Phẩm 11: Hiện bảo tháp

Chúng ta hãy đi sang Phẩm thứ 11, tức là Phẩm Hiện Bảo Tháp, trang 295.

Tôi có quen một người tên là Jim Forest.  Một hôm tới thăm anh ở New York, tôi thấy anh chứa trong kho của anh những vỏ chai Coca Cola.  Khi có người đến thăm, anh thường mời họ uống Coca Cola.  Nếu người khách đó nổi tiếng, anh ghi tên vị đó vào một miếng giấy, dán vào vỏ chai và giữ lại trong kho làm kỷ niệm.  Vỏ chai Coca Cola đâu có giá trị gì nhiều, nhưng tại vì chai Coca đó đã được nhân vật nổi tiếng kia uống, nên anh Jim đã thấy cái giá trị riêng của nó.

Cũng vậy, mảnh đất mà trên đó có người tụng kinh Pháp Hoa sẽ trở nên một vùng đất rất có giá trị.  Chúng ta thấy những họa sĩ tài ba như Van Gogh hay những nhà văn nổi tiếng như Charles Dickens, những món đồ họ để lại như một cây gậy, một cái nón v.v…, tất cả đều trở thành những vật quí giá, rất đắt tiền.  Vậy thì sự linh thiêng hay quí giá của một vật không phải là do bản chất của nó, mà do một cái có giá trị tâm linh đã đi ngang qua đó và đã đồng nhất với vật đó.

Trong phẩm này chúng ta thấy có một hiện tượng tương tự như vậy hiển bày ra.  Đó là khi Bụt đang thuyết pháp và đang thọ ký cho những người đáng được thọ ký, thì phía trước mặt tự nhiên có một bảo tháp xuất hiện.  Bảo tháp này xây bằng bảy thứ châu báu, cao 500 do-tuần, và rộng 250 do-tuần, từ dưới đất nổi lên và an trú ở trong không trung.  Bảo tháp này tượng trưng cho sự xuất hiện của Bản môn trong thế giới ta bà, tức là cái bất diệt đang xuất hiện trong cái sinh diệt. Bảo tháp đó là bảo tháp của một vị Bụt tên là Bụt Đa Bảo (Prabhũtaratna). Bụt Đa Bảo là một vị Bụt đã xuất hiện trong lịch sử, đã tu thành Bụt và đã phát lời thệ nguyện rằng, khi thành Bụt và sau khi đã nhập Niết Bàn rồi, khắp hoàn vũ nơi nào có người nói kinh Pháp Hoa, thì tháp của tôi sẽ hiển hiện ra nơi đó, và từ trong tháp sẽ vẳng ra tiếng nói của tôi, khen ngợi người đang nói Pháp.  Đó là lời nguyện của vị Bồ Tát trước khi thành Bụt gọi là Bụt Đa Bảo.  Đây là một hình ảnh rất tuyệt vời.  Đứng về phương diện thi ca mà nói thì đó là một hình ảnh rất đẹp, rất tân kỳ, rất khéo léo.  Làm thơ mà làm được như vậy thì quả là tuyệt diệu.  Nơi nào có người nói Pháp Hoa, giảng thuyết về Pháp Hoa thì cái bảo tháp tượng trưng cho cả tâm hồn tôi, trái tim tôi, hạnh nguyện của tôi sẽ có mặt tại chỗ đó, và từ trong bảo tháp sẽ có tiếng tôi vọng ra, khen rằng: ỘHay quá, hay quá!Ợ

Khi bảo tháp của Bụt Đa Bảo đột nhiên xuất hiện trên hư không như vậy thì tất cả mọi người đều trầm trồ nhìn lên, không biết bảo tháp từ đâu hiện lên.  Bảo tháp rất lộng lẫy, huy hoàng và trong tháp vọng ra những tiếng ngợi khen rất là mầu nhiệm.  Tất cả đại chúng đều ngạc nhiên, ai cũng muốn hỏi Bụt về nguồn gốc của tháp ấy.  Từ trước đến nay chúng ta đã ngồi trên núi Thứu, chân ta chấm đất, chúng ta đang ở trong bình diện của lịch sử, của Tích môn, có thầy, có trò, có quá khứ, có hiện tại, có vị lai.  Nhưng giờ đây thì nhờ thần lực của Bụt Đa Bảo mà chúng ta đã được đưa từ thế giới của lịch sử sang thế giới của bản thể, không còn thời gian, không còn không gian nữa. Từ thế giới của tương đối, chúng ta được đi vào cái thế giới của tuyệt đối, và tháp Đa Bảo là cánh cửa mở ra để cho ta đi từ thế giới sinh diệt vào thế giới của bất sinh bất diệt.  Bây giờ đây núi Thứu đã biến mất và cái không gian mênh mông kia trong đó có bảo tháp xuất hiện là một cái thế giới mới, trong đó chân của chúng ta không còn chấm đất nữa, bởi vì chúng ta đã đi vào một thế giới không có trên không có dưới, không có trong ngoài, không có trước sau, thế giới của Bản môn.  — đây, Bụt Đa Bảo là dấu hiệu của bất diệt, hiển hiện ngay trong cái thế giới của sinh diệt.  Nói cho cùng thì sự tu học của ta là để nhận diện được cái bất diệt trong cái sinh diệt, và chúng ta có thể nhận diện bằng chánh niệm. Lúc ban đầu thì chánh niệm còn yếu, nhưng từ từ sẽ vững chãi, và chánh niệm càng vững chãi bao nhiêu thì cái khuôn mặt của bất diệt xuất hiện trong thế giới của sinh diệt càng trở nên rõ ràng bấy nhiêu.

Năm 1964 khi viết bài Đêm cầu nguyện, tự nhiên trong tôi ý đó xuất hiện:

Giờ phút linh thiêng
Gió lặng chim ngừng
Trái đất rung động bảy lần
Khi bất diệt đi ngang dòng sinh diệt.

Sự xuất hiện của Bụt là lúc cái bất diệt đi ngang dòng sinh diệt, nó tạo nên một cái gì tương đương như một cáielectric shockỢ. Khi cái bất diệt xẹt ngang qua dòng sinh diệt, khi cái Bản môn chạm vào cái Tích môn, thì tự nhiên có một sự chấn động, và người có chánh niệm tiếp nhận được sự rung chuyển đó.  Sự rung chuyển đó rất vĩ đại, nó được biểu lộ bởi sự chấn động của trái đất đến bảy lần.  Thế giới của kinh điển chứa đầy chất liệu thi ca huyền ảo, vì những hình ảnh thi ca đó diễn tả được những ý tưởng rất sâu sắc, nhiệm mầu.  Trong bài thơ kia tôi còn viết:

Giờ phút linh thiêng
Đóa bất diệt nở ngay giữa vườn hoa sinh diệt

nghĩa là trong vườn hoa chúng sanh sinh diệt, mình thấy được một đóa hoa bất diệt, đó là Bụt,

Ngài về đây học nói tiếng loài người

bởi vì cái bất diệt hiện giờ đang khoác áo sinh diệt.  Bụt nói tiếng nói của Chân như, của Pháp Thân, khác với tiếng nói của chúng sanh.  Nhưng vì chúng sanh, Ngài phải học tiếng nói của loài người để loài người có thể từ từ hiểu được tiếng nói của Pháp Thân.  Tiếng nói của Pháp Thân có thể được nghe qua tiếng chim hót, tiếng gió reo, nhưng vì đã đánh mất quê hương lâu rồi nên ta không có khả năng để nghe tiếng nói của chân như nữa.  Vì vậy cho nên phải có người dạy cho ta trở lại.  Người dạy cho mình đã từ thế giới của chân như, thế giới của bản thể, của bất diệt đi tới, nên người đó phải học tiếng nói của sinh diệt để có thể khai thị cho mình cái bản chất bất diệt. Học nói tiếng loài người ở đây không phải chỉ đơn thuần học ngôn ngữ, mà còn phải quán cơ về tâm ý và sở thích của loài người. Nụ giác ngộ hé thành muôn thi thiết. Nụ giác ngộ phải được biểu hiện ra bằng muôn ngàn phương tiện, Ngài về đây học nói tiếng loài người, để cho loài người từ từ tập nghe cái ngôn ngữ của chân như trở lại.  Đó là công trình biểu hiện bằng giây phút chấn động, va chạm giữa Tích môn và Bản môn.

Lúc thấy tháp Đa Bảo, tất cả các vị Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác, hữu học và vô học đều đồng một lòng xin Bụt mở tháp Đa Bảo ra cho đại chúng thấy được Phật thân của Bụt Đa Bảo.  Nghĩa là mọi người muốn thấy cái bất diệt bằng con mắt của sinh diệt.

Trang 298:  Lúc bấy giờ Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết do sức thần của đức Như Lai mà bạch Bụt rằng:  ỘBạch đức Thế Tôn, chúng con nguyện muốn thấy cái chân thân của Bụt Đa BảoỢ. Đúng là tâm trạng của chúng mình, thấy bảo tháp đó, nghe tiếng nói êm dịu và oai hùng đó vọng ra, ta tò mò muốn thấy người ngồi trong ấy dáng vóc như thế nào mà có được cái hạnh nguyện và giọng nói kia.  Khi Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết đại diện cho tất cả đại chúng tỏ ý muốn thấy Bụt Đa Bảo, thì Bụt Thích Ca nói:  Khoan đã, bây giờ ta phải làm việc rất quan trọng này trước, rồi mới có thể mở được tháp này cho quí vị thấy chân thân của Bụt Đa Bảo, Bụt của bất sanh bất diệt.  Ta đã được thấy Bụt Thích Ca rồi, nhưng vẫn còn muốn thấy Bụt Đa Bảo, Bụt của Bản môn, tại vì Bụt Thích Ca là Bụt có sinh có diệt, Bụt của Tích môn.  Và Bụt Thích Ca giải thích rằng:  Ngày xưa Bụt Đa Bảo có dặn rằng mỗi khi bảo tháp của ta xuất hiện và nếu đại chúng ở đó muốn mở tháp để thấy chân thân ta, thì vị Bụt đang thuyết giảng Pháp Hoa phải gọi tất cả những hóa thân của mình ở khắp mười phương thế giới về có mặt tại đó, rồi mới được mở tháp.  Vậy đại chúng hãy đợi tôi gọi tất cả các hóa thân của tôi từ mười phương thế giới về, thì chúng ta mới có đủ điều kiện mở bảo tháp của Bụt Đa Bảo.

Đây là một điều rất mầu nhiệm.  Đây là những phương tiện giúp cho ta có đủ điều kiện, có được con mắt để nhìn vào Bản môn.  Lâu nay con mắt của ta quen nhìn theo lối Tích môn, quen nhìn thế giới trong cái quá trình lịch sử, trong cái thời gian và không gian của nó.  Giờ đây muốn nhìn cái chân diện mục của Bản môn thì khó lắm, vì vậy cho nên phải thay đổi nhận thức, và hành động này là một hành động tập sự để cho người ta thấy rằng Bản môn không hề bị tách rời ra khỏi Tích môn.  Vì vậy mà mọi người phải nhìn lại để thấy được tất cả các hóa thân của Bụt Thích Ca.  Thấy rõ được Bụt Thích Ca thì tự nhiên có thể thấy được Bụt Đa Bảo.  Lúc đó Bụt Thích Ca mới tiết lộ cho mọi người biết rằng Ngài hiện giờ có vô lượng, vô số hóa thân, đang giảng dạy khắp nơi trong cõi tam thiên đại thiên thế giới.  Con người đang ngồi ở đây mà quý vị tưởng là thầy của quý vị, chưa đích thực là Thích Ca Mâu Ni đâu.  Tôi phải gọi tất cả các vị hóa thân của tôi về đây để quý vị nhận diện, để quý vị thấy được tầm vóc đích thực của tôi, thì chúng ta mới có thể mở được tháp Đa Bảo.  Lúc đó mọi người mới giật mình kinh ngạc, thấy rằng thầy mình không phải chỉ là cái nhục thân đang ngồi trước mặt mình.  Thầy mình có gốc rễ trong thời gian vô cùng và không gian vô biên của pháp giới Bản môn.

Sang trang 299: Lúc bấy giờ Phật phóng một lằn sáng từ nơi chùm lông trắng ở giữa chặn mày, ánh sáng chiếu tới năm trăm muôn ức na-do-tha (8) hằng hà sa cõi nước ở phương Đông. Khi hào quang chiếu tới đâu thì đại chúng thấy rõ tới đó, những cõi nước rất trang nghiêm, rất đẹp đẽ, chứ không ô nhiễm xấu xa như cõi ta bà này.  Sau khi chiếu hào quang ấy về phương Đông thì Bụt lại chiếu nó về phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới và cũng làm hiển lộ cho mọi người thấy được các cõi Bụt vô lượng như vậy, rất là đẹp đẽ.  Mọi người đều thấy rằng ở tất cả các cõi đó đều có một Bụt Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp, và đại chúng bao quanh các vị cũng đông đảo vô cùng.  Khi ánh hào quang chiếu tới, các vị Bụt hóa thân ấy đều nói:  Đức Thích Ca Mâu Ni đang gọi tất cả chúng ta trở về để sẵn sàng mở tháp Đa Bảo.  Hằng hà sa số các vị Thích Ca Mâu Ni đang hành đạo trong mười phương thế giới, trong nháy mắt đều trở về núi Thứu, nơi mà Bụt Thích Ca muốn họ trở về.  Khi về đến, các vị Thích Ca Mâu Ni mỗi người ngồi trên một tòa sư tử, tràn đầy cả hư không, hàng trăm triệu vị gia nhập vào đại hội Linh Sơn.  Lúc đó Bụt Thích Ca Mâu Ni mới nói:  Bây giờ chúng ta có thể mở tháp Đa Bảo ra được rồi.

Nếu không có cảnh tượng này, nếu không có phương tiện này để cho đại chúng học tập, thì đại chúng vẫn nghĩ rằng Bản môn là một cái gì tách lìa ra khỏi Tích môn.  Nhìn kỹ vào Bụt Thích Ca thì thấy Bụt Thích Ca là một thực tại nhiệm mầu không thể nghĩ bàn được.  Không thể giam Bụt của mình, giam thầy của mình vào trong một khoảng không gian 80 năm, trong một quốc độ có 500 triệu dân, trong một không gian và thời gian nhỏ bé như vậy được.  Sự hiện thành biến tướng dùng hào quang quét mười phương thế giới để cho mọi người thấy được rằng Bụt Thích Ca Mâu Ni có mặt đồng thời trong hết mười phương, vô lượng, vô số, vô biên và đang qui hội lại một chỗ là để cho đại chúng thực tập, để cho đại chúng có được con mắt sáng hơn, ít bụi trần hơn, mà đón nhận Bụt Đa Bảo, tức là Bụt của Bản môn.  Đây là một phẩm kinh rất đẹp.  Những hình ảnh này đều là những hình ảnh thi ca tuyệt diệu.  Nếu không có những hình ảnh này thì ta khó có thể nói ra được cái triết lý thâm sâu về Tích môn và Bản môn.

Trang 304: Lúc bấy giờ Bụt Thích Ca Mâu Ni thấy các vị Phật-Phân-Thân của mình đều đến đầy đủ, ngồi trên tòa sư tử và tất cả đều có ý muốn đồng mở tháp báu của Bụt Đa Bảo, tức thì Người liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trụ trong hư không và sẵn sàng mở tháp.  Lúc bấy giờ mọi người đều đứng dậy tại vì đây là giờ phút linh thiêng của sự mở tháp. Đứng dậy ở đây có nghĩa là rời khỏi cái thế giới của Tích môn, và đứng dậy như vậy đâu phải là chuyện dễ dàng.  Phải chuẩn bị trước, phải thực tập trước.  Đức Bụt Thích Ca trụ trong hư không và mọi người cũng vậy, tức là tất cả đều đã đi vào thế giới của Bản môn.  Lúc đó Bụt Thích Ca Mâu Ni dùng ngón tay bên hữu mở cửa tháp thì có một âm thanh rất trong trẻo vang ra rất lớn, và tất cả mọi người đều trông thấy Bụt Đa Bảo ở trong tháp hiện ra ngồi trên tòa sư tử, toàn thân vẫn còn nguyên vẹn. Bụt Đa Bảo tuy đã nhập diệt từ lâu, nhưng vẫn ngồi im lặng như trong cảnh thiền định, và Bụt lại mở miệng nói:  ỘHay thay! hay thay! Bụt Thích Ca Mâu Ni, Ngài đang nói kinh Pháp Hoa và vì kinh Pháp Hoa mà tôi đã tới đây để chứng kiến và yểm trợỢ.  Lúc đó tất cả hàng tứ chúng đều thấy một vị Bụt đã diệt độ từ vô lượng nghìn muôn ức kiếp về trước, mà vẫn còn hiện tiền trong giây phút hiện tại, thì lấy làm ngạc nhiên vô cùng.  Đây là một việc chưa từng thấy, tức là việc thấy được tính chất bất sinh bất diệt của những cái mà lâu nay mình cứ nghĩ là có sinh có diệt.  Tôi chưa bao giờ từng sanh, mà cũng không bao giờ từng diệt. Rời được thế giới của Tích môn để đi vào thế giới của Bản môn là một chuyện khó, vậy mà ở đây tất cả thầy trò đều đã thực tập để có thể làm được việc đó.  Lúc bấy giờ hoa ở trên trời rơi xuống như mưa để cúng dường hai vị Bụt Đa Bảo và Thích Ca, một vị Bụt thuộc Bản môn và một vị thuộc Tích môn.  Vì trong tâm của thính chúng vẫn còn sót lại một vài dấu tích của phân biệt:  Vì còn nghĩ rằng Bụt Thích Ca là Bụt lịch sử, Bụt của hiện tại, và Bụt Đa Bảo là Bụt của quá khứ hay là Bụt của Bản môn, của bất diệt, cho nên ngay lúc đó có một sự kiện vô cùng tuyệt diệu khác xảy ra để gột tẩy, xóa sạch một cách tuyệt đối những phân biệt này.  Đó là Bụt Đa Bảo ngồi xích sang một bên, để dành nửa tòa sư tử và lên tiếng: Thích Ca Mâu Ni, mời Ngài đến ngồi cạnh tôi. Như vậy là tòa sư tử được chia hai, một bên đức Đa Bảo ngồi, một bên đức Thích Ca ngồi, cảnh tượng đẹp vô cùng!  Điều này chứng tỏ hai là một, Bản môn và Tích môn chỉ là một.  Mà cũng không phải là một nữa, tại vì nếu còn một thì lại còn hai.

Trang 305: Lúc đó Bụt Đa Bảo ở trong tháp báu chia nửa tòa ngồi cho đức Thích Ca Mâu Ni và nói rằng, Thích Ca Mâu Ni, Ngài có thể đến ngồi trên tòa này với tôi, tức thời đức Thích Ca Mâu Ni đi vào trong tháp báu và ngồi xếp bàn trên nửa tòa, một bên Bụt Đa Bảo. Không thể có hình ảnh nào đẹp hơn nữa.  Bất diệt đi ngang dòng sinh diệt, và sinh diệt trở nên bất diệt, giữa hai cái, không còn có sự phân biệt nào nữa.

Lúc ấy bảo tháp an trú ở trên cao và chỉ có các hóa thân của Bụt Thích Ca và các vị Bồ Tát là sung sướng vì thấy được cảnh tượng ấy, số còn lại vì còn thấp bé, cho nên không thấy được.  Vì vậy nên trong lòng họ phát ra một lời ước nguyện: Đức Bụt Đa Bảo ngồi cao quá, ngưỡng mong đức Như Lai dùng sức thần thông cho chúng con lên cao để chúng con có thể trông thấy được.  Khi biết được cái tâm niệm đó của chúng sanh, Bụt Thích Ca Mâu Ni liền dùng phép thần thông đưa tất cả đại chúng trong hội Linh Sơn lên cao để cho mọi người được chiêm ngưỡng cái khung cảnh mầu nhiệm đang xảy ra trước mắt.  Lúc đó mọi người hoan hỷ nhìn vào và thấy Bụt Đa Bảo đang ngồi rất tự tại, trang nghiêm, uy hùng và đẹp đẽ ở trong tháp.

Đối với các hóa thân của Bụt Thích Ca và những vị Bồ Tát, thì tiếp xúc với Bản môn rất dễ, tại vì các Ngài không còn bị dính vào những cái tướng trạng bên ngoài, những cái ý niệm.  Còn những người thuộc giới Thanh văn và Duyên giác, vì mới bắt đầu nếm được mùi vị Đại Thừa, nên chuyện phá tướng của họ chưa thực hiện được nhiều.  Họ còn bị dính kẹt vào các tướng như có, không; tới, đi; một, nhiều; trong, ngoài; trước, sau; quá khứ, tương lai; cho nên họ còn bị một loại keo dán chặt họ vào mặt đất, thì làm sao họ tiếp xúc được với Bản môn?  Cũng như khi tâm mình còn đau buồn thì làm sao mình thấy được cảnh trí nhiệm mầu của hoa vàng trúc tím, trăng trong mây bạc?  Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ là như vậy.  Cho nên Bụt Thích Ca mới dùng phương tiện đưa họ lên khỏi mặt đất để họ có thể thấy được.  Đưa lên khỏi mặt đất ở đây nó có nghĩa là giúp cho họ phá bỏ được mọi sự dính mắc vào các tướng, như bốn tướng ở trong kinh Kim Cương:  Tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, và tướng Thọ giả.  Ngoài ra còn biết bao nhiêu tướng khác nữa. Tướng là ý niệm, là khái niệm.  Đọc kinh không thấy được những điều đó, mà chỉ thấy toàn những phép thần thông, thì mình chẳng học được gì từ kinh cả.

Ta không còn đòi hỏi một cái gì nữa hết, tất cả những ước mơ của ta đều đã được thành tựu, không có một trở ngại nào mà ta đã không vượt qua được, đó là nhờ cái thần biến, nhờ cái phương tiện, nhờ cái thi thiết của Bụt.  Muốn mở bảo tháp ra xem thì tháp được mở.  Nhưng muốn thấy được chân thân của Bụt Đa Bảo thì phải thấy rõ được chân thân của Bụt Thích Ca, vì vậy mà Bụt Thích Ca đã phải gọi tất cả những hóa thân của mình về để đại chúng có thể hiểu được phần nào cái sự thật là nếu không thấy rõ được Bụt Thích Ca thì không thể nào thấy được Bụt Đa Bảo. Đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, cửa mở rồi, thấy Bụt Đa Bảo rồi, nhưng người ta vẫn nghĩ rằng Bụt Đa Bảo và Bụt Thích Ca là hai vị Bụt khác nhau, vì vậy mới có cảnh tượng là Bụt Đa Bảo nhường một nửa tòa sư tử cho Bụt Thích Ca.  Khi hai vị Bụt ngồi với nhau như vậy rồi, vẫn thấy chưa đủ, vẫn muốn được nâng lên cao để tự mình nhìn thấy, và Bụt cũng đã làm thỏa mãn cái nguyện ước đó.  Quả thật không có gì mà Bụt không làm để cho chúng sanh có thể thấy được sự thật bất nhị về Bản môn và Tích môn.

Phẩm Hiện Bảo Tháp là một phẩm thật đẹp, giống như một màn kịch, trong đó những tình tiết liên tục xảy ra, mỗi tình tiết mang một ý nghĩa, và sự diễn biến của những tình tiết đó có mục đích giúp ta trong quá trình vượt thoát những ý niệm để có thể tiếp xúc được với Bản môn, nghĩa là với tự thân của thực tại.



(8) Na-do-tha là chữ phiên âm của tiếng Phạn, có nghĩa là một số
rất lớn.  Trong hệ thống số học, Na-do-tha bằng 1027.  Hai số
lớn hơn là Bất-tư-nghị (1028 ) và Vô-lượng (1029 )