta sống trong đoàn thể tu học đó và đang được bảo hộ. Gia đình ta nếu có tu học thì cũng thành một tăng đoàn. Đoàn thể nào có tu học đều được coi là tăng đoàn. Chữ Tăng được dùng để gọi chung cho người xuất gia và người tại gia: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ là bốn thành phần của tăng đoàn gọi là tứ chúng. Thì chữ Tăng có nghĩa là Chúng, chữ Tăng dịch từ chữ Sangha, tức là tăng đoàn gồm có bốn chúng là xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ và nếu ta tu học cho đàng hoàng thì gia đình ta, cha mẹ con cái trở thành như một tăng đoàn nho nhỏ. Và nếu ta có tu thì trong đó có giới luật, có uy nghi. Giới luật đó là Năm Giới, có giới thứ năm là không tiêu thụ một cách bừa bãi, không tiêu thụ âm nhạc kích động và đứt ruột, không xem Ti-vi một cách bừa bãi. Uy nghi tức là ta có những lề thói rất đẹp của truyền thống gia đình ta, uy nghi là cái đẹp phát sinh ra từ nếp sống có đạo đức, có chánh niệm và khi mà các người trẻ đi xuất gia, họ phải thực tập uy nghi trong cách đi, đứng, nằm, ngồi. Bốn tư thế đó gọi là tứ uy nghi, phải thảnh thơi, nhẹ nhàng, đẹp đẽ. Khi người ta đưa cho ta một ly trà, hay là một trái cam thì ta chắp tay lại "Sen Búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai". Cái đó là cái đẹp của uy nghi. Và khi mà ta chào một người với hơi thở vào, với nụ cười của ta thì rất có uy nghi. Tất cả mọi động tác, mọi cử chỉ đều biểu lộ được cái đẹp của chánh niệm và cái đẹp đó gọi là uy nghi. Người tu thì phải có giới luật, phải có uy nghi. Uy nghi là tất cả những cái đẹp biểu lộ ra trong cách đi, đứng, nằm, ngồi của ta. Nếu ta có thực tập chánh niệm, ta đi mà có chánh niệm thì cái đi của ta rất đẹp. Nếu ta thấy một thầy, một sư cô mà đi không có uy nghi thì ta không nhận ra đó là một vị xuất gia đích thực. Nếu ta thấy vị đó ăn cơm, uống nước, tiếp xử, nấu ăn, rửa bát mà không có chánh niệm thì ta không thấy cái đẹp của người xuất gia. Cái đó gọi là chánh niệm trong mỗi động tác và mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của ta. Chính hai yếu tố đó bảo hộ cho ta: "Giới luật và uy nghi, đang bảo hộ cho con, không để gây lầm lỗi…" Mà giới luật và uy nghi là gì? Là Pháp đó! Pháp tức là bản chất của Bụt và Tăng. Tăng đoàn đích thực là đoàn thể trong đó có bản chất của giới luật, của giáo pháp và như vậy là có mặt của Bụt ở trong tăng đoàn. Chân Tăng là Tăng trong đó có chất liệu của Bụt, của Pháp và vì vậy cho nên tới với chân Tăng là ta được gặp Bụt, gặp Pháp còn nếu ta tới với Tăng mà Tăng đó không phải là Tăng đích thực thì không gặp Bụt và Pháp trong đó. Tăng đích thực chứa đựng Bụt và Pháp. Vậy thì nếu năng lượng của tăng đoàn do giới luật và uy nghi làm ra thì đó là nguồn năng lượng bảo vệ cho ta, không để ta gây ra lầm lỗi. Gây ra lầm lỗi tức là tiêu thụ một cách bừa bãi, đưa những độc tố vào trong mình, trong thân và trong tâm, để cho những người thân của ta bị độc tố xâm chiếm… "Không bị nghiệp xấu đẩy, đưa vào nẻo tối tăm, lại được cùng bạn hiền, đi trên đường chân thiện, ánh sáng chiếu soi của Bụt Bồ Tát." Ánh sáng này, ánh sáng của Bụt và Bồ Tát rất rõ, ta có thể thấy được, đó là giới luật và uy nghi. Khi có giới luật và uy nghi thì tự nhiên có ánh sáng của Bụt và Bồ Tát. " Tuy có mặt trong con nhng hạt giống kh đau, phiền não tập khí, nhưng chánh niệm hiện tiền vẫn thường luôn biểu hiện, giúp cho con tiếp xúc với những mầu nhiệm, mặt trong tự thân mặt quanh con."

Ta đã học chữ "Tập Khí" và phương pháp nhận diện tập khí. Tuy tập khí vẫn còn nhưng ta đã làm chủ được và mỗi khi nó ló đầu ra là ta mỉm cười với nó: "Ha ha, tập khí của ta đấy hả? Ta biết ngươi quá mà. Ngươi không làm gì ta được đâu." Thì tự nhiên tập khí đó yếu đi một chút xíu. Phiền não là những cái buồn, cái giận, cái ganh, cái ghét còn đó, nhưng mỗi khi nó lộ diện ra thì ta biết liền: "Cái giận của ta đó hả? Cái buồn của ta đó hả? Ta biết ngươi còn đó, ta sẽ săn sóc cho ngươi." Cái đó là năng lượng chánh niệm giúp cho ta làm công việc nhận diện.

Nên tuy là tập khí còn đó, phiền não còn đó, khổ đau còn đó nhưng chánh niệm hiện tiền tức là có chánh niệm trong giây phút hiện tại, giúp cho ta tiếp xúc được những gì mầu nhiệm đang có mặt trong tự thân và quanh mình vì trong đời sống có những cái rất mầu nhiệm. Ví dụ như hai mắt ta rất mầu nhiệm, hai con mắt như hai viên ngọc, chỉ cần mở mắt ra là thấy được trời xanh, mây trắng, núi tuyết, hoa vàng. Hai tai ta, chỉ cần lắng tai là nghe tiếng âm nhạc, tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng gió thổi trên những đọt thông. Đó là những cái rất mầu nhiệm của cuộc đời mà nếu ta bị mù, bị điếc thì làm sao ta tiếp xúc được? Trong khi đó thì mắt ta còn tốt, tai ta còn tốt, mũi ta còn tốt, thân ta mạnh, chân ta còn khỏe và đó là những hạnh phúc rất lớn, đó là những mầu nhiệm trong tự thân. "Sáu căn còn đầy đủ, mắt thấy được trời xanh, tai nghe tiếng chim hót, mũi ngửi thấy hương trầm, lưỡi nếm được pháp vị…" Tất cả những cái đó là những cái may mắn, những điều mầu nhiệm ở trong tự thân. Ngoài thân còn có trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở và biết bao nhiêu sự mầu nhiệm khác của sự sống quanh ta. Vậy mà ta cứ chìm đắm trong những nỗi khổ đau, giận hờn, buồn tủi, tuyệt vọng của ta thì rất uổng. Do đó cho nên chánh niệm rất quan trọng. Chánh niệm ôm lấy nỗi khổ đau của ta và giúp cho ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt.

Ta đang còn trẻ, hai chân ta còn khỏe, nụ cười ta còn tươi, mà ta không biết sử dụng, ta cứ co rúm lại trong niềm đau nỗi khổ của ta, cứ để ngày tháng trôi qua miệt mài thì rất uổng phí. Chỉ có chánh niệm mới dạy cho ta được, chỉ có tăng thân mới đánh thức được ta, và giúp cho ta đi vào con đường của niềm vui, của hạnh phúc mà thôi. Đây là một bài tụng và ta đã làm thành bài hát. Khi ta tụng thì những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm và khi ta hát thì cũng giống hệt như vậy, những hạt giống hạnh phúc trong ta cũng được tưới tẩm. Cho nên buổi chiều, lâu lâu đừng có coi phim nữa, ta đem guitar ra rồi tất cả cha mẹ, con cái đem một vài bài hát hạnh phúc ra hát với nhau.

Thiết kế sinh hoạt bằng tất cả sự thông minh

Ngày xưa còn niên thiếu, cha mẹ cũng có học hát được một vài bài bày tỏ lòng yêu nước thương dân mà bây giờ thấy con cái không biết bài đó thì cha mẹ nên đem dạy cho các con hát. "Ngày xưa ba hát bài này nè, ba dạy cho các con hát…". Ví dụ như bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông chẳng hạn: "Việt Nam núi thiêng tiên rồng non sông như gấm hoa, uy linh một phương. Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương…" Có những bài hát như vậy, những bài hát tiền chiến rất hay. Hạnh phúc gia đình là do ta làm ra và ta được sống với nhau nhiều chừng nào quý chừng đó. Tại sao mỗi người phải đi một phía tìm kiếm giải trí cho riêng mình: cha đi một phía, mẹ đi một phía, con trai đi một phía, con gái đi một phía? Đi như vậy rất là nguy hiểm, có thể bị những điều xấu quyến rũ, có thể bị những người bạn xấu đưa mình vào những nẻo rất tối tăm. "… Không bị nghiệp xấu đẩy, đi về nẻo tối tăm. Lại được cùng bạn hiền, đi trên đường chân thiện…" Bạn hiền ta phải chọn lựa, ta phải đi tới, ta phải cầu khẩn người đó tới với mình. Có những hãng chế tạo Ti-vi quảng cáo hay lắm. Bây giờ họ có nghệ thuật quảng cáo rất khéo: "Chúng tôi đem người ta lại với nhau -We bring people together." Nói như vậy đó. Tại vì những tin tức mà Ti-vi đem lại cho người ta biết những gì đang xảy ra bên kia trái đất, đem người ta lại với nhau. Nhưng sự thật thì không hoàn toàn đẹp như vậy, Ti-vi không đem chúng ta lại với nhau mà Ti-vi chia rẽ chúng ta nhiều hơn: ta đi làm, đi học suốt ngày, không có giờ nhìn nhau nữa; đi về ta mệt nhoài rồi, không có giờ nhìn nhau, hỏi thăm nhau mà lại còn mở Ti-vi ra để mất hết thì giờ còn lại đó. Tất cả mọi người đều nhìn vào Ti-vi hết, cha không có dịp để nhìn mẹ, mẹ không có giờ để nhìn con, anh không có giờ để nhìn em, tại vì mọi người bận nhìn cái Ti-vi. Như vậy làm sao gọi được là "đem người ta lại với nhau"? Phải như vậy không? Ti-vi là một yếu tố chia rẽ gia đình, thành ra ta phải tranh đấu, buổi chiều về ta đừng để Ti-vi chia rẽ ta và những người ta thương. Phạm Duy có một bài hát về đồng quê trong đó có câu là "đừng chia rẽ đôi lứa mình". Đôi lứa mình có thể là hai vợ chồng hay là hai cha con. Nền văn minh bây giờ là chia rẽ, ban ngày thì ta đã đi làm, xa cách nhau rồi, chiều về ta chỉ có với nhau được mấy giờ đồng hồ thôi mà không sống với nhau. Buổi sáng thức dậy ăn sáng mà ta còn nửa thức, nửa ngủ, rồi cũng chẳng để ý coi thức ăn sáng nay do đâu mà có. Ngồi trước tách cà phê rồi thay vì nhìn mặt người thương của ta – người thương của ta ngồi bên kia bàn – thì ta đưa tờ báo lên để che mặt người đó đi. Ta làm như bài báo đó, tin tức đó quan trọng nhất trên đời, còn người thương trước mặt thì cũng không thèm nhìn, nhìn những cái gì đâu ở trong tờ báo. Tờ báo có đưa chúng ta tới với nhau không? Ca dao của ta có câu: "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời không thấy người thương". Ở đây là tờ báo, tờ báo được đưa lên cao thành ngọn núi. "Báo cao chi lắm báo ơi, báo che vợ hiền, che khuất mặt con", che khuất luôn cả ta. Rất là dại dột. Mà có rất nhiều gia đình như vậy. Không có thì giờ nhìn nhau, không có thì giờ sống với nhau, vậy mà cứ để những phương tiện gọi là giải trí ngăn cản chúng ta với nhau.

Ở bên Pháp ngày xưa có một ông nhà văn, tên là Antoine Exupery, ông viết ra nhiều cuốn sách rất hay trong đó có cuốn sách Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé). Trong cuốn sách đó tác giả viết một câu rất bất hủ là "yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn chung về một hướng." Chắc là ta cũng đang thực tập cái đó. Ta cũng không nhìn nhau, ta nhìn chung về hướng cái Ti-vi. Vì nhìn nhau thấy không có hạnh phúc nhiều như ngày xưa khi mới gặp nhau nữa, do ta đã có gây gổ, cãi lộn với nhau hơi nhiều rồi. Ngày xưa sao mà người đó dễ thương quá trời, đó là hoàng tử của đời mình mà, đó là nàng tiên của đời mình mà, không có em làm sao anh sống nổi. Nghe tiếng của nhau như là tiếng chim họa mi rất dễ chịu. Vậy mà bây giờ nhìn nhau thấy không có hạnh phúc nữa. Thành ra bây giờ thay vì nhìn nhau thì cả hai người nhìn về phía Ti-vi để cho đỡ khổ, gọi là yêu nhau không phải nhìn nhau mà nhìn về một phía, phía cái Ti-vi. Cho nên ta phải cẩn thận lắm mới được. Ta phải biết sử dụng đúng thời giờ, phải thiết kế sinh hoạt của ta bằng tất cả sự thông minh, đừng để những thứ đó chen vào chia rẽ mình. Tắt Ti-vi đi, đem đàn ra và cả nhà cùng ngồi hát với nhau một bài. Ta phải rất thông minh mới được.