Hoa sen và các tông phái trong đạo Bụt
Nhật có một tông phái do Thầy Nhật Liên (Nichiren) thành lập, gọi là Nhật Liên Tông. Tông phái này lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản cho tư tưởng và sự thực hành. Đây là một tông phái nặng về thực hành, và phương pháp thực hành của họ là thay vì niệm Bụt, họ niệm Pháp. Ta biết rằng trong đạo Bụt có rất nhiều phương pháp tu học. Phương pháp niệm có công năng thoa dịu những đau khổ, những nhọc nhằn, những vọng tưởng của mình. Âm thanh của Bụt về được với thân tâm ta thì ta sẽ thấy êm dịu nhẹ nhàng, thanh thoát. Nếu những năng lượng của Bụt như thức tỉnh và thương yêu về an trú trong ta và nếu ta tiếp nhận được chúng từ đáy tim, thì ta sẽ được khoẻ khoắn vô vàn.
Niệm Bụt có thể dùng âm thanh, gọi là Trì danh, mà cũng có thể dùng hình ảnh, gọi là Quán tưởng. Niệm Bụt cũng có thể dùng hơi thở, gọi là Sổ tức. Đưa tất cả những tính chất của Bụt về trong tâm thức mình, hoặc bằng hình ảnh, âm thanh, hoặc bằng đức tính hay giáo pháp (recollections of the Buddha). Tuy vậy, phái Nhật Liên Tông không chủ trương niệm Bụt, mà lại chủ trương niệm Pháp, tại vì Pháp niệm là một trong nhiều phương pháp €nussati. Pháp của họ niệm là Pháp Hoa, và câu niệm của Tông phái Nhật Liên là Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
Như ta đã biết, kinh Pháp Hoa đã đạt đến một địa vị rất lớn trong kho tàng kinh điển đạo Bụt, và thường được xem là Vua của các kinh, cho nên niệm kinh này là niệm tất cả các kinh. Kinh thì có chứa Bụt, vì vậy mà niệm Pháp cũng là niệm Bụt và đồng thời cũng là niệm Tăng. Niệm như vậy thì trong tâm sẽ có niềm tin. Câu niệm tiếng Nhật là Namu Myõhõ Reng-kyõ. Kyõ là Kinh, Reng là Liên Hoa, và Myõhõ là Diệu Pháp. Vì vậy mà ta thường thấy các thầy thuộc tông phái này tay cầm trống đánh nhịp, miệng niệm Namu Myõhõ Reng-kyõ theo từng bước chân. Đó là phương cách thực tập của họ, cũng giống như những người tu trong các đạo tràng tịnh độ của ta, tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Tôi thích lần chuỗi hạt hơn vì nó im lặng, dễ thương, còn đánh trống thì có thể làm bận tâm người nghe. Tuy vậy tiếng trống cũng có thể giúp người khác thức tỉnh và quay về với việc thực tập niệm Bụt.
Hồi sang Ấn Độ hoằng Pháp, lúc viếng thăm thành phố VaiỐ€li, mỗi buổi sáng tôi đều được nghe tiếng trống của một vị sư thuộc Nhật Liên Tông, từ chùa Nhật Bản đi sang Tháp Bụt, nằm bên hông của cư-xá nơi chúng tôi ở. Sáng nào đúng vào giờ đó, chúng tôi cũng được nghe tiếng trống tung, tung, tung hòa theo tiếng niệm Namu Myõhõ Reng-kyõ của vị Tăng người Nhật, rất thanh thoát trong buổi sáng tinh sương.
Như vậy có những tông phái chuyên niệm Bụt, có những tông phái chuyên niệm Pháp, và chúng ta cần thêm một tông phái chuyên niệm Tăng, tại vì Tăng Bảo rất quan trọng mà mình thường coi nhẹ. Sở dĩ vậy là vì đôi khi mình thấy Tăng bảo làm cho mình buồn phiền. Thánh Tăng thì mình ít có dịp được tiếp xúc, còn trong phàm tăng thì thế nào cũng còn có những buồn, giận, ganh, ghét, cho nên mình không tin tưởng mấy. Tuy nhiên nếu không có Tăng thì Bụt và Pháp cũng không có, và chính nhờ những phàm tăng mà mình mới có cơ hội nhìn vào để tự tu sửa, mà chuyển hóa chính mình. Vì vậy các Thầy, các Sư Cô, Sư Chú sau này nên ráng lập nên một tông phái, gọi là Tông phái niệm Tăng, Sanghanussati.
Phái Nhật Liên Tông, tiếng Nhật là Nichiren-shũ, sau này được cải cách, và một tông phái mới ra đời gọi là Nhật-Liên Chân-Tông (Nichiren-shõ-shũ). Từ đây đã phát xuất ra những giáo phái hiện đang hoạt động rất mạnh tại Nhật Bản, ví dụ như Sáng-Giá-Học-Hội (Sõkagakkai), một giáo phái rất mạnh, đã làm nơi nương tựa cho một đảng chính trị rất bề thế ở Nhật. Một tông phái lớn mạnh khác đã từng mời tôi sang giảng diễn là tông phái Lập-Chính Giải-Chính (Risshõ Koseikai), họ có đại biểu trong quốc hội.
Đời Hậu Lê, miền Bắc Việt-nam có một tông phái gọi là Liên Tông, do một vị trong Hoàng phái là Lân Giác Đại Sĩ thành lập. Tục truyền rằng lúc đào đất để làm hồ và xây nhà, đại sĩ tìm thấy một cọng sen ở trong đất. Ngài nghĩ rằng đây là ý của Bụt, Pháp và Tăng muốn mình lập một ngôi chùa ở đây, cho nên đã cho xây Chùa và thành lập một thiền phái để tu học, gọi là Liên Tông. Nếu có thì giờ, quí vị nên sưu tầm, nghiên cứu thêm về tông phái Phật Giáo này. Trong Việt-nam Phật Giáo Sử Luận, quyển III có một ít tài liệu về phái Liên Tông. Tư tưởng về Hoa Sen cũng đã có từ đời nhà Lý. Một hôm vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát đưa cho một cành sen, thức dậy, vua bàn với các quan trong triều và các quan đề nghị nên xây một ngôi chùa có hình thái hoa sen để thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì vậy năm 1049 vua đã cho xây Chùa Diên Hựu, tức là Chùa Một Cột ngày nay.
Hoa sen trắng tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh, cho cái Phật tánh mà ai cũng có trong người của mình. Vì vậy cho nên thông điệp chính của kinh Pháp Hoa là tất cả mọi người đều có hạt giống giác ngộ, hạt giống Bụt trong lòng: Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, ai cũng có thể trở nên một vị toàn giác, một vị Bụt. Tư tưởng này tiềm tàng trong các kinh Nguyên Thủy và các kinh Đại Thừa xuất hiện trước đó. Mãi cho đến khi kinh Pháp Hoa ra đời thì tư tưởng đó mới thật sự biểu hiện một cách tuyệt đối.